Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Một trăm câu chuyện – Hà Nội kể (2)

 Ngô Nhật Đăng

 

CẦU LONG BIÊN

 

Đêm qua lại nằm mơ thấy mùa Đông. Ký ức thật kỳ lạ, như một thứ hoa nằm sâu dưới đáy vực rồi đột ngột trồi lên, nở bung, xòe những cánh hoa rực rỡ trên mặt nước. Cái mùa Đông mờ ảo ấy, một thằng bé gần 10 tuổi dắt đứa em lên 5, đứng tần ngần ở đầu cầu Long Biên phía Gia Lâm ngó về Hà Nội. Nghe người lớn xôn xao: “Giôn-xơn ngừng ném bom miền Bắc rồi”, thế là nó nảy ra ý định trốn về thành phố, thằng em cũng lẽo đẽo đòi theo.

Một người đàn bà đứng tuổi, mặc cái áo bông to sụ hỏi:

- Bố mẹ đâu mà chỉ có hai anh em?

Chưa kịp trả lời thì bà hỏi tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn:

- Nhà các cháu ở phố nào?

- Dạ, gần vườn hoa Hàng Đậu ạ.

- Thế thì gần thôi, đi theo bác, bác dắt qua cầu.

Qua cầu, đó là hai thanh đường ray xe lửa được bắc qua cái nhịp cầu đã bị rụng xuống lòng sông vì bom đánh trúng. Đoàn người như một đàn kiến, bò nối đuôi nhau, nhích từng bước chậm chạp để sang phía bên kia. Trời đã tối, gió mùa đông bắc thổi ù ù từ bãi Giữa, lạnh buốt. Thằng bé hít một hơi dài, nói với em:

- Trèo lên anh cõng, nhớ bám chặt nhé.

Rồi nó quỳ xuống, bò bám theo người đàn bà tốt bụng. Thằng bé nhắm mắt, không dám nhìn xuống cái vực thẳm đen ngòm bên dưới, hai thanh ray rung rung, gió vẫn thổi ù ù, nó cắn răng nhích từng chút một. Người đàn bà bò phía trước bỗng rú lên, cả thân người trượt ra ngoài, hai cánh tay cố bám lấy thanh ray một chút ngắn ngủi rồi rơi tõm xuống khoảng không đen ngòm phía dưới. Thanh ray rung bần bật, đứa em trên lưng thằng bé cứng đờ người, hai tay xiết chặt vào cổ làm thằng anh như nghẹt thở. Nó chỉ nghĩ: “Không được ngã, ngã thì em mình sẽ chết”. Thời gian như vô tận, nó bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng người lao xao ngay trước mặt: “Bình tĩnh, từng người qua một thôi”. Thằng anh mở mắt, chỉ còn vài mét nữa là sang tới bên kia, nơi an toàn, người vừa nói lia cây đèn bão nhìn sang rồi kêu lên:

- Trời, trẻ con. Nằm im đó để chú đưa sang.

Rồi ông khéo léo, bước trên cái giàn giáo dựng bên dưới, đỡ hai anh em nó. Nó vẫn còn nghe được tiếng từ phía dưới vọng lên:

- Chị ấy chỉ bị ngất thôi, không bị thương ở đâu cả.

Thì ra, người đàn bà rơi trúng vào mấy người thợ cầu đang sửa chữa ở bên dưới. Và phép lạ đã xảy ra.

Một người thợ cầu dúi cho thằng bé một bắp ngô nướng:

- Được, đáng mặt đàn ông.

Nó đã không ăn bắp ngô đó, phơi khô và giữ rất lâu như một phần thưởng đầu đời.

Lướt Facebook, nhặt được một câu trên trang của một nhà văn: “Ném một bông hoa xuống giếng, rồi chờ tiếng vọng của nó”.

Ký ức cũng như tiếng va chạm nhẹ nhàng của cánh hoa với mặt nước trong cái giếng sâu trí nhớ.

Một lần qua cầu Long Biên, thằng em (giờ đã là ông nội) bỗng nhiên hỏi:

- Anh còn nhớ lần anh cõng em bò qua chỗ này không?