Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Bài giảng trong thánh lễ an táng Nhà văn hoá Nguyễn Đình Đầu, tại nhà thờ Huyện Sỹ, Sài Gòn, 23/9/2024

Giám mục Nguyễn Thái Hợp

This image has an empty alt attribute; its file name is image-53.png

Kính thưa quý thân nhân của cụ Giuse Nguyễn Đình Đầu, bạn hữu và tất cả ông bà anh chị em có mặt trong buổi ngày hôm nay, để lần cuối cùng tiễn đưa một nhà trí thức, một người thân, một người bạn, một người đồng nghiệp rất được yêu thương và kính trọng của chúng ta về nơi quê hương vĩnh cửu.

Đã làm người thì ai cũng phải chết, nhất là ở vào cái tuổi đại thọ 104. Tuy nhiên, cái chết đến bất ngờ của cụ đã làm nhiều người ngỡ ngàng. Như bản thân tôi, khi nghe tin đã giật mình vì chiều ngày 19 tháng 9, chúng tôi vừa đến làm việc với cụ, xin cụ quay một đoạn video làm kỉ niệm; nhiều câu hỏi đặt ra, cụ vẫn nhớ và đáp lời một cách tinh tường. Thế mà chỉ hôm sau, ngày 20, cụ đã từ giã cuộc đời này.

Với một cuộc đời 104 năm, có thể nói cụ đã trải qua mọi thăng trầm của lịch sử: hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, chiến tranh, loạn lạc, di cư, tản cư, bom rơi đạn lạc, với nhiều tang thương của đất nước và phân ly của lòng người. Bất chấp mọi bất trắc của thời cuộc, cụ Nguyễn Đình Đầu đã là một con người đặc biệt, không những can đảm bước đi giữa hai làn đạn, mà còn giữa nhiều chế độ, nhiều cảnh ngộ và nhiều nền văn hóa.

Trong tinh thần tự học, cụ cố gắng tiếp thu nhiều luồng tư tưởng phương Đông lẫn phương Tây, cả cổ lẫn kim. Sau 70 năm miệt mài nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, cụ đã để lại một gia tài đồ sộ với hàng trăm tác phẩm và các bài nghiên cứu khoa học về địa bạ triều Nguyễn, bộ sưu tập bản đồ, sách và gốm sứ quý giá.

Là một người yêu nước chân chính, bên cạnh các công trình nghiên cứu hàn lâm, cụ vẫn luôn luôn là một trí thức dấn thân, luôn đau cái đau của đồng bào, luôn chạnh lòng trước vận rủi của quê hương. Ngay từ năm 1948, Nguyễn Đình Đầu đã làm trợ tá cho ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế trong chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu thế kỷ XXI, cụ cộng tác tích cực với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình với nhiều học giả, trí thức yêu nước, công bố những tấm bản đồ và các tác phẩm về Hải đảo Việt Nam để bảo vệ chủ quyền đất nước, chống lại chủ trương đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, cụ có mặt trong danh sách những người đã ký “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” đề nghị đổi tên nước, trả tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ, chấm dứt trấn áp... Cụ luôn hiện diện trong mọi việc lớn của đất nước.

Cụ Nguyễn Đình Đầu giã từ trần gian khi đang chuẩn bị bước sang tuổi 105. Người xưa vẫn cho rằng thất thập cổ lai hy. Thế mà cuộc đời của cụ đã hơn trăm năm. Như vậy đã là thọ lắm. Tuy nhiên, xét về phương diện tâm linh và khi đối chiếu với Vĩnh cửu thì chiều dài của một đời người dù sao vẫn là quá ngắn. Chính cụ Nguyễn Gia Thiều đã thú nhận về cái mong manh của phận người: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì?”. Trong viễn tượng đó, niềm tin Kitô giáo mời gọi chúng ta suy nghĩ, kiếm tìm và phấn đấu để đạt được cuộc sống bên kia trần thế này.

Qua bài Tin Mừng về Bài Giảng Trên Núi chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu long trọng tuyên bố Bát phúc:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Suốt cuộc đời, cụ Đầu tận tụy nghiên cứu, vì dân, vì nước và đã để lại cho xã hội một kho tàng sử liệu lớn lao. Tuy nhiên, có lẽ cụ vẫn chưa được đền bù tương xứng. Có những giai đoạn cụ bị hiểu lầm, các tác phẩm không được xuất bản hay bị cấm phát hành, thiệt hại về kinh tế. Nhưng cụ vẫn luôn an bần lạc đạo, chấp nhận sống nghèo để phục vụ chân lý và quê hương. Xin Thiên Chúa ban Nước Trời cho cụ!

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Thế hệ của cụ có thể nói là thế hệ sinh bất phùng thời, sinh ra và lớn lên đều trong giai đoạn chiến tranh, bao nhiêu người phải ra đi, bao nhiêu người đi mà không trở về. Cái nét buồn nhân sinh đó đọng trong cái nhìn của cụ. Xin Thiên Chúa ủi an cụ và tất cả những ai đồng cảnh ngộ!

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Nếu ai đã từng tiếp xúc với cụ Nguyễn Đình Đầu, đều nhận thấy con người cụ hiền hoà, nhỏ nhẹ, từ tốn. Xin Thiên Chúa ban Nước Trời làm cơ nghiệp cho con người đã chọn sự hiền lành bất chấp những khó khăn của hoàn cảnh.

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. Cụ Nguyễn Đình Đầu là một trí thức dấn thân, cụ dấn thân trong nhiều lĩnh vực: nghiên cứu sử học, xã hội, chính trị. Và cụ cũng là một người Công giáo dấn thân, trong Phong trào Thanh niên lao động Công giáo Sài Gòn và trong nhóm trí thức Công giáo. Vì sự dấn thân đó mà nhiều khi cụ bị hiểu lầm, bị bách hại vì sự công chính. 70 năm trời cặm cụi nghiên cứu, điều cụ theo đuổi là sự thật, để lại sự thật cho thế hệ mai sau.

“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chính vì mong muốn kiến tạo hoà bình, nên cụ đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhứt ngày 29 tháng 4 năm 1975 để mong tìm một giải pháp ngưng chiến, bất chấp những chỉ trích, hiểu lầm…

Kính thưa cộng đoàn, trong 104 năm làm người Công giáo, làm người công dân, cụ đã chu toàn bổn phận, với gia đình, đồng nghiệp, cuộc đời. Thay mặt cho thân nhân và bạn bè đang hiện diện tại đây, tôi xin được nói lời tạm biệt cụ, mong cụ ra đi bằng yên, bỏ lại tất cả những gì còn dang dở ở đời này.

Hẹn tái ngộ cùng cụ Nguyễn Đình Đầu nơi quê hương Vĩnh cửu!

This image has an empty alt attribute; its file name is image-54.png

This image has an empty alt attribute; its file name is image-55.png