Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Vài ý kiến sau khi đọc bài của Trịnh Lữ đăng trên trang Facebook cá nhân của ông

Yến Năng

440938561_2483589018487471_3428604089410764534_n

Nghệ sĩ Yến Năng

Trịnh Lữ mở đầu bài viết: Đây là cảm nghĩ của tôi khi đọc "Against Interpretation" của Susan Sontag”, tôi hiểu câu này là: đây là cảm nghĩ của Trịnh Lữ về bài viết của Susan Sontag, chứ không phải nội dung "Against Interpretation" hay ý của Susan Sontag. Tuy nhiên, trong bài viết Trịnh Lữ nhiều lần diễn đạt làm cho người đọc hiểu rằng, nội dung bài viết là ý của Susan Sontag, thông qua các cụm từ như: “Bà tin rằng”, “Theo Susan Sontag”, “Susan Sontag lên tiếng phản đối”, “Giờ đây, bà kết luận”… Thì tôi lại cho rằng, Trịnh lữ đang diễn giải lại ý của Susan Sontag trong bài viết của bà. Đặc biệt ở câu cuối, kết thúc bài, Trinh Lữ viết: “Tôi đồng ý với bà.”, như vậy tức là nội dung bài viết là ý của Susan Sontag và Trịnh Lữ chỉ đồng ý thôi, chứ bài viết không phải cảm nghĩ của Trịnh Lữ. Câu đầu và câu cuối mâu thuẫn với nhau làm tôi hoang mang. Nhưng bản thân tôi lại không biết ngoại ngữ đủ để có thể tự đọc bản gốc, nên tôi tạm gác lại câu hỏi, nội dung bài viết là ý của Susan Sontag hay ý của Trịnh Lữ. Tôi chỉ căn cứ trên nội dung văn bản tiếng Việt mà Trịnh Lữ viết trên Facebook của ông để đưa ra ý kiến riêng của mình.

Đồng ý rằng để trải nghiệm một tác phẩm nghệ thuật như một thấu nhập của người xem/nghe/nhìn vào chính nó, chứ không phải qua trung gian của ngôn ngữ phê bình. Nhưng như thế không có nghĩa là phê bình cản trở sự “thấu nhập” của người trải nghiệm, ngược lại, hiểu biết về phê bình giúp người ta có cơ may “thấu nhập” nghệ thuật một cách sâu sắc hơn. Phê bình nghệ thuật là bàn và đánh giá về nghệ thuật, như thế không phê bình nào tránh được việc diễn giải và giải mã. Mà ngay cả khi chống diễn giải, thì bản thân cái “chống” đó, cũng là một cách diễn giải. Và chắc chắn phê bình diễn giải không phải chỉ để cố tìm ra “ý nghĩa” của một tác phẩm, lại càng không đúng nếu “ý nghĩa” đó hiểu theo kiểu văn học. Mà nhiều khi là giúp người ta hiểu hơn về ngôn ngữ tạo hình. Một người nghệ sĩ trước khi sáng tác chắc chắn hắn phải dự kiến sáng tác theo một cách nào đó, những ý định đó chính là (một mức độ nào đó của) lý thuyết. Và sau khi tác phẩm hoàn thành, hẳn là hắn sẽ thấy hài lòng/ chưa hài lòng/ tạm chấp nhận hay thất vọng, tức là hắn tự đánh giá về tác phẩm của mình có đạt so với dự kiến ban đầu không. Và cũng có thể, ý định ban đầu sẽ thay đổi trong quá trình làm việc, khi đó, rất có thể một lý thuyết mới đã ra đời. Về bản chất, xem lại tác phẩm của mình chính là phê bình và phê bình này không thể không căn cứ trên cái lý thuyết trước khi hắn làm hoặc phát sinh trong khi làm. Cảm nhận về một tác phẩm cũng không nằm ngoài phê bình, phê bình của chính người trải nghiệm. Thế thì phải dựa trên một lý thuyết nào đó mới có thể phê bình là đương nhiên. Nó đâu phải vấn đề. Bản thân nghệ thuật là tri thức, hơn thế, là tri thức cổ xưa nhất và sẽ tiếp tục chung thủy đồng hành cùng nhân loại. Người ta tin rằng, khi chưa có chữ viết, con người đã vẽ. Những hình vẽ trên hang động và nghệ thuật tiền sử hàng chục ngàn năm trước là gì, nếu không phải là tri thức thuở bình minh của loài người? Có điều, tri thức ban đầu ấy mang tính trực giác nhiều hơn là suy xét lý trí (người ta gọi là “tiền logic”). Tiến trình lịch sử đã thay đổi tỷ lệ giữa trực giác và lý trí, càng ngày lý trí càng trội hơn. Và cũng như mọi tri thức khác, kho tàng nghệ thuật và phê bình nghệ thuật ngày càng trở nên đồ sộ. Hiểu biết về những tri thức ấy càng nhiều, cảm nhận về nghệ thuật càng sâu, cảm xúc càng thêm nhiều tầng mức. Sao có thể đổ lỗi cho tri thức nghệ thuật là thủ phạm làm khô cứng cảm xúc? Và thật hàm hồ khi cho rằng, nghệ thuật ý niệm là con đẻ của sự mất cảm xúc của người thưởng ngoạn. Bất cứ ai có biết chút ít về nhận thức con người đều biết, không bao giờ có cảm xúc độc lập hoàn toàn với tư duy và ngược lại. Tư duy và cảm xúc luôn là hai mặt của cùng một vấn đề, chỉ có khi nào thì cái nào trội hơn mà thôi. Chúng theo nhau như bước chân trái và bước chân phải, luôn nối tiếp và nâng đỡ nhau, chứ không đối nghịch hoặc triệt tiêu nhau. Không thể có cảm xúc sâu sắc khi hiểu biết nông cạn. Thiếu tri thức về nghệ thuật, người ta không thể hiểu vì sao cốc nước không chỉ là cốc nước, bông hoa chưa chắc chỉ là bong hoa, sự im lặng trong 4 phút 33 giây trước một cây dương cầm lại là một bản nhạc…

Đúng là phê bình diễn giải, giải mã có thể thao túng, đánh lạc hướng hay tác động đến cảm nhận của người trải nghiệm nghệ thuật, ngay như bài viết này của Trịnh Lữ cũng chi phối và thao túng không ít công chúng nghệ thuật, thậm chí chi phối cả nhận thức của nhiều nghệ sĩ. May, nó chỉ ảnh hưởng đến những người thiếu tri thức nghệ thuật và thiếu tư duy độc lập. Với những ai thực sự am hiểu nghệ thuật, phê bình bao giờ cũng là một cách nhìn chủ quan nào đó, nó khó lòng làm hỏng sự cảm thụ nghệ thuật hay cảm xúc trước nghệ thuật của họ.

Có thể nói nhiều nữa về bài viết nhiều luẩn quẩn này của Trịnh Lữ. Nhưng chỉ chừng đó thôi, cũng có thể kết luận, hoặc là Trịnh Lữ hiểu sai về tiểu luận của Susan Sontag, hoặc Susan Sontag là một nhà lý luận tồi.

Đọc bài viết của Trịnh Lữ ở đây: Fb Trịnh Lữ

                                                                                                               30/7/2024

                                                                                                                    Y. N