Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Benjamin Péret - 5 bài thơ

Benjamin Péret (1899-1959) là nhà thơ đầu tiên của phong trào Siêu thực Pháp, bắt đầu vào những năm 1920. Ông là một nhân vật nổi bật và có ảnh hưởng trong giới Siêu thực. Sau khi chuyển đến Paris vào năm 1920, ông gặp André Breton. Péret trở thành nhà thơ của phong trào văn học và nghệ thuật Dada, phong trào này ra đời từ sự vỡ mộng mà nhiều người cùng thế hệ với ông cảm thấy do trải nghiệm của họ trong Chiến tranh. Tập thơ đầu tiên của Péret, Le Passenger du Transatlantique, được xuất bản vào năm 1921 và ông tiếp tục xuất bản các tập thơ trong suốt bốn thập kỷ tiếp theo. Năm 1922, theo sự dẫn dắt của Breton, ông tách khỏi phong trào Dada để chuyển sang chủ nghĩa Siêu thực. Ông đồng biên tập tạp chí La Révolution Surréaliste của Breton từ năm 1924 đến năm 1925. Péret được các nhà văn theo chủ nghĩa Siêu thực vô cùng ngưỡng mộ vì sự trung thành và kiên định của ông với những lý tưởng văn học, đặc biệt là trong thực hành “viết tự động”, mà Péret có lẽ là nhà thơ thành công nhất. Những bài thơ của ông, vẫn nhất quán trong suốt bốn thập kỷ, được đặc biệt chú ý vì tính vui tươi và hài hước. Mary Ann Caws, người đã viết nhiều về Péret và các nhà thơ siêu thực Pháp, mô tả tính cách của Péret là "lập dị" và lưu ý rằng: “Là một con người, Péret đã gây ấn tượng sống động. Một số chi tiết nổi bật trong tất cả các lời kể của ông – rằng ông đeo những chiếc cà vạt lòe loẹt, có tiếng cười khàn khàn và sự căm ghét hoàn toàn không thể ngăn cản đối với các giáo sĩ, nhổ nước bọt vào họ trên đường phố.” Thơ của Péret được chú ý vì tính nhất quán, tuân thủ các nguyên tắc của phong trào Siêu thực. Vì vậy, Elizabeth R. Jackson nhận xét, “Người ta không thể nói chính xác sự phát triển trong suốt nhiều năm” về tác phẩm văn học của Péret, mà “chỉ về sự tiến hóa nhẹ nhàng”. Trong Le Passenger du Transatlantique, tập thơ đầu tay của Péret, các bài thơ đặc biệt vui tươi và hài hước. Các tập Immortelle Maladie (1924) và Sleep, Sleep in the Stones (1926) chịu ảnh hưởng của lý thuyết tâm lý học, sử dụng hình ảnh mộng mơ và có tông màu tối hơn.

Benjamin Péret là nhà thơ trung thành nhất của chủ nghĩa Siêu thực vì ông không bao giờ sai lầm với lý thuyết của mình; ông là người duy nhất luôn cảm thấy thoải mái khi viết tự động. Người ta nói rằng ông đã ngồi hàng giờ trong những quán cà phê ồn ào để viết nguệch ngoạc từ trang này sang trang khác và sửa chữa rất ít. Trong cách viết tự phát của mình, hình ảnh nối tiếp hình ảnh mà nhà thơ không hề nỗ lực rõ ràng. Người đọc không ý thức được sự căng thẳng hay cường điệu, mà chỉ ý thức được một dòng hình ảnh nhất quán với một thế giới riêng của nhà thơ. Người đọc sẽ cảm thấy bớt xa cách với Péret, nhà thơ có vũ trụ dễ bước vào hơn.

Một lý do khiến thơ Péret dễ tiếp cận là ở chỗ, mặc dù có vẻ ngoài khó hiểu nhưng chúng thực sự có cấu trúc, đôi khi bên ngoài, đôi khi bên trong. Tính quy luật bên ngoài rõ ràng nhất của bài thơ là hình thức câu logic của nó. Bài thơ cũng có thể được xây dựng dựa trên những âm thanh tương tự hoặc được kết hợp với nhau theo một phong cách cụ thể. Nhiều bài thơ của Péret đã hoàn chỉnh và không thể tiếp tục; những lời cuối cùng chắc chắn là cuối cùng. Và sau một nhóm hình ảnh u ám, người ta thấy cảm giác vui vẻ. Những câu chuyện của Péret, giống như những câu chuyện phi siêu thực, bị ràng buộc vào một khuôn khổ ít nhất có thể nhận ra được bởi các sự kiện; và chúng không thể đảo ngược được. Mọi chuyện xảy ra, thời gian trôi qua, và cái kết rõ ràng đã khác với lúc đầu.

Vài ví dụ về thơ Benjamin Péret: Bài thơ Cầu thang trăm bậc (L’escalier aux cent marches) thể hiện hình ảnh siêu thực và mơ mộng đặc trưng của phong trào tiên phong những năm 1920 và 1930. Nó gợi lên cảm giác xa lạ và phân mảnh thông qua các cụm từ trừu tượng và rời rạc, phản ánh bản chất hỗn loạn và phân mảnh của thời đại. Bài thơ thiếu cấu trúc tường thuật thông thường, dựa vào cách tiếp cận dòng ý thức nắm bắt được những suy nghĩ thoáng qua và rời rạc của người nói.

So với các tác phẩm khác của Péret, bài thơ này thể hiện giọng điệu vui tươi và phi lý tương tự, sử dụng phép ẩn dụ không quy ước và sự đối lập bất ngờ. Sự ngắn gọn của bài thơ góp phần tạo nên hiệu ứng phân mảnh và mất phương hướng của nó. Thông qua việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh không theo quy ước, và tập trung vào tiềm thức và mơ mộng, bài thơ thách thức các quan niệm truyền thống về thực tế và ý nghĩa – đặc trưng của phong trào Siêu thực.

Bài thơ Chế tạo chân tay (Making Feet And Hands) trình bày một bức tranh siêu thực và rời rạc về hình dạng con người và những tương tác của con người với thế giới. Hình ảnh của bài thơ không theo quy ước, đối lập giữa cái tầm thường và trừu tượng theo những cách không ngờ tới. Ví dụ, đôi mắt được nhân cách hóa thành một thực thể tự chủ, trong khi những chiếc thang trở nên mềm mại như trẻ sơ sinh. Bài thơ không có cốt truyện rõ ràng, thay vào đó, nó khám phá một dòng ý thức đi sâu vào tiềm thức và cõi vô lý. Sự khác biệt này so với thơ ca thông thường tạo ra cảm giác mất phương hướng và thách thức người đọc tham gia vào bài thơ ở cấp độ phi lý trí. So với các tác phẩm khác của tác giả, bài thơ này thể hiện sự vui tươi và thử nghiệm tương tự với ngôn ngữ. Péret khám phá phong trào Siêu thực và bài thơ này thể hiện tính thẩm mỹ đó, kết hợp hình ảnh giống như giấc mơ với lời phê phán các chuẩn mực xã hội. Bài thơ đi chệch khỏi các xu hướng chủ đạo của thời đại thường nhấn mạnh vào sự rõ ràng và lý trí. Thay vào đó, nó bao gồm sự rời rạc và không thể đoán trước, phản ánh tinh thần nghệ thuật của nền văn học tiên phong xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.

Dưới đây giới thiệu 5 bài thơ của Benjamin Péret, do Nguyễn Man Nhiên dịch từ nguyên tác Pháp ngữ Je ne dors pas; Clin d'oeil; L’escalier aux cent marches; Parle-moi; và từ bản Anh ngữ Making Feet And Hands.

ANH KHÔNG NGỦ

Hãy nói anh biết sự phản chiếu của màu xanh cô-ban

tại sao đàn quạ lại bay quanh em

như hòn than ôm lấy ngọn lửa bằng cách nuốt chửng

ớt

người luôn để lại những quả trứng đỏ trên môi em

Thánh George

đi đến phố Pigalle

đu võng ở quảng trường

vừa khít như viên đạn vào ngực với những quả bóng

trông rất giống một con quay hồi chuyển

trông giống Diêm Vương đang rũ bỏ Nữ Thần Mùa Xuân trong chiếc khăn tay của hắn

biến mất ở đường chân trời giống như quần đảo Eo Biển

từ đôi mắt em

gần Eo mũi em

đó là ánh trăng trong hầm mà anh

ăn trộm

hy vọng tìm thấy miệng con sói có hình dạng

không vết hằn trên ghế nha sĩ

không có lưới để bắt cá đầu muỗi

không có muỗi ngủ như đồng hồ hẹn giờ ở góc

rừng

không có thời gian gặm nhấm bộ xương của tổ tiên anh và

kẻ khác

giống tép tỏi trong sốt mayonnaise

thực sự

Tối nay

miễn là chúng ta rắc lên nó những cánh hoa hạnh nhân đắng

một không khí tuyệt vời của rượu vang mới

một chút a-xit

một chút dịu dàng

chua và ngọt

như ngọn núi lửa trẻ phun trào

dung nham sẽ tái sinh khuôn mặt em mãi mãi.

NHÁY MẮT

Những đàn vẹt bay qua đầu khi anh nhìn thấy em

từ phía trước

và bầu trời nhờn có vệt sét xanh

người theo dõi tên em theo mọi hướng

Rosa để kiểu tóc bộ tộc da đen đi lạc trên cầu thang

nơi cặp ngực sắc nét của phụ nữ nhìn qua con mắt

đàn ông

Hôm nay anh nhìn qua mái tóc em

Rosa ngọc mắt mèo buổi sáng

và anh thức dậy trong đôi mắt em

Rosa áo giáp

và anh nghĩ đến bộ ngực bùng nổ của em

Rosa mặt hồ ếch phủ xanh

và anh ngủ trong rốn biển Cát-xpi của em

Rosa hoa tầm xuân trong cuộc tổng đình công

và anh lạc giữa đôi vai em của dải Ngân hà do thụ tinh

sao chổi

Rosa hoa nhài trong đêm giặt

Rosa từ ngôi nhà ma ám

Rosa rừng đen tràn ngập tem bưu chính xanh xanh

Cánh diều Rosa bay trên vùng đất hoang nơi những đứa trẻ chơi trò

đánh giặc

Rosa khói xì gà

Bọt biển Rosa ánh pha lê

Rosa

CẦU THANG TRĂM BẬC

Đại bàng xanh và quỷ thảo nguyên

trong chiếc xe ngựa cuối cùng ở Berlin

tự vệ

những tâm hồn lang thang

Quán Moulin Rouge ở trường ăn xin

chờ đợi cậu sinh viên nghèo

Với đúng Thợ săn biết cách săn mồi

một ngày trả lương

Thợ săn biết cách săn mồi

như bố suy đoán

với nụ cười

Bằng thanh kiếm bằng thanh kiếm bằng thanh kiếm

con hổ biển mơ về hạnh phúc

báo thù

Trinh nữ mặc áo vét sông Hằng khóc Sự phù phiếm

khi xác thịt khuất phục

Dừng lại, nhìn và lắng nghe

con gà tây nổi tiếng dành cả ngày vui

xoay quanh trong một vòng tròn mê hoặc

với sự can đảm của sư tử

Ngài Thiếu tá

Paris của tôi

chú tôi đến từ Mỹ

trái tim và đôi chân tôi

nô lệ sắc đẹp

ngưỡng mộ những cuộc chính phục của Nora

chúng tôi yêu cầu một người đánh máy

cho tên cướp biển đen

Không, không thể được

người phụ nữ mặc quần áo đó là Góa Phụ Vui Vẻ

trở thành con mồi của gió

Bởi vì Bà tỷ phú Không Xấu Hổ

trong vỏ bọc của người khác

đang chạy đua một cách điên rồ

Con trai bà đã đúng

Viên tuần tra 129 đội

mũ rơm Ý

át chủ bài của những nài ngựa

đang bỏ rơi cô gái phiêu lưu

để lấy người phụ nữ

Đó là Trăng tháng Tư đuổi theo trâu

đến Nhà thờ Đức Bà Paris

Ôi người đàn ông với đôi mắt sáng

bất khuất

muốn phán xét anh theo luật sa mạc

nhưng những tình nhân với tâm hồn trẻ thơ đã ra đi

một hành trình đẹp đẽ

NÓI VỚI TÔI

Đen như khói, đen như thú, đen đen

hẹn gặp nhau giữa hai đài tưởng niệm chiến tranh

có thể nghe lọt tai tôi

nơi vang vọng giọng nói ma quái của mi-ca biển

nhắc mãi tên em

trông không giống nhật thực

rằng tôi tin vào chính mình khi em nhìn

một con chim sơn ca trong tủ lạnh em mở cửa

hy vọng nhìn thấy một con chim én dầu thoát ra

bốc cháy

nhưng từ chim sơn ca mùa xuân sẽ sinh ra nguồn dầu lửa

nếu em muốn

như một con én

muốn mùa hè chơi nhạc của bão tố

và biến nó thành một con ruồi

ai mơ thấy mạng nhện đường

trong một tấm kính mắt

đôi khi xanh như sao băng phản chiếu từ quả trứng

đôi khi xanh lá như dòng suối rỉ ra từ chiếc đồng hồ

CHẾ TẠO CHÂN TAY

Mắt đứng lên mắt nằm xuống mắt ngồi

Tại sao lại lang thang giữa hai hàng rào làm bằng lan can cầu thang trong khi những chiếc thang trở nên mềm mại

như những đứa trẻ sơ sinh

như những người lính Bắc Phi mất quê hương cùng đôi giày của họ

Tại sao lại giơ tay lên trời khi bầu trời

đã tự nhấn chìm mình mà không có vần điệu hay lý do

để giết thời gian và để ria mép mọc dài

Tại sao mắt tôi lại ngồi xuống trước khi đi ngủ

vì yên ngựa làm cho lừa đau

và bút chì gãy theo cách khó ngờ nhất

suốt thời gian

trừ những ngày dông bão

khi chúng gãy theo đường ngoằn ngoèo

và những ngày tuyết rơi

khi chúng xé toạc áo len của mình

Nhưng cặp kính cũ kỹ đã hoen ố

hát những bài hát khi nhặt cỏ cho mèo

Những chú mèo đi theo đám rước

mang cờ và cờ hiệu

Đuôi cá bắt chéo trái tim đang đập

cổ họng thường xuyên nhô lên hạ xuống bắt chước biển xung quanh

và con cá xoay quanh chiếc quạt gió

Cũng có những bàn tay

dài trắng với móng xanh tươi

và những khớp ngón của sương

lông mi rung rinh nhìn bướm

buồn bã vì ngày đã phạm sai lầm trên cầu thang

Cũng có những đôi tình nhân tươi như nước chảy

nhảy lên nhảy xuống trong thung lũng

vì họ được nắng chạm vào

Họ không có râu nhưng đôi mắt trong veo

họ đuổi theo chuồn chuồn

không để ý đến những gì mọi người sẽ nói

...

Artwork: David M. Kessler