Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 2)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002
Gerhard Will

Chương 2 “Tiểu Trung Hoa” hay “Đại Việt”

Các sử gia Pháp cũng như sử gia nhiều nước châu Âu khác thường bị các đồng nghiệp Việt Nam chê trách ở chỗ họ bỏ qua tính xác thực của Việt Nam cũng như nền văn hóa và lịch sử đất nước này và coi nó không hơn một “Tiểu Trung Hoa” là bao, một đất nước dù nỗ lực bao nhiêu để noi theo tấm gương của nước láng giềng phương Bắc, mãi mãi vẫn chỉ là bản sao chép không hoàn chỉnh của nền văn minh Trung Hoa, nền văn minh đã khiến các học giả châu Âu say mê suốt từ thế kỷ 17 đến giờ.1

Huyền thoại

Bởi vậy, cũng không đáng ngạc nhiên lắm, khi ở Việt Nam, người ta dùng một tự sự đối lại bức tranh “Tiểu Trung Hoa” đó, một tự sự xuất phát từ những tiền đề khác hẳn. Tự sự này đặt giờ phút ra đời của Việt Nam trùng với sự thành lập của Vương quốc Văn Lang và triều đại các Vua Hùng, tức là đẩy nó lùi rất xa vào thời tiền sử. Dù cho sự tồn tại của vương quốc này đến nay vẫn còn hoang đường đến thế nào đi nữa, thì niên đại ra đời của nó vẫn được xác định chính xác là năm 2879 trước Công nguyên; đó là niên đại lần đầu tiên xuất hiện trong công trình của nhà sử học Việt Nam Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ 15.

Với niên đại này, người ta có thể đặt yêu sách về sự ngang hàng, hay ít nhất về một lịch sử lâu đời như nhau của hai nước, nếu thậm chí không nói là lịch sử Vương quốc Văn Lang còn lâu đời hơn cả các triều đại nổi tiếng của Trung Hoa là nhà Hạ (thế kỷ 21-16 trước Công nguyên) và nhà Thương (thế 16-11 trước Công nguyên), những triều đại vốn đã trở thành các bộ phận chắc chắn trong huyền thoại lịch sử Trung Hoa. Hơn thế nữa, với niên đại rất xưa này, người ta có thể có cơ sở để quả quyết rằng, hơn 2000 năm trước khi bị Trung Quốc xâm lược, đã từng tồn tại một nước Việt Nam độc lập. Chính vì thế, tất cả các triều đại ở Việt Nam, khởi đầu từ nhà Lý trong thế kỷ 11 đến Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn, đều đặt tên nước là Đại Việt.2

Như thế có nghĩa là trong thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên đã xuất hiện mầm mống của một nước Việt Nam đồng nhất về văn hóa và chủng tộc, một sự đồng nhất được bảo vệ và không ngừng phát triển qua các thiên niên kỷ và thế kỷ về sau. Trung Quốc tuy đã chiếm đóng Việt Nam hơn một nghìn năm (111 trước Công nguyên – 938 sau Công Nguyên) và sau đó cũng nhiền lần mưu toan tấn công thôn tính Việt Nam, song Việt Nam đã đánh bại tất cả các cuộc tấn công đó. Chính trong cuộc đối đầu này với Trung Quốc, Việt Nam đã khơi dậy lòng tự tôn và ý chí độc lập kiên cường của nhân dân Việt Nam, một ý chí đã góp phần quyết định vào các chiến thắng chống chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mĩ trong thế kỷ 20.

Bức tranh đó về đất nước Việt Nam, một đất nước đã mang truyền thống và nền văn hóa lâu đời suốt từ thời cổ đại đến nay, một nền văn hóa độc lập và không thua kém văn hóa Trung Hoa, và được đất nước này bảo vệ và củng cố – bất chấp các cuộc gây hấn liên tục của Trung Quốc – là một huyền thoại lịch sử bắt nguồn từ thế kỷ 13 xa xưa và, cho đến tận ngày nay, vẫn còn thể hiện tác dụng chính trị hết sức to lớn của nó.

Niềm tin vào huyền thoại này và sự thừa nhận nó một cách rộng rãi dựa một phần không nhỏ vào một sự thật rằng huyền thoại đó không phải là một câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng ra về những nhân vật siêu phàm ở nơi siêu tự nhiên nào. Các tài liệu cổ, của cả Trung Quốc lẫn của Việt Nam, đều cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam, mà lãnh thổ hồi đó chiếm khoảng một phần ba vùng đất phía Bắc lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từng là một bộ phận hay một tỉnh của Đế chế Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công Nguyên. Một sự thực nữa cũng không thể chối cãi là sau khi tách khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã liên tục bị các triều đại Trung Hoa, từ nhà Tống trong thế kỷ thứ 10 cho đến nhà Thanh cuối thế kỷ 18, gây hấn. Nửa đầu thế kỷ 15, Việt Nam lại bị chiếm làm đất của Đế chế Trung Hoa gần hai chục năm. Nhưng các sự kiện này được đưa vào huyền thoại chỉ thuần túy dưới dạng các xung đột quân sự của hai nước mà thôi, còn các khía cạnh hợp tác nhiều mặt giữa hai bên đều không được đề cập đến.

Công cuộc khai quật khảo cổ trong các năm 1950 và 1960, do Chính phủ ở Hà Nội kiên quyết cho tiến hành trong những điều kiện hết sức khó khăn, đã tìm thấy hàng loạt hiện vật và bằng chứng cho thấy sự tồn tại của nhiều hệ thống chính trị và các xã hội, trong đó kỹ thuật trồng trọt nông nghiệp và kỹ thuật luyện kim từng đạt tới trình độ cao.3 Thế nhưng, công cuộc khai quật đó đã không đem lại bằng chứng khảo cổ học đáng kể nào về sự tồn tại của vương quốc huyền bí dưới trướng các vua Hùng. Về vương quốc này, người ta chỉ có thể dựa vào các báo cáo được soạn thảo hơn 1500 năm sau khi vương quốc đó đã lụi tàn mà thôi.

Dưới đây, những người dẫn chuyện quan trọng của huyền thoại sẽ được giới thiệu cùng với bối cảnh chính trị của họ. Những người dẫn chuyện đầu tiên này đã đóng góp những gì vào việc khiến cho câu chuyện trở thành huyền thoại, và đã làm lu mờ những gì? Cũng như trong đa phần các huyền thoại khác, người ta có thể xác định các quyền lợi cũng như các nhóm khác nhau mà huyền thoại này đã phục vụ vào các thời đại khác nhau của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ rất phiến diện, nếu ta chỉ xuất phát từ một sự dàn dựng cố ý và nhằm phục vụ lợi ích nào đó để phân tích huyền thoại này. Đồng thời, cũng sẽ rất khó khăn, thậm chí vô ích, khi ta cố phân biệt giữa sự tiếp nhận và biến đổi huyền thoại một cách cố ý hay không cố ý. Cuối cùng ta sẽ xem xét xem huyền thoại đó đã hoạt động ra sao, nó đã đáp ứng các lợi ích nào và, ngoài ra, nó đã khơi dậy những sức mạnh không lường trước nào.

Những người dẫn chuyện đầu tiên của huyền thoại

Mặc dù chúng ta thường chỉ biết đến các công trình của các sử gia Việt Nam trước đây một cách rời rạc và gián tiếp, có nghĩa là chỉ thông qua các trích dẫn đưa ra trong công trình của các tác giả đời sau mà thôi, ta vẫn có thể thấy một cách rõ ràng rằng, ngay trong những bộ biên niên sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam, nỗi nhục hơn 1000 năm Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng đã được phơi bày rõ nét.4 Lê Văn Hưu (1230-1322), tác giả bộ biên niên sử này, đã đem lòng dũng cảm của Hai Bà Trưng, những người dám đứng đầu cuộc khởi nghĩa vào các năm 40-43 chống quân Trung quốc chiếm đóng Việt Nam, đối lại mối nhục đó:

“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. (…), bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy!”5

Lê Văn Hưu cũng đặt các cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của Nhà Tống (960-1279) thuộc Trung Hoa và của nhà Nguyên (1271-1368) thuộc Mông Cổ thành những tấm gương quan trọng trong lịch sử đất nước mà các thế hệ tương lai phải biết noi theo.6

Hơn 150 năm sau khi Lê Văn Hưu cho ra đời bộ biên niên sử nói trên, vào năm 1428, Nguyễn Trãi, một viên quan cao cấp và cũng là quân sư của Vua Lê Lợi, đã cho thấy rõ quan điểm của mình về lịch sử Việt Nam thông qua bản Bình Ngô Đại cáo nổi tiếng, báo tin chiến thắng quân đội Nhà Minh (1368-1644) bằng những dòng như sau:

“Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương. (…) Xã tắc từ đây vững bền Giang sơn từ đây đổi mới Càn khôn bĩ rồi lại thái Nhật nguyệt hối rồi lại minh Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu Muôn thuở nền thái bình vững chắc Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ.”7

Trong khi Lê Văn Hưu và Nguyễn Trãi xem chiếu xưng vương ở Vương quốc Nam Việt của Triệu Đà (khoảng năm 220 trước Công nguyên) là giờ phút Việt Nam ra đời8, thì Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan từng cho ra mắt bộ sử Việt Nam vào năm 1479, còn đi một bước xa hơn. Theo ông, lịch sử Việt Năm bắt đầu từ triều đại các vua Hùng huyền bí, một triều đại – ở đây huyền thoại tỏ ra hết sức chính xác – ra đời vào năm 2879 trước Công nguyên (xem thêm bài viết của Vũ Đức Liêm trong chuyên khảo này).

Thế nhưng, sự khác nhau hết sức lớn về niên đại đó không làm thay đổi thông điệp cơ bản của huyền thoại nói trên bao nhiêu. Bởi thông điệp cốt lõi của huyền thoại là Việt Nam đã độc lập ngay từ trước khi bị Trung Quốc chiếm đóng, và suốt hơn 1000 năm bị Trung Quốc chiếm đóng đó, Việt Nam vẫn không ngừng đấu tranh nhằm khôi phục và bảo vệ nền độc lập của mình. Dù các triều đại khác nhau của Việt Nam trong tiến trình của hơn 900 năm tồn tại có thêm bớt, hay thay đổi thế nào, nhưng nội dung chính nói trên của huyền thoại, về cơ bản, vẫn không thay đổi cho đến khi chủ nghĩa thực dân Pháp bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam.

Nếu trong những lời lẽ được trích dẫn có lặp đi lặp lại mãi về “chúng ta” và “của chúng ta”, thì người đọc cũng không nên quên rằng, những lời kêu gọi và bố cáo do giới tinh hoa soạn thảo đó nhằm chính vào tầng lớp tinh hoa của xã hội. Hồi đó không những chưa có các phương tiện và cách thức thông tin đại chúng hiện đại, mà các bản tuyên bố hay kêu gọi đó đều được soạn thảo bằng tiếng Hán, là phương tiện giao tiếp của giới tinh hoa Việt Nam thời xưa, tương tự như vai trò mà tiếng La Tinh từng giữ hàng trăm năm ở châu Âu. Giới tinh hoa đó đã không bao giờ xem xét việc thừa nhận vai trò chính trị của 90 phần trăm dân chúng còn lại, bộ phận dân chúng lẽ ra có thể, và cần phải được lôi cuốn vào các hoạt động chính trị và đấu tranh vũ trang.

Chiến đấu chống Trung Quốc là cơ sở cho tính chính đáng của nhà cầm quyền

Song, giới tinh hoa này không hề tạo thành một khối thống nhất. Khác với Campuchia, là nơi mà trong thế kỷ thứ 9 đã hình thành một trung tâm quyền lực ở khu vực Ankor, một trung tâm từng nổi bật cùng các công trình kiến trúc bằng đá đầy ấn tượng, thì lịch sử Việt Nam lại được đánh dấu bằng khá nhiều cuộc chia rẽ và xung đột. Mặc dù dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, Việt Nam đã giải phóng được đất nước khỏi ách cai trị của Trung Quốc, nhưng vương triều độc lập này – như Ben Kiernan chỉ rõ – ngay từ lúc ban đầu đã gặp nhiều “vấp váp”:

“Trong bảy chục năm đầu tiên, vương quốc này đã trải qua ba niên hiệu và do bốn dòng họ cai trị từ ba thủ đô khác nhau. Riêng hai nhà vua, từng giữ ngôi từ năm 965 đến 1005, đã có đến mười Hoàng hậu.”9

Ngay cả trong thế kỷ 11, sau khi nhà Lý được thành lập và xây dựng một số cơ sở điều hành nhà nước trung ương khiến cho đất nước ổn định ở mức độ nhất định, khá nhiều thị tộc hùng mạnh ở các địa phương vẫn luôn luôn thách thức vương triều trung ương. Song, không những chỉ các thị tộc ở các địa phương, mà cả các làng xã cũng không hẳn đã chịu thuần phục để tạo nên các đơn vị cơ sở trong hệ thống cai trị của một vương triều. Vương triều có thể có quyền hành lớn ở chốn kinh thành và đô thị lớn, nhưng tại các làng xã, nghĩa là tại những nơi đông đảo quần chúng nhất, thì quyền lực của nhà vua cũng chỉ giới hạn ở bên ngoài mà thôi. Chính từ đây, câu ngạn ngữ “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn được truyền tụng đến cho tận ngày hôm nay.

Cùng với quá trình bành trướng về phía Nam (Nam tiến), là quá trình diễn ra từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 18, các khu vực định cư của người Việt được mở rộng ra, nhưng đồng thời, sự khác biệt cũng tăng lên đáng kể. Đối với người Việt, đất phương Nam mở ra những cơ hội và chân trời mới chưa từng biết đến: những khu định cư mới với đất đai nông nghiệp đa canh màu mỡ, các tuyến đường thương mại mà xưa kia, cùng lắm họ cũng chỉ được gián tiếp tiếp cận, ngoài ra họ còn phát hiện các hệ tư duy và ý tưởng mới cũng như nền nghệ thuật và âm nhạc của dân tộc Chàm và Khơ Me, nền nghệ thuật và âm nhạc vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ. Chính vì ở đây có nhiều khác biệt với nền văn hóa miền Bắc vốn bị ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc, cho nên nền văn hóa phía Nam càng được dân miền Bắc quan tâm. Dựa trên những cơ hội xưa nay chưa từng biết đến ở miền Nam, các trung tâm quyền lực và cộng đồng văn hóa mới bắt đầu hình thành và phát triển, những cộng đồng tuy trên danh nghĩa cũng thừa nhận quyền cai trị của vương triều trung ương, nhưng vẫn biết lợi dụng các cơ hội ở miền Nam cho mình bằng mọi cách. Từ đó đã hình thành một loạt các “(quốc gia) Việt Nam” khác nhau, nhưng các bộ phận này gắn bó với nhau bởi hệ thống giá trị tinh thần và lợi ích hoặc bởi Nhà nước trung ương thì ít, mà bởi kẻ thù chung thì nhiều.

clip_image002 Trong thế kỷ 17 xảy ra cuộc phân tranh kéo dài gần 100 năm giữa chúa Trịnh ở ngoài Bắc và chúa Nguyễn ở trong Nam dẫn đến chia cắt đất nước một cách thật sự. Mãi đến khi nhà Nguyễn thắng thế thì năm 1802, một vương triều không những chỉ nắm quyền cai trị một cách hình thức, mà thật sự, trên toàn cõi Việt Nam mới được thành lập. Thế nhưng, nền cai trị này đứng vững chưa được 60 năm thì đã bị chủ nghĩa thực dân Pháp đánh đổ.

Người ta phải hình dung được sự chia rẽ và các hố sâu ngăn cách những phe nhóm đó mới có thể đánh giá được chức năng quan trọng của huyền thoại nói trên, mỗi khi cần tăng cường tính chính danh và độ bền vững cho một nền cai trị hết sức mỏng manh nào đó, cũng như khi cần tìm ra nền tảng chung cho các phe nhóm mang nhiều lợi ích khác nhau. Ở đây, người ta cũng có thể nhận thấy rõ một khuôn mẫu từng tồn tại hàng thế kỷ nay cho huyền thoại đó.

Sau trận Bạch Đằng xảy ra năm 938, Ngô Quyền đã chấm dứt sự cai trị kéo dài hơn 1000 năm của Trung Quốc ở Việt Nam, và qua đó, tạo nên huyền thoại về công cuộc dựng nước mà các triều đại khác của Việt Nam đều dựa theo. Bằng cách viện dẫn các chiến thắng đẩy lùi nhiều mưu toan xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, các triều đại tiếp theo đều khẳng định tính chính danh của vương triều mình và do đó, đòi hỏi sự phục tùng của các thị tộc đang tranh đua giành quyền cai trị với mình. Bằng cách thường xuyên gìn giữ các ký ức về những cuộc xâm lăng từ phương Bắc, người ta cũng đồng thời tạo ra bức tranh về kẻ địch và qua đó, một mục tiêu chung, mà các thị tộc tranh giành quyền lực nhau phải đặt lên trên các lợi ích riêng. Nguyễn Trãi đã tuyên bố trong bản Đại cáo nói trên như sau:

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.”10

Ai không tuân theo mục tiêu chung đó là kẻ phản bội làm tay sai cho quân Minh:

“Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ, Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.”11

Ngoài ra, với chiến thắng chống quân Trung Quốc, triều đại nào cũng có thể xưng mình là triều đại kế thừa chính danh của các bậc minh quân và đấng anh hùng huyền thoại, những vị từng tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam độc đáo từ trước đây hàng ngàn năm. Các đền, miếu, nơi thờ phụng được dựng lên tôn thờ họ và các lễ hội cúng tế được tổ chức, để qua đó, mối liên hệ huyền bí với cha ông được phô diễn và cũng được quần chúng ghi nhận một cách hiển nhiên và dễ dàng hơn mọi tuyên cáo hay văn bản mà chỉ một số rất ít người có thể đọc và hiểu được thôi ấy.

Tấm gương Trung Hoa

Song, do sự tập trung xoáy vào các xung đột và tranh chấp vũ trang như thế, huyền thoại đó đã làm lệch lạc cách nhìn vào các khía cạnh đa chiều và thường rất mâu thuẫn nhau của quan hệ Việt-Trung, mối quan hệ không những chỉ được đánh dấu bởi sự đối đầu quân sự, mà còn bởi sự chuyển giao ồ ạt về văn hóa, kỹ thuật cũng như chính trị và kinh tế. Nhiều phương pháp canh tác mới, công cụ và vũ khí tối tân, các phương pháp đắp đê và thủy lợi tiên tiến cũng như các tư tưởng và hệ thống tư duy mới mẻ như Phật giáo Đại thừa (Mahayana), đạo Lão, và đặc biệt, Khổng giáo, đã được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Chính Khổng giáo là hệ tư tưởng đã in dấu ấn sâu sắc vào toàn bộ quá trình phát triển của Việt Nam. Một mệnh đề cơ bản của Khổng giáo là: không khuất phục số phận định trước, mà phải tự tay thiết lập một thế giới, vốn tự nó không phải là thế giới tốt đẹp, mà là một thế giới đòi hỏi sự can thiệp không ngừng, để không bị chìm đắm vào sự hỗn loạn và vô chính phủ. Sự hỗn loạn và vô chính phủ đó chỉ có thể được chế ngự, hay ít nhất, được ngăn chặn, bởi một hệ thống tôn ti trật tự chặt chẽ và hệ thống này không dựa trên các qui chế và luật lệ trừu tượng mà trên các nguyên tắc luân lý. Tu thân tích đức, thường xuyên miệt mài học hỏi, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo chính là chìa khóa để thấm nhuần và nhập tâm các nguyên lý đạo đức đó. Những yếu tố cơ bản do Khổng giáo đặt làm nền móng đó, qua hàng trăm năm, đã tỏ rõ cả sức sống dai dẳng lẫn khả năng thích nghi của chúng, đến mức ở Việt Nam ngày nay nó vẫn còn hiện hữu.

Mô hình nhà nước quan liêu, một nhà nước liên kết nền cai trị với trách nhiệm, cũng là mô hình góp phần không kém phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam về mặt nhà nước. Nằm trong mô hình này là việc thu thập các thông tin chính xác về thần dân và của cải của họ, tổ chức và tiến hành các biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, như đào kênh và các công trình thủy lợi lớn, những công việc tối cần thiết cho canh tác lúa nước, và thiết lập kho tàng nhằm đối phó với thiên tai và nạn đói. Khác với các xã hội tiền hiện đại khác, trong đó vai trò cầm quyền chỉ nằm trong tay các thành viên thuộc một tầng lớp nhất định của xã hội, nhà nước quan liêu lại dựa vào một hệ thống thi cử khôn ngoan, theo đó việc thi đỗ mới là điều liện tiên quyết để tham chính.

Mặc dù thực tiễn hoạt động của nhà nước thường tụt lại xa sau các nguyên tắc đầy lý tưởng ấy, nó vẫn không làm thay đổi một sự thật là hệ thống cai trị nói trên đã tạo cơ sở cho giới tinh hoa chính trị của Việt Nam xây dựng được một hệ thống chính trị, kinh tế và quân sự hơn hẳn hệ thống của các nước Đông Nam Á láng giềng. Nhờ bộ máy quyền lực vừa hợp lý vừa hiệu quả đó mà Việt Nam, trong cuộc Nam tiến kéo dài hàng thế kỷ, đã vươn tới tận mũi cực Nam của bán đảo Đông Dương và mở rộng gấp hơn hai lần lãnh thổ cũ của mình.

Do sự tiếp nhận mô hình tổ chức nhà nước đó, ngoài ra, Việt Nam còn trở thành một một bộ phận của nền văn minh Đông Á mang dấu ấn sâu sắc của Trung Hoa, một nền văn minh khác biệt về căn bản với các nền văn hóa khác trên lục địa Đông Nam Á vốn chịu các ảnh hưởng mạnh từ Nam Á tràn sang. Bất chấp các xung đột vũ trang thường xuyên xảy ra với Trung Quốc, nước Việt Nam xưa luôn luôn tự xem mình là một bộ phận của nền văn minh Đông Á, với thiết chế xã hội và hệ thống tư tưởng của nền văn minh đó. Bởi thế, sau mỗi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc thành công, các nhà vua Việt Nam luôn luôn tìm mọi cách được Hoàng đế Trung Hoa công nhận và, qua đó, được nhận sự bảo trợ của nước láng giềng hùng mạnh này. Trong những hoàn cảnh như thế, mối quan hệ giữa hai bên không phải là mối quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền độc lập, mà là quan hệ chư hầu triều cống. Điều đó có nghĩa là vài năm một lần, các nước chư hầu lại phải cử sứ giả sang yết kiến và triều cống Hoàng đế Trung Hoa, bái lạy và dâng tặng báu vật nhằm bày tỏ sự thần phục của mình.

Dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế, là bộ luật vốn được xây dựng ở châu Âu, quan hệ đó là quan hệ phụ thuộc có lợi cho Trung Quốc. Song, khi xem xét kỹ, người ta vẫn có thể phát hiện những lợi thế không phải là không đáng kể đối với nước chư hầu. Bởi vì, xét thuần túy về mặt kinh tế, quan hệ chư hầu đó còn gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều hơn. Để chứng minh tầm cỡ lớn lao và ưu thế của mình, các món quà tặng và ân huệ của mẫu quốc Trung Hoa bao giờ cũng phải lớn hơn quà cáp và đóng góp của các nước chư hầu, chưa kể sứ giả từ nước chư hầu còn được quyền bán các sản phẩm của xứ sở mình trên đất Trung Hoa. Các nước chư hầu đều thừa nhận quyền uy tối cao của Trung Quốc và do đó – ít nhất cũng là về mặt lý thuyết – bảo đảm cho Trung Quốc một môi trường an toàn giữa các quốc gia thân thiện. Về phần mình, các vương triều tại nước chư hầu, nói chung, đều hoàn toàn tự do trong các công việc nội bộ và, trong trường hợp quyền cai trị bị đe dọa, họ có thể yêu cầu Trung Quốc trợ giúp. Như thế, các nước chư hầu được hưởng một qui chế hoàn toàn khác với các dân tộc nằm ở ngoại biên Trung Quốc nhưng không được vương triều Trung Quốc thừa nhận vai trò quốc gia tự chủ, khiến họ rơi vào vòng cai trị trực tiếp của Trung quốc và, hoặc sớm hoặc muộn, sẽ bị Đế chế Trung Hoa thôn tính.

Đối với Việt Nam trong thời kỳ tiền thuộc địa, Trung Quốc vừa là địch thủ, nhưng đồng thời cũng là khuôn mẫu. Huyền thoại được xem xét ở đây vì thế mà có một chức năng quan trọng, mỗi khi cần củng cố lòng tự tin và sự đoàn kết của giới tinh hoa truyền thống. Nhưng, mối giao lưu văn hóa hay sự hướng tới mô hình chính trị của Trung Quốc cũng không kém phần quan trọng. Như thế, ở tư thế một đất nước nhỏ bé hơn nhiều, người ta vẫn có thể đòi hỏi sự ngang bằng về văn hóa với một nước láng giềng bội phần rộng lớn hơn mình và qui sự khác biệt giữ hai nước thành sự khác biệt về lượng chứ không phải về chất.

Huyền thoại cũ trong vỏ bọc mới

Lúc đầu, giới tinh hoa Việt Nam đáp lại sự thâm nhập của chủ nghĩa thực dân Pháp ở giữa thế kỷ 19 bằng những quan niệm hết sức cổ xưa. Các quan chức thân cận với triều đình, đứng đầu là cựu Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, kêu gọi “cần vương” khôi phục trật tự cũ.12 Mặc dù lời hiệu triệu được giới thượng lưu hưởng ứng mạnh, song các nỗ lực khởi nghĩa của họ đều quá yếu ớt và thiếu tổ chức, đến mức họ khó lòng trở thành một thách thức thực sự đối với quân đội thực dân Pháp. Trong khi đó, các ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc, vốn bắt nguồn từ châu Âu và đã được hưởng ứng mạnh mẽ ở Nhật Bản và Trung Quốc, cũng động viên được lực lượng quần chúng đông đảo ở Việt Nam. Bởi vì trong thời kỳ dân tộc chủ nghĩa cũng như đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, vấn đề không phải là ở chỗ chỉ cần lôi kéo được giới tinh hoa, mà còn phải động viên được đông đảo quần chúng tham gia. Nếu như bản Đại cáo được nhắc tới trên đây của Nguyễn Trãi được soạn thảo bằng chữ Hán, tức là bằng phương tiện giao tiếp của tầng lớp trên của xã hội Việt Nam, thì từ nay, lòng tự trọng của mọi người dân Việt Nam được kêu gọi bằng tiếng Việt, viết bằng chữ Quốc ngữ – là thứ chữ viết dùng mẫu tự La Tinh tương đối dễ học cho mọi người.

Mặc dù từ nay nói đến “chúng ta” là nói đến toàn thể dân chúng Việt Nam, nòng cốt của huyền thoại trên đây vẫn không thay đổi: Chúng ta là một dân tộc có nền văn hóa rất lâu đời cũng như một lịch sử dài lâu. Chúng ta đã luôn luôn đối đầu thành công với kẻ địch hùng mạnh ở phía Bắc, bởi vì chúng ta nắm trong tay một thứ gì đó rõ ràng mạnh hơn ưu thế về vật chất và quân lực của địch. Chúng ta phải xứng đáng với chủ nghĩa anh hùng của tổ tiên ta. Khái niệm độc lập từ nay cũng được định nghĩa theo các nguyên tắc chủ quyền và bình đẳng dân tộc, giống như các nguyên tắc đã hình thành trong Luật quốc gia châu Âu sau Hòa ước Westfalen. Các nguyên tắc này không hề giống các nguyên tắc của khối các quốc gia Đông Á do Đế chế Trung Hoa chi phối và ngự trị, trong đó một nước chư hầu tuy có nhiều quyền tự trị, nhưng không được hưởng quyền tự chủ và độc lập theo cách hiểu hiện đại ở châu Âu.

Thế nhưng, dựa trên tinh thần của chủ nghĩa dân tộc, các nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam xem xét toàn bộ lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chỉ trong khuôn khổ các phạm trù về dân tộc và quốc gia dân tộc mà thôi. Như vậy, nghịch lý mà Benedict Anderson phát hiện trong chủ nghĩa dân tộc cũng đúng đắn ở Việt Nam, theo đó, “cái cũ chủ quan dưới con mắt các nhà dân tộc chủ nghĩa đối lập với cái mới khách quan của các dân tộc theo quan điểm nhà sử học.”13 Do đó họ xếp các cuộc khởi nghĩa chống ách cai trị của Trung Quốc trong thiên niên kỷ thứ Nhất và tất cả các cuộc xung đột vũ trang giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thiên niên kỷ thứ Hai vào hàng những cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc làm tấm gương cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Như thế, huyền thoại ta nghiên cứu ở đây đã được nâng lên một bình diện mới và khoác lên mình các khái niệm mới mẻ. “Nền văn hóa thực dân”, vốn được truyền bá và giảng dạy trong nhà trường và hệ thống truyền thông đại chúng của chính quyền thực dân, được đặt đối đầu với “nền văn hóa dân tộc”, là nền văn hóa có cội nguồn cổ xưa hơn nền văn hóa của chính quyền thực dân rất nhiều. Thế nhưng, “nền văn hóa dân tộc đó” chỉ có thể tiếp tục phát triển, khi nó thoát khỏi các ảnh hưởng ngoại lai của Khổng giáo, mà nói như Nguyễn An Ninh, một trong những người phát ngôn đại diện cho phong trào cách tân dân tộc chủ nghĩa từng nói, là thứ đạo giáo đã “đẩy Việt Nam đến bên bờ vực thẳm”.14

Đảng Cộng sản Việt Nam ở giữa chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa dân tộc

Đối với những người Việt Nam đứng ra thành lập “Đảng Cộng sản Việt Nam” (ĐCSVN) vào tháng Hai năm 1930, là Đảng mà ít tháng sau, do yêu cầu của Trung ương Quốc tế Cộng sản ở Moskva, đổi thành “Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCS ĐD), khẩu hiệu giải phóng dân tộc cũng là một khẩu hiệu cốt lõi trong cương lĩnh chính trị. Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) vào tháng Chín năm 1945 và đánh thắng chủ nghĩa thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ (tháng Năm năm 1954), tinh thần “kháng chiến chống quân xâm lược nước ngoài” và “thống nhất đất nước” đã được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử Việt Nam.15

Bất chấp sự hỗ trợ nhiều mặt mà những người cộng sản Việt Nam nhận được từ phía các đồng chí của họ ở Trung Quốc, tại VNDCCN việc xem xét lại bức tranh quen thuộc đó của chủ nghĩa dân tộc đã không diễn ra. Ngay cả vào giữa những năm 50, khi mà các mối quan hệ giữa hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc đặc biệt khăng khít, các nhà sử học Việt Nam DCCH vẫn tuyên bố cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của Trung Quốc là giờ phút ra đời của tinh thần kháng chiến tượng trưng cho tính cách dân tộc của Việt Nam. Trần Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã diễn đạt như sau về vấn đền này: “Như ai cũng biết, lịch sử dân tộc ta, nói một cách tổng quát, là lịch sử đấu tranh lâu dài chống quân xâm lược và do đó, ngay từ thời xa xưa chúng ta đã là một dân tộc anh hùng.”16 60 năm sau, Giáo sư Hà Văn Tấn đã khẳng định bức tranh lịch sử đó bằng những lời như sau:

“Một số người thường ưa xem lịch sử Việt Nam như một bản anh hùng ca, song ta không nên quên rằng đó cũng là một lịch sử bi thảm. Khía cạnh bi hùng đó của lịch sử Việt Nam được biểu hiện qua cuộc kháng chiến không ngừng của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược nước ngoài. Một số người có thể sẽ phản đối nhận định này, cho rằng lịch sử nước ta cũng trải qua những giai đoạn hòa bình khá dài. Điều đó hẳn là đúng, tuy nhiên, ta vẫn phải nhấn mạnh rằng các cuộc chinh chiến liên miên đã ghi dấu sâu sắc vào lịch sử Việt Nam cũng như vào sự phát triển của xã hội Việt Nam. Chính những cuộc chiến tranh liên miên mà đất nước ta phải chịu đựng là nguyên nhân sâu xa khiến cho lịch sử đất nước đã có một tiến trình bất thường như thế.”17

Vào những năm 1960, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ leo thang mỗi ngày một cao, tinh thần kháng chiến đó cũng như các chiến công đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc lại càng được khơi dậy mạnh mẽ và thường xuyên hơn trong ý thức của người dân Việt Nam DCCH. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mĩ từ nay được trực tiếp nối liền vào mạch dài lịch sử của Việt Nam, một mạch dài xuyên suốt từ thời tiền sử cho đến thời đại hiện nay. Theo quan điểm lịch sử chính thức hồi đó, chính nhờ có sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN mà nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam đã có khả năng hoàn thành sự nghiệp mà Hai Bà Trưng đã khởi xướng.18 Đích thân Hồ Chí Minh ngay từ năm 1954 đã tổng kết quan điểm lịch sử đó trong câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” (xem thêm bài viết của Vũ Đức Liêm trong chuyên khảo này.)

Khác với các thời đại trước, cùng với sự thành lập nước Việt Nam DCCH, những người Cộng sản Việt Nam nắm trong tay một bộ máy nhà nước mà qua đó, họ có thể tác động và uốn nắn cách nghĩ của nhiều tầng lớp nhân dân rộng rãi. Nếu cho đến thời kỳ đó tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam mới chỉ là đề tài cho những lời kêu gọi và khẩu hiệu chính trị, được phổ biến qua những phương tiện truyền thông hạn chế mà thôi, thì từ nay, nhiều cơ hội mới mẻ và phong phú được mở ra để trưng bày huyền thoại nói trên ra trước mắt đông đảo quần chúng và gắn nó sâu vào nhận thức của họ. Hàng năm, những ngày lễ kỷ niệm các chiến thắng oanh liệt chống quân xâm lược phương Bắc không những chỉ được đưa lên mặt báo hay các buổi mít tinh long trọng, mà còn được biến thành các ngày lễ hội nhân dân, bao hàm cả vui chơi giải trí. Tượng đài tưởng nhớ các anh hùng và các tướng lĩnh cầm quân trong các cuộc kháng chiến đó, tên đường phố, tem bưu điện về các đề tài lịch sử đều nhắm vào mục tiêu biến các nhân vật và sự kiện này thành bộ phận không tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày của mọi người.

clip_image004

© Pictures from History/Bridgeman Images

Các Viện bảo tàng lịch sử, trong đó lịch sử Việt Nam được diễn tả là lịch sử kháng chiến chống xâm lược, bao giờ cũng dành những khoảng không gian trưng bày rộng lớn cho các cuộc xung đột với Trung Quốc, bởi vì, khác với kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mĩ, đó là các cuộc xung đột kéo dài những hơn hai ngàn năm. Sự hình thành và phát triển của tinh thần kháng chiến và chủ nghĩa anh hùng cũng như tài thao lược của nhân dân Việt Nam thường được mô tả đầy đủ và chi tiết thông qua các tấm bản đồ, các mô hình và sa bàn nhiều trận đánh lớn, hay bằng các di vật và tài liệu lịch sử khác nhau (xem thêm bài viết của Martin Großheim trong chuyên khảo này). Còn quan trọng hơn nữa là việc cài sâu bức tranh lịch sử này vào chương trình học và sách giáo khoa ở trường học tại Việt Nam. Không một học sinh nào có thể tốt nghiệp trung học ở Việt Nam, nếu họ không nắm được niên đại cùng những chi tiết khác liên quan đến các sự kiện quân xâm lược Trung Quốc bị đánh đuổi khỏi Việt Nam. Ngoài ra, các kiến thức này không những được truyền bá thông qua sách giáo khoa khô khan, mà còn qua các bộ phim truyền hình nhiều tập dễ hiểu và hấp dẫn chiếu đi chiếu lại nhiều lần.

Công cụ hóa huyền thoại

Cũng giống như ở Việt Nam xưa kia, trong thời bị chiếm làm thuộc địa, huyền thoại nói trên lại được nêu ra ở Việt Nam nhằm khơi dậy và thôi thúc lòng tự trọng và niềm tự tin của dân chúng. Tuy nhiên, khác với thời xa xưa, thế đứng thời kỳ này không phải là thế mạnh, thế tự cường sau mỗi lần chống trả thắng lợi trước một cuộc xâm lăng từ phía Bắc, mà là thế choáng váng và chiến bại, vì nước Pháp đã chiếm quyền kiểm soát trên toàn bộ đất nước. Giới tinh hoa hôm xưa hoàn toàn thất thế và chuyển sang phục vụ chính quyền thực dân. Thế nhưng, chủ trương phương Tây hóa hoàn toàn do một số ít người Việt ủng hộ đã tỏ ra là một chủ trương không thực tế. Chính vì thế, huyền thoại mà từ đó con người ta – trong bối cảnh tràn đầy thất vọng lúc bấy giờ – có thể nuôi hy vọng vào tương lai càng có sức hấp dẫn mạnh chính là huyền thoại mang nội dung: Chúng ta là một dân tộc mang nền văn hóa và lịch sử lâu đời, còn lâu đời hơn lịch sử và văn hóa người Pháp. Chúng ta đã bao lần chiến thắng kẻ thù phương Bắc hùng hậu, bởi chúng ta mang trong mình cái gì đó rõ ràng mạnh mẽ hơn kẻ địch, dù chúng của cải dồi dào hơn ta, quân số đông đảo hơn ta. Nếu chúng ta biết noi theo chủ nghĩa anh hùng của tổ tiên ta, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ chiến thắng.

Ngay cả trong thế kỷ 19, mặc dù không thể nói đến mối đe dọa nào từ phương Bắc nữa, những người Việt Nam cương quyết chống chủ nghĩa thực dân Pháp vẫn luôn luôn lấy cuộc đấu tranh kiên cường của tổ tiên làm gương và coi đó là các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với tấm gương này, một mặt, người ta có thể tự động viên lòng dũng cảm và đánh thức niềm tự tin khi phải đối mặt một kẻ địch hơn trội mình về mọi mặt, và mặt khác, những người chống Pháp đó có thể xưng mình làm người kế tục một chuỗi dài các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm xưa kia và, do đó, nhận được sự kính nể cũng như sự đồng lòng của đông đảo quần chúng đối với sự nghiệp của mình.

Lối viện dẫn lịch sử một cách gián tiếp như thế còn nổi bật hơn nữa ở những người Cộng sản Việt Nam trong những năm 1950 và 1960, khi mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ồ ạt hỗ trợ các đồng chí Việt Nam về mặt quân trang quân dụng và hậu cần. Mặc dù thời kỳ đó, khẩu hiệu tuyên truyền rộng rãi chính thức là “Chúng ta như môi với răng”, những người Cộng sản Việt Nam vẫn luôn luôn nhắc tới các chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc và nhấn mạnh trong các tuyên truyền của mình rằng, tinh thần phản kháng của nhân dân Việt Nam vốn được hình thành từ thời xa xưa, sẽ được phát huy trong kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mĩ19 và bọn thực dân đế quốc sẽ phải chịu chung số phận thất bại như quân xâm lược phương Bắc khi xưa; song, điều kiện tiên quyết cho chiến thắng đó là nhân dân phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Chính quyền ở Hà Nội cũng tự coi mình là người kế thừa chính danh của “truyền thống dân tộc” đó, trong khi hạ thấp các địch thủ của mình ở Sài Gòn xuống hàng “bù nhìn” của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ và qua đó, buộc cho các địch thủ này tội phản bội truyền thống dân tộc và phá hoại sự thống nhất của đất nước. Chính quyền Sài Gòn cũng sử dụng các lập luận tương tự để động viên dân chúng chiến đấu chống bọn “tư bản đỏ”.20 Tuy nhiên, sự công cụ hóa huyền thoại diễn ra trong Nam ít ráo riết hơn và cũng không mạnh mẽ như ngoài Bắc.

Sức hấp dẫn của huyền thoại ở phương Tây

Huyền thoại này rõ ràng có sức hất dẫn rất lớn, đến nỗi không những chỉ ở Việt Nam, mà ở nước ngoài nó cũng từng thu hút được khá nhiều người hâm mộ có uy tín. Từ giữa những năm 1950, chính phủ Mĩ dựa vào cái gọi là thuyết domino để lấy cớ tăng cường can thiệp quân sự. Theo thuyết này, những người cộng sản Việt Nam chẳng qua chỉ là những công cụ dễ sai khiến của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là nhà nước thông qua các đồng chí của họ ở Đông Nam Á mưu toan mở rộng phạm vi cầm quyền của mình ra khắp vùng này. Cho nên, nếu để Việt Nam rơi vào tay cộng sản, thì các nước khác ở Đông Nam Á cũng sẽ lần lượt đổ – như những quân cờ domino – vào vòng ngự trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sức kháng cự rộng rãi và mỗi ngày một mạnh mẽ, mà Pháp, và về sau là Mĩ, phải đương đầu ở Việt Nam, mặc dù hai nước này có ưu thế hơn hẳn đối phương họ về sức mạnh quân sự, đã khiến cho thuyết domino bị nghi ngờ ngày càng tăng, bởi những người cộng sản Việt Nam và đông đảo quần chúng ủng hộ họ rõ ràng không phải là những con bù nhìn do Bắc Kinh sai khiến, mà họ là những người theo đuổi các động cơ khác hẳn. Vậy cái gì đã thôi thúc những con người này chịu hy sinh to lớn và kháng chiến dẻo dai đến thế?

Paul Mus, một trong những nhà sử học nối tiếng nhất về Đông Nam Á, và Jean Lacouture, người từng giữ vai trò hàng đầu tại báo “Le Monde”, là những người – thông qua các bài viết của mình21 – đã đóng góp đáng kể vào việc chỉ ra rằng không thể chỉ đơn thuần xem xét các cuộc xung đột vũ trang ở Việt Nam trong khuôn khổ của sự đối đầu Đông Tây, mà phải tìm hiểu chúng dưới góc độ lịch sử của đất nước này. Trong bức tranh họ dựng lên về Việt Nam, các cuộc đấu tranh chống xâm lược nước ngoài nhằm bảo vệ nền văn hóa và bản sắc dân tộc riêng đã có giá trị lớn lao hơn nhiều so với các ảnh hưởng đa chiều mà Việt Nam từng chịu từ phía Trung Quốc và các nước láng giềng khác, những ảnh hưởng đã góp phần đáng kể gây ra các bước gập ghềnh và những dị biệt trong quá trình phát triển của đất nước.

Trong tác phẩm “Fire in the Lake”22 xuất bản năm 1972 mà nữ ký giả người Mĩ Frances Fitzgerald đề tặng người thầy Paul Mus của mình, bà đã phát triển tiếp các quan điểm theo hướng Mus từng vạch ra một cách nhất quán. Theo Fitzgerald, không nên quá nghiêng về phía đánh giá Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông chỉ là một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế, mà đúng hơn, phải hiểu họ là những đại diện và bảo vệ nền văn hóa và truyền thống đã bắt rễ sâu xa trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù đất nước này đã nhiều lần là nạn nhân của quân xâm lược nước ngoài, nhưng không kẻ xâm lược nào phá bỏ nổi di sản văn hóa đó và bẻ gẫy sức tự cường dân tộc của Việt Nam.

Như thế, cách Fitzgerald nhìn nhận lịch sử đã tiến rất gần tới huyền thoại lịch sử chính thức của Việt Nam. Thế nhưng, đứng trước sự thất bại hiển nhiên của Mĩ ở Việt nam, các luận điểm của bà tỏ ra xác đáng và khôn ngoan hơn thuyết domino, một học thuyết nảy sinh theo tư duy địch-ta thô thiển của chiến tranh lạnh. Mãi đến giai đoạn sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, người ta mới thấy rõ Đảng CSVN thật ra đã gắn chặt với phe xã hội chủ nghĩa đến mức nào và các quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phe đã chi phối các quan điểm của Đảng ra sao, cũng như lúc đó người ta mới nhận ra rằng các quan điểm riêng, chính do Đảng đưa ra dựa vào thực tiễn của Việt nam, đã ít ỏi đến độ nào.

Tuy vậy, trong những năm 1970, tác phẩm “Fire in the Lake” không những chỉ được phong trào phản chiến ở Mĩ hết sức tán thưởng, mà nó còn dẫn đầu danh sách sách bán chạy nhất của New York Times hơn mười tuần liền và đoạt cả giải Pulitzer lẫn “National Book Award”. Trong tác phẩm “Land der Reisfelder (Đất nước của các cánh đồng lúa)” xuất bản lẩn đầu năm 1981 của mình, Günter Giesenfeld23 cũng đưa ra các lập luận tương tự. Mặc dù sau khi chiến tranh kết thúc, mối quan tâm của dư luận đối với đất nước Việt Nam suy giảm hẳn đi, tác phẩm này vẫn được tái bản nhiều lần. Lần tái bản năm 2013 tại nhà xuất bản Argument ở Hamburg tuy chứa khá nhiều sửa đổi, nhưng vẫn giữ vững các lập luận ban đầu:

“Sự thống nhất và sức kháng chiến đặc biệt, được bộc lộ rất sớm của Vương quốc Việt Nam cũng đã tạo nên sức mạnh cho Vương quốc này vượt qua sự đô hộ kéo dài chín thế kỷ của Trung Quốc trong khi vẫn bảo toàn được những đặc điểm dân tộc độc đáo của mình.”24

Các tác động của huyền thoại

Cho đến tận ngày nay, huyền thoại được phân tích trong bài viết này vẫn chi phối lối nghĩ của khá nhiều người dân Việt Nam. Cách nhìn nhận của họ, thường chỉ rất cảm tính, đối với lịch sử đất nước, đối với vị trí của đất nước mình ở Đông Nam Á cũng như trên trường quốc tế, bị ảnh hưởng mạnh bởi quan niệm cho rằng đất nước họ có thể tự hào về một lịch sử và nền văn hóa độc đáo, lâu đời và phát triển cao hơn nền văn hóa của các nước láng giềng. Và đất nước Việt Nam tuy thường xuyên là nạn nhân của giặc ngoại xâm, song sức mạnh vật chất vượt trội của quân xâm lược bao giờ cũng bị thất bại trước sức kháng chiến bền bỉ của nhân dân Việt Nam.

Song, với cách nhìn đó, một sự thật khác đã bị che khuất là: người Việt trong quá trình bành trướng kéo dài hàng thế kỷ xuống phía Nam đã hủy diệt gần như toàn bộ nền văn hóa Chàm và lấn đẩy người Khmer xuống sinh sống ở vùng lãnh thổ Campuchia hiện nay. Vương quốc “Đại Nam” do Vua Minh Mạng lập ra ở nửa đầu thế kỷ 19 đã bao lấn một phần khá rộng của Lào và Campuchia ngày nay.25

Quan niệm về sự vượt trội có vẻ như từng tồn tại từ xa xưa đó cũng được những người cộng sản Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng. Trong một “bức mật thư của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” gửi đi năm 1936 có chứa những dòng như sau: “Trung ương Đảng ta tin chắc rằng dân Lào, Campuchia, Thổ, Mường v.v. (…) xuất phát từ trình độ quá thấp kém của họ về kinh tế và trí thức sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản và do đó sẽ không dễ tiếp thu hệ thống tư tưởng đó như chúng ta.”26 Chính vì thế – theo như một tài liệu của Đảng lưu hành năm 1941 – nhân dân Việt Nam phải có nghĩa vụ hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân Lào và Campuchia trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập.27

Đối với các nhà cầm quyền Việt Nam ở mọi thời đại, huyền thoại trên thường tỏ ra rất hữu ích. Dựa vào huyền thoại này, nhà cầm quyền ở Việt Nam xưa kia có thể thu phục các thị tộc cạnh tranh với mình, còn ở Việt Nam thời nay, dựa vào huyền thoại đó, nhà cầm quyền có thể tranh thủ được sự ủng hộ của đa số dân chúng. Bằng lời kêu gọi mọi người đồng lòng chống kẻ thù chung và, qua đó, xứng đáng với tổ tiên, người ta có thể tập hợp được nhiều lực lượng đối lập trong một đất nước vừa đa dạng vừa đa thành phần, lại có lãnh thổ trải dài suốt hơn 2000 kilomet từ Bắc vào Nam. Mặc dù nhân dân có thể bất đồng với chính quyền tại những điểm nào đó khác, nhưng đa số người Việt Nam vẫn sẽ đồng lòng theo nhà cầm quyền, một khi nhà cầm quyền nắm được tính chính danh vào tay mình thông qua các cuộc kháng chiến cương quyết chống sự can thiệp và áp bức của ngoại bang.

Nhưng sự tâp trung và bám chặt vào huyền thoại dựng nước này cũng ngăn trở một cuộc tranh luận rộng rãi và cởi mở, một cuộc tranh luận lẽ ra có thể giúp người ta xem xét các vấn đề của lịch sử đất nước mình một cách có phê phán, để không tung hô ca ngợi nó một cách mù quáng: Những luồng ảnh hưởng khác nhau nào đã tác động đến nền văn hóa và lịch sử Việt Nam? Những luồng ảnh hưởng đó đã được hòa hợp với nhau đến mức nào hay chúng tồn tại song song bên nhau, trong một sự chung sống ít nhiều hòa bình? Phải chăng, bao giờ cũng phải có một mối đe dọa thường trực từ bên ngoài mới bảo toàn được sự thống nhất của đất nước và cộng đồng xã hội trên đất nước này, hay người ta có thể xác định những giá trị và cơ cấu chung cụ thể nào khác làm cơ sở cấu thành nên bản sắc Việt Nam?

Sự hội nhập càng ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam vào thị trường địa phương cũng như thị trường thế giới càng làm cho một cuộc tranh luận như thế thêm cấp bách. Bởi vì chính sách đổi mới dựa trên chiến lược: tán thành các quan hệ kinh tế, nhưng ngăn chặn các ảnh hưởng về tư tưởng từ bên ngoài, đang đưa giới lãnh đạo Đảng mỗi ngày một sâu hơn vào thế khó. Bằng chiến dịch chống “diễn biến hòa bình” họ đã tuyên chiến với “sự tiêm nhiễm” về tư tưởng. Trong cuộc đấu tranh đó, việc nuôi dưỡng huyền thoại về vai trò lãnh đạo của Đảng (xem thêm bài viết của Martin Großheim trong chuyên khảo này) cũng như huyền thoại được phân tích ở đây về một Việt Nam đã từng bảo vệ thành công bản sắc văn hóa cổ xưa của mình chống mọi kẻ thù bên ngoài, là việc hết sức quan trọng. Việc nhấn mạnh vào huyền thoại thứ hai này không chỉ giới hạn ở nửa phần Việt Nam do cộng sản lãnh đạo. Như Olga Dror đã chứng minh một cách đầy thuyết phục, thì khi phải đối mặt với sự có mặt mỗi ngày một ồ ạt của Mĩ ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn cũng dựa vào chính huyền thoại này để tự coi mình là người che chở và bảo vệ bản sắc Việt Nam và qua đó, tự đề cao tính chính danh của mình.28

Thông qua việc viện dẫn – hay nói cho đúng hơn – bằng cách náu mình sau một huyền thoại chỉ đề cao đấu tranh và chủ nghĩa anh hùng ấy, người ta không những đã lảng tránh riêng cuộc tranh luận về các vấn đề nêu ra trên đây về sự tự nhận thức và bản sắc không thôi, mà ngoài ra, người ta còn bỏ sót hẳn một cuộc thảo luận rộng rãi và sâu sắc, nhằm giải quyết vấn đề lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế nào khả dĩ động viên và phát huy được mọi tiềm năng của đất nước. Các nhà tâm lý học xã hội Việt Nam29 đã từng chỉ ra từ lâu rằng, ở Việt Nam, người ta hay sớm áp dụng các quan điểm và chiến lược của nước khác, là các chiến lược vốn được vạch ra dựa vào các tiền đề vật chất và văn hóa khác hẳn; đó là một lối áp dụng hết sức vô ý thức, khó lòng thống nhất được với tinh thần của huyền thoại về nền độc lập luôn luôn được bảo vệ một cách ngoan cường. Chẳng hạn việc những người cộng sản Việt Nam, vào những năm 1950, đã tiến hành cải cách ruộng đất hoàn toàn theo tấm gương Trung quốc, khiến cho Việt Nam DCCH rơi vào một cuộc khủng hoảng nặng nề mà phải thông qua sửa sai và hủy bỏ nhiều biện pháp đã được thi hành, mới tạm khắc phục được đôi phần. Sau khi công cuộc xây dựng nhà nước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô bị thất bại một cách rõ rệt và nặng nề, người ta quay sang thi hành đường lối “đổi mới”, một đường lối rõ ràng gần giống như đường lối cải cách của Trung Quốc, cho dù sự giống nhau đó bao giờ cũng bị chính thức bác bỏ.

Nguyên nhân của hiện tượng này nằm trong huyền thoại được xem xét ở đây, là huyền thoại cho đến tận ngày nay vẫn còn gây tác động mạnh mẽ lên quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Việc thu gọn mối quan hệ này thành mối quan hệ đối đầu và thổi phồng nó thành huyền thoại dựng nước đã gây khó khăn cho việc phân tích mối quan hệ song phương một cách khách quan, một sự phân tích mà trong đó các yếu tố hợp tác và xung đột, các lợi ích chung và riêng sẽ được cân nhắc một cách tỉnh táo. Thay vào đó, huyền thoại này cổ động các quan điểm phi lí và cảm tính, dẫn tới sự căng thẳng và xung đột mới, khiến cho quan hệ Trung – Việt càng rơi sâu vào vòng luẩn quẩn vốn vẫn quay vòng từ xưa đến nay.

Cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh các đảo và lãnh hải ở biển Nam Trung Hoa cho thấy rõ điều đó. Nếu mùa Hè năm 2014, lúc đầu Chính phủ Việt Nam còn cho phép và ủng hộ (sau hậu trường) các cuộc biểu tình chống tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa, thì chẳng bao lâu sau, khi phải đối diện với làn sóng bạo loạn ồ ạt chống các nhà máy và cơ sở sản xuất của Trung Quốc, phía Chính phủ Việt Nam lại buộc phải cấm biểu tình, tuyên án những người cầm đầu và thông qua đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để đạt tới một thỏa hiệp nhất định (modus vivendi). Song, chính vì thế mà Chính phủ Việt Nam phải hứng chịu nhiều lời lên án và phê bình gay gắt trên internet và mạng xã hội ở Việt Nam về sự hèn kém trước Trung Quốc và, qua đó, đã phản bội lợi ích dân tộc của Việt Nam.

Như thế, huyền thoại mà các nhà lãnh đạo ở Việt Nam vốn ưa sử dụng để chứng minh tính chính danh của mình cũng như để tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, thì chính ngay trong mối quan hệ với Trung Quốc, nó lại tỏ ra là một trở ngại lớn cho việc tiến hành các chính sách dựa trên sự tính toán tỉnh táo và khôn ngoan về chi phí và lợi ích để, qua đó, tìm cách rút ra những phương án thỏa hiệp khả dĩ chấp nhận được.

Chú thích
1

Xem Patricia M. Pelley, Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past, Durham, London 2002, tr. 32.

2

»Việt« (Hán.: »Yüe«) là một khái niệm chung chỉ các tộc người không phải Hán ở miền Nam Trung Hoa ngày nay. »Việt Nam« có nghĩa là »người Việt ở phía Nam«. Song trong Vương hiệu, đuôi »ở phương Nam« thường bị bỏ đi.

3

Olga Dror, Foundational Myths in the Republic of Vietnam (1955-1975): »Harnessing« the Hùng Kings against Ngô Đình Diệm. Communists, Cowboys, and Hippies for Unity, Peace, and Vietnameseness, trong: Journal of Social History 51 (2017) 1, tr. 127.

4

Lê Văn Hưu công bố công trình mang tên “Đại Việt Sử Ký” vào năm 1272. Nhưng công trình này chỉ được dẫn ra riêng, không còn nguyên bản toàn bộ.

5

Dẫn theo Ben Kiernan, Việt Nam. A history from Earliest Times to the Present, Oxford 2017, tr. 171, G. W. dịch.

6

Thomas Engelbert, Die Geschichte Vietnams von der Entstehung des Staates bis zum Beginn der europäischen Einflussnahme, trong: Andreas Reinecke et al. (chủ biên), Schätze der Archäologie, Vietnams, Mainz ²2016, tr. 263.

7

Dẫn theo Nguyễn Khắc Viện, Vietnam. A Long History, Hanoi 1987, tr. 85-90, G. W. dịch.

8

Xem. Pelley (CT. 1), tr. 177.

9

Kiernan (CT. 5), tr. 138 f., G. W. dịch.

10

Nguyễn Khắc Viện (CT. 7), tr. 87, G. W. dịch.

11

Như trên., tr. 86.

12

Xem Kiernan (CT. 5), tr. 319 ff.

13

Benedict Anderson, Die Erfindung der Nation. Zur Karriere eines folgenreichen Konzepts, Berlin 1998, tr. 14.

14

Dẫn theo Christopher Goscha, History of Modern Vietnam, London 2017, tr. 137.

15

Pelley (CT. 1), tr. 143.

16

Như trên., tr. 144.

17

Hà Văn Tấn, Reflections on Vietnamese History and Systems of Thought, in: Vietnamese Studies, 2/2016, tr. 7.

18

Pelley (CT. 1), tr. 181.

19

Pelley (CT. 1), tr. 143.

20

Dror (CT.3), tr.15.

21

Đặc biệt quan trọng là: Paul Mus, Vietnam, sociologie d’une guerre, Paris 1952, và Jean Lacouture, Ho Chi Minh. A political biography, New York 1968.

22

Frances FitzGerald, Fire in the Lake. The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Boston, 1972.

23

Günter Giesenfeld, Land der Reisfelder. Vietnam, Laos, Kampuchea. Geschichte und Gegenwart, Köln ³1988

24

Günter Giesenfeld, Land der Reisfelder. Vietnam, Laos und Kambodscha. Geschichte und Gegenwart, erweiterte Neuausgabe, Hamburg 2013, tr. 13.

25

Goscha (CT. 14) tr. XVIII, Bản đồ 6.

26

Dẫn theo Peter Schier, Der Konflikt zwischen der Sozialistischen Republik Vietnam und dem Demokratischen Kampuchea und seine Ursachen, in: Werner Draguhn/ders (Hrsg.), Indochina: Der permanente Konflikt?, Hamburg 1981, tr. 98.

27

Như trên.

28

Dror (CT.3).

29

Xem Alexander Woodside, Nationalism and Poverty in the Breakdown of Sino-Vietnamese Relations, trong: Pacific Affairs, 52 (1979) 3, tr. 400-401.