Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Thương kính cụ Cao Huy Thuần

 Nguyễn Duy

 

Chữ "thương kính" ở đây là chữ của chính Cao Huy Thuần viết về Võ Văn Kiệt hồi cụ Kiệt từ trần. Lựa chọn chữ kỹ càng, xác đáng vốn là một đặc tính của cụ Thuần. Người trân quí chữ.

Cặm cụi cả đời đọc sách và viết sách, cụ Thuần để lại một di sản đồ sộ nhiều chục đầu sách đã xuất bản gồm nhiều thể tài. Tôi không thể đọc hết sách của cụ, chỉ được vài cuốn về Phật học và hầu hết các tản văn. Ấn tượng đậm nét của tôi, tác giả không chỉ kiến thức uyên thâm, phong phú mà văn phong thật tinh tế, nhẹ nhàng, kỹ càng đến từng chữ. Và kỹ càng ý thức về mình. Có lần tôi viết bài giới thiệu sách, gọi cụ là "học giả", cụ không bằng lòng, và đề nghị: "Xin đừng gọi tôi như thế. Học giả là người biết mười nói một. Tôi chỉ biết một nói một".

*

Nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng đã làm việc gì thì cụ quyết làm đến nơi đến chốn. Năm 2012 cụ về thăm quê. Trong tiệc trà tình cờ với tôi và gs Tương Lai, cụ kể vừa đọc một bản thảo rất thú vị bằng tiếng Anh của John C. Schafer, một gs người Mỹ, nghiên cứu và so sánh hai thần tượng âm nhạc cùng thời là Bob Daylan (Mỹ) và Trịnh Công Sơn (Việt Nam). Giá mà dịch và in được ở Việt Nam thì tuyệt. Chúng tôi nghị quyết ngay: dịch và in! Gs Tương Lai gọi mời Hoàng Anh, biên tập viên nxb Trẻ. Phân công: người dịch sẽ là Cao Thị Như Quỳnh, em ruột cụ Thuần. Viết lời tựa: Cao Huy Thuần. Ấn hành: nxb Trẻ. Hai tháng sau, cuốn sách ra lò. Cái tên Việt, BOB DAYLAN- TRỊNH CÔNG SƠN, NHƯ TRĂNG VÀ NGUYỆT là cụ Thuần đặt, lựa theo một ý ca từ nhạc Trịnh. Nguyễn Duy viết bài giới thiệu sách... Mọi việc đúng theo dự kiến. Một sự kiện văn hoá "thần tốc".

*

Việc xuất bản và ra mắt tập thơ mỏng về Huế – Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng (nxb Thuận Hoá) – của tôi, với cuộc ra mắt trang trọng ở Huế, cũng có thể gọi là một"sự kiện thần tốc".

Tập hợp bản thảo - biên tập - viết bài bình - thiết kế sách - minh hoạ - duyệt - xin giấy phép xuất bản - tập dượt chương trình ra mắt sách... chỉ trong một tuần lễ. Ngày 3.5.2024 chế bản lên máy in - 10.5 sách ra lò - tối 11.5 lễ ra mắt và diễn xướng các bài thơ trong tập, tại Phủ Nội Vụ (Đại Nội, Huế) do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức. Kế hoạch gấp gáp vậy vì chương trình Festival Huế - 2024 ngay sau đó thúc ép, không thể chậm trễ.

Tập thơ 17 bài được gom từ đống tư liệu lộn xộn của tôi. Biết còn sót bài, nhưng chưa tìm ra thêm, đành chịu. Ban tổ chức gửi ngay bản thảo nhờ các nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học viết gấp bài bình để in luôn vào sách. Chỉ vài ba ngày chúng tôi đã nhận được bài viết của của các vị Hồ Thế Hà, Hoàng Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Tịnh Thy. Vẫn thiếu lời Tựa.

Một tên tuổi văn hoá Huế vụt hiện: Cao Huy Thuần! Oái oăm thay, cụ Thuần đang ở tận Paris. Việc quá gấp, chúng tôi cứ liều gửi bản thảo tập thơ và nhờ cụ viết cho đôi dòng, "nếu không kịp in trong sách thì sẽ đăng báo...".

Bất ngờ, ngay hôm sau, tôi nhận được email của cụ, một bài văn súc tích, duyên và sâu. Sâu và Duyên vốn là bản sắc rất riêng của văn Cao Huy Thuần, trong hầu như mọi bài viết và nói. Kèm theo bài cụ ghi chú: "Tôi xúc động cảm ơn Huế, vì quê hương còn nhớ đến tôi và giao cho tôi viết bài này".

Thì ra, cụ vừa đọc bản thảo Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng vừa viết Tựa cho sách chỉ vỏn vẹn trong một đêm.

Một đêm trên giường bệnh.

Hình như, một bài viết cuối cùng...

Nha Trang, đêm 8.7.2024.