Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Thơ Lê Huỳnh Lâm

Lá trắng

                        Tặng: B.D.

 

Chiếc lá trắng như ánh mắt buồn của người thiếu phụ

khắc vào góc phố mùa thu

những ô vuông khát vọng

ôm cả bầu trời trí tưởng

em dựa vào khoảng trống chỉ có gió

và mùi hương từ cánh rừng già nhiệt đới

những ngày hạ mênh mang màu nắng

nhuộm nỗi buồn trong veo trên từng sợi lông măng

tôi bước trên con đường ngược chiều quay trái đất

tất cả đều lạ xa

trong cơn mộng ban ngày

có bàn tay nào vuốt dọc sống lưng

có con đường buổi chiều chạy dài qua đất nước

lơ lửng những chiếc lá trắng

rùng mình

ánh mắt vô tình ngẩn ngơ Hà Nội

ba mươi sáu phố phường về đâu

Huế thiếu mái chèo trên dòng Hương xanh mộng

để mắt thuyền cứ hờ khép mở

hoang tưởng trong cơn mơ

những con phố Sài Gòn tức dông ngạt thở

gã thời gian chăn tín đồ vào bức tranh lập thể

Picasso vẽ niềm hy vọng cuối cùng

tôi ném giấc mơ vào hiện thực

góc phố khuya ngó ánh trăng hồng

vẫn dòng tóc xưa cài lá trắng

mười ngón gầy lướt trên phím hoa

em hóa thân vào cơn mưa mùa hạ

giọt lá rơi

nhuộm trắng mắt đời.

Huế, 2008

 

Tụng ca rác

Tặng: Người nhặt rác

 

buổi sáng

người đàn ông ngồi nhặt rác

trong đôi mắt buồn ánh lên tia hy vọng mỏng manh

sự sống vùi chôn dưới rác

 

buổi trưa

người đàn bà cười không thành tiếng

miệng đọc thầm rác muôn năm

mùi rác thăng hoa

tan vào hồn người

 

buổi chiều

những đứa trẻ nhặt rác

băng ngang qua cánh đồng tuổi thơ

ước mơ rác

 

buổi tối

gã đàn ông nhìn bàn tay nhặt rác

nâng ly uống cạn cuộc người

buổi tối

người đàn bà soi gương mặt mình trên bàn tay nhặt rác

đầy phấn son

những đứa trẻ vẽ tuổi mình trên bao rác

họ hát bài ca

hoan hô rác

cuộc đời rác

sống cùng rác.

Huế, 2008     


Gửi một nhà thơ không còn làm thơ

                                                                        Gửi: L.V.N.

 

những tình cờ mà con người ngỡ là sự sắp đặt của thượng đế

tôi đã gặp ông

một lần

hai lần

và nhiều lần cùng ông ngồi uống bia lao xao bên vỉa hè

có thể ông không bao giờ biết tôi

cũng như tôi chưa hề biết ông

thế giới trong mỗi người

không phải là khẩu phần

không phải là tem phiếu

không phải là những chiếc khuôn của đấng tạo hóa

đừng bắt buộc tôi giống ông

đừng bắt buộc chúng ta giống nhau

đừng nhân bản – xin đừng – các ông hãy dừng tay

một buổi sáng ông nhìn tôi

rồi ông nói rằng: thấy quen quen.

sự lạ xa ông ngỡ là quen biết

tôi hỏi ông: bữa ni còn làm thơ không?

ông bảo: dạo này trống trải

tôi nói: thì làm thơ về nỗi trống trải

ông nói: hắn bỏ mình đi rồi

ôi trời ơi!

tôi không thể tin được

chỉ có người bỏ thơ

tại sao nhà thơ lại đổ lỗi cho thơ?

tôi nhìn dáng ông đi xa lạ

như nhìn từng bước chân tôi

lạ xa

trên mặt đất

trên mỗi gương mặt

khóc

cười

chỉ một điều tôi không hiểu

tại sao nhà thơ lại đổ lỗi cho thơ?

Huế, 01-2008                       

 

   Nơi tận cùng

       

Hãy đi đến tận cùng nỗi đau

Nơi có loài hoa Ưu đàm nở vào lúc nửa đêm

Phía ngoài kia là khoảng trống

Khu vườn tràn ngập yêu thương

 

Hãy đi đến tận cùng chân trời suy tưởng

Bức tường lặng câm

Chỉ còn tiếng thét triệu năm vọng lại

Hóa lời ru trên đôi môi mẹ hiền

 

Hãy đi đến tận cùng nỗi nhớ

Hư vô chảy trên mười ngón gầy

Nụ cười xưa tan vào mây trắng

Mắt lá chiều nhẹ bay

 

Hãy đi đến tận cùng cơn say

Quẳng nền văn minh phi nhân vào ngục tối

Hãy đi đến tận cùng...

Nghe nhạc lòng reo vui.

 

Hãy đi đến tận cùng con đường

Nhà ga đang chờ bước chân mới

Hãy đi đến tận cùng...

Biên giới cuộc đời những dấu vôi phai.

                                            Huế, 14-10-2009


Đêm

I

Đêm

 

tiếng muỗi vo vo bên vành tai ngái ngủ

chợt nghe lời mẹ gọi

giật mình tỉnh giấc

cơn đau quặn thắt

tiếng côn trùng ùn ùn mọi phía

đêm

mẹ miền xa về trong mộng mị

mắt mẹ hiền như chiếc lá khô

vầng trán mẹ bao lằn đời in nếp

con chỉ mong mẹ về

đọc con nghe bài kinh ngày trước bà ngoại thường đọc

lời kinh tự đáy lòng thẳm sâu

đêm

tiếng mõ khuya hay tiếng người gõ cửa

lời cầu kinh hay bài ca trốn chạy

nhà hàng xóm người phu xe trở về

trong giấc ngủ bình yên

đêm

chỉ còn nỗi thao thức miên trường

cô đơn quấn chiếc chăn bạc màu

ký ức của bao đời trỗi dậy

từng mảnh thần tượng vỡ rơi đầy

những bước chân lạo xạo

hạnh phúc bầy nhầy bốc hơi

 

II

Đêm

 

trần gian sướt mướt

tiếng trẻ thơ khóc đòi vú mẹ

những đôi tình nhân nấn ná giờ chia tay

ngọt ngào - đắng cay

đêm

rời căn nhà ô trọc

lạc giữa mù sương

hơi lạnh toát lên từ mặt đường

thành phố vắng tanh

hình như chiến tranh vừa kết thúc

xác người lăn lóc trên cầu gỗ

mùi đồng loại xông lên rờn rợn

đêm

bặt thinh tiếng người

lũ ma trơi the thé cười

bước chân đè lên nấm mồ tiền kiếp

nghĩa địa không còn những ụ nhấp nhô

đêm

dòng sông nào nức nở

giọt nước mắt mằn mặn

ướt mềm vai thiếu nữ

người từ giã ngày mai

 

III

Đêm

 

mặt trời thức giấc

đối diện trăng rằm cổ tích

người phu quẳng gánh u trầm ngàn kiếp

a ha!

tiếng cười không còn vang dội

giọt lệ buồn khô tự bao giờ

đêm

phía tây hoàng hôn run rẩy

phương Đông tiếng gà xưa trỗi dậy

dòng sông thầm lặng

bừng sáng

ngời ngời mười phương

hình tượng nhòa tan

những ngả đường biến mất

đêm

ánh mắt mẹ rưng rưng

dõi theo

bước tôi xa dần phía đêm

đêm

mặt trời lủng lẳng

soi con hẻm vào xóm xưa

chiếc nôi đu đưa theo điệu hò của mẹ

ai vẽ những vòng tròn u mê triệu kiếp

đêm

lặng lẽ

tôi dâng mẹ những vần thơ

 

IV

Đêm

 

những khóm tre xào xạc

đánh thức người tử tù

trong xà lim tăm tối

đêm

mắt trừng trừng ô cửa vuông trong trí tưởng

kiếp người hắt hiu một màu trăng hoài cổ

từng giọt máu lạnh rỉ rả

người tử tù chợt nhớ lời mẹ dặn

chìm trong lời kinh thăm thẳm

hàm răng trắng hếu cười từ đất

đêm

năm tháng thở dài theo bước chân cuồng dại

thiếu nữ không ngần ngại hiến dâng

nước mắt tượng đá

chảy thành sông ngầu đỏ

đêm

những hình hài nhọt ung

tự nhốt mình ngàn kiếp

trong lớp áo gạt gẫm

trong tường thành trở trăn đầy âm khí

đêm

người tử tù thiếp ngủ giữa vườn đời trọc ô

không chờ đợi

vui buồn

 

V

Đêm

 

như mọi đêm

khi con mắt trần gian khép lại

tôi uống trăng trong hạt sương tròn

giọt buồn âm ỉ của kiếp người

vỡ toang

hoa mưa nở bạt ngàn mọi phía

đêm

loài chó khuya không còn tru thống thiết

muỗi và côn trùng chìm vào giấc sâu

tiếng sột soạt của dòng máu xanh tuôn trào

hòa vào nhịp thở

màn sương trắng ảo mờ

những con chữ nhảy múa

miền hư vô đón chờ

đêm

không còn là đêm

mặt trời lên

tối đen cả đất trời

những mảnh đời đang rơi

đang rơi

hố thẳm

vời vợi

 

VI

Đêm

 

thức giấc cùng gối chăn

trời khóc phố ướt đẫm

hiện hình những nét cong

vọng âm núi đồi

chạm thần kinh xanh

đêm

canh đầu tiên của ngày

tôi xa lạ vừa mới sinh ra

trời đất bao la

từ rất xa em hiện về

thơ ngây

như ngày đầu của sự sống

em khóc

dòng sông chảy ngược

phố trở mình

cô độc chạy tìm em

đêm

nghe canh hai chuyển mình

bước chân cuốn con đường

giẫm bóng liêu xiêu

tôi nghe điều lạ xa

như kẻ thoát ra từ viện tâm thần

ngẩn ngơ

ôm tuổi thơ muộn màng

rao bán giữa khuya

đêm

tiếng chuông canh ba

vào ra hơi thở

ngờ ngợ tỉnh cơn mê

nghe lời em thầm thì bùa chú

thổi mù trăng

những điều răn

lốp đốp

vỡ

trên mái nhà

tôi ngã vào thẳm sâu

đêm

chập chờn canh tư

mắt chối từ giấc ngủ

dậy một bàn chân

mặt đất không hò hẹn phố

rỗng tuếch ánh đèn

khuất vào con hẻm tối

tôi thèm đếm mưa

 

đêm

canh năm lành lạnh gáy

ngón tay gầy đếm đốt mong em

đêm bạc tình

mộng mị cũng ra đi

chiếu chăn vô tình

rủ nhau cuộn lại

và chỗ nằm

vắng một xác thân

đêm

năm canh

dằng dặc…

                                                 (L. H. L, Rút từ tập thơ “Thi ca mùa ngái ngủ”)