Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Ông Lớn

Truyện ngắn Ngu Yên

(Ghi chú trước khi đọc. Chữ mực đen là câu chuyện của Ông Lớn. Chữ mực đỏ là câu chuyện của người tường trình.)

 

clip_image001

 

- “Chừng nào mới thực hiện kế hoạch ám sát?”

- “Thưa chị, chưa được. Hành động lỗ mãng sẽ chết cả đám.”

Dọc theo hai bên đường hầm một chiều từ nam về bắc, ngụ ý, đi xuôi không thể về ngược, hàng trăm ngàn tấm bảng gắn san sát nhau, ngụ ý, không thể nào quên, không thể không hiểu, nền màu đen, chìm vào bóng tối, là bóng tối, nổi bật chữ bằng đèn đỏ, màu chú ý, sắc thịnh nộ, nghĩa hăm dọa; nội dung trên tất cả tấm bảng đều giống nhau, bắt đầu bằng câu: “Nhà nước và Toàn dân chống tham nhũng.” Bên dưới là phần tóm tắt Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Dưới cùng, một hàng chữ lớn, đèn chớp nhá: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Quy định ban hành ngày 27 tháng 10 năm 2023.[1]

Tôi ngồi ở cuối đường hầm. Một thiết kế tân kỳ đặc biệt, con đường cao tốc hoành tráng chạy sâu dưới lòng đất, chỉ có lối vào, không có lối ra. Nghĩa là hàng triệu lối vào nhỏ nhập lại rồi tiến thẳng đến tôi. Tôi là kết thúc và kết luận. Đường chỉ dành cho bộ hành.

Tôi làm gì ở đó? Chính xác là nội dung không thể tiết lộ. Nhìn từ hình thức bên ngoài, người ta đoán chừng và đồn đãi khác nhau. Một số người nhận xét tôi là kẻ đạo đức giả, gian ác, cướp của, giết người một cách hợp pháp. Một số khác ca tụng tôi đã làm nhiều việc ích lợi cho những ai cầu xin cứu giúp. Một số nữa lý luận rằng, mọi việc làm đều có giá phải trả. Mặc kệ, họ có quyền tự do suy nghĩ và phát biểu. Tuy nhiên, những gì tôi nói, họ thường ghi lại để học tập, trích dẫn, nhân danh làm nhiều chuyện tốt và bình phong làm lắm chuyện xấu. Tôi biết.

“Một cái chết là thảm kịch. Một triệu cái chết chỉ là thống kê.” [2] Họ dùng câu nói này khi giết người hàng loạt. Rồi dùng câu nói kia để vinh danh nhạc sĩ Văn Cao: “Âm nhạc là điều tốt đẹp, nó làm dịu con thú trong lòng người.”[3] Đôi khi họ tròng tréo, xách mé tôi: “Không có gì quí hơn độc lập tự do.”[4] Hầu hết các chiến sĩ đều thuộc lòng câu nói: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."[5] Và họ thật tội nghiệp vì đã vô cùng tin tưởng lời hùng biện này: “Cỏ dại của chủ nghĩa xã hội tốt hơn cây trồng của chủ nghĩa tư bản.” [6]

Đường hầm cao tốc chạy thẳng vào một khuôn viên mở rộng, băng qua một cổng lớn, rồi ngừng lại trước thềm, có bậc cấp đi lên cao. Cổng lớn trang hoàng lộng lẫy do các nhà thiết kế Nga, Bắc Hàn, Cuba và Trung Quốc phối hợp xây dựng theo chủ đề “Sợ.” [Tôi muốn hỏi là “Ai sợ”? Chủ nhà sợ? Hay khách đi vào sợ? Chủ đề không được minh bạch. Tôi xin tự giới thiệu: tôi là người tường trình, một thứ nhà báo, cung cấp tin tức cho Trung tâm Quản trị Thế giới.]

Tả sao cho hết cảnh cổng lớn đồ sộ. Từ chân lên đến đỉnh, tràn ngập mặt nạ treo kín mít. Đủ loại mặt nạ tượng trưng cho thiện ác, xấu đẹp, đúng sai. Có cả mặt nạ Chúa, Phật, thánh thần, hiền nhân, ác tặc, vân vân. Dọc bên dưới là những thùng lớn chứa vô số mặt nạ theo kiểu treo bên trên. Người nào đi vào, tự động lựa cho mình một loại mặt nạ hợp với tính tình, mang lên, rồi mới được tiếp tục đi. Mỗi người có hai mặt nạ, một thật đã thói quen thành giả và một giả thật chồng lên.

 

clip_image003

 

Đến đầu thềm, có hai bức tượng đứng hai bên. Không ai biết tượng là đàn ông hay đàn bà. Cứ đồn nhau gọi là tượng Thiện, tượng Ác. Mỗi người phải giao cho một tượng, tùy ý chọn lựa, một phong bì có lá thư ghi rõ điều gì họ cầu xin. Theo lời giải thích không văn bản chính thức, tượng Ác chuyên giúp người thành công đời này; tượng Thiện chuyên giúp người thành công đời sau. Bảng tổng kết hàng ngày cho thấy tỷ lệ Ác/Thiện là 100/5. Nghĩa là tượng Ác nhận được 100 thư yêu cầu, trong khi tượng Thiện chỉ nhận được 5 thư. Có những lúc đời sống khó khăn, tất cả thư đều gửi tượng Ác. Sau lưng tượng là ngôi lầu đền cao lớn mười tầng lộng lẫy. Xây cất cầu kỳ không giống như ý định dành cho người ở. Một bầu không khí siêu nhiên mà hiện thực như một nửa hang động huyền bí, một nửa ngân khố quốc gia. [Tôi đã theo dõi chuyện này từ khi họ mới phác họa sơ đồ đào hầm cao tốc sâu dưới lòng diêm vương. Đây là một thế giới khác. Ở trên là thế giới thực tế, khó hiểu và hầu hết là giả tạo. Mọi thứ, dù đã xảy ra hoặc sắp đến, đều đòi hỏi lý do, đòi giải thích, nhưng không bao giờ vừa ý hoặc hiểu thấu; trong khi ở dưới này là một thế giới, không nhất nguyên, không nhị nguyên, mà là tam nguyên. Bất kỳ thứ gì cũng không có lý do. Không đen, không trắng, chỉ là ảo của xám. Không đúng không sai, không thiện không ác, không đẹp không xấu, tất cả chỉ là “ảo có thật.” Hài lòng cũng vậy, bất mãn cũng vậy, sống là quan trọng. Tôi chiêm nghiệm khá lâu mới hiểu được bản chất sống của nơi này. Thế giới có thể có những tầng lầu cao chót vót và họ thi nhau xây những tòa lầu cao nhất, nhưng không có nơi nào, công trình nào vĩ đại dưới lòng đất bằng đường hầm cao tốc và lầu đền dưới sâu, vừa có kiến trúc lớn lao, vừa có mục đích lạ lùng. Rõ thật là có kinh nghiệm và tư tưởng lớn từ đường hầm Củ Chi.]

Sau đó, người bộ hành sắp hàng một tiến vào chính điện, đối diện với tôi. Tùy mỗi người, họ bày tỏ lòng tuân phục với chiếc túi tôn kính. Họ muốn hành lễ thế nào tùy ý, không giới hạn hành vi nịnh bợ, chỉ cấm những cử chỉ có ngụ ý phản kháng, chống đối hay nhục mạ, sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. [Lệnh cấm đoán này chỉ mới thi hành sau khi một chuyện tày trời xảy ra. Trước đó, ai mà dám vào chính điện làm điều càn rỡ, sẽ bị tru di chín đời. Tuy nhiên, có một kẻ không sợ vì cả dòng họ mười đời đã xuất ngoại. Hôm đó, anh vào chính điện không mang theo chiếc túi tôn kính nào, tụt quần ngồi xổm, phóng uế phùn phụt lênh láng vì đã uống thuốc xổ lãi. Mọi quan quân đều sửng sốt, bất động, quên cả bịt mũi.] Sau khi bày tỏ lòng thành, mỗi người bộ hành để lại chiếc túi tôn kính có tên và địa chỉ thêu vào vải túi để tránh việc thất lạc. Nội dung của túi sẽ được điều hợp với lời thư cầu xin ở hai tượng. Tất cả những người bộ hành đều đi ra ngỏ sau, theo con đường mòn trở về nhà, giữ mặt nạ, chờ đợi. [Chờ đợi tượng Ác tượng Thiện đáp ứng là một loạt truyện khác dài hơn cả tác phẩm Ngàn lẻ một đêm.]

Có hai người bộ hành khám phá ra kiểu ngồi lâu đời sau cái bàn che khăn phủ chấm đất.

- “Ông này ngồi chỉ thấy từ bụng trở lên. Không biết ông bận quần màu gì?”

- “Đoán thử đi, nhưng chắc gì đã mặc quần. Tôi nghĩ là ở truồng. Mấy ông lớn thường xuyên cần hành động thuận tiện theo bản năng, mặc vào cởi ra nhiều lần trong ngày, bất tiện lắm.

- “Đấy, thấy chưa. Họ chỉ đoán mò, suy luận vô căn cứ, rồi phun ra kết luận như thật. Giống dân này có một số đặc điểm, có thể nói là cá tính dân tộc: miệng thích bàn chuyện không biết, tai thích nghe lời đồn, rồi vì mơ màng, trí tuệ tin là thật. Như một người đang ngứa, lại đi gãi người khác, rồi tin mình đã làm việc tốt, đòi người kia trả ơn.”

- “Ê, đừng nói bừa bãi. Ở tù đó.”

- “Không sao. Ông lớn tốt bụng lắm.”

- “Không tin được. Chú tôi kể có một người bạn nghèo, bị quan địa phương giành lấy đất hương quả. Ông ta bán trâu bò, mang tiền lên cầu tượng Ác để giữ được đất thờ phượng. Tiền mất. Đất mất. Nghe nói ông lớn đưa đất cho một ông bộ trưởng xây villa. Bà hàng xóm ở cách nhà tôi mấy căn hộ, khóc lóc suốt cả tuần vì mất một số vàng để cầu xin tượng Ác cho chồng bà khỏi đi tù vì uống rượu say chửi cách mạng. Vậy mà chồng bà vẫn đi tù năm năm. Tượng Ác trả lời, tội chống cách mạng không thể cứu.”

- “Tôi lại nghe nhiều chuyện tốt hơn. Có một thiếu phụ bị bệnh nặng, không có tiền chữa bệnh. Vơ vét ít đồ trong nhà mang bán, lấy tiền xin tượng Thiện cho được mau chết sớm, giải thoát nợ đời. Ông lớn nghe lời cầu đã cho bà tiền và đưa bà vào bệnh viện chữa bệnh. Nghe nói, hai năm sau bà đã lành lặn. Những lời cầu không phải lúc nào cũng trớt lớt. Người được, người không; người được một nửa, kẻ mất ba phần tư. Thấy đó, người ta vẫn sắp hàng dài hàng ngày để cầu xin. Biết bao nhiêu là túi tôn kính lớn nhỏ, chứa đâu cho hết.”

[Lầu đền nằm dưới sâu cả hàng ngàn thước, bên trên là phần đất phía tây bắc của Hoàng thành thuộc Kinh thành Thăng Long xưa. Dưới thời Pháp đô hộ, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã xây trên mảnh đất này. Về sau, được chọn làm nơi sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm việc, cư trú và qua đời ở đây. Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng nơi này là khu di tích và trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Đặc biệt? Tôi nghi ngờ. Có vẻ như ám chỉ ngôi lầu đền ở bên dưới thì đúng hơn.]

Mỗi ngày, ngôi lầu đền đóng lúc 10 giờ đêm. Các người bộ hành ngủ lại ven đường, chờ mai tiếp tục hành trình. Sau cánh cửa khóa kín, sinh hoạt của các người giúp việc bắt đầu rộn ràng. Họ lục soạn những thư cầu xin rồi gắn vào cùng tên trên các túi tôn kính. Họ đọc nội dung thư và làm bảng biên nhận. Tùy theo khả năng giàu nghèo của người dân, túi tôn kính đựng từ vàng, hột xoàn, tiền cho đến những thứ bình dân như lúa, khoai, hoặc con gà con vịt nghẹt thở chết, hoặc cá tôm đã ươn vì hành trình quá dài. Sau cùng họ báo cáo với ông lớn tổng số lợi tức và những gì không bình thường.

- “Thưa ngài, tổng số lợi tức thu vào hôm nay kém hơn hôm qua gần 500.000.000, nhưng có vài chuyện lạ.”

- “Chuyện gì?”

- “Một ông thầy thuốc ta ở Lục tỉnh với lá thư không cầu xin gì, chỉ chúc cho ngài bớt dư máu. Túi tôn kính của ông chứa hơn một nửa là loại đỉa sông lớn. Thưa ngài, phải làm gì với đỉa ạ?”

- “Thả xuống hồ sen cho chúng hút bớt hương thơm. Còn gì không…”

- “Có bà cụ ở Quảng Bình, chỉ có tiền cắc trong túi tôn kính, xin tượng Ác cho được mùa lúa năm tới.”

- “Ra lệnh cho hội đồng mang đến cho bà lúa giống tốt và một con trâu để giúp bà cày ruộng. Không cần nói xuất xứ, cứ để dân quê mê tín đồn nhau tin tượng Ác, sẽ có thêm nhiều người đến cầu xin.”

- “Có túi tôn kính 500 lạng vàng xin được làm chức tỉnh ủy Khánh Hòa. Và một người khác cũng cầu xin chức này nhưng chỉ có 50 lạng trong túi tôn kính. Hay là ra lệnh cho dân bầu phiếu giữa hai người, như vậy thể hiện được tự do dân chủ. Ý ngài ra sao?”

- “Những người bỏ phiếu không quyết định điều gì cả. Những người đếm phiếu quyết định mọi thứ.[7] Ừ, bầu cử. Chỉ thị cho thằng 100 lạng được chức tỉnh ủy. Còn thằng kia, không cho gì cả. Phải khôn ngoan. Không đủ tiền đừng xin chức lớn.”

- “Có thư phân trần về nạn đói sắp xảy ra ở miền Trung. Ý ngài có cần làm gì không ạ?”

- “Khi không đủ ăn, người ta sẽ chết đói. Tốt hơn là để một nửa số người chết để nửa còn lại có thể ăn no.[8] Không cần làm gì. Luật tự nhiên sẽ giải quyết.”

- “Hôm nay là tổng kết cuối tháng. Đầu tháng sau ngài muốn phân phối như thế nào ạ?”

- “Phân phối cơ bản, cứ trải đều như thường lệ. Phân phối thặng dư tháng tới dành cho hệ thống bệnh viện nhập thêm thuốc tây và dụng cụ, phần thặng dư khác cho Bộ Canh nông chuẩn bị mùa thu hoạch mới, sau hết là phần mở rộng, chỉnh đốn hạ tầng cơ sở.

Ừ, việc tượng Ác tượng Thiện trả lời cứ như cũ. Cái gì có thể thỏa mãn được cho người xin, cứ làm. Nếu lời cầu nào đòi hỏi quá độ hoặc khó khăn, cho tôi biết.”

- “Còn điều gì nữa không, thưa ngài?”

- “Ra lệnh thả thằng ỉa bậy trong đền. Nhốt nó một tháng đủ rồi. Phản kháng mà chỉ ỉa thì ăn thua gì.”

Đúng nửa đêm, đêm nào cũng vậy, cô nhân tình chính thức của ông lớn xuất hiện. Vẫn một câu hỏi đám người giúp việc.

- “Phần của tôi đâu?”

Không cần nghe trả lời. Cô đưa tay ra hiệu. Tên cận vệ mang băng xanh từ sau lưng tiến đến góc phòng, một chỗ không thay đổi, xách một bao đầy rồi theo cô đi ra.

Cô được coi là bà lớn, quyền lực chỉ thua ông lớn. Phần lợi tức phải chia cho bà hàng đêm không thể thiếu. [Ông lớn bà lớn chỉ còn là mặt nạ ái tình bên ngoài mà thôi. Ông lớn giờ đây có cả hàng chục tình nhân đủ dạng, đủ hình, được tuyển chọn liên tục từ ba miền bắc trung nam. Còn bà lớn, cứ nhìn đám vệ sĩ lực lưỡng thì đã biết.]

- “Chừng nào mới thực hiện kế hoạch ám sát?”

- “Thưa chị, chưa được. Hành động lỗ mãng sẽ chết cả đám.”

- “Còn vụ phục kích ở Hồ Hoàn Kiếm thì sao?”

- “Vẫn tiến hành, ông lớn vẫn hẹn hò với cô ấy ngoài bờ tây mỗi đêm trăng rằm.”

- “Như vậy khi nào hành động nhớ báo cho chị biết. Chị muốn tự mắt nhìn thấy thằng già này bị siết cổ. Bây giờ, đã đến giờ giải trí. Em đi tắm đi rồi đến phòng ngủ lớn.”

[Trung tâm Quản trị Thế giới đã cho phép tôi được gặp ông lớn qua vai trò phóng viên của tờ báo hàng đầu ở Pháp, tờ Le Monde. Ngày xưa, ông lớn vốn có liên hệ nhiều với Tây nên cuộc phỏng vấn được chấp nhận khá dễ dàng. Hơn nữa đề tài nói về sự khôn khéo của ông đang lãnh đạo một đất nước nhỏ, lèo lái trơn tru cân bằng giữa các thế lực xung động của các nước lớn, sẽ cho ông cơ hội trở thành ngôi sao sáng ở vùng Đông Nam Á.

Chúng tôi gặp nhau vào một buổi xế trưa tại văn phòng nhỏ ấm cúng trong khu di tích quốc gia đặc biệt. Trời Hà Nội vào thu đẹp như lời Nguyễn Tuân thường kể. Gió mát hiu hiu, mở cửa sổ, uống trà tàu nóng, cảm giác thật thú vị. Thú vị hơn nữa vì mọi sự việc xảy ra đúng như tôi kế hoạch và dự tính. Những gì tôi muốn biết không liên quan mấy đến đề tài nên phải khéo léo chuyển hướng mà không gây nghi ngờ. Lừa những câu hỏi tạo ra sự hăng say, đưa cái tôi vào giữa quyền lực, thứ mà nhà lãnh đạo nào cũng mê mệt ôm cứng. Bất ngờ, tôi ngừng lại. Im lặng suy nghĩ. Ông lớn chờ đợi. Đưa tay tắt máy ghi âm, tôi nói.]

- “Thưa ngài, phần phỏng vấn cho Le Monde đến đây chấm dứt. Tôi muốn xin ngài giúp tôi hiểu thêm một số vấn đề khác, không ghi âm, không đăng báo, thuần túy là khám phá để hiểu biết nhiều hơn về kinh nghiệm lãnh đạo của ngài. Và tôi có thể sẽ đi sâu vào những gì mà một nhà báo đã biết. Những bí ẩn này sẽ được bảo vệ trên danh dự của một ký giả chuyên nghiệp.”

- “Được. Thành thật là từ không hiện diện trong từ điển chính trị, nhưng hôm nay, đặc biệt với ký giả đặc biệt, tôi sẽ cố gắng ít nói sai sự thật, ít nhất là một nửa. Lãnh đạo là quyền lực. Nghệ thuật lãnh đạo là nghệ thuật sử dụng quyền lực qua những phương tiện-kỹ thuật thực tế để tạo ra những gì hữu dụng ngoài thực tế mà không cần đánh giá theo cân đo đạo đức hoặc đạo lý, nếu anh muốn nghĩ như thế.”

- Tôi biết ngài đang nỗ lực tiêu diệt tham nhũng nhưng đây là ý muốn thật hay chỉ là chiêu bài?”

- “Năm mươi, năm mươi. Một nửa thật. Một nửa chiêu bài. Tham nhũng cần phải tiêu diệt, nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn. Chỉ nên tiêu diệt một nửa. Một nửa kia cần cho quyền lực. Quyền lực tạo ra tham nhũng và tham nhũng mua được quyền lực. Hai thứ này không bao giờ thiếu vắng nhau. Anh có biết nơi nào có quyền lực mà không có tham nhũng hoặc ngược lại không?”

- “Tôi nghĩ ngài nhận xét đúng về sự tương quan giữa quyền lực và tham nhũng.”

- “Ấy, tôi vẫn chưa nói hết ý. Vì quyền lực cần tham nhũng, nên quyền lực không phải là phương tiện để diệt tham nhũng. Có đường lối khác tiếp nhận, xoa dịu và thánh thiện hóa tham nhũng. Tham nhũng là từ dùng để kết tội của thế giới hôm nay. Khi nghe đến hai chữ này, người ta sẽ chống đối.”

- “Nhưng làm sao không chống đối? Rõ ràng, theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.” Có nghĩa là dùng quyền lực ức hiếp người khác. Ai mà không muốn chống lại?”

- Việc trao đổi khi đưa tiền của ra để lấy lại thứ mình mong muốn là chuyện bình thường. Trao đổi là động cơ chủ yếu để sống. Nhà thờ, nhà chùa nhận tiền của người mang đến cầu xin, vậy là tham nhũng sao? Người cho của cải để cầu xin điều lợi, không phải hối lộ sao? Không phải? Nhận tiền bạc để làm hài lòng ý muốn của người đó, là tham nhũng hay sao? Không chắc?

- “Nhưng nhận tiền bạc để giúp người này có lợi mà làm thiệt hại người khác, có đúng không?”

- “Luật tự nhiên là như vậy. Chỗ này đầy thì chỗ kia vơi. Nơi này bị hại tất phải có nơi khác kiếm lợi. Xử lý việc lợi hại chủ yếu như tôi đã nói là kỹ thuật tạo ra sự hữu dụng.”

- “Với mục đích là…”

- “Ý anh muốn nói, mục đích là lợi ích chung cho người dân? Tôi đã từng suy gẫm về lợi ích chung. Cái lợi ích này đa phần là lý thuyết trên tổng thể. Nói một cách khác, trong một đất nước mà người dân có nhiều lợi ích không có nghĩa là không có nhiều người dân bị thiệt hại. Tôi không phủ nhận chuyện hư đốn của tham quyền cố vị và mặt xấu của tham nhũng, tôi chỉ muốn nêu ra những phức tạp hằng có đời đời của hai thứ này, quyền lực và tham nhũng.”

- “Vậy ông đã có giải pháp?”

- “Nếu có, thì giờ này tôi đã lãnh đạo thế giới, nhưng tôi có ý định và đang thử nghiệm ý định này. Chưa có kết quả gì chắc chắn. Đây là phương cách thỏa mãn lòng dân khi họ đưa ra tiền bạc, thỏa mãn lòng tham khi nhận vào, thỏa mãn lòng sở hữu quyền lực. Chủ yếu, tôi nghĩ, là cách xử lý quyền lực phải vượt lên những rào cản thực tế, những thói quen làm người, để tìm đến những tinh hoa của quyền lực. Phải chú trọng vào nghệ thuật phân phối, thu vào phân ra cho sáng suốt thì tất cả quyền lực nhà nước mới thuộc về nhân dân.”

- “Ý ông muốn nói đến sáng tạo?”

- “Nếu một nghệ sĩ có thể sáng tác những ca khúc hay làm thỏa mãn lòng người, những bài thơ sâu sắc làm rung động hồn người, những bài viết, câu truyện làm mở mang trí tuệ, thì tại sao những tầng lớp lãnh đạo không thể sáng tác những bài bản quyền lực làm tốt đẹp đời sống?”

- “Còn những người ở giữa chia phần tham nhũng thì sao?”

- “Đúng, phải tốn kém một ít, một số phần trăm với kìm chế thỏa thuận, coi như tiền lời của một cuộc luân chuyển tuần hoàn tài sản quốc gia vĩ đại từ dân đến nhà nước, từ nhà nước trở về dân.

- Ông có thể thực hiện không?”

- “Không. Tôi biết tôi chưa phải là nhà lãnh sáng tạo. Nhưng nếu chúng ta chọn con đường này, chắc chắn mai sau sẽ có những nhà lãnh đạo với đầy khả năng sáng tạo. Chúng ta phải là rừng mắm cho phù sa mai sau.”

[Tôi tường trình câu truyện này nhưng chỉ tìm thấy một thông điệp bối rối và những quan điểm vượt ra ngoài hiện thực. Nếu không biết tham nhũng thật sự là gì, làm sao tiêu diệt nó? Hối lộ là từ ngữ chỉ dùng trong chính trị, kinh tế, xã hội, không dùng trong tôn giáo? Nếu biến hối lộ thành dâng tặng và tham nhũng thành phân phối, thì có hiệu quả khác hơn chăng? Và cho đến giờ này, tôi cũng không biết ông lớn là ai?

clip_image005

Ông luôn đeo mặt nạ. Nếu căn cứ vào lời nói, thì ông có thể là một người ngoại quốc hoặc một người lai, hoặc là một người Việt Nam thông thái, mà có phần nào điên loạn như Sigmund Freud đã giải thích về tâm lý người sáng tạo[9], nhưng tôi không còn thời giờ để tìm hiểu. Một công tác khác khẩn trương gửi đến, cần điều tra sự việc ở Nam Phi, tôi phải rời đất nước này. Không kịp chờ đợi kết quả vụ ám sát ra sao. Hôm tôi rời khỏi Việt Nam, đêm đó trăng rằm.]

- “Thưa chị lớn, theo tin chính xác của bên tình báo, đêm nay chúng ta sẽ hành động. Em sẽ đến đưa chị đi vào lúc nửa khuya.”

- “Hay quá. Chị chờ đã quá lâu. Phe ta đã dàn trận đầy đủ như kế hoạch?”

- “Vâng, một con muỗi cũng không thể bay ra.”

Khi trăng tròn xuống gần mặt đất, có thể thấy da trăng nổi đồi mồi. Đến gần, mặt trăng là một hành tinh lạnh lẽo, gồ ghề, và xấu xí, nhưng từ mặt đất nhìn lên, ôi, đẹp làm sao. Hầu hết những thứ gì nhìn thấy đẹp, thấy tốt từ xa, đến gần đều ngược lại. Hầu hết lý tưởng là như vậy. Tuy nhiên, sống đâu phải để chống cự luật tự nhiên. Hãy thưởng thức cái xấu giả đẹp, cái thúi giả thơm, cái ngu giả khôn, vì nếu không, sẽ chết với u buồn.

Ánh trăng chìm sâu xuống đáy hồ thật tuyệt. Loang loáng nhấp nháy chạy càng xa càng mơ hồ len lỏi vào bóng tối. Nghĩa vụ thật sự của ánh đèn là làm cho bóng đêm thêm ghê rợn. Ghê rợn tạo ra hấp dẫn vì con người luôn mơ ước bình an, một thứ bất chợt hay biến mất. Từ bờ bên này âm u nhìn qua bên kia, Hà Nội về đêm son phấn tươi cười ánh mộng. Tháp Rùa và phố xá xung quanh tỏa ánh đèn sắc sảo mà nhẹ nhẹ xoa nhột mặt hồ nước lung linh. Ghê rợn trở thành huyền ảo. Khi ánh sáng đốt lá cành nổi lửa xen lẫn những cành lá tươi đen, cảnh tượng cháy in hình xuống hồ, lăn tăn ngàn năm, in vào đôi mắt, một cảm giác ngưỡng mộ. Hồ Gươm, trái tim Hà Nội.

Đến khuya, hình như nụ cười mệt dần, gượng gạo. Gió hồ lạnh. Bà lớn đứng khuất người trong một lùm cây, kín mít với áo choàng và khăn che mặt, không thể nhận diện. Bóng ma ái tình, bóng ma phản bội, phục vụ cho con quỉ quyền lực. Cai trị đất nước này như Từ Hi Thái Hậu, bà lớn thoáng thấy hình ảnh đó dào dạt với nỗi vui. Nhìn đăm đăm vào hướng phục kích. Em cận vệ đứng sát sau lưng thì thầm hướng dẫn. Bà tưởng tượng, thấy được những anh lính đặc biệt đang phủ phục sau những gốc cây, bờ đất, dãy tường, góc đường. Một con muỗi cũng không thể thoát. Bà có thể nhìn thấy mặt của ông già trợn trừng đôi mắt, tròng lòi ra, miệng há rộng với cái lưỡi cứng đơ. Sợi dây quấn ngang cổ, hai cánh tay gân guốc, bắp thịt gồng lên, siết lại. Giãy giụa, ặc ặc, rũ xuống, bất động. Xong. Bà thở phào vì nín thở khá lâu theo dõi tuồng ám sát. Dường như, xa xa trong tối, thấy có gì cử động. Em cận vệ nói khẽ, “Đến giờ rồi. xin lỗi chị.” Một sợi dây thép mỏng lẹ làng choàng qua quấn ngang cổ bà. Hai cánh tay gân guốc, bắp thịt gồng lên, siết lại. Giãy giụa, ặc ặc, rũ xuống, bất động.


[1] Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

[2] “A single death is a tragedy; a million deaths is a statistic.” – Joseph Stalin.

[3] “Music's a good thing, it calm the beast in the man.” – Joseph Stalin.

[4] Hồ Chí Minh.

[5] Hồ Chí Minh.

[6] “The weeds of socialism are better than the crops of capitalism.” – Mao Trạch Đông.

[7] “Those who vote decide nothing. Those who count the vote decide everything.” – Joseph Stalin.

[8] When there is not enough to eat, people starve to death. It is better to let half of the people die so that the other half can eat their fill.” – Mao Trạch Đông.

[9] Lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud.

“Freud thừa nhận nghệ sĩ thể hiện trí tưởng tượng, ảo ảnh và trí tuệ một cách có ý thức thông qua các biểu tượng, giống như những giấc mơ từ vô thức. Do đó, viết một câu truyện hoặc một bài thơ là để bộc lộ vô thức, để đưa ra một biểu hiện loạn thần kinh được xã hội chấp nhận. Một quan điểm như vậy khiến người viết trở thành một cá nhân xung đột đang giải quyết các vấn đề riêng tư. Freud đã giải thích ý tưởng này trong “Bài giảng nhập môn về Phân tâm học”: Nghệ sĩ cũng có tính hướng nội và không cần phải đi xa để trở thành một người loạn thần kinh. Anh ta là người bị thúc đẩy bởi những nhu cầu bản năng quá năng nổ. Anh ta khao khát đạt được danh vọng, quyền lực, sự giàu có, danh tiếng và tình yêu của phụ nữ; nhưng lại thiếu phương tiện để đạt được những thỏa mãn này. Vì vậy, giống như bất kỳ ai khác có nỗi khao khát chưa được thỏa mãn, anh ta quay lưng lại với thực tế và chuyển toàn bộ sự quan tâm, cả libido của anh ta, vào việc tạo ra những mong muốn trong cuộc sống tưởng tượng, từ đó con đường dễ dàng dẫn đến chứng loạn thần kinh.”

(Dobie, Ann B. Theory into Practice: An Introduction to Literary Criticism. Third Edition. Wadsworth Cengage Learning. Autralia, Brazil, Japan, Korea, Mexico, Spain, UK, US. 2012, p. 61)