Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Nhớ về Đức Cha GB. Bùi Tuần

TS. Phạm Huy Thông

clip_image001

 

Đức Cha GB Bùi Tuần là vị Giám mục đặc biệt. Ngài được tấn phong Giám mục đúng ngày chuyển giao lịch sử của đất nước: ngày 30-4-1975. Lễ tấn phong chỉ có lèo tèo 100 người dự, không kèn trống, không tiệc mừng, vì nhiều người lo sợ bom rơi, đạn lạc nên tìm chỗ lánh cả. Cũng chính Ngài đã treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên trên nóc nhà thờ Long Xuyên nên bị nhiều người nghi ngờ: là Việt cộng nằm vùng hay Vatican cài vào Việt Nam?

Tôi có may mắn quen biết Ngài từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi nhớ gần Tết Kỷ Mão (1989), lúc đó tôi đang làm báo Công giáo nên Ngài nhờ tôi đưa đến gặp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lê Truyền - Phó Chủ tịch đã tiếp Ngài thân mật lắm (ảnh dưới). Sau đó, Ngài nhờ đưa đến nhà nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Tôi đến gặp nhạc sĩ trước. Ông sợ hãi từ chối vì “dính với mấy ông Công giáo, lại là Giám mục nữa”. Tôi trấn an nhạc sĩ: Giám mục chỉ đến gặp vì ngưỡng mộ nhạc sĩ từ lâu rồi. Nhạc sĩ Văn Cao đồng ý tiếp. Tôi nhờ linh mục Lê Đức Sinh - Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cho xe đưa đi. Leo vào nhà nhạc sĩ ở tầng hai, sau khi chủ khách chào nhau, Đức Cha Bùi Tuần liền cất giọng hát bài Thiên thai của Văn Cao rất xúc cảm khiến nhạc sĩ đứng dậy ôm lấy Ngài. Vậy là bao ngại ngùng, ngăn cách bị xóa hết. Ngài nói với nhạc sĩ: Khi tôi dâng lễ, cũng có lúc bị chia trí bởi bài Thiên thai của nhạc sĩ. Ngài trông thấy gia cảnh của nhạc sĩ cũng khó khăn nên muốn biếu chút tiền. Ngài hỏi tôi nên làm thế nào. Tôi nói: Sắp Tết rồi, Đức Cha cứ mừng tuổi ông bà nhạc sĩ là được. Nhạc sĩ Văn Cao nói, ông học trường dòng và bị ảnh hưởng bởi nhạc thánh ca. Nhạc sĩ rất khâm phục nhạc của linh mục Nguyễn Văn Vinh (cha Chính Vinh). Linh mục Lê Đức Sinh mời nhạc sĩ đến Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Buổi gặp diễn ra năm 1990, Đức Hồng y Phạm Đình Tụng (lúc đó là Giám quản) tiếp rất chân tình. Nhạc sĩ Văn Cao hứa sẽ giúp ca đoàn nhà thờ lớn Hà Nội hòa âm mấy nhạc phẩm của cha chính Vinh. Rất tiếc, sau đó do sức khỏe của nhạc sĩ mà dự định không thành.

 

clip_image003

 

Ngài là người say mê viết văn, viết báo. Bạn đọc đã quen với các bài viết của Ngài trên báo Công giáo và dân tộc, sau này cũng được đăng đồng thời trên báo Người Công giáo Việt Nam từ nhiều năm nay. (Tôi có lần nói chuyện với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận tại Hà Nội năm 1989. Tôi hỏi Đức Tổng Giám mục: Thưa Đức Cha, con viết báo Người Công giáo có được không? Đức Tổng Giám mục nói: “Không có gì Chúa dựng nên mà xấu cả, chỉ có điều người ta không làm cho nó tốt lên thôi. Ông xem cây gỗ đóng đinh Chúa đó. Chính Chúa đã làm cho dụng cụ xử tử nạn nhân trở thành biểu tượng của đạo Công giáo đó. Viết báo cho đúng, cũng là truyền giáo”. Tôi chia sẻ với Ngài, Ngài thích lắm và dặn tôi bất cứ hội thảo, hội nghị nào có bàn về tôn giáo nên có mặt và báo cho Ngài để dự. Sao mình không tranh thủ các diễn đàn đó. Nếu không có TV Nhà nước đưa tin các Giám mục họp Hội đồng Giám mục Việt Nam, không ít người nghĩ, các ông Giám mục Việt Nam chết lâu rồi).

Ngài sống rất khiêm tốn và nghĩa tình. Trước ngày được thụ phong linh mục tháng 7-1955, tại dòng Đa Minh ở Hồng Kông, Ngài đã tâm tình với cha Linh hướng: “Con xin từ chối nhận chức linh mục, vì con thấy mình bất xứng”. Nhưng cha Linh hướng đã gạt đi. Năm 1980, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình của Tổng Giáo phận Sài Gòn muốn tiến cử Ngài về làm Phó Tổng Giám mục, Ngài xin được miễn vì Tổng Giáo phận Sài Gòn quá rộng mà Ngài sức khỏe yếu, chỉ phục vụ giáo phận nhỏ như Long Xuyên thì phù hợp hơn. Bữa nào, tôi đi công tác phía Nam, Ngài cũng gọi nhắn vào thăm. Cô thủ quỹ báo Người Công giáo Việt Nam mỗi lần gọi chuyển nhuận bút cho Ngài, Ngài lại hỏi thăm chuyện gia đình, cơ quan rất chu đáo.

Ngài là người viết nhiều, viết khỏe và thẳng thắn. Rất nhiều ý tưởng của Ngài đã được các học giả chia sẻ. Ngài bộc trực về những trăn trở đối với quan hệ đạo-đời hiện nay mà rất nhiều người dù biết nhưng né tránh. Ngài viết:

Một đàng độc lập và hoà hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng chống cộng lại là mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc lương tâm tôi cảm thấy diễn ra xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này qua năm khác.” (Vài vấn đề trong mục vụ tại Việt Nam hôm nay, báo Công giáo và dân tộc số 1534 ngày 24-11-2005).

Người ta gọi Ngài là vị Giám mục của “hòa giải”. Ngài đối thoại với chính quyền mới về chính sách tôn giáo rất kiên trì, nhất là giai đoạn 1990, trước đổi mới về chính sách tôn giáo. Những câu chuyện như “tiếu lâm” mà tôi hay kể khi nói chuyện như xin làm 14 Đàng Thánh giá mà cho 12 vì quá 80% kế hoạch, xin làm phép dầu nhưng dặn không được ra chợ mua dầu làm phá giá thị trường… đều nghe từ Ngài. Ngài cũng đối thoại mạnh dạn với quan chức của Tòa Thánh, kể cả Đức Giáo hoàng. Cho nên, Ngài đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc đợt đầu tiên cùng với Đức cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, cố Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm và Đức Cha Nguyễn Văn Sang năm 2007.

 

clip_image005

Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần và Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II.

Ngài viết nhiều đề tài từ văn hóa, xã hội, tôn giáo nhưng lối hành văn rất trau chuốt. Các cặp hôn nhân rất thích lối so sánh của Ngài: “Tình yêu như ngọn đèn, lấy áo bọc đèn, đèn sẽ tắt. Tình yêu như bông hoa, áp hoa vào ngực hoa sẽ tàn. Tình yêu như dòng suối, xây đập chặn suối lại, suối sẽ cạn” (Nói với chính mình). Tôi đã nghe Ngài nói, khi làm luận văn Thạc sĩ cũng như Tiến sĩ Triết học ở Thụy Sĩ, Ngài đã đi dự nhiều đám cưới, nhiều phiên tòa xử ly hôn, nhiều đám tang ly biệt vợ chồng. Ngài viết khá nhiều sách trong đó có bộ Thao thức năm tập bán khá chạy.

Tôi muốn mượn lời của Đức Cha Trần Văn Toản – người kế vị Ngài –, nói về Ngài: “Con người Giám mục nơi ông hội tụ nhiều khuôn mặt làm nên một con người đáng cho chúng ta phải khâm phục. Ông là một nhà giáo, uyên bác, nhà đạo đức có nền tảng nội tâm sâu sắc, nhà văn hóa tư tưởng thâm sâu với lối hành văn lôi cuốn không thể lẫn lộn với ai khác, một nhà báo luôn bám sát thời cuộc, một nhà tiên tri”.

Hôm gặp Đức Cha Trần Văn Toản dự hội thảo ở Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 23-7-2024, tôi hỏi thăm sức khỏe của Ngài. Đức Cha Giuse nói, Ngài yếu lắm rồi, nên đi Hà Nội mà cứ giật mình luôn. Hai tháng trước, tôi gọi điện hỏi thăm Ngài, Ngài bảo: Nếu còn thấy có bài trên báo, xin Tạ ơn Chúa. Còn nếu không thấy thì xin đọc cho câu kinh nhé. Bây giờ bạn đọc sẽ không thấy bài báo ký tên quen thuộc của Ngài nữa. Tòa Giám mục Long Xuyên đã thông báo lễ tang của Ngài: không nhận vòng hoa phúng viếng. Thay vào đó là hòm từ thiện giúp cho công việc bác ái.

Xin Chúa giàu lòng xót thương, sớm đón nhận linh hồn Đức Cha GB về nơi nước của Chúa.

Hà Nội, ngày Đức Cha GB được Chúa gọi về.