Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Nghĩ về thơ (8)

 Dương Thắng

 

1. Đâu là nguồn gốc của thơ? Thật khó để tìm ra. Nó bị tan biến vào trong những ngóc ngách sâu thẳm của tâm hồn con người, nó lẩn trốn vào trong cái quá khứ xa xăm thời tiền sử, khi ngôn ngữ lần đầu tiên xuất hiện, nó cũng mất tích trong cái guồng máy bí ẩn và vô cùng kỳ lạ đó là trí não con người.

Trước hết, phải thừa nhận rằng, dù ở nền văn hóa nào, con người cũng sản sinh ra hai loại ngôn ngữ rất khác nhau từ hệ thống ngôn ngữ của họ: một là thứ ngôn ngữ duy lý, thực nghiệm, thực tiễn, kỹ thuật; cái còn lại thì mang tính biểu tượng, huyền thoại, đa nghĩa, đa thanh. Thứ ngôn ngữ đầu tiên có xu hướng chính xác hóa, biểu thị, định nghĩa, nó dựa trên logic và cố gắng khách quan hóa những gì nó đang nói đến. Loại ngôn ngữ thứ hai nghiêng về sử dụng hàm ý, phép loại suy, phép ẩn dụ, tức là những tia sáng lấp lánh nhưng khó nắm bắt phát ra từ những ý nghĩa bao quanh hay cận kề với mỗi từ, mỗi câu phát biểu và loại ngôn ngữ này cố gắng diễn giải chân lý của tính chủ quan. Hai ngôn ngữ này có thể trộn lẫn, có thể tách rời, đối lập và làm xuất hiện hai trạng thái tương ứng với hai ngôn ngữ này. Trạng thái thứ nhất, chúng ta có thể gọi là “tỉnh táo”, là trạng thái khi mà chúng ta cố gắng nhận thức, suy luận và đó là trạng thái bao trùm phần lớn cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trạng thái thứ hai, mà chúng ta có thể gọi chính xác là “trạng thái thi ca” hay “trạng thái thơ”. Có thể nói hai trạng thái này tương ứng với hai sinh vật cùng song song tồn tại trong mỗi chúng ta. Và trạng thái thứ hai không phải là trạng thái đến từ những khả năng quan sát sự vật, nó là trạng thái của khả năng “thấu thị” sự vật.

 

2. Fernando Pessoa (nhà thơ nổi tiếng Bồ Đào Nha) đã khẳng định rằng trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Con người đầu tiên, con người thật, là những giấc mơ của chúng ta, được sinh ra từ thời thơ ấu, tiếp tục đi cùng chúng ta suốt cuộc đời, và con người thứ hai, con người giả, là những cái bề ngoài, những lời nói, những hành động, cử chỉ của chúng ta…

Mỗi chúng ta đều có cơ hội sống một cách thi vị và sống bình thường cùng lúc trong cuộc đời này và chúng cần phải được song song tồn tại. Cần phải có một cuộc sống bình thường làm đà cho những giây phút nên thơ và thăng hoa. Chiều ngược lại cũng hoàn toàn đúng. Nhận xét tương tự cũng hoàn toàn có thể áp dụng cho thơ và văn xuôi. Thơ và văn xuôi, đó là hai chất liệu màu mỡ để bồi đắp cho cuộc sống chúng ta. Nếu không có văn xuôi thì sẽ không có thơ, thơ chỉ có thể hiện diện rõ ràng trong mối quan hệ với văn xuôi.

 

3. Trong các xã hội cổ xưa, đặc biệt là những xã hội nông nghiệp, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa hai loại ngôn ngữ (ngôn ngữ duy lý và ngôn ngữ thơ ca) và hai trạng thái tinh thần gắn với hai dạng ngôn ngữ này. Chúng đã hòa quyện vào nhau. Trong cuộc sống, những công việc cụ thể hàng ngày gắn liền với các bài hát, nhịp điệu, các cư dân hát khi cấy hái, ru con hay những lúc nông nhàn. Những áng văn chương dù là văn xuôi nhưng vẫn mang đậm tính thơ trong đó. Người có khả năng làm thơ luôn được kính trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, trong các xã hội đương đại của chúng ta, đã xuất hiện một sự tách biệt rõ ràng giữa văn xuôi và thơ ca. Đó là sự phân liệt mạnh mẽ giữa hai bộ phận của nền văn hóa và rộng hơn là nền văn minh. Một bộ phận của nền văn hóa đã phát triển thành khoa học và kỹ thuật, và bên kia là một nền văn hóa nhân văn, văn học, triết học, bao gồm cả thơ ca. Chính sau cuộc phân ly này mà thơ trở nên tự trị và trở thành thơ thuần túy. Nó tách khỏi khoa học, nó tách khỏi công nghệ, và cuối cùng là tách khỏi văn xuôi. Thơ ca cũng đã tách mình ra khỏi những huyền thoại, nguồn sống chính của nó trước kia (ví dụ như trường ca Đam Săn), nhưng nó vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng tư duy biểu tượng, thần thoại, những cảm hứng bắt nguồn từ tôn giáo…

 

4. Đã có một cuộc nổi dậy lịch sử trong thơ ca. Một cuộc nổi dậy của trạng thái tinh thần thứ hai chống lại trạng thái tinh thần thứ nhất. Đó là nổi dậy diễn ra vào đầu thế kỷ 20 mang tên là “chủ nghĩa siêu thực”. Những nhà thơ của chủ nghĩa siêu thực tuyên bố từ chối việc tự giam hãm mình trong một bài thơ, có nghĩa là trong một biểu đạt văn học thuần túy và đơn giản. Không phủ định việc sáng tác thơ nhưng chủ nghĩa siêu thực cho rằng thơ cần trở lại với nguồn gốc của nó trong cuộc sống. Nói đúng hơn là quay về với những giấc mơ mà chúng ta trong những phút thăng hoa đã bắt gặp chúng. Hãy đập tan cái vỏ tầm thường, nhạt nhẽo và khô cứng của cuộc sống thường nhật đơn điệu để đưa thơ ca trở lại cuộc sống trong cái chiều kích sâu lắng nhất của nó, đó là thông điệp chính của chủ nghĩa siêu thực.

Nhưng chủ nghĩa siêu thực cũng phạm phải những sai lầm không thể sửa chữa. André Robert Breton, lý thuyết gia và là chủ soái của phong trào siêu thực đã muốn kết hợp công thức chính trị mang tính cách mạng “thay đổi thế giới” với công thức siêu thực thơ mộng “thay đổi cuộc sống”. Cuộc phiêu lưu này đã dẫn đến nhiều sai lầm, thậm chí có thể nói đến sự tự hủy hoại của các nhà thơ, khi họ đặt thơ ca nằm dưới một khuynh hướng chính trị. Nhà thơ không được phép nhốt mình vào một lãnh địa hạn hẹp, lãnh địa của trò chơi chữ, lãnh địa của trò chơi ám chỉ, những ẩn dụ biểu tượng. Nhà thơ có năng lực tổng thể, đa chiều, tác phẩm của anh ta có thể liên quan đến nhân văn và chính trị, nhưng anh ta không được phép để mình trở thành nô lệ của chính trị, một cánh tay nối dài của chính trị. Thông điệp chính trị của một nhà thơ đó là vượt ra ngoài chính trị.

 

5. Đặc điểm gì là nổi bật nhất vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21? Trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật đang thắng thế bởi chúng đem lại những hiệu quả cụ thể và thiết thực thì thơ ca đã trở nên mất giá, nó thấy mình bị hạ xuống thành một thứ giải trí, tiêu khiển. Nó trở thành một yếu tố thấp kém hơn so với văn xuôi của cuộc sống. Đi kèm với sự mất giá của thơ là sự trỗi dậy của “siêu văn xuôi” (văn xuôi theo nghĩa tổng quát). Sự gia tăng của siêu văn xuôi là sự gia tăng của một lối sống kiếm tiền, tính hợp thời, các đề tài phân mảnh, chia tách và chuyên sâu. Đó không chỉ là một lối sống mà còn là một lối tư duy của các “chuyên gia”. Không còn các nhà bác học hay các nhà tư tưởng lớn như những thế kỷ trước, hiện nay trù mật chỉ là các chuyên gia, chuyên sâu trong những lĩnh vực hẹp và sự xâm lấn của siêu văn xuôi này có liên quan đến làn sóng quan liêu-kỹ thuật-kinh tế.

 

6. Vậy ngày hôm nay Thơ đang hiện diện ở đâu, làm thế nào để cứu sống nó? Có nhất thiết phải duy trì sự tồn tại của thơ bằng cách liên tục tạo ra những cái mới, những dạng thơ cách tân hay “tân kỳ” chưa từng xuất hiện hay không? Mới không nhất thiết là tốt hơn, đó là một khẳng định của quan điểm hậu hiện đại. Làm một cái gì đó mới chỉ vì nó là mới là một cố gắng vô nghĩa. Vấn đề không nằm ở việc điên cuồng hay cuống cuồng sản xuất một cái gì mới. Sự mới lạ thực sự lại luôn đến từ việc quay trở lại những điều cơ bản. Có thể khẳng định rằng về cơ bản, bất kỳ sự mới lạ nào cũng phải quay trở lại những cội rẽ chính đã xuất hiện thời xa xưa. Có thể có hậu hiện đại và hậu hậu hiện đại, nhưng tất cả những điều đó chỉ là thứ yếu. Mục tiêu của thơ vẫn luôn luôn không thay đổi, đó là đưa chúng ta vào trạng thái thứ hai – trạng thái thơ, hay nói đúng hơn là tìm cách hòa nhập trạng thái thứ hai (trạng thái thơ) vào với trạng thái thứ nhất (trạng thái của cuộc sống thường nhật).