Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (9)

 Thụy Khuê

 

Chương 5

Alexandre de Rhodes

II. De Rhodes đến Đại Việt

 

clip_image002[4]

Trong lời mở đầu cuốn Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions) Alexandre de Rhodes xác định hai việc: Sự đạt đích của đời ông và Mục đích việc ông in sách.

1- Về Sự đạt đích của đời ông:

Tôi muốn nói về ba mươi nhăm năm du hành, đó là cách hành xử nhân hậu trong việc hoán cải những tâm hồn, đó là sự toàn thắng của đức tin vinh hiển trên lầm lỗi và sự thiết lập cơ sở Giáo hội trên nhiều mảnh đất mới mà quỷ thần đã được tôn thờ.[1]

Sự thực, trong ba mươi nhăm năm du hành, Alexandre de Rhodes chỉ truyền giáo được ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, tức là Đại Việt, và chỉ có một nước Đại Việt mà thôi. Dù ông có đưa tên Trung Quốc vào cái tựa đầy đủ của cuốn sách, nhưng ông không đạt được kết quả nào ở Trung Quốc. Trong lời kết toán ba mươi nhăm năm truyền giáo trên đây, nước Việt được ông gọi không bằng tên chính thức Đại Việt, cũng không bằng tên quen thuộc Đàng NgoàiĐàng Trong mà bằng nhóm từ khinh miệt: những mảnh đất mới mà quỷ thần đã được tôn thờ.

2- Về Mục đích việc in sách, ông viết:

Từ khi tôi trở về châu Âu, tôi cho in ở Rome, nhờ ơn các Đức ông trong Hội Truyền Giáo, một cuốn tự điển tiếng cochinchinois [tức là Ấn-Hoa, chỉ Việt Nam], La Tinh và Bồ Đào Nha, một cuốn văn phạm và một cuốn sách dạy giáo lý [Phép giảng tám ngày] chứa đựng phương pháp mà chúng tôi dùng để giảng những bí kíp của chúng ta cho bọn ngoại đạo; những sách này có thể hữu ích cho những ai muốn đến giúp chúng tôi giảng đạo Chúa Ki-tô bằng thứ tiếng cho tới nay chỉ dùng để tôn thờ ma quỷ[2].

Câu này trình bày rất rõ chủ ý của ông: sách in cho những ai muốn giúp việc truyền đạo, bằng thứ tiếng cho tới nay chỉ dùng để tôn thờ ma quỷ.

Vậy các sách ông soạn ra, không hề có ý cho người Việt học chữ quốc ngữ như nhiều người lầm tưởng.

Tóm lại, cuộc du hành ba mươi nhăm năm, đưa Alexandre de Rhodes đến một xác định kép:

- Việt Nam là mảnh đất mới khám phá mà quỷ thần được tôn thờ.

- Sách ông soạn ra không để cho người Việt học chữ quốc ngữ, mà dành cho các giáo sĩ Tây phương, đi giảng đạo ở Việt Nam, biết qua về thứ tiếng cho tới nay chỉ dùng để tôn thờ ma quỷ là tiếng Việt.

Alexandre de Rhodes đã ra vào Đại Việt tất cả sáu lần, từ 1624 đến 1645. Hành trình này chia làm hai giai đoạn, cách nhau 10 năm:

- Giai đoạn một, gồm hai lần ông được phép chính thức đến Đàng Trong (1624-1626) và Đàng Ngoài (1627-1630)

- Giai đoạn hai, sau mười năm bị cầm chân ở Macao (1630-1640), ông được phép trở lại Đàng Trong năm 1640. Trong khoảng 1640-1645, ông đã lẻn vào Đàng Trong bốn lần, mặc dù có lệnh cấm đạo và trục xuất giáo sĩ từ năm 1639.

Theo cuốn Du hành và truyền giáo, lịch trình của ông có thể tóm tắt như sau:

Lần thứ nhất: Tháng 12-1624, de Rhodes đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) trong phái đoàn tháp tùng cha Bề trên Gabriel de Mattos đi kinh lý Đàng Trong, cùng với Pedro Marques và 4 giáo sĩ khác. Ông ở lại đây đến tháng 7-1626, rồi trở về Macao cùng với Pedro Marques[3].

Lần thứ hai: Ngày 12-3-1627, ông đi trong phái đoàn Pedro Marques, đến Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19-3-1627. Được chúa Trịnh Tráng cho phép giảng đạo, cấp nhà ở và cho dựng nhà thờ đầu tiên ở Thăng Long. Đến tháng 5-1630, bị trục xuất[4].

Lần thứ ba: Tháng 2-1640, ông từ Macao đi Đàng Trong, mặc lệnh cấm đạo của chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Ông bị trục xuất, về đến Macao ngày 20- 9-1640[5].

Lần thứ tư: Ông khởi hành từ Macao ngày 17-12-1640, đến Cửa Hàn trước đêm Noël (24-12-1640). Đi suốt dọc miền Trung truyền giáo tới Ranran (Phú Yên) thì bị trục xuất (2-7-1641)[6].

Lần thứ năm: Cuối tháng 1-1642, ông từ Macao đi Đàng Trong, ở lại gần hai năm: Ông thành lập Đội ngũ 10 thầy giảng trẻ để hoạt động trong khi ông vắng mặt; đội ngũ này được tổ chức như một binh đội:

Chúng tôi chia làm hai tiểu đội: Một đi theo các tỉnh phương Bắc tới Đàng Ngoài, do Ignac làm tiểu đội trưởng, dẫn André đi theo. Một, đi xuống khắp các tỉnh phương Nam, tới biên giới Chăm [Phú Yên]” (“Nous les distribuâmes en deux escadrons; le premier devait suivre les provinces du septentrion jusqu'au Tonkin; Ignace devait être le capitaine, et mener André avec soi; l'autre devait aller par toutes celles du midi jusqu'aux confins de Champa”)[7].

Sau khi lập xong “binh đội” các chiến sĩ trẻ sẵn sàng tử đạo, ông trở về Macao tháng 9-1643[8], ở lại 5 tháng.

Lần thứ sáu: Ông trở lại Đàng Trong cuối tháng 1-1644.

Ngày 26-7-1644, thầy giảng André bị chém đầu[9]. De Rhodes đưa xác André lên tàu Bồ chở về Macao[10], còn ông quay lại Đàng Trong, với đầu André, ở thêm một năm nữa.

Ba ngày trước lễ Hiện xuống (Pentecôte)[11] [khoảng tháng 5 năm 1645], de Rhodes cùng tám thầy giảng trẻ xuống thuyền đi trên con sông lớn, lên phiá Bắc giảng đạo [sông Gianh], bị đội lính tuần sông biển bắt được, nghi ngờ từ Đàng Ngoài vào, bèn giải về triều[12]. Chúa Thượng định chém đầu de Rhodes, nhờ vị đại thần, thầy học cũ của chúa can, nên ông được ân xá, nhưng bị trục xuất vĩnh viễn.[13] .

Ngày 3-7-1645, de Rhodes rời Đàng Trong, mang theo thủ cấp André, về La Mã.[14]

Hành trình về châu Âu kéo dài ba năm rưỡi.

Đường về La-Mã:

Bị trục xuất khỏi Đàng Trong, ngày 23-7-1645 de Rhodes về tới Macao.

Ngày 20-12-1645, ông xuống tàu ở Macao để về Âu châu, tới Malaque (Malacca, Mã lai), ngày 14-1-1646. De Rhodes đợi ở đây 40 ngày, không có tàu đi châu Âu, bèn quyết định xuống vùng Jave-Majeure tức là phần chủ yếu của đảo Java (Batavia tức Djakarta) nơi người Hòa Lan có công ty buôn bán sầm uất, có hải cảng và hạm đội chế ngự khắp vùng, hy vọng sẽ được người Hoà Lan giúp đỡ đưa về châu Âu.

De Rhodes khởi hành từ Malacca ngày 22-2-1646, trên tàu lớn của Hoà Lan, ba ngày sau (25-2-1646), tàu bị mắc đá ngầm. De Rhodes kể lại: ông đem đầu André ra khấn: “André, nếu ta bị chôn vùi ở biển này, ta không thể mang đầu con về Rome được”. Lời khấn vừa dứt, con tàu thoát khỏi đá ngầm tiến lên. Ngày 5-3-1646 tàu đến Jacquetra (Djakarta, tức Batavia)[15], dưới sự cai trị của Hòa Lan. Người Hòa Lan đa số theo đạo Thiên chúa, thiểu số theo đạo Tin lành.

De Rhodes bị người Hòa Lan bắt bỏ tù.

De Rhodes kể: Ông ở Djakarta để chờ tàu về châu Âu, đã 5 tháng, giảng đạo và nâng đỡ tinh thần những người Pháp làm việc cho Hòa Lan, bị đối xử tàn nhẫn. Bỗng ngày chủ nhật 29-7-1646, ông đang làm lễ, thì một quan tòa dẫn lính đến khám nhà, những người dự lễ bị phạt, ông bị bắt. Trước tòa hình sự, ông bị hỏi cung về ba điểm:

1-Tại sao làm lễ giảng đạo trong khi biết ở đây cấm đạo.

2-Tại sao đốt sách đạo của giáo phái họ (de Rhodes dùng chữ secte có ý khinh bỉ chỉ đạo Tin Lành, tuy không nói rõ tên) mà mấy người công giáo đem nộp cho de Rhodes.

3- Dụ dỗ quan Trấn thủ Malacca theo đạo Gia-Tô và xưng tội với de Rhodes.

Lần đầu, ông chịu hai giờ hỏi cung. Lần sau, ông phải chịu trận trước bảy ông toà. Cuối cùng họ rút ra tờ giấy ghi 17 tội, đại khái có ba tội như trên, chỗ còn lại mù mờ, sau cùng họ giũ lại bốn điểm:

1- Đánh đòn.

2- Đuổi vĩnh viễn không được trở lại những vùng đất của Hòa Lan, nếu không sẽ bị tử hình. 

3- Tịch thu tài sản.

4- Bắt buộc phải nhìn đao phủ đốt thánh giá, hình, tượng chúa Giê-su và thánh thần[16].

Ngày 22-9-1646, các quan tòa muốn de Rhodes phải đứng dưới chân cột thắt cổ tử tù, nhìn đao phủ đốt hình tượng thiêng liêng, nhưng ông Toàn quyền sợ người công giáo ở đây nổi loạn, không làm.

Ngày 25-9-1646, de Rhodes bị dẫn ra pháp đình, trước các quan tòa mặc lễ phục đúng lệ bộ [áo thụng, đội tóc giả, kiểu châu Âu] để nghe đọc bản án dài một giờ, bằng tiếng Hoà Lan. De Rhodes trả lời: ông không hiểu gì cả. Một ông tòa giỏi tiếng Pháp, tóm tắt án lệnh, gồm ba hình phạt:

1- Bị đuổi khỏi xứ.

2- Phải phạt 400 đồng écu [tiền châu Âu] bằng vàng.

3- Những sách vở, hình ảnh [Chúa, thần thánh] bị đốt ở quảng trường, dưới chân cột phạm nhân đang bị thắt cổ.

Ông khóc lóc kêu than, đau đớn, nhất là “tội ác” này lại do chính người theo đạo Ki-tô phạm (commis par des chrétiens, ý nói đạo Tin Lành cũng thờ chúa Giê-su).

Rúc cục họ cho đao phủ đốt những hình ảnh thiêng liêng dưới cột xử tử, treo cổ, hai kẻ trộm.

Không có tiền nộp phạt, de Rhodes tiếp tục ở tù.

Đến giữa tháng 10-1646, nhân có Corneille Vandecin, Toàn quyền mới của Hòa Lan vùng Ấn Độ đến nhậm chức, ân xá cho tất cả các tù nhân, de Rhodes mới được thả.[17]

Tổng cộng ông ở Djakarta (Batavia) tám tháng, ba tháng trong tù.

Trong đoạn này, de Rhodes đã ngỏ cho thấy quan hệ tương tàn giữa những người Âu với nhau, giữa những người cùng thờ chúa Giê-su với nhau [công giáo và tin lành]. Tuy ông không nói rõ, nhưng những người Hòa Lan hành hạ ông (vì ông là người Pháp và là linh mục công giáo) là những người theo đạo Tin lành, họ kết tội ông đốt sách Tin lành, và ông kể tội họ đốt hình ảnh chúa Giê-su, dưới chân cột tử tù bị xữ giảo.

Cũng xin nhắc lại đôi dòng về việc các nước châu Âu đánh chiếm thuộc địa ở vùng quần đảo Mã Lai và Nam Dương, để hiểu tại sao Việt Nam không bị Hòa Lan chinh phục ngay từ thế kỷ XVII:

Từ năm 1511, Bồ Đào Nha và Y Pha Nho, làm chủ biển cả, chia nhau xâm chiếm vùng quần đảo Mã Lai-Nam Dương. Cuối thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha bắt đầu suy nhược, thế kỷ XVII, Hòa Lan nổi lên như một đế quốc thực dân mới.

Từ năm 1602, Hòa Lan bắt đầu chiếm Ấn Độ [thế kỷ XV và XVI là “của” Bồ Đào Nha] và thành lập Công ty Hòa Lan-Đông Ấn, bề ngoài “buôn bán” nhưng thực chất là thăm dò, bành trướng và tổ chức đánh chiếm thuộc địa. Năm 1641, Hoà Lan chiếm Malacca (thuộc Mã Lai). Sau đó, chiếm các đảo Sumatra, Macassa (trên đảo Célèbes tức Sulawesi) và đảo Java (thuộc Nam Dương).

Năm Giáp Thân (1643-1644) chiến thuyền Hòa Lan nhòm ngó Đàng Trong, nhưng bị chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, lúc đó còn là Thế tử Dũng lễ hầu, đánh bại ở cửa Eo (Thuận An)[18]. Năm sau họ trở lại lần nữa, nhưng chúa Thượng đã cho phòng bị các cửa biển chặt chẽ, họ không làm gì được và từ đó quân Hòa Lan không trở lại Đàng Trong nữa.

Từ Djakarta đi Ấn Độ

Ngày 21-10-1646, de Rhodes lên tàu Bồ rời Djakarta đi Macassar, ông xin ghé vào Bantan [Banten] gần đấy, cũng trên đảo Java, nhưng là thuộc địa Anh, may ra có tàu Anh đưa về Âu châu. Được Toàn quyền Anh vùng Ấn độ tiếp đãi rất tử tế, nhưng không cho lên chuyến tàu sắp về Anh, lấy cớ nước Anh đang có chiến tranh tôn giáo, phải đợi khoảng một năm nữa. Ông đành lên lại tàu Bồ, đi Macassar ngày 25-10-1646. Ngày 21-12-1646 tới Macassar (Ujungpandang thuộc đảo Célèbes (Sulawesi)[19]. Ở đây hơn 5 tháng. Quanh quẩn trong vùng Java đến đầu tháng 8-1647 mới có tàu Anh đi Ấn Độ, qua eo bể La Sonde (giữa Sumatra và Java), đi hai tháng trên biển, ngày 30-9-1647, de Rhodes đến được Surate (Surat hay Gujerat, hải cảng miền Tây Ần độ)[20].

Ngày 3-2-1648, de Rhodes lên được tàu Anh từ Surate đi Perse (Iran, Ba Tư), một tháng sau tới cửa bể Comoran (?) thuộc Ba Tư, vào đầu tháng 3 năm 1648[21].

Đi bộ từ Ba Tư về La Mã

Ngày 18-3-1648, de Rhodes quyết định đi bộ cùng với một người Pháp và một người Bỉ, vào lãnh thổ Ba Tư, qua thành phố Chiras, một tháng sau tới Aspaan (tức Ispahan, cựu thủ đô Ba Tư) ngày 13-4-1648, mà ông cho là “một trong những thành phố lớn đẹp nhất hoàn cầu, đây có nhiều giáo phái khác nhau được tự do truyền đạo. De Rhodes phải đợi ở Aspaan ba tháng, mới có đoàn lữ hành 150 người Arméniens đi Âu Châu để theo họ. Ngày 28-6-1648, ông nhập bọn người Arméniens lên đường qua vương quốc Médie (miền bắc Iran), xuyên miền bắc Arménie sang Anatolie (miền đông Thổ Nhĩ Kỳ) đến hải cảng Smyrne (Izmir) ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17-3-1649. Mất đúng một năm thiếu một ngày, kể từ ngày 18-3-1648, khởi hành cuộc đi bộ từ Ba Tư sang Thổ Nhĩ Kỳ. De Rhodes hết sức sung sướng được gặp các giáo sĩ Pháp cư ngụ tại Smyrne. Sau lễ Phục Sinh, ông lên tàu của người ở thành Gênes (Ý), qua Địa Trung Hải, về Gênes. Gặp được những người bạn cũ từ thời trẻ học đạo ở Roma. Sau đó ông đi Milan, Bologne, Lorette (Loreto), và về tới La Mã ngày 27-6-1649[22].

De Rhodes viết:

Ngay khi về tới [Roma] tôi bắt đầu cho mọi nơi trong thành phố lớn này biết quyết tâm đã khiến tôi từ địa đầu trái đất về đây, tôi may mắn được hầu chuyện nhiều lần Đức Thánh Cha, người tỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi; hàng ngày tôi tới gõ cửa các đức Hồng y, để nói về những vùng giáo dân mới đang ngửa tay xin các vị [dẫn dắt họ] đường lên thiên đàng; tôi đã phải ở lại ba năm, tham dự ba Thánh bộ hội (congrégationes générales), giải quyết việc các xứ của chúng tôi (nos royaumes, ý nói Đàng Trong và Đàng Ngoài) cứ muốn xin giám mục và giáo sĩ, để ngăn chặn không cho bao người bị đọa đầy. [...]

Tôi tin rằng nước Pháp, là vương quốc mộ đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh lính đi chinh phục tất cả phương Đông, để bắt chúng phải theo chúa Giê-su (J'ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l'Orient, pour l'assujettir à Jésus-Christ) và đặc biệt tôi sẽ tìm thấy phương tiện để có những giám mục, làm cha làm thầy chúng tôi, tại các giáo hội công giáo này [ở Pháp]; ngày 11-9-1652, tôi rời Rome với quyết tâm đó, sau khi hôn chân đức Giáo hoàng.[23]

Quyết tâm muốn Gia Tô hóa phương Đông bằng võ lực của de Rhodes được thể hiện rõ trong câu này.

Và câu này đã gây tranh cãi sôi nổi trong việc dịch chữ soldats, ở Việt Nam và Mỹ, trong một thời gian, nên ta cần phân tích kỹ, để hiểu rõ lời văn và ý nghĩ của de Rhodes.

- Một phiá dịch chữ soldats chiến sĩ, và hiểu như lính đi đánh nhau.

- Một phiá dịch là chiến sĩ nhưng hiểu là chiến sĩ phúc âm, hay chiến sĩ của chúa tức giáo sĩ. Dịch giả Hồng Nhuệ viết: “Nói chiến sĩ Phúc âm tức các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm cứ xâm lăng[24].

Tuy nhiên, có hai điểm đáng lưu ý:

1- Các linh mục thường nhún mình tự nhận là ouvrier, tức là thợ hay nhân công của chúa chứ không ai nhận mình là soldat. Trừ trường hợp de Rhodes lập ra đội ngũ 10 thiếu niên sẵn sàng tử vì đạo và ông chia đội ngũ này làm hai tiểu đội (escadron), như ta đã thấy ở trên.

2- Soldats tất nhiên phải dịch là binh lính hay binh sĩ, vì không có chữ nào khác.

Nhưng phải hiểu nghiã bóng như thế nào?

Muốn biết ý tác giả, thì phải xem câu văn đi liền sau đó: “soldats qui aillent à la conquête de tout l'Orient, pour l'assujettir à Jésus-Christ (chiến sĩ đi chinh phục tất cả phương Đông, để bắt buộc chúng phải theo chúa Giê-su).

Câu này đặt trọng tâm trên chữ l'assujettir, tức là bắt buộc chúng phải theo chúa Giê-su. Chính chữ assujettir đã xác định nghiã chữ soldats không thể là chiến sĩ Phúc âm tức là giáo sĩ được, bởi vì giáo sĩ không thể bắt buộc bất cứ ai theo đạo Gia Tô; đồng thời cũng cho những chữ la conquête de tout l'Orient – cuộc chinh phục toàn thể phương Đông, một ý nghiã rộng lớn, với ẩn ý đánh chiếm thuộc địa.

Qua hành trình gian nan, đầy nguy hiểm mà de Rhodes kể lại, chúng ta biết sơ lược những khổ ải trong việc đi truyền giáo ở thế kỷ XVII, hành trình này thường phải mất khoảng một, hai năm và hiểu tại sao một nửa số giáo sĩ bị chết ở dọc đường.

Phải đến năm 1663, khi có Hội Thừa Sai Paris và năm 1644, chính phủ Pháp mở Công ty Pháp-Ấn, để cạnh tranh với Công ty Hòa Lan-Ấn Độ trong việc “buôn bán” và đánh chiếm thuộc địa, thì việc đi giảng đạo của các thừa sai Pháp mới được bảo đảm, nhờ các tàu buôn của Công ty Pháp-Ấn, và thời gian từ Âu sang Á cũng ngắn đi, chỉ còn vài tháng.

De Rhodes đến Đại Việt lần thứ nhất: vào Đàng Trong

Tháng 12-1624, lần đầu tiên Alexandre de Rhodes đến Đại Việt, vào Đàng Trong dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, cùng với nhóm giáo sĩ tháp tùng cha Bề trên Gabriel de Mattos đi kinh lý Đàng Trong; phái đoàn đáp tàu từ Macao đến Cửa Hàn. Mười chín ngày sau tới Dinh Chàm, thủ phủ Quang Nam.

De Rhodes viết trong cuốn Du hành và truyền giáo:

Lúc đó các cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, đều giảng đạo qua thông ngôn, chỉ có cha François de Pina không cần, vì ông biết rõ tiếng Việt[25].

Và ông cho biết tình hình truyền giáo lúc bấy giờ:

Năm 1625, đạo Chúa được truyền giảng khắp nơi ở Đàng Trong, chúng tôi, cả thẩy có mười tu sĩ hoạt động và công việc của chúng tôi không bị cản trở gì, người Thày mà chúng tôi phục vụ cho biết chúng tôi đang được hưởng ân sủng để đạt những thành quả vượt sức cố gắng và kỳ vọng của chúng tôi[26].

Ngày 15-12-1625, linh mục de Pina chết đuối ở Vịnh Đà Nẵng. De Rhodes kể lại: Cha được mời đi thăm những người Bồ trên tàu vừa bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng. “Sau khi thăm xong, cha lên mảng trở về với con chiên, nhưng bão lớn nổi lên, mảng lật; Cha bị vướng áo thụng dài, không bơi thoát như những người khác[27].

Theo de Rhodes, năm đó [1625] người Bồ không mang tới nhiều hàng hoá như thường lệ, nên chúa không hài lòng, “bọn chống đạo” lợi dụng cơ hội kết tội người Bồ và kết án đạo Chúa.

Trong những tội họ buộc [các giáo sĩ], tội chính là không vinh danh hương hồn tổ tiên đã khuất, rằng đạo của chúng tôi là đạo man rợ, đã xóa trong tim lòng biết ơn ông bà cha mẹ mà tạo vật đã in dấu trong mọi trái tim con người[28].

Câu này chứng tỏ, chúa Sãi và triều đình đã bắt đầu chú ý đến những điều các giáo sĩ giảng dạy con chiên. Việc cấm thờ cúng tổ tiên là tội nặng nhất, chính việc này khiến cho đạo Chúa bị coi là “man di mọi rợ”.

Do đó, ta có thể hiểu rằng: cha Buzomi, từ năm 1615, đã giảng đạo theo đường lối ôn hoà, tránh đụng chạm đến Tam giáo thờ cúng tổ tiên, nên đã được chúa Sãi dung nhận. Nhưng đến khi de Rhodes và các giáo sĩ trẻ tới (1625), có thể họ đã giảng dạy những lời phỉ báng Tam giáo và thờ cúng tổ tiên cho nên mới bị chúa Sãi cấm. De Rhodes viết trong Du hành và truyền giáo, như sau:

Chúa bị những cảm tưởng xấu [lời xui xiểm] xâm lấn, ra dụ cấm đạo đầu tiên chống chúng tôi, rồi chống cả mọi người theo đạo trong vương quốc. Ông hạ lệnh cho các giáo sĩ phải rời nhà thờ mà họ dựng nên, để tập trung ở Hội An, lấy cớ vì an ninh của họ và để họ tư do hơn trong nhiệm vụ truyền giáo[29].

Các giáo sĩ bèn kêu với Trấn thủ Quảng Nam, tức thế tử Nguyễn Phước Kỳ, xin chúa cho ở lại thêm 100 ngày để làm lễ an táng cha de Pina [qua đời ngày 15-12-1625]. Sau chúa cũng dịu đi và cho các giáo sĩ được tiếp tục ở lại giảng đạo[30].

Tháng 7-1626, de Rhodes và Pedro Marques được gọi về Macao.

De Rhodes ở Đà Nẵng tất cả 18 tháng.

Đến Đại Việt lần thứ hai: ra Đàng Ngoài

Tháng 3-1627, Macao gửi cha Pedro Marques, làm trưởng phái đoàn và cha Bề trên cùng với de Rhodes đi Đàng Ngoài. Năm trước, hai giáo sĩ Baldinotti (Ý) và Piani (Nhật) đã được phép đến đây, tháng 3-1626 (xem chương 4).

Từ đây, de Rhodes coi nhiệm vụ truyền giáo của mình là một “cuộc chiến” (un combat).

Ông đến Đàng Ngoài để “chiến đấu chống tất cả sự mê muội thần thánh ở Đàng Ngoài với khí giới của Chúa Giêsu” (combattre toute l'idolâtrie du Tonkin avec les armes de Jésus-Christ)[31].

Ngày 12-3-1627, de Rhodes [và Marques] khởi hành từ Macao, sau tám ngày trên biển đến Chouaban [Cửa Bạng] thuộc Sinoa [Thanh Hóa] ngày 19-3-1627.

De Rhodes viết: “Tôi đặt tên cửa biển này là Saint-Joseph[32]. Và từ đó, ông gọi Cửa Bạng là Hải cảng S. Joseph, Thị trấn S. Joseph, một hành động tự tiện, có tính cách thực dân.

Dân chúng ùa ra đón để xem hàng hóa mới. De Rhodes trình bày “hàng” của mình, đẹp nhất, rẻ hơn cả, mà lại biếu không: đó là đạo Chúa Kitô, tức con đường dẫn đến hạnh phúc đời đời[33].

Phái đoàn phải chờ lệnh chúa, không được ra khỏi cửa Cửa Bạng trong hai tuần lễ.

Sau cùng, được gặp chúa trên sông lớn: Trịnh Tráng thống lãnh đại binh 120.000 người và 400 chiến thuyền, đi đánh Đàng Trong[34].

De Rhodes kể: Người Bồ quỳ lạy và dâng lễ vật. Ông theo người Bồ đến trình diện Chúa, dâng một chiếc đồng hồ lên dây (l'horloge) và một hộp phấn (poudrier), nhưng chúa bận việc quân không để ý. Chúa ra lệnh cho mọi người chờ ở Thanh Hoá.

Trong hai tháng ở Thanh Hoá, giáo sĩ rửa tội được 200 người[35]. De Rhodes không kể một việc quan trọng: Cha Pedro Marques, trưởng phái đoàn, đã dâng chúa lá thư của cha A. Palmeiro, Giám Sát Dòng Tên hai tỉnh Nhật, Hoa ở Macao, chúa rất hài lòng.

Điều này giải thích việc chúa ân cần với Pedro Marques và de Rhodes, năm 1627.

Và chúa rất trọng đãi phái đoàn của cha Giám sát Tỉnh Palmeiro đến Đàng Trong năm 1631, sẽ nói tới sau.

Trịnh Tráng thua trận trở về; các giáo sĩ được phép theo chúa về kinh, bằng đường sông. De Rhodes dâng chúa một cuốn sách toán học bằng chữ Hán, bọc vàng, rất đẹp, để có cớ trình bày với chúa về thiên văn, trời, đất, và nhân đó nói về Đức Chúa Trời. Chúa chăm chú nghe, sau đó de Rhodes được chúa vời nhiều lần, đôi khi ăn cơm với chúa và hưởng nhiều ân sủng khác. Nhưng ông vẫn phải tìm cách để ở lại Thăng Long, vì tàu Bồ sắp sửa nhổ neo về Macao. May thay, ông được chúa gọi đến hỏi về cách dùng chiếc đồng hồ ông đã tặng lúc đầu. De Rhodes lên dây cho đồng hồ chạy. Chúa rất hài lòng, cho phép ông ở lại Đàng Ngoài[36].

Tại kinh đô, chúa Trịnh Tráng cho dựng một căn nhà ở cho các giáo sĩ và một nhà thờ. De Rhodes viết: “Thành quả ngoài sức tưởng tượng. Một cô em gái chúa, và 17 người trong hoàng tộc nhận lễ rửa tội, tiếp đến các tướng sĩ danh tiếng và rất nhiều binh lính. Năm đầu, số người được rửa tội là 1200, năm sau, 2000, và năm thứ ba, 3500 người[37].

Theo lời de Rhodes, ông còn cải đạo cho 200 “thày tu mê muội”, họ lại giúp ông cải đạo những người khác. Một người trong đám này kéo đến 500 người đã “giác ngộ”, bỏ “đạo quỷ” để theo đạo Chúa[38].

Chữa bệnh bằng nước thánh và Phép giảng tám ngày

Để giải thích thành công lớn lao này, de Rhodes viết về phương pháp giảng đạo của ông:

Phương pháp mà tôi dùng là trình bày cho họ sự bất tử của linh hồn và cõi khác; từ đó, tôi chuyển sang chứng tỏ có Thánh thần, Thượng đế, như thế, dần dần từng bước một, chúng tôi tiến tới những giáo lý huyền bí nhất. Kinh nghiệm cho thấy lối giáo hóa kẻ ngoại đạo như thế rất hữu ích: qua chương trình giáo lý đại cương, mà tôi chia làm tám ngày, tôi đã cố gắng giải thích tất cả những chân lý chính phải theo, để dạy dỗ những kẻ mê muội[39].

Đoạn văn này rất quan trọng, nhất là câu: “qua chương trình giáo lý đại cương, mà tôi chia làm tám ngày, tôi đã cố gắng giải thích, tất cả những chân lý chính phải theo, để dạy dỗ những kẻ mê muội. Câu này xác định de Rhodes đã soạn Phép giảng tám ngày để dạy giáo lý ở Đàng Ngoài từ năm 1627-1630. Ông còn cho biết: nhờ ơn trên phù hộ ông hoàn thành tác phẩm này, nên ông đã huấn cải được bao kẻ “mê muội”, trở thành người ngoan đạo, và những người này lại tiếp tục công việc của ông:

Những người ngoan đạo này, thường thường chỉ cần cây thánh giá và nước thánh là đã đuổi được bọn quỷ thần, chữa khỏi mọi bệnh; cho uống bốn năm giọt nước thánh, là có thể chữa người mù thành sáng, thậm chí làm hai người chết sống lại[40].

Không những ông chữa bệnh bằng nước thánh mà ông còn tạo ra nhiều con chiên biết chữa bệnh bằng nước thánh. Những điều de Rhodes tin tưởng chứng tỏ ông không khác gì những người mê tín dị đoan mà ông “giáo hoá”.

Đó là mâu thuẫn rất lớn của ông. Rồi ông kể tiếp câu chuyện lạ lùng:

Một ông quan, ngoại đạo có vợ theo đạo đến cầu tôi gửi mấy tín đồ đến thị trấn của ông, nơi có nhiều người đang bị bệnh nặng, ngày nào cũng có người chết. Tôi gửi đi sáu thầy giảng và dặn họ đừng mang theo những thứ [thuốc] đã chữa lành bệnh, trước đây.

Họ ra đi, chỉ mang trong tay những vũ khí để đánh nhau với quỷ, mà người ta cho là nguyên nhân của những bệnh này; những vũ khí đó là: cây thánh giá, nước thánh, cành thánh, nến thánh, và hình Đức Mẹ Đồng Trinh mà tôi đã cho họ trong lễ rửa tội. Họ đến nơi, trồng cây thánh giá ở đầu, giữa và cuối thị trấn, rồi đi thăm những người bệnh, đọc kinh và cho uống vài giọt nước thánh. Chưa đầy 8 ngày sau, họ đã chữa khỏi 272 người bệnh, tin đồn lan truyền khắp vương quốc. Ông quan đến cám ơn tôi, khóc sướt mướt, việc này đem lại cho giáo dân nhiều tin tưởng và từ đó, những kẻ ngoại đạo thấy sự sai lầm của mình mà hối cải[41].

Câu này giải thích tại sao de Rhodes bị coi là phù thủy: vì ông không cho phép thầy giảng chữa bệnh bằng thuốc mà bắt họ chữa bằng nước thánh, tức là nước lã, hẳn có người chết oan.

Ở thời điểm đó, theo Cristoforo Borri, về y học, Đàng Trong đã có thuốc ta và thuốc tây (do người Bồ đem lại), công hiệu gần ngang nhau, nếu chữa thuốc tây không khỏi, chuyển sang thuốc ta, lại khỏi.

De Rhodes kể tiếp chuyện một bà cụ rất mộ đạo, tên thánh là Benoite, bị bệnh đã chết, nhưng không nhận được phép giải tội, vì ông đi vắng:

Benoit [con trai bà cụ] khẩn khoản mời những người công giáo đến chia buồn, cầu nguyện bên xác mẹ đã lạnh cứng từ sáu giờ rồi. Họ cùng quỳ xuống, Benoit to giọng đọc kinh Thánh mẫu, rồi nhỏ trên mặt mẹ vài giọt nước thánh; bà mở mắt ra ngay, không những sống lại, mà còn khỏi hẳn; bà ngồi dậy, rồi quỳ gối cùng với mọi người, đồng ngợi ca Chúa ban phép lạ hiển nhiên. Vài ngày sau, tôi [de Rhodes] trở về làng, được chính miệng hai mẹ con kể lại ân sủng mà họ đã nhận được.[42]

Theo de Rhodes, nước thánh nhiệm mầu đến nỗi: “mỗi chủ nhật tôi phải ban phúc cho ít nhất năm trăm bình nước thánh để phục vụ lòng mộ đạo của con chiên[43].

Chính lối truyền giáo này giải thích tại sao de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài, và tại sao giới trí thức Đại Việt coi đạo Chúa là đạo “mọi rợ”.

De Rhodes bị trục xuất

De Rhodes ở Thăng Long được một năm rưỡi bình an, thì bão táp bắt đầu, ông cho rằng mình bị kẻ thù số một là quỷ thần ám hại: Những mụ đàn bà (vợ lẽ, nàng hầu) có chồng theo đạo công giáo, bị bỏ rơi, bắt đầu nói xấu đạo. Chúa [Trịnh Tráng] cho tới bấy giờ vẫn rất tốt với tôi [de Rhodes] quay ra ghét giáo lý chúng tôi giảng dạy. Mới đầu chúa còn lưỡng lự, sau nghe họ rêu rao: nếu chúa theo đạo thì cũng phải bỏ thê thiếp, thải hơn trăm cung nữ, làm chúa tức giận, ra dụ cấm theo cái đạo từ Âu châu đem sang, bởi “vì nó có hại cho quốc thể và phong tục của vương quốc.”[44]

Việc này vừa tạm lắng xuống, thì một cơn sóng gió khác nổi lên:

Người ta buộc tội những người công giáo mới việc đập vỡ tượng thánh thần, họ tâu với chúa rằng tôi là phù thuỷ, rằng hơi thở của tôi có bùa ngải làm điên đầu người nghe (mon souffle portait un sortilège qui renversait la tête à ceux à qui je parlait) mà không ai làm gì được. Chúa bèn, không những, bắt đầu công kích đạo tôi truyền giảng, mà còn gờm cả mặt tôi, không nhìn, không nói với tôi, không cho tôi vào triều để phân trần và khi có vài người bạn giúp tôi vào được thì chúa cũng chỉ cho yết kiến thật nhanh, sợ bị hơi thở của tôi mê hoặc.

Tôi vẫn tiếp tục công việc như thường, cho đến khi chúa ra mặt chống tôi thẳng cánh, đó là đầu năm 1630: Chúa cấm tôi không được giảng đạo mới, cho lệnh trục xuất tôi phải về Ma Cao hoặc vào Đàng Trong ngay: dụ cấm được in đúng với nghi thức, dán ở cột lớn trước cửa nhà tôi[45].

Rồi ông kể tiếp: Tôi bị bắt giam trong một căn nhà, nhưng người chủ nhà cho phép tôi mỗi đêm lén ra ngoài giảng đạo, làm lễ rửa tội, nghe xưng tội... đến gần sáng mới về. Được hai tháng. Sau đó chúa cho 36 tên lính và một viên chỉ huy dẫn độ tôi lên thuyền rời Đàng Ngoài. Tôi lại dụ được bọn lính theo đạo nên thay vì dẫn tôi vào Đàng Trong, chúng cho tôi một chiếc thuyền nhỏ, luẩn quẩn ở lại dọc bờ biển Bochin [Bố Chính], ngày trốn trên thuyền, đêm lén lên bờ giảng đạo, thêm bốn tháng nữa. Rồi ông lại được trở về kinh thành và được chúa tiếp đón tử tế, nhưng “vào lúc không ngờ nhất, chúng tôi nhận được lệnh khẩn cấp của chúa: không lên tàu Bồ về Macao thì sẽ bị bắt như kẻ phiến loạn[46].

De Rhodes ở Đàng Ngoài tất cả ba năm hai tháng: từ 19-3-1627 đến tháng 5-1630[47].

Cha Giám Sát hai Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, Trung Hoa đến Đàng Ngoài

Sau khi de Rhodes và Pedro Marques bị trục xuất về Macao, cha A. Palmeiro (1569-1635)[48] Giám sát hai Tỉnh Dòng Tên Trung Hoa Nhật Bản, quyết định đi Đàng Ngoài, để kiểm sát tại chỗ những hoạt động mới đây của Marques, de Rhodes và gặp chúa Trịnh Tráng. Nói khác đi, cha Giám sát đến Thăng Long để “điều tra” tại sao de Rhodes và Marques bị đuổi, họ đã làm gì, trong những ngày tháng ở Thăng Long?

Ba năm trước (1627) khi gửi Pedro Marques (và de Rhodes) đến Đàng Ngoài, cha André Palmeiro đã trao cho cha Pedro Marques một bức thư gửi chúa Trịnh Tráng. Đọc thư chúa rất hài lòng. Chúa gửi thư và quà đáp lễ. Bức thư của chúa không viết trên giấy thường, mà khắc trên tấm bạc lá, chiều ngang 55,20 cm, chiều cao 23,60 cm, được trao cho thương gia Bồ đem về Macao, nhưng tàu đến Hải Nam bị bão, lá thư trôi dạt lên bờ, dân chúng vớt được. Cha Palmeiro phải đích thân ra tận Hải Nam chuộc lại, thư bị mất mấy hàng đầu, chỉ còn 17 hàng chữ, tổng cộng 166 chữ. Bức thư quý giá này được giữ trong thư viện Vatican, hầu hết mọi ngưòi đều lầm tưởng là thư của chúa Trịnh Tráng gửi cho Đức Giáo Hoàng[49].

Tình thân này giải thích thái độ của chúa Trịnh Tráng khi đón tiếp phái đoàn Palmeiro, sau khi de Rhodes bị trục xuất. Làm xong việc điều tra, cha Palmeiro trở về Macao, để d'Amaral và Cardim ở lại Đàng Ngoài giảng đạo.

Việc đào tạo những thầy giảng người Việt đầu tiên

Nhưng de Rhodes không chỉ phạm lầm lỗi, mà ông (và cha Pedro Marques) còn để lại ở Đàng Ngoài công trình tốt đẹp là một chủng viện và đào tạo những thầy giảng người Việt đầu tiên, de Rhodes kể:

Tôi chọn những người có khả năng và đã làm được một chủng viện, có thể nói rằng nhờ đó mà chúng tôi đứng vững. Những người đầu tiên được tôi lựa chọn là François, André, Ignace và Antoine, công khai trợ giúp Thánh lễ, thề suốt đời phục vụ Giáo đường, không lấy vợ, tuân theo các Cha đến giảng Phúc Âm […] những gì chúng tôi thực hiện được ở vương quốc này phần lớn nhờ vào họ. Bây giờ có tới hơn trăm người ở chủng viện này được giáo dân cấp dưỡng[50].

De Rhodes không hề nói đến vai trò của Pedro Marques là trưởng đoàn truyền giáo và bề Trên của ông. Đỗ Quang Chính nêu ra một nhân vật khác đã tiếp tục và phát triển công việc của Pedro Marques và de Rhodes:

Gaspar d'Amaral không những tiếp tục công việc của Marques và Đắc Lộ [de Rhodes] mà ông còn phát triển mạnh hơn, nhất là trong việc thích nghi đạo Công giáo với Việt Nam và việc hoàn thành Dòng tu Thầy giảng[51].

Câu thích nghi đạo Công giáo với Việt Nam có thể hiểu là Gaspar d'Amaral giảng đạo theo lối ôn hoà, không động chạm tới truyền thống lễ nghi của dân tộc Việt, nên mới phát triển được việc truyền giáo ở Đàng Ngoài, sau khi de Rhodes bị trục xuất.

Gaspar d'Amaral

D'Amaral là nhà nghiên cứu đã tìm ra hai chữ Đàng Trên để chỉ phần đất của họ Mạc ở Cao Bằng, mà chúng tôi đã giới thiệu trong chương 1.

Trong bảy năm ở Đàng Ngoài, d'Amaral, ngoài việc tìm hiểu văn hóa, xây dựng Dòng tu Thầy giảng, ông còn soạn tự điển Việt-Bồ (La Diccionário anamita-português) mà sau này de Rhodes sẽ sử dụng để làm tự điển Việt-Bồ-La.

Linh mục Đỗ Quang Chính, trong Lời kết cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, đã có một nhận xét, từ năm 1972, đi trước mọi người:

Thật ra, chúng ta chỉ có thể nói một cách tổng quát là: việc sáng tác chữ quốc ngữ do nhiều Linh mục Dòng Tên ở Việt Nam thời đó, và, có lẽ các Thầy giảng Việt Nam đã là những người cộng tác hữu hiệu nhất với các linh mục Dòng Tên trong công cuộc này.”[52]

Câu này muốn nói: Dòng tu Thầy giảng, nơi linh mục d'Amaral tiếp nối việc xây dựng và đào tạo các thầy giảng người Việt ở Đàng Ngoài, cũng là “cái nôi” xây dựng chữ quốc ngữ.

Đỗ Quang Chính, cho đến nay, là người đầu tiên tìm ra các văn bản chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ, ông còn cho biết thêm về thời điểm Gaspar d'Amaral ở Đàng Ngoài và một chút tiểu sử vị giáo sĩ học giả:

Gaspar d'Amaral tới Đàng Ngoài lần đầu tiên vào tháng 10-1629 cùng với thầy Paulus Saito, người Nhật, nhưng đến tháng 5-1630, ông phải rời xứ này cùng một chuyến tàu với hai L.m. Pedro Marques, Đắc Lộ và thầy Paulus Saito để về Áo Môn.

Ngày 18-2-1631, Gaspar d'Amaral, cùng với ba linh mục Dòng Tên khác cũng là những người Bồ Đào Nha, tức André Palmeiro, Antoine de Fontes và Antonio F. Cardim, từ Áo Môn đáp tàu buôn Bồ Đào Nha đi Đàng Ngoài […] Tại đây, các Linh mục cũng như đoàn thương gia Bồ được chúa Trịnh Tráng đón tiếp niềm nở. Trịnh Tráng ra lệnh cho con rể của ông đưa các Linh mục đến ở một ngôi nhà trong Phủ Chúa.[…]

Cuối tháng ba năm 1631 có cuộc thi Hội, Chúa Trịnh Tráng cũng mời các Linh mục đi theo ông để chứng kiến cuộc thi.[...] Chúa Trịnh Tráng ngự trên kiệu sơn son thiếp vàng do 12 người lực lưỡng khênh (phần nhiều là những tay đô vật nổi tiếng trong nước, mà hầu hết là những người ở Kiên Lao, gần xã Bùi Chu ngày nay) theo sau còn có nhiều quan văn võ đi ngựa và 10.000 lính mang võ khí sáng nhoáng.[...]

Sau 7 năm ở Đàng Ngoài, tức là vào năm 1638, Amaral được gọi về Áo Môn giữ chức Viện trưởng Học viện Madre de Deus (Mẹ Đức Chúa Trời) của Dòng Tên. Ba năm sau, Amaral được cử làm Phó Giám Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước Nhật, Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Xiêm, đất Áo Môn và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, Gaspar d'Amaral lại đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài truyền giáo, nhưng tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam làm ông bị chết ngày 23-12-1645[53].

Lý do khiến de Rhodes bị giữ lại mười năm ở Macao

Đỗ Quang Chính phân tích trường hợp Alexandre de Rhodes như sau:

Chúng ta biết rằng, sau khi Đắc Lộ [de Rhodes] bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài, ông được chỉ định dạy Thần học tại học viện Madre de Deus ở Áo Môn trong 10 năm trời (1630-1640). Đắc Lộ tự coi như mình bị cầm chân trong 10 năm đó, vì ông muốn trở lại Đàng Ngoài hoạt động truyền giáo như trước, hay ít ra cũng được trở lại Đàng Trong để sống với người Việt Nam. Thật ra nếu Bề trên muốn, thì ông vẫn có thể trở lại Đàng Ngoài được, dù ông đã bị chúa Trịnh Tráng trục xuất. Bởi vì nhà cầm quyền Đàng Ngoài chưa có ác cảm với ông nhiều, còn đối với tôn giáo mới là Công giáo, họ cũng không cấm hoàn toàn. Chính vì thế mà vào tháng 3-1631, bốn linh mục Dòng Tên là Gaspar d'Amaral, André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Áo Môn đến Thăng Long đã được chúa Trịnh Tráng tiếp nhận và ông cho phép hai linh mục Gaspar d'Amaral và Antonio F. Cardim được phép ở lại Thăng Long; tới năm 1632, lại có thêm ba linh mục Dòng Tên khác đến Đàng Ngoài: Raymond de Govea (Tây Ban Nha) và hai người Ý là Bernadin Reggio, Jérôme Mayorica. [...]

Sở dĩ Đắc Lộ phải vắng mặt ở Việt Nam từ 1630-1640 là vì một số tu sĩ ở Áo Môn không đồng ý với ông về ít nhiều thích nghi của ông tại Việt Nam, ví dụ: vấn đề từ ngữ Ky Tô giáo, như từ ngữ Đức Chúa Trời Đất, vấn đề lập Dòng tu Thầy giảng, việc thích nghi tập tục Việt Nam vào phụng vụ, v.v.[54].

Linh mục Đỗ Quang Chính thường rất dè dặt khi viết về vấn đề truyền giáo. Ở đây, ông chỉ nhẹ nhàng nêu lý do tại sao de Rhodes bị cầm chân ở Áo Môn trong mười năm, bằng câu: “vì một số tu sĩ ở Áo Môn không đồng ý với ông về ít nhiều thích nghi của ông tại Việt Nam.

Đỗ Quang Chính không nhắc đến chương trình giảng đạo của de Rhodes: phỉ báng Tam giáo, đập phá tượng Phật, chữa bệnh bằng nước thánh, làm cho người chết sống lại, mà de Rhodes đã ghi trong cả hai cuốn ký sự, và chắc chắn khi cha Giám tỉnh Palmeiro đến Thăng Long, ông đã hỏi chúa Trịnh Tráng về lý do trục xuất, và chúa đã nói cho ông biết những hành động này.

Vì vậy sự thích nghi với tập tục Việt Nam mà Đỗ Quang Chính nói đến ở đây, phải là một chính sách truyền giáo ôn hoà, tránh dùng những chữ như Đức Chúa Trời, tránh bôi nhọ đạo Phật, không đập phá tượng Phật, tượng Thánh, không chống lại việc thờ cúng tổ tiên, v.v. mà các giáo sĩ Bồ vẫn âm thầm thực hiện.

Gaspar d'Amaral khi đến Đàng Ngoài, như trên đã nói, hẳn ông đã thi hành chính sách truyền đạo thích nghi với văn hoá Việt Nam, nên mới ở được bảy năm.

Cha Buzomi, ở Đàng Trong, cũng đã thực hiện một chính sách truyền giáo mềm dẻo, bởi vì ông “nhấn mạnh đến việc phải thích nghi tôn giáo vào địa phương ngay cả trong ngôn ngữ...[55]. Chính đường lối ôn hòa này đã giúp cha Buzomi phát triển việc truyền giáo, và ông đã ở lại Đàng Trong suốt 24 năm.

Sau khi de Rhodes bị trục xuất, việc truyền đạo ở Đàng Ngoài, lại tiến hành tốt đẹp, và chính de Rhodes cũng đã công nhận:

Tháng 3-1628[56] cha Gaspar D'Amaral [...] được Bề trên cho phép cùng hai Cha khác đến Đàng Ngoài giảng đạo; và đã gặt hái kết quả tốt đẹp, gấp trăm lần mầm giống ban đầu [...] Theo những thư của Đức Cha R.P Jérôme Majorca gửi cho tôi [de Rhodes] thì bây giờ [không rõ lúc nào] đã có ba trăm nghìn giáo dân, hai trăm nhà thờ công, và mỗi năm, rửa tội thêm ít nhất cho mười lăm ngàn người ngoại đạo, và năm đó [?], Đức Cha Majorca đã làm lễ rửa tội cho sáu nghìn người, ông có dưới quyền bốn mươi ngàn giáo dân bảy chục nhà thờ. Phải công nhận rằng một nhà giảng đạo ở xứ này hữu hiệu hơn 50 nhà giảng đạo nhiệt thành nhất ở Âu Châu[57].

Jérôme Majorca tức Đức Cha Giroiamo Majorica, là “Người nổi tiếng trong phong trào văn Nôm Công giáo, tác giả 48 tác phẩm đủ loại bằng chữ Nôm, phần lớn là văn xuôi và một số ít là văn vần[58], thuộc Dòng Tên, đến truyền giáo ở Đàng Trong năm 1623, học nói và viết tiếng Việt, học chữ Hán và chữ Nôm. Năm 1631, ông đến truyền giáo và làm cha Bề trên ở Đàng Ngoài, cho đến khi qua đời năm 1656[59].

Đức Cha Giroiamo Majorica và linh mục Lữ Y Đoan, người Việt là hai khuôn mặt lớn trong giới giáo sĩ thế kỷ XVII, đã truyền giáo bằng tiếng Việt, qua chữ Nôm và chữ Hán.

Bộ truyện Nôm công giáo đồ sộ do Đức Cha Giroiamo Majorica viết và sưu tập, gồm 4200 trang và bộ Sấm Truyền Ca (1670) do linh mục Lữ Y Đoan diễn ca Kinh thánh sang thơ Nôm theo tinh thần đạo đức Đông phương, cho thấy đạo Chúa, nửa sau thế kỷ XVII, đã được phổ biến và đưa đến những kết quả không ngờ vì không đi trái với truyền thống dân tộc. Và đạo Chúa đã được bành trướng qua chữ Nôm: chữ quốc ngữ không được sử dụng ngay cả trong giáo đường, chữ Nôm vẫn là chính, trong suốt ba thế kỷ.

Đó là điều không mấy ai nhận thấy hoặc biết mà không nói ra. Người ta cứ truyền tụng rằng đạo Chúa đã được truyền bá bằng chữ quốc ngữ, và lấy cuốn sách Phép giảng tám ngày của de Rhodes làm chứng, nhưng có lẽ không ai đọc thử cuốn sách này một lần, trong nguyên bản, để xem những chữ quốc ngữ trong sách này có thể đọc lên thành những câu tiếng Việt hiểu được, hay không?

Mười năm ở Trung Hoa

Trong 10 năm ở Trung Hoa, de Rhodes giảng đạo ở những thành phố quanh vùng Quảng Đông, nhưng ông không được thoải mái, ông kể:

Sau khi đã cứu trợ Đàng Ngoài, tôi bắt đầu vận dụng tất cả khả năng để cải đạo người Tàu, nhưng phải nói thực, không dễ dàng như đối với vương quốc nhờ ân trời tôi vừa đi qua.

Nguyên do đầu tiên là tại tôi, bởi vì, mặc dù tôi nghe được tiếng Tàu nhưng không nói được một câu hoàn chỉnh, khiến tôi bắt buộc phải giảng đạo qua thông ngôn, điều này không đủ mạnh để thuyết phục một linh hồn quyết định cải đạo và thay đổi đời sống. Thêm lý do nữa là sự kiêu hãnh của người Tàu, họ tưởng họ là trung tâm vũ trụ. Họ đến nghe thuyết giảng khi muốn chống lại, nhưng khi ta đã thuyết phục được họ rồi, thì không thấy họ trở lại nữa.

Tuy vậy, Chúa cũng ban ơn cho chúng tôi cải đạo một số người ngoại giáo, tận tay tôi đã rửa tội cho ít nhất một nghìn người. Chúng tôi di chuyển trong những thành phố khác nhau ở bên Tàu, đặc biệt trong tỉnh Quảng Đông, tôi thường đến thủ đô, rất lớn, rất đẹp, chưa từng thấy, và nhờ ơn Trên, chúng tôi chẳng bao giờ trở về không[60].

Điều an ủi ông, là việc chăm nom giáo dân mới nhập đạo: ông giảng dạy, cai quản, và chỉ bảo cho họ những gì cần thiết để sống đời công giáo. Việc này chiếm trọn ngày, cho nên nếu ông muốn học thêm để soạn những bài thuyết giáo hay bài giảng về thần học thì phải đợi đến đêm. Trong công việc, ông sung sướng kể lại rằng: ông đã gặp một giáo dân 150 tuổi [?)][61], đã được thánh François Xavier rửa tội ở Nhật Bản.

Những điều ông viết về 10 năm ở Trung Hoa vỏn vẹn chỉ có thế.

(Còn tiếp)


[1] Du hành và truyền giáo, trang 3-4. Nguyên văn tiếng Pháp: “Ce que j'ai à dire de trente-cinq ans de voyages, est la conduite de la grâce en la conversion des âmes; ce sont les triomphes de la foi victorieuse de l'erreur, et l'établissement de l' Eglise en plusieurs nouvelles terres où les démons étaient adorés.

[2] Du hành và truyền giáo, trang 89. nguyên văn tiếng Pháp: “Depuis que je suis de retour en Europe, j'ai fait imprimer à Rome, par la faveur de Messieurs de la Congrégation de la propagation de la foi, un dictionnaire cochinchinois, latin et portugais, une grammaire, et un cathéchisme qui contient la méthode que nous tenons pour proposer nos mystères aux paiens; cela pourra être utile à ceux qui auront le désir de nous venir aider à prêcher Jésus-Christ en ces langues, dont on ne s'est servi jusqu'à présent que pour honorer les démons.

[3] Du hành và truyền giáo, trang 86-97.

[4] Du hành và truyền giáo, trang 109- 136.

[5] Du hành và truyền giáo, trang 145-150.

[6] Du hành và truyền giáo, trang 152-175.

[7] Du hành và truyền giáo, trang 193.

[8] Du hành và truyền giáo, trang 194.

[9] De Rhodes không ghi rõ ngày này trong sách. Đỗ Quang Chính chép lại ngày tháng này, theo bài viết 16 trang của de Rhodes về cuộc tử đạo của André, bằng tiếng Bồ, mà ông tìm thấy trong Thư viện Lịch sử Madrid (Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 47).

[10] Du hành và truyền giáo, trang 245.

[11] Lễ Hiện xuống (Pentecôte) được cử hành ngày thứ 50 sau lễ Phục sinh (Pâques). Lễ Phục sinh là ngày chủ nhật, sau ngày xuân phân (21-3).

[12] Du hành và truyền giáo, trang 303.

[13] Du hành và truyền giáo, trang 309-310.

[14] Du hành và truyền giáo, trang 326-327.

[15] Du hành và truyền giáo, trang 338-339-340-349-350.

[16] Du hành và truyền giáo, trang 350, 354, 355, 361, 362.

[17] Du hành và truyền giáo, trang 367-368-369-371-372.

[18] Đại Nam Thực lục Tiền biên, tập III, trang 55-56. Phan Khoang ghi năm 1643, vậy việc này xẩy ra trong năm Giáp Thân vào khoảng cuối năm1643 đầu năm 1644.

[19] Du hành và truyền giáo, trang 373- 377.

[20] Du hành và truyền giáo, trang 386-387-391-393-398.

[21] Du hành và truyền giáo, trang 401- 403.

[22] Du hành và truyền giáo, trang 405- 406- 415- 432- 434.

[23] Du hành và truyền giáo, trang 435-436.

[24] Hành trình và truyền giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ, chú thích số 2, trang 335.

[25] Du hành và truyền giáo, trang 87-88.

[26] Du hành và truyền giáo, trang 90. Người Thầy mà de Rhodes nói đến, chắc là cha Pedro Marques, trưởng phái đoàn. Cha Pedro Marques, từ 1620 đã là Bề trên tại Hội An, ông thường đi về giữa Macao và Đàng Trong, ông sinh tại Nhật, cha Bồ, mẹ Nhật, hơn de Rhodes 16 tuổi. Ông bị đắm tàu và chết tại Hải Nam năm 1670.

[27] Du hành và truyền giáo, trang 92.

[28] Du hành và truyền giáo, trang 92.

[29] Du hành và truyền giáo, trang 93.

[30] Du hành và truyền giáo, trang 93.

[31] Du hành và truyền giáo, trang 97.

[32] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, trang 127-128.

[33] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, trang 129.

[34] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, trang130-134.

[35] Du hành và truyền giáo, trang 110- 111.

[36] Du hành và truyền giáo, trang 111-112-113.

[37] Du hành và truyền giáo, trang 114-115.

[38] Du hành và truyền giáo, trang 115.

[39] Nguyên văn tiếng Pháp: “La méthode que je tenais était de leur proposer l'immortalité de l'âme, et l'autre vie; de là je passais à prouver la divinité, puis la Providence, ainsi de degré en degré nous venions aux mystères les plus difficiles. L'expérience nous a fait voir que cette manière d'instruire les païens est fort utile: je l'ai expliquée au long dans mon catéchisme, que je divise en huit journées, où je tâche de proposer toutes les vérités principales sur lesquelles il faut instruire les idolâtres”, Du hành và truyền giáo, trang 115-116.

[40] Nguyên văn tiếng Pháp: “Ces bon chrétiens, avec la sainte croix et l'eau bénite, chassaient ordinairement les diables, guérissaient toutes sortes de maladies; donnant à boire quatre ou cinq gouttes de cette eau sacrée, ils ont guéri quelques aveugles et mêmes ressuscité deux morts”. Du hành và truyền giáo, trang 116.

[41] Du hành và truyền giáo, trang 116-117.

[42] Du hành và truyền giáo, trang118-119.

[43] Du hành và truyền giáo, trang 122.

[44] Du hành và truyền giáo, trang 126-127.

[45] Du hành và truyền giáo, trang 128-129.

[46] Du hành và truyền giáo, trang 132.

[47] Du hành và truyền giáo, trang 136.

[48] Năm 1617, cha Palmeiro đi truyền giáo ở Ấn Độ, sau đó ông được cử làm Giám sát hai Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, Trung Hoa, từ 1626 đến 1635, là năm ông qua đời. (Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, chú thích số 3, trang 51).

[49] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, tiểu sử André Palmeiro, chú thích 3, trang 51-52.

[50] Du hành và truyền giáo, trang 123-124.

[51] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang, 53.

[52] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 130.

[53] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 51-52-53.

[54] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 41-42.

[55] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 38.

[56] Thực ra là tháng 10-1629.

[57] Du hành và truyền giáo, trang 137.

[58] Trích bài Thiên chúa thánh giáo khải mông của Võ Long Tê, in trong Về sách của tác giả Công giáo (thế kỷ XVII-XIX), Nguyễn Văn Trung thu thập và biên soạn, Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, 1993, trang 26.

[59] Theo Võ Long Tê, bài đã dẫn.

[60] Du hành và truyền giáo, trang 137-138.

[61] Du hành và truyền giáo, trang 139.