Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (6)

 Thụy Khuê

Chương 3

Cristoforo Borri

III. Quan Khám lý Trần Đức Hòa và cơ sở Nước Mặn

clip_image002

 

Cristoforo Borri dành hai chương III và IV, trong Phần II của Ký Sự Đàng Trong để viết về nhân vật mà ông quý trọng và tôn vinh: quan Khám lý Trần Đức Hoà – ân nhân thứ hai của đạo Chúa (sau Minh Đức Vương Thái Phi) – là người đã cứu sống cha Buzomi và mời các giáo sĩ về vùng ông cai trị, năm 1618, trong cơn sóng gió, các giáo sĩ phải lẩn tránh, ông đã cấp nhà ở và dựng nhà thờ cho họ ở Quy Nhơn, tạo ra cơ sở đạo Chúa ở Nước Mặn.

Xin tóm tắt lại những sự kiện đã xẩy ra:

Đạo Chúa ở Đàng Trong do cha Buzomi đặt nền móng từ năm 1615, nhờ Minh Đức Vương Thái Phi giúp đỡ và che chở, có được nhà thờ lớn ở Đà Nẵng. Năm 1616, Macao gửi thêm ba thầy giảng người Nhật sang trợ giúp. Năm 1617, linh mục Francisco de Pina, người Bồ, giỏi tiếng Nhật, được gửi đến Đàng Trong tăng cường lực lượng. De Pina là giáo sĩ đầu tiên biết nói tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt. Năm 1618 Macao gửi Pedro Marques và Cristoforo Borri sang Đàng Trong. Nhưng vụ hạn hán năm 1618 đưa đến hậu quả tàn khốc: nạn đói tràn lan, những phần tử quá khích đổ tội cho các giáo sĩ đem đạo mới truyền vào, khiến “quỷ thần nổi giận”, nhà thờ Đà Nẵng bị đốt cháy. Sợ loạn, chúa Sãi phải khuyên các giáo sĩ lánh đi. Họ sống trốn tránh trong vùng Đà Nẵng-Hội An. Cha Buzomi bị bệnh nặng, được quan Khám lý Trần Đức Hoà đưa về Quy Nhơn chữa chạy.

Năm 1619, cha Buzomi bình phục; quan Khám lý đưa ông trở lại Hội An, các đạo hữu Dòng Tên gặp nhau trong niềm vui khôn tả. Họ quyết định: Cha Pedro Marques ở lại Hội An. Các Cha Buzomi, de Pina, Borri và thầy giảng Bồ, theo quan Khám lý về Quy Nhơn[1].

 

Quan Khám lý đưa các giáo sĩ Dòng Tên về Qui Nhơn

Borri viết:

"Các cha Francesco Buzome, Francesco di Pina và tôi rời Faifo [Hội An] đi Pulucambi [Quy Nhơn] cùng với quan Khám lý vùng này; trong suốt cuộc hành trình, ông đã đối đãi với chúng tôi một cách lịch lãm và tử tế không thể tả, cho ở cùng với ông, không một động cơ nhân đạo nào có thể giải thích nổi cách xử sự này, mà phải công nhận đó là sự an bài của Thượng đế.

Ông dành riêng một chiếc thuyền chiến (galère) cho chúng tôi và những người thông ngôn, còn hành lý chở trên một chiếc ghe khác. Với tiện nghi như thế, chúng tôi đi trọn 12 ngày, sáng rời, tối cập bến, vì tất cả các bến đỗ đều gần các thị trấn nhỏ hoặc tỉnh thành lớn trong vùng Quanghia [Quảng Nghiã][2] và ở vùng này, quan Khám lý cũng có quyền như ở Quy Nhơn của ông"[3].

Trên đường đi, người dân mang nhiều quà đến tặng quan Khám lý, ông truyền biếu các linh mục trước, và các giáo sĩ thỉnh cầu điều gì cũng được toại nguyện.

"Ngoài ra, ông còn muốn, trong suốt cuộc hành trình chúng tôi phải được đối xử như những đức ông lớn, quan Khám lý ra lệnh tổ chức những lễ hội, khi bày trò chơi, khi lập trận thuỷ chiến giả, khi chạy thi, ai thắng đoạt giải. Không ngày nào là ông không đích thân lên thăm chúng tôi trên thuyền, để tỏ rằng ông rất thích trò chuyện với chúng tôi, nhất là khi câu chuyện dẫn đến niềm tin thiêng liêng, đến lạc phúc miên viễn."[4]

Khi chỉ còn một ngày nữa là về đến dinh "ông cho đi đường bộ để chúng tôi tiêu khiển, ra lệnh đem đến 7 con voi; và vinh dự hơn nữa, một trăm kẻ tháp tùng, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì là chuyến đi chơi, nên chúng tôi đã đi trọn tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đãi rất đế vương. Tại nhà một bà chị hay em của ông, chúng tôi được thết đại tiệc huy hoàng, không chỉ với rất nhiều cao lương mỹ vị, mà còn có bếp nấu theo lối Tây phương, mặc dù quan Khám lý và đoàn gia tùng không ai nếm cả.

Khi về đến dinh, lễ hội và yến tiệc kết thúc linh đình như dành cho vua chúa. Tiệc tùng trong tám ngày liên tiếp. Quan Khám lý cho chúng tôi ngồi chễm chệ trên ngai, dự tiệc với ông trước công chúng cùng thê thiếp và các con ông, trước sự kinh ngạc của cả một Cung đình (sa Cour) mà mọi người trong cung thất đều đồng ý là chưa bao giờ thấy ông tiếp đón ai như vậy, trừ các ông hoàng bà chúa. Vì vậy, mà có tin đồn rằng chúng tôi là con vua đến đây với một nhiệm vụ quan trọng. Điều đó đến tai quan Khám lý, ông hài lòng lắm, và trong một buổi tiếp đãi các quan lớn trong triều, ông nói rằng: các linh mục là con vua thật, hơn nữa, họ còn là thiên thần, đến đây không phải vì nhu cầu thèm khát, vì họ đã có đầy đủ tất cả trên đất nước họ, nhưng vì nhiệt tâm muốn cứu vớt tâm hồn những người thật lòng muốn nghe họ, chịu tuân theo những phép tắc và giáo lý mà họ giảng dạy và nhận đức tin mà họ truyền đạt. Ông nói: "Ta đã thảo luận nhiều lần với những người này, ta hiểu rõ đạo giáo mà họ truyền giảng, ta thấy không có đạo nào chân thực bằng, và cũng không có con đường nào khác ngoài con đường họ đề ra để dẫn tới cứu rỗi. Vậy, các ngươi hãy xét kỹ những gì ngươi làm, bởi, ngươi sẽ phải chịu sự trừng phạt đời đời trong cực hình địa ngục, cho những bội phản của ngươi, nếu ngươi không chịu học đạo chân thực này ngay từ bây giờ, mà ta, người cầm đầu các ngươi, đã nhờ các Cha đem lại.". Tuy vẫn còn ngoại đạo, nhưng lời của đức ông đã trở thành một lệnh truyền Phúc Âm, trước sự ngạc nhiên và kính sợ của người nghe, bởi ai cũng biết đức ông rất thận trọng trong lời nói."[5]

Đoạn này tiêu biểu cho lối hành hành văn của Borri: ông hay nói quá, dùng chữ như "cung đình" để chỉ dinh quan Khám lý. Việc tiếp đón các giáo sĩ long trọng vượt mức, có thể là vì lần đầu quan Khám lý tiếp xúc với các giáo sĩ ngoại quốc, có tư tưởng hoàn toàn khác với nền nho học cổ truyền của ông, nên ông tỏ lòng kính mến, muốn đạo này được phổ biến rộng rãi trong nước, ông dành cho các giáo sĩ những ân huệ khác thường, tạo uy tín cho họ, trước khi truyền đạo. Nhưng lời nói và hành động của ông, sẽ là con dao hai lưỡi, đem lai sự ganh tỵ và thù ghét các giáo sĩ của một số người, sau khi quan Khám lý qua đời.

Sau tám ngày ở dinh quan Khám lý tại đồng quê, cách thành phố ba dặm [4km434][6] các giáo sĩ ngỏ ý muốn sống trong thành phố để dễ bề giảng đạo và đã được toại nguyện: quan Khám lý cấp nhà cho họ trong thị trấn Nước Mặn[7]:

"Chúng tôi cám ơn ông đã cho bao nhiêu ân huệ trong suốt cuộc hành trình và đến bây giờ vẫn còn chưa dứt, đến lúc cáo lui, chúng tôi lại được leo lên voi, cùng đoàn tháp tùng đi Nuoecman [Nước Mặn], thành phố dài năm dặm, rộng năm dặm [7km390]. Ở đấy chúng tôi được đón tiếp nồng hậu theo lệnh quan Khám lý, nhưng ngài vẫn chưa yên tâm, ngày hôm sau lại thân hành đến thăm xem chỗ ở của chúng tôi có chu tất không."[8]

Sự biệt đãi của quan Khám lý vẫn tiếp tục, khi các giáo sĩ đến ở Nước Mặn, ông cấp cho họ tiền bạc để tiêu dùng và tiếp tế thực phẩm ăn uống đầy đủ cho cả "phái đoàn" gồm các tu sĩ, thông ngôn và người hầu cận. Ông luôn luôn gửi quà cáp, và cho phép các giáo sĩ dự những buổi xử án tại công đường. Một hôm có hai người bị án tử hình, xử bắn bằng tên nỏ, bị trói đem đi bắn, các giáo sĩ xin tha cho tội chết, quan Khám lý ưng thuận và tuyên bố:

"Nếu người nào khác xin thì không được, nhưng đây là những vị thánh thiện, dẫn đến con đường cứu rỗi, ta không thể từ chối. Ta chờ đến giờ phút hết bị [bổn phận] ràng buộc, để có thể tiếp nhận Đạo thánh, qua lễ rửa tội, và các ngươi cũng nên làm như thế, nếu muốn chiều lòng ta".[9]

Nhưng ân huệ lớn ông dành cho đạo Chúa là xây dựng nhà thờ Nước Mặn ở Quy Nhơn.

Nước Mặn sẽ trở thành một trung tâm Công giáo, được nhắc đến trong nhiều thế kỷ, nhưng ngày nay không còn trên bản đồ. Vậy địa điểm này ở đâu?

Bonifacy viết trong chú thích số 99: "Thành phố Nước Mặn, có trên bản đồ của cha de Rhodes, không xa về phía Bắc, là Nước Ngọt. Tôi nhắc lại: tỉnh Pulucambi, nơi có hai thành phố này và Qui Nhơn, là tỉnh Bình Định"[10]. Câu này không rõ nghiã, nhưng tạm hiểu như sau: Thành phố Nước Mặn có trên bản đồ của cha de Rhodes, không xa về phiá bắc Nước Mặn là Nước Ngọt. Pulucambi là Bình Định, gồm có Quy Nhơn, Nước Mặn và Nước Ngọt.

Đại Nam Nhất Thống Chí chỉ nói đến Nước Ngọt (đầm Đề Gi), mà không nói đến Nước Mặn, nhưng ta có thể đoán: thị trấn Nước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước) ở cạnh đầm Thị Nại, là đầm nước mặn lớn nhất nước ta. Tỉnh Bình Định ngày nay kéo dài từ Sa Huỳnh tới Gành Ráng. Trung thành với Borri, chúng tôi dịch Pulucambi là Quy Nhơn, vì tên Bình Định chỉ có từ thời Gia Long.

Quan Khám lý dựng nhà thờ Nước Mặn ở Quy Nhơn

Borri viết về việc dựng nhà thờ, như sau:

"Sau đó quan Khám lý bảo chúng tôi chọn chỗ thuận tiện nhất xây dựng nhà thờ, để ông ra lệnh làm đồ án, trước khi thực hiện. Sau khi duyệt xong tất cả, ông trở về dinh ở nhà quê, chỉ ba ngày sau, chúng tôi được báo tin nhà thờ đã đến. Chúng tôi hoan hỉ và tò mò bước ra xem nhà thờ “đến” bằng cách nào, vì trước chỉ biết sẽ làm bằng ván gỗ và theo chỗ đã chọn thì nhà thờ không thể lớn và sẽ được nâng đỡ bằng nhiều cột lớn. Bỗng chúng tôi thấy một đội ngũ hơn nghìn người, mang nặng vật dụng kiến trúc giáo đường. Mỗi cột được ba mươi lực điền khênh, còn những người khác, kẻ thì vác sà nhà, vác các mảnh ván, người thì mang đầu cột, hay ghế dài, mỗi người cầm một thứ gì đó, tất cả theo trật tự, kéo nhau vào nhà chúng tôi, bầy đầy sân. Chúng tôi không thể nói hết nỗi hoan hỷ và sung sướng đón tiếp mọi người trên chiếc sân này, nhưng hơi buồn vì không có gì để thết đãi tất cả, dù biết họ đã được quan Khám lý trả công, cũng thấy bất nhã để họ ra về mà không có gì giải khát. Nhưng mối e ngại biến ngay, khi thấy họ đã ngồi lên miếng gỗ mà chính họ khuân vác và trông nom, móc bị lấy nồi niêu, gạo, thịt, cá ra và bình thản nấu nướng, chẳng cần ai giúp đỡ. Sau khi họ ăn xong thì vị kiến trúc sư đến, ông kéo dây đo, nhìn kỹ nơi chốn, phân phối không gian và khoảng cách xong xuôi, ông gọi những người khênh cột đến, mỗi cái được trồng đúng nơi đã định, họ làm việc theo lối dây chuyền. Sau đó ông gọi tiếp các bộ phận khác và người ta cứ tuần tự đem đến, lắp xong rồi ra về. Tất cả làm theo đúng trật tự. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc, chỉ một ngày, họ đã dựng xong nhà thờ! Nhưng có lẽ làm vội quá hay vì kiến trúc sư có sơ xuất, nên nhà thờ hơi bị lệch nghiêng về một phiá. Quan Khám lý được tin, bèn gọi ngay kiến trúc sư đến, ra lệnh phải sửa không sẽ bị chặt chân, muốn cần bao nhiêu thợ cũng được. Viên kiến trúc sư bình tĩnh bảo tháo nhà thờ ra từng mảnh và dựng lại hoàn hảo trong một thời gian rất ngắn. Chúng tôi biết ơn Thượng đế, trong khi chính những người có đạo lại lạnh nhạt với việc này, thì Người đã đánh động lòng dân ngoại đạo, khiến họ xây dựng nên một nhà thờ với bao nhiệt tình để vinh danh Thánh Chúa"[11].

Việc dựng nhà thờ bằng gỗ đầu thế XVII, được Borri mô tả ngành ngọn và chi tiết, là một tài liệu quý giá. Ngày nay, khi thăm những nhà thờ xưa còn đứng vững ở miền Trung, chúng ta có thể hình dung cách dựng nhà thờ bốn trăm năm về trước. Những cây gỗ lim được Borri mô tả trong Phần I của Ký sự, thanh cao, ngất ngưởng, trở lại sống động ở đây, trong vai trò lịch sử: trở thành những cột trụ của nhà thờ Nước Mặn ở Quy Nhơn, là giáo đường thứ hai được lắp dựng ở Việt Nam, sau nhà thờ Đà Nẵng, do Minh Đức Vương Thái Phi dựng năm 1615, đã bị đốt cháy năm 1618. Borri viết tiếp:

"Để mọi người hiểu tình thương quan Khám lý dành cho chúng tôi như thế nào, tôi xin kể một chuyện để chấm dứt chương này: Trong những tháng Sáu, Bẩy, Tám, ở Đàng Trong có thứ gió Tây Nam nóng hun người, nhà cửa tất cả bằng gỗ, bị nướng cháy, bởi chỉ cần một đốm than nhỏ rơi, hoặc sự bất cẩn hay một lý do nào khác, là lửa bắt cháy như với một chất phóng hoả (...)

Để đề phòng nhà chúng tôi khỏi bị cháy, vì ở giữa thành phố, và để tỏ với mọi người tất cả lòng quý trọng của ông đối với chúng tôi, quan Khám lý hạ lệnh rỡ mái những nhà ở phiá Tây Nam nhà chúng tôi trong hai tháng nóng nhất. Số nhà trong tình trạng này nhiều đến nỗi phủ lấp một không gian gần hai dặm.

Ông ra lệnh này để nếu có một nhà trong số này bị bắt lửa, thì sẽ chữa kịp, không lan đến nhà chúng tôi. Và lệnh này được mọi người vui vẻ áp dụng vì họ cũng kính mến chúng tôi."[12]

Ân huệ này vượt quá giới hạn của lòng tử tế hiếu khách, mà đạt tới mức thiên vị người nước ngoài, coi thường sinh mệnh dân mình, cũng là lỗi lầm của quan Khám lý, và sẽ là ngòi châm mối ganh ghét của nhiều người, khiến họ đối xử tồi tệ với các giáo sĩ, sau khi ông qua đời.

Cái chết của quan Khám lý Quy Nhơn

Mọi việc đang tiến hành theo nguyện ước của các giáo sĩ, thì nỗi bất hạnh xẩy ra: cái chết của quan Khám lý. Nguyên do như sau: Một hôm đi săn, trời nắng gắt, ông bị cảm nắng rất nặng. Borri kể: Chúng tôi vội vàng đến thăm ông và liệu nếu ông không qua khỏi thì sẽ làm lễ rửa tội cho ông như ông vẫn thường nhắc nhở; nhưng rồi ông không bảo gì thêm, đến ngày thứ ba, ông bắt đầu mê sảng, và ba ngày sau ông mất, không rửa tội.

"Thực dễ dàng hình dung nỗi bối rối của chúng tôi trước cái chết của quan Khám lý, chúng tôi trở thành mồ côi, bị bỏ rơi ở một xứ lạ, không ai giúp đỡ. Nhưng điều đau đớn hơn nữa là một nhân vật có tầm cỡ như thế mà chết đi không được rửa tội; trong khi trước đó, chúng tôi đã hy vọng sự giúp đỡ của ông sẽ truyền tải đức tin Thánh Chúa, không chỉ trong tỉnh này mà trên toàn thể xứ sở.

Cái chết của quan Khám lý mà chúng tôi chứng kiến đến hơi thở cuối cùng, nên thấy được nhiều điều liên quan đến lễ nghi, đến sự mê tín, không thể nói hết ra được. Tôi chỉ kể hai, ba việc, khiến ta có thể suy đoán ra những việc khác mà đám người ngoại đạo thường làm trong những hoàn cảnh tương tự.

Thứ nhất, trong lúc quan Khám lý hấp hối, một đám đông cầm mã tấu đâm chém không khí, bắn tên, bắn súng hoả mai, trong công phủ. Đặc biệt, có hai người đứng bên giường ông không ngớt lấy mã tấu chém vào không khí. Hỏi tại sao lại làm thế, thì họ bảo để dọa không cho quỷ ma đến hãm hại linh hồn quan sắp rời xác. Những lễ nghi mê tín này chỉ làm cho chúng tôi thương xót sự dốt nát của họ, chứ không sợ điều dữ sẽ xẩy ra cho chúng tôi sau khi ông mất, tuy có nhiều khả năng chúng tôi sẽ bị đuổi khỏi vùng Quy Nhơn và cả vương quốc này, mất tất cả những gì chúng tôi đã được hưởng để xây dựng xứ đạo, và còn có thể tệ hơn nữa. Họ có tục lệ, mỗi khi một nhân vật quan trong qua đời, hội họp những onsaij tức thầy tu trong xứ, để tìm nguyên nhân, không phải nguyên do lý tính hay tự nhiên mà là nguyên do mê tín và tưởng tượng về cái chết. Sau khi đã có quyết định chung, về nguyên do [vật này hay vật kia] có trách nhiệm, tức thì đem vật đó ra đốt, cho dù là, căn nhà, đồ đạc, con vật, con người hay cái gì khác. Tất cả các onsaij hội họp trong sảnh đường, bắt đầu nói sàm dài dòng về sự kiện đang xẩy ra. Chúng tôi cũng có mặt, nhớ lại vụ bị hành hạ vì hạn hán trước đây, chúng tôi chắc chắn [sẽ bị coi là thủ phạm] vì trong vùng không có việc gì mới ngoài việc quan Khám lý trọng đãi chúng tôi, cho nhà ở, làm nhà thờ trong tỉnh với bao nhiêu biểu thị lòng tin yêu Thánh Đạo. Họ chỉ tay vào chúng tôi, bảo rằng quan Khám lý chết là tại chúng tôi, và đòi thiêu sống chúng tôi cùng với nhà ở, nhà thờ và những vật dụng sở hữu.

Chúng tôi yên lặng đứng ở một góc sảnh, ký thác cho Chúa che chở, và sửa soạn nhận từ bàn tay Thánh Chúa tất cả những gì chống lại chúng tôi, qua phép của Người. Bỗng có một onsaij già nhất trong bọn, và cao nhất trong chức vụ, lên giọng tuyên bố: cái chết của quan Khám lý không có lý do nào khác ngoài lý do này: đằng sau [phần] dinh mới xây, có một cái sà nhà[13] rơi, cách đây mấy hôm. Và ông viện lẽ: quan Khám lý đau đầu, mê sảng vì bị nó rơi trúng đầu. Điều này phù hợp với sự mê tín của những ongsaij khác và họ đồng ý đốt căn nhà mới trong dinh thành tro. Chúng tôi cảm ơn Thượng đế nhiệm mầu đã giúp chúng tôi thoát nạn"[14].

Borri viết những dòng trên, với định kiến sai lầm về đời sống tâm linh và tôn giáo của người Việt. Bởi vì, đầu thế kỷ XVII, sự mê tín, tin các phép màu, chết đi sống lại, hiện diện khắp nơi, không cứ gì Việt Nam, và gia đình quan Khám lý cũng ở trong thành phần này. Hành động chém không khí để trừ ma quỷ của thầy cúng, thầy pháp, không khác gì hành động treo vòng tỏi, hay dùng cây thánh giá để chặn ma quỷ của các thày trừ tà (exorciste) và đôi khi cả thày tu, Tây phương. Sự dốt nát mà Borri trách người Việt, cũng lan tràn ở châu Âu, kể cả trong hàng ngũ giáo sĩ: Borri và de Rhodes, trong Ký sự của họ, đều tường thuật việc “chữa bách bệnh” và “làm cho người chết sống lại” bằng nước Thánh.

Riêng màn Tất cả các onsaij hội họp trong sảnh đường, đòi đốt sống các giáo sĩ, đã thấy ông tả trong vụ hạn hán ỡ Đà Nẵng. Vây những người này là ai?

Những nhà sư nào đến “hội họp” trong công đường của quan Khám lý?

Borri gọi họ là những onsaij, và xác định họ là thầy tu, vì ông không biết rằng các nhà sư đạo Phật, ăn chay trường, không sát sinh, không chủ trương bạo động, không hội họp ở dinh quan Khám lý để biểu quyết án tử hình đòi thiêu sống. Bởi vì Việt Nam là một nước có luật pháp kỷ cương.

Tục lệ người tu hành kết án, chỉ có trong đạo Chúa ở châu Âu: Giáo hội có thể lập tòa án, kết tội những người bị cho là "phù thủy" lên giàn thiêu. Nữ anh hùng Jeanne d'Arc là nạn nhân nổi tiếng trong lịch sử Pháp, bị đưa ra toà án công giáo do Pierre Cochon, Tổng Giám Mục địa phận Beauvais chủ tọa, kết án là phù thủy và bị thiêu sống ngày 30-5-1431 ở Rouen. Hoặc khi những kẻ chinh phục conquistadors Tây Ban Nha nhân danh đạo Chúa, sang chiếm Nam Mỹ, họ đã thiêu rụi bao nhiêu người ngoại giáo không tuân lệnh kẻ chinh phục.

Borri, bị ám ảnh sâu đậm những cách đốt người của Giáo hội ở khắp nơi trong thời Trung cổ, nên khi nhìn thấy một bọn người hội họp ở nhà quan Khám lý, ông đã vội nghĩ: "Họ có tục lệ, mỗi khi một nhân vật quan trong qua đời, hội họp những onsaij, hay thầy tu trong xứ, để tìm nguyên nhân", và sau khi hội họp xong: "Họ chỉ tay vào chúng tôi, bảo rằng quan Khám lý chết là tại chúng tôi, và đòi thiêu sống chúng tôi cùng với nhà ở, nhà thờ và những vật dụng sở hữu".

Những người mà Borri nói đến ở đây, chỉ có thể là những kẻ cực đoan có thế lực trong vùng hoặc là thân quyến trong gia đình quan Khám lý, kỳ thị người ngoại quốc, ghen ghét việc ông đãi ngộ quá trọng vọng các giáo sĩ, nên quyết định trả thù; và người cao niên nhất trong bọn họ đã khôn khéo tìm kế tháo gỡ cho các thầy tu.

Tiếp đó Borri kể những chuyện dị đoan mê muội của gia đình quan Khám lý: người ta mời những onsaij đến làm lễ chiêu hồn, vì tin rằng kẻ nói được những điều mà linh hồn (nhập vào mình) còn uẩn ức thì thực là đại phúc. Linh hồn này Borri gọi là quỷ:

"Để làm việc ấy, gia đình mời những ông sãi chiêu hồn (onsaij négromant) đến. Bằng lời nài nỉ và để gợi sự ganh đua, [ông sãi] hỏi người này người kia có ai muốn nhận ân huệ của quỷ không, mọi người đều muốn được hưởng ân huệ này. Thầy chiêu hồn vạch nhiều vòng tròn, làm phù phép, khấn vái, làm điệu bộ [bắt quyết] cho tới khi nào con quỷ nhập vào một vài người trong gia đình, đang đứng trong tư thế cầu khẩn, nhưng vô hiệu. Sau cùng, bà chị quan Khám lý, người mà ông quý nhất, xin được hưởng ân huệ này, bỗng thấy rõ bà tỏ dấu bị quỷ ám, bởi bà đã già lụ khụ, bình thường nếu không có người đỡ, thì không đi được, trước sự ngạc nhiên của cử tọa, bà bắt đầu nhẩy múa nhẹ nhàng như một người con gái, vứt cây gậy treo lơ lửng trên không, trong suốt thời gian quỷ nhập vào bà. Bà quát tháo giận dữ và làm nhiều cử chỉ khiếm nhã, chửi bới nơi chốn, tình cảnh mà hương hồn em bà rơi vào; để chấm dứt những lời lẽ viển vông ấy, con quỷ rời khỏi thân xác bà, bà liền ngã quay ra đất, chết giấc, tám ngày không động đậy, trong khi bạn bè và bà con đến thăm ca tụng bà đã làm rạng danh quan Khám lý quá cố"[15].

Việt Nam không có ông sãi chiêu hồn, bởi vì sư là thầy tu đạo Phật, phải theo luật tắc nhà chùa, không tin dị đoan. Một lần nữa Borri lại đánh đồng nhà sư với thầy đồng, thầy pháp, ông mô tả rất sống động một màn lên đồng gọi hồn, và hồn ở đây được gọi là con quỷ (le démon). Trước khi gọi hồn, thầy pháp (le négromant) hỏi xem có ai muốn hồn nhập vào mình. Ông ta có phép phù thủy nên đã dùng thuật thôi miên, đưa thân người bị thôi miên lên không trung, hoặc sai khiến làm những cử chỉ mà bình thường không làm được, như trong các màn ảo thuật. Thầy pháp, với sự đồng loã của bà chị quan Khám lý, đã trình diễn một màn ảo thuật lạ kỳ, phù hợp với lòng mê tín dị đoan của những người tham dự. Borri dùng chữ onsaij để chỉ thầy pháp này, cũng như khi ông viết về hạn hán ở Đà Nẵng trước đây.

Xin nhấn mạnh: chữ onsaij của Borri không liên hệ gì đến ông sư đạo Phật, mà để chỉ người thầy pháp (négromant) chuyên trừ ma quỷ (exorciste) ở những nơi bị "quỷ ám", giống như vị chủ giáo, hành lễ tế ma quỷ trong các lễ hội cầu tà (messe noire) ở phương Tây.

Việc tố cáo những onsaij gây tội ác, đòi thiêu sống các vị linh mục, hoặc đánh đồng onsaij với thầy pháp trong các màn trừ tà, là một sai lầm lớn của Borri, bởi vì điều này không có trong luật tắc tu hành của nhà chùa.

Việc hiểu lầm (hay cố ý xuyên tạc) đạo Phật của Cristoforo Borri có tác dụng rộng lớn khi cuốn sách Ký sự Đàng Trong được dịch in ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

 

Đám tang quan Khám lý

Sau đó, Borri mô tả đám ma quan Khám lý, với những chi tiết tỉ mỉ về tang lễ một ông quan lớn, đầu thế kỷ XVII, ở Đàng Trong:

"Sau cùng, xin nói đến tang lễ của đức ông, và vì, giống như Thiên chúa giáo có tục lệ vinh danh những người nổi tiếng vì cuộc đời đạo hạnh, bằng cách phong thánh cho họ, ở Đàng Trong nơi mà Quỷ Ma bắt chước hành động thánh thần để lừa bịp những dân tộc này[16], người ta cũng có lệ long trọng hóa tang lễ những ai được mọi người cho là công minh trong suốt cuộc đời, chính trực trong mọi hành động, hiển dương cho đức hạnh [...] vì thế ông xứng đáng được hưởng một tang lễ khác với tang lễ bình thường chỉ có nhà đòn và khóc lóc, mà là một lễ hội trang trọng và hoan hỷ, để ông được tuyên dương xứng đáng với những vinh dự thiêng liêng, và ông phải được xếp vào hàng những bậc thánh thần. Chiếu chỉ được ban ra, mọi người đành xếp những dấu hiệu tang chế, u buồn sang một bên, để tỏ ra vui vẻ, bằng lòng. Tất cả gia đình quan Khám lý, trong tám ngày liền, đãi tiệc cho dân, chẳng làm gì cả ngoài việc ăn uống từ sáng đến tối, với hát hò, nhẩy múa, khi thì với những dụng cụ âm nhạc, khi thì với kèn, trống quân binh.

Tám ngày trôi qua, xác được quàn trong chiếc quan tài bạc sáng chói, rước dưới trướng lọng, cùng đoàn tuỳ tùng đủ mọi hạng người, múa, ca, đến thành phố tên là Chifu[17] cách ba ngày đường. Dinh nơi ông mất, bỏ trống, tàn tạ, không còn dấu vết, cũng như cái chết của ông đã ra khỏi trí óc quần chúng, chỉ còn lại những lời ca tụng và sự sùng bái vĩnh viễn.

Khi linh cữu đến Chifu, tất cả mọi người bắt tay xây cất một dinh mới [đồ mã], cũng sang trọng và tráng lệ như dinh nơi ông mất, trên cánh đồng rộng. Và để tỏ rõ sự giầu sang phú quý của người đã khuất, họ chế tạo cả một đoàn tầu chiến, dưới lắp bánh xe rất mỹ thuật, để có thể di chuyển trên bộ. Chẳng quản ngại tốn kém, họ làm cả bầy voi, bầy ngựa gỗ, hình thù giống hệt như những con vật thật mà quan khám lý vẫn cưỡi khi còn sống. Ở giữa dinh, trổi lên một ngôi đền tráng lệ có bàn thờ tuyệt đẹp, trên để quan tài quan khám lý, đã đậy nắp và được che phủ một cách khéo léo bằng những chữ tượng hình khác nhau, với các hình cụ và tranh ảnh, kích thích cao độ sự sùng bái dị đoan của những người ngoại đạo này. Đồng thời, trong ba ngày liền người ta làm nhiều lễ hiến tế đủ loại, những lễ nghi với sự tham dự của năm, sáu trăm onsaij, tất cả đều mặc áo trắng, hát hò, dâng rượu, giết bao nhiêu trâu bò. Những bữa tiệc kéo dài, với gần hai ngàn thượng khách, mỗi người một bàn, như thường lệ, trên để hơn hai trăm món ăn khác nhau.

Hết ba ngày đó, người ta đốt toàn bộ đồ mã, dinh, đền, với những trang hoàng bài trí rực rỡ, chỉ giữ lại quan tài và xác đem chôn, rồi bí mật đổi chỗ, trong mười hai mộ địa khác nhau, để cho dân chúng không biết ông nằm mộ nào, sự hoài nghi này khiến việc tôn sùng ông càng lớn, bởi tất cả những nơi có mộ ông họ đều tin là có xương ông ở đó.

Phần đầu của nghi lễ chấm dứt, vài tháng sau, vào tuần trăng thứ bẩy, theo cách tính của họ, lại bắt đầu một lễ khác [lễ thất tuần hay 49 ngày]; sau đó, vài tháng lại một lễ khác [100 ngày], như thế cho đến 3 năm; chi phí, bằng tiền (lương) của quan Khám lý tỉnh này, vì theo lệnh chúa, trong ba năm đó không có Khám lý, người ta tin rằng hồn người đã khuất vẫn còn cai trị ở đây, và ông đã được vinh thăng lên ngang bậc thần thánh. Người thay ông [cai trị] là quan Phó Khám lý, con trai ông".[18]

Đoạn văn trên đây có giá trị tư liệu về đám ma người giầu hoặc quan lớn ở Đàng Trong, có thể kéo dài cả tuần lễ, Borri còn chú ý đến lễ 49 ngày, lễ 100 ngày, trong phong tục Việt Nam.

Cách chôn người bí mật trong mười hai mộ địa khác nhau là để phòng ngừa sự yểm mả, nhưng Borri là người Âu không biết rõ ý nghiã.

Tục đốt vàng mã, phát xuất từ niềm tin có một đời sống dưới âm, nên phải làm dinh thự, dựng quân đội, thuyền bè, voi, ngựa, bằng giấy, đốt xuống âm phủ cho quan Khám lý "sử dụng". Tục lệ này, nằm trong quan niệm dân gian về một thế giới siêu hình, sau khi chết, ở các dân tộc Á châu, như người Hoa, người Việt... hoặc các dân tộc Nam Mỹ.

Ma quỷ được Borri phóng to lên để chỉ "sự mê muội" và "bị lừa bịp" của người Việt. Thực ra, đó là hiện tượng "toàn cầu", từ thượng cổ, không dân tộc nào thoát khỏi. Những tên tuổi lừng danh trong tiểu thuyết kinh dị như ma cà rồng Dracula, quỷ nhập tràng Frankenstein, đều là sản phẩm Tây phương. Ngày nay, ta có thể mua vé vào xem các lâu đài bị "quỷ ám" ở Anh. Thậm chí có cả những "ê-kíp nghiên cứu" dùng máy móc điện tử đến những nơi nổi tiếng có ma để đo lường tầm vóc và hình thái các con ma trên hiện trường. Chính Borri cũng dùng sách Giáo lý đạo Chúa (Catéchisme), đưa ra cảnh địa ngục với quỷ sứ và những cực hình, để răn dọa các cô hầu thiếp của Sứ thần, nếu không kịp thời xin làm lễ rửa tội, để được cứu rỗi[19]. Vì thế, không thể nói một cách khinh bỉ rằng "Đàng Trong nơi mà Quỷ Ma bắt chước hành động thánh thần để lừa bịp những dân tộc này".

Riêng về chi tiết: con trai quan Khám lý, sau khi cha chết, lên kế vị cha, không đúng với luật lệ Việt Nam: Con trai bắt buộc phải để tang cha trong ba năm, không được dự việc triều chính. Và khi vị quan đầu tỉnh qua đời, chính quyền không đợi ba năm mới cử người khác thay thế.

Cuối cùng, câu văn sau đây, liên hệ tới "năm, sáu trăm ông sãi", cần được giải thích: "Trong ba ngày liền người ta làm nhiều lễ hiến tế đủ loại, những lễ nghi với sự tham dự của năm, sáu trăm onsaij, tất cả đều mặc áo trắng, hát hò, dâng rượu, giết bao nhiêu trâu bò. Những bữa tiệc kéo dài, với gần hai ngàn quý khách, mỗi người một bàn nhỏ, như thường lệ, trên để hơn hai trăm món ăn khác nhau."

Borri không biết mầu trắng là màu tang của người Việt. Nếu có tới năm, sáu trăm người mặc áo trắng, thì chắc chắn là toàn bộ gia đình, họ hàng, gia nhân và lính tráng hầu cận, mặc áo tang quan Khám lý. Họ không phải là những onsaij, vì sư mặc áo nâu hoặc áo vàng, và sư không hát hò, dâng rượu, giết trâu bò. Số thực khách gần hai ngàn, mỗi người một bàn, mỗi bàn hơn hai trăm món ăn, cũng khó tin, có thể Bonifacy dịch lầm, hoặc Borri viết quá.

Cả ba linh mục Buzomi, de Pina và Borri, đều dự hầu hết các buổi lễ này. Nỗi bất hạnh, cô đơn, không tiền trợ cấp, không nơi nương tựa của các giáo sĩ, sau đám ma quan Khám lý, vô cùng lớn lao, Borri viết:

"Gia đình quan Khám lý cho chúng tôi những con voi thật đẹp để chúng tôi cưỡi về Quy Nhơn với những vinh dự mà chúng tôi được hưởng khi quan Khám lý còn sống.

Đó là những vinh hạnh cuối cùng dưới bóng quan Khám lý, bởi vì khi trở về, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn côi cút, không ai đoái hoài. Chẳng ai còn nhớ đến chúng tôi, số tiền trợ cấp để sống không còn nữa, trong tay không có hơn hai mươi Écu, trong khoảng thời gian rất ngắn chúng tôi sẽ rơi vào cảnh đói khát, ngặt nghèo, nếu bị bệnh thì cũng không dám vay mượn tiền thuốc thang, vì không biết bằng cách nào trả lại. Mặc dù sống trong môi trường mọi người quen việc bố thí, nhất là miếng ăn, như tôi đã nói ở trên, nhưng chúng tôi không thể ăn xin ăn được bởi những gì chúng tôi đã xây dựng ở đây về việc cải tạo tâm hồn. Vì sợ họ sẽ nghĩ rằng chúng tôi đến đây để nhờ cậy quan Khám lý kiếm chỗ độ thân, chứ không phải để giảng dậy đạo lý Chúa Giê-Su. Chẳng còn ai đến nhà chúng tôi nữa, vì thiếu thế lực mà chúng tôi đã có trước kia, nên mặc dù chúng tôi đã học tiếng bản xứ[20] nhưng chẳng ai quan tâm đến những lời của ba kẻ khốn khổ này, cô quạnh trong môi trường mê muội thần thánh vô hạn. Họ khinh bỉ đạo của chúng tôi như một cái gì mới, do chúng tôi sáng chế và đem vào đây, bất chấp những đạo pháp cổ xưa của họ.

Ba năm trôi qua như thế và chúng tôi thật sự cảm thấy đau đớn, không phải nỗi đớn đau thể xác, bởi chỉ Thượng đế biết rõ thân thể chúng tôi đã hao mòn như thế nào, mà là nỗi đau không truyền bá được Thánh đạo trong môi trường ngoại đạo này, mặc dù đã cố gắng không ngừng chúng tôi chỉ thu thập được rất ít người nhập đạo, sự tình là như thế, chúng tôi không biết giải thích cách nào"[21].

Borri nói rõ nguyên nhân thất bại: không phải vì bị xua đuổi sau khi quan Khám lý qua đời, mà vì dân chúng tỏ ra xa lạ với đạo mới, và ông không giải thích được tại sao. Điều này chứng tỏ dù được giúp đỡ, dù đã có nhà thờ, việc truyền đạo cũng không dễ dàng.

Vừa đúng lúc tuyệt vọng thì có một sự lạ xẩy ra, Borri tin rằng do ơn trên an bài: Ân nhân thứ ba của đạo Chúa xuất hiện, giúp hai cha Borri và Buzomi xây dựng đạo Chúa ở Quy Nhơn: Đức bà Orsola, phu nhân sứ thần Đàng Trong ở Cao Miên.

Nhưng trước khi nói đến ân nhân thứ ba này, chúng tôi xin trở lại với quan Khám lý, ân nhân thứ hai, vừa qua đời.

 

Trần Đức Hoà trong Nam Triều công nghiệp diễn chí

Về lai lịch quan Khám lý, có mấy điểm cần lưu ý:

- Borri không viết rõ tên ông, mà chỉ ghi Gouverneur de Pulucambi. Ở đầu Ký sự Đàng Trong, ông viết: "Đàng Trong chia làm 5 dinh:[...] dinh thứ tư là Quignin [Qui Nhơn] mà người Bồ gọi là Pullucambi"[22]. Như vậy, Gouverneur de Pulucambi, phải dịch là Trấn thủ Qui Nhơn.

- Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: "phủ Hoài Nhơn, sau đổi thành Qui Nhân rồi Quy Nhơn, thuộc tỉnh Quảng Nam". Vậy, Hoài Nhơn hay Quy Nhơn là một phủ thuộc tỉnh Quảng Nam.

- Trần Trọng Kim viết: "Còn phủ Quảng Nghiã [Quảng Ngãi] và phủ Qui Nhân [Qui Nhơn] thì thuộc về tỉnh Quảng Nam, cho nên mỗi phủ đặt riêng quan Tuần phủ và quan Khám lý để coi mọi việc."[23] Như vậy, phủ Qui Nhơn thuộc vào dinh Quảng Nam (mà thời ấy Trấn thủ là Nguyễn Phước Kỳ, con cả chúa Sãi). Cho nên chữ Gouverneur của Borri không thể dịch là Trấn thủ, mà phải dịch là Tuần phủ hay Khám lý.

Nhưng dựa vào một số chứng nữa, ta có thể xác định chữ Gouverneur này chỉ quan Khám lý:

- Đại Nam thực lục ghi: "Bấy giờ [1602] Khám lý phủ Hoài Nhân (nay thuộc Bình Định) là Trần Đức Hòa (bấy giờ gọi là Cống quận công, là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam) đến yết kiến, chúa [Nguyễn Hoàng] đãi rất hậu."[24] Như vậy, Đại Nam thực lục xác định: Quan Khám lý phủ Hoài Nhân năm 1602 là Trần Đức Hòa.

Một mặt khác, ta lại biết rằng:

Ký sự Đàng Trong của Borri soạn khoảng 1620-1622.

Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm soạn năm 1719. Sau Borri 100 năm.

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, sau Nguyễn Khoa Chiêm hơn 50 năm.

Và bộ Đại Nam thực lục do vua Minh Mạng ra lệnh soạn sau khi lên ngôi năm 1820, một thế kỷ sau Nguyễn Khoa Chiêm (Xem chương1: Bối cảnh Đàng Trong).

Lê Quý Đôn và Đại Nam thực lục đều chép lại Nguyễn Khoa Chiêm, nhưng không đề xuất xứ.

Vậy, Borri là người đầu tiên mô tả công đức của quan Khám lý Quy Nhơn, trong Ký sự Đàng Trong, sách viết tiếng Ý, cho người ngoại quốc.

Nguyễn Khoa Chiêm là người đầu tiên nhắc đến quan Khám lý trong Nam Triều công nghiệp diễn chí, sách viết sau Cristoforo Borri một thế kỷ, tả lại nguồn cội việc quan Khám lý bỏ Lê Trịnh về phò chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người lập Dinh Quảng Nam:

"Chúa Nam Nguyễn Hoàng lại đi thăm cảnh đến xứ Quảng Nam, thấy núi Ải Vân [Hải Vân] hiểm trở, sừng sững vươn cao, đáng ví tựa núi Ma Thiên Lĩnh ở đất Ba Thục. Đoan Vương Nguyễn Hoàng khen mãi, cho là nơi cảnh đẹp núi kỳ. Rồi đó, Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa [25] Quảng Nam xem xét hình thế núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc, bèn sai dựng hành điện, kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử trấn thủ để bảo vệ cho kẻ dân lành.

Bấy giờ có viên khám lý ở phủ Hoài Nhơn là Cống quận công[26] tìm đến hành dinh của chúa bày tỏ lòng khâm phục, xin được góp sức giúp rập[27]. Đoan Vương cả mừng, khoản đãi rất hậu"[28].

Đoạn văn ngắn đây của Nguyễn Khoa Chiêm (sẽ được Đại Nam thực lục chép lại) giúp ta giải thích những sự kiện lịch sử quan trọng sau đây:

- Sau tám năm bị giam lỏng ở Bắc, Nguyễn Hoàng đánh lừa Trịnh Tùng để trở về Nam vào tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 năm Canh Tý, tức là ngày 15-6-1600[29]. Khoảng 1600-1602, Nguyễn Hoàng sai dựng hành điện[30], kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài ở Quảng Nam. Hành điện này ở trong Dinh Quảng Nam. Việc này giải thích tại sao trong hành dinh Quảng Nam, lại có cung của Minh Đức Vương Thái Phi là bà phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

- Vì Nguyễn Phước Nguyên làm trấn thủ Quảng Nam từ năm 1602, nên sau này, khi trở thành chúa Sãi (1613), ông đã coi dinh Quảng Nam là "nhà", ông hay về Quảng Nam, nên các giáo sĩ thường gặp chúa Sãi ở đó, chứ không phải ra Dinh Cát, ở Trà Bát, Quảng Trị.

- Trần Đức Hòa là quan Khám lý phủ Hoài Nhơn của triều đình Lê-Trịnh, nhưng khi Nguyễn Hoàng ở Bắc về năm 1600, Trần Đức Hòa, đã bỏ Trịnh, theo Nguyễn, và vẫn theo Nguyễn Khoa Chiêm, trở thành "em kết nghiã" với Nguyển Phước Nguyên, tức chúa Sãi sau này.

- Những chi tiết trên đây giải thích quyền uy của Trần Đức Hoà ở Quy Nhơn và Quảng Nam: chúa Sãi đã ra lệnh cấm đạo năm 1618 (vì nạn hạn hán, xem chương1) mà Trẩn Đức Hòa vẫn công khai che chở các giáo sĩ và cho phép đạo Chúa được truyền bá ở Quy Nhơn, trong thời điểm khó khăn này.

Lần thứ hai, Nguyễn Khoa Chiêm nhắc đến Trần Đức Hòa, trong chuyện Đào Duy Từ: Theo ông, năm Ất Sửu (1625) chúa Trịnh mở khoa thi Cống cử (tương đương với thi Hương)[31], Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê Thanh Hóa, sửa soạn đi thi nhưng vì con nhà ca xướng nên không được dự, chán nản bỏ vào Nam. Một hôm đi qua phủ Hoài Nhơn, thấy địa hình phong phú, Đào Duy Từ muốn ở lại, làm đầy tớ để lập thân. Ông vào quán nước tình cờ nghe mọi người nhắc đến "quan Khám Lý Cống Quận Công ở xã Bồ Đề, là em kết nghiã với Nam chúa. Mỗi khi quan Khám Lý về phủ dinh bàn nói điều gì, đều được Nam chúa nghe theo, có quyền ra vào tự do trong dinh cấm"[32]. Đào bèn ở lại, xin chăn trâu cho một nhà giàu, trọng nho học. Duy Từ ban ngày chăn trâu, ban đêm đọc sách. Một hôm chủ mời nhiều nhà nho đến đàm đạo kinh sách, nghe Duy Từ "nói năng lưu loát "bác cổ thông kim" tất cả đều kinh ngạc. Từ đó chủ mời Duy Từ dạy học, không phải chăn trâu nữa, rồi tiến cử Duy Từ với quan khám lý Trần Đức Hoà, "Cống quận công cùng với Lộc Khê ngày đêm bàn luận, không điều gì là không thông suốt, hết sức yêu quý, gả con gái cho để gắn bó tinh thần"[33]. Năm 1627, Chúa Sãi thắng chúa Trịnh Tráng lần thứ nhất, Trần Đức Hoà thân hành về công phủ chúc mừng và tiến cử Đào Duy Từ[34]. Từ đấy Đào Duy Từ sẽ xây đắp đồn lũy bảo vệ phương Nam và trở thành khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Đào Duy Từ mất năm 1634. Chúa Sãi mất năm 1635. Trần Đức Hoà mất năm nào, không rõ.

Nhưng trong Ký sự Đàng Trong, Cristoforo Borri viết rất kỹ về cái chết và đám tang quan Khám lý, tuy không ghi ngày tháng. Chỉ cho biết cả ba người Buzomi, de Pina và Borri đều dự đám tang. Riêng câu "Ba năm trôi qua như thế và chúng tôi thật sự cảm thấy đau đớn"[35], có thể hiểu là ba năm trôi qua sau cái chết của quan Khám lý, hay ba năm trôi qua, sau khi các giáo sĩ tới Qui Nhơn (năm 1619); lý thứ hai đứng vững hơn, vậy ba năm sau, có thể là 1621. Tiếp đó, Borri cho biết: vì không còn trợ cấp và không giảng đạo được nữa, các giáo sĩ phải chia tay, de Pina trở về Hội An, nhờ người Nhật giúp đỡ, Buzomi đi Đà Nẵng xin trợ cấp của người Bồ. Borri ở lại Nước Mặn đợi trợ cấp của Macao[36]. Nên ta có thể đoán rằng: quan Khám lý qua đời năm 1621.

Nhưng ở chương VI, phần II, đoạn viết về nguyệt thực, Borri lại ghi rằng: "Tôi đã biết tục lệ [gõ chuông trống] lần đầu tôi được thấy trong dịp nguyệt thực ngày 9-12-1620[37]. Và hai trang sau, ông cho biết, khi xẩy ra nguyệt thực này "cha Francesco de Pina đang ở trong triều" [tức hành dinh Quảng Nam][38]. Tóm lại, tháng 12-1620, de Pina đã trở lại Quảng Nam, tức là quan Khám Lý đã qua đời cuối năm 1620, chứ không phải năm 1621.

Vì de Pina chỉ trở lại Quảng Nam, sau khi quan Khám lý mất, vậy chắc là trong tháng 12 năm 1620.

Borri sau đó sẽ ở lại Quy Nhơn, gặp phu nhân sứ thần Đàng Trong ở Cao Miên muốn nhập đạo Chúa. Bà được cha Buzomi rửa tội và đặt tên thánh là Orsola, và bà đã giúp Buzomi và Borri, dựng lại cơ sở Nước Mặn.

Điểm khác biệt lớn giữa Nguyễn Khoa Chiêm và Borri là đây:

Theo Nguyễn Khoa Chiêm, Đào Duy Từ không được thi Cống cử khoa Ất Sửu 1625, nên mới bỏ vào Nam, và được Trần Đức Hòa tiến cử, bằng cách dâng bài thơ Ngọa long cương của Duy Từ cho chúa Sãi, sau khi chúa thắng trận năm 1627.

Còn theo Borri, quan Khám lý Quy Nhơn đã qua đời khoảng cuối năm 1620, và ông cùng Buzomi, de Pina đã dự đám ma, khi các ông còn ở Đàng Trong.

Cristoforo Borri hay Nguyễn Khoa Chiêm đúng?

Borri sống ở Đàng Trong đúng vào thời kỳ ông viết Ký sự Đàng Trong, từ 1618 đến 1622.

Nguyễn Khoa Chiêm viết Nam Triều công nghiệp diễn chí năm 1719, tức là một thế kỷ sau Borri. nên có thể nói: Borri kể việc "mắt thấy tai nghe", còn Nguyễn Khoa Chiêm chỉ thu thập tài liệu và được ông nội, là thuộc hạ của Nguyễn Hoàng, kể lại.

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục (1776), cũng chép lại Nguyễn Khoa Chiêm: Đào Duy Từ không được thi khoa Ất Sửu 1625[39].

Đại Nam thực lục tiền biên cũng chép Nguyễn Khoa Chiêm: Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ sau khi chúa Sãi thắng trận năm 1627[40].

Đại Nam liệt truyện, cũng ghi tương tự, nhưng thêm chi tiết: "Sau khi mất [Trần Đức Hoà] được tặng phong phúc thần. Dân Bồ Đề lập đền thờ."[41] Việc ông được phong phúc thần, Borri cũng có nói đến.

Chỉ riêng Đại Nam Nhất Thống Chí viết: "Năm 1623, Trần Đức Hoà vào chầu, tiến cử Đào Duy Từ, Hi Tông [chúa Sãi] ban chức vệ uý nội tán. Đào Duy Từ khuyên Hi Tông đắp lũy dài Động Hải [tức lũy Thầy] để chống quân Trịnh"[42].

Không biết dựa vào tài liệu nào mà Đại Nam Nhất Thống Chí chép năm Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ là năm 1623. Khác hẳn thông tin của Lê Quý Đôn và Thực Lục, đều chép lại Nguyễn Khoa Chiêm.

Nhưng sách của Nguyễn Khoa Chiêm viết sau khi sự kiện tiến cử này xẩy ra, một thế kỷ, nên có thể sai lầm. Bởi vì theo Borri, thì Trần Đức Hoà đã qua đời từ năm 1620.

Nếu tin Borri, thì phải cho lùi lại việc tiến cử Đào Duy Từ, có thể đã xẩy ra sớm hơn, vào năm 1620, là lúc chúa Sãi vừa dẹp xong nội loạn, bắt được hai người em Hiệp, Trạch làm phản, liên kết với chúa Trịnh ở Bắc. Biến cố này rất lớn (có thể lớn hơn cả chiến thắng quân Trịnh năm 1627) mà Nguyễn Khoa Chiêm và Borri đều đã thuật lại. Borri viết:

"Chúa còn phải đối đầu với một cuộc chiến nữa, có thể gọi là nội chiến, do hai người em, không chịu nhận những đặc quyền dành cho họ, nổi lên chống lại, liên kết với Đàng Ngoài, đặt chúa trong tình trạng báo động thường trực. Thực vậy, trong khi tôi [Borri] ở đây, hai ông hoàng này, có được những khẩu súng đại bác do voi chuyên chở, lên đóng đồn ở biên giới. Khi quan quân đến dẹp, bị thua trận đầu, thiệt hại 3000 quân. Nhưng khi quan quân đánh lần thứ hai, thì hai ông hoàng thua, mất hết những phần đất đã chiếm được, bị bắt, đáng lý bị xử tử hình nếu không có các quan can gián, nhắc chúa lòng độ lượng và tình máu mủ, khiến chúa nguội giận, chỉ bắt tù mà tha tội chết".[43]

Nguyễn Khoa Chiêm cũng viết rất kỹ về biến cố này trong 10 trang sách, xin tóm tắt như sau:

Năm 1620, Trịnh Tùng (1570-1620) sai con là Trịnh Tráng đem quân xuống đóng ở xứ Cầu Nghệ, huyện Vĩnh Gia để đề phòng biên giới phương Nam. Hai em Chúa Sãi là Hiệp và Trạch (con thứ bẩy và thư tám Nguyễn Hoàng) âm mưu nổi loạn, đem vàng bạc đến dâng Trịnh Tráng, nhờ làm ngoại ứng. Tráng bèn sai đô đốc Nguyễn Khải đem 5000 quân xuống đóng ở Bố Chính, Nhật Lệ. Nam triều có chưởng cơ Nguyễn Phước Tuyên[44], cháu nội chúa Tiên, là người tài trí. Hiệp, Trạch bàn nên cho Tuyên đi đánh Khải, nhưng Tuyên biết âm mưu này, không đi và bảo: "Nếu cháu đem quân đi Quảng Bình thì hai chú sẽ dấy binh làm phản". Chúa Sãi cử Nguyễn Phước Vệ[45] đi đánh Nguyễn Khải. Hiệp, Trạch thấy âm mưu không thành, bèn chở súng đạn đến kho Ái Tử (tục gọi là kho Cây Khế), đắp lũy ở Cồn Cát. Chúa Sãi sai người đi dụ, không được, bèn cử đại binh, Tuyên tiên phong, chúa đi sau tiếp ứng. Tuyên bắt được bọn Hiệp, Trạch. Nguyễn Khoa Chiêm viết: "Vương muốn đem chém, triều đình phải hết sức can gián mới ngăn được."[46]. Borri cũng viết tương tự.

Đại Nam Thực Lục tiền biên chép lại Nguyễn Khoa Chiêm, nhưng câu cuối sửa thành: "Chúa muốn tha, nhưng các tướng đều cho rằng luật pháp không tha được. Bèn sai giam vào ngục."[47]. Hiệp, Trạch chết trong tù.

Cuộc nội phản này, xẩy ra năm 1620, là biến cố quan trọng, cho nên sau khi chúa Sãi dẹp xong loạn, có thể Trần Đức Hòa đã đến mừng chúa và tiến cử Đào Duy Từ chăng?

Bởi vì Trần Đức Hoà là nhân vật quan trọng, không những đã tiến cử Đào Duy Từ, trong lúc chúa Sãi cần nhân tài, mà còn là ân nhân thứ hai của đạo Chúa, tận tình che chở cho các giáo sĩ và giúp họ xây dựng nền móng đạo Chúa ở Quy Nhơn, nên chúng tôi muốn, ít nhất phải xác định được năm ông qua đời, để tránh những mâu thuẫn như hiện nay trong tiểu sử của ông.

Borri, tuy không ghi rõ ngày tháng cái chết của quan Khám lý, và cũng không nêu đích danh Trần Đức Hòa, nhưng có thể tin rằng mọi việc ông kể đều có thật.

Tóm lại, chỉ có hai người viết về Trần Đức Hòa là Cristoforo Borri và Nguyễn Khoa Chiêm, (các sách sử viết sau đều chép lại Nguyễn Khoa Chiêm) nhưng Borri viết trước Nguyễn Khoa Chiêm, nên có khả năng gần sự thật hơn.

Tuy vậy, đây là một nghi vấn lịch sử cần đào sâu, để có thể xác định ngày ông qua đời: mà theo Borri, quan Khám lý Qui Nhơn Trần Đức Hoà đã mất đột ngột khoảng cuối năm 1620, vậy việc ông tiến cử Đào Duy Từ chỉ có thể xẩy ra trong năm 1620, sau khi chúa Sãi dẹp xong cuộc nội phản trong triều.

Chúng tôi không đủ tài liệu để xác định. Hy vọng các nhà nghiên cứu sau này, tìm được gia phả họ Trần ở xã Bồ Đề, thuộc huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, quê hương Trần Đức Hòa, may ra soi tỏ được.

Đức bà Orsola, phu nhân sứ thần Đàng Trong ở Cao Miên

Sau khi quan Khám lý Trần Đức Hoà qua đời, các giáo sĩ mất người che chở, không còn cấp dưỡng, dân Qui Nhơn thờ ơ với đạo Chúa. Bơ vơ ở Nước Mặn, các giáo sĩ, sống trong tình trạng khủng hoảng, không phải vì bị xua đuổi hay đàn áp, mà vì sự lạnh nhạt của mọi người. Borri viết:

"Chẳng còn ai đến nhà chúng tôi nữa (...) mặc dù chúng tôi đã học tiếng bản xứ, nhưng chẳng ai quan tâm đến những lời của ba kẻ khốn khổ này, cô quạnh, trong môi trường mê muội thần thánh vô hạn. Họ khinh bỉ đạo của chúng tôi như một cái gì mới, do chúng tôi sáng chế và đem vào đây, bất chấp những đạo pháp cổ xưa của họ".

Borri cho biết sự đau khổ vì thiếu thốn vật chất không thể bằng "nỗi đau không truyền bá được Thánh đạo trong môi trường ngoại đạo này, mặc dù cố gắng không ngừng chúng tôi chỉ thu thập được rất ít người nhập đạo, sự tình là như thế, chúng tôi không biết giải thích cách nào"[48].

Câu “mặc dù chúng tôi đã học tiếng bản xứ” chứng tỏ cả ba người đều biết tiếng Việt (nhưng de Pina giỏi hơn cả).

Không còn cách nào khác, các linh mục bắt buộc phải chia tay:

Francesco de Pina, trở về Hội An, hoạt động với Pedro Marques. Francesco Buzomi đi Đà Nẵng, mong xin được trợ cấp của người Bồ. Borri ở lại Nước Mặn, tìm cách sống còn, đợi Macao trợ giúp[49]. Trong lúc hoàn toàn bế tắc, hầu như không thu thập được thêm giáo dân nữa, vị ân nhân thứ ba xuất hiện: Phu nhân sứ thần Đàng Trong ở Cao Miên.

Dưới đây, chúng tôi xin tóm tắt lời Borri kể lại câu chuyện này:

Tôi ở lại Quy Nhơn, cô đơn sầu não, không hy vọng sẽ cứu rỗi linh hồn và cải đạo người ngoại giáo. Một hôm, mình tôi ở nhà, bỗng trước cửa thấy xuất hiện một đàn voi chở đoàn tùy tùng nhiều ông bà quyền quý. Bà lớn xuất hiện, đài các trong y phục, nữ trang sang trọng. Chưa khỏi ngạc nhiên trước quang cảnh lạ lùng này, thì tôi được biết bà là phu nhân sứ thần chúa Đàng Trong gửi sang Cao Miên. Sứ thần người gốc Nước Mặn và là nhân vật quyền thế thứ nhì, sau quan Khám lý Qui Nhơn; lúc đó ông đang ở trong triều đình Sinuà (Thuận Hoá) để bàn với chúa về chính sách ngoại giao với Cao Miên.

Phu nhân nói ngay cho tôi biết chủ đích của bà: Bà đã nghe tiếng đồn rất tốt về tôi, về đạo mà chúng tôi truyền giảng, và theo bà, đó là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi mà bà hằng mơ ước, và mong được tôi rửa tội. Tôi khen ngợi quyết định của bà nhưng xin lỗi chưa thể thực hiện ngay được, bởi vì tôi biết chút ít tiếng Việt, nhưng không đủ để giảng đạo pháp, và khuyên bà nên đợi cha Buzome đi Đà Nẵng về, với người thông ngôn giỏi, như vậy bà sẽ được thụ pháp đầy đủ, như ý.

Nhưng bà nhất quyết muốn làm ngay, mượn cớ chồng bà có thể về tới đây bất cứ lúc nào và bà sẽ phải theo chồng lên thuyền sang Cao Miên, biết đâu trên đường đi chẳng gặp sóng gió, mắc nạn, rồi không bao giờ còn dịp quy đạo nữa. Borri đành phải bắt đầu giảng đạo pháp cho bà, nhưng may mắn vài hôm sau cha Buzomi trở lại với người thông ngôn. Bà đã chuyên cần học giáo lý đại cương, hai giờ buổi sáng, hai giờ buổi chiều, trong hai tuần. Và để làm theo đúng nhục hình của chúa, bà đi từ nhà đến chỗ chúng tôi, cách hơn một dậm, không trên lưng voi, mà đi chân đất, bước qua bùn nhơ, đất đá, và bà buộc các thị nữ hầu cận làm theo.

Họ nghe tôi giảng giáo lý đạo Chúa, và kinh hoàng khi nghe những đoạn mô tả cảnh địa ngục, với những cực hình, về quỷ, về bóng tối, về nhà tù, hỏa ngục... Những thứ đó dày vò họ suốt đêm và sáng hôm sau, cả bọn xin nhập đạo để thoát khỏi địa ngục. Chúng tôi trả lời họ là không thể được vì họ đều là thiếp của sứ thần. Phu nhân lo ngại: Vậy tôi thì sao? Chúng tôi trả lời: Phu nhân là vợ chính thức của quan đại sứ và bà không có quan hệ với ai khác, vì vậy phu nhân có thể xin rửa tội được. Bà lớn dơ tay lên trời tỏ vẻ bằng lòng lắm. Còn các thị nữ buồn khổ vô cùng, các cô kêu la không muốn làm thiếp cho ông đại sứ nữa, vì như thế các cô sẽ không được rửa tội và sẽ bị xuống địa ngục. Để an ủi các cô, bà lớn hứa sẽ tìm cho mỗi cô một tấm chồng. Lời cam kết chắc chắn của bà lớn, đánh tan mọi lo âu. Và một ngày đẹp trời, ngày đẹp nhất của đời tôi, tôi đã làm lễ rửa tội cho tất cả 25 người phụ nữ xinh đẹp, xiêm áo lộng lẫy, với các đức ông quyền quý tháp tùng, tại nhà thờ Nước Mặn, đi đầu là đại sứ phu nhân, dưới tên thánh Orsola [tiếng Pháp là Ursule]. Sự kiện đó làm rạng danh chúa, với số con chiên mở cửa cho đạo Chúa vào Hội Truyền giáo ở Đàng Trong (Mission de Cochinchine)[50].

Việc đập phá từ đường

Thành quả đầu tiên này kéo theo một cảnh lạ lùng: những người vừa được “giác ngộ” đạo Chúa đối xử tàn tệ với đức tin cũ của họ:

"Lễ rửa tội chấm dứt, cả đám rước về dinh bà đại sứ Orsola, tại đây đã có sẵn một nhà tụng niệm đẹp, thờ một vị thánh [Phật] mà trước đây, khi còn mê tín, bà đã tôn thờ.

Bước vào, chúng tôi giải nước Thánh khắp nơi trong nhà, rồi bà lớn và các thị nữ tức giận xông lại kéo tượng thần ném xuống đất một cách dữ dội lạ lùng, đập vỡ ra từng mảnh rồi lấy chân giậm nát. Chúng tôi thay vào chỗ ấy một tấm hình Chúa Cứu Thế và các con chiên mới quỳ xuống lạy, xưng tội và xin nguyện làm kẻ hầu hạ, vinh danh Chúa. Sau đó họ đeo Agnus Dei[51] làm bằng sáp Thánh vào cổ, cùng với vòng thánh giá, mề đai, và những đồ vật khác thuộc về đạo, mà chúng tôi cho và họ quý hơn cả những dây chuyền vàng, vòng ngọc họ đeo. Sau chiến thắng quỷ thần, đọc xong kinh, nhà nguyện đã thánh hoá, cha Buzome và tôi trở lại nhà, với niềm an ủi đã vinh danh Chuá."[52]

Borri mô tả sự dứt khoát của phu nhân sứ thần và các thị nữ, đối với đạo cũ, sau khi nhận lễ rửa tội, cho thấy bạo lực của sự dứt khoát này: Phu nhân và các thị nữ vào điện thờ, đập nát tượng Phật và giẫm đạp lên. (Bonifacy dùng chữ oratoire, tức nhà nguyện theo nghiã đạo Chúa, nhưng người Việt chỉ có từ đường thờ tổ tiên, hoặc thờ Phật, hoặc thờ cả hai. Bàn thờ tổ tiên chỉ có bài vị, bàn thờ Phật có tượng Phật). Hành động giẵm đạp lên tượng [Phật] cực kỳ thô bạo này thực khó hiểu đối với người Việt, lại được hai cha Buzomi và Borri chứng kiến và hãnh diện.

Nhưng màn đập phá bàn thờ tổ tiên, giẵm nát tượng Phật, sẽ để lại dấu ấn lâu dài, trong lòng những người được mục kích và cũng là lý do chính của việc cấm đạo ở Việt Nam.

 

Sứ thần theo đạo Chúa

Khi vị sứ thần, từ triều đình trở về Quy Nhơn, ông cũng được "cứu rỗi", Borri viết:

"Khi, bước qua cửa dinh, không nghe thấy lời chúc mừng như thường lệ, ông nghĩ rằng phu nhân có gì giận ông. Cuối cùng ông đi qua các gian nhà đến từ đường thấy Orsola và các thị nữ, cổ đeo mề đai Agnus Dei, tay lần tràng hạt đang đọc kinh cầu Chúa. Sứ thần lặng người trước cảnh ấy, phu nhân cất lời xin ông đừng ngạc nhiên khi thấy bà không ra đón và chúc tụng ông như thường lệ, bởi bà và các thị nữ đã đạt tới phẩm hạnh cao hơn trước một bực, đã trở thành con của Đức Chúa Trời, chúa Giê-Su, Chúa Cứu Thế, và bà chỉ cho ông hình Chúa trên bàn thờ. Bà bảo ông cũng phải tôn thờ Chúa, nếu muốn được ngang hàng với bà. Vị sứ thần cảm động vì những lời nói của vợ, và hình ảnh đẹp của Chúa, ông rưng rưng nước mắt tôn thờ và quỳ lạy Chúa. Đoạn rồi đứng lên nói với vợ và các thị nữ: "Sao phu nhân và các ngươi lại theo đạo, muốn bỏ ta à? Các ngươi đều biết rõ phép đạo của các cha là cấm đa thê. Vậy, hoặc các ngươi phải tìm nơi nương náu khác, hoặc các ngươi cứ ở đây, ta sẽ trú ngụ chỗ khác". Orsola trả lời: "Phu quân không đi đâu cả và chúng tôi cũng không cần phải bỏ phu quân, chúng ta sẽ có cách xếp đặt". Bà ứng xử thật là khôn khéo, không buộc tội chồng đa thê để tránh đổ vỡ và tìm cách dàn xếp ổn thoả mọi bề. Nghe lời bà, sứ thần tĩnh tâm lại, ông thấu triệt nỗi lầm của mình, muốn nhập đạo, đi con đường mà bà và các thị nữ đã theo."[53]

Rồi sứ thần được nghe các linh mục giảng về tội lỗi của việc đa thê, ông hoàn toàn bị thuyết phục, hứa sẽ bỏ hẳn con đường bất chính này để thoát khỏi địa ngục và được cứu rỗi.

"Với lễ lớn, có kèn, trống, tiêu, và nhiều dụng cụ âm nhạc khác, sứ thần mặc quần áo sang trọng, chịu lễ rửa tội cùng với 24 kỵ sỹ thân thiết nhất của ông. Chúng tôi đặt cho ông tên đức thánh cha Ignace, đoạn ông cầm tay Orsola xin làm phép cưới theo thánh đạo. Không sao tả xiết được niềm song hỷ của tất cả mọi người trước hai thánh lễ rửa tội và phép cưới".[54]

Sau lễ, sứ thần Ignace đi Cao Miên.

"Dinh ông ở bên Miên có cả một bầy thiếp, nhiều bằng đàn thiếp hầu bà trước đây, ông ra lệnh đuổi cả và cũng không thèm ngước mắt nhìn một người nào trong bọn họ. Vì thế, người ta đồn khắp nơi ông là người đạo đức thánh thiện; ông được coi là người tài ba nhất, cho nên nhiều người bác học nhất, hay chữ nhất trong vương quốc Quy Nhơn cũng theo gương ông, xin rửa tội".[55]

Sự kiện sứ thần theo đạo, nêu gương cho mọi người, mở ra một thời kỳ mới của đạo Chúa ở Quy Nhơn: Nhà thờ Nước Mặn được con chiên sùng đạo dựng lại.

Borri không quên nói về việc truyền giáo ở Hội An, và Đà Nẵng được phát triển nhờ công lao lớn của hai người: Cha Pedro Marques [lai Nhật] đã thu phục được nhiều con chiên Nhật trước bỏ đạo Chúa nay lại quay về; và cha Francesco de Pina, đã làm tăng số con chiên người Việt: Nhà thờ Đà Nẵng bị đốt cháy năm 1618, được các giáo sĩ dựng lại. Quảng Nam thu thập nhiều tín đồ mới, nhờ một Omgne [Ông Nghè], khâm phục sự tiên đoán trúng ngày nhật thực và nguyệt thực của Borri, đã tuyên bố công khai theo đạo. Trong tình trạng phấn khởi này, Borri rời Đàng Trong về Âu Châu năm 1622[56].

(Còn tiếp)


[1] Borri, Ký sự Đàng Trong, bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy, Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), 1931, số 3-4, trang 348.

[2] Quảng Nghiã, lúc đó chưa kỵ húy tên chúa Nghiã, nên chưa đổi thành Quảng Ngãi.

[3] Borri, Ký sự Đàng Trong, dịch từ bản tiếng Pháp của Bonifacy, BAVH, 1931, số 3-4, trang 348.

[4] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 349.

[5] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 349- 350.

[6] Dặm (mille) ở đây là dặm La Mã, tương đương với 1,478km, ba dặm là 4km434.

[7] Một địa điểm trong vùng Quy Nhơn. Cơ sở đầu tiên của đạo Chúa ở vùng này, sẽ được xác định rõ hơn ở dưới.

[8] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 350- 351.

[9] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 351.

[10] Theo chú thích số 99 của Bonifacy, BAVH, 1931, số 3-4, trang 350.

[11] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 351-353.

[12] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931 số 3-4, trang 351- 353.

[13] Nguyên văn bản dịch tiếng Pháp: une certaine poutre, tombée quelques jours avant derrière le palais neuf.

[14] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 355-356.

[15] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 356-357.

[16] Nguyên văn bản dịch tiếng Pháp: "de même en Cochinchine, où le Diable singe les choses saintes pour mieux tromper ces peuples".

[17] Chifu, không rõ Borri phiên âm từ chữ gì trong tiếng Việt. Bonifacy cho biết, đọc theo âm tiếng Ý là Ky-fou. Điạ danh này có thể thuộc xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, quê quán quan Khám lý Trần Đức Hoà.

[18] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 357- 359.

[19] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 364.

[20] Chỉ có de Pina giảng đạo được bằng tiếng Việt, Borri biết tiếng Việt, nhưng không đủ để làm lễ rửa tội, còn cha Buzomi, trước sau vẫn dùng thông ngôn để giảng đạo.

[21] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 360-361.

[22] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 287-288.

[23] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển hạ, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1928, trang 78.

[24] Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, trang 36.

[25] Phủ Thăng Hoa đời Lê, gồm đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn (chú thích Ngô Đức Thọ).

[26] Tước của Trần Đức Hoà, chú thích của Ngô Đức Thọ.

[27] Giúp rập, tiếng cổ, nghiã là theo giúp.

[28] Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, nguyên bản chữ Hán, do Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003, trang 83.

[29] Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 74-75.

[30] Hành điện hay hành dinh là dinh của chúa khi đi kinh lý.

[31] Cống cử, tương đương với thi Hương, chú thích của Ngô Đức Thọ.

[32] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 141.

[33] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 149.

[34] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 158.

[35] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 361.

[36] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 362.

[37] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 376.

[38] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 378.

[39] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trang 52.

[40] Đại Nam thực lục tiền biên, trang 42- 43.

[41] Đại Nam liệt truyện, trang 90.

[42] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 51.

[43] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 329.

[44] Nguyễn Phước Tuyên là con thứ tư của Nguyễn Phước Hà. Hà là con trưởng Nguyễn Hoàng.

[45] Vệ là con thứ hai của Nguyễn Phước Hà.

[46] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 107-116.

[47] Đại Nam thực lục tiền biên, trang 40.

[48] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 361.

[49] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 362.

[50] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 362-365.

[51] Agnus Dei là dấu hiệu con chiên của Chúa, hình con cừu non bằng sáp, bỏ trong túi nhỏ, có dây đeo vào cổ.

[52] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 365-366.

[53] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 366-367.

[54] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 370-371.

[55] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 371-372.

[56] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 395-396.