Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Hoàng Cát

Nhớ xưa ở Hà Nội, cứ nghe một bạn văn về trời, Hoàng Cát lại đi xe máy tới, rầu rầu nói, thằng ni chết rồi em ạ... Thằng tê chết rồi em ạ...

Bữa nay ngủ trưa thấy anh về, nói, anh chưa chết mô nha em! Ngồi dậy thẫn thờ, hết ngủ. Buồn quá đăng lại bài ni.

Nguyễn Quang Lập

 

imageTối nay lọ mọ thế nào lại vào được blog Hoàng Cát, dưới cái avatar có ghi “Nhà thơ Hoàng Cát, gần cây táo ông Lành” chợt phì cười, thế là bỏ hết việc viết về anh.

Quen anh đã chẵn ba chục năm, nói thân thì không mà sơ cũng chẳng phải, có lẽ quí nhau thì đúng hơn. Lần đầu gặp anh năm 79, kéo anh vào quán nước chè, anh nói, chè cháo chi hè, để tau mời mi chén rượu trắng. Anh nói nói cười cười, ôm vai hót cổ như anh em thân thiết lâu ngày, dù mình chỉ là thằng sinh viên, anh thì đã nổi tiếng khắp nước.

Anh nói, tụi bay đẹp trai nhưng răng đẹp trai bằng tau được hè. Ầy... hồi trẻ tau đẹp rụng rời. Ầy... con gái xách dép chạy theo tau cả đoàn, chỉ nội yêu chúng nó không thôi cũng đủ nhọc. Ầy... nhọc lắm nhọc lắm. Rồi anh kể tau mần như ri, tau mần như kia. Biết anh bốc phét nhưng buồn cười, cứ há mồm há miệng nghe anh kể.

Hơn năm sau mới phát hiện ra anh đi chân giả, cái chân gỗ giấu trong ống quần, anh đi lại nhẹ nhàng như còn nguyên xi hai chân thật. Có lẽ Hoàng Cát là người duy nhất đi chân gỗ như chân thật trong rất nhiều đi chân gỗ mà mình gặp. Khen thì anh cười hè hè, nói, ầy... gái còn lầm, tụi bay là cái chi.

Anh đi lính từ năm 65, đánh nhau ở chiến trường Bình Trị Thiên, năm 69 bị thương cụt chân, năm 71 xuất ngũ về Hà Nội viết báo làm thơ ầm ầm, tiền bạc tên tuổi đang lên phơi phới thì mắc nạn Cây táo ông Lành, anh tụt xuống đáy bể khổ từ đó, suốt hai chục năm không cách gì có thể ngóc đầu lên được.

Mình đã đọc đi đọc lại cái chuyện thiếu nhi đó, nghĩ mãi không ra tại sao người ta chụp cho anh đủ thứ chống. Có người bảo Hoàng Cát nói xấu Tố Hữu, bị Tố Hữu dần cho tan xương nát thịt chứ sao. Hồi đó truyền tụng câu đối như một lời nhắn nhe tới Tố Hữu: “Thằng Cát không viết điều hung/ Ông Lành chớ làm việc dữ”.

Sau này mình gặp Tố Hữu, hỏi thì Tố Hữu nói, bậy... Hoàng Cát nó khen tôi chứ đâu có nói xấu tôi. Mình không tin, hỏi Hoàng Cát, anh nói, ầy... Tố Hữu không mần chi tau mô. Mình nói, rứa thì ai? Anh nói, oa chà... một ông to lắm. Dần dà mới biết có một ông to gấp mười Tố Hữu đã xuất chưởng, may anh là thương binh không thì đi đời nhà ma từ tám hoánh.

Cái số Hoàng Cát thật không may, vào chiến trường yêu một em xinh đẹp, chưa kịp cầm tay nắm chân đã bị thương, chuyển hết viện này sang viện khác, thất lạc nhau kẻ Nam người Bắc, cuộc tình chưa kịp nở đã tàn. Tưởng què cụt không ai lấy, về Hà Nội cưới được vợ mừng hết lớn, đám cưới lại trúng ngay đêm Mỹ thả bom phố Khâm Thiên năm 72. Vợ vừa có chửa lại lâm nạn, lại mất việc làm, lại bị treo bút, hai chục năm trời đói rách lầm than.

Bị treo bút cũng chỉ là cách nói, chẳng có cái lệnh nào từ trên xuống, cũng chẳng ai ra quyết định kỉ luật gì. Thời đó hễ ai đó có tiếng ồn ra là thành phần bất hảo, lập tức báo chí xuất bản cứ thế lẳng lặng đưa ngay người đó vào sổ đen, tuyệt giao thẳng cánh.

Cũng vì không có quyết định kỉ luật để biết thời hạn kỉ luật là mấy năm, thành ra cái án cứ treo lửng lơ hết năm này sang năm khác. Nếu đất nước không đổi mới năm 89 thì không biết cái án treo bút các anh Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm… còn kéo dài đến bao giờ, Hoàng Cát cũng thế.

Đừng nói tại cấp trên, tại anh em mình cả thôi, cũng chỉ vì sợ bóng sợ vía mà làm khổ nhau, bây giờ có ai trách thì đổ hô cho tại cấp trên dọa này dọa nọ. Cấp trên nào có thì giờ đi dọa tào lao chi khươn kiểu đó, ôi giời là buồn.

Người ta nói phúc bất trùng lai họa vô đơn chí quả nhiên đúng, người ta thương binh bị phần mềm cũng được trợ cấp này nọ, Hoàng Cát cụt hẳn một chân chẳng ai cấp cho một xu. Mười bảy mười tám nghề đã trải, toàn những nghề lặt vặt nhưng chẳng nghề nào được xuôi chèo mát mái. Buôn lợn bị lừa, dán tem thuốc bị phạt, nhổ lông bì lợn bị mất… Đến mở cái quán chè chén cũng luôn luôn gặp rắc rối, không bị đuổi chỗ thì bị mất tiền, bị quịt nợ, bị gây sự đủ điều. Nghe mà phát sợ.

Cũng giống anh Hoàng Bình Trọng ở Quảng Bình, hình như khổ đến kiệt cùng Hoàng Cát còn chẳng biết khổ là gì nữa. Chưa bao giờ thấy anh kêu khổ, toàn thấy anh kêu khổ giùm bạn bè, nói, thằng ni... thằng tê khổ lắm bay ơi... đưa mô có giúp hắn với bay nờ.

Thơ vẫn viết, rượu vẫn uống, uống say thì hú hét hát hò, ba hoa bốc phét chuyện gái gẩm mua vui, nói, con này lá tre con kia lá mít hay lắm hay lắm... Tau mần như ri tau mần như tê đã cái mớ đời bay ơi. Đang ba hoa chích chòe, hễ ai nhắc đến vợ con thì mặt đờ ra giống như vừa nghe danh thánh thượng, đủ biết anh yêu vợ con đến nhường nào.

Cũng đúng thôi, nhờ có vợ con anh mới sống đến tận bây giờ, làm thơ viết văn đến bây giờ, sáu bảy tập thơ in được cũng nhờ vào tay vợ con cả. Có lẽ nói anh ngưỡng mộ vợ con thì đúng hơn. Con gái anh làm phát thanh viên tiếng Anh, đến chương trình của con, trên ti vi con đứng nói, dưới nền nhà bố ngồi ngước mặt nhìn con, hơm hớp từng tiếng một.

Con giỏi tiếng Anh, bố cũng bò ra phục hồi tiếng Pháp, món ngoại ngữ bỏ mấy chục năm tưởng quên sạch bỗng nhiên khôi phục được. Giờ uống đâu hễ say là anh toàn xì xồ tiếng Pháp, đôi khi thấy anh như người cuồng, xồ ra nửa Việt nửa Pháp, nói tụi bay ơi… on dit souvent que… argent ne fait pas le bonheur… nhưng moa chỉ thích tiền thôi.

Có một người nữa khi đang vui hễ ai nhắc đến là mặt Hoàng Cát cũng đờ ra, đó là Xuân Diệu. Ai cũng biết Hoàng Cát và Xuân Diệu là anh em kết nghĩa nhưng quan hệ của họ đã vượt quá tình anh em, đạt đến cái gọi là tình yêu, có lẽ điều này thì nhiều người không biết.

Năm 1958 Hoàng Cát mới 17 tuổi, trâu bị lạc, anh tất tả đi tìm thì gặp Xuân Diệu đang ngồi nghỉ dưới tán cây giữa cánh đồng làng anh. Xuân Diệu đi thực tế về Nghệ An, tay cầm cặp bánh chưng, anh cho Hoàng Cát một cái bánh, lần đầu tiên Hoàng Cát biết bánh chưng ngon đến chừng nào.

Từ đó anh em thân nhau, rồi yêu nhau, chính xác chỉ có Xuân Diệu yêu Hoàng Cát, còn Hoàng Cát suốt cả đời mình chỉ biết thương Xuân Diệu, thương đến vô cùng. Thương quá hóa chiều, Hoàng Cát chỉ chiều yêu Xuân Diệu mà thôi.(*)

Hôm vừa rồi nhậu ở nhà thằng Đạo (Trần Quang Đạo), Hoàng Cát say, đang hú hét ồn ào bỗng nghe ai đó nhắc đến Xuân Diệu, anh chợt ngưng lại rưng rưng, nói, tau thương Xuân Diệu lắm bay nờ, bay đừng nói nữa mà tau khóc.

Và anh khóc thật, nước mắt chan chứa, vừa khóc vừa đọc bài thơ Xuân Diệu viết tặng anh 45 năm về trước, ngày anh lên đường nhập ngũ. Anh nói, ầy... tau không yêu Xuân Diệu theo kiểu trai gái yêu nhau, ầy, nhưng mà tau thương, thương lắm bay nờ.

Mình hỏi rứa Xuân Diệu có yêu anh không, Hoàng Cát nói yêu chơ, Xuân Diệu yêu tau thiệt mà, yêu lắm mi nờ. .................. (*) Bài thơ Biển của Xuân Diệu có đoạn: Anh xin làm sóng biếc  Hôn mãi cát vàng em  Hôn thật khẽ, thật êm  Hôn êm đềm mãi mãi  Cát vàng được ngụ ý là Hoàng Cát.