Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Cha tôi – “Chàng hiệp sỹ gỗ"

Nguyễn Thị Hiền

image  

Đã nhiều lần tôi định ghi lại những điều ông kể, nhưng đôi khi con người cứ nghĩ còn nhiều thời gian, chưa làm lúc này, sẽ làm lúc khác, cứ lần lữa, và thời gian trôi đi, rồi để vuột khỏi tay mình biết bao điều trân quý.

Chẳng hiểu sao, khi nghe bố tôi kể chuyện “Anh chàng hiệp sỹ gỗ”, rồi sau đọc truyện này của ông in ở NXB Kim Đồng từ những năm tôi còn nhỏ, tôi cứ luôn nghĩ, chàng hiệp sỹ gỗ chính là ông. Càng lớn lên, càng hiểu những thăng trầm trong đời văn của bố tôi trong những năm gian khó nhất của văn chương nghệ thuật thời “Nhân văn - Giai phẩm”, thời kỳ “Xét lại” của đất nước. Nhớ lần từ Sài Gòn ra Hà Nội, bố tôi đã nói chuyện với tôi, ông vừa soạn lại các giấy tờ và những bản kiểm điểm của nhiều thời kỳ từ những năm về trước, ông rất thanh thản với lương tâm để nói với tôi rằng, ông đã không làm điều gì sai trái, ông đã không đánh mất một người bạn nào.

Bố tôi đã giữ trọn quan điểm của mình, không đánh mất một người bạn nào, không đấu tố, không làm điều gì trái với lương tâm, và dứt khoát không viết những điều ông thấy có nhiều phần giả dối, gượng ép, không đúng điều mà ông đã thấy, đã nghĩ.

Trong gần hai mươi năm công tác, bố tôi không hề được tăng lương. Mẹ tôi bức xúc lắm, nhiều lúc muốn bố tôi sang Hội Nhà văn đề xuất vấn đề tăng lương cho bố. Bố tôi đanh mặt lại, mắt quắc lên nói: “Tôi nhất định không bao giờ làm điều này”. Mẹ tôi mếu máo: “Nếu mình không làm thì tôi sẽ sang Hội nói chuyện với các anh ấy”. Bố tôi nghiêm giọng nói: “Tôi cấm không ai được làm điều này”.

Cả nhà biết bố tôi chịu rất nhiều thiệt thòi nhưng không một ai dám hó hé gì.

Khi ông về hưu, giấy hưu trí ghi cho ông là đã đi làm 49 năm, 11 tháng, 15 ngày chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 50 năm, chẳng hiểu họ tính toán với bố tôi sao mà chi li thể. Bởi nếu đúng 50 năm, bố tôi sẽ được thêm một bậc lương và một chế độ khác.

Ông bảo, các bạn ông người bị đi tù, người bị kỷ luật, người bị cấm viết, họ còn chịu bất công hơn ông rất nhiều. Ông còn nói ông là người hèn yếu, không thể làm được những điều dũng cảm như các bạn ông, bởi ông còn vì gia đình, vì bảy đứa con, nên truyện “Con chó xấu xí” và “Ông lão hàng xóm” của ông mới bị đánh một tí ông đã không thể làm gì hơn. Ông dừng lại, tự khóa mình, không viết nữa.

Ông đã kể cho tôi nghe bao nhiêu dự định về những truyện ông định viết, lúc đó mặt ông sáng rỡ, hồng hào, mắt long lanh, nhưng có những lúc ông nhăn nhúm cả mặt mày dường như có điều gì đau đớn lắm. Định viết thế rồi ông lại thôi. Đã nhiều lần tôi định ghi lại những điều ông kể, nhưng đôi khi con người cứ nghĩ còn nhiều thời gian, chưa làm lúc này, sẽ làm lúc khác, cứ lần lữa, và thời gian trôi đi, rồi để vuột khỏi tay mình biết bao điều trân quý.

Nhiều lúc tự an ủi mình, ông tâm sự: “Những điều cần nói thì không được nói, những điều cần viết thì không được viết, vậy thôi, nói làm gì, viết làm gì”. Và rồi ông gác bút, gần như không viết gì nữa. Trong đáy lòng tôi cứ tiếc hùi hụi những chuyện ông kể cho tôi nghe và những dự định sẽ viết sắp tới của ông. Những chuyện mà tôi biết nếu ông viết ra, chắc chắn là chúng tôi sẽ phải theo ông chịu hậu quả thiệt thòi, bất công rất nhiều trong những năm tháng “gió to” ấy.

Trong một bài viết về ông, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói: “Ông ở ẩn ngay trong chính sự im lặng của ông, sự im lặng của nỗi buồn muôn thuở...”. Nhà văn Bảo Ninh đã nói với tôi khi tôi muốn anh viết một câu gì tâm đắc để tôi đưa chữ của anh vào bộ tranh “Những con chữ” của mình. Anh đã viết: “Nhà văn Kim Lân, người thầy của tôi nói: Viết về chiến tranh tức là viết về hòa bình, tình yêu, lòng khoan dung...”.

Ông chấp nhận làm “Chàng hiệp sỹ gỗ”, chấp nhận hy sinh cho gia đình, vợ và đàn con bảy đứa của ông, nhưng ông cũng không thỏa hiệp, không viết văn theo thời, không vì danh, vì tiền, không tùy tiện viết những điều lòng ông thấy giả dối và không tâm đắc.

Ông luôn nói ông không viết được nữa với mọi người, trời chỉ cho ông thế thôi. Nhưng tôi biết, ông đã tự cất đi tài năng của mình, ông cất đi như cất một tình yêu lớn và một tai họa trĩu nặng trong đời ông, đau đớn, quyết liệt, câm nín để giữ phẩm cách con người của mình vì đàn con nheo nhóc.

Đôi lúc nhìn ông ngồi trầm tư, buồn rầu, môi bậm lại, đau đáu nhìn vào cõi trống vắng, im lặng hàng giờ. Đôi lúc ông chăm chút một cây hoa, một con chim, con cá, mặt ông buồn đến thảng thốt, rồi lại quạu cọ, khó đăm đăm, môi mím chặt lại, trông thật khắc khổ thê thiết.

Ông một người đầy tài hoa, thuở còn ở làng Chợ Giầu, Từ Sơn, ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã thành lập đội nặn tượng, vẽ tranh, hát tuồng, đóng kịch, viết văn, nổi đình đám ở làng, sau này còn ra đến Hà Nội diễn tại Nhà hát Lớn. Nhà thơ Hoàng Cầm đã kể cho tôi nghe chuyện bố tôi diễn kịch: “Hôm đó Nhà hát Lớn công chiếu vở “Cái tủ chè” của bác, bố cháu đóng vai ông già, quay lưng lại khán giả, bố cháu đi giật lùi từ cánh gà ra, cả hội trường đứng hết lên, phải dừng biểu diễn, vỗ tay hoan hô đến 15 phút để khâm phục tài diễn xuất của bố cháu. Bố cháu diễn giỏi quá, tìm tòi khác lạ quá, bố cháu quả nhiều tài thật, ông không những viết văn hay mà còn vẽ, còn nặn tượng, diễn kịch, hát tuồng, đóng phim và làm báo nữa”.

Vậy mà ông thường nói với chúng tôi: “Thôi các con đừng ai theo nghiệp văn của thầy, vất vả và nguy hiểm lắm”. Bởi vậy ông dồn hết tình cảm, tâm huyết hướng chúng tôi trở thành những họa sĩ.

Cha tôi luôn dũng cảm là chính mình theo cách của ông, ông dũng cảm trong sự dám quên mình, không làm bất cứ điều gì xấu hổ với chính lương tâm của mình.

Nhà thơ Hoàng Cầm còn kể rằng: “Suốt mấy chục năm ròng, rất đông bạn bè không còn đi lại, có những người sợ không dám đến hỏi thăm. Hồi đó phong trào đấu tranh với “Nhân văn - Giai phẩm” lên cao, gió to quá. Nhiều người bị gió cuốn đi. Nhưng Kim Lân, mặc dù gầy còm, nhưng với tinh thần của ông Cản Ngũ, quyết bảo vệ danh dự của nhà văn như các ông đô vật thời xưa bảo vệ danh dự lò vật làng mình, vẫn đi lại thăm nom bạn bè bình thường”.

Nhà văn Nguyên Hồng nói: “Kim Lân nó là ông Cản Ngũ, là Hiệp sỹ gỗ đấy. Làm người thật khó, nhưng thế mới đúng là người”.

Lại nhớ khi tôi vào Sài Gòn sống, một hôm thấy bố tôi đột ngột xuất hiện. Mọi khi trước khi vào Sài Gòn lúc nào ông cũng báo trước để tôi mua vé cho ông, ra sân bay đón, đưa ông về đàng hoàng. Lần này bỗng tự nhiên bố tôi mở cửa, bước vào nhà trong sự kinh ngạc tột cùng của tôi. Chưa kịp nói câu gì ông đã gọi tôi: “Hiền, thầy bảo, con cho thầy một ít tiền và ra chợ mua ngay cho thầy mấy bộ quần áo, rồi áo ấm, tất, mũ... ngay”.

Ngạc nhiên quá, bố tôi là người rất e ngại khi hỏi tiền hay đòi hỏi gì. Sao lần này vừa bay vào đến nơi, bố con chưa kịp hàn huyên gì ông đã ra lệnh đưa ngay cho ông một ít tiền và ra chợ mua ngay một loạt quần áo cho ông thế nhỉ?

Tôi chạy rút tiền đưa cho bố, bố cầm tiền xong nói: “Đủ rồi, thôi con đi mua quần áo đi, nhớ mua quần áo ấm, thật dày, thật tốt vào nhé!”. “Vậy thầy ngồi đợi con ra chợ Bến Thành và khu Huỳnh Thúc Kháng mua xong rồi về ngay ạ!”.

Tôi phóng vút đi ngay. Thấy tôi khệ nệ mang đống quần áo, áo bông, áo len, mũ, tất về, bố tôi nói: “Tốt rồi, đủ rồi, thôi thầy ở đây hôm nay, ngày mai sáng sớm thầy ra máy bay về Hà Nội luôn”. “Ôi sao thầy về vội thế, ở lại chơi với chúng con và cháu Hiền Minh ít ngày, rồi về. Thấy cần gì thêm nữa cứ bảo con”.

Ông nhất định không ở lại, ngày hôm sau đưa ông ra sân bay, ông đã mua vé khứ hồi sẵn từ Hà Nội. Tôi đưa lại tiền vé cho ông rồi nói: “Lần sau thầy cần gì cứ bảo con mua vé cho thầy, rồi đi đón thầy ở chơi với chúng con và còn mời bạn bè của thầy ở Sài Gòn đến chơi, ăn cơm, uống rượu với thầy nữa, chứ sao lần này thầy vội vã thế”.

Đứng tần ngần nhìn tôi một hồi ông nói: “Thực ra thầy bay vào đây xin tiền con, xin quần áo con mua cho thầy này, không phải là thầy xin cho thầy đâu, vì thầy không có tiền nên thầy vào xin con để mang ra cho bác Nguyễn Hữu Đang đấy, bác ấy vừa mới được ra tù con ạ!”.

Ông tất tả, tay xách, nách mang túi quần áo tôi mua cho ông, vào sân bay ra Hà Nội. Nhìn dáng người gầy còm, nhỏ bé của ông đi, đầu chúi về phía trước, cô đơn, âm thầm, lặng lẽ, tôi đã trào nước mắt vì thương ông quá đỗi.

NSND Đào Trọng Khánh nhân ngày bố tôi ra đi đã viết một bài có tựa đề: “Kim Lân – Chàng hiệp sỹ gỗ đã ra đi”, trong đó có hai câu đối tiễn ông:

Cuồn cuộn bụi hồng, Hiệp sỹ gỗ đã ra đi, tơi bời mùa hạ sen nở hết.

Lênh đênh sóng biếc, Ông Cản Ngũ còn đứng lại, trống dồn hội vật vẫn chưa xong”.