Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Lũy thừa nhân cách

Truyện ngắn Vũ Ngọc Tiến

Viết tặng cố đạo diễn TXN nhân ngày giỗ đầu

Tiếng chuông đồng hồ điện Kremlin thánh thót ngân bảy tiếng. Staline ngừng bút, tay trái cầm cái tẩu gõ nhẹ lên bàn. Ông ngoẹo cổ lắc đầu mấy cái rồi ngả người lên thành ghế lim dim mắt. Lại một đêm căng thẳng đầu cuộc thế chiến với bao toan tính, mưu mẹo đã làm ông nhọc phờ.

Từ nhiều năm nay, Staline có thói quen làm việc về đêm, bắt đầu từ bảy giờ tối và kết thúc vào bảy giờ sáng hôm sau. Trước lúc đi ngủ ông dành một giờ đọc tiểu thuyết hay xem phim. Mọi người đã thuộc lòng thói quen này, nhưng không ai biết thói quen bất ngờ ngoẹo cổ lắc đầu mấy cái, ngoại trừ viên sĩ quan tùy tòng.

Sáng nay giám đốc Mosfilm nhờ cục KGB mời Staline xem bộ phim Ivan hung bạo của nhà đạo diễn lừng danh Grino Vaxilirovic…

Viên sĩ quan tùy tòng bước vào dập gót đứng nghiêm báo đến giờ chiếu phim. Staline đứng dậy, khoan thai bước sang phòng chiếu ngay bên cạnh. Khoảng hơn chục người đang nín thở chờ đợi đều đứng bật dậy. Ông gật đầu chào họ rồi bước đến chỗ ngồi của mình. Bên phải ông là Cục trưởng KGB, còn bên trái là Giám đốc Mosfilm, kế đến vợ chồng đạo diễn Grino Vaxilirovic.

Bộ phim lôi cuốn Staline từ cảnh đầu tiên. Là người độc đoán, khét tiếng dữ dằn, nhưng ông lại có tâm hồn nghệ sĩ, rất sành bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Ông say sưa thích thú trước những trường đoạn tái hiện thiên nhiên nước Nga hùng vĩ, ở những góc quay độc đáo trên nền bản nhạc giao hưởng số sáu của Traikovxki vừa bi tráng diễm lệ lại vừa đậm tính triết lý.

Câu chuyện lịch sử một thời suy đồi của đế chế Nga đã hút hết tâm trí khiến ông như bị thôi miên, dán mắt lên màn ảnh. Tiếng violon vút lên nhỏ dần như tiếng cánh cửa sắt khép lại, kết thúc cuộc đời một ác nhân để lại biết bao di họa cho lịch sử khiến ông như thoát xác để nhập thân vào nước Nga thế kỷ 17.

Chợt ông bừng tỉnh, ngoẹo cổ lắc đầu mấy cái, lững thững đi về phía phòng ngủ, dù trong lòng bồi hồi cảm phục tài năng của đạo diễn và các nghệ sĩ trong phim, nhưng ông không hề nhìn ai, cũng không nói lời khen chê nào theo thông lệ. Cục trưởng KGB toát mồ hôi trán, lạnh hết sống lưng trước những cái lắc đầu của vị thống soái tối cao, quyền uy tột bậc. Ông ta quắc cặp mắt dữ tợn, ném ánh nhìn sang bên trái như muốn thiêu đốt ra tro vị Giám đốc Mosfilm và tác giả Grino Vaxilirovic đáng nguyền rủa.

Hơn chục con người ở phòng chiếu cũng ngồi ngây chết lặng đầy bí ẩn, lo âu. Giám đốc Mosfilm mặt tái nhợt, ghé tai Grino Vaxilirovic thì thầm:

- Nguy to rồi. Cậu liệu mà biến ngay ra mặt trận cho khuất mắt thiên hạ càng nhanh càng tốt. Mọi việc của cô ấy ở nhà tôi sẽ lo liệu giúp cậu. Yên tâm mà đi, 53 hộ trong cái ốp-nghệ-sĩ sẽ không ai nỡ lòng bỏ đói cô ấy đâu.

- Khủng khiếp vậy sao? - Grino Vaxilirovic thều thào hỏi lại.

- Còn chưa biết kết cục ra sao nhưng tôi linh cảm anh phải biến ngay lập tức, thế thôi…

- Vâng, tôi nghe anh.

Grino Vaxilirovic bóp nhẹ bàn tay vợ. Họ đờ đẫn ra về như hai cái xác ướp. Không ai dám chào hỏi, bắt tay họ. Hai sinh linh nhỏ bé như hai tàu lá chuối héo khô, chênh chao trước gió giữa vũ trụ bao la.

Grino Vaxilirovic hiểu sự nghiệp của mình vậy là đã kết thúc, giữ được mạng sống là may rồi. Suốt ba năm ròng ông đem nhiệt huyết, tình yêu đất nước con người Nga dồn vào từng thước phim vừa chiếu. Nó là đứa con tinh thần ông chờ đợi, tự hào.

Tất cả đã tan như bọt xà phòng sau buổi trình chiếu đầu tiên. Thời gian quá gấp gáp. Hai vợ chồng vội vã trao nhau những cái hôn ly biệt đẫm nhòa nước mắt dưới chân tường điện Kremlin…

***

Trung tướng Paven Smernov ngồi trầm tư trước đống tài liệu, báo cáo của Ban chính trị quân đoàn. Sau chiến dịch Stalingrat hồng quân đồng loạt phản công trên khắp các mặt trận. Quân Đức cũng điên cuồng chống trả. Quân đoàn của ông bị địch cầm chân đã mấy tuần ở Mondavi.

Mũi xung kích của sư đoàn Năm bị thiệt hại nặng nhưng cuối cùng đã chọc thủng phòng tuyến dày đặc của quân Đức. Bản báo cáo của Chính ủy sư đoàn Năm viết về chiến công ấy có đoạn đặc biệt nhắc đến anh lính có cái tên lơ lớ như gốc người Do Thái là Andrei Levil làm ông xúc động.

Khi tiểu đoàn của mình hy sinh và bị thương gần hết chỉ còn hơn 20 lính, Andrei Levil đã tự mình đứng ra chỉ huy tiểu đoàn, tiêu diệt cứ điểm trọng yếu của địch. Một mình anh đã bắn cháy ba xe tăng, diệt gọn một trung đội lính Đức. Báo cáo đề nghị gắn huân chương và phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng lý lịch anh lại không rõ ràng. Anh cũng từ chối đám phóng viên mặt trận muốn giới thiệu về mình.

Đơn vị đã nhặt được anh ta ở bìa rừng trong đống tuyết vùi, kiệt sức vì đói lả, đôi bàn chân sưng tấy và đỏ tía trong hai chiếc giày dân sự há mõm. Người ta phiên chế Andrei Levil vào tiểu đoàn pháo chống tăng đã được 18 tháng. Bức ảnh do phóng viên mặt trận gửi về kèm theo báo cáo khiến tướng quân Paven phân vân, lưỡng lự.

Chẳng lẽ bạn ông, nhà đạo diễn tài ba người Nga chính gốc Grino Vaxilirovic vẫn còn sống dưới cái tên giả Andrei Levil đáng ngờ gốc Do Thái?

Người đàn ông trong ảnh nom rất gầy gò, già nua, mặt đen sạm vì thuốc súng ẩn trong bộ râu quai nón rậm rạp. Trong ký ức, bạn ông mặt béo hồng, râu cạo nhẵn, tóc chải mượt và luôn duyên dáng, tế nhị.

Thế nhưng cặp mắt và nụ cười ấy trong ảnh lại rất Grino Vaxilirovic, không thể lẫn với ai khác được. Hai năm trước, nhận được lệnh truy nã bạn mình trên khắp các mặt trận, tướng quân Paven không thể nào tin nổi.

Người ta kết tội bạn ông là tên chống đảng, kẻ phản bội, tay sai Gestapo là quá hồ đồ, vô lối. Cùng học với nhau một lớp khoa Toán, trường đại học Lomonoxov, Paven hiểu rất rõ nhân cách Nga trong con người Grino Vaxilirovic. Trước mọi hiểm nguy, thử thách nghiệt ngã nhất, nhân cách Nga trong con người ấy chỉ có thể đột biến tăng lên theo cấp lũy thừa chứ không thể là tên phản bội, bán nước. Nếu đích thực đây là Grino Vaxilirovic ông sẽ phải làm gì?

Paven cúi xuống bàn vò đầu suy nghĩ…

***

Chiếc xe con của Trung tướng Chính ủy quân đoàn xịch đỗ trước lều chỉ huy sư đoàn Năm. Toàn ban chỉ huy sư đoàn và Adrei Levil đã chờ sẵn theo lệnh của bức điện khẩn tối mật từ quân đoàn gửi tới.

Paven thoạt nhìn Adrei Levil đã nhận ngay ra đúng bạn mình. Ông làm ra vẻ vô cùng tức giận, tiến lại gần Grino Vaxilirovic, tống một quả đấm thôi sơn vào giữa mặt Andrei Level, miệng hét to:

- Đồ phản bội, quân lừa đảo đê tiện!

Grino Vaxilirovic trợn mắt, há mồm nhìn bạn cũ, không hiểu, máu mồm máu mũi ộc ra lênh láng. Trung tướng Paven không thèm nhìn tên phản bội, đanh mặt lại ra lệnh:

- Xích tay nó giải lên xe của tôi. Việc này tối mật, chỉ có mấy anh trong ban chỉ huy sư đoàn và tôi biết. Nếu để lộ ra các anh sẽ bị xử bắn.

- Rõ, thưa Trung tướng!

Xe chạy một đoạn, Paven quay sang ôm chầm lấy bạn vừa khóc vừa hỏi trong nước mắt:

- Có đau không, Grino Vaxilirovic? Nhìn thấy ảnh cậu gửi về quân đoàn tớ mừng lắm, nhưng vẫn phải ghìm lòng không hé lộ mảy may ra bên ngoài. Phải đóng kịch như vừa nãy là để cứu cậu thôi, tớ cũng đang rất đau đây …

- Không sao, hai năm qua đã giúp mình chai sạn rồi.

- Từ giờ cậu sẽ làm cần vụ bên tớ. Chỉ cần cậu giấu mặt trong tất cả các cuộc tiếp xúc là ổn. Việc của cậu gắng chờ hết chiến tranh mình sẽ tính cách gỡ rối, giải oan sau, được không?

Grino Vaxilirovic muốn nói vài lời với bạn nhưng Paven ra hiệu im lặng. Ông ôm chặt Grino Vaxilirovic, áp tai vào ngực bạn nghe đủ 70 nhịp đập trong một phút...

Nguồn nuôi dưỡng nhân cách Nga đã tăng lên cấp lũy thừa trong lửa đạn chiến tranh ác liệt…

***

Staline sốt ruột đi lại trong phòng chờ đợi, miệng ngậm tẩu hút thuốc liên tục. Niềm vui giải phóng Berlin không đủ làm nguôi nỗi giày vò lương tâm ông suốt một tuần qua. Nếu không tìm được Grino Vaxilirovic ông sẽ ân hận đến hết đời.

Thật may KGB đã tìm được nhà đạo diễn Grino Vaxilirovic ở quân đoàn của tướng Paven Smernov. Một chuyến bay đặc biệt đã được điều động chở tướng quân Paven và người đạo diễn tài ba từ Đông Đức về Matxcova. Cách đây nửa giờ ông đã trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với chị vũ công ba lê, vợ của đạo diễn ấy.

Tội nghiệp cho chị, suốt bốn năm tự giam mình trong phòng kín. Bạn bè trong ốp-nghệ-sĩ đêm đêm lén lút tuồn bánh mì và thức ăn, đồ uống qua một lỗ tròn nhỏ được khoét trên cửa theo chỉ dẫn của Giám đốc Mosfilm.

Khi nhân viên KGB phá khóa cửa bước vào căn phòng đầy bụi và mạng nhện, họ nhìn thấy một bà già teo tóp, ngơ ngẩn như bóng ma, không còn nhận ra chút dáng dấp kiều diễm của nũ nghệ sĩ ba lê ngày xưa.

Chị nói với nhân viên KGB mình sẵn sàng ra bãi xử bắn nhưng đừng chơi trò lừa dối rằng chồng chị, đạo diễn Grino Vaxilirovic vẫn còn sống và đã được minh oan.

Anh chàng sĩ quan KGB thuyết phục chị không được đành lấy khăn tay lau sạch bụi và mạng nhện trên máy điện thoại, gọi về trung tâm xin cho chị nói chuyện với đồng chí Staline. Nghe vị Thống chế tối cao nói lời xin lỗi, chị ngã khuỵu xuống, bất tỉnh…

Tối nay Staline sẽ phá lệ, nghỉ ba tiếng buổi tối để xem phim và mời cơm vợ chồng đạo diễn Grino Vaxilirovic. Ông nhớ lại cách đây một tuần, sau khi làm việc với Nguyên soái Jukov về chế độ quân quản tạm thời ở Đông Berlin, ông đã giữ Nguyên soái ngồi lại cùng uông cà phê. Hai người sôi nổi bình luận về 21 tác phẩm văn học nghệ thuật vừa được đề cử xét giải thưởng Staline.

Câu chuyện làm ông nhớ đến bộ phim Ivan hung bạo đã xem hồi đầu chiến tranh. Ông say sưa hào sảng hết lời khen ngợi tính thẩm mỹ và giá trị tư tưởng của bộ phim với Jukov. Quay sang sĩ quan tùy tòng, ông ra lệnh ngay lấy bộ phim ấy về để hai người cùng xem và gặp lại tác giả.

Cả bộ máy KGB cuống cuồng truy tìm bộ phim mà họ đã tịch thu vứt vào trong kho nhưng chưa thấy, phải cậy nhờ Giám đốc Mosfilm giúp đỡ. May ông ta còn cất giấu được một bộ. Riêng tác giả thì bặt vô âm tín. Họ đành thú nhận với Staline, xin lùi lại ít ngày để tìm kiếm người đạo diễn đã mất tích một cách bí ẩn.

Lúc này Nguyên soái Jukov đã đi Berlin, nhưng ông thề với lòng mình phải gặp bằng được vợ chồng người đạo diễn có số phận trớ trêu, đã bị hành hạ suốt bốn năm chỉ vì cái cố tật lắc đầu ngoẹo cổ của Stalne. Có lẽ đã có không ít những vụ án oan bắt đầu từ cái tật ấy, bởi đời này thiếu gì những kẻ luôn ngửi rắm để đoán ý cấp trên rồi hành sự mà ta không thể biết hết!

Ông nghĩ và buồn se sắt. Nước Nga sau chiến tranh còn rất nghèo. Tiêu chuẩn bữa tối của Staline chỉ có con gà quay và chai rượu sâm banh. Ông tự mình cầm dao chặt đôi con gà, nửa dành cho vợ chồng đạo diễn bất hạnh, nửa cho ông và tướng quân Paven. Chai rượu đang đợi khách còn chưa mở nút…

Trung tướng Paven Smernov bước vào phòng, dập gót giày đứng nghiêm báo cáo:

- Thưa đồng chí Staline! Tôi, Trung tướng Paven Smernov cùng vợ chồng anh hùng lực lượng vũ trang, nghệ sĩ nhân dân Grino Vaxilirovic đã có mặt chờ lệnh đồng chí.

Stalin lại gần, ôm chặt đạo diễn Grino Vaxilirovic, nghẹn ngào nói trong nước mắt:

- Anh chị hãy tha lỗi cho tôi. Đây là sự trả giá cay đắng cho thói ngửi rắm đoán ý lãnh tụ để tâng công và tiêu diệt, hành hạ người khác của không ít kẻ thuộc cấp thân tín quanh tôi. Giờ chiến tranh đã hết, tuổi già ập đến, quyền uy chắc gì đã bền nên tôi mới ngộ ra nhiều điều thì đã muộn.

Tướng quân Paven nghiêm trang nói:

- Thưa đồng chí Staline! Số phận nghiệt ngã do lũ người ngửi rắm gây ra không ngờ đã hiến bạn tôi, một nghệ sĩ của nhân dân cơ hội để nhân cách Nga trong con người anh được tăng lên theo cấp lũy thừa. Chúng ta hãy quên chuyện buồn và xin được nâng cốc chúc mừng sự trở về của một con người chân chính, chúc mừng dân tộc Nga vĩ đại!...

***

Đạo diễn Tuấn Hoàng sau khi kể cho tôi nghe câu chuyện về Grino Vaxilirovic, anh ngả người ra trên phô tơi, thả những mành tơ khói thuốc màu xanh lên trần nhà. Giọng anh trầm hẳn xuống:

- Học xong lớp đạo diễn ở Nga rồi về xưởng phim quân đội, mình biết có ối kẻ thối mồm dèm pha, nói mình là dân xét lại chống đảng nên đã tình nguyện đi B, vừa làm đạo diễn vừa cầm máy quay rồi dựng phim chiến sự. Nghề này ở mặt trận chết như bỡn vì khi lính ta xung phong thì người cầm máy quay phải chạy lên trước mới kịp chộp được những khuôn hình đắt giá. Suốt mấy năm ở chiến trường khu Năm và ngay bây giờ trong cơn sốt phim ảnh thị trường, mình luôn tôn thờ thần tượng Grino Vaxilirovic cùng những bộ phim của ông. Cậu tin hay không là quyền của cậu, nhưng mình đảm bảo chuyện này có thật dù sách báo bên Nga chưa bao giờ công bố. Chỉ có tên vài nhân vật trong chuyện là do mình nhớ sai hoặc cố ý bịa ra. Nhưng điều ấy không quan trọng. Cái chính là sự đột biến cấp lũy thừa của nhân cách Nga trong con người nghệ sĩ chân chính Grino Vaxilirovic.

Tôi im lặng nhìn Tuấn Hoàng, suy nghĩ và chờ đợi những tác phẩm thấm đậm tinh hoa nhân cách Việt giống như câu chuyện vừa nghe.

Đêm cuối năm trời nổi gió mùa Đông Bắc buốt lạnh thấu xương mà sao thẳm sâu trong tôi cứ thấy nóng bừng. Nghe phong thanh lời đồn từ các bạn nghề rằng, hồi ở chiến trường, Hoàng cũng từng là nạn nhân của loại người quen thói ngửi rắm cấp trên trong chính xưởng phim của anh.

Tôi đứng dậy đi về phía cửa sổ, phóng tầm mắt thật xa ngắm nhìn bầu trời bao la đang đầy mưa, bụi và gió…

 

CÂU HỎI DÀNH CHO NGƯỜI ĐỌC

Ngô Thị Kim Cúc

 

Truyện ngắn này, như hầu hết những tác phẩm khác của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, mạnh về tính vấn đề và chất liệu, là góc-nhìn mà tác giả chọn cho mình trong cuộc sống bộn bề này.

Văn của anh không có nhiều hình dung từ, không cảm-xúc-dịu-êm kiểu nghệ sĩ mà luôn miêu tả trực tiếp, ẩn trong đó tính luận chiến của người cầm bút.

Câu chuyện trong tác phẩm này có nguyên do từ thói xu nịnh hèn hạ của những kẻ dưới quyền Staline, ở đây là cục trưởng KGB, chỉ võ đoán qua vận động cơ thể của Staline khi xem một bộ phim lịch sử, khiến mọi chuyện sau đó đã diễn tiến theo chiếu nghịch lại với chính cảm xúc thật của Staline đối với tác phẩm.

Dù có ý ngợi khen tác phẩm, Staline đã chẳng buồn nói ra thành lời mà chỉ vặn vẹo cơ thể do mỏi mệt. Điều đó được cục trưởng KGB suy đoán Staline là không hài lòng với bộ phim. Vậy là từ một đạo diễn tài năng đầy nhiệt huyết, Grino Vaxilirovic phải lập tức biến khỏi mặt đất qua sự giúp đỡ của giám đốc hãng phim, lấy tên họ khác và sống cuộc đời thứ hai ngoài chiến trường, đúng như một người lính vô danh, để tránh khỏi đòn trừng phạt của bộ máy cầm quyền.

Cho đến khi kẻ vô danh ấy lập được chiến công lớn, được phép xuất hiện dưới cái vỏ người lính anh hùng, câu chuyện bốn năm trước mới có cơ được lật trở lại, cũng qua sự trợ giúp của những người bạn của đạo diễn, những công dân trung thực và dũng cảm của nước Nga, giúp đạo diễn được trả lại đúng tên mình, cứu được người vợ bất hạnh đã phải một mình chịu đựng cuộc trừng phạt đầy bất công vô pháp suốt bốn năm vì cái án oan ...

Câu chuyện xảy ra ở Liên Xô thời kỳ Staline nắm quyền bính, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở Việt Nam, ở bất cứ đâu. Bởi ở đâu cũng có những kẻ cấp dưới xu phụ, bợ đỡ, luôn tính chuyện tâng công, đón ý cấp trên bằng cách biến những người khác thành phương tiện/nạn nhân trong kịch bản mà mình nghĩ ra để lấy điểm, kiếm chút quyền lợi ô nhục...

Truyện ngắn này khiến người đọc (trung thực) phải tự đặt cho mình câu hỏi: nếu ở vào trường hợp đạo diễn, mình sẽ phản ứng ra sao, có gan làm như ông đã từng? Và nếu ở vào trường hợp giám đốc hãng phim-người đồng nghiệp dũng cảm của đạo diễn, liệu mình có gan hứng chịu nguy hiểm khi đứng ra đỡ đòn cho đồng nghiệp, với nguy cơ mất chức, cộng với những đòn-thù, đòn-ăn-theo của một lũ nô bộc thảm hại chung quanh ...

Đó là lời nhắn, là câu hỏi nhà văn gởi tới cho độc giả...