Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (2)

Thụy Khuê

clip_image002

Chương 1

Bối cảnh lịch sử Đàng Trong

Những nhà nghiên cứu chữ quốc ngữ, thường tránh đả động tới vấn đề truyền giáo, dường như vì ngại đụng chạm tới một vấn đề "nhạy cảm", ra ngoài địa hạt ngôn ngữ. Thực ra, hai chủ đề này liên quan mật thiết với nhau: Để tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, chúng ta không thể bỏ qua lịch sử truyền giáo, và để tìm hiểu lịch sử truyền giáo, ta không thể không biết đến, dù chỉ sơ lược, bối cảnh lịch sử Đàng Trong thế kỷ XVI và XVII, khi người Âu đến nước ta.

Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên

Hai chữ Đàng TrongĐàng Ngoài xuất hiện từ bao giờ, chúng tôi chưa tìm thấy nơi nào ghi rõ.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, biên giới Nam Bắc ban đầu chưa định rõ, đến khi chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên chiếm được miền nam Bố Chánh, mới đặt ra dinh Bố Chánh (tức dinh Ngoã), lấy sông Gianh làm biên giới:

"Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế [chúa Sãi] lúc mới lấy được đất Nam Bố Chính[1], đặt dinh Bố Chính (tục gọi là Dinh Ngoã) lấy sông Gianh làm phân giới (phía bắc sông là châu Bố Chính Ngoại, thuộc triều Lê, phía nam sông là châu Bố Chính Nội, thuộc bản triều cũng gọi là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính"[2].

Nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chỉ ghi việc "lấy sông Gianh làm phân giới", mà không ghi những tên Đàng TrongĐàng Ngoài.

Trịnh Nguyễn đánh nhau bảy lần. Việc chúa Sãi chiếm miền nam Bố Chánh, xẩy ra trong trận chiến lần thứ hai, năm 1630: Sau khi Đào Duy Từ đắp xong lũy Trường Dực ở bờ nam sông Nhật Lệ (thuộc Đồng Hới), quân Nguyễn tiến chiếm phía nam châu Bố Chánh, là phần đất từ phiá bắc sông Nhật Lệ đến phiá nam sông Gianh. Từ đó, sông Gianh phân chia Nam Bắc.

Tuy nhiên, những chữ Đàng Trong, Đàng Ngoài, đã có từ trước, bởi vì trong sách Ký sự Đàng Trong[3] của Cristoforo Borri, viết khoảng 1618-1622, đã thấy ông viết hai chữ Đàng Trong.

Riêng tài liệu chữ Bồ của Gaspar d'Amaral, viết ngày 31-12-1632, ở Thăng Long, còn nói đến hai chữ Đàng Trên. Tài liệu này được linh mục Đỗ Quang Chính dịch và ghi lại cả nguyên văn chữ Bồ:

"đàng tlaõ, đàng ngoày, đàng tliên: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên. Nước này chia làm ba phần "thứ nhất bắt đầu từ phía Nam, gọi là Đàng Trong, có nghiã là đường ở phiá trong; thứ nhì, Đàng Ngoài, có nghiã là đường ở ngoài; thứ ba, Đàng Trên, có nghiã là đường ở trên" (à 1°, commeçando do Sul, chamão, đàng tlão, que quer dizer, camiho de dentro; à 2° đàng ngoày, q quer dizer, caminho de fora; à 3°, đàng tlên, que quer dizer, camoinho de cima). Đàng Trên tức là vùng Cao Bằng do nhà Mạc cai trị."[4]

Vậy ba chữ "đàng tlaõ, đàng ngoày, đàng tliên (Đàng Trong, Đàng Ngoài và Đàng Trên) đã có từ thời nhà Mạc, nhờ lời giải thích của Gaspar d'Amaral về hai chữ Đàng Trên. Điều này chứng tỏ ông biết rõ lịch sử và địa lý nước ta. Học giả Amaral chính là tác giả bộ tự điển giản yếu Việt-Bồ-La đầu tiên mà Alexandre de Rhodes sẽ dùng để làm tự điển Việt-Bồ-La, sau này.

Tóm lại, từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, năm 1558, nước Việt đã chia ba:

- Thuận Hóa và Quảng Nam thuộc địa phận chúa Nguyễn.

- Thanh Hóa và Nghệ An thuộc vua Lê, chúa Trịnh.

- Nhà Mạc ở Thăng Long.

Đến năm 1593, Trịnh Tùng lấy lại được Thăng Long, họ Mạc bị đuổi lên Cao Bằng. Vậy ít nhất từ năm 1594, khi Mạc Kính Cung trùng tu thành cũ Cao Bằng để lập kinh đô, thì trong tiếng Việt đã có thêm hai chữ Đàng Trên, chỉ vùng đất phía Bắc, thuộc nhà Mạc. Nhờ nhà Minh can thiệp, nhà Mạc giữ được Cao Bằng, tức là Đàng Trên, 83 năm nữa, đến 1677, mới bị dứt hẳn.

Những tiếng Đàng tlaõ, đàng ngoày, đàng tliên, được Gaspal d'Amaral ghi lại bằng chữ quốc ngữ, từ năm 1632, vừa chứng tỏ sự hiểu biết sâu xa về địa lý chính trị đất Bắc và cách viết chữ quốc ngữ của ông; vừa nói lên việc chia ba đất nước, từ khi họ Mạc chạy lên Cao Bằng. Và kể từ năm 1594, ba tên gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên đã có trong dân gian.

Nam Triều công nghiệp diễn chíKý sự Đàng Trong

Hai cuốn sách viết rõ nhất về "bối cảnh Đàng Trong" là Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và Ký sự Đàng trong của Cristoforo Borri.

Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, năm sau, ông ra lệnh thu thập tài liệu để soạn chính sử, cho nên các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, chỉ phong phú từ đời Gia Long trở về sau; còn về thời các chúa Nguyễn, vì tìm được ít tư liệu, nên các sử gia đã phải chép lại hầu hết những dữ kiện ghi trong Nam Triều công nghiệp diễn chí, bỏ bớt phần đối thoại, và đưa thêm vào một số chi tiết mới.

Nam Triều công nghiệp diễn chí[5], theo dịch giả Ngô Đức Thọ, được Nguyễn Khoa Chiêm soạn vào năm thứ 22, đời chúa Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1719) tức là trước Hoàng Lê Nhất Thống Chí (của Ngô Gia văn phái, viết về Lê, Trịnh, và Tây Sơn, soạn khoảng 1804) gần một thế kỷ.

Hoàng Xuân Hãn không coi sách của Nguyễn Khoa Chiêm là một bộ sử chính quy nhưng cũng không coi là một cuốn tiểu thuyết.

Ông viết: "Tác giả đã vâng lời chúa Minh Vương mà soạn, thì không dám bịa những chuyện mà người đương thời không biết, ông viết: "Văn học bấy giờ khá thịnh, và những biến cố được ghi cũng rất gần sinh thời tác giả. Bởi những lẽ ấy, tôi nghĩ rằng về đại cương cũng như về chi tiết, sách này khá đáng tin, nhất là về khoảng từ Chúa Sãi về sau. Duy chỉ có những lời nói dông dài, những câu văn hay ý nghĩ của các nhân vật được ghi lại, thì ta chỉ nên xem là đại cương hợp lý, và nên huyền nghi về thể thức mà thôi"[6].

Các bộ sách sử viết sau, như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)[7], Đại Nam Thực lục Tiền biên, Đại Nam Liệt truyện, Cương Mục, đều dựa vào Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, nhưng theo lệ ngày trước, không đề xuất xứ. Năm 1906, linh mục Cadière, khi viết bài Le Mur de Đồng Hới (Lũy Đồng Hới)[8] cũng hoàn toàn dựa vào tác phẩm này.

Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), nhà văn, sử gia, quan chức. Ông nội là Nguyễn Đình Thân, thuộc hạ của Nguyễn Hoàng; nhờ điểm này mà ông có cái nhìn thông suốt về lịch sử Đàng Trong, từ khi Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hoá năm 1600 đến đầu đời chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn (1687-1691). Đây cũng là giai đoạn đạo Gia-Tô truyền vào Việt Nam và chữ quốc ngữ được thành lập, nhưng dường như hai việc này không quan trọng, thậm chí không đáng kể, đối với lịch sử Đàng Trong, cho nên Nguyễn Khoa Chiêm không hề nhắc đến một chi tiết nào, trong Nam Triều công nghiệp diễn chí.

Bộ sách thứ hai đáng chú ý, mà chúng tôi sẽ trích dịch và giới thiệu kỹ ở đây, là Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri, tên đầy đủ là Relation de la Nouvelle Mission des pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine (Ký sự về Sứ mạng mới của các cha Dòng Tên ở vương quốc Đàng Trong) viết khoảng 1620-1622, cũng là cuốn lịch sử truyền giáo và lịch sử Đàng Trong sớm nhất, viết trước Nam Triều công nghiệp diễn chí, gần một thế kỷ. Đây là tập ký sự về những năm Borri đi truyền giáo, từ 1618 đến 1622, thời điểm chữ quốc ngữ thành hình. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập ra chữ quốc ngữ (dĩ nhiên với sự cộng tác của người Việt) trước khi Alexandre de Rhodes tới Việt Nam.

Cristoforo Borri là một chứng nhân lịch sử đúng vào thời kỳ chúng ta cần tìm hiều.

Nguyễn Hoàng dựng nghiệp

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.

Nguyễn Kim, cựu thần nhà Lê, trốn sang Ai Lao, được vua Lào giúp đỡ, cho về đóng ở Cẩm Châu (thuộc địa phận Thanh Hoá).

Nguyễn Kim tìm con vua Lê Chiêu Tôn đưa lên làm vua tức Lê Trang Tôn, có Trịnh Kiểm là tướng tài về giúp, được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho.

Năm 1540, Nguyễn Kim đánh Nghệ An. Năm 1542, đánh Thanh Hoá. Năm 1543, chiếm được cả Nghệ An lẫn Thanh Hoá, bèn chọn Tây đô là kinh đô của nhà Hồ từ 1400, làm kinh đô mới của nhà Lê trung hưng.

Năm 1545, Nguyễn Kim mất. Trịnh Kiểm cố thủ ở Tây đô. Đó là thời kỳ Nam Bắc triều.

Năm 1570, Trịnh Tùng, con Trịnh Kiểm, đuổi nhà Mạc khỏi Thăng Long, đưa vua Lê về. Thăng Long trở thành Đông kinh tức Đông đô để phân biệt với Tây kinh tức Tây đô, kinh đô của nhà Hồ ở Thanh Hoá. Hai chữ Đông kinh này không liên hệ gì với Tokyo, kinh đô Nhật Bản. Người Bồ Đào Nha phiên âm Đông kinh thành Tunchim, Tumkin, v.v...

Nguyễn Kim có hai con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, đều làm tướng. Trịnh Kiểm lập mưu giết Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng lo sợ, nói với chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm ưng thuận, vì Thuận Hoá-Quảng Nam đã có tướng nhà Mạc là Lập Bạo làm Trấn thủ, Nguyễn Hoàng vào đó là vào miệng cọp. Đó là năm 1558.

Lập đô ở Ái Tử

Theo Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Hoàng đi đường thủy vào Thuận Hoá: "Chiến thuyền tiến thẳng vào cửa Yên Việt (Cửa Việt), đóng quân trên bãi cát nổi, thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương"[9].

Nguyễn Hoàng không có quân bộ, chỉ có hai mươi chiến thuyền, dùng mưu, giết được Lập Bạo, tướng Mạc, đoạt lấy binh chủng[10], lập dinh ở Ái Tử, huyện Đăng Xương [đời Lê tên là Vũ Xương, nay là Triệu Phong] thuộc tỉnh Quảng Trị.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1570, Nguyễn Hoàng dời dinh đến Trà Bát cùng huyện Đăng Xương. Cung điện này được gọi là Dinh Cát.

Theo Hoàng Xuân Hãn, Dinh Cát ở xã Trà Liên, kề sông Quảng Trị, cách tỉnh lỵ về phía Bắc chừng 8 cây số[11].

Sau đó, Nguyễn Hoàng còn trở về Bắc ba lần nữa:

- 1559, ông ra Bắc chầu vua Lê.

- 1572, ông ra Bắc viếng Trịnh Kiểm mất.

Năm 1593, Nguyễn Hoàng ra Bắc giúp Trịnh Tùng dẹp nốt dư đảng nhà Mạc, giao cho con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên quản trị Thuận Hóa và Quảng Nam.

Nguyễn Hoàng bị Trịnh Tùng cầm chân ở ngoài Bắc trong 8 năm, từ 1597 đến 1600.

Năm 1599, Trịnh Tùng đuổi được họ Mạc lên Cao Bằng, tự xưng là Bình An Vương, chính thức làm chúa ở ngoài Bắc, tức Chúa Bằng.

Năm 1600, Nguyễn Hoàng sai người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông viết cho tám chữ "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân"[12], bèn tìm cách trốn về Thuận Hóa.

Tuy vẫn giữ tước Đoan Quận Công của triều Lê, nhưng Nguyễn Hoàng cũng xưng chúa ở phương Nam, tức Chúa Tiên (1600-1613). Năm 1602, ông xây thành Quảng Nam, và chiếm thêm một phần đất của Chiêm Thành, lập ra dinh Phú Yên.

Chúa Sãi xây dựng nền móng nhà Nguyễn

Bốn con trai đầu của Nguyễn Hoàng là Hà, Hán, Thành, Diễn đều mất sớm, người thứ năm là Hải làm con tin ở Bắc[13].

Nguyễn Phước Nguyên, con trai thứ sáu sẽ trở thành chúa Sãi. Sinh năm 1563, đảm lược, có kinh nghiệm chấp chính từ thời trẻ. Năm 1585[14], 22 tuổi, đánh đuổi 5 chiến thuyền của Hiển Quý tặc[15] ở Cửa Việt. Năm 1593, 30 tuổi, thay cha cai trị vùng Thuận Quảng.

Năm 1600 Nguyễn Hoàng từ Bắc trở về. Năm 1602, xây thành Quảng Nam, phong cho Nguyễn Phước Nguyên, 39 tuổi, làm Trấn thủ. Năm 1613, chúa Tiên qua đời, Phước Nguyên trở thành chúa Sãi, trị vì Đàng Trong tới 1635.

Nguyễn Phước Nguyên đã quản trị Đàng Trong, từ 1593 đến 1635, gần như liên tục trong 42 năm. Chính ông đã xây dựng nền móng nhà nước và bình định miền Trung. Cũng chính ông đã cho phép đạo Chúa dựng ba cơ sở đầu tiên ở Đàng Trong: Hội An, Quy Nhơn, Quảng Nam và chữ quốc ngữ được hình thành ở thời điểm này: thời chúa Sãi.

Dưới thời chúa Sãi (1613-1635), đất Đàng Trong, từ Quảng Bình tới Phú Yên, có 7 dinh:

1- Quảng Bình (chúa Tiên lập).

2- Bố Chánh (chúa Sãi lập).

3- Thuận Hoá (có Ái Tử và Trà Bát, là chính dinh, thuộc Quảng Trị, một đạo của Thuận Hoá).

4- Quảng Nam.

5- Quảng Nghiã (tức Quảng Ngãi).

6- Qui Nhơn.

7- Phú Yên (Chúa Tiên lập).

Hơn một trăm năm sau, thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765), Đàng Trong có 12 dinh:

1- Phú Xuân, chính dinh.

2- Ái Tử, cựu dinh.

3- Quảng Bình dinh.

4- Vũ Xá dinh.

5- Bố Chánh dinh.

6- Quảng Nam dinh.

7- Phú Yên dinh.

8- Bình Khang dinh.

9- Bình Thuận dinh.

10- Trấn Biên dinh.

11- Phiên Trấn dinh.

12- Long Hồ dinh.[16]

Bình Khang [tức Khánh Hòa], Bình Thuận, Trấn Biên [Biên Hoà], Phiên Trấn [Gia Định], bốn tỉnh này, trước thuộc Chiêm Thành và Chân Lạp, do chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) chinh phục, trở thành đất Việt.

Dinh hay phủ, là tên gọi hoàng thành của chúa Nguyễn và còn là đơn vị hành chánh, sau này Minh Mạng đổi thành tỉnh.

Về nội trị, thời chúa Sãi, Chính dinh là chỗ chúa đóng, có Tam ti:

- Xá sai ti, giữ việc từ tụng, văn án (xử án), có quan Đô tri, Ký lục đứng đầu.

- Tướng thần lại ti, giữ việc thuế má, có quan Cai bạ đứng đầu.

- Lịnh sử ti, giữ việc tế tự, có quan Nha úy cầm đầu.

- Ở phủ, huyện thì đặt tri phủ, tri huyện để coi việc từ tụng (xử án), thuộc hạ thì có đề lại, thông lại, chuyên việc khám xét. Có huấn đạo, lễ sinh, chuyên việc tế tự. Còn việc thu thuế thì đặt quan khác để coi về việc này.

Đến đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), đặt thêm chức nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu, là tứ trụ triều đình, giúp chúa trị dân.

Về quan võ thì đặt các chức: chưởng dinh, chưởng cơ, cai cơ, cai đội.[17]

Hệ thống quản trị nhà nước này, không hoàn toàn do chúa Nguyễn sáng tạo, mà tiếp nối truyền thống nhà Lê, đến đời Minh Mạng mới cải tổ lại. Chúng ta cần biết sơ lược tất cả những việc này, để khi đọc ký sự của các giáo sĩ, nhất là của Alexandre de Rhodes, mới có thể phân biệt đâu là sự thực, đâu là sự xuyên tạc phỉ báng nền văn hóa và chính trị của ta.

Tóm tắt việc lập đô và dời đô của chúa Nguyễn

Việc truyền giáo phụ thuộc vào chính sách của các chúa đối với đạo Gia Tô, qua lời các giáo sĩ kể lại. Để kiểm chứng lời họ viết, chúng ta cần biết các chúa đóng đô ở đâu, rồi xem các giáo sĩ sống nơi nào, họ được tiếp xúc với những ai?

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600-1613) đóng đô ở Ái Tử, sau chuyển đến Trà Bát, đều thuộc Quảng Trị, gọi là Dinh Cát. Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, thọ 89 tuổi.

Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) nối ngôi. Năm 1626, dời cung phủ xuống xã Phước Yên, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), nhưng thường hay đến Quảng Nam, ở trong dinh Chàm, tức dinh Quảng Nam hay thành Quảng Nam.

Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) năm 1636, dời phủ về làng Kim Long, huyện Hương Trà (Thừa Thiên).

Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) lên ngôi năm 1648, vẫn đóng đô ở Kim Long.

Chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) dời phủ về làng Phú Xuân, gọi là Chính dinh, tức là Huế. (Huế là Hóa, tức Thuận Hoá).

Ái Tử trở thành Cựu dinh, giữ làm Thái Tôn Miếu, thờ chúa Hiền Nguyễn Phước Tần.

Tóm lại, nhà Nguyễn, từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, đã lập đô ở những nơi sau đây:

- Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1626) gọi là Cát Dinh, đều ở Quảng Trị (thuộc Thừa Thiên.

- Phước Yên (1626-1636), Kim Long (1635-1687), Phú Xuân (1687) gọi là Chính Dinh, thuộc Thừa Thiên.

Như trên đã nói: nơi chúa đóng đô gọi là phủ hay dinh, không dùng chữ kinh đô.

Dinh Quảng Nam

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam, lập đô ở Ái Tử, nhưng vẫn giữ liên lạc với chúa Trịnh.

Năm 1593, ông ra Bắc giúp Trịnh Tùng dẹp nốt dư đảng nhà Mạc, rồi bị lưu lại trong 8 năm.

Năm 1600, ông lập mưu để trở về Đàng Trong.

Theo Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Hoàng đánh lừa Trịnh Tùng để về Nam vào tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 năm Canh Tý, tức là ngày 15-6-1600[18].

Trong một chuyến du ngoạn, Nguyễn Hoàng tìm được địa điểm chiến lược hiểm trở, có thể đồn trú quân đội và cất giữ kho tàng. Việc lập Dinh Quảng Nam xẩy ra như sau:

"Chúa Nam Nguyễn Hoàng lại đi thăm cảnh đến xứ Quảng Nam, thấy núi Ải Vân [Hải Vân] hiểm trở, sừng sững vươn cao, đáng ví tựa núi Ma Thiên Lĩnh ở đất Ba Thục. Đoan Vương Nguyễn Hoàng khen mãi, cho là nơi cảnh đẹp núi kỳ. Rồi đó, Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa[19] Quảng Nam xem xét hình thế núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc; bèn sai dựng hành điện; kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử trấn thủ để bảo vệ cho dân lành."[20]

Lê Quý Đôn chép lại gần đúng như vậy: "Đoan Quốc Công [Nguyễn Hoàng] từng đi chơi núi Ải Vân, thấy thế núi hiểm dốc, lấy làm lạ, bèn qua núi vào phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam trải xem hình thế, rồi sai dựng hành dinh và kho tàng để chứa lương tiền"[21], nhưng viết thêm năm Nguyễn Phước Nguyên trở thành trấn thủ: "Năm Hoàng Định thứ ba [1602] Nhâm dần, sai Thụy Quận Công Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam."[22]

Vậy Ái Tử, tuy là kinh đô, nhưng không phải là địa điểm chiến lược, có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Quảng Nam mới là nơi hiểm trở, được chúa Tiên cho xây thành Quảng Nam làm thủ phủ, tích trữ kho tàng, và xây dựng hành dinh [dinh chúa ở khi đi kinh lý]. Quảng Nam chính là "kinh đô quân sự" của chúa Nguyễn.

Điều này giải thích tại sao trong hành dinh Quảng Nam, có cung của Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Bà sẽ là một trong những ân nhân đầu tiênhàng đầu của đạo Gia-Tô. Các giáo sĩ luôn luôn nhắc đến tên: Dinh Cham, Cacham, Cacciam, Ke Cham... tuy viết chữ khác nhau, nhưng đều chỉ Kẻ Chàm, hay Dinh Chàm, tức thủ phủ Quảng Nam, và đó cũng là những chữ quốc ngữ đầu tiên. Khoảng 1620, thế tử Nguyễn Phước Kỳ cho giáo sĩ de Pina vào ở trong Dinh Quảng Nam, lập trường dạy quốc ngữ, và là cơ sở thứ ba của đạo Chúa, sau Hội An và Quy Nhơn, như ta sẽ thấy.

Trấn thủ Quảng Nam

Trấn thủ Quảng Nam là một chức vụ đặc biệt quan trọng, thường giao cho Thế tử, để học tập và thực hành nghệ thuật lãnh đạo và chống ngoại xâm, trước khi lên cầm quyền. Đó là một trong những lý do khiến nhà Nguyễn đào tạo được những vị chúa sáng hơn nhà Trịnh.

Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Nguyễn Hoàng, năm Ất Dậu (1585), 22 tuổi, đã đánh đuổi 5 chiếc tầu ngoại quốc (Hiển Quý tặc) ở Cửa Việt, được cha khen là anh hùng[23], là vị Trấn thủ Quảng Nam đầu tiên, từ 1602 đến 1613, sau trở thành chúa Sãi.

Năm 1614, chúa Sãi cử con trưởng Nguyễn Phước Kỳ làm Trấn thủ Quảng Nam[24]. Thế tử Kỳ mất năm 1631, em là Nguyễn Phước Anh thay thế.

Năm 1635, chúa Sãi qua đời, Nguyễn Phước Lan lên ngôi, tức chúa Thượng.

Phước Anh muốn cướp ngôi anh, liên kết với chúa Trịnh. Hoàng tôn Nguyễn Phước Khê, em út chúa Sãi, sai Hùng Lương Hầu Bùi Huy Lương, làm tướng chỉ huy đánh thẳng vào Quảng Nam, bắt sống Phước Anh, giết đi. Bùi Huy Lương được phong Trấn thủ Quảng Nam[25].

Chúa Thượng dời đô đến xã Kim Long, huyện Hương Trà.

Người kế nhiệm Bùi Huy Lương là Thế tử Nguyễn Phước Tần, vị anh hùng đã đánh tan 3 tầu chiến Hòa Lan ở cửa Eo, năm 1643, khiến quân Hoà Lan không dám bén mảng tới bờ biển Đàng Trong nữa.

Khi các giáo sĩ dòng Tên đến Đàng Trong (từ 1615 đến 1631) dưới thời chúa Sãi, họ nhận sự lãnh đạo trực tiếp của Thế tử Kỳ, Trấn thủ Quảng Nam, và dưới thời chúa Thượng (1635-1648) của Trấn thủ Bùi Huy Lương, rồi thế tử Nguyễn Phước Tần.

Từ 1640 đến 1645, Alexandre de Rhodes trốn vào Đàng Trong bốn lần. Trong ký sự, ông luôn luôn kêu than:

- Bị Trấn thủ Quảng NamOnghebo (Ông Nghè Bộ, tức quan Cai bạ) truy nã.

- Ông lại còn xác định OngheboTrấn thủ Quảng Nam.

- Ông lại xác định Trấn thủ Quảng Nam đã xử tử André Phú Yên, thiếu niên đầu tiên tử đạo.

Tất cả những thông tin quý hoá này của vị linh mục, bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ về những điều ông ta viết.

Địa vị lãnh đạo của Quảng Nam

Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng phái Nguyễn Phước Nguyên làm Trấn thủ Quảng Nam đồng thời mở rộng diện tích dinh Quảng Nam, Đại Nam Nhất Thống Chí viết:

"Bản triều, Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế [Nguyễn Hoàng] năm Nhâm Dần thứ 45, Lê Hoàng Định năm thứ ba (1602)[26] đặt trấn thủ, cai bạ và ký lục, ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghiã và Hoài Nhân, vẫn lệ thuộc vào dinh [Quảng Nam] này. Ba năm sau, lại đem huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hoá thăng làm phủ, lãnh năm huyện (Tân phúc, Yên Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) đổi lệ vào dinh Quảng Nam"[27].

Chúa sát nhập thêm huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, trước thuộc Thuận Hoá, vào dinh Quảng Nam.

Địa phận hành chính của Quảng Nam, thời đó, bao gồm cả Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Chức Trấn thủ Quảng Nam, vì vậy, rất lớn, tương đương với chức thủ tướng bây giờ.

Địa điểm và diện tích thành Quảng Nam

Trong ký sự của các giáo sĩ, luôn luôn thấy xuất hiện những chữ: Ciam, Cham, Cacciam, Kecham, Kẻ Cham... những chữ này, có thể hiểu là: Chàm (Ciam, Cham), Cổ Chiêm (Cacciam) Kẻ Chàm (Kecham, Kẻ Cham), đều để chỉ vùng của người Chàm hay Chiêm (Thành) cũ, tức là tỉnh Quảng Nam. Còn những chữ Dinh Cham, Dinh Chiem, tức Dinh Chàm hay Dinh Chiêm, để chỉ thành Quảng Nam. Không thấy các giáo sĩ nhắc đến Ái Tử. Chắc họ không ra Ái Tử bao giờ, và có lẽ cũng không biết Ái Tử ở đâu.

Dinh Chàm hay thành Quảng Nam, vừa là thủ phủ, vừa là nơi quan Trấn thủ đóng và dưới thời chúa Sãi, chúa cũng hay ra ngự.

Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả thành này như sau:

"Thành tỉnh Quảng Nam: "chu vi 489 trượng [1956m], cao 1 trượng 2 thước linh [4m80], mở bốn cửa, hào rộng 4 trượng 5 thước [18m], sâu 7 thước linh [2, 8m]. Đầu bản triều dựng dinh ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phúc, sau vì loạn mà bỏ. Năm Tân Hợi [1791], lúc bắt đầu thời trung hưng, lấy lại Quảng Nam, đặt tạm ở phố Hội An, năm Gia Long thứ hai [1803] dời đến lị sở cũ ở Thanh Chiêm, thành đắp bằng đất; năm Minh Mệnh thứ 14 [1834] di trụ sở đến xã La Qua, cũng thuộc huyện Diên Phúc, thành đắp bằng đất, năm thứ 16, [1836] xây gạch"[28].

Theo câu này, thì dinh Quảng Nam là một thành đài bề thế, ban đầu [1602] được xây ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phúc (hay Diên Phước), tức Điện Bàn ngày nay[29].

Thành Quảng Nam đứng vững đến bao giờ? Đại Nam Nhất Thống Chí chỉ nói qua: sau vì loạn mà bỏ. Sau, là lúc nào?

Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả hai cơ sở khác ở Quảng Nam, là sở lị phủ Điện Bàn sở lị huyện Duy Xuyên, nhỏ hơn nhiều so với thành Quảng Nam, và chỉ có từ thời Gia Long, Minh Mạng[30]. Nhưng lại ghi, ở trang 369:

"Lị sở cũ của Dinh Chiêm: ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Hồi đầu bản triền, dựng trấn dinh ở đây, dựng hành cung phủ khố, để phòng khi chúa đi tuần du, sau trải qua loạn lạc, bỏ hư- Xét sách Phủ biên tạp lục chép: "Dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc tục gọi là Dinh Chiêm đi từ dinh sở qua đò đến con sông nhỏ Kẻ Thế và Bao Nghiã". Xã Cần Húc nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm"[31].

Những lời trên đây, cho phép ta kết luận:

Dinh Quảng Nam gồm hai phần:

- Phần hành cung, nơi chúa ở khi đi kinh lý, xây trước, ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm. Phần này là cung điện.

- Phần thành trì, nơi quan Trấn thủ ở, xây sau, tại xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phước, vững chãi và bề thế, có tính cách quân sự.

Tóm lại, Dinh Quảng Nam gồm hai cơ sở, dàn trải trên hai xã: xã Cần Húc (nay là xã Văn Đông), thuộc huyện Duy Xuyên, là hành cung của chúa. Và phần ở xã Thanh Chiêm, thuộc huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn), là thành trì và dinh quan Trấn thủ.

Hai dinh thự này riêng biệt hay ở cùng một chỗ?

Có lẽ là hai bộ phận riêng của một quần thể dinh thự rộng lớn, dàn trải trên hai xã, cho nên Đại Nam Nhất Thống Chí mới viết như vậy.

Dinh Chiêm hay Dinh Chàm đối với các giáo sĩ

Khi người ta gọi Dinh Chiêm hay Dinh Chàm, tức dinh Quảng Nam, là tên gọi chung quần thể bao gồm cả thành trì cung điện.

Dinh Chàm trở thành kinh đô thứ hai của Đàng Trong, sau chính dinh Ái Tử.

Kể từ năm 1620, các giáo sĩ được phép vào ở trong Dinh Chàm.

Tại đây linh mục de Pina đã lập ra cơ sở thứ ba của đạo Gia-Tô, sau hai cơ sở Hội An và Nước Mặn (Qui Nhơn).

Khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong lần đầu cuối năm 1624, ông được ở trong Dinh Chàm cùng với linh mục de Pina, học chữ quốc ngữ trong trường dạy quốc ngữ của de Pina cùng với Antonio de Fontes.

Linh mục Gabriel de Matos, Giám sát các tu sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong khi đi kinh lý năm 1625, viết về cơ sở này như sau:

"Hiện nay chúng tôi có ba cơ sở mà hai trong số này [Hội An, Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật], còn cơ sở thứ ba tại "thủ phủ" quan "trấn thủ", nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú] có ba linh mục định cư: L.m. Francisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt], và các L.m. Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên".[32]

Sự xác định này rất cần thiết cho việc tìm hiểu sinh hoạt của các giáo sĩ ở Đàng Trong thế kỷ XVII, bởi họ được đối đãi tử tế, rất khác với những lời rao giảng về sự "tàn sát" đạo Chúa ở Đàng Trong.

Trở lại Đại Nam Nhất Thống Chí, hai câu: thành Quảng Nam "sau vì loạn mà bỏ" và "sau trải qua loạn lạc, bỏ hư", đã trích dẫn ở trên, nhưng không ghi rõ "bỏ" và "bỏ hư" năm nào.

Chúng tôi tạm đoán: Từ năm 1773, khi Tây Sơn khởi nghiệp, chiếm Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận, tức là có "loạn". Nhân cơ hội này, năm 1774, Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh xuống chiếm Phú Xuân. Định Vương Nguyễn Phước Thuần phải chạy vào Gia Định.

Hoàng Ngũ Phúc chắc không tiến đánh Quảng Nam, năm 1774. Quảng Nam vẫn ở trong tay nhà Tây Sơn. Vì đến năm 1777, Nguyễn Nhạc còn xin làm Trấn thủ đất Quảng Nam, để có danh chính, và được Trịnh Sâm ưng thuận.

Như vậy, thành Quảng Nam còn giữ địa vị trọng yếu dưới thời Tây Sơn, thêm 28 năm nữa. Có lẽ thành Quảng Nam chỉ bị phá huỷ khi Gia Long thống nhất đất nước, năm 1802, vì là thành của "ngụy Tây Sơn" chăng? Cho nên Đại Nam Nhất Thống Chí mới nói mơ hồ như thế.

Và để đền bù lại, Gia Long cho đắp thành đất làm Lị sở phủ Điện Bàn và đến thời Minh Mạng có thêm Lị sở huyện Duy Xuyên, nhưng hai sở lị này không thể so sánh với thành Quảng Nam huy hoàng, đã giữ vị trí thay kinh đô Ái Tử, ngày trước.

Riêng đối với các giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong, thành Quảng Nam hẳn đã để lại cho họ những ấn tượng lớn. Cristoforo Borri viết nhiều trang về chúa Sãi, kể chuyện ông làm thuyền chiến, tập trận, và rất thán phục. Có lẽ vì chúa Sãi hay về hành dinh Quảng Nam, và tập trận trên sông, trên cửa biển Quảng Nam, nên các giáo sĩ gặp chúa ở đó, chứ không phải ra dinh Cát, Ái Tử, Quảng Trị.

Một nhân vật nữa được Cristoforo Borri và Nguyễn Khoa Chiêm nói đến rất nhiều là Trần Đức Hòa, trước là quan Khám lý phủ Hoài Nhơn (Quy Nhơn) của triều đình Lê-Trịnh. Khi Nguyễn Hoàng ở Bắc về, Trần Đức Hoà bỏ Trịnh theo Nguyễn, trở thành "anh em kết nghiã" của Nguyễn Phước Nguyên, và đã cứu linh mục Buzomi, cha Bề trên của các giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong, bị u nhọt nặng, trên bờ biển Đà Nẵng, đem về Quy Nhơn chữa chạy trong một năm, cho đến khi bình phục.

Những chi tiết này giải thích quyền uy của Trần Đức Hoà ở Quảng Nam và Quy Nhơn, một nhân vật quyền thế, chúng ta không biết tiếng, đã che chở và cho phép đạo Gia tô phát triển ở Quy Nhơn, trong thời điểm khó khăn, Đàng Trong bị hạn hán, người dân tin dị đoan, dùng áp lực, buộc chúa Sãi phải trục xuất giáo sĩ.

Nhờ Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri mà ta biết thêm về thời đại chúa Sãi xây dựng Đàng Trong, chúa cũng là người đã thực hiện thành công chính sách đồng hóa hai dân tộc Chiêm-Việt để tạo thành một dải miền Trung có giọng nói đặc biệt u hoài và âm nhạc cực kỷ quyến rũ.

Nhưng khi Alexandre de Rhodes tố cáo Trấn thủ Quảng Nam, năm 1644 (lúc đó là Thế tử Nguyễn Phước Tần) càn quét đạo Chúa, bắt và xử tử André Phú Yên, người thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành; ba ngay sau đó, thành Quảng Nam bị [Thượng đế] trừng phạt, thiêu rụi, thì câu chuyện trở nên nghiêm trọng, bắt buộc tôi phải điều tra đến tận nguồn, dùng kính hiển vi để xét ngôn ngữ của người thầy tu này, xem đâu là sự thật.

Tóm lại Quảng Nam đã có một thời vàng son trong lịch sử dựng nước của chúa Nguyễn và đã tạo nền móng cho đạo Chúa ở Việt Nam, khiến chúng ta không nên không biết và cũng không nên để cho người ngoại quốc muốn viết gì thì viết, về Quảng Nam, cũng như về dân tộc ta.

(Còn tiếp)

 


[1] Người Trung và người Nam gọi là Bố Chánh, nhưng các dịch giả người Bắc sửa lại là Bố Chính.

[2] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, NXB Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 7.

[3] Ký sự Đàng Trong, tên đầy đủ là Relation de la Nouvelle Mission des pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, Bản in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, tức Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) 1931, quyển 3-4, do Đại tá Bonifacy dịch sang tiếng Pháp và chú giải.

[4] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972, Đường Mới chụp và in lại tại Paris, 1985, trang 55.

[5]Nam Triều công nghiệp diễn chí, nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Khoa Chiêm, do Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003.

[6] Trích Lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ trong Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 10, dẫn lời Hoàng Xuân Hãn trong bài Đúng ba trăm năm trước, Tập san sử địa, số 26, Sài Gòn, 1969, trang 10.

[7] Phủ biên tạp lục soạn khi Lê Quý Đôn giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hoá, năm 1776.

[8] Le Mur de Đồng Hới (Bức tường Đồng Hới) của Cadière, in trong tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) năm 1906.

[9] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 26.

[10] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 24-33.

[11] Hoàng Xuân Hãn, Đúng ba trăm năm trước, Tập san Sử Địa số 27-28, trang 15.

[12] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 70-71.

[13] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tập một, Tổ phiên dịch Viện Hán Học, Hà Nội, Nxb Giáo Dục, 2006, trang 38.

[14] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, trang 39-40, ghi việc này vào năm Quí Dậu (1573), năm đó Nguyễn Phước Nguyên mới 10 tuổi, chắc viết nhầm; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, trang 38, sửa lại là năm Ất Dậu (1585), Nguyễn Phước Nguyên, 22 tuổi.

[15] Nguyễn Thị Oanh và Trịnh Khắc Mạnh trong bài "Thêm một số tư liệu hiện hữu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản" (Internet) xác định Hiển Quý là Bách Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) người Nhật.

[16] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập I, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 15.

[17] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Vĩnh Thành, Hà Nội, in lần thứ hai, 1928, Quyển hạ, trang 65-66.

[18] Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 74-75.

[19] Phủ Thăng Hoa đời Lê, gồm đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn (chú thích của Ngô Đức Thọ).

[20] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 83.

[21] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1977, trang 51.

[22] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, trang 52.

[23] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 40, ghi "Hiển quý tặc". Đại Nam Thực lục Tiền biên chép lại tương tự. Nguyễn Thị Oanh và Trịnh Khắc Mạnh trong bài "Thêm một số tư liệu hiện hữu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản" có những khám phá mới về việc ngoại giao với Nhật Bản thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, xác định Hiển Quý là Bách Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) người Nhật. Chúa Tiên, trong một thư gửi cho Tướng quân Tokugawa Leyasu, tỏ ý tiếc vì không biết "Hiển Quý là thương gia tốt". Bài đăng trên site Viện Hán Nôm, 2009.

[24] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, trang 52, Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, trang 38.

[25] Nam triều công nghiệp diễn chí, trang 198-199. Phủ Biên Tạp Lục, trang 53-54.

[26] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, NXB Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 333, ghi nhầm là 1062.

[27] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 333.

[28] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 340.

[29] Huyện Diên Phước, đầu thế kỷ XVII, thuộc phủ Điện Bàn, bắc giáp huyện Hoà Vang, nam giáp huyện Duy Xuyên. Đến năm Minh Mạng thứ ba [1823], huyện Diên Phước được đổi tên thành huyện Điện Bàn (theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 334) và như trên đã nói, phủ Điện Bàn, thời Lê là huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong, ở trấn Thuận Hoá, được Nguyễn Hoàng thăng lên làm phủ và cho trực thuộc vào dinh Quảng Nam.

[30] Đại Nam Nhất Thống Chí viết: "Lị sở phủ Điện Bàn: chu vi 57 trượng [228m], rào tre, ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện kiêm lí Diên Phúc. Đầu niên hiệu Gia Long [1802], lị sở ở xã Cẩm Lũ của huyện, năm Minh Mệnh thứ 7 [1827] dời đến xã Khúc Lũy, năm Tự Đức thứ ba [1849] dời đến chỗ hiện nay" (Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 340). Như vậy, sở lị của phủ Điện Bàn, cũng ở xã Thanh Chiêm, nhưng nhỏ hơn Thành Quảng Nam nhiều, đời Gia Long ở xã Cẩm Lũ, Minh Mạng rời đến xã Khúc Luỹ, và Tự Đức dời đến chỗ hiện nay. Sở lị huyện Duy Xuyên cũng vậy: "Lị sở huyện Duy Xuyên: chu vi 55 trượng [220m], rào bằng chông chà, hồi đầu niên hiệu Gia Long, huyện lị ở bên Phượng Châu Tây, năm Minh Mệnh thứ 17 dời đến giáp đông xã Mĩ Xuyên, năm thứ 19 lại dời đến chỗ lị sở cũ" (Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 340). Vậy hai sở lị này đắp sau và nhỏ hơn thành Quảng Nam nhiều.

[31] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 369-370.

[32] Thư của Gabriel de Matos viết tại Đàng Trong ngày 5-7-1625, gửi linh mục Bề Trên Cả Dòng Tên ở La Mã, bằng tiếng Bồ Đào Nha, Đỗ Quang Chính trích dịch, in lại trong Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 35.