Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Hạt bụi lấp lánh

Nguyễn Minh Kính                                                                                          Ghi chép

Con người ta hình như có số phận cả. Nhiều người nói như thế. Chị Lành cũng là một số phận, một mẫu người.

Năm 1954 kết thúc chiến tranh chống Pháp, hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết, gia đình chị và họ hàng gia nhập vào cuộc đại di cư để vào Nam sinh sống trên những chuyến tàu biển nhổ neo từ cảng Hải Phòng do chính phủ Pháp và Mỹ bảo trợ, tổ chức.

Chị được sinh ra ở Sài Gòn, đất miền Nam. Sống trong một gia đình gốc Bắc Phật giáo đạo hạnh, chị là một Phật tử thuần khiết, báo đáp ơn cha mẹ, ơn bạn, ơn thầy, ơn xã hội và ơn Tam Bảo.

Nhà chị có bàn thờ Phật, có kinh sách đầy đủ. Ngày ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm, chị đọc kinh niệm Phật. Chị là người ít nói, rất kiệm lời, cái gì đáng nói thì nói, không thì thôi. Chị chỉ nói những cái đúng, là sự thật, nói từ tốn nhẹ nhàng, vừa đủ cho người đối diện nghe. Chưa bao giờ thấy chị to tiếng, sân hận với ai.

Chị làm thợ may, may quần áo để sinh sống, nuôi cha mẹ, nuôi người em gái. Chị sống độc thân, không lập gia đình. Chị có một cá tính là không bao giờ vay mượn, nợ nần của ai. Chị nói, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, sống phải tự lực, “đói cho sạch rách cho thơm”. Ai cho món gì, tặng món gì, chị thường từ chối một cách tế nhị, nhẹ nhàng khéo léo.

Ở đời ta từng thấy, ai cho ta món gì đó, tặng ta món gì đó cũng có năm bảy cách cho, năm bảy cách tặng, cho như thế nào và tặng như thế nào là cả một vấn đề. Nhiều người có ý chê trách chị quá khó tính trong việc đối nhân xử thế. Nhưng chị có quan niệm riêng, cách sống riêng của chị. Nhiều người thường có thói quen áp đặt, muốn người khác nghĩ theo cách nghĩ của mình, làm theo cách làm của mình, nếu không thì chê trách phê phán, có khi còn nặng hơn. Mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn xã hội cũng từ đó mà ra. Chị Lành không trách không chê ai, hình như dưới mắt chị, ai cũng là người tốt.

Thời gian lặng lẽ trôi. “Kiếp phù thế nhân sinh thấm thoắt”. Chị đã ra đi…

Một sự ngẫu nhiên và duyên lành sao đó, vợ chồng tôi từ Mỹ về Việt Nam kỳ rồi đã gặp được chị trước khi chị ra đi. Vợ chồng tôi có mặt tại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ngày bảy, tháng Tư, năm 2024. Vợ tôi đã đến thăm chị thường xuyên. Chị đau yếu nhưng vẫn đi lại được. Chị và vợ tôi là hai chị em con bá và con dì ruột theo cách gọi của miền Bắc.

Một bữa, chị Hợp, em gái của chị gọi điện cho vợ tôi bảo rằng, chị Lành muốn gặp vợ tôi. Vợ tôi đến, thấy chị vào nhà lấy cái túi nhỏ đựng tiền ra rồi nói, đây là khoản tiền của chị mừng tuổi tôi mỗi năm tôi để dành được. Chị nói với giọng của người không được khỏe, tôi cảm ơn chị và xin gửi trả lại khoản tiền này cho chị, tôi sắp sửa ra đi rồi, nếu giữ khoản tiền này tôi sẽ mang nợ chị. Vợ tôi trả lời, chị không vay không mượn, không xin của ai cả, sao chị lại bảo chị nợ là làm sao. Chị may quần áo cho tôi, cho các con tôi mà chị không lấy tiền nữa là. Chút tiền do chị em mừng tuổi nhau là nghĩa, là tình, chị làm như thế sao mà coi cho được.

Chị Hợp, em của chị nói thêm vào, tiền mừng tuổi hơn mười lăm năm, có đến vài chục năm nữa là, em sẽ có cách sử dụng, chị đừng lo. Trẻ mồ côi, những người già không nơi nương tựa còn đầy ra ngoài xã hội. Em và cháu sẽ thay chị đưa số tiền này đi giúp họ, thay chị làm công tác xã hội, chị cứ an tâm. Nếu một mai trời Phật cho chị ra đi, ở thế giới bên kia chị sẽ mỉm cười mãn nguyện rằng trên cõi đời này chị không phải là hạng người “giá áo túi cơm”, hại người, hại xã hội. Là người bình thường nhưng chị biết thương người thương đời, thương chòm xóm, có trách nhiệm với xã hội là tốt rồi. Chị đã sống có ích cho đời. Chị quan sát hiện tình xã hội mà xem, đạo đức suy đồi và nhiều thứ nhức nhối lắm. Chúng em nói thế, chị thấy có lí có tình không. Nghe vợ tôi và em gái chị nói vậy, chị nhẹ nhàng mỉm cười rồi đem gói tiền cất đi.

Thấy chị đã yếu, ăn uống không bình thường, bữa ăn bữa không, vợ tôi mỗi ngày lại đến thăm chị. Khi đến, chị Hợp và vợ tôi, hai người hai bên dìu chị vào phòng vệ sinh thay quần áo, tắm rửa cho chị. Chị đã yếu lắm rồi, đã bỏ ăn uống mấy ngày rồi.

Sáng ngày 30 tháng Tư năm 2024, chị Hợp gọi điện báo cho vợ tôi biết chị Lành đã ra đi. Chị trút hơi thở ra đi nhẹ nhàng bình yên, thanh thản. Các bác sĩ vẫn theo dõi bệnh tình của chị cho biết, chị không có bệnh nền, bệnh nan y nào cả. Chị ra đi như một ngọn đèn cạn dầu trước cơn gió cuộc đời.

Theo di chúc của chị, là không báo tin cho ai biết về sự ra đi của chị. Gia đình đã làm theo ý nguyện đó. Đám tang của chị do nhà quàn tổ chức ở chùa Vĩnh Nghiêm, có một nhà sư đọc kinh và tám người có mặt là chị Hợp, con trai chị Hợp, vợ chồng tôi với hai con trai và một con dâu, thêm cô Hòa em gái tôi. Hàng xóm cũng có người biết, đến thắp hương viếng chị tại chùa. Không vòng hoa, không chấp điếu, không vái lạy, miễn lễ vật, chỉ có dòng chữ Vô cùng thương tiếc được gắn trên tường ở đầu quan tài chị. Đúng mười giờ bốn mươi lăm phút trưa ngày 1 tháng Năm, làm lễ động quan.

Thi hài của chị được hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Sau khi vị sư đọc kinh xong và làm thủ tục để đưa vào lò thiêu, mọi người lần lượt ra về, tôi quay lại, nhìn chị trong chiếc quan tài vừa khuất, đưa tay vẫy chào. Tôi nghe trong tiềm thức như vọng về những câu thơ của nhà thơ Yến Lan:

Kèn thổi làm chi trống thúc chi

Đời thêm nhiễu loạn phút ra đi

Biết rằng đến đó là vô vọng

Ai có chờ ai có đợi ai.

Nó khác hẳn đám tang của chị như một khoảnh khắc chia tay nhẹ nhàng êm ái giữa trần gian và thế giới bên kia.

Trên đường về, nắng Sài Gòn oi bức, đường phố chật chội ngột ngạt, nhưng trong tiềm thức, tôi cũng lại đang nghe lời bài hát Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi... Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”

Chị Lành ơi, chị là một bông hoa nhỏ khiêm nhường, một ngôi sao bé tí xuất hiện trên bầu trời nhân thế, chợt đến rồi chợt đi...

                                                                                                                Ngày 08-05-2024