Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 287): Tuyển tập nhạc Một ngày cho tình yêu – phần 9, Sầu Khúc – Vũ Thành An & Đào Trường Phúc

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

clip_image002

clip_image004

Vũ Thành An & Đào Trường Phúc: Sầu Khúc

ĐỌC THÊM:

Vũ Thành An

clip_image006

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1954 học tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương, Saigon. 1955 học lớp Ðệ Thất tại trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. 1956 lên Ðệ Lục được di chuyển cả lớp về trường Chu Văn An. Năm 1958 một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Trần Lục học lớp Ðệ Tứ, sau khi đậu Trung Học Ðệ Nhất Cấp, học hết lớp Ðệ Tam và một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Nguyễn Trãi vào năm 1960 học lớp Ðệ Nhị.

Trong thời học sinh Vũ Thành An theo học nhạc lý với nhạc sĩ Chung Quân, lúc đó cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy. Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài nên về trường Hưng Đạo học tiếp lớp Đệ nhị. Năm 1963, ông thi đậu Tú tài toàn phần. Trong suốt thời gian trung học, ông đều tham gia hoạt động văn nghệ trong lớp từ ca hát, đóng kịch, đến làm bích báo. Sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là nhạc sĩ Chung Quân chê. Trong thời gian học tại trường Hưng Ðạo, Vũ Thành An bắt đầu sáng tác nhạc các ca khúc mang tên Bài Không Tên Số 2, Bài Không Tên Số 6, Bài Không Tên Số 8.

Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền theo học Đại học. Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đây ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn, và nổi tiếng ngay từ ca khúc đó; rồi cùng làm chương trình Nhạc Chủ Ðề với Nguyễn Ðình Toàn.

Những năm tiếp theo, Vũ Thành An viết nhiều Bài không tên khác. Năm 1965 ông bị chấn động tinh thần vì cuộc tình bị gãy đổ, ông sáng tác bài Không Tên Cuối Cùng. Năm 1967 gặp gỡ một mối tình lần hai, bị động viên nhập ngũ khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Năm 1968 một lần nữa cuộc tình ấy lại gãy đổ, ông sáng tác Bài Không Tên Số Hai. Năm 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, Vũ Thành An phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của ông được yêu thích khắp miền Nam thời bấy giờ sau khi được nữ ca sĩ Thanh Lan diễn đạt rất thành công trên làn sóng phát thanh, đại nhạc hội, đĩa nhạc và nhất là phong trào du ca tại Quán Văn (sân sau của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) cùng thời điểm với cặp song ca Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc ở Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và cácBài không tên gắn liền với giới trẻ thời ấy. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ : Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông đi cải tạo suốt mười năm từ 1975 đến 1985. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981. Ngày 21 tháng 3 năm 1981, biến cố quan trọng nhất trong đời là rửa tội vào đạo Thiên Chúa. 1987 lập lại gia đình.

HUỲNH DUY LỘC: Đào Trường Phúc và ”Mưa trên đỉnh đồi cao”

clip_image008

Đào Trường Phúc sinh năm 1947 tại Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam vào năm 1954. Như hầu hết thiếu niên gốc Bắc di cư, anh theo học Trường trung học Chu Văn An tại Sài Gòn và một lý do nữa khiến anh muốn vào học tại đây là lòng mến mộ nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người thầy dạy môn Việt văn, như lời kể của anh trong tùy bút “Xuân xưa, người cũ”:

“Đó là những năm tháng tôi lớn lên, học xong bậc trung học đệ nhất cấp, trôi dạt qua hai, ba ngôi trường trước khi được cha mẹ chiều ý xin cho vào Trường Chu Văn An để học lớp Đệ tam (lớp 10) ban C. Theo học ban C của Chu Văn An là một trong những ước nguyện lớn nhất của tôi lúc bấy giờ vì một lý do rất đơn giản: điều đó có nghĩa là một năm sau, tôi sẽ theo gót anh tôi, trở thành học sinh lớp đệ nhị (lớp 11) C, lớp duy nhất của bậc trung học – tại Sài gòn nói riêng và miền Nam nói chung – được học Việt văn với giáo sư Vũ Hoàng Chương…

“Trong hai năm đệ tam và đệ nhị, tôi trốn học khá nhiều giờ để đi bát phố hay để ngồi nhâm nhi những ly cà phê với bạn bè, nhưng riêng những giờ Việt văn thì không bao giờ tôi vắng mặt. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, và tôi biết tôi sẽ nhớ mãi mãi, cái cảm giác lâng lâng sung sướng của chính mình trong từng giờ học, mỗi khi nghe thầy Chương giảng về thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… hay khi nghe ông ngâm nga những câu Kiều, và thú vị hơn nữa là khi nghe ông bất chợt xen giữa những bài giảng, kể lại vài mẩu giai thoại văn chương, nhắc lại dăm ba kỷ niệm với những khuôn mặt văn hữu thân thiết của ông như Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Bính…” (Xuân xưa, người cũ).

Anh tốt nghiệp cử nhân văn chương (1969) ở Đại học Văn khoa Sài gòn và tốt nghiệp cao học Luật khoa (1971) ở Đại học Luật khoa rồi vào làm việc tại Cơ quan Tiếp vận Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Anh phụ trách những chương trình phát thanh của Đài phát thanh Sài gòn, cộng tác với các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tiếng Nói, Hoài Bão, Phát Triển Văn Hóa và trở thành hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam từ năm 1973. Năm 1983, anh vượt biên đến đảo Pulau Bidong của Malaysia rồi định cư tại bang California của Hoa Kỳ từ năm 1984. Trên quê hương mới, anh làm việc cho tuần báo Phố Nhỏ tại Virginia và cộng tác với các tạp chí như Làng Văn (Canada), Hồn Việt (California), Thế Giới Mới (Texas).

Tác phẩm đã xuất bản:

– Thơ tình mùa hạ (thơ, Hồng Lĩnh xuất bản,1970)

– Mặt trời trên cát (tập truyện, Từ Thức xuất bản, 1971)

– Hiện tượng Quỳnh Dao (tiểu luận, Khai Hóa xuất bản, 1973)

– Quê hương lưu đày (tiểu luận, Làng Văn xuất bản, 1987)

– Những điểm nóng sau Chiến tranh lạnh (tiểu luận, Làng Văn xuất bản, 1994)

Trong những tháng năm sống ở hải ngoại, Đào Trường Phúc đã viết những câu thơ đầy cảm xúc về mưa mù khơi những sớm mai hiu hắt:

Mưa trên quê hương tôi Mưa phùn trời Hà Nội Mưa xứ Huế lạnh lùng Mưa Sài Gòn vời vợi…

Mưa trên quê hương tôi Mưa giăng mắc mù khơi Những sớm mai hiu hắt Chẳng hẹn một niềm vui…

Tuy nhiên những câu thơ về mưa của anh được nhiều người biết đến nhất là những câu thơ trong bài thơ “Mưa trên đỉnh đồi cao” được nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc thành ca khúc “Mưa trên thành phố cũ”:

Bài thơ MƯA TRÊN ĐỈNH ĐỒI CAO

Mưa trên đỉnh đồi cao Mưa trên thành phố cũ Hôm nay thu về nhiều Hồn anh đầy lá úa.

Mưa trên đỉnh đồi cao Em phương trời có nhớ Một sớm có mưa nhiều Trên vỉa hè tình tự.

Mưa trên đỉnh đồi cao Mưa trên vùng thơ ấu Mưa ướt mấy mươi năm Không nhủ hồn nương náu.

Mưa trên đỉnh đồi cao Mưa trên tóc người yêu Ta ngồi ôm vai nhỏ Nghe bước đời tịch liêu.

Mưa trên đỉnh đồi cao Mưa trên đỉnh đồi chiều Ta về thành phố cũ Có cuộc tình trôi theo.

Đào Trường Phúc (trích từ tập “Thơ tình mùa hạ”, Hồng Lĩnh xuất bản, Saigon 1970)

Mùa thu đã về trên thành phố của những ngày yêu dấu đã xa. Mưa giăng mờ những đỉnh đồi cao và mưa rơi trên những đường phố vắng. Trong buổi sớm mai hiu quạnh này, lá úa rơi nhiều như nỗi buồn tràn ngập tâm hồn anh, và anh tự hỏi ở phương trời xa, em có khi nào nhớ tới cuộc tình của chúng ta và hồi tưởng lại một buổi sớm mai có mưa nhiều, em và anh còn ở bên nhau, nói với nhau những lời tình tự thiết tha nhất. Mưa rơi sáng nay như đã rơi từ những năm tháng xa xưa, nỗi hiu quạnh từ mấy mươi năm qua trở lại với anh và anh bỗng thấy tâm hồn chơi vơi, không còn biết nương tựa vào đâu. Mưa rơi làm anh nhớ lại những ngày ta còn ở bên nhau, mái tóc em ướt đẫm mưa, nhưng giờ đây anh chỉ còn lại một mình, nhìn cuộc sống tịch liêu chầm chậm trôi qua. Khi màn mưa che mờ những đỉnh đồi cao, anh trở lại thành phố cũ, cuộc tình của em và anh đã vĩnh viễn không còn nữa, nhưng sao những kỷ niệm không thể nào quên cứ vương vấn mãi trong tâm hồn anh.

Ca khúc MƯA TRÊN THÀNH PHỐ CŨ của Hoàng Quốc Bảo

Mưa trên đỉnh đồi cao Hôm nay thu về nhiều Hồn anh đầy lá úa Hôm nay thu về nhiều Hôm nay thu về nhiều.

Em phương trời có nhớ Mưa trên đỉnh đồi cao Một sớm có mưa nhiều Trên vỉa hè ân ái Một sớm có mưa nhiều Một sớm có mưa nhiều.

Mưa trên vùng thơ ấu Mưa trên đỉnh đồi cao Mưa ướt mấy mươi năm Không nhủ hồn nương náu Mưa ướt mấy mươi năm Mưa ướt mấy mươi năm.

Ôi! Một lần yêu nhau Một lần yêu nhau giữa đời Nụ sầu rơi xuống đời chẳng biết Mưa trên đỉnh đồi cao Chiều mưa trên đỉnh đồi cao Bước chân bước chân ta về thành phố cũ Nhưng có cuộc tình vẫn cuộc tình trôi theo.

Mưa trên tà áo biếc Mưa trên đỉnh đồi cao Mai đây anh phương nào Còn xui lòng nhớ tiếc Mai anh phương trời nào Mai đây anh phương nào?

(Hoàng Quốc Bảo)

– Ca khúc “Mưa trên thành phố cũ” do Hoàng Quốc Bảo trình bày

– Một phiên bản khác với giọng ca Hoàng Quốc Bảo

(Nguồn: thenewviet.com)