Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Bài thơ tháng Tư

Thái Kế Toại

 

clip_image002Tháng Tư 1975

Tôi đang mặc áo lính viết ký sự lịch sử về Chiến tranh phá hoại tại đường Tàu Bay nay là Trường Chinh.

Vài người anh lớn tuổi của đơn vị đã được đi theo các binh đoàn vào chiến dịch.

Tôi viết về những ngày này trong bài tưởng niệm một người bạn như sau:

Trước ngày đi chiến trường, Luận đề trên đầu thư cho tôi: “Nơi gần mặt trời nhất - Anh Sơn”.

Từ “nơi gần mặt trời nhất” anh đã ra đi! Người con trai của đất tổ sông Hồng tìm đến Cửu Long. Mặt trận miền Nam mở ra dữ dội, ào ạt không thể tưởng tượng nổi. Cùng với đợt chia tay cá nhân, tôi chia tay với các trung đoàn không quân, ra đa, tên lửa, các sư đoàn cao xạ đi về phương Nam. Suốt đêm, tại phòng trực ban của sở chỉ huy Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, loa kim phát đi oang oang tiếng nói hăm hở vội vã của các đồng chí phái viên tác chiến báo cáo tình hình mặt trận. Tôi được biết đơn vị cũ và Luận đã đánh Phước Long, Buôn Ma Thuật, chiếm sân bay Biên Hoà rồi vào đường Trần Quốc Toản, cảng Nhà Bè. Và tôi chờ một bài thơ của Luận. Bài thơ đường chiến dịch, thế nào cũng có câu thơ xao xuyến về màu xanh của bầu trời phương Nam…

Nhiều bạn sinh viên đồng ngũ lần lượt trở về.

Nhưng Đặng Luận không về nữa… Nhiều quả bom đã rơi trúng khẩu đội của anh ở trận địa Hiếu Liêm, trong trận đánh với một phi đội A37 trên đường tiến về Sài Gòn…

Trong khi đó những người bạn đồng môn của anh đã có mặt ở Sài Gòn: Trần Thị Thắng, Dương Trọng Dật, Hà Công Tài, Hà Phương...

Chưa có một dòng thơ nào về 30-4.

Bốn mươi lăm năm nay tôi đọc lại những trang bản thảo thời chiến tranh và mỉm cười mình đã sống không đến nỗi nào, viết những câu thơ gan ruột về đồng đội, về nhân dân, về đất nước không đến nỗi nào.

DÀN NHẠC CỦA TÔI

Tôi gọi Đại đội của tôi là dàn nhạc mến yêu

Đại đội trưởng là nhạc trưởng

Không phải dàn giao hưởng

Không phải dàn hợp xướng

Nhạc cụ là khẩu súng

Lời hát ngầm chảy trong năm chục trái tim

Không nghe lời hát ngầm rất đỗi lặng im

Mà dồn ép ở trong lồng ngực nóng

Mà vọt ra với sức xuyên ghê gớm

Bài hát trả thù

Bài hát đánh giặc.

Tôi yêu đại đội trưởng của tôi

Dáng anh cao lớn

Cánh tay và ngọn cờ tạc vào trời xanh

Những khi chờ lệnh bắn

Tôi nhủ thầm: Dạo nhạc đi anh!

Và sau mỗi loạt khói bom

Chúng tôi nhìn anh lồng lộng niềm tin.

Tôi yêu những người đồng chí của mình

Không có nhạc công nào dũng cảm hơn như thế

Khi hát thật có thể còn sai nhạc đấy

Nhưng trong dàn nhạc lớn này không mắc lỗi nào đâu.

Vẫn giữ nhịp chung dù máu chảy trên đầu

Để súng nổ chết còn đứng thẳng

Tổ quốc cần ở đâu là đến

Với Nhân dân không tiếc cuộc đời mình.

Tôi yêu bầu trời đất nước

Khi viên đạn chạm vào thành nốt nhạc

Nở thành bông hoa trắng giữa tầng cao

Bay vang xa hùng vĩ làm sao

Như trống trận cha ông xưa vang vọng.

Tôi yêu những ngày tôi đang sống

Những năm đau thương căm giận nhường này

Lẽ sống huy hoàng là cầm súng trong tay

Đi đánh giặc và làm nên chiến thắng

Để một ngày cả nước hát ca vang

Có thể một ngày tôi sẽ hy sinh

Nếu ai hỏi có hồi sinh trở lại

Tôi sẽ lại về với những người đồng đội

Lại đánh giặc cùng dàn nhạc của tôi

Cho tới bao giờ hết giặc mới thôi.

11- 1972

Từ bài thơ này gần ba năm sau tôi mới trở về trường đại học.

Từ bài thơ này để tôi không xấu hổ khi nhận mình là người lính.

Tất nhiên là tôi cùng những đồng đội của mình chờ những mầm xanh từ 30-4 vá lành những vết thương trên mình dân tộc.

Từ nghề an ninh văn hóa của mình tôi thấy rõ bên cạnh Tháng Tư đỏ còn có Tháng Tư đen.

Cạnh hàng triệu người vui còn có hàng triệu người buồn,

cạnh những nghĩa trang liệt sĩ hoành tráng còn những tha ma lạnh lẽo của người thua cuộc,

cùng với những con tàu Bắc Nam biết hát là những con thuyền với hàng ngàn sinh linh thuyền nhân vỡ tan trong sóng dữ,

cùng với…

cùng với…

Sự đau đớn bị tước mất Tổ Quốc, trên câu thơ, trên trang sách lưu vong của Duyên Anh, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Nguyên Sa…

Tôi đã thấy lửa ngút ngàn thiêu đốt sách, tranh và phim ảnh, nền văn hóa của một nửa đất nước.

Tôi đã thấy những ánh mắt hoan hỉ thế nào trước những khay vàng tước từ tay người bị cải tạo.

Tôi đã thấy cơn giận dữ của phần nhân loại có nhân văn rùng rùng các đô thị châu Âu cùng tiếng thét của Jean-Paul Sartre, Bertrand Russell đòi cứu người Việt Nam vượt biển

Bốn mươi lăm năm

Vẫn còn những vết thương chưa bao giờ lành lại

Vẫn còn nỗi đau kia

Dù Võ Văn Kiệt đã chết,

Nguyễn Cao Kỳ đã chết,

Cả Duyên Anh, Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… đã chết

Nhưng những cuộc cãi vã, những trò ăn gian lịch sử của những người thắng cuộc vẫn chưa kết thúc

Vẫn phải viết 30-4

Dù 30-4 các bạn đã viết cả rồi.

30-4-2019