Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Walt Whitman và Leaves of Grass (Lá cỏ)

Nguyễn Man Nhiên

 

Thi hào Walt Whitman (1819-1892), người từng được nhà văn Anh D. H. Lawrence xưng tụng là "nhà thơ hiện đại vĩ đại nhất" và "người Mỹ vĩ đại nhất". Walt Whitman là một nhà thơ đổi mới, một nhà dân chủ cấp tiến và một nhân cách lịch sử trong kỷ nguyên Nội chiến và mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Walt Whitman sinh ngày 31/5/1819 tại West Hills, Long Island, New York và lớn lên ở Brooklyn. Rời gia đình từ năm mười lăm tuổi, ông bước vào nghề làm báo và đến năm 1838 lập ra tờ báo của riêng mình. Ông trở thành biên tập viên của tờ nhật trình có lượng phát hành lớn nhất thời đó là The Brooklyn Daily Eagle vào năm 1846. Nhà văn Herman Melville từng nói rằng chiếc tàu săn cá voi đóng vai trò là Đại học Harvard của ông, còn trường Đại học của Whitman là thành phố Brooklyn và đảo Manhattan. Whitman yêu nhạc kịch, là khách thường xuyên đến các phòng trưng bày và là một độc giả cuồng nhiệt. Ba mươi lăm tuổi, Whitman nghĩ mình ngày càng có tư chất của một nhà thơ, và vào tháng 7/1855, lần đầu tiên ông xuất bản Leaves of Grass (Lá cỏ), một tập thơ nhỏ gồm mười hai bài không có tiêu đề. Mặc dù một số nhà phê bình coi tập sách chỉ là trò đùa và những người khác cảm thấy bị xúc phạm bởi ngôn ngữ và chủ đề táo bạo của nó, Leaves of Grass đã thu hút sự chú ý của một số trí tuệ văn học lớn nhất đương thời, trong đó có Ralph Waldo Emerson.

Tập thơ Leaves of Grass (tạm dịch: Lá cỏ), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1855, được công nhận là một kiệt tác văn chương của Walt Whitman. Suốt đời mình, Whitman đã viết, viết lại và thêm vào ngày càng nhiều những bài thơ trong tập Lá cỏ. Tác giả đã sửa đổi và bổ sung nó nhiều lần cho đến khi qua đời, từ một tập sách nhỏ gồm 12 bài thơ đến phiên bản cuối cùng là một tuyển tập đồ sộ hơn 400 bài thơ. Tác phẩm được công nhận là kiệt tác để đời này của Walt Whitman đã định nghĩa ông là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất của nước Mỹ. Nghệ thuật thơ của Walt Whitman là "sự hợp nhất của nhà nguyện, báo chí và tụng ca" trong một lễ hội sống động của nhân loại.

Song of Myself (tạm dịch: Bài hát của chính tôi) là một trường ca (gồm 52 đoạn) trong tập thơ Lá cỏ. Whitman đã tái tạo thi ca Mỹ trong màn độc diễn vô song này, tìm ra những ngữ điệu dường như hoàn toàn của riêng ông nhưng bằng cách nào đó nắm bắt được năng lượng và nhịp điệu của một quốc gia trẻ trung đang thức dậy với tiếng nói và tầm nhìn rộng mở của chính mình.

"I celebrate myself, and sing myself,

And what I assume you shall assume,

For every atom belonging to me as good belongs to you."

Tạm dịch:

"Tôi ca ngợi tôi, tôi hát cho tôi

Và những gì tôi nhận, bạn sẽ nhận

Bởi mỗi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về bạn đó."

(trích Song of Myself, trong tập Leaves of Grass, ấn bản năm 1892).

Một ấn bản bỏ túi The Portable Walt Whitman, do Penguin Books xuất bản năm 2004 tại Hoa Kỳ. Sách do Giáo sư Michael Warner (Đại học Rutgers) biên tập và viết lời giới thiệu. Đây là một tuyển tập chọn lọc từ toàn bộ sáng tác thơ, văn xuôi và truyện ngắn được yêu thích nhất của Whitman, bao gồm những bài thơ trong ấn bản đầy đủ và cuối cùng của ông năm 1891-1892, một số truyện ngắn, các lời tựa cho các phiên bản khác nhau của tập thơ Leaves of Grass, và nhiều tác phẩm văn xuôi đặc sắc khác...

Tại Việt Nam, năm 1981, NXB Văn Học ấn hành tuyển tập Lá cỏ qua bản dịch của dịch giả Vũ Cận và Đào Xuân Quý. Năm 2015, NXB Hội Nhà Văn ấn hành bản dịch Bài hát chính tôi (in song ngữ Anh - Việt) do nhà thơ - dịch giả Hoàng Hưng chuyển ngữ. Nhận xét về tầm quan trọng của cuốn sách này, dịch giả Hoàng Hưng đã viết: “Qua cả ngàn câu thơ vừa tả thực đến chi tiết vừa phóng tưởng đến kỳ diệu, vừa kể chuyện vừa rao giảng luận bàn nhiều mặt rất đa dạng rất khác biệt thậm chí đối nghịch của đời sống và con người Mỹ ở nửa trước thế kỷ 19, thiên sử thi này muốn trả lời câu hỏi: Là người Mỹ có nghĩa là gì? (What does it mean to be American?)”.

Walt Whitman là nhà thơ Mỹ có sức sáng tạo và gây ảnh hưởng nhất ở thế kỷ XIX. Luôn là một nhân vật quan trọng và gây tranh cãi, Whitman tiếp tục thu hút sự ngưỡng mộ của các nhà thơ, nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà hoạt động chính trị và độc giả trên khắp thế giới trong cuộc đối thoại với di sản văn hoá phong phú của ông cho đến hôm nay.

 

image

 

image

 

image