Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng nói lăm, nói lắp và tlăm tiếng/nói tlăm tiếng và trăm hay không bằng tay quen (phần 43)

Nguyễn Cung Thông[1]

 

Phần này bàn về các cách dùng nói lăm, nói lắptlăm tiếng/nói tlăm tiếng từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời - nhân tiện bàn thêm về chữ lam HV, nói *lam/lăm, nói tram và thành ngữ "trăm hay không bằng tay quen". Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) Tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục), v.v. Kí, kì còn có thể viết là ký/kì (Kí ~ tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Để ý là các hình tài liệu chụp lại tối đa so với phần diễn dịch của người viết (NCT) tối thiểu để cho chính các dữ kiện này thể hiện tất cả các ý nguyên thuỷ của người soạn. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ).

1. Nói lăm, nói lắp, lam, nói tlăm (trăm)

1.1 Nói lăm, nói lắp, lam: VBL trang 394 giải thích nói lăm là nói nhanh hay nói cà lăm (nói ngọng) và lăm chăm là vội vàng, hấp tấp - hàm ý lăm là nhanh/vội - nhiều:

clip_image002VBL trang 394

 

VBL trang 403 giải thích nói lắp là nói cà lăm. Điều đáng chú ý là thời VBL không thấy dạng cà lăm, cho đến thời Béhaine (1772/1773) ở Đàng Trong mới ghi dạng cà lăm. Ở Đàng Ngoài thì lại thường dùng nói lắp (Trương Vĩnh Ký, sđd): một số cách dùng trong VBL đã cho thấy những cách dùng khác nhau, dù Đàng Trong và Đàng Ngoài chỉ mới tách ra trước đó không lâu và sự phân kì địa lý (và chính trị) chưa tạo ra những cách dùng riêng biệt thật rõ nét (phương ngữ). Thí dụ như các cách dùng tương đương đã xuất hiện trong VBL như lợn - heo (sinh), mũ - nón, mền - chăn, đau - ốm, vừng - mè, mận - roi, quả - trái, bông - hoa, lội - bơi, chén - bát, viết – bút, chân - cẳng – giò, lắp - lăm, v.v.

clip_image004VBL trang 403

clip_image006VBL trang 802-803

 

Ngược dòng thời gian từ TK 17 thời VBL lên đến cuối TK 9 và đầu TK 10 SCN - thời Long Kham Thủ Giám, Tập Vận và Loại Thiên - các tài liệu này còn ghi một nét nghĩa của lam HV 啉 là nói nhiều, huyên náo...

clip_image008Tập Vận (năm 1037/1067) ghi lam: quát dã (nghĩa là nói nhiều lần[2]/NCT), nhất thuyết ẩm tất viết lam hoặc thư tác [lâm 林 viết trên chữ khẩu 口] - tạm dịch/NCT: lam là nói nhiều, huyên náo, thường được giải thích là khi uống xong một tuần rượu thì gọi là lam còn viết là . Ngoài ra nét nghĩa nói nhiều còn được Long Kham Thủ Giám (năm 997), Loại Thiên (năm 1039/1066) ghi lại - không có trong Thuyết Văn Giải Tự, Quảng Vận.

Đa số các tài liệu/tự điển HV chỉ ghi 3 nét nghĩa của lam

a. (Danh từ) Ngày xưa gọi tuần rượu là lam 啉.

b. (Danh từ) Tiếng dùng để dịch âm.

c. (Tính từ) Ngu xuẩn.

Nhưng lại thiếu một nét nghĩa quan trọng d. là huyên thuyên (động từ: nói đi nói lại nhiều lần ~ om sòm như trong Tập Vận (đầu TK 10) đã ghi bên trên - cũng được ghi trong Long Kham Thủ Giám (cuối TK 10) và Loại Thiên (khoảng đầu TK 10), liên hệ trực tiếp đến các dạng lăm (nói lăm VBL), trăm (nói tlăm tiếng VBL - nói trăm/Béhaine-Taberd), cham (nhanh, ngựa đi cham VBL), rầm rầm (và 'đi theo rầm rầm'/VBL), rầm rì, lầm bầm, lẩm bẩm... Chữ lam 啉 và dị thể 婪 (thanh mẫu lai 來 vận mẫu xâm tầm 侵尋 bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

盧含切,音婪 lô hàm thiết, âm lam (TVGT, QV, TV, TVi) QV/TV ghi bình thanh

盧含反 lô hàm phản (LKTG)

力耽切 lực đam thiết (NT, TTTH)

Giọng BK bây giờ là lín hay lán (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông lam1 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] lim2 lim1 lam2 [客英字典] lam2 [海陆腔] lim2 lim1 lam2 [梅县腔] lam2, tiếng Nhật ran và tiếng Hàn ram.

Chữ Nôm cổ dùng lâm HV 林 để chỉ lăm và trăm (một trăm). Trăm (nói nhanh, nhiều) theo VBL là velociter loqui (La Tinh) - tiếng Pháp là parler vite, tới thời Béhaine (1772/1773) thì nói trăm là loqui velocissimè (La Tinh ~ nói rất/cực nhanh, gần như định nghĩa velociter loqui của VBL nhưng cường điệu hơn - velocissimè là cách chia của trạng từ velociter trong cấu trúc so sánh - bậc cao nhất/superlative - để ý nét nghĩa tương ứng của nói trăm theo Aubaret là parler très vite). Ngoài nét nghĩa nói nhanh (> nói nhiều) cũng giống như tlăm (VBL ghi thêm nghĩa nhiều (tlăm tiếng, nói tlăm tiếng), lăm còn có nghĩa là nói cà lăm (balbutirer/L ~ nói mà cả mà cặp/Béhaine - Taberd). Âm cà trong cà lăm - chữ Nôm là 啉 - không thấy trong các tài liệu trước thời Béhaine (1772/1773) - phản ánh cấu trúc có tiền tố [cà + ngữ căn mang nghĩa chính so với một dạng âm cổ phục nguyên của trăm *klam] như cà lắp, cà lăm, cà rỡn (nghĩa chinh là giỡn/rỡn td. nói giỡn, giỡn chơi), cà nhắc, cà thọt (nghĩa chinh là thọt td. người thọt, thọt cẳng), cà um (cà uôm ~ om sòm, cà tum), cà nhom, cà xóc, cà tàng (~ tàng, quá cũ), v.v.

VBL còn ghi các trường hợp tổ hợp phụ âm đầu tl- dùng như l- : tlánh ~ lánh, tlíu tlo ~ líu lo, tlúc tlác ~ lúc lác, tlộn tlạo ~ lộn lạo. Tóm lại, nói lăm (nói nhiều/nhanh) có thể liên hệ trực tiếp đến nói tlăm (nói nhiều > trăm) vào thời VBL, và cũng có khả năng liên hệ đến lam HV (nói nhiều/huyên náo) dựa vào các dạng chữ Nôm cổ kí âm lăm và trăm. Do đó chữ Nôm 啉 có phải là tự tạo[3] hay vay mượn, hay chỉ là một trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên? Đây là một chủ đề thú vị cần tìm hiểu sâu xa hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này. Cách dùng nói tlăm (trăm, chữ Nôm 呐啉) còn có mặt trong tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838), Theurel (1877), Aubaret (1867), Huỳnh Tịnh Của (1895) ... Khả năng lăm và trăm cùng một gốc còn phản ánh qua các cách đọc l- thay cho tl-/tr- vào cuối TK 19 ở Đàng Ngoài (Valot/1898-1906, sđd) - so sánh các cách đọc sau đây :

lở - trở (giở) - blở (VBL)

lăng - trăng (giăng) – blang (VBL)

lời - trời (giời) - blời (VBL)

lọn - trọn - blọn (VBL)

lót – trót – blót (VBL)

lo - tro (gio) – blo (VBL)

lả - trả (giả) - blả (VBL)

lai – trai – blai ~ tlai (VBL)

lái – trái – blái (VBL)

lối - trối - blối (VBL)

v.v.

1.2 Nói trăm 呐啉

Chữ Nôm ghi rõ hai nét nghĩa của trăm a. một trăm/100 thì thêm chữ bách vào chữ lâm hài thanh b. nói trăm[4] (nói nhiều/nhanh) thì có chữ khẩu với chữ lâm hài thanh - thí dụ như các mục trăm của Béhaine (1772/1773) trong hình chụp bên dưới. Chữ trăm trong tiếng Việt hiện đại chỉ còn một nét nghĩa là số 100, đây cũng là một trường hợp cho thấy dạng chữ ô vuông (Hán Nôm) có khả năng cho ta hiểu chính xác hơn lúc nào trăm là số 100 và lúc nào trăm là nói nhiều/nhanh so với chữ quốc ngữ! Học giả Huỳnh Tịnh Của còn ghi trăm dùng như một động từ ‘trăm tiếng mọi: nói líu lo như Mọi, nói tiếng Mọi’ (ĐNQATV trang 466). Điều này giải thích được phần nào thành ngữ trăm hay không bằng tay quen.

clip_image010Béhaine (1772/1773) - Taberd (chép/in lại hoàn toàn, 1838) - Aubaret (1867) – Theurel (tự điển Việt - La Tinh 1877) - J.M.J. Caspar/Louis Caspar ~ Cố Lộc (tự điển Việt Pháp 1877/1879), Huỳnh Tịnh Của (1895) - Génibrel (1898) - Bonet (1899) đều ghi hai dạng trăm (một trăm, chữ Nôm có chữ bách) và trăm (nói nhiều, chữ Nôm có chữ khẩu). Các bản Kiều cũng cho thấy trăm dùng chữ bách biểu ý - trăm xuất hiện 31 nhưng không thấy nét nghĩa trăm là nói nhiều/nhanh. Tam Thiên Tự/Ngũ Thiên Tự cũng không ghi cách dùng trăm hàm ý nói nhiều/nhanh. Điều điều này cho thấy cách dùng này không thông dụng vào đầu TK 19 so với trăm (số 100, số nhiều).

2. Trăm hay không (chẳng) bằng tay quen - nhìn rộng ra hơn

2.1 Thành ngữ này[5] có nhiều cách giải thích vì trăm có các nghĩa khác nhau, dựa vào tiếng Việt từ thời VBL, cũng như chữ hay. VBL trang 308-309 có 5 mục hay, từ nét nghĩa là biết (hay và biết ~ scio La Tinh) cho đến sự chú tâm rèn luyện (hay một học ~ chuyên cần học hỏi). VBL trang 36 chỉ có 1 mục biết cũng như thêm chữ hay (hay biết/VBL) cho thấy cách dùng tương đương. Nếu thay chữ hay bằng biết: trăm biết không bằng tay quen thì dễ hiểu hơn dù có hơi khác nghĩa. Đại khái là có 3 cách giải thích khác nhau như sau:

a) Trăm ‘tay’ không bằng tay quen (NCT)

Tuy hai chữ tay và hay khác nhau, nhưng cùng vần và ngay cả chữ Nôm hay cũng thường viết dựa vào thanh phù thai 台 (phụ âm đầu lưỡi th-). Do đó không nên loại bỏ hoàn toàn khả năng này, nhất là thành ngữ này thường nghe thấy (khẩu ngữ) chứ không có mặt trong các tài liệu bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ thời xưa. Ý nghĩa câu trăm ‘tay’ không bằng tay quen (NCT) hàm ý cả trăm tay nhúng vào công việc thường làm cho hỗn loạn và không có hiệu quả như một tay thanh thạo công việc. Thành ngữ tiếng Anh cũng có một câu giống vậy: too many cooks spoil the broth - nhiều đầu bếp làm hư nồi canh (soup) so với câu lắm thầy thối (nhiều) ma ... Mục đích câu này là đề cao sự rèn luyện thuần thục dù ít (nhưng có phẩm) hơn là số nhiều là cả trăm tay[6] (có lượng nhưng thiếu phẩm).

b) Trăm hay không bằng quen tay hàm ý biết nhiều (~ trăm cái hay) không bằng quen làm. Câu này hàm ý kiến thức phong phú/trăm biết là một chuyện, nhưng không thể so với khả năng thực hành nhuần nhuyễn (tay quen): mục đích đề cao việc làm cụ thể so với tri thức trừu tượng (lý thuyết). Tiếng Anh cũng có những tục ngữ tương tự như actions speak louder than words: hành động lớn hơn (có ý nghĩa hơn) lời nói, nói dễ hơn làm ...

clip_image012 Génibrel (1898)

 

[Giải thích theo học giả Génibrel cách đây khoảng 13 thập niên: tạm dịch/NCT một trăm lý thuyết không có giá trị bằng một tay quen việc, hàm ý lý thuyết không bao giờ bằng thực hành]. Một điểm nên nhắc ở đây là Génibrel có ghi định nghĩa của nói trăm là nói rất nhanh (parler très vite), nhưng lại giải thích trăm là số 100 trong cách dùng trăm hay.

Sau Génibrel khoảng ba thập niên, Hội Khai Trí Tiến Đức soạn/khởi thảo Việt Nam Tự Điển và ghi nói trăm là nói líu lo (nhanh, td. nói trăm như tiếng Mọi - hàm ý nói nhanh với ngôn ngữ đa vần như các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số/láng giềng). Việt Nam Tự Điển ghi thành ngữ trăm hay chẳng bằng tay quen 1 lần trong mục quen, nhưng lại viết là trăm tay không bằng tay quen 2 lần trong mục hay và mục trăm (xem hình chụp mục trăm bên dưới). Điều này cho thấy dạng chẳng (xuất hiện thời Theurel/1877, Génibrel/1898) đã bắt đầu chuyển thành dạng không vào thời Bonet (1898) và Việt Nam Tự Điển (1931) và trở thành phổ thông hiện nay. Nhắc lại là trước đó gần 200 năm thì dạng lăm (VBL/1651) cũng đã trở thành dạng trăm (nói trăm Behaine/1772-1773) - như vậy là ít nhất có 2 trong 6 chữ đã biến đổi trong vòng 4 TK, giả sử thành ngữ này đã có mặt trong khẩu ngữ vào thời VBL.

clip_image014

Một số người hiểu trăm là số 100 (hay nghĩa mở rộng là số nhiều) như trong youtube của chuyên gia Nguyễn Anh Tùng (6/2023) - chủ đề của utube này là ‘Trăm hay không bằng tay quen’ - trích một đoạn liên hệ "Có một điều chắc chắn rằng video thứ 10 của bạn chắc chắn sẽ hay hơn video đầu tiên, và video thứ 100 của bạn chắc chắn hay hơn rất nhiều video thứ 10 của bạn. Nếu như bạn chăm chỉ liên tục và không bỏ cuộc, thì hành trình liên tục tiến lên và hành trình phát triển bản thân sẽ đến với bạn sớm thôi!" - tham khảo chi tiết trên trang này https://www.youtube.com/watch?v=CNQM92EWFyY. Theo Ice Fire Channel (4/2023), trăm hay có nghĩa là trăm cái hay và thành ngữ này khuyên ta coi trọng sự cần mẫn trong công việc so với lý thuyết sách vở, nhất là từ truyền thống nông nghiệp - có thể tham khảo chi tiết trên trang này https://www.youtube.com/watch?v=lFDwnG1PhoE, v.v.

GS Vương Gia Thuỵ (trong cuốn Learning to Live Through Vietnamese and American Proverbs: A Bilingual Vietnamese-English Edition, Xlibris Corporation - 2018) cho rằng trăm là số 100, trăm hay do đó chỉ trăm nghề và tương ứng với thành ngữ tiếng Anh Practice makes perfect (tập luyện thành hoàn hảo):

clip_image016Vương Gia Thuỵ

 

Cách hiểu trăm hay, trăm cái hay, biết nhiều (nghề), trong tiếng Việt có thể cùng một ý với thành ngữ tiếng Anh[7] Jack of all trades, master of none - tạm dịch/NCT biết nhiều nghề nhưng không phải chuyên về (thành thạo/tay quen) một nghề nào. Các cách nói khác hơn nhưng cùng ý là một nghề cho chín còn hơn chín nghề hay nhất nghệ tinh nhất thân vinh... Thành ra, hiểu trăm hay là trăm biết (biết nhiều nghề) mà theo một số tác giả theo cách hiểu (c) gọi là hiểu sai/lầm, thật ra cũng dẫn đến cùng một kết quả tích cực là đề cao sự rèn luyện/thực hành cho kiên trì trong công việc làm - không khác gì kết quả của cách hiểu (c).

Hai cách hiểu a và b đều dựa trên nét nghĩa trăm là số 100, tương tự như cấu trúc các câu nói trăm nghe không bằng một thấy, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình, phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt (xuất hiện gần đây hơn nữa), v.v. Tuy nhiên trăm còn có nghĩa cổ là nói nhiều/nhanh (xem mục 1 bên trên, chú trọng vào chữ nói là chính), thành ra ta có thể hiểu một cách khác hơn như (c) sau đây.

c) Trăm hay không bằng tay quen hàm ý nói hay thì không bằng tay làm quen, hay nói suông thì không bằng hành động cho có kết quả thực sự (làm quen). GS Nguyễn Lân còn ghi câu nói "trăm hay xoay vào lòng" với chữ trăm cùng một nét nghĩa (nói nhiều/nhanh); Việt Nam Tự Điển (Lê Văn Đức/Lê Ngọc Trụ, NXB Khai Trí - Sài Gòn - 1970) ghi cách dùng trăm như một động từ "Trăm tiếng Tây nghe không hết!". Đa số các học giả cận đại đều giải thích theo chiều hướng này: td. Phạm Tuấn Vũ (4/3/2020) trên báo Bình Định, An Chi, Việt Nam Tự Điển (1931), VOH (Đài tiếng nói nhân dân thành phố HCM, 20/5/2022), Len Dao (Lela Journal[8]), v.v. Thành ngữ tiếng Anh, đơn giản chỉ có ba chữ, là talk is cheap (nghĩa đen là nói thì rẻ) cho thấy hàm ý tương tự như trăm hay không bằng tay quen, tuy có thể còn thực tế hơn[9] vì dùng ‘tiền bạc’ để so sánh kết quả sau cùng.

clip_image018Theurel (1877)

 

[Giải thích theo học giả Theurel[10] cách đây 15 thập niên: tạm dịch/NCT không có số lượng lý thuyết nào (lý thuyết nhiều bao nhiêu, trăm hay ~ trăm biết) bằng thực hành (~ tay nghề/thạo việc)]. Để ý là Theurel có ghi nghĩa của nói trăm là nói rất/cực nhanh.

clip_image020Bonet (1899)

[Giải thích theo học giả Bonet cách đây 13 thập niên: tạm dịch/NCT một tay làm quen (~ thạo việc) thì tốt hơn nói hay (lý thuyết suông) - tục ngữ]. Để ý là trong cùng một mục Bonet ghi nghĩa của nói trăm là nói rất nhanh (nói nhanh quá/lắm ~ parler trop vite).

Một điểm đáng nhắc lại ở đây là học giả An Chi còn cho rằng trăm có gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 譫 mà âm Hán Việt hiện đại là chiêm, có nghĩa là nói nhiều, nói liến thoắng hoặc nói sảng trong khi bệnh. Người viết/NCT không đồng ý với nhận xét trên (gốc của trăm là chiêm) vì vần -iêm và -am (-ăm, -âm) khác nhau vào thời VBL, và quan trọng hơn nữa là chữ lam 啉 từng có nghĩa là nói huyên thiên (TV/LKTG/LT - xem chi tiết trong mục 1.1 bên trên) - nét nghĩa này không thấy tự điển HV nào ghi lại cho nên ít người nhận ra tương quan giữa lam HV và lăm - tlam (trăm)! Xem lại chữ chiêm 詹 (thanh mẫu chương 章 vận mẫu đàm 談 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

職廉切 chức liêm thiết (TVGT, ĐV, QV, LT, CV)

軄廉反 chức liêm phản (LKTG)

之盐切 chi diêm thiết (NT, TTTH)

之廉切,音占 chi liêm thiết, âm chiêm (TV, VH)

TNAV ghi vận bộ liêm tiêm 廉纖 (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 詹 瞻 占 噡 霑 沾 (chiêm triêm)

Giọng BK bây giờ là zhān so với giọng Quảng Đông zim1 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] zam1 [客英字典] zham1 [海陆腔] zham1 [陆丰腔] zham1 [宝安腔] zam1 [客语拼音字汇] zam1, tiếng Nhật sen và tiếng Hàn cheom.

Một dạng âm trung cổ phục nguyên của chiêm là *tsyam rất khác với âm trung cổ phục nguyên của lam là *ləm hay *lɒm (gần với âm lăm vào thời VBL hơn). Ngoài ra, trăm/lăm chữ Nôm cổ thường dùng dạng 啉 cùng với nét nghĩa trung cổ là nói nhiều (TV, LKTG, LT) dẫn đến khả năng cao trăm (nói nhiều/nhanh) có gốc là lam 啉. Các dữ kiện ngôn ngữ và tài liệu Hán Nôm ở trên cho ta cơ sở đề nghị một quá trình biến âm từ TK 17 của nói lăm (VBL ~ nói nhiều, nói ấp úng/cà lăm) như sau

nói lăm (VBL) ~ nói tlam (VBL) > nói trăm (Béhaine/Taberd … trong cách dùng trăm trết, trăm tiếng Mọi/ĐNQATV - trăm hay không bằng tay quen ...) >

Dấu hiệu ∅ hàm ý không còn dùng nữa – hay không còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại.

Một điểm đáng chú ý là thành ngữ trăm hay không bằng tay quen từng ghi là trăm hay chẳng bằng tay quen (Theurel/1877, Génibrel/1898, Việt Nam Tự Điển/1931) - phản ánh phần nào thời kì thành ngữ này xuất hiện (gần đây) - nếu cổ hơn nữa thì có thể là trăm hay ‘chẳng tày’ tay quen so với câu học thầy chẳng tày học bạn, v.v.

2.2 Nhìn rộng ra hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt thường dùng các động từ kép học hành, học tập: hàm ý của người trước là phải rèn luyện để thạo việc (tay quen, thực hành) vì nhiều khi lý thuyết quá (trăm hay) có thể đi xa thực tế cuộc đời và trở nên vô bổ. Tiếng Việt hiện đại còn dùng động từ chém gió để diễn tả khuynh hướng trên so với cách dùng trăm hay, cũng như những lời khuyên nhủ trong ca dao

Học là học để mà hành

Vừa hành vừa học mới thành người khôn

Đi một ngày đàng học một sàng khôn (kinh nghiệm thực tế so với ‘đi học’ trong trường)

v.v.

Tóm lại, VBL cho ta nhiều dữ kiện ngôn ngữ vào TK 17 - đặc biệt là cách dùng nói lăm, nói tlăm (trăm), nói lắp - tiền thân của các cách dùng cà lăm, cà lắp trong tiếng Việt hiện đại. Âm và nghĩa của lăm (VBL) còn tương ứng với lam HV (nói nhiều/nhanh - huyên náo) ít nhất từ cuối TK 10 và đầu TK 11 qua các tài liệu như Tập Vận, Long Kham Thủ Giám, Loại Thiên. Ngay cả chữ lăm hay trăm cũng dùng lam HV 啉, tạo thêm cơ sở để liên kết lăm - trăm và lam. Hai nét nghĩa của trăm (số 100 và nói nhiều/nhanh theo VBL) hiện diện ít nhất từ TK 17, bây giờ chỉ còn một nét nghĩa trong tiếng Việt chỉ số đếm 100 mà thôi. Nhờ vào VBL mà ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa thâm thuý của thành ngữ trăm hay chẳng bằng tay quen, phản ánh tư duy tổng hợp (từ truyền thống nông nghiệp) chuộng thực tế hơn là lý thuyết suông; kí ức tập thể của cổ nhân cho ta thấy sự nói suông không giúp ích cho đời sống hàng ngày hay công việc làm ăn một cách cụ thể. Không những từ ngữ thay đổi từ TK 17 như lăm > trăm, ca dao tục ngữ cũng có thể thay đổi (chẳng > không) - xem thêm chi tiết trong bài viết[11] "Vài đóng góp của tự điển Béhaine trong văn hoá ngôn ngữ Việt Nam" cùng tác giả (NCT). Ngoài ra, nếu thành ngữ trên dùng chữ Nôm trăm là 啉 hay thì nghĩa rõ hơn, đây cũng là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ (trăm nào?). Do đó, nên cẩn thận khi tìm hiểu ý nghĩa của thành ngữ trăm hay không bằng tay quen, và nên hiểu với một tư duy mở rộng (open mind). Hi vọng bài viết này gợi ý cho người đọc, có thêm động lực để tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt và khám phá nhiều kết quả thú vị hơn nữa.

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”. Các tài liệu viết tay khác của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Jean Bonet (1899) "Dictionnaire annamite-français : langue officielle et langue vulgaire" có thể tham khảo trên trang này https://www.lexilogos.com/vietnamien_dictionnaire.htm

4) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

6) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

9) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum - completum et novo ordine dispositum - 1838).

10) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

11) Nguyễn Cung Thông (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt - phần 6.2" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm ...

12) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương

Bàn thêm về chữ hay trong thành ngữ trăm hay không bằng tay quen: thành ngữ này có chữ trăm là không rõ nghĩa như đã bàn ở phần trên, cũng như phạm trù nghĩa và chức năng của chữ hay. Thời VBL ghi 6 mục hay với các nét nghĩa là biết (scio La Tinh, động từ), rành (sành) một việc gì, tốt (có đẳng cấp cao, chất lượng, tính từ), hay là (liên từ), cai trị (động từ coi sóc - hay một xã, hay cả và xứ) và thán từ/cảm từ hàm ý phủ định (hay/VBL ~ tôi không biết ~ tôi không ‘hay’)... Hai nghĩa khác nhau của hay thể hiện qua câu ‘nói hay hơn hay nói’ (ĐNQATV). VBL trang 309 còn ghi cách dùng hay hàm ý phủ định, một cách nói đặc biệt của tiếng Việt vào TK 17. Tiếng Việt hiện đại còn có những cách dùng như ơ hay, ô hay biểu lộ sự không đồng ý, không hài lòng, không hay (dù không dùng chữ không).

Ơ thằng kia thầy ở đâu? (VBL trang 309) … Hay (tôi không biết)

Hay gì (tôi có hay biết gì đâu)

clip_image027VBL trang 309

Cách nói trên phản ánh một tư duy tổng hợp, phải nhìn vào toàn cảnh[12] (văn cảnh) hay từ góc độ biểu trưng mới cảm thông ý nghĩa thay vì dựa vào logic của tư duy phân tích thì rất khó hiểu (nhiều khi lại có vẻ nghịch lý hay phi logic) - thí dụ như các cách dùng chợt ~ bất chợt (bất là không, nhưng bất chợt lại cùng một nghĩa), thình lình ~ bất thình lình, ra đời ~ vào đời, áo lạnh ~ áo ấm, xuống thuyền (VBL) ~ lên thuyền, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh ; Ngoài ra trật tự chữ (word order) trở nên không quan trọng như trong các thành ngữ mẹ tròn con vuông, cao chạy xa bay, hòn tên mũi đạn, v.v. Trở lại với cách dùng hay: để nói việc gì/chuyện gì không hay (không tốt) mà không dùng chữ không (phủ định) thì nói hay gì (chi), có hay gì :

hay gì ~ có hay gì ~ không hay gì ~ chẳng/chả hay gì

Ca dao dùng hay gì (phủ định, hàm ý chê): Hay gì lừa đảo kiếm lời. Cả nhà ăn uống, tội trời riêng mang; Hay gì để ruộng mà ngăn, Làm ruộng lấy lúa, chăn tằm lấy tơ; Xứng đôi vừa lứa chọn nơi, Hay gì đũa mốc mà chòi mâm son, v.v.

Do đó tư duy tổng hợp với một khuynh hướng ‘nghịch lý’ không những thể hiện phần nào qua một chữ hay (có nghĩa là biết - không biết), mà còn trong thành ngữ 6 chữ trăm hay không bằng tay quen. Một trăm thường thì phải lớn (nhiều) hơn một, nhưng lại không phải như thế khi so sánh lý thuyết và thực hành theo hàm ý của thành ngữ trên.

Tham khảo thêm chi tiết về tư duy tổng hợp (thể hiện qua ngôn ngữ như tiếng Việt) trong các bài viết cùng tác giả (NCT):

- "Cách nói "xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ..." Tiếng Việt Thế kỷ 17 (phần 1)

- "Cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới... Tiếng Việt Thế kỷ 17 (phần 4)"

- "Tiếng Việt Thế kỷ 17 - mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc - hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)"

- "Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì"

- “Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng trống một, giữ/cầm canh, nhà điếm/dỏ, trắc ảnh, thì - giờ” (phần 42)


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Quát tiếng Việt có nghĩa la mắng (to tiếng) như quát tháo... Các từ tượng thanh (thể hiện tiếng ồn) có thể ngẫu nhiên trùng hợp cho các ngôn ngữ không có liên hệ họ hàng: td. oác oác > oang oác tiếng Việt ~ quát quát HV 聒聒, ực ực > ừng ực tiếng Việt ~ quắc quắc HV 嘓, v.v.

[3] Td. GS Nguyễn Quang Hồng cho rằng chữ Nôm 啉 là loại F2 (tự tạo) trong Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải (sđd). Tuy nhiên, các dạng rầm rầm, rầm rập, lăm xăm, răm rắp có khả năng nhái theo âm thanh (td. ầm ầm), thành ra có thể còn là sự trùng hợp ngẫu nhiên của các ngôn ngữ không liên hệ họ hàng.

[4] Để ý tự điển viết tay Béhaine ghi trằm, nhưng lại có dấu gạch ngang dấu huyền (đổi trằm thành trăm, trằm là hoa/bông tai). Học giả Nguyễn Khắc Xuyên vẫn giữ dạng nói trằm trong bản dịch tiếng Việt "Tự Vị Annam La Tinh" (NXB Trẻ, Thành Phố HCM - 1999).

[5] Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, 1931) ghi là “trăm hay chẳng bằng tay không”.

[6] Tuy nhiên, có khi nhiều tay khi hợp tác (đoàn kết) làm công việc nhẹ đi và cho một kết quả tích cực như "Một tay làm chẳng nên non, ba tay chụm lại nên hòn núi cao".

[7] Thành ngữ này thật ra không mang ý nghĩa tiêu cực khi xuất hiện, dùng để mô tả kịch tác gia người Anh rất nổi tiếng William Shakespeare, hàm ý khen khả năng linh hoạt vì biết học hỏi nhiều kỹ năng. Shakespeare cố tình học tất cả kỹ năng viết kịch, tổ chức dụng cụ để dàn dựng kịch bản, diễn viên để có thể thay thế các 'chuyên viên' lúc cần đến. Khả năng linh hoạt còn ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn vì cứ xơ cứng vào một công việc (td. dịch vu du lịch) có khi lại dẫn đến thất bại (mùa covid) mà không lường trước được.

[8] Tham khảo chi tiết trong bài viết Trăm hay không bằng tay quen: Bạn phát triển nhiều trí thông minh "lưu chuyển" hay "kết tinh"? trên mạng Lela Journal trang này https://lelajournal.com/post/tram-hay-khong-bang-tay-quen-ban-co-nhieu-tri-thong-minh-luu-chuyen-hay-ket-tinh, v.v.

[9] Bài này không có mục đích đánh giá đúng hay sai thành ngữ trăm hay không bằng tay quen. Dựa vào mỗi trường hợp mà mức độ đúng hay sai có thể thay đổi và kết quả tối ưu tuỳ vào khả năng dung hoà lý thuyết và thực hành một cách uyển chuyển. Các cách giải thích đều có khả năng dẫn đến kết quả tích cực là đề cao sự rèn luyện tinh tiến (cụ thể) của việc làm so với lý thuyết suông (trừu tượng mơ hồ).

[10] Tự điển Theurel có ghi nói trăm là velocissimè loqui (nói nhanh) so với Béhaine/Taberd lại ghi là loqui velocissimè: thứ tự chữ trong ngữ pháp La Tinh thường không quan trọng như tiếng Anh, Việt vì phải chia/đổi chữ cho đúng cách dùng (inflection). Các từ tiếng Việt không thay đổi dù ở vị trí hay dùng theo cách nào. Tự điển Việt La Tinh của Theurel (1877) có lẽ là mốc đầu tiên cho thấy thành ngữ trăm tay chẳng bằng tay quen xuất hiện qua con chữ La Tinh/Bồ. Tuy dựa vào các tự điển Béhaine/Taberd nhưng Theurel có cập nhật và hiệu đính dựa vào tiếng Đàng Ngoài (Kẻ Sở).

[11] Tham khảo bài viết "Vài đóng góp của tự điển Béhaine trong văn hoá ngôn ngữ Việt Nam" trên trang này chẳng hạn https://js.donga.edu.vn/index.php/daujs/article/view/1, v.v.

[12] Toàn cảnh còn có thể gồm cả cách nói/thanh điệu, thái độ cử chỉ của người nói.