Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Sự phi lý của trật tự xã hội ở thì tương lai (Đọc “Kim Tự Tháp của một loài có vú” của Nguyễn Gia Hòa)

Đặng Văn Sinh

clip_image001

 

Khó có thể tin vào thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ XX, Nguyễn Gia Hòa viết được Kim Tự Tháp của một loài có vú.(*) Cuốn sách khá mỏng, chỉ 112 trang khổ 14,5 x 20,5cm nhưng nó đặt một vấn đề lớn, đó là, đã nhiều thế kỷ qua đi mà con người vẫn chưa tìm ra được câu trả lời về một mô hình xã hội tối ưu thay cho cấu trúc kim tự tháp ba tầng như một thứ mặc định của thượng đế đã tồn tại trên trái đất qua hàng triệu năm tiến hóa.

Cấu trúc Kim Tự Tháp, theo quan niệm của nhân vật X2TV như một tồn tại nguyên khởi, có chức năng duy trì đẳng cấp xã hội của con người trong một trật tự bất biến. Nó chỉ mất đi khi loài người diệt vong. Nói như vậy, có nghĩa là, mô hình này bất diệt, con người chỉ có thể hoàn thiện nó chứ không cải tạo nó bằng bất kỳ cuộc cách mạng nào. Trái với vị chuyên gia tổ chức - quản lý phụ tá cho Chúa Tể X1, người phụ trách sản xuất robot X3 mang biệt danh X2MS luôn có xu hướng tìm sự tự do tư tưởng và không gian sáng tạo nhưng luôn bị giới hạn bởi thứ lý thuyết Kim Tự Tháp. Xét về mặt nào đó, có thể xem X2MS là hện tượng nổi loạn thường thấy trong một thế chế độc tài toàn trị cho dù đó là nền độc tài mang tầm vũ trụ ở thì tương lai.

Xét đến cùng, nếu phân tích cấu trúc xã hội Trái Đất dưới góc nhìn biện chứng thì, mô hình Kim Tự Tháp cùng với vị chúa tể của nó, như X2TV nhận xét là một trật tự mang tính lịch sử, bền vững và bất biến, vì thế, bất cứ ai, kể cả những thiên tài cũng không thể thay đổi. Đây chính là bi kịch không chỉ ở đẳng cấp cao homo sapiens mà nó còn chi phối cả những sinh vật có vú ở bậc thấp hơn đang tồn tại song song với loài người trên hành tinh Trái Đất. Từ đó, người đọc có thể rút ra kết luận, cuốn sách có vẻ như không hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nói cách khác nó thuộc thì hiện tại về cấu trúc xã hội những về khoa học kỹ thuật đã đạt được những thanh tựu của nền văn minh vị lai qua công nghệ sản xuất người máy sinh học, phương tiện giao thông bằng đĩa bay và có nền ngoại giao liên hành tinh trong phạm vi dải Ngân Hà.

Có thể xem tư tưởng chủ đạo của cuốn sách được thể hiện khá rõ qua những cuộc tranh luận hay độc thoại nội tâm giữa hai nhân vật chính là X2TV (X2 Tóc Vàng) và X2MS (X2 Mắt Sâu). Đây là những vấn đề muôn thuở của mọi thời đại mà không một nhà triết học nào, dù là thiên tài trong nhiều thiên niên kỳ, tìm ra câu trả lời để loài người có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Những ý nghĩ táo bạo của X2MS, cuối cùng vẫn chỉ là không tưởng, trong khi X2TV chấp nhận cuộc chơi với Chúa Tể vì anh ta hiểu rõ quy luật nên vẫn an toàn ở tầng thứ hai Kim Tự Tháp mặc dù công việc thừa hành luôn nhàm chán. Như X2MS nhận định, tuy rằng tầng lớp X2 chỉ đứng dưới một người và đứng trên vạn người nhưng thật ra họ cũng chỉ là loại người máy thừa hành dưới sự điều khiển của ông chủ thực sự của Trái Đất là X1.

Nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ, vấn đề tác giả đề cập đến không hẳn là mọi việc đều diễn ra ở thì tương lai. Có thể thấy, thấp thoáng sau mỗi dòng chữ, người viết cố tình để lại chìa khóa mật mã như một cách hóa giải những bí mật vốn dĩ luôn bày ra trước mắt nhưng không phải ai cũng nhận ra. Ở đây, thì hiện đại được cố ý chèn vào thì tương lai phá vỡ quy luật tuyến tính. Những chuỗi thời gian đã từng thuộc về lịch sử bỗng nhiên được tái sinh trong vai trò mới, chức năng mới nhưng vẫn không xóa bỏ được dấu vết của mô hình nhà nước với cấu trúc Kim Tự Tháp ba tầng và đỉnh chóp của nó là nhà độc tài ý thức rất rõ vai trò của mình trong sứ mệnh cai trị thế giới.

Có lẽ yếu tố viễn tưởng làm nền tảng cho cuốn tiểu thuyết này chính là tư tưởng thay đổi cấu trúc guồng máy quản lý xã hội ở tầm vĩ mô của anh chàng X2MS đầy tham vọng về một trật tự mới thỏa mãn về nguyên tắc với cả ba thành phần cư dân hành tinh. Nhưng với X2TV, một nhà quản lý thực dụng qua bộ óc phân tích mang tầm vóc vũ trụ nhận ra ngay đó chỉ là sự hoang tưởng tràn đầy tinh thần lãng mạn, và cuối cùng, kết thúc bằng một bi kịch. Sự đột phá của nền văn minh kỹ trị trên hành tinh xanh đến thời kỳ viễn tưởng được ghi nhận ở thành phần X2, trong đó có X2MS đã tạo ra cơ chế hoạt động bộ nhớ giới tính giống với con người sinh vật cho cô robot X3, điều mà vị Chúa tể X1 cấm kỵ. Cái chết vì tai nạn của người yêu đã giáng một đòn tâm lý vào cân não chàng chuyên gia mắt sâu, nhưng sự hủy diệt nàng X3 mang bộ nhớ giới tính như một thí nghiệm khoa học theo lệnh của nhà độc tài là một cú đòn tâm lý. Chính vì thế, tác giả công trình người máy sinh vật đã phải thốt lên cô ấy chết hai lần. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã mấy lần nhắc đến bản sao bức tranh La chute d'Icare của P. I. Bruegel, rồi để cho nhân vật X2TV trong cuốn sách triết lý về tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm hội họa Phục Hưng này: “Chàng Icare giữa vũ trụ vô biên và cô đơn trong sự lạnh nhạt của con người giờ đây chỉ còn là một vết mờ thảm hại; toàn bộ vẫn gợi lên những khắc khoải. Phải chăng đây là sự ngông cuồng mù quáng nếu nhìn qua lăng kính đớn hèn của nhân loại, hay lòng dũng cảm chói ngời trong mắt đích thực của lương tri thoi thóp ẩn sâu ở loài sinh vật thượng đẳng dám chinh phục cái vô hạn bao trùm lên nó” (tr. 24).

Bản chất của nền độc tài trong cuốn sách được mệnh danh là viễn tưởng của tác giả thể hiện cụ thể nhất ở Khu liên hợp giáo dục. Đây chính là nơi đào tạo nhân lực bổ sung cho lực lượng lao động toàn hành tình theo một triết lý thực dụng và thật ra không hề viễn tưởng chút nào: “Đó là một nguyên tắc có tính chất sống còn mà chỉ những kẻ chăn dắt vĩ đại của bầy người mới có thể nghĩ ra và nhiệt thành chăm sóc” (tr. 87). Và, với thứ triết lý giáo dục dưới đây, bất cứ người đọc nào cũng nhận ra bản chất của nó hướng đến mục đích gì, và ai dám chắc nó chỉ xuất hiện ở thế giới viễn tưởng: “Tính hoàn hảo của nó bảo đảm cho ra khỏi những phân xưởng luyện người này, các thế hệ X2 chu đáo về thể chất, kiến thức cao trong các lĩnh vực hoạt động chuyên biệt, nhưng không phát triển cá tính mà theo các vị chúa tể, không cần thiết cho bộ máy xã hội chạy đều” (tr. 87). Đến đây thì chúng ta hiểu rằng, triết lý về cấu trúc Kim Tự Tháp trước hết là phải đào tạo ra một tầng lớp X2 thừa hành được thụ hưởng nền giáo dục nhồi sọ theo tôn ti trật tự đã hình thành từ nhiều thiên niên kỷ: “Trưởng thành xứng đáng với danh hiệu ‘con người khôn ngoan’, lớp X2 trẻ trung đó yên tâm hoạt động theo các phương hướng mà các bộ óc thiên tài X1 đã vạch sẵn, phục tùng tuyệt đối cái hình tháp bền vững mà trên chót vót là X1 oai nghiêm ngự trị. Các kiến thức cần thiết nhất là vô hại cho cái trật tự vĩnh hằng này được xếp khít trong các bộ óc đến nỗi chúng không có khoảng thừa cho các tư tưởng nguy hiểm…” (tr. 87). Và cuối cùng, triết lý cai trị thế giới của ông chủ quyền lực là: “Khu liên hợp giáo dục cũng là giáo cụ trực quan giúp ích cho sự thu nhận tri thức lịch sử, xã hội cần thiết. Nó cung cấp những thông tin đơn giản thay thế những cuốn sách mà đằng sau mỗi dòng, mỗi trang thường lấp ló những tư tưởng nguy hại, những hạt sạn dù là sạn kim cương, phá hỏng ngay sự trơn tru của bộ máy xã hội mà các vị X1 đã dày công lau chùi” (tr. 88).

Tuy nhiên, thứ trật tự xã hội phân biệt theo đẳng cấp trong cuốn sách lại là sự sao chép gần như nguyên mẫu cấu trúc xã hội nguyên thủy mang nặng tính thụ động, trong đó, sự ngu xuẩn và hội chứng bầy đàn đã là nguyên nhân chính suy tôn và củng cố quyền uy của nhà độc tài X1. Bởi vì, không phải bất cứ vị chúa tể nào cũng có đủ trí thông minh để quản trị xã hội, nhưng vì bản chất ham hố quyền lực nên họ rất sợ khi bị “bật văng ra khỏi guồng máy của cái thế giới trí tuệ chặt chẽ khắc nghiệt này còn đáng ghê sợ hơn cả một giảo hình và cái máy chém dành cho các chúa tể mà ngai vàng đã bị lật nhào thời Trung cổ…” (tr. 13). Tôi dám chắc khi đọc được những lời độc thoại dưới đây của một ngài X1, bạn đọc sẽ có ngay sự liên hệ với một thể chế chính trị ở thời hiện tại vốn được hình thành từ thứ chủ thuyết không tưởng: “Giá mà có một tập thể cùng quyết định… Mình không có năng lực thật sự và việc chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo tối cao… Sao mình bắt đầu e ngại sự cô đơn sự tách biệt với đồng loại tư tưởng không còn đặc tính cộng đồng như trước…” (tr.13).

Về mặt văn bản, cuốn sách chỉ có 5 chương, trong đó chương V là ngắn nhất chỉ 104 chữ như một lời kết được mở đầu bằng một lời đề từ: “… Và đứa trẻ sơ sinh, chưa kịp khóc chào đời đã háo hức hỏi tôi: “Trên vũ trụ còn bao nhiêu hành tinh có sự sống?””.

Sau rốt, khi đọc xong Kim Tự Tháp của một loài có vú, điều khiến chúng ta đặc biệt chú ý là phong cách diễn ngôn của Nguyễn Gia Hòa hoàn toàn khác với hầu hết tiểu thuyết đương đại. Cách hành văn hàm chứa yếu tố duy lý cùng những đoạn bình luận ngoại đề mang dáng dấp tiểu thuyết triết luận đã hướng đến bạn đọc một kiểu tiếp nhận khác với lối đọc truyền thống. Nó có khả năng mở ra trường liên tưởng rộng, kích thích trí tưởng tượng, nhưng không phải là cuốn sách dành cho số đông.

Đ.V.S.

(*) Kim Tự Tháp của một loài có vú, Nxb Hội Nhà văn, 2023