Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Bài diễn văn khiến tôi bị nước Đức cấm cửa

Yanis Varoufakis, jacobin.com ngày 13.4.2024

Trường An dịch

 

clip_image002[4]

Yanis Varoufakis phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 29 tháng 5 năm 2019 tại Athens, Hy Lạp. (Aris Messinis / AFP. Getty Images)

 

Yanis Varoufakis là nhà kinh tế học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị và cựu Bộ trưởng Tài chính của Hy Lạp. Sinh vào năm 1961 ở Athens, ông từng giảng dạy ở các trường đại học ở Anh, Úc, và Mỹ và hiện là giáo sư kinh tế trường Đại học Athens. Ông hiện là nhà lãnh đạo của Mặt trận Bất tuân Thực tế Châu Âu (tạm dịch từ The European Realistic Disobedience Front; MeRA25) của Hy Lạp (thành lập vào năm 2018) và đảm nhiệm vị trí Tổng bí thư của tổ chức Phong trào Dân chủ châu Âu 2025 (Democracy in Europe Movement 2025; DiEM25).

Hội đàm về Palestine

Cuộc Hội đàm Palestine 2024 do DiEM25 (Phong trào Dân chủ châu Âu) tổ chức tại Berlin từ ngày 12 đến 14 tháng Tư năm 2024 với sự tham dự của 200 nhà hoạt động xã hội Đức, Palestine, Israel, và các quốc gia khác. Cuộc hội đàm nhằm mục đích lên án sự ủng hộ và tiếp tay của chính phủ Đức với cuộc diệt chủng người Palestine ở Dải Gaza. Gần 2.500 cảnh sát Đức được điều động tới để ngăn cản cuộc hội đàm hòa bình. Varoufakis, một diễn giả và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đã bị chính quyền Đức cấm nhập cảnh để tham dự hội nghị này. Giáo sư Ghassan Abu-Sittah, Hiệu trưởng Đại học Glasgow (Scotland) cũng bị chính quyền Đức cấm nhập cảnh với cùng lý do.

 

Hôm nay Bộ Nội vụ Đức đã ban hành một “betätigungsverbot” cấm tôi tham gia hoạt động chính trị ở Đức – không chỉ không được nhập cảnh, tôi còn bị cấm tham gia các sự kiện ở Đức qua các ứng dụng kết nối như Zoom. Thậm chí băng ghi hình của tôi cũng không được phép công chiếu ở Đức.

Rắc rối bắt đầu hôm qua khi cảnh sát Đức xông vào cuộc họp của chúng tôi ở Berlin để giải tán cuộc hội đàm về Palestine do tổ chức Phong trào Dân chủ Châu Âu 2025 (Democracy in Europe Movement 2025) tổ chức. Bạn có thế tự rút ra kết luận về nước Đức khi cảnh sát cấm cản những quan điểm mà tôi trình bày dưới đây.

Chúc mừng và chân thành cảm ơn các bạn đã có mặt ngày hôm nay – bất chấp đe dọa, bất chấp sự ngăn chặn của cảnh sát, bất chấp truyền thông Đức, bất chấp cái việc chính quyền Đức cố gắng bôi nhọ bạn chỉ vì bạn có mặt ở đây.

Gần đây một nhà báo Đức hỏi tôi: “Tại sao lại là hội đàm về Palestine, thưa ông Varoufakis?”. Là bởi vì, như Hanan Ashrawi từng nói, “chúng ta không thể đòi hỏi những người bị bịt miệng kể về nỗi đau của họ.”

Ngày nay, lý do Ahsrawi đưa ra lại được củng cố một cách còn khủng khiếp hơn, bởi chúng ta không thể bắt những người bị bịt miệng, bị tàn sát, bị bỏ đói, kể lại những cuộc tàn sát và nạn đói họ đã trải qua.

Nhưng vẫn còn một lý do nữa: đó là bởi vì những con người đàng hoàng, đầy lòng kiêu hãnh, những người Đức, đang bị lôi vào một con đường nguy hiểm dẫn đến một xã hội vô luân. Một lần nữa tên tuổi của họ sẽ lại bị gắn với một nạn diệt chủng, nhân danh họ và được họ chấp thuận.

Tôi không phải là người Do Thái, cũng không phải là người Palestine. Nhưng tôi cảm thấy rất vinh dự được đứng ở đây với các bạn Do Thái và Palestine – nghe tiếng nói của mình, về hòa bình, về nhân quyền, hòa lẫn với tiếng nói của người Do Thái về hòa bình và nhân quyền, với tiếng nói của người Palestine về hòa bình và nhân quyền. Việc chúng ta đang đứng ở đây cùng nhau là minh chứng không những chúng ta hoàn toàn có thể chung sống – mà còn là điều ấy đang xảy ra ở đây.

“Thế sao lại không phải là hội đàm về người Do Thái, ông Varoufakis?” – cũng tay nhà báo Đức đó hỏi tôi, hẳn anh ta tự cảm thấy mình rất thông minh. Tôi biết trước câu hỏi này sẽ đến.

“Nếu có một người Do Thái bị đe dọa ở bất kỳ nơi đâu chỉ vì họ là người Do Thái, tôi sẽ đeo ngôi sao David trên áo mình và thể hiện tình đoàn kết – bằng mọi cách, bằng mọi giá.

Nên tôi muốn làm sáng tỏ một điều: nếu người Do Thái bị tấn công bất kỳ nơi đâu trên trái đất, tôi sẽ là người đầu tiên kêu gọi một hội đàm cho người Do Thái để bày tỏ tinh thần đoàn kết.

Tương tự như vậy, khi người Palestine bị tàn sát chỉ vì họ là người Palestine – mà theo niềm tin có tính giáo điều rằng đã là người Palestine và bị giết thì hẳn phải là Hamas – tôi sẽ quấn khăn keffiyeh và tuyên thệ đoàn kết với họ, bất kể cách nào, bất luận giá nào.

“Nhân quyền phải áp dụng cho tất cả mọi người, bằng không nó vô nghĩa”.

Với niềm tin này, tôi đã trả lời câu hỏi tay nhà báo Đức ấy với một số câu hỏi tôi tự đặt ra như sau:

· Hai triệu người Do Thái Israel có bị trục xuất khỏi căn nhà của mình và tống vào nhà tù lộ thiên 80 năm trước? Và tới giờ này vẫn bị giam giữ trong cái nhà tù lộ thiên đó, cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, với một lượng lương thực ít ỏi, không được sống một cuộc sống bình thường, không được bước chân ra ngoài, hứng chịu bom rơi trên đầu liên tục trong suốt 80 năm qua hay không? Không.

· Những gười Do Thái Israel có bị quân chiếm đóng bỏ đói, con của họ quằn quại rên la vì đói không? Không.

· Có hay không hàng ngàn đứa trẻ Do Thái không cha, không mẹ, bị thương, đang phải lết qua những đống gạch vụn, nơi từng là nhà của nó hay không? Không.

· Người Do Thái Israel có đang bị đánh bom bằng những chiếc máy bay và những loại bom có thiết kế tinh xảo nhất thế giới hay không? Không.

· Người Do Thái Israel có đang trải qua sự hủy diệt sinh thái trên mảnh đất nhỏ nhoi họ vẫn còn được gọi là nhà, nơi không còn cái cây nào để họ có thể trú nắng, để được nếm quả ngọt từ nó hay không? Không.

· Trẻ con Do Thái Israel có đang bị giết bởi lính bắn tỉa ngay ngày hôm nay, dưới lệnh của một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hay không? Không.

· Người Do Thái Israel có bị những băng nhóm có vũ trang đuổi ra khỏi căn nhà của mình hay không? Không.

· Israel có đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình hay không? Không.

Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên là “Có”, tôi sẽ gia nhập vào hội đoàn kết người Do Thái ngay ngày hôm nay.

Hôm nay, chúng tôi rất muốn được có một buổi tranh luận đàng hoàng, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, về phương cách đem lại hòa bình và nhân quyền cho mọi người – từ người Do Thái đến người Palestine, người Bedouins đến người Công Giáo – từ sông Jordan cho tới bờ Địa Trung Hải, tới tất cả những người có tư duy, chính kiến khác mình.

Rất tiếc, toàn bộ thiết chế chính trị Đức đã quyết không cho điều đó diễn ra. Trong tuyên bố chung, không chỉ có nhóm CDU-CSU (Christian Democratic Union–Christian Social Union in Bavaria; Liên minh Dân chủ Kitô giáo - Liên minh Xã hội Kitô giáo ở Bavaria) và FDP (Free Democratic Party; Đảng Dân chủ Tự do), mà còn có SPD (Social Democratic Party; Đảng Xã hội Dân chủ), Đảng Xanh, và đáng ngạc nhiên hơn, chính là hai nhà lãnh đạo nhóm Die Linke (Nhóm Cánh Tả), gần như toàn bộ các đảng phái chính trị Đức đã đồng lòng đảm bảo một cuộc trao đổi đường hoàng, nơi chúng ta có thể thể hiện quan điểm bất đồng, sẽ không bao giờ xảy ra trên đất Đức.

Tôi nói với họ: các ông muốn bịt miệng chúng tôi, cấm đoán chúng tôi, bôi nhọ chúng tôi, cáo buộc chúng tôi. Bởi lẽ đó, chính các ông đã buộc chúng tôi phải đáp lễ những lời buộc tội nực cười của các ông bằng với những lời cáo buộc chính đáng của chúng tôi. Không phải chúng tôi, mà chính các ông đã tự chọn cho mình giải pháp này.

Các ông cáo buộc chúng tôi thù ghét người Do Thái. Chúng tôi buộc tội các ông là đồng minh của những kẻ kỳ thị người Do Thái (antisemites), bởi lẽ các ông đánh đồng quyền kháng cự của người Do Thái Israel với quyền phạm tội chiến tranh của Israel.

Các ông cáo buộc chúng tôi là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi cáo buộc các ông đã đánh đồng [chủ nghĩa khủng bố] với sự phản kháng chính đáng chống lại chế độ Apartheid tàn bạo với người dân vô tội, điều mà tôi sẽ luôn luôn phản đối, bất kể ai thực hiện nó – người Palestine, người ngụ cư Do Thái, gia đình tôi, bất cứ ai. Chúng tôi buộc tội các ông đã không thừa nhận bổn phận của những con người sống trên dải Gaza là đập tan bức tường của cái nhà tù lộ thiên, nơi mà họ đã bị quản cố suốt 80 năm qua – và chúng tôi cáo buộc các ông đã đánh đồng hành động đập tan bức tường ô nhục này (nó không hề đáng được bảo vệ gì hơn bức tường Berlin) với khủng bố.

Các ông cáo buộc chúng tôi xem nhẹ cuộc tấn công khủng bố mùng 7 tháng 10 của Hamas. Chúng tôi cáo buộc các ông xem nhẹ 80 năm Israel thanh lọc sắc tộc người Palestine và dựng lên cái chế độ Apartheid ghê tởm trên mảnh đất Israel-Palestine. Chúng tôi cáo buộc các ông đã xem nhẹ việc Benjamin Netanyahu hỗ trợ Hamas nhiều năm qua để phá đi cái giải pháp hai nhà nước mà các ông ủng hộ. Chúng tôi cáo buộc các ông đã xem nhẹ nỗi kinh hoàng không tiền lệ mà quân đội Israel đã trút lên người dân Gaza, Bờ Tây, và Đông Jerusalem.

Các ông cáo buộc ban tổ chức của buổi hội nghị hôm nay, tôi xin trích lại, “không quan tâm đến việc thảo luận về khả năng chung sống hòa bình tại Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza.” Các ông nói thật ư? Các ông mất trí hết rồi à?

Chúng tôi cáo buộc các ông đang ủng hộ một nước Đức với tư cách nhà cung cấp vũ khí số hai (chỉ sau Mỹ) cho chính quyền Netanyanhu để tàn sát người dân Palestine như một phần của một đại kế hoạch nhằm đảm bảo giải pháp hai nhà nước và việc người Do Thái và người Palestine chung sống với nhau trong hòa bình sẽ không bao giờ xảy ra. Chúng tôi cáo buộc các ông vì đã không tự vấn câu hỏi thích đáng nhất cho mọi người Đức: Còn bao nhiêu máu người dân Palestine phải đổ thêm nữa mới đủ để rửa đi tội diệt chủng người Do Thái [the Holocaust] của các ông?

Nên tôi muốn làm rõ điều này: chúng tôi ở đây, tại Berlin, tại hội nghị Palestine bởi vì, khác với hệ thống chính trị và truyền thông Đức, chúng tôi phản đối tội diệt chủng và tội ác chiến tranh, bất chấp ai gây ra. Bởi vì chúng tôi phản đối chế độ Apartheid kiểm soát mảnh đất Israel-Palestine, bất kể ai đang có lợi thế – cũng như việc chúng tôi phản đối chế độ Apartheid ở miền Nam nước Mỹ hay ở Nam Phi. Bởi vì chúng tôi ủng hộ quyền con người phổ quát, ủng hộ tự do và bình đẳng trên đất đai cổ xưa Palestine giữa người Do Thái, người Palestine, người Bedouin và người Kitô giáo.

“Khác với hệ thống chính trị và truyền thông Đức, chúng tôi phản đối tội diệt chủng và tội ác chiến tranh, bất chấp ai gây ra.”

Và hãy để chúng tôi làm rõ quan điểm mình về một câu hỏi, dù nó là thật tình hay ác ý, mà chúng tôi phải luôn sẵn sàng trả lời:

Tôi có phản đối tội ác của Hamas hay không?

Tôi phản đối mọi tội ác, bất kể ai là thủ phạm hay nạn nhân. Cái tôi không phản đối là phản kháng có vũ trang để chống lại một hệ thống Apartheid được xây dựng cho cuộc thanh lọc sắc tộc “chậm mà chắc” đang diễn ra ở Gaza. Nói cách khác, tôi phản đối tất cả mọi cuộc tấn công vào dân lành, nhưng đồng thời khen ngợi những ai đã xả thân mình để đập tan bức tường [nhà tù].

Chứ không phải Israel đang đấu tranh để sinh tồn hay sao?

Không. Israel được trang bị với vũ khí hạt nhân. Quân đội Israel có công nghệ hiện đại nhất thế giới và được chống lưng bởi cỗ máy quân sự hùng hậu của Mỹ. Không mảy may đối xứng với Hamas, một nhóm tuy có thể gây ra tổn thương đáng kể với Israel nhưng không có cơ hội chiến thắng, và cũng không thể ngăn ngừa Israel tiếp tục thi hành nạn “diệt chủng từ từ” với người Palestine, dưới cái chế độ Apartheid do chính Israel đã dựng lên và luôn được Mỹ và Liên minh Châu Âu hậu thuẫn.

Vậy việc người Israel lo lắng vì Hamas muốn tiêu diệt họ có chính đáng không?

Tất nhiên là chính đáng! Người Do Thái đã trải qua Holocaust, và trước đấy họ đã phải chống chọi với những cuộc tàn sát và với chủ nghĩa kỳ thị người Do Thái, cái thứ đã ăn sâu trong máu dân Châu Âu và dân Mỹ hàng thế kỷ qua. Người Israel lo lắng một cuộc thảm sát sẽ xảy ra nếu quân đội Israel thất bại là hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên việc áp đặt chế độ Apartheid lên nước láng giềng và đối xử với người dân của họ như thể họ không phải là những con người, chính quyền Israel chỉ đang đổ dầu vào ngọn lửa chủ nghĩa kỳ thị người Do Thái và thúc đẩy sự căm thù giữa người Palestine và người Israel đến giới hạn họ chỉ còn muốn tiêu diệt lẫn nhau. Thực sự những hành động đó chỉ chồng thêm lên sự bất an của những người Do Thái ở Israel cũng như cộng đồng người Do Thái hải ngoại. Sự áp đặt chế độ Apartheid với người Palestine chính là cách phòng vệ tồi nhất.

Thế còn chủ nghĩa kỳ thị người Do Thái?

Nó đã và đang một mối nguy. Chủ nghĩa kỳ thị người Do Thái phải bị loại bỏ, đặc biệt trong các nhóm cánh tả toàn cầu và những người Palestine đang đấu tranh cho quyền tự do của mình trên thế giới.

Vì sao người Palestine không theo đuổi mục tiêu của họ một cách ôn hòa hơn?

Họ đã từng. PLO (Palestine Liberation Organisation - Tổ chức Giải phóng Palestine) đã từng công nhận Israel và từ bỏ cuộc chiến vũ trang. Họ nhận được cái gì ư? Sự nhạo báng và cuộc thanh lọc sắc tộc triệt để. Đấy chính là cái đã nuôi dưỡng Hamas và trong mắt người Palestine, [chiến đấu] là giải pháp duy nhất chống lại nạn diệt chủng từng bước dưới chế độ Apartheid của Israel.

Vậy bây giờ phải làm gì? Cái gì sẽ mang lại hòa bình cho Israel-Palestine?

· Ngừng bắn ngay lập tức.

· Thả tất cả con tin – con tin của Hamas và hàng ngàn người Palestine đang bị Israel bắt.

· Một tiến trình hòa bình dưới sự chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc, được ủng hộ bởi cộng đồng thế giới, với mục đích kết thúc Apartheid và bảo vệ quyền tự do cho tất cả.

· Người Israel và người Palestine sẽ tự quyết định chọn giải pháp hai nhà nước hoặc giải pháp một nhà nước liên bang phi tôn giáo để thay cho chế độ Apartheid.

Thưa các bạn, ngày hôm nay chúng ta ở đây vì sự báo thù là một hình thức lười nhác của đau buồn.

Chúng ta ở đây để vinh danh hòa bình và sự chung sống trên đất Israel-Palestine, chứ không để nhân danh sự báo thù.

Chúng ta ở đây để nói với phe dân chủ ở Đức, trong đó Die Linke mà chúng ta đã từng xem là đồng chí, rằng họ đã nhúng mình trong mối ô nhục này đủ lâu rồi. Bù đắp cho một lỗi lầm bằng một lỗi lầm khác không phải là giải pháp – làm ngơ trước mọi tội ác chiến tranh của Israel sẽ không hề làm giảm đi “di sản” tội ác của Đức đối với người Do Thái.

Sau hội nghị ngày hôm nay, nghĩa vụ của chúng ta là thay đổi cái cách mà chúng ta trao đổi. Chúng ta có nghĩa vụ phải thuyết phục số đông những người Đức tử tế, rằng nhân quyền áp dụng cho tất cả là điều quan trọng nhất. Khi chúng ta nói “không bao giờ nữa”[*], có nghĩa là sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai. Người Do Thái, người Palestine, người Ukraina, người Nga, người Myamar, người Sudan, người Rwanda – tất cả mọi người, tất cả mọi nơi.

Và như vậy, tôi muốn thông báo với mọi người rằng MERA25, đảng chính trị ở Đức được thành lập bởi tổ chức DiEM25, sẽ xuất hiện trên lá phiếu bầu cử của Nghị viện Châu Âu vào tháng Sáu. Các chính đảng này mong nhận được lá phiếu của những người Đức nhân hậu mong muốn có một thành viên trong Nghị viện Châu Âu, đại diện cho nước Đức và vạch trần việc Liên minh Châu Âu là đồng phạm trong tội diệt chủng. Đó chính là món quà lớn nhất với những kẻ kỳ thị người Do Thái ở Châu Âu và trên thế giới.

Xin chào tất cả và tôi xin phép được nhắc các bạn đừng bao giờ quên rằng chúng ta không có tự do khi một người trong chúng ta vẫn còn trong xiềng xích.


[*] Trong những phong trào đấu tranh phản chiến (đặc biệt là chống nạn diệt chủng), “Không bao giờ nữa” là khẩu hiệu được dùng như một lời cảnh báo và nhắc nhở về bài học Holocaust. (Chú thích của người dịch)


image

Trường An – người thứ hai (từ trái sang) sau tấm biểu ngữ, mặc áo đen – trong cuộc biểu tình chống cuộc chiến tranh Gaza tổ chức trong khuôn viên Đại học Sydney, Australia, ngày 25/4/2024.