Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Thơ Nguyễn-hòa-Trước

image

Tranh John Martono

Thơ Nguyễn-hòa-Trước được đặc trưng bởi sự tập trung vào tính sáng tạo của ngôn ngữ, sự giải cấu trúc của cú pháp và ngữ pháp thông thường, đồng thời khám phá những hạn chế và khả năng cố hữu của chính ngôn ngữ.

Thơ ông thường sử dụng cú pháp rời rạc. Cấu trúc thơ phân mảnh, thách thức các hình thức biểu đạt tuyến tính và tự sự thông thường. Sự phân mảnh phản ánh sự hoài nghi đối với ý tưởng về một ý nghĩa mạch lạc, đồng thời nhấn mạnh quá trình đọc thơ như một tương tác tích cực với ngôn ngữ. Người đọc thơ cùng lúc sáng tạo với người làm thơ. Thơ có thể gãy đoạn, không dễ cảm nhận tức thời, không đi thẳng từ trái tim người làm thơ sang trái tim người đọc, nhưng đó là sự gãy đoạn có ý thức khơi gợi những khả thể mỹ học khác lạ trong một tương quan mở. Chính nhờ vậy, ngôn ngữ trong thơ ông không bị lệ thuộc vào cái nghĩa, tức là cái tư tưởng tiên nghiệm, để từ đó thơ thoát ra khỏi thân phận công cụ, không bị trì kéo bởi trọng lượng khôn kham của sứ mệnh, và trở thành cứu cánh của văn học, của mỹ học.

Là một thử nghiệm ngôn ngữ ở cấp độ vần/nhịp điệu, từ pháp, cú pháp và ngữ nghĩa, nhà thơ thường sáng tạo những từ mới, sử dụng cách chơi chữ và vận dụng ngôn ngữ để làm nổi bật những phẩm chất vật chất của nó. Sự đổi mới ngôn ngữ này nhằm mục đích phá vỡ các thói quen đọc và hiểu.

Bởi thơ Nguyễn-hòa-Trước xem ngôn ngữ như một đối tượng vật chất, có xu hướng khám phá tính chất vật thể của nó cũng như cách thức nó định hình nhận thức và trải nghiệm, nên nhà thơ quan tâm đến kết cấu, cú điệu và hình thức trực quan của các từ trên mặt dệt của bài thơ cũng như bối cảnh văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng chúng.

Theo lời chính nhà thơ thì “Viết là để 'ngôn ngữ hóa' cảm xúc và tưởng tượng của mình; mà hai thứ này thì cứ thay đổi, biến chuyển tùy lúc. Do đó, chúng bắt buộc 'ngôn từ' phải tự biến hóa liên tục theo.”

                                                                                                  Trịnh Y Thư

 

*

 

Về, qua đỉnh đèo mây

 

Rét đến sớm chắc em tôi chưa về kịp

đất hôn trời ngăn sẻ nhảy nhịp quen

cuối dốc rừng chẳng tím áo nào lên

con gió đã choàng ôm kè đê xám

quấn chăn dầy đi trọn giấc đông miên.

 

Vào trong bới hít mớ củi tro thêm ấm độ

than tàn lạnh bó

sương màn rộng vó

muối đang chừng rất mặn

(rám má hường may em tôi chẳng ở quanh đây!)

bờ chắn sóng cáu cau khúc sông gầy

nhánh củi mục đã đẻ rêu ghềnh cũ

thở thơm tho từ ngàn môi quá khứ

lấm tấm vàng rượu đỏ nhựa đơm khuy

vạt phong phanh cài biếng nhả xuân thì

hớ hênh lắm vẫn chưa phải lúc lót đường vời nắng hạ.

 

Trên này núi mỗi ngày mỗi cao

tôi vói mãi mừng được thêm khấc nối

mây sát tóc cũng tiện bề trao hỏi

căn chòi trống mái sắp vờn được tới

râu ngọn si dài lúng búng túm chổi sao;

 

tôi đo tôi đọ trời bằng biển hoa 10 giờ hiu hắt nguội

cùng nhí nhảnh nhóm tiểu nữ bồ công anh

lặt thêm dăm sợi nóng từ kho tưởng tượng để dành

(hơi nóng có màu mắt em lao xao rất tội

loại nắng có lời thầm thì cần cho khi bối rối)

chạy giữa hai lườn tóc thả lơi thèm gặp gội;

 

trụ cây số này tôi đã tô dấu mực bằng vun ngọn rổ mụn sim già

(vỏ láng trơn tôi thích lắm mân mê xoa xuýt)

chắt lấy mật từ chiếc cối đá vôi vần xuống từ mỏm thiên nga

hai quả tim lá sấu hình thoi nét vẽ đầy ước lệ

(sinh nhật em ấn tích lần về thăm vội thế!)

mặt dưới lá trắng phau chói hơn là tơ tuyết

những cột những kèo rui bụi hơn đóm nháy

 

Tôi run hồn dầu rằng đang được nắng bầy hun sấy.

 

                                      2

 

Đèo cột dây leo thắt nơ sừng sỏ múa đuôi chồn

đất luyện tu bao năm đất đã đánh vồng ngon

thách đố bia thạch dưỡng nuôi mầm sinh nhũ

hoa xòe tam giác tím hoe nhìn lâu cũng tanh tách vài thi tứ

sóc chuyền cành dơi móc xoạc cánh ngang

chênh vênh nhợ nóc mùng mạng nhện vướng víu cội mơ màng;

 

dãy thông bách tuế sù sụ giang tay từng chặng ngược

ngo ngoe ngón cong cớn không lúc nào chập được hình quả cau

đoạn đồi trẻ nhất hai ta thường đánh mốc gọt đầu

(những câu thơ diễm lệ đọc lại ngượng quá đến chẳng dám nhìn nhau lấy nửa phút!)

nắng đổ vấy giỏ kim ngân sùi bọt

(may em không về nên đôi gót thỏ hồng cũng chẳng cần trơn trượt.)

 

Rét không ngủ rủ theo đào thức sớm

ngần ngừ bởi chưa tìm thấy đám yến quen

thôi cứ nở bạn trông xa sẽ về lúc nửa đêm

họa mi nhọ mỏ ngậm nghiêng cành lộc nõn;

 

bộ thổ cẩm mới đan xong từ trước nghìn năm có lẻ

một em mong manh ngắm mãi mắt mụ mê chưa phủ hết hình nhân

trong thâm u nhìn thấy lắm dị thần

em bông gạo chạy giáp guồng nho quế.

                                                                             N. h. Tr

                                                                      Đồng Văn, 12-2023