Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Văn Việt mười năm

 Đoàn Huyền

 

Sinh nhật mười năm, chỉ cần thế, đã đủ lý do để chúc mừng. Nhưng, mười năm Văn Việt là mười năm của một tồn tại chưa từng thôi mấp mé bờ vực, của một tia sáng chưa bao giờ ngừng đứng trước nguy cơ bị bóng tối phủ trùm. Thực tế ấy thừa uy lực để tránh cho sự kiện này trở thành dịp của những lời chúc mừng đãi bôi. Hơn hết, nó đủ sức nặng để trở thành cơ hội cho người viết, đặc biệt, những người viết trẻ, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, và sự cảm tạ dành cho những người chủ trương và can trường đương đầu với sóng gió vì sự xuất hiện và tồn tại của một văn đàn, nơi kiên định bảo vệ cho điều kiện tiên quyết của sự viết: độc lập tinh thần và tự do tư tưởng. Không chỉ thế, nó còn là lúc mở ra một không gian cho người viết suy ngẫm về một thực thể mà sự tồn tại nói lên nhiều điều: không những về văn chương, văn hóa, và dân tộc Việt, mà còn về bản thân người viết và sự viết của chính họ.

Sự xuất hiện và tồn tại của Văn Việt, trước nhất, tất nhiên là kết quả của chủ trương, tâm huyết và nỗ lực của Ban biên tập, cùng sự tham dự lâu dài của các tác giả cộng tác. Tuy nhiên, suy cho cùng, Văn Việt chính là hiện diện của tiếng nói sâu thẳm, trong sáng của văn chương, của tinh thần cương cường của nền văn hóa và dân tộc Việt, tức, của một cái gì nội tại, ẩn tàng nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, không ngừng bị chèn ép, bóp méo, xua đuổi khỏi bề mặt của hiện thực đời sống người Việt ngày hôm nay, nhưng cũng không mỏi mệt tỏ bày sự có mặt âm thầm mà đầy sức mạnh của mình. Văn Việt có lẽ là một trong những biểu hiện rõ ràng và bền bỉ nhất của sức mạnh tưởng như mờ nhạt đến mất dấu ấy. Chính thế, sự xuất hiện và tồn tại của Văn Việt có ý nghĩa và vị thế thực sự đặc biệt. Chính thế, Văn Việt có đủ sức mạnh để trải qua sóng gió và tiếp tục cuộc hành trình gian nan và đầy ánh sáng của mình. Chính thế, Văn Việt cho người viết niềm tin vào văn chương Việt và vào chính mình.

Ở góc độ cá nhân, khi soi mình vào sự hiện diện và quá trình tồn tại của Văn Việt, người viết nhận thấy nhiều điều về hành trình riêng của bản thân. Trong quãng đường cầm bút, phần nhiều nằm trong bóng tối, viết với tôi, ở một thời điểm nào đó, hoàn toàn là chuyện của cá nhân, là vấn đề cá nhân mình phải giải quyết với chính mình. Thời gian gắn bó với Văn Việt, nhất là gần đây, viết, đối với tôi, mới thực sự thực sự mang ý nghĩa của một can dự, dù chỉ là một dự phần nhỏi nhoi và ít ỏi. Sự viết, bởi sự can dự ấy, được chạm vào hiện thực của ngày hôm nay, vừa nóng bỏng vừa hờ hững, vừa cằn cỗi vừa thơ mộng. Viết, với tôi, nhờ thế, bớt ngột ngạt vì tù túng, bắt đầu bớt mơ hồ, và dần trở nên có sắc diện, dù đó là một diện mạo cần can đảm để mang vác: khắc nghiệt mà lãng mạn.

Sự xuất hiện và tư thế tồn tại của Văn Việt những năm qua trong bối cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam trải trên những chiều đối nghịch: vì lý do tồn tại và chủ trương của mình, Văn Việt luôn nằm ở đầu sóng ngọn gió, hứng chịu những áp bức của cường quyền, nhưng cũng chính vì tinh thần tự do và khai phóng của mình, đối với, số đông, Văn Việt là một dòng chảy nhẫn nại nhưng phần nhiều biệt lập và khó tiếp cận. Có thể, đó là đặc điểm và định mệnh của một tiếng nói văn chương xuất hiện trong một bối cảnh văn hóa và xã hội như bối cảnh Việt Nam hiện tại. Nhưng xét cho cùng thì đấy là đặc điểm không thể tránh, và nhất là, phải có của một tiếng nói cấp tiến trong bất cứ một xã hội nào, dù mức độ dân chủ, trình độ dân trí của xã hội đó đang ở đâu. Bởi cô đơn và lạc dòng (hay, ngược dòng?) luôn là đặc tính những tiếng nói như thế mang chứa trong mình. Đến một lúc nào đó khi bộ mặt xã hội Việt Nam mới mẻ và sáng rỡ hơn, thì tư thế tồn tại độc lập đầy tính phản biện như tư thế của Văn Việt hiện tại vẫn là điều cần thiết đối với những tiếng nói trí thức và nghệ thuật. Bởi tâm thế ngoài lề, thậm chí, lưu vong, là tâm thế tối cần thiết đối với bất cứ người cầm bút nào, nếu muốn ngòi bút tỉnh táo và kiên định trên hành trình dài của mình. Và Văn Việt là thí dụ điển hình đầu tiên cho một tồn tại như thế ở Việt Nam. Một thí dụ vừa mới mẻ trong bối cảnh hiện tại, vừa đầy viễn tượng cho tương lai dài sắp tới.