Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Giải Văn Việt của tôi ngày đó

 Liêu Thái

Sau việc “đóng băng” hàng loạt trang văn chương mạng gồm trong nước và hải ngoại, Văn Việt ra đời như một sự làm lại, cũng là dấu nối, mà cũng là một đối trọng. Ban đầu, thế rồi dần dà, nhiều cây bút đến với Văn Việt như một dòng chảy tự nhiên.

Tôi cũng vậy, gửi bài, cộng tác với Văn Việt theo cách thế của một người rất trẻ (tuy tuổi đời cũng chớm lớn còn tóc thì chớm bạc), cũng hồi hộp chờ đợi xem bài của mình lên trang, cũng “tự sướng”, đọc đi đọc lại bài mình đôi ba lần trên trang. Thế rồi tôi được nhận giải Thơ của Văn Việt.

Mà việc nhận giải thơ của tôi khá là thú vị, thú vị vì chưa có bất kỳ thông tin nào từ Văn Việt thì tôi đã tin mình có giải thưởng trước đó gần tuần. Bởi quá quyết liệt, quá ráo riết như vậy sao tôi không tin được.

Trước khi Văn Việt công bố giải một tuần, an ninh văn hóa tỉnh vào nhà tôi, đi ba người, gồm một người huyện, hai người tỉnh, vào chơi uống nước, nói chuyện rất dài dòng, rất nhiều chuyện để nói (tôi phải nể họ chỗ này!), sau đó họ hỏi tôi có định đi nhận giải thưởng không, tôi hỏi giải thưởng gì, họ nói nếu Văn Việt phát thưởng, tôi có đi nhận không?...

Tôi giật mình, hỏi lại họ: “Ủa, vậy là tôi được giải hả ông Nghĩa?”. Người tên Nghĩa, mang quân hàm thiếu tá an ninh (lúc ấy, bây giờ thì cao hơn) hơi giật mình, chắc là biết mình bị hố lời. Anh mới nói rằng giả sử như vậy thì tôi có đi nhận giải không. Tôi cười: “Chưa biết có giải hay không mà ông hỏi tôi cứ như nắm trong tay vậy thì làm sao mà trả lời, không lẽ trả lời bằng chiêm bao à?”.

Tôi có tật gặp công an, kể cả công an bộ, tôi vẫn cứ bông lơn, họ có nghiêm mặt thì tôi vẫn cứ thấy có gì đó mắc cười, nên cứ bông lơn, bị anh em công an nhắc vụ này cũng nhiều, nhưng đành chịu, vì tính mình nó vậy, riết hồi họ cũng quen, thành thử nói chuyện cứ như bạn bè, nhưng việc ai nấy làm.

Hôm sau, mới sáng sớm, tôi dậy pha cà phê ngồi uống và thấp thỏm chờ đợi. Niềm chờ đợi của tôi lúc ấy hồn nhiên và trẻ con lắm, chờ trong niềm hân hoan, chờ các anh công an tới. Vì sao? Vì các anh tới tiếp, thì tôi còn niềm tin rằng tôi có giải Văn Việt, nếu các anh không tới nữa, coi như tôi tắt mất niềm hi vọng!

Vậy là các anh không tới ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa các anh cũng không tới, tôi chính thức tin rằng mình không có giải gì, vì có ai bảo mình có giải gì đâu ngoài các anh! Nghỉ hai bữa, các anh lại tới, lần này tôi hy vọng tràn trề và giật mình nhận ra hai ngày hôm qua và hôm kia, các anh không tới vì cuối tuần, vậy mà...!

Lần này, các anh dắt theo một nhà văn trẻ, tướng tá nhìn khá là bóng lộn (sau này, nhà văn trẻ này đụng độ với võ sư, nhà báo Đoàn Bảo Châu, tôi mới biết cậu ấy thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng). Cậu ấy cũng lịch sự, vui vẻ, nhưng cách nói chuyện có vẻ gì đó thử cựa văn chương, tôi thấy hơi mệt nên nói chuyện một chút rồi cáo việc bận. Phía an ninh văn hóa lại đặt câu hỏi về việc có đi nhận giải hay không?

Vì quá vui, tôi hỏi thật với họ là xin hãy nói cho tôi biết, tôi có giải hay không? Và thông tin tôi có giải ở đâu mà họ có, có chắc ăn không? Tôi hỏi nhiều lắm, cũng tha thiết muốn biết lắm. Nhưng họ chẳng cho tôi biết gì. Coi như xong buổi.

Lần thứ ba, họ cũng đặt đúng câu hỏi này, tôi nói thẳng nếu có giải tôi cũng không đi nhận được vì đang dịch dã, hơn nữa lâu rồi tôi không đi Sài Gòn, tôi cũng nhớ bạn bè, nhưng đã nhớ bạn bè thì phải đi dịp khác mới gặp được chứ đi dịp này thì chẳng thể gặp ai, vì chưa nghe công bố giải mà các anh làm ráo riết vậy thì tôi chắc gì đi ra khỏi làng được mà nói tới chuyện vào lễ phát giải! Nhưng tôi khẳng định là tôi sẽ nhận giải, nhận bằng. Vì số tiền ấy đối với tôi quá lớn, tôi làm được rất nhiều việc cho gia đình tôi, còn bằng chứng nhận ấy với tôi là niềm vinh hạnh của một người cầm bút, treo bằng trong nhà để các con tôi thấy cha của nó cũng có chút vinh hạnh của đời. Nôm na là vậy.

Họ khuyên tôi nếu nhận tiền, nhận bằng thì cứ thoải mái, nhưng không nên tới chỗ trao giải và không dùng tiền đó để làm từ thiện hay tặng cho trường học. Tôi gật đầu đồng ý với họ.

Họ ra về, vui vẻ, và vài hôm sau, tôi được Văn Việt thông báo mình được trao Giải Thơ.

Tôi nhận giải xong, nhưng chưa có giấy chứng nhận. Sau đó một thời gian, Giáo sư Hoàng Dũng có gọi điện thoại hỏi tôi rằng có giấy chứng nhận rồi, ông có thể gửi người bạn thân của tôi mang về giùm không, tôi nói không. Vì lần nào về quê, hắn ghé nhà tôi xong thì ai cũng biết, mấy quán đầu làng chỗ tôi họ rành chữ nghĩa lắm, họ biết hắn là nhà thơ, nhà báo, biết nhiều thứ lắm, nên thôi, để từ từ rồi tính.

Thế rồi sau đó một thời gian, Nhà văn Nguyên Ngọc bị ốm, tôi có hẹn với các anh chị trong Ban Biên tập Văn Việt, đợi các anh chị về thì cùng đến thăm Anh. Nhưng rồi chuyện cũng không tới đâu. Hẹn xong, tôi gọi điện cho một nhà thơ đang ở quê, người khá thân với Nhà văn Nguyên Ngọc, hỏi đường tới nhà Anh. Nhờ nhà thơ này chỉ dẫn, tôi đã biết đường.

Nhưng hôm sau, Nghĩa lại vào nhà, bảo tôi đừng đi thăm dịp này, hãy để dịp khác. Tôi nói vì có lời hứa cùng đi, nên tôi sẽ đi. Vậy là đi, nhưng không thể tới. Tội cho bà xã tôi, đã chuẩn bị áo quần cho tôi, mua một giỏ trái cây thật đẹp và xịn để biếu Anh Nguyên Ngọc. Ngoài ra, nàng còn cho tôi ít tiền để mời các anh chị đi ăn trưa.

Thế nhưng tôi vừa lái xe ra khỏi ngã ba làng thì đã thấy chẳng yên rồi. Linh cảm có ai đang đi theo mình, tôi nhìn vào kính chiếu hậu, thấy một cậu trẻ đáng bám theo. Tôi nghĩ, ừ thì nhiệm vụ cậu phải đi, phải theo dõi cũng là chuyện bình thường.

Đến chỗ Chi Cục thuế Huyện, tự dưng có một mùi thối không chịu nổi xộc vào xe. Tôi dừng xe, mở cửa ra quan sát. Trời ạ, một bịch nilon chứa đấy cứt đã “tác động vật lý” vào gầm xe tôi, phát ra mùi thối đó, và nếu muốn giải quyết, chỉ còn cách mang xe đi rửa.

Nhưng chỗ này thì biết rửa ở đâu, hoặc quay về, hoặc đi thẳng. Tôi chọn đi thẳng, nhắm mấy ổ gà để lái vào, hy vọng tạo ra một “tác động vật lý” khác làm rơi cái bịch khỏi gầm xe. Cuối cùng nó cũng rơi, tôi mở to máy lạnh một lúc rồi đóng kính.

Vừa hết mùi hôi thì tôi tới chỗ Nhà hàng Bá Lộc, đoạn Lai Nghi, giáp giới giữa Hội An với Điện Bàn. Một chiếc Toyota Fortuner đang đậu chắn ngang đường, tôi dừng chờ, nhưng nó không di chuyển. Sau lưng tôi đã có đoàn xe dài phải chờ như tôi, bóp còi inh ỏi...

Một người đàn ông cao đeo khẩu trang, xuống gõ vào cửa xe, hỏi tôi có phải là người tên đó không, tôi nói đúng. Anh ta nói “Mời anh xuống xe làm việc!”. Tôi hỏi lại: “Xin lỗi, anh cho tôi biết anh là ai? Quý danh của anh?”. Người này trả lời: “Anh không cần biết tôi là ai, mời anh xuống xe làm việc”. Tôi trả lời: “Xin lỗi anh, tôi không có thói quen làm việc với người mình không rõ danh tính!”. Nói xong, tôi kéo kính, đánh xe vào đoàn xe đang đi vòng sau lưng chiếc Fortuner kia.

Bỗng dưng nghe “đùng” một tiếng va đập to như pháo tống, và vì cửa kính đóng nên càng nghe rất to rất khiếp. Lúc này, phía trước tôi là một đoàn cảnh sát giao thông đã phục sẵn, hụ còi, thổi kèn tét tét tét và tấp vào chặn đầu xe tôi.

Thú thực là tính tôi nhát gan, nên nghe tiếng nổ, tay chân cứ run bắn lên. Nhưng tôi cũng gắng xuống xe, hỏi người đàn ông lúc nãy: “Ông nào mới đập vào xe tôi?”. Không có ai trả lời. Tôi lặp lại. Một cảnh sát giao thông chạy đến chào và nói “Lúc nãy em thổi anh không dừng xe nên dùng dùi cui gõ vào xe anh cho anh dừng đó. Xe không bị gì đâu, anh!”. Tôi lúc này đã hết run mà chuyển sang tức giận, tôi nói: “Cái dùi cui của anh, nếu gõ vào xe mà phát ra tiếng nổ như vậy thì xe tôi đã móp, trầy sơn rồi. Đây là tiếng của cả bàn tay vỗ vào cốp xe... Nhưng thôi, các anh nên hành xử văn hóa một chút!”.

Tôi bị kiểm tra giấy tờ xe vì lý do “Không cài dây an toàn”. Kiểm tra giấy tờ xe không có lỗi nào, tôi đề nghị để tôi nộp phạt vì không cài dây an toàn rồi đi tiếp. An ninh văn hóa lại yêu cầu tôi làm việc. Tôi trả lời rất sẵn sàng nhưng hãy gửi giấy mời trước để tôi chuẩn bị, còn giờ tôi phải đi có việc.

Tôi mở cửa xe thì cảnh sát giao thông cho biết xe tôi sẽ bị giam vì chậm đăng kiểm. Lúc này tôi mới nhìn kỹ lại, trời ạ, đã chậm đăng kiếm gần hai tuần. Tôi vốn rất để ý chuyện này, nhưng lần này tôi nhìn nhầm số ngày thành số tháng trên giấy đăng kiểm dán trên gương xe. Cuối cùng, xe tôi bị đưa về đồn nhưng họ không làm biên bản. Tôi yêu cầu lập biên bản, cù cưa mất gần ba tiếng. Lỗi đành rành là trễ hạn đăng kiểm, vậy mà vẫn không thể lập được biên bản.

Nhiếu chuyện lắm, từ chuyện điện thoại tôi đột nhiên mất sóng, rồi có một người mặc quần đùi (!) đến yêu cầu tôi vào đồn làm việc, chuyện biên bản phải mấy tiếng sau mới có...

Lần đó, tôi bị phạt 5 triệu, giam xe hai tuần. Anh cán bộ công an (khi anh cởi khẩu trang, tôi nhận ra anh là Nguyễn Xuân Thìn, đại tá an ninh, từng làm việc với tôi mười năm trước tại công an tỉnh, vì một bài báo liên quan đến các ngôi mộ của tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa) đã đập xe tôi khi nãy hỏi tôi có cần giúp gì không, ý là có cần lấy xe ra không, sau đó đã gọi lính chở tôi về nhà nhưng tôi từ chối, chấp nhận bị giam xe hai tuần, đóng tiền phạt rồi đi bộ về nhà.

Tôi ôm giỏ trái cây lang thang tới quán cà phê, chờ điện thoại có sóng trở lại để gọi bà xã ra đón nhưng chờ mãi không được, đành mượn máy cô chủ quán để gọi cho nàng.

Đó là một buổi trưa quá khó quên, rất khó quên đối với tôi. Nó đặt cho tôi một câu hỏi về Văn Việt: Không lẽ Văn Việt là một đảng phái chính trị, một thế lực chính trị? Nên việc có giải thưởng của Văn Việt mới khó khăn và mệt mỏi đến vậy?

Bởi vì về nội dung, toàn bộ bài viết trên Văn Việt chẳng có gì đả phá đảng cộng sản, cũng chẳng có bài nào bôi xấu lãnh đạo (mà hình như tiêu chí/tiêu chuẩn của Văn Việt cũng là tránh những loại bài nặng-mùi-chính-trị kia mà!), vậy thì tại sao Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập và trang Văn Việt lại bị chú ý, lại được “chăm sóc” kỹ lưỡng đến mức như vậy?

Một thời gian sau, tới chuyện phu nhân Nhà văn Nguyên Ngọc qua đời. Tôi có hẹn với nhà văn Ngô Thị Kim Cúc sẽ cùng đi viếng. Chị ở Sài Gòn bay về, tôi hẹn sáng hôm sau sẽ cùng đi, trên facebook. Vậy mà, mới sáng sớm, anh công an thôn đã vào nhà tôi ngồi nói chuyện, rồi sau đó anh gọi điện về đồn báo “Vẫn đang ở nhà” rồi cúp máy.

Tôi thấy tình hình không ổn, nên hẹn chị Kim Cúc để lúc khác. Kỳ lạ ở chỗ rất nhiều bạn bè tôi, người quen của tôi đã đi viếng tang, thậm chí Chủ tịch Nước lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi vòng hoa đến viếng... Thế mà tôi chỉ hẹn với một người của Văn Việt là mọi thứ lập tức trở nên rất khó chịu.

Hay là họ chỉ chú ý cá nhân tôi? Điều này không có cơ sở, bởi trên văn đàn, mấy ai biết đến tôi. Tôi không phải cây bút tên tuổi, cũng không đảng phái chính trị, không hội đoàn gì cả...

Giải Văn Việt, tôi chỉ nhận được tiền, còn giấy chứng nhận, mãi đến giờ này tôi vẫn chưa chạm tay. Bởi lần về dự đám tang, khi chị em không gặp nhau, các anh chị đã gởi lại chỗ người bạn. Chị cho tôi số điện thoại, nhưng hai lần tôi gọi không ai bắt máy. Hôm sau tôi gọi lại, vừa hỏi “Có phải anh là” thì bên kia im lặng rồi cúp máy.

Thôi, đợi khi nào đủ duyên thì mọi chuyện sẽ đến, nghĩ vậy nên tôi không gọi nữa. Văn chương là cái gì đó rất trái ngang, nên gặp thêm chút trái ngang cũng bình thường thôi. Biết đâu đó là chất xúc tác để mình càng muốn viết không chừng!

Mười năm trải nghiệm cuộc sống, có một cái mốc đáng nhớ với Văn Việt, để thấy sau lưng của tấm giấy mà mình chưa được cầm trên tay, cũng có lắm chuyện thị phi, cũng khiến mất đi vài người bạn.

Giải thưởng của Văn Việt vô tình thành tấm lưới cho tình cảm bè bạn của tôi... Chẳng biết nên buồn hay nên vui...?!