Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Ngôn ngữ như là sự xấp xỉ

Hagi Kenaan

Dương Thắng dịch

Emmanuel Levinas (12/1/1906-25/12/1995) nhà triết học Pháp gốc Do Thái nổi tiếng, những công trình của ông tập trung vào những vấn đề về Đạo đức học và Siêu hình học về Kẻ Khác. Ông cũng mở rộng nghiên cứu sang lĩnh vực Triết học Lịch sử và Hiện tượng học Tình yêu. Ông là một trong những người đầu tiên giới thiệu các tư tưởng của Husserl và Heidegger ở Pháp.

Bài viết của Hagi Kenaan với nhan đề tiếng Pháp “Le langage comme proximité” được đăng trên tạp chí Europe số 11-12/2011, số chuyên đề về Emmanuel Levinas.

clip_image001

Emmanuel Levinas

 

Levinas đã đề xuất một cách nhìn mới, một phối cảnh mới trong đó, trật tự của các ngữ nghĩa với chúng ta sẽ xuất hiện theo một cách hoàn toàn khác. Cách nhìn “khác thường” này cảnh báo cho chúng ta về cái nguy cơ sao chép những kiểu/loại mang tính áp đặt và quen thuộc của ngữ nghĩa, giải thoát lối nhìn “máy móc” hướng về thứ ngữ nghĩa “bề mặt”, thứ ngữ nghĩa hay bị áp đặt như là cái đặc trưng/chủ đạo của văn bản. Cách nhìn mới này cho phép chúng ta nắm bắt được các hiện tượng / những ngữ nghĩa không “lồ lộ trên trán”, giống như ghi khắc được một chân dung, một gương mặt. “Ý nghĩa, đó là một gương mặt của Cái Khác, để tiếp cận nó, cần viện dẫn tới những từ ngữ được đặt ở bên trong / ở đằng sau cái bề mặt của ngôn ngữ, cái bề mặt đối diện với chúng ta lúc ban đầu” (Levinas. Totalité et Infini - Toàn thể và vô hạn).

Levinas khuyến khích chúng ta học cách nhìn nhận Cái Khác như một phần kết cấu trong cái cấu trúc của ngữ nghĩa. Từ ngữ, theo Levinas, không cho phép chúng ta biết tới một loại nghĩa duy nhất/nghĩa đơn trị tồn tại bên trong (những từ ngữ đó), đúng hơn là chúng đặt chúng ta vào một “trường” các sự kiện, luôn bị cuốn hút về phía sự hiện diện của cái khác. “Cái chủ yếu của ngôn ngữ, đó là mối quan hệ với Cái Khác”. Và trong cái nghĩa này thì “cần chạm được tới những từ ngữ được đặt ở bên trong / ở đằng sau cái bề mặt của ngôn ngữ, mặt đối mặt với chúng ta lúc ban đầu”.

Sự có mặt của Cái Khác tạo ra một “tâm trọng lực”, từng chặng một, từng lúc một tràn lên như những đợt sóng, làm biến đổi toàn bộ không gian ngữ nghĩa. Quan hệ với Cái Khác, luôn dị thường, không trực diện, mới chính là cái đang “mặt đối mặt”. Vì thế “viện dẫn tới từ ngữ”, cái thao tác khớp nối này không bao giờ có thể được tạo ra được trong một không gian liên tục và thuần nhất của những ngữ nghĩa “trung tính” đang cố giành giật, chiếm đoạt vai trò kẻ phát ngôn cho văn bản. Thao tác này chỉ nảy sinh trong những không gian đa chiều, phân thớ và bị vặn xoắn. Thao tác này cũng không bao giờ có khả năng đưa ra một đánh giá “tối hậu”, một khẳng định “chắc nịch” về ý nghĩa của những “diễn ngôn” của Cái Khác. Vì thế, ngôn ngữ phải là một loại không gian trong đó không thể hy vọng tìm thấy một thứ “hệ tọa độ” để xác định chính xác mối liên hệ (về phương diện ngôn ngữ) giữa ta và những Kẻ Khác. Vì thế, không có một mẫu số chung, một véc tơ bất biến có hướng không đổi.

Nếu như ngôn ngữ tạo ra cho chúng ta một cơ hội, một địa chỉ để gặp gỡ những Kẻ Khác, cuộc gặp gỡ này không bao giờ diễn ra trên một bề mặt bằng phẳng, trong một không gian được kết cấu vững chắc của các biểu đạt, đúng hơn là một thứ quan hệ xa lạ, đầy lo âu và nghiệt ngã. Cái (cảm giác) xa lạ tuyệt đối này luôn tồn tại và hiện diện dai dẳng trước bất kỳ nỗ lực nào cố gắng thuần hóa nó, thủ tiêu nó.

Ý niệm về Ngôn ngữ như là một cách thức mà Cái Khác chèn ép lên Cái Tôi, như là một nơi chốn gặp gỡ để những Cái Khác, như là không gian được cấu tạo nên từ những đan xen nhằng nhịt của những cái xấp xỉ, của những khoảng cách vô hạn được thể hiện rất sinh động qua câu chuyện ngụ ngôn dưới đây, câu chuyện kể về một hoàng tử đã coi mình là một con gà trống.

Ngày xưa có một hoàng tử bị mắc bệnh tâm thần, anh ta nghĩ mình là một con gà trống: cởi trần truồng, anh ta chui xuống ăn ngủ dưới gầm bàn, nhặt những mẩu vụn bánh mì, những mẩu xương để ăn.

Các quan ngự y đều bó tay, Nhà vua rất khổ sở phiền não vì bệnh tình của Hoàng tử, vào một ngày, bỗng có một nhà hiền triết tới xin diện kiến Nhà vua và tuyên bố mình sẽ chữa khỏi bệnh cho Hoàng tử. Ông ta cũng cởi hết quần áo và chui xuống gầm bàn sống cùng với Hoàng tử, cùng nhặt các mẩu vụn bánh mì, các khúc xương thừa để ăn. Nhận ra sự có mặt của nhà hiền triết, Hoàng tử hỏi: “Ông là ai? ông làm gì ở đây?”. Nhà hiền triết hỏi lại: “Vậy cậu là ai?”. Hoàng tử trả lời: “Ta là một con gà trống”, nhà hiền triết liền nói: “Tôi cũng là gà trống”. Họ cùng ăn, cùng ngủ bên nhau và quen dần với sự có mặt của nhau.

Vài ngày sau nhà hiền triết ra dấu hiệu cho lính hầu đem đến một chiếc áo và nói với Hoàng tử: “Cậu có tin rằng một con gà trống có thể đi dạo chơi khắp nơi và vẫn mặc áo không? Vẫn có thể mặc áo và vẫn là gà trống được mà.. ”. Sau đấy cả hai cùng mặc vào người những chiếc áo. Sau một khoảng thời gian, nhà hiền triết lại yêu cầu lình hầu đêm đến những chiếc quần rồi ông lại nói với Hoàng tử: “Chắc cậu không nghĩ rằng nếu mặc quần thì một con gà trống sẽ không còn là gà trống?”. Rồi cả hai cùng xỏ quần vào… Nhà hiền triết cứ tiếp tục từng bước như vậy cho đến khi cả hai đã ăn mặc quần áo chỉnh tề. Nhà hiền triết lại ra dấu và những lính hầu đem đến cho họ những đĩa đầy thức ăn, ông nói: “Cậu có nghĩ rằng một con gà sau khi ăn bằng đĩa thì không còn là gà nữa không?”. Thế rồi từ đó hai người ăn bằng đĩa. Sau đó nhà hiền triết lại nói với Hoàng tử: “Cậu có nghĩ rằng một con gà thì nhất thiết phải ngồi ăn dưới gầm bàn không? Vẫn có thể vừa là một con gà trống và vừa ngồi ăn ở trên bàn được mà”… Nhà hiền triết cứ tiếp tục chữa bệnh cho Hoàng tử như vậy và cuối cùng Hoàng tử đã khỏi bệnh.

Câu chuyện trên của Rabbi Nahman Bratslav có thể xem như một ẩn dụ để nói về khả năng đưa một kẻ lạc lối, dù đã đi xa đến đâu, quay trở lại con đường của mình. Mang sắc thái tích cực, câu chuyện khơi gợi ra vai trò và những khả năng của đối thoại ngay cả khi ngôn ngữ/ lời nói với chúng ta tưởng chừng như đã bị bẻ vụn và tắt ngấm.

Xuất phát điểm của câu chuyện này là một tình huống không bình thường: Một cơn điên và Hoàng tử đang đắm chìm trong đó. Sự thay đổi ở Hoàng tử gây ra một nỗi khiếp sợ cho những người xung quanh. Những gì xảy ra trong quá trình biến thái này thực sự đáng lo ngại. Nó làm rung chuyển cái nền móng chung quen thuộc của các ngữ nghĩa. Ý niệm về sự tồn tại với tư cách một con gà trống – có vẻ như dặp tắt mọi khả năng đối thoại với Hoàng tử. Giống như một bức tường thành được dựng nên giữa anh ta và những người bình thường khác. Trong con mắt của nhà vua và các viên ngự y, Hoàng tử đã mất đi cái vị thế của mình trong không gian chung, trở thành một kẻ xa lạ, một kẻ bên ngoài, một thứ ngoại lai với hệ thống anh ta đã từng thuộc về nó. Cái “nền móng” tạo nên cái quan điểm này không gì khác ngoài cái ý tưởng cho rằng những ngữ nghĩa này là một thứ gì đó mang tính vững chắc, bất biến và đồng đều. Sự xuất hiện những đặc trưng dị biệt nơi Hoàng tử được xem như một sự lạc điệu, một sự đối lập với thế giới của những ngữ nghĩa/ ý nghĩa được coi là chung cho mọi cá thể. Cấu trúc tương phản này được thể hiện thông qua một loạt các cặp đối lập tiêu biểu: con người và con vật, mặc quần áo và khỏa thân, những bữa ăn trên bàn và dưới gầm bàn.

Chính vì vậy, mọi cố gắng của các quan ngự y để chữa chạy cho Hoàng tử chỉ là việc thủ tiêu sự đối kháng, theo họ, đang đối lập các không gian những cảm nghĩ thông thường và những suy nghĩ quái lạ mà Hoàng tử đang đắm mình trong đó. Họ tìm mọi cách lôi Hoàng tử trở lại thế giới của những sự vật thông thường và chuẩn tắc. Họ tin rằng việc đó chỉ có thể thực hiện được khi đã đè bẹp và tiêu hủy được những suy nghĩ khác biệt của Hoàng tử.

Đến lúc này chúng ta thấy sự xuất hiện của nhà hiền triết. Cách thức điều trị cho Hoảng tử của ông hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm. Quan niệm của ông không bị đóng khung cứng nhắc trong một hình ảnh lưỡng cực/ nhị phân của tình huống. Sự tiếp cận của ông với Hoàng tử dựa trên sự đối thoại. Mối quan hệ giữa nhà hiền triết và Hoàng tử không ngừng gắn kết thông qua đối thoại và dựa trên một niềm tin tưởng sâu sắc đáng ngạc nhiên. Cuộc đối thoại này, mặc dù rất kỳ lạ/ dị thường nhưng tỏ ra rất khả thi. Bằng cách đó, nhà hiền triết, con người khác biệt với tất cả các quan ngự y và triều thần đã không vội vã kết án hay xua đuổi những sự dị biệt của Hoàng tử ra khỏi cộng đồng của những ngữ nghĩa chung. Cái vực thẳm được mở ra ngăn cách giữa Hoàng tử và Cộng đồng, theo ông, không hề ngăn cản một sự hiểu biết lẫn nhau. Cũng như các viên ngự y, nhà hiền triết muốn thiết lập được một mối liên hệ giữa những suy nghĩ dị biệt của Hoàng tử và những suy nghĩ chung của cộng đồng. Nhưng trái ngược với những viên ngự y, nhà hiền triết không bao giờ coi khoảng cách được tạo ra từ nhưng suy nghĩ dị biệt của hoàng tử với những ngữ nghĩa chung là một sự đối lập. Ông đã thành công khi dẫn dắt được con trai của nhà vua từng bước trở về cuộc sống thường nhật của con người mà không tìm cách phá hủy những chiều kích dị biệt của Hoàng tử. Ông giúp cậu tìm lại được cái vị thế con vua mà không phải phủ định cái căn cước của một con gà trống. Thay vì tìm cách đối đầu, thủ tiêu những khuynh hướng “Gà” ở Hoàng tử thì nhà hiền triết chấp nhận một cách tiếp cận “thực dụng” cho phép Hoàng tử tìm thấy trong những khung cảnh “Người” một chỗ lưu trú cho những khuynh hướng dị thường của mình. Khi nhà hiền triết thuyết phục Hoàng tử mặc lại quần áo, ông đã giúp Hoàng tử trở lại với những ứng xử tạo ra ý nghĩa, giúp cho anh ta cảm nhận lại được ở mình những ý nghĩa chung mà vẫn bảo toàn được sự dị biệt độc đáo, cái dị biệt trước đó đã biến Hoàng tử thành một kẻ tuyệt đối kỳ lạ. Việc đó cho phép con trai của nhà vua quay trở lại với những phạm trù mang tính cộng đồng với cảm nhận rằng chúng “vừa xa lạ vừa gần gũi thân quen”. Anh ta đã trở thành một Hoàng tử - Gà trống hay một Gà trống - Hoàng tử.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, đến đây chúng ta thấy dường như Hoàng tử đã được chữa khỏi căn bệnh của mình, sự hỗn loạn trong nhận thức của anh ta, sự hỗn loạn làm xáo trộn cái thế giới yên bình của những cảm nghĩ công cộng, những cảm nghĩ thông thường giờ đây đã thuộc về quá khứ? Trật tự đã được khôi phục trở lại? Dường như mọi thứ đã kết thúc như vậy.

Nhưng nếu tiến hành đọc chăm chú hơn, kỹ lưỡng hơn câu chuyện này, chúng ta sẽ đi tới một nhận định hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ nhận thấy mọi việc không đơn giản như thế. Câu chuyện này thực ra đã vén một bức màn che phủ cái gọi là tính khác biệt của ngôn ngữ. Đúng là con trai nhà vua đã được chữa trị. Cái vị thế quyền uy trước dân chúng của anh ta đã được thiết lập lại. Nhưng với chúng ta, những độc giả của câu chuyện này, một chuyển biến quan trọng đã xảy ra. Ngược với nhà vua và triều đình, những người làm mọi cách để thủ tiêu những chiều kích khác biệt đang đe dọa sự thanh thản hàng ngày của họ, với chúng ta cái chiều kích của sự khác biệt này không chỉ không thể phá hủy mà thậm chí còn trở thành yếu tố chế ngự. Hoàng tử đã trở lại là Hoàng tử, nhưng chúng ta không thể bỏ qua cái sự kiện rằng dẫu có là Hoàng tử, anh ta vẫn tiếp tục nghĩ về/ sáng tạo ra thế giới trong cái nhìn của loài gia cầm. Tính thuần nhất của cái không gian ngữ nghĩa đã bị phá vỡ, giống như sự phá sản của cái ý tưởng xác quyết rằng các ngữ nghĩa có thể lập thành một không gian cố kết và ổn định: Việc Hoàng tử - Gà có thể ứng xử một cách thành thạo trong cái không gian ngữ nghĩa công cộng của con người mà không ai nhận thấy sự khác biệt (khi anh ta vẫn tiếp tục nghĩ mình là gà) sẽ không là cái gì khác ngoài việc chứng tỏ sự đui mù của chúng ta trong khả năng nhận ra một sự khác biệt.

Nói một cách khác, câu chuyện này dẫn dắt chúng ta tới việc phải thừa nhận rằng sự tồn tại đặc biệt của Hoàng tử trong không gian ngữ nghĩa, nói cho cùng, chẳng khác biệt gì lắm với sự tồn tại của chính chúng ta. Câu chuyện này cũng mời gọi chúng ta sáng tạo ra một cách thức mới để những khác biệt căn bản có thể tham dự vào các không gian ngữ nghĩa chung, ở đó ai cũng có phần của mình. Câu chuyện này cũng khuyến khích chúng ta đặt lại nghi vấn về những căn cước riêng, nghi vấn về tính thuần nhất / đồng đều như những bộ đồng phục của các ngữ nghĩa công cộng. Câu chuyện này cũng nhấn mạnh đến sự bất lực của chúng ta trong việc xác định và nắm bắt được một bàn đạp để thâm nhập được vào lời nói của người đối thoại với chúng ta, sự bất lực trong việc nhận dạng cái hiện thực ngôn ngữ của họ

Chúng ta phải trở lại với quan niệm của Levinas để xem xét khả năng lắng nghe ngôn ngữ của những Kẻ Khác, đó phải là việc bao quát/ thấu hiểu những “tâm trọng lực” vô hình, những độ “lệch nghĩa” vặn xoắn/hỗn độn, nảy sinh từ sự có mặt của những Cái Khác. Cách lắng nghe như thế bắt buộc chúng ta phải tập trung sự chú ý vào tình trạng “cong vênh” luôn hiện diện trong ngôn ngữ của những Kẻ Khác, sự cong vênh sinh ra từ độ lệch pha giữa một bên là các ngữ nghĩa “công cộng” mang tính thuần nhất, tĩnh tại của từ ngữ (như được ghi trong từ điển), một bên là cái cấu trúc dị thường thuộc về cái thế giới lạ lùng và không thể tiếp cận của từng cá nhân với những lịch sử chuyên biệt về trí tuệ và cảm xúc của họ.

“Lời là những cửa sổ”, Levinas đã viết như vậy. “Nếu lời chỉ tạo ra những màn hình, hãy vứt bỏ chúng”. Vì vậy một cuộc đối thoại, theo nghĩa đầy đủ nhất của nó, là một chuyển động hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau. một sự hiểu biết không tiêu hủy cái vực thẳm đang tồn tại giữa ta và Kẻ Khác, mà là chuyển hóa nó. Khi Levinas nói rằng cần lắng nghe ngôn ngữ như nhìn qua một khung cửa sổ chứ không phải ngắm nghía một màn hình (bằng phẳng, hai chiều) ông muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải nhìn cao hơn những thứ nghĩa đã bị đông cứng của từ ngữ, phát hiện ra sự giao thoa / lai tạp của các loại quy tắc tư duy, thậm chí phải rũ bỏ các quy tắc tư duy (cũ kỹ) để có thể cảm nhận được, không phải là những xác từ, những ngữ nghĩa khô cứng của từ ngữ mà là những tiếng âm vang sâu thẳm của chúng.