Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Người thiếu nữ bay qua

Dino Buzatti

Bùi Vĩnh Phúc giới thiệu và dịch

clip_image002

(Tranh Marc Chagall)

Là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất của nước Ý hiện nay, Dino Buzzati cũng là một nhà văn mà tên tuổi đã được rất nhiều tầng lớp độc giả trên thế giới yêu mến. Phong cách độc đáo trong những sáng tác đa dạng của ông đã làm cho Buzzati có được một vị trí đặc biệt trong nền văn học Ý của thế kỷ XX. Sinh năm 1906, Dino Buzzati là người con thứ hai trong một gia đình sinh sống ở Venice, Ý. Năm 1917, một năm sau khi Buzzati bắt đầu theo học tại trường Parini ở Milan, quân Áo tràn vào chiếm ngụ toà villa của gia đình ông. Sau khi chiến tranh chấm dứt, cha của Buzzati, Giulio Cesare Buzzati, qua đời vào năm 1920 và, lúc đó, được 14 tuổi, Dino bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đầu tiên nói lên những đam mê tương lai trong đời ông: yêu núi non hùng vĩ cũng như mê vẽ tranh và viết lách. Vào tháng 12 cùng năm, ông viết truyện đầu tiên của mình, “La canzone delle montagne”. Năm 1924, ông bắt đầu theo học luật tại đại học Milan, ở chính nơi đó, ngày xưa, cha ông đã từng dạy luật quốc tế. Rồi ông thi hành nghĩa vụ quân sự vào những năm 1926 và 1927. Từ ngày mồng 10 tháng Bảy, 1928, ông bắt đầu làm cho nhật báo Corriere della serra của Milan, và ông tiếp tục công việc tại đây cho đến khi chết. Vào tháng Mười cùng năm, ông tốt nghiệp luật.

Vào năm 1933, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Barnabo delle Montagne”, rồi tờ Corriere della serra gửi ông đi Palestine. Tác phẩm thứ hai của ông, “Il Segreto del Bosco Vecchio” được xuất bản sau đó hai năm. Vào tháng Sáu năm 1940, tác phẩm nổi tiếng “Il Deserto dei Tartari” được xuất bản lần đầu tại Milan. Rồi ông trải qua ba năm làm thông tín viên chiến trường trên những tàu chiến. Vào cuối cuộc chiến, “Il Deserto dei Tartari” được phổ biến toàn bộ tại Ý và tác giả của nó trở nên nổi tiếng. Thành công trên bình diện quốc tế bắt đầu khi tác phẩm này được xuất bản ở Pháp năm 1949 (với tựa đề là “Le Désert des Tartares”) trước khi được thông dịch ra khoảng 25 thứ tiếng khác. Đây là một tác phẩm đầy nét biểu tượng và triết lý, với những suy tư sâu lắng về cuộc sống và cái chết, qua hình ảnh của một người sĩ quan trẻ được đưa đến đồn trú tại một pháo đài xưa cũ nơi vùng biên giới tiếp giáp với sa mạc Tartares đầy nét huyền bí hoang vu. Những nét thay đổi về mặt tâm lý của người sĩ quan này, từ háo hức, mong ngóng, đợi chờ một cái gì đó quan trọng (như một chiến công chẳng hạn), đến sự mỏi mòn, kiệt quệ để thấy năm tháng của đời mình bị kéo lê, bị tiêu mòn hoang phí cùng với những hy vọng mong manh vô ích. Dòng chảy của thời gian cứ mỗi ngày mỗi ập tới. Nó là một cái gì bất khả cưỡng chống và có tác dụng gặm mòn tất cả. Cả cuộc sống và những ước vọng xanh tươi của đời người. Cái còn lại chính là thái độ của con người khi đứng trước cái chết.

Có những đánh giá cho rằng Buzzati, qua chuyện này, gần với Kafka trong tính cách tạo ẩn dụ và cho những biểu tượng mình những dấu ấn siêu thực. Và cuộc đời này chỉ là một chuỗi những phi lý. Nhưng những nhà văn cùng thời với ông như Calvino, Beckett, Thomas Mann chẳng hạn, cũng tạo được không khí và đưa ra cái nhìn ấy trong những tác phẩm của mình. Điều làm cho Buzzati khác với Kafka chính là ở chỗ những nhân vật của ông không phải thở hít cái khí quyển đầy chất “paranoia”, cái chất độc của nỗi sợ hãi hoang tưởng mà, có những lúc, con người của thời đại chúng ta đã phải hít thở. Thật ra, có lẽ con người của thời đại chúng ta dễ nhận ra hình ảnh và tâm trạng của chính mình qua những nỗi kinh hoàng pha với nụ cười mang tính cách hóm hỉnh của Buzzati nơi những hoàn cảnh và tình tiết mà ông đưa ra trong những tác phẩm của mình hơn. Nhưng, có lẽ tác giả mà Buzzati cảm thấy gần gũi nhất trong cái nhìn về thế giới của mình là Giacomo Leopardi, một nhà thơ vĩ đại của Ý sống vào khoảng một trăm năm trước Buzzati. Leopardi đã luôn bị ám ảnh về vai trò của hy vọng trong cuộc sống con người, một niềm hy vọng mà Leopardi tàn nhẫn cho thấy chỉ là kết quả của những ảo tưởng vô vọng, nhưng, có những lúc, ông lại thấy và hạnh phúc nhận ra rằng đó là những tia sáng mong manh duy nhất mà con người còn có được trong cuộc sống mình. Những tia sáng của niềm hy-vọng-tuyệt-vọng đó luôn có thể sẵn sàng nở hoa ở những nơi chốn khô cằn nhất của cuộc đời, cũng như chúng có thể xuất hiện dưới những lốt vỏ kỳ lạ nhất của cuộc sống, những lốt vỏ mà qua đó con người ít kỳ vọng thấy chúng bừng nở nhất. Theo Leopardi, cái khuynh hướng nghiêng mình về phía ánh sáng của niềm hy vọng mong manh kia nơi con người chính là lời chúc dữ đồng thời là sự giải thoát cho con người: nó bảo đảm rằng con người sẽ phải thất vọng với cuộc nghiệm sinh của chính mình nhưng, cùng lúc, vẫn cho phép con người nhắm về hướng của những tia sáng ấy mà tiến tới, mặc cho cuộc lữ kia có lạnh lùng tàn nhẫn ra sao. Nhiều chuyện của Buzzati nằm trong hướng ấy.

Vào năm 1953, lần đầu tiên vở kịch thành công nhất của ông, “Un Caso Clinico”, được trình diễn trên sân khấu (và ba năm sau được Albert Camus phóng tác và đưa lên sân khấu Pháp). Sau đó, Buzzati tổ chức triển lãm phòng tranh cá nhân lần đầu của mình tại Milan năm 1958. Cũng trong năm đó, Buzzati nhận được một giải thưởng lớn về chuyện ngắn của Ý với một tập gồm 60 truyện ngắn của mình. Vào năm 1960, ông cho xuất bản quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng duy nhất của ông, “Il Grande Ritratto”. Năm 1961, 41 năm sau khi chồng qua đời, mẹ của Buzzati, Alba Mantovani, cũng mất. Vào năm 1964, Buzzati cho xuất bản quyển tiểu thuyết thứ năm và cũng là cuối cùng của ông, “Un Amore”, và, hai năm sau, xuất bản một tác phẩm khác, “Il Colombre”, một tập gồm 51 tuyện ngắn, và cưới Almeria Antoniazzi vào tháng Mười Hai cùng năm. Vào năm 1969, ông cho xuất bản “Poema a fumetti”, một cái nhìn hiện đại về huyền thoại Orpheus trộn lẫn với thi ca và tranh hoạt hình. Năm 1970, ông được trao giải thưởng ký giả Mario Massai cho những bài báo ông viết về con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào mùa hè 1969. Sau khi cho ra quyển sách cuối cùng, “Le Notti Difficili” (tuyển tập truyện ngắn thứ sáu của ông), Dino Buzzati chết vì bệnh ung thư vào ngày 28 tháng Một, 1972, vào tuổi 66.

Qua cuộc đời của Buzzati, ta thấy ông là một nhà văn viết truyện ngắn, một tiểu thuyết gia, một kịch tác gia, một nhạc sĩ, và một hoạ sĩ. Điều kỳ diệu hơn nữa về con người đầy sức sống và tài năng này là ông đã làm tất cả những công việc đó trong khi vẫn tiếp tục duy trì công việc chính của mình: một phóng viên báo chí tại Milan từ khi ông được 22 tuổi cho đến khi chết. Thế nhưng, là một phóng viên, Buzzati lại được cả thế giới xem là một nhà văn viết truyện huyễn tưởng nổi tiếng. Như đã nói, sách của ông được dịch ra khoảng 25 ngôn ngữ trên thế giới. Sức mạnh trong cái nhìn riêng đầy tính viễn tượng của ông đến từ việc ông trình bày những biến cố kỳ lạ, độc đáo với một văn phong hết sức “báo chí”, và chính điều này đã tạo nên một vẻ thật cho những câu chuyện ông kể. Chúng thật đến nỗi làm cho các độc giả của ông bị thuyết phục rằng những câu chuyện đầy tính huyễn tưởng mà ông kể đã trình bày được một hiện thực ở cấp cao hơn. Điều này có thể đã xảy ra do sự lo sợ thường xuyên về sự kiểm duyệt của “phát-xít” trong giai đoạn đầu thời gian ông vào nghề, tạo nên sự cần thiết cho ông trong việc phải tạo ra những lốt vỏ bọc ngoài cho những ý kiến của mình; nhưng, cũng giống như những khuôn mặt lớn của văn chương huyễn tưởng trên thế giới, có một điều mà các độc giả của ông càng ngày càng cảm nhận trong toàn bộ những sáng tác của Buzzati là cái tính chất mạnh mẽ, rõ ràng trong những câu truyện kỳ dị đầy tính ảo huyễn đó đã đến từ một nhận thức rằng có một hiện thực kỳ ảo nằm ngay dưới bề mặt mỏng manh của thế giới hiện tại. Có lần, trong một cuộc phỏng vấn, Buzzati đã nói, “Huyễn tưởng phải được mô tả càng sát với ngôn ngữ báo chí càng tốt.” Chính sự thành công trong việc đưa ra một cái nhìn này đã xếp Buzzati vào hàng ngũ của những con người như Borges, Kafka, và Italo Calvino.

Truyện ngắn “Người thiếu nữ bay qua” được giới thiệu dưới đây của Buzzati là một truyện khá ngắn, một thứ “flash fiction”, một thứ “sudden fiction”. Như thế, điều chúng ta kỳ vọng là nó sẽ “đi” rất nhanh. Nhưng không, ở đây, Buzzati, trong một thủ pháp độc đáo, đã làm cho nó chậm lại, hết sức chậm lại. Người đọc sẽ khám phá ra rằng khi họ bắt đầu câu truyện, nhân vật chính ở đây, một thiếu nữ mười chín tuổi tên Marta, nhảy từ mái nhà của một toà nhà cao tầng, một toà nhà “chọc trời”, vào lúc hoàng hôn. Toàn thể câu chuyện là để kể lại về cuộc hành trình kéo dài, đầy tính trữ tình, và càng ngày càng chậm của cô ta xuống dưới thấp. Giống như trong hình ảnh rất nghịch lý về mũi tên của Zeno, cô gái không bao giờ chạm đất. Những người sống trong những căn nhà thuộc về toà cao ốc này nhìn cô bay qua, nói chuyện với cô, và có lẽ thậm chí còn “ngã vào vòng tay tình ái” với cô nữa. Tiến độ không ngừng bình thường của dòng thời gian và những hệ quả bình thường không xoay chuyển được của nó bỗng nhiên bị neo giữ lại, bị treo lửng trong không. Thời gian chậm lại, có lẽ vì yêu Marta, đến độ nó như sẵn sàng dừng hẳn không trôi. Nói như Charles Baxter, “Thời gian và Dino Buzzati đã cấu kết với nhau để giải cứu Marta khỏi cái chết không thể nào thoát được của cô; hướng rơi theo chiều dọc bỗng xoay lại theo chiều ngang, giống như một cuộc đi dạo từ lầu trên cùng xuống tới mặt đất qua không khí.”

Chúng ta hãy thử bước vào và khám phá cái hiện thực kỳ ảo nằm ngay dưới bề mặt mỏng manh của thế giới hiện tại này.

 

clip_image004

(Từ WallpaperCave)

Marta được 19 tuổi. Cô nhìn qua mái của toà nhà cao tầng, và thấy thành phố dưới thấp kia sáng lên trong ánh hoàng hôn. Cô cảm thấy không chống cự nổi cơn chóng mặt.

Toà nhà cao tầng màu sáng bạc, hùng vĩ và nổi bật lên trong buổi tối đẹp đẽ và trong sạch. Gió thổi lơ thơ đây đó một vài sợi mây, những sợi mây nổi bật trên nền xanh dương đậm của bầu trời, một màu xanh dương thật đậm đến khó tin. Thật sự, đây chính là giờ khắc mà thành phố đang bị tràn ngập trong một niềm cảm hứng, và bất cứ người nào không mù loà đều bị nó tóm lấy. Từ độ cao chóng mặt này, cô gái nhìn thấy các đường phố và hình khối của các toà nhà cao tầng đang vặn mình trong cơn ngất cảm kéo dài của buổi hoàng hôn, và tại ngay điểm nơi mà màu trắng của những toà nhà chấm dứt, màu xanh của biển bắt đầu. Nhìn từ trên cao, biển trông như là đang dâng lên. Và bởi vì những tấm khăn mỏng của đêm đang tiến đến từ phía đông, thành phố trở nên một vực thẳm ngọt ngào đang bừng cháy với những ánh đèn đánh nhịp. Trong thành phố đó là những người đàn ông đầy quyền lực, và những người đàn bà còn nhiều quyền lực hơn nữa, những chiếc áo lông và những chiếc đàn vĩ cầm, những chiếc xe bóng loáng màu sắc như mã não, những bảng hiệu bằng nê-ông của các hộp đêm, những con đường đưa vào các dinh thự tối đen, những hồ nước, những viên kim cương, những khu vườn im lặng già cỗi, những buổi họp mặt, những thèm khát, những cuộc tình vụng trộm, và, trên hết, trò ma thuật đầy cuốn hút của buổi tối này khêu gợi lên những giấc mơ của sự vĩ đại và huy hoàng.

Nhìn thấy tất cả những điều ấy, Marta nghiêng người ra ngoài thành lan-can một cách tuyệt vọng và tự để mình rơi xuống. Cô cảm thấy là mình bềnh bồng lơ lửng trong không khí, nhưng thật sự là cô đang rơi xuống. Với độ cao đặc biệt của toà nhà, những đường phố và công viên ở mãi dưới đáy kia còn xa quá. Ai có thể biết được là còn phải mất bao lâu nữa cô mới xuống tới đó. Thế nhưng người con gái vẫn đang rơi.

Vào giờ này, những sân thượng và những ban-công của các tầng nhà trên cao đang đầy đặc những con người lịch lãm và giàu có; họ đang uống rượu và trao đổi những câu chuyện ngô nghê vô nghĩa. Họ tản ra thành từng nhóm, và câu chuyện của họ át cả tiếng nhạc. Marta rơi ngang qua họ và nhiều người ngó ra ngoài để nhìn cô.

Những chuyến bay kiểu này (đa số là do các thiếu nữ thực hiện, thật sự là vậy) cũng không phải là quá hiếm hoi nơi toà cao ốc đang nói, và chúng tạo nên một sự chia trí đầy thích thú cho những người sống tại đây. Đó cũng là lý do vì sao giá thuê của những căn chung cư này thật đắt.

Mặt trời vẫn chưa hoàn toàn lặn và nó đã làm hết sức mình để tô điểm cho bộ quần áo giản dị của Marta. Cô gái mặc một tấm áo dài mùa xuân khiêm tốn, không đắt tiền, mua dễ dàng từ cửa hàng bình dân. Thế nhưng cái ánh sáng trữ tình của buổi hoàng hôn đã phần nào làm tôn giá trị của chiếc áo lên, khiến nó trông đẹp và đắt tiền.

Từ các ban-công của những nhà triệu phú, những bàn tay lịch thiệp đưa ra về phía cô gái, với những hoa và rượu. “Thưa cô, xin mời cô uống một ly nhé?… Cánh bướm dịu dàng ơi, sao không ngừng lại một phút với chúng tôi nào?”

Cô gái cười, bay chấp chới tại chỗ, lòng đầy hạnh phúc (nhưng trong lúc đó cô ta vẫn đang rơi xuống): “Không, xin cám ơn các bạn. Tôi không thể. Tôi đang bận.”

“Cô đi đâu thế?” họ hỏi.

“Ô, xin đừng bắt tôi phải nói ra,” Marta trả lời, vẫy hai tay chào trong một điệu bộ thân thiện.

Một chàng trai, cao, da sẫm nắng, trông rất phong độ, đưa một cánh tay ra để đón bắt cô. Cô gái thích anh chàng. Thế nhưng Marta thật nhanh đã tự bảo vệ mình: “Sao anh lại dám đường đột như thế, thưa anh?” và cô cũng có đủ thì giờ để đánh nhẹ vào mũi anh chàng một cái.

Những con người đẹp đẽ này, như thế, là có quan tâm đến nàng và điều này làm cho người con gái rất lấy làm thoả mãn. Cô ta cảm thấy hớn hở và thấy mình đầy phong cách. Trên những sân thượng đầy hoa kia, giữa những người hầu bàn mặc áo trắng bận rộn đi lại và giữa dòng âm thanh tràn đầy của những bài hát xa lạ, người ta dừng lại để nói chuyện vài phút, có lẽ ít hơn, về người con gái trẻ vừa bay qua (từ trên đỉnh xuống tới đáy, theo chiều dọc dĩ nhiên). Có những người nghĩ là cô xinh đẹp, những người khác nghĩ cô trông cũng tàm tạm, nhưng ai cũng để ý đến cô.

“Cô có cả một cuộc đời trước mặt,” họ nói với cô gái, “sao cô lại vội vàng như thế? Cô vẫn còn có thời gian để chạy nhảy và bận rộn mà. Hãy ngừng lại đây với chúng tôi một lúc nữa đã. Đây chỉ là một buổi họp mặt nhỏ, khiêm tốn và trong vòng thân hữu, thật đấy mà, cô sẽ có một dịp vui.”

Cô ra dấu trả lời nhưng lực từ trường đã nhanh chóng đưa cô xuống tầng dưới, rồi hai, ba, bốn tầng dưới nữa; thật sự, đúng y như là cảnh bạn vui vẻ chạy nhảy tung tăng khi bạn chỉ mới mười chín tuổi đời.

Dĩ nhiên, khoảng không gian chia cách cô gái với mặt bằng dưới đáy kia, có nghĩa là, từ mặt đường tính lên, là bao la vô tận. Đúng là cô gái đã bắt đầu rơi được một lúc rồi, nhưng mặt đường vẫn luôn luôn có vẻ như còn rất xa.

Tuy nhiên, trong lúc đó, mặt trời đã lặn mình xuống biển; người ta có thể thấy nó biến đi, biến mình thành một chiếc nấm đỏ lung linh. Kết quả là, nó không còn chiếu ra những tia sáng sinh động để soi chiếu tấm áo cô gái và làm cho cô trở thành một vì sao chổi quyến rũ nữa. Thật hay là những cửa sổ và sân thượng của toà cao ốc hầu như là đều được thắp đèn, và ánh sáng phản chiếu dệt đầy ánh bạc lên cô khi cô từ từ bay qua.

Giờ đây, Marta không còn nhìn thấy những nhóm người thoải mái trong những căn chung cư nữa; thỉnh thoảng, cũng có những khung cảnh làm ăn với những người nhân viên, với những tấm áo choàng đen và xanh mặc ngoài, ngồi thành những hàng dài tại bàn giấy của họ. Nhiều người trong nhóm họ là những người trẻ bằng hoặc lớn hơn tuổi cô gái tí chút, và lúc này, mệt mỏi sau một ngày làm việc, thỉnh thoảng họ lại rời mắt khỏi công việc và khỏi những bàn đánh máy chữ của mình. Và như thế họ cũng nhìn thấy cô gái. Có vài người chạy đến bên cửa sổ. “Cô đi đâu đấy? Sao lại nhanh thế? Cô là ai vậy?”, giọng nói to của họ đuổi theo nàng. Người ta có thể nghe ra được một điều gì đó gần với sự ghen tị trong những lời nói ấy.

“Họ đang chờ tôi ở phía dưới kia,” người con gái trả lời. “Tôi không thể ngừng lại được. Tha lỗi cho tôi.” Và một lần nữa cô gái lại cười, vẫy tay trên đường bay xuống, nhưng tiếng cười không còn giống như tiếng cười của nàng trước đó nữa. Đêm đã trùm xuống một cách xảo quyệt và Marta bắt đầu cảm thấy lạnh.

Trong lúc đó, nhìn xuống dưới, người con gái thấy một quầng ánh sáng chói lọi chỗ cửa vào của toà nhà. Nơi đây, những chiếc xe đen bóng, dài, nối đuôi nhau đậu lại (từ một khoảng cách xa, trông chúng nhỏ như những con kiến), và bao nhiêu là đàn ông và đàn bà tuôn ra, ai cũng nôn nóng đi vào bên trong. Hình như cô gái nhìn ra ánh sáng lấp lánh của những viên kim cương trong đám đông người ấy. Trên đầu cổng vào, những lá cờ đang tung bay.

Hiển nhiên là người ta đang tổ chức một buổi party lớn, đúng là loại party mà Marta hằng mơ ước đến khi cô còn nhỏ. Chúa ơi, nàng không thể bỏ lỡ nó được. Ở dưới đó, cơ hội đang chờ đợi nàng, định mệnh, tình yêu, sự lên ngôi thật sự của đời nàng. Chẳng biết nàng có đến kịp lúc hay không?

Bỗng nàng tức giận nhận thấy có một cô gái khác cũng đang rơi xuống vào khoảng 30 mét ở phía trên nàng. Cô ta rõ ràng là xinh đẹp hơn Marta và cô mặc một bộ trang phục dạ hội khá sang trọng. Vì một lý do không sao hiểu nổi, cô nàng đang bay xuống nhanh hơn Marta, đến nỗi chỉ một lúc nữa thôi là cô gái ấy sẽ vượt qua nàng và biến mất vào đám đông dưới kia, mặc cho Marta lên tiếng gọi cô ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, cô ta sẽ đến buổi party trước Marta; có thể là cô ta đã có một kế hoạch toàn hảo để gạt nàng qua một bên.

Thế rồi nàng nhận ra là họ không cô đơn. Dọc theo toà nhà, nhiều người con gái trẻ trung khác cũng đang đâm đầu xuống. Khuôn mặt họ căng thẳng với sự phấn khích của chuyến bay, những bàn tay họ hân hoan vẫy gọi như có ý nói: hãy nhìn chúng tôi này, chúng tôi ở đây, hãy đem đến cho chúng tôi sự giải trí, thế giới này không phải là của chúng tôi hay sao?

Vậy ra đây là một cuộc thi. Và cô gái chỉ có một chiếc áo nhỏ tầm thường trong khi những người con gái khác đều ăn mặc sang trọng như những cô người mẫu cao cấp, và vài người trong nhóm còn choàng thêm những khăn choàng làm bằng lông chồn quanh những bờ vai trần của họ. Hết sức tự tin khi bắt đầu bước nhảy của mình, bây giờ Marta cảm thấy một luồng run rẩy đang lan toả và lớn dần lên trong người nàng. Có thể đó chỉ là do trời lạnh thôi; nhưng đó cũng có thể là do sự sợ hãi nữa, sự sợ hãi là đã làm một điều sai lầm mà không còn cơ hội để sửa chữa.

Bây giờ, vào buổi tối, thì mọi sự có vẻ đã chậm trễ. Những chiếc cửa sổ đang từng chiếc từng chiếc tối đen đi, những âm vang của tiếng nhạc trở nên hiếm hoi hơn, những văn phòng đã trống vắng, những chàng trai trẻ không còn vươn người bên những bậu cửa sổ để chìa những bàn tay của họ ra. Bây giờ là mấy giờ rồi? Chỗ lối vào của toà nhà ở bên dưới—trong lúc này đã trở nên phình to ra, và bây giờ người ta có thể phân biệt được các chi tiết về mặt kiến trúc—những ngọn đèn vẫn còn cháy sáng, nhưng sự náo động của dòng xe cộ đã không còn. Thật sự, thỉnh thoảng, vẫn có những nhóm nhỏ người túa ra từ những lối đi chính rồi mệt mỏi tản đi xa. Rồi những ánh đèn của lối vào cũng bị tắt mất.

Marta cảm thấy trái tim của nàng thắt lại. Than ôi, nàng sẽ không đến kịp buổi dạ vũ. Liếc nhìn lên phía trên, nàng thấy đỉnh tháp nhọn của toà nhà cao tầng với tất cả quyền uy độc ác của nó. Lúc này, hầu như tất cả đều hoàn toàn tối đen. Nơi những tầng nhà trên cùng, một vài chiếc cửa sổ đó đây vẫn còn chiếu sáng ánh đèn. Và ở trên cao nữa, những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh bắt đầu lan toả.

Trong phòng ăn của lầu thứ hai mươi tám, một người đàn ông vào khoảng bốn mươi tuổi đang dùng cà-phê sáng và đang đọc báo trong khi bà vợ của ông ta đang dọn dẹp lại phòng ốc. Chiếc đồng hồ trên tường điểm 8 giờ 45. Một cái bóng bất ngờ bay ngang qua cửa sổ.

“Alberto!” người vợ kêu lên. “Ông có thấy không? Một người đàn bà vừa bay qua.”

“Ai?” người đàn ông nói mà không rời mắt khỏi tờ báo. “Một người đàn bà già,” bà vợ trả lời.

“Một bà già lụ khụ. Bà lão trông có vẻ hốt hoảng.” “Luôn luôn là như vậy,” người đàn ông lẩm bẩm. Ở những tầng thấp dưới này, chỉ có những người phụ nữ già bay qua. Bà có thể thấy những cô gái đẹp từ tầng thứ một trăm năm mươi trở lên. Không phải là không có lý do mà những căn lầu trên ấy giá thuê thật là đắt tiền.”

“Ít nhất là ở dưới này cũng có ưu điểm,” bà vợ nhận xét, “là người ta có thể nghe thấy tiếng rơi đánh huỵch một cái khi mà họ chạm đất.” “Lần này thì ngay cả điều ấy cũng không có,” người đàn ông nói, lắc lắc cái đầu, sau khi ông đứng lắng nghe một vài phút. Rồi ông uống thêm một hớp cà-phê nữa.

 

(Dịch theo bản dịch tiếng Anh của Lawrence Venuti, “The Falling Girl”, in trong tập Sudden Fiction International do Robert Shapard & James Thomas biên tập / nhà xuất bản W.W. Norton & Company, New York, 1989)