Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Miêu (kỳ 2 – hết)

Khuyết Thư                                                                                                  Truyện ngắn

Trước năm giờ sáng tôi đã dậy. Thành phố vẫn mơ màng cơn say. Người trong nhà không ai thức vào giờ này, đèn sáng đột ngột khi mặt trời còn chưa ló là dấu hiệu của sự bất thường, bên đó thì không sao nhưng về đây tôi phải theo lề thói gia đình, nếu không có việc thì chưa cần bật đèn lúc trời chưa sáng, đêm là đêm, ngày là ngày, ai cũng cần ngủ đủ giấc. Tuần lễ trước, vào lúc này tôi mới bắt đầu giấc ngủ, thậm chí không có một sự ngả lưng, chợp mắt. Về nước một tháng tôi vẫn chưa làm quen với nếp sống của mọi người, tôi quờ tay lên đèn bàn rồi lại bỏ ra, cứ ngồi trên ghế, vén rèm nhìn ra cửa sổ.

Cả ngày tôi cuống cuồng đi thăm hỏi họ hàng, gặp người này người kia theo ý mẹ, qua thăm bố, gặp bạn cũ, dự mặt biết bao buổi tiệc, đi lại đến bã người nhưng vẫn khó ngủ. Ở Đức, viết chương trình Pascal là công việc phụ, nghề chính của tôi là quản lý quán bar, thêm vài việc vặt kiếm thêm ở xưởng bánh mì, đôi lúc tôi cùng nhóm hướng đạo sinh lau dọn, quét lá nhà thờ, đi dọc bãi biển nhặt vỏ chai. Quán của tôi chỉ có một tầng và đủ rộng cho sáu bộ bàn ghế, một bộ đầu đĩa ở góc với đủ thể loại nhạc phục vụ theo yêu cầu, tầng trên là nhà kho, cũng là chỗ ngủ qua đêm của tôi mỗi lúc quán mở đến ba giờ sáng, trời đẫm mưa tuyết, tôi lười, không còn tàu điện về nhà trọ. Chiều chiều, mấy ông già vô gia cư thường tìm đến quán, gọi một ly rượu vang nhắm cùng những gì có được sau một ngày nằm la liệt khắp các con phố. Tôi luôn trữ sẵn bánh mỳ để tiếp họ, tôi lờ đi mỗi khi họ luống cuống, lộn đủ các túi áo, quần tìm tiền lẻ, bỏ ngoài tai một lời cảm ơn buồn thiu.

Bánh mỳ, hambuger với mứt dâu và pho mát luôn có sẵn ở quán, rượu vang cũng vậy, thực phẩm không miễn phí nhưng vẫn có ngoại lệ. Từng có một tay đô con định ném văng một ông già ra khỏi quán với lý do ông ta vừa nôn xuống sàn. Gã viện cớ mùi hôi của ông già đã kéo đám ruồi nhặng đến vo ve nhưng tất cả không nghĩa lý gì khi đôi mắt màu biển sóng lên ngọn lửa máu. Lão ta là kẻ giết người, một con quái vật. Đã rất nhiều người lính của dân tộc tao chĩa súng vào nhân dân và bắn lên trời, lão ta thì làm ngược lại. Đáng lẽ lão ta phải bị treo cổ hay chí ít cuốn xéo khỏi đất nước này chứ không phải ăn vạ người khác bằng vẻ ngoài khốn khổ… gã bảo vậy rồi tu hết chai rượu.

Quán café sáng trưng giữa trời tối. Tuyết chưa xuống mà khí hậu buốt đến cước da. Ông già co rúm, ánh nhìn quanh quất, bởi quá nhiều con mắt chĩa về ông. Một ai đó nói gì, có một tiếng can ngăn. Bất chợt, quán lặng im đến đáng ngờ. Ông già muốn bỏ về nhưng không dám quay đi, ông ta bước thụt lùi vài bước thì vấp ngã. Thôi nào, tất cả đã qua rồi. Hãy cho người khác một cơ hội, để sống, dù với tội lỗi của mình, tôi nói thế. Rất nhanh, một người khách nói lớn Chúng tao đã phải chịu đựng quá nhiều. Một giấc mơ dữ dai dẳng thì đã tốt, lúc tỉnh dậy tao có thể đến giường con trai mình, kéo lại chiếc chăn mỏng trên cơ thể bé bỏng rồi đặt lên trán con một nụ hôn, tao có thể bước ra thật khẽ, đóng chặt cánh của rồi lên tầng, kéo rộng chiếc rèm cửa và nhìn ngắm ánh nắng rơi trên lá cây, tao sẽ uống một ly rượu vang, nhâm nhi cùng bánh mì đen, nghĩ ngợi về những buồn vui đã qua, tao sẽ đến thư viện, đọc thật nhiều chứ không phải chứng kiến hàng tấn sách thành tro bụi, tao sẽ ngủ ngon mà không cần thuốc an thần, cuối tuần tao đến rạp chiếu phim tìm kiếm sự giật gân trên màn ảnh lớn để cuộc sống không nhạt màu, thế nhưng, mày biết không, không một bộ phim nào có thể làm tao thót mình, run rẩy, chúng là những thước phim câm, thứ nước lọc vô vị bởi tao đã uống quá nhiều dầu sôi. Tao đâu còn cơ hội nắm tay con trai hay vợ mình, họ đã ngủ yên dưới đất, nhiều gia đình còn không thể tìm thấy xác người nhà, bọn tao đã phải chịu đựng như vậy còn những bàn tay thuộc đảng nhóm tàn dư của lão già kia thì nhảy nhót khắp đường phố tìm kiếm lòng tốt sau khi đã chán máu người, thật điên rồ khi những kẻ như thế vẫn tồn tại trên đời. Mày hiểu chưa, chàng da vàng, mày không thuộc dân tộc chúng tao...

Trời lạnh, tuyết bắt đầu xuống, nhưng dù tuyết có tầm tã như mưa tháng bảy, nhiệt độ xuống âm phủ trắng cả con đường vẫn không bằng căn phòng đang cóng lên từng phút. Sự im lặng nặng hơn đá tảng vạn cân. Anh chàng hung dữ kia không biết vì lý do gì sụm gối, ngửa mặt lên trời, lúc đó tôi nghĩ anh ta tìm một bức ảnh Chúa nhưng quán của tôi ngoài bức tranh Creazione Di Adamo hàng chợ treo ở quầy thì chỉ có mấy mô hình con cú dạng đèn. Ý nghĩ một lần nữa phỉnh lừa tôi rằng anh ta quỳ gối, đợi chờ tiếng chuông nhà thờ. Những cái tên. Gã gọi những cái tên, kèm theo tuổi, rất tuần tự và tôi có thể nghe rõ những con số cao thấp lẫn lộn, Luci, nửa tuần tuổi, Wendy, 20 và bào thai 4 tháng, giọng gã chậm, ngắt quãng và đủ vang để không bỏ sót lỗ tai nào, cứ đọc và đọc, không một ai tỏ vẻ khó chịu, trái lại họ nhìn về phía gã, rồi thở dài.

Một người đàn bà ngồi phía cửa quán buột một tiếng lớn và ôm mặt, làm rơi chai brandy. Tiếng thủy tinh vỡ xoảng trong sự nghiền nát. Stalin, người đàn bà nói thế lúc tự dập mạnh đầu xuống mặt bàn, thân thể run rẩy như khóc nấc. Ông già chùn chân, cúi mặt bước lùi, vấp phải tấm biển quán nên ngã dúi xuống đất, ông ta lồm cồm, bò đi giữa đêm tuyết, hôm đó tôi miễn tiền cho đám khách nhưng vài người vẫn để tiền trên bàn, tôi ngồi thế hết đêm, nghĩ ngợi mãi. Tôi vẫn chưa hiểu gì về người Đức.

“Đồ tể buông dao thì thành Phật, thế còn những oan hồn dưới dao thì sao?” – Miêu bảo vậy lúc tôi kể xong câu chuyện.

“Khi oan tình được giải, kẻ ác hối ngộ thì họ sẽ được đầu thai một kiếp khác”.

“Tại sao họ không thành Phật mà vẫn phải làm người”.

“…”

“Nếu em nói rằng hồn oan cũng thành Phật thì sao”?

“Thì quá tốt”.

“Nghĩa là đao phủ và người dân bị tế sống đều có thể đắc đạo. Ông anh quý hóa! Anh chỉ đang cố nhìn người Đức bằng tư duy người Việt, bởi thế anh không thể hiểu họ mà chỉ cố đồng hóa, làm mờ đức tin người khác vào suy nghĩ của kẻ vô thần. Em những tưởng thời gian du học sẽ giúp anh đả thông hết yếm khí, nhổ cọc ấn và mở rộng thế giới quan, ai dè anh cũng như muôn người, đi đâu cũng nặng lòng về mảnh đất nghèo nàn, còm cõi như bản mặt của một lão già bảo thủ tìm tiếng chầu văn trong dàn giao hưởng. Lạc quan với tội ác cũng là đồng lõa, anh đừng quên chính anh đã nói với em rằng thời gian bên Đức khiến anh sốc khi tìm hiểu lại lịch sử nội chiến, vậy ra thứ anh tỉnh ra sau cú sốc chỉ là thế này thôi sao”.

“Chiến tranh làm người ta tàn ác, Đông Đức và Tây Đức đã thống nhất, tầng lớp thống trị đã sụp đổ và trở thành một phần trong lịch sử nước Đức, tàn chiến thì con người cũng nên lạc quan chứ. Anh vẫn nghĩ, binh lính chỉ là nạn nhân của kẻ cầm quyền, chúa Giê-xu từng cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho người Do Thái vì họ không biết việc mình làm”.

“Lúc đó, ông ấy chưa tái sinh nên vẫn chỉ là một người trần có sức chịu đựng cao hơn người bình thường. Anh không theo đạo thì làm sao hiểu được cảm xúc của con dân nước Chúa bị cường quyền đồ sát, tận mắt chứng kiến tượng Chúa bị kéo đổ, nhà thờ bị đập, bị bửa như bửa củi rồi đốt cháy cùng trăm ngàn tiếng kêu gào, van lạy đấng tối cao, anh có nghe thấy những giọng nói tuyệt vọng làm rung chuyển thánh giá, họ cố đánh chuông để mong thượng giới nghe thấy phái thiên thần xuống nhưng đến khi lửa tắt vẫn không có phép màu nào. Anh đừng đòi hỏi về sự tha thứ, vết thương đã ăn vào xương thì không cách nào xóa được, hoặc đừng bao giờ gợi lại hoặc chỉ cái chết”.

“Em vẫn không quên được chuyện đó ư”?

“Anh lạc đề rồi. Em không sao hết”.

“Anh về đây”! – tôi nói với bàn tay mình lúc ở sân bay, những người đến đón tôi ai cũng mừng rỡ, ôm ghì lấy tôi nhưng không có Miêu, phải rồi, Miêu với tôi chỉ là anh em họ. Cũng lời này thầm thì trong đầu tôi cho đến lúc thu xếp xong chuyện gia đình, đến gặp Miêu vẫn không mở miệng được mà chỉ chào suông đứa em rồi hỏi thăm sức khỏe, “Anh về đây!” giờ thì tôi nói được nhưng dụng ý của tôi lại như một câu chào lạnh lùng. Thiết nghĩ, cuộc chuyện hôm nay chỉ nên dừng lại ở đây, đợi vài ngày, Miêu bình tĩnh lại tôi sẽ gọi điện, mời Miêu dạo phố, ăn cái gì đó.

***

Khí hậu ở Đức khiến tôi nhiễm lạnh. Những ngày lạnh dưới âm độ, không ai ra đường, lớp tuyết trắng không xóa mờ mối băn khoăn trong đầu tôi. Náu mình trong căn phòng có lò sưởi, tôi thấy bồn chồn và muốn ra ngoài. Với một ngày lạnh cực điểm thì ý chí tôi không thắng nổi bệnh lười, cơn buồn ngủ ru tôi vào trạng thái vô vọng. Thế là, tôi vớ lấy một cuốn sách đọc cho tàn cơn lạnh.

Dưới cái lạnh giết người, đoàn biểu tình vẫn phăng phăng ngoài đường phố. Họ đốt lửa, hát các bài hát của thế hệ họ. Tôi nhớ câu chuyện của một ông già người Đức về những ngày tuyết phủ nhiều đến mức nhuộm trắng những mảnh vỡ còn sót lại của bức tường ô nhục, phải mấy ngày nắng thì tuyết mới tan hết. Ông thuộc không ít hình vẽ trên các mảnh tường. Họ vẽ các hoa văn, đường bút họa tích ra một khuôn mặt hãi hùng, một cái tên bằng tiếng Đức, một câu thơ ngắn. Có một bức hình vẽ một đường sét chẻ dọc, phần tường của bức họa đã rệu rã, tình cờ những đường nứt vạch quanh đường sét khiến nó uy lực hơn, nhìn chếch ở một góc khác, ông thấy các vết nứt đã làm nhòa lưỡi sét trong hình dạng một nhánh rễ cây. Hình vẽ chiếc lông vũ đen nằm đó không biết bao nhiêu lâu. Mưa nắng mặc mưa nắng, gió tuyết hay sấm rền, chiếc lông vũ vẫn đứng đó. Tuyết đóng rồi tuyết cũng tan.

Người vẽ bức hình này không hẳn là họa sĩ, có lẽ y chỉ là một thường dân đã sống trong giai đoạn bức tường được dựng lên, cắt đôi nước Đức, một chạm khắc của nhân chứng lịch sử. Tuổi thọ của bức vách già đời hơn tôi, hình vẽ không cũ đi cùng sự vôi hóa, rong rêu, ngược lại, sự hoang hóa của thời gian đã phết đường cọ sắc lên hình vẽ. Sợi lông vũ được vẽ cong, uyển chuyển như rơi trên gió. Bức hình được chạm khắc rất sâu, bén vào bên trong như liền làm một. Tôi từng nghĩ đến loài bồ câu đen nhưng hình vẽ quá đặc dị so với lông cánh của sứ giả nước Trời. Một con thú bay lớn, thuộc hàng chiến binh chăng. Chiếc lông vũ dính lại trong lớp tường đá nhưng tầm cánh nó đã bay cả ngàn dặm, xuyên vút những đường đạn, những mệnh lệnh thẳng tay, phất phơ trên các xác chết lạnh cứng, sợi lông rủ xuống những đôi mắt trợn trừng nhìn về phía Tây, một cái với tay vươn lên, cố chuồi thêm một đoạn thì nát bấy sau tiếng đạn. Có lần, tôi tưởng tượng ra một cái bóng bay vút lên bầu trời, đánh rơi chiếc lông vũ, lần khác, tôi miết trí tưởng tượng vào thảm cảnh hàng trăm con chim cùng lúc đâm đầu xuống đất tự sát, trong lúc lao xuống, những sợi lông nhỏ tách đàn, lang thang trên bầu trời. Tưởng tượng vẫn chỉ là sự ấu trĩ đánh lừa bản thân, tôi vẫn không thể mơ.

Miêu. Giấc mơ cao vạn trượng, thấy mình nhẹ dần như một chiếc lá bị xua đuổi khỏi cành cây. Đứa em họ hoạt náo, lúc nào cũng ngúng nguẩy nói cười, nhõng nhẽo ăn vạ từng món đồ chơi cho đến quyển truyện tranh và những ván game thùng ở Cung Thiếu Nhi giờ đây trầm mặc, bí hiểm không khác gì loài cú mèo. Lần về nước đầu tiên của tôi, Miêu kiệm lời, ít nói nhưng vẫn tươi cười, hồ hởi, nuôi đủ thứ hoài bão, chín năm sau mọi thứ đảo sang một cảnh trạng vượt tầm nghĩ của tôi. Bởi cái chết đột ngột vì suy tim của chú Cẩm, bởi cô Linh cùng Miêu rời khỏi khu tập thể vốn nhiều thị phi đến mức đấy là lý do ngầm khiến tôi bằng mọi giá phải rời khỏi bố mẹ, rời khỏi mối quan hệ gia đình, họ hàng. Dọn ra riêng thì vẫn phải về nhà, phải chịu sự kềm tỏa của bố mẹ, chỉ còn cách du học và trụ lại bằng mọi giá. Bữa hay tin chú Cẩm, tôi chưa về được, đành gửi lời chia buồn từ xa và nhờ người nhà thắp dùm nén hương buồn, lúc về được thì lại phải đến căn hộ chung cư của cô Linh để thắp hương. Tang sự đột ngột đã làm biến động cuộc sống hai mẹ con và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đứa em ư, tôi đã nghĩ và muốn tin như thế cho đến lúc cô Linh dẫn tôi đến chỗ Miêu.

Đứng trước căn nhà ẩn sâu trong con ngõ ngoằn nghèo ở Xóm Hà Hồi, cô mở khóa, đẩy rộng cánh cửa, ngước vào nói “Miêu ơi, có anh Nam đến chơi này! Xuống tiếp anh đi!”, rồi cô quay sang tôi, bảo tôi vào còn cô lái xe máy về Cầu Giấy.

Đi cả giày, tôi bước vào trong, chưa thấy Miêu đâu, tôi đoán Miêu vừa xong việc ở phòng thu nên muốn nghỉ ngơi thêm một lúc. Căn nhà này được chú Cẩm xây bằng số tiền tích cóp nhiều năm ở xưởng cơ khí, chú tính làm xong nhà sẽ đón vợ con đến ở, tránh xa khu tập thể xô bồ, ai ngờ. Sau đó hai mẹ con cô Linh về đây, Miêu không cho phép xây nốt tầng hai, khước từ cả việc đặt lan can để phòng hờ việc ai đó đi trên mép tầng trượt ngã. Nhìn quanh, tôi gập cái chiếu cói, cuộn lại để sang một bên rồi lấy cái ghế gỗ ngồi dựa vào tường, nhìn ra cánh cửa sổ đang khóa trái.

Nghe tiếng cộp cộp, Miêu từ trên tầng đi xuống, đặt một chân xuống cầu thang, khựng lại. Bàn chân đất to lớn chứ không lèo khèo, xương xẩu như hồi Miêu học cấp Hai. Một lúc lâu, Miêu mới bước thêm chân nữa, leo xuống thang từng bước một. Miêu cao lên, béo tốt hơn ngày xưa, tóc nhuộm vàng bổ luống, để dài gáy, tai trái xỏ lỗ, đeo một cái khuyên hình lá phong. Bước xuống, xỏ dép, tôi và Miêu nhìn nhau, cùng im lặng, rồi tôi mỉm cười, hỏi thăm sức khỏe đứa em họ lâu ngày. “Trông em trẻ so với lứa người cùng tuổi”. Tôi nói vậy, Miêu gật gù rồi mở cánh cửa sổ im ỉm đầy bụi bặm. 5 rưỡi chiều, vẫn thấy nắng. Nắng hướng nghiêng vào nhà như thân cây bắc qua miệng vực. Miêu hỏi tôi uống gì, tôi tính xin một cốc nước lọc thì Miêu quyết món café, rồi vào bếp pha đồ. Một lúc sau, Miêu lấy thêm một cái ghế cùng cái bàn gập, đứa em lấy cốc café phim cỡ lớn đang nhỏ từng giọt xuống đấy cùng hai cái chén nhỏ, đợi café xuống hết thì rót ra mỗi người một chén. Café Việt không đường sữa, đắng và đặc sánh, uống một hớp là tỉnh táo.

“Em làm Seiyuu lâu chưa. Anh nghe mẹ em kể thế”. Tôi nhìn sang Miêu, thấy đứa em nhìn cúi xuống đất, khuôn mặt lạnh lùng, đôi mắt ẩn buồn thật giống với ngày David kể với tôi giấc mơ bị đóng đinh trên thánh giá. Miêu lặng đi, lấy gói thuốc Mond vị chà là ra hút, loại thuốc này nhạt nhưng mùi khói rất thơm. Tôi xin Miêu một điếu hút tạm, rờn rợn sự im lặng nên tôi hỏi tiếp:

“Cuộc sống của em có tốt không”?

“Em từng tự sát”! Lời vút ra như một mũi tên, Miêu ngẩng đầu, nhìn lên cột nắng ngoài cửa sổ.

“Tại sao”? Tôi nhìn theo hướng nắng ngả.

“…” Bập bẹ miệng rồi lặng thinh, Miêu với điếu thuốc, ngón tay run rẩy, lúc Miêu ngửa bàn tay kẹp thuốc lên, tôi thấy lòng bàn tay có hình xăm mắt mèo. Xăm kim chứ không phải vẽ mực, vị trí xăm này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Khói thuốc phì phèo vẩn vào nắng rồi trôi đi, Miêu uống chút café rồi nói:

“Em hiếm khi nói điều này với ai nhưng đã nói thì chắc chắn bị chửi, bị đay nghiến vì sự ngu xuẩn, họ ví von rằng đến một con chó còn muốn sống, một anh bạn còn bảo nếu có mặt ở đó sẽ tát vào mặt em rồi dìm đầu xuống chậu nước cho đến khi em thèm sống mà phản kháng lại, người thì gán em tội bất hiếu, sẽ phải xuống A Tỳ Đạo. Thật lạ khi anh chỉ hỏi nhưng em không ngạc nhiên vì anh sống ở nước ngoài, ở đó họ giáo dục con người sự trưởng thành”.

“Tính ra, anh cũng là kẻ thất bại. Anh không thể lấy được bằng đại học, bạn bè cùng khóa, rồi khóa sau ra trường hết, mỗi anh kẹt lại, đành bỏ cuộc, đi kiếm tiền”.

“Phương tây và các nước văn minh như Nhật, Hàn cũng hướng đến tư duy riêng, tự học tự đột phá và sáng tạo chứ không phải học lấy thành tích. Nền giáo dục ở đây chỉ nhăm nhe điểm số và hủy hoại cuộc đời học sinh vì điều đó”.

“Tại sao em lại làm thế”!

“Năm đó em mười tám, sau khi uống một lốc thuốc ngủ, em đã cầm dao cắt sâu nhiều nhát vào cái bàn tay được người ta bói rằng có tài năng, hậu vận tốt. Để xem chết vì ra máu hay vì thuốc ngủ, nhưng rồi em bị lôi vào bệnh viện, người ta rửa ruột và cầm máu. Đã không làm được gì, đến chết cũng không thể tự quyết, đúng là thảm bại”.

“Rồi sau đó”.

“Tỉnh lại, người em thấy đầu tiên là y tá thường trực của phòng bệnh chứ chẳng phải ai trong gia đình. Em ngỡ rằng mình sẽ ém được bí mật này chứ, nhưng vẫn phải trả phí điều trị, em không có tiền và còn muốn bác sĩ ban cho một mũi thuốc độc, tiếc quá, cái chết nhân đạo chỉ áp dụng ở nước ngoài và không thể tùy tiện, bệnh nhân phải trong tình trạng không cứu chữa được, phải làm đơn và có sự đồng ý của người thân. Biết thế này, em đã tự sát trong nhà hoang hoặc đợi đêm xuống, đeo ba lô đá rồi nhảy xuống biển. Thấy em ngoan cố đòi chết nên bệnh viện đã chiếu theo địa chỉ trong chứng minh thư đưa em về nhà. Mẹ em chửi loạn nhà, còn bố em lặng điếng người, may có ông bác sĩ can, gọi hai người ra ngoài nói gì đó. Người trong khu tập thể kéo nhau ra xem, bố mẹ anh xỉa xói đủ thứ chuyện. Rác tai”.

Miêu uống nốt café rồi đổ phần café còn lại trong cái cốc lớn ra hai chén. Tôi nhìn đứa em họ, chỉ biết hỏi nhẹ rồi im lặng, không dám thở mạnh, thậm chí thèm thuốc cũng không dám châm lửa.

“Cháu nó bị hạ đường huyết, ngất ở trường nên bạn bè đưa vào bệnh viện, sinh viên mà, nghèo, thành ra bác sĩ phải dìu về nhà lấy viện phí”! Giọng Miêu trầm xuống, ồm và khàn như người cứng tuổi chứ chẳng giống giọng chú Cẩm, nói xong, Miêu nói lại giọng cũ. “Bố em đã nói thế với người trong khu tập thể, một lời nói dối quá đỗi vụng về. Những ngày sau, bố mẹ thôi bỗ bã lời tục, họ lành đi và rụt rè, thận trọng trước mọi biểu cảm của em. Kể từ đó em nằm mơ nhiều hơn, em đã vứt bỏ mọi thứ ở tuổi mười tám, đời em chỉ còn cõi mộng”.

Tôi vươn tay khoác vai đứa em, chưa kịp vỗ vai thì Miêu rùng mình, quay ra với vẻ khó chịu, đôi mắt lườm trợn trắng, bàn tay nắm thành quả đấm, thấy tôi ngỡ ngàng thì cơ mặt Miêu giãn ra “Em từng nằm mơ thấy một bàn tay đẹp đẽ đang vươn đến một bóng người đứng quay lưng, bàn tay chạm được vào da thì luồn được xuống áo, luồn được thì sẽ trườn xuống, mỗi ngón tay trổ ra một cái miệng, nhai tim gặm xương cắn nát hạ bộ”. Miêu xòe bàn tay trái, giữa lòng bàn tay cũng xăm hình con mắt nhưng là mắt người chứ không phải mắt mèo. Ngoài hình xăm thì lòng bàn tay có những vết sẹo chằng chịt, chỗ nông chỗ sâu chỗ lồi, nhìn ngang giống như những dây máu trong đồng tử, nhìn nghiêng thì chỉ thấy một ký hiệu bí hiểm hình con mắt. Tôi vỗ vai Miêu rồi buông tay, chẳng biết nói gì nên chỉ cười. Hai anh em còn nói thêm gì đó cho đến khi nắng tàn hẳn, nhìn ra cửa sổ chỉ thấy màu tường rêu phong, có tiếng xe đạp, xe máy chạy ngang, lúc thì tiếng rao bánh rán, bánh tiêu, có người kêu mùa đông trời mau tối, mấy hôm nữa là gió mùa đông bắc, rét đậm rét hại, những âm thanh này chỉ có ở Việt Nam. Uống nốt chỗ café chắt từ bã, tôi đốt dần những câu hỏi về Miêu trong đầu, đến khi mọi tò mò ác ý sạch không thì tôi đứng lên, gửi lời dặn dò giữ gìn sức khỏe. Tôi ra về, mang theo hình ảnh đứa em họ thân thương như em trai ruột.

Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa tôi và Miêu đã diễn ra như vậy. Nửa tháng sau tôi mới đến gặp Miêu và cứ thế, trong thời gian về nước mỗi lần rảnh là tôi tìm đến Miêu, hàn huyên ở nhà chán thì tạt vào quán café nào đó, tôi vẫn cần Miêu dìu sang đường mỗi khi đến những tuyến phố không có đèn giao thông.

***

Mười hai năm ở Đức, tôi quen rất ít người Việt, bạn bè của tôi phần lớn là người Châu Âu định cư ở Đức, họ sống rải khắp các tiểu bang, lâu lâu mới ghé thăm tôi, bởi tôi không có nhóm bạn nào mà chơi lẻ theo từng đôi, ai cũng thân quý nên phải sắp xếp thời gian gặp từng người không khác gì chia ca giờ làm. Anh bạn da đen cùng lớp năm nào giờ đã là cảnh sát một tiểu bang ở Mỹ, mỗi lần sang Berlin, cậu lại than thở về giấc mơ tiến sĩ ngôn ngữ học, muốn xây dựng một khu bảo trợ xã hội phục vụ cho người di dân không phân biệt quốc tịch, màu da, cả khát vọng đi khắp năm châu cũng phải gác lại vì chuyện gia đình. “Tôi muốn một người vợ gốc Phi nhưng lại yêu và cưới một cô gái da trắng, hai đứa con của tôi đều trắng trẻo, Chúa thật khéo trêu đùa”. Anh bạn nói vậy, còn tôi thì cười, nói rằng “Vợ anh rất đẹp, lại là diễn viên có tiếng nhưng cô ấy chọn anh, sinh cho anh hai đứa con kháu khỉnh, thế chưa đủ sao”? Cậu bạn gật gù, nói rằng đã luôn làm tốt bổn phận người trị an nhưng lại quá thiếu thời gian dành cho gia đình, chưa bàn đến những giấc mơ hồi sinh viên, mọi thứ đều lệch quỹ đạo, nằm ngoài sự toan tính và cậu đón nhận hết. Khéo trêu đùa, có lẽ là tôi chứ không phải người bạn da đen, nhất là tình bạn lạ lùng bắt đầu từ việc đốt bài thi cùng những bằng cấp mình gánh theo như để khoe mẽ với bạn bè phương tây. Sau ngày hôm đấy, tôi đã tìm gặp cậu bạn nhiều hơn để học hỏi cách đọc cách nghĩ, bắt đầu lại việc học từ con số không. Tôi không cố làm thân, lợi dụng tri thức nhưng người trong lớp luôn dò xét, phán ngay rằng đây là một cặp bài trùng, lời tếu vậy mà hiệu nghiệm, tôi học được ở cậu bạn da đen nhiều hơn mong đợi, nhất là sự chăm chú vào nỗi lòng người khác trong vai trò cái bóng người suy tư, tôi ngắm nghía đôi mắt và biểu cảm của người bạn và chụp lại thành một giấc mơ giữa ban ngày. Ngẫm lại thì tôi đã sống một cuộc đời nhàm chán khi ở Việt Nam, tôi không có gì để kể cho ai, nỗi buồn, sự phẫn nộ, đau lòng của tôi chỉ là cảm xúc vơ vẩn của thằng trẻ con chứ nào cao quý như khi hiểu ra cái gì đó, rồi vỡ mộng, thấy tan tác mà vẫn phải cười, phải sống. Sự tối đen của lịch sử giết đi một thế hệ, phá hủy nền tảng dân khí những dân tộc thuộc phe đồng minh của cuộc chiến, liên lụy đến thế hệ sau, nạn bạo lực, bắt cóc, hãm hiếp phụ nữ, quấy rối trẻ con và phân biệt chủng tộc, trên đời còn quá nhiều thứ đáng để lo nghĩ rồi bắt tay làm cái gì đó, nhưng, tôi muốn dùng từ nhưng chứ không phải đáng tiếc, nếu như, giá mà, tôi có tâm nhưng cái tâm không đủ lớn, thiếu tầm và không có tài nên chỉ biết quan sát người khác, hưởng ứng mọi hành động vì cộng đồng trong âm thầm.

Bức tường của Đông Âu đã sụp đổ nhưng vẫn còn nhiều bức tường khác, hiện hữu vô hình ở Đức và nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi đứng ở đây không phải để chứng kiến, tầm nhìn chúng tôi xuyên qua bóng tối, giữ chặt lấy ngọn lửa giành được từ máu thịt nhân loại và luôn đòi hỏi, tranh đấu để thắp lửa, một ngọn lửa vĩnh cửu. Trách nhiệm của chúng tôi là thổi lớn ngọn lửa đến các quốc gia đang bị tù hãm bởi những bức tường sắt dây kẽm gai lẫn những bức tường vô hình. Chúng tôi không thể phá tường thay họ nên chỉ biết lên tiếng, đánh thức ngọn lửa trong bọn họ, tự định đoạt con đường giải phóng mình. Đấy là một trong số ít câu biểu ngữ của những cuộc biểu tình sinh viên mà tôi ghi chép lại trong sổ tay bằng tiếng Việt.

Quái gở, khó hiểu, lập dị không giống ai, đấy là cách những người tôi quen thân nói về Miêu. Cô Linh kể rằng đã rất bực bội, khó chịu mỗi khi thấy em ở lì trên tầng, một lần, cô lên tầng thì thấy Miêu ngồi ở bàn học nhìn mấy bức vẽ truyện tranh rồi nói nhăng cuội, nói mãi một câu với nhiều chất giọng, nhiều ngữ điệu, lúc thì cười, lúc thì khóc, gào lên, cứ như đang tập thoại kịch, “Mãi cho đến một ngày, Miêu nói muốn vay cô một khoản tiền, nếu thành tựu thì sẽ trả đủ, thất bại thì tính tiếp, cô sẵn sàng chi đủ cho Miêu và muốn hỏi rõ kế hoạch lạ đời kia nhưng lại thôi, cô sợ mình sẽ dập tắt niềm vui hiếm hoi lắm mới cháy lại của Miêu”. Hình ảnh cô Linh bây giờ và bác gái tần tảo, lầm lũi luôn ngồi trong góc nhà và dưới bếp năm nào cứ như hai người khác nhau, bởi cái chết của chú Cẩm hay bởi đời cô đã sang một ngã rẽ khác, mới mẻ, đầy thử thách.

Mười hai năm, tôi không chơi thêm với ai là người Việt, đám bạn nối khố cùng phố, học chung từ tiểu học đến cấp Ba đều đã chuyển đi, có gặp thì cũng chỉ hỏi nhau vài câu rồi im lặng, ngồi chán thì ai về nhà nấy. Người tôi mong mỏi, muốn gặp và có thể ngồi lâu và nói chuyện nhiều nhất vẫn là đứa em họ.

“Bố mẹ anh mỗi người nói một kiểu, còn anh nhìn em theo cách khác. Có lẽ, anh không thể hiểu em nhưng anh tin ở em”. Tôi nói sau bữa quà sáng Miêu mời tôi bằng tiền thưởng ở phòng thu, hai anh em ngồi ở quán café lề đường phố Đinh Lễ.

“Kể cho em cái gì đó đi, câu chuyện về cuộc đời anh”! Miêu lấy trong túi hộp thuốc lá bằng thiếc, bên trong là là những điếu mond vị chà là, táo và dâu tây.

“Biết nói gì bây giờ, cuộc sống của anh tất bật, xoay quanh chuyện kiếm tiền mưu sinh”. Tôi lấy gói thuốc Thăng Long ra rồi châm hút, về Việt Nam tôi đâm nghiền loại thuốc lá ta vị nặng nhiều khói.

“Chuyện kể của mỗi người không đến từ cuộc đời người đó mà liên quan đến những người mình quen, từng gặp hoặc chỉ gặp qua tác phẩm nhưng nhiêu đó thôi cũng giúp chúng ta hiểu thêm về vẻ đẹp nghiệt ngã của thế giới này”. Nói và giơ bàn tay, xòe ra vết xăm con mắt chằng chịt sẹo dao đã là thói quen của Miêu.

“Thời khắc tuyết xuống nhiều nhất, sương phủ hết tầm nhìn, ai ai cũng náu trong nhà, Berlin như thành phố tuyết giá. Vẫn có những nhà hàng, tiệm café và bar mở thâu đêm, phần vì tuyết phủ hết tầm nhìn, khó lái xe, phần vì quán vẫn còn khách, có nơi mở nhạc Giáng sinh, phục vụ rượu rum, món ăn nhẹ cùng bia Đức. Tuyết rơi mãi cho đến ngày hôm sau hoặc sau đó nhiều ngày, lúc trời râm ran tuyết nhưng đã có nắng, họ tìm thấy xác một ông già ở đường Bernau, ông chết trước cửa Khu Tưởng Niệm. Giám định nghiệm thi bảo rằng ông bị chết cóng. Đấy là một homeless nên không có thân nhân hay người quen, trong lúc loay hoay thì có một vị linh mục vào bệnh viện xin làm thủ tục cầu nguyện, hỏa táng theo nghi lễ người Công Giáo. Chẳng ai quan tâm đến xác chết một ông già nhưng vị linh mục đã xin các cha làm lễ rửa tội, nhập đạo cho cái xác ông già, mọi chuyện rất khó bởi nhiều lý do đến từ nhân chứng là giáo dân. Linh mục đành chìa ra tờ giấy tìm thấy trong túi áo cái xác, dòng chữ Sie nannten mich Sense. Mein Name ist aber Sonne1 run rẩy như lời trối trăng gửi lại cuộc đời, người linh mục thuyết phục mãi, thậm chí quỳ gối trước tượng Chúa, tuyệt thực hai ngày mới được chấp thuận.

Lễ rửa tội, cầu nguyện rồi cũng xong, trong ngày an táng, linh mục đứng trước mộ ông già, nói rằng: Con cầu xin Chúa hãy mở rộng cánh cửa đón nhận Matthew Sonne! Mọi tội lỗi người hãy đóng vào ngực con và tha thứ cho linh hồn khổ này, ông ấy đã chết với khuôn mặt của một người Đức. Sau đó, có một con chim bồ câu bay ngang qua, đánh rơi sợi lông xuống mộ ông già, chẳng rõ Chúa đã nghe được thiện ý của linh mục hay chỉ là con chim lạc bầy, bởi ở đây lâu lâu vẫn có du khách rải bánh mì dụ chim chóc và sóc xuống ăn rồi chụp ảnh”. Tôi nói, rồi rít hơi thuốc, thở khói lên cao, liếc qua thì thấy Miêu đang chăm chú, gật đầu khiến bông tai lá phong lắc lư như chạm gió. “Anh vẫn mong đấy là giấc mơ, nhưng đó lại là lời tâm sự trong lá thư một người anh em. Đến giờ, anh chẳng có nổi một giấc mơ, những giấc ngủ trắng xóa”.

“Ngủ không mộng mị, không gì cả, đấy là giấc tiên, giấc ngủ của Phật”. Lời của Miêu khiến tôi bật cười, cười rõ cả hai hàm răng.

“Đời em, chỉ còn cõi mộng, nơi em có thể nương tựa, trú ẩn, em đang chạy trốn hay đang tìm kiếm hình ai giọng ai, chính em cũng không biết. Em yêu những bản epic, theme và ost trong phim, thích chí tiếng nhạc nền đầy cảm xúc rộ lên mỗi khúc cao trào, những khoảng lặng âm thầm. Mỗi lần xem lại một bộ anime yêu thích, đến khúc cao hứng, em muốn gào thét, cười khóc, nhập nhiều vai, nói nhiều ngữ điệu, nhiều bộ dạng, trái tim em đã run lên trong bản theme battle, giọng nói của Takehito Koyasu ấm, trầm đầy mê hoặc, và rồi, em chỉ có thể nhái lại mọi thứ trong phòng thu, bằng tiếng Việt, giọng người Việt. Say mê là vậy nhưng đến lúc nghe lại thì chỉ biết thở ngán, bản gốc vẫn tốt nhất”.

Đàn ông Châu Âu rất chuộng những cô gái da ngăm, nhưng da dẻ chúng tôi lại quá ngăm quá Africa. Trong các bộ phim thuộc dòng thriller thì người da đen luôn phải chết, không chết đầu phim thì giữa phim, cuối phim, vai chính luôn thuộc về một người da trắng, mỗi năm, ở Mỹ có bao nhiêu vụ mất tích là người da đen? Với những người nhập cư hoặc không có danh tiếng, chính quyền chỉ làm cho có còn khi người da trắng mất tích thì họ hăng hái lùng sục, tìm từ manh mối nhỏ nhất, nếu người đó có quen biết với người da đen thì chúng tôi luôn là nghi vấn hàng đầu, câu nói xa lắc của cậu bạn trong cuộc rượu tối om đầy sương giá khiến tôi nhớ đến bài luận văn năm nào, tôi buột miệng nói “Tôi không phải người da trắng, máu tôi màu đỏ”. Câu nói của tôi đã đánh động, làm gián đoạn mạch kể của Miêu, tôi cười nhẹ một cái rồi tiếp tục lặng nghe, Miêu dừng kể, hớp vội hớp café, cả hai cùng im lặng, tôi nhìn ra nẻo phố hẹp còn Miêu nhìn theo chiếc lá bàng đang rơi.

“Anh có quốc tịch Đức chưa”?

“Ờm, anh không nhập quốc tịch Đức, anh là người Việt mà em”.

“Miễn là anh ở hẳn bên đó thì sao cũng được”.

“Anh vẫn còn về, ở đây anh còn gia đình, còn bố mẹ, và…”.

“Trong một giấc mơ, em thấy bức tượng Phật ngồi thiu thiu trong điện thờ không biết được xây từ bao giờ, có lẽ em đã từng thấy nơi này trong một chuyến bất chợt theo kiểu đi dạo và bây giờ em nhìn thấy một lần nữa trong cơn mơ. Một nghiên cứu về bộ não người kết luận giấc mơ là sự phóng chiếu của hiện thực theo một hướng khác chứ không phải võ đoán theo kiểu nghĩ gì mơ nấy của mấy bố đời thích ngồi mâm trên. Bức tượng quá to so với hình thể của một người và lùn đi so với cấu trúc của cái điện được cơi nới thường xuyên cả về độ cao của tầng mái lẫn không gian dành cho người thập phương. Em nghĩ con chuột đã tìm thấy một kẽ hở lý tưởng trong bức tượng để trốn tránh sự truy đuổi của lũ mèo, con vật trú mình, dường như trước đó đã có một con vật mạnh mẽ đục sẵn lối đi nên con chuột chỉ việc bò sâu vào trong, cứ thế đi dọc ngang trong thân tượng. Con chuột bò nhanh hơn, hăm hở rằng sẽ tìm thấy kho gạo bên trong bức tượng. Cảnh mơ dẫn em dõi theo con chuột và nhập một phần hồn vào thân chuột, em cảm thấy mình luồn đi bằng bốn chân, thấy ngứa ngáy bởi lớp lông dày lúc nhúc bọ ký sinh, cái mõm nhọn đánh hơi dò đường, thân tượng tối om nhưng em vẫn tường tận lối đi, những quãng rẽ, chỗ cao chỗ thấp…cho đến lúc giật thót, nẩy hai chân lên rồi vỡ mộng đột ngột, đầu óc choáng váng, em ngồi trên giường một lúc để hồi tỉnh, nhớ được con chuột đã tìm thấy ánh sáng cuối đường nên lao vút đến, đâm thốc như đầu đạn rồi mắc kẹt giữa bàn tay Phật, con vật không thể bò ra cũng không thể bò về đường cũ, cái đầu chuột bị kẹp giữa lòng bàn tay khắc chữ Vạn, bao nhiêu kẻ đang quỳ lạy dâng lễ cúng dường, thỉnh cầu một phép độ nhưng thật vô ích, đám người chỉ thấy bức tượng đá chứ không thấy con vật bé nhỏ đang chết mòn trong cơn đói”.

Miêu vừa kể vừa ngửa bàn tay có hình xăm mắt mèo lên, mái tóc vàng của đứa em vướng theo làn khói thuốc phà ra từ hai cái miệng, tôi và em, mỗi người đều gánh trên lưng điều gì đó, có những lúc muốn buông bỏ rồi lại gồng người đứng thẳng, tôi cáng trên người sự lo toan tiền nong để có thể tồn tại ở Berlin, kiếm tiền lo đủ cho cuộc sống bản thân, gửi về nhà và giúp ai đó, còn Miêu chất nặng những giấc mơ hay điều gì khác nặng nề, đau đớn không thể giãi bày, chia nhỏ cho người khác, chỉ đành âm thầm chịu đựng cả đời.

Có lúc, tôi nghĩ Miêu mộng mơ như một nghệ sỹ mà tâm tư nghệ sỹ thì khó đoán, đứa phàm phu như tôi không thể thấu nổi, lúc thì tôi nghĩ Miêu từng nhận một đòn sát thương tâm lý lớn dẫn đến nghĩ quẫn, vết thương chưa lành thì bố mất, đau đớn nhân đôi, Miêu rơi vào thế giới của hikikomori, đấy là tôi nghĩ và cố ngộ nhận, vơ lấy một câu trả lời. Điều rõ ràng nhất trong tôi vẫn là hình ảnh Miêu ngồi trên tầng hai, thả hai chân xuống, hai bàn tay đặt ngửa trên đùi, miệng lập bập nói gì đó, một câu với nhiều loại giọng, lúc trầm lúc bổng lúc như nghiến lại, tiếng Việt lồng với tiếng Nhật như nhẩm thuật chú, đứa em ngồi trong căn nhà tối, lúc tôi bật đèn lên, Miêu vẫn ngồi thế, miệng lầm bầm như đang nói với hình xăm con mắt giữa bàn tay ngửa, tôi đã giật mình khi thấy Miêu, đứa em thì bình thản, tưởng là lờ tôi đi nhưng Miêu biết hết, nghe hết. “Gia đình tan rữa là điều tất yếu, tương tự như án hình phải lưu vong vĩnh viễn của dân tộc Do Thái, khi gia đình lớn sụp đổ thì hãy dựng lên một gia đình khác”! Miêu nhắc nhở tôi hay than thở cho số phận của những gia đình nước Việt tự cổ đến nay, nhiều gia đình đã bị tàn phá bởi chiến tranh, nhiều gia đình tự hoại, mất đi sự ấm áp bởi thời thế và bởi sự u minh, thay tính đổi nết trước kim tiền, trong đó có gia đình của tôi.

“Đến đây được rồi”! – cút kít một vòng dài từ phố cổ lên Hồ Tây, vòng về Hoàng Diệu ngắm Hoàng Thành rồi ngược qua Cửa Nam, cố nán cho đến khi có tàu chạy qua phố, sau cùng ông già cyclo mới đến xóm Hà Hồi. Tôi cảm ơn ông già rồi thanh toán tiền nhưng Miêu giữ tay tôi, bảo để cậu trả, coi như trọn vẹn một cuộc gặp. Lần đầu tiên lên máy bay cũng là lúc tôi rời khỏi đất nước, lần đầu tiên tôi ngồi cyclo là khi về nước lần thứ hai, cảm giác là lạ không khác gì lần tôi sang Hong Kong ngồi xe kéo, bữa đó là hội chợ, người ta dựng lại bối cảnh Hong Kong thời kỳ tiền thuộc địa. Nhìn theo bóng ông già cyclo thấp dần phía con đường, hai anh em cùng đi vào ngõ. Đến cửa nhà, Miêu hỏi tôi về chuyến bay về Đức. “Sau rưỡi chiều!”, tôi nói cùng lời hứa sẽ đến chào Miêu lần cuối.

“Đến đây được rồi”! Miêu lại nói, bảo tôi đợi một lát rồi mở khóa vào nhà.

Một lúc sau, Miêu bước ra, nói “Anh cầm theo, về Berlin, xong xuôi việc hãy mở ra”. Trên tay Miêu là một cái đĩa DVD, phía ngoài bọc bức ảnh một chàng trai đội mũ dắt tay một bé gái, áo quần cả hai đều sờn rách, bụi bặm, xung quanh là những đóm sáng xanh lập lòe, dòng chữ Hotaru No Haka viết đậm cùng dòng in nghiêng Mộ Đom Đóm bên dưới, loại đĩa tự thâu tự lồng tiếng, có mua bản quyền và sản xuất giới hạn. Tôi mỉm cười nhận lấy rồi quàng tay ôm Miêu thật chặt.

“Em ráng mà sống tốt”! Tôi nói vậy, ôm chặt hơn, vỗ lưng Miêu, một lúc rồi mới chịu thả tay, tôi nhìn sâu vào Miêu cốt để ghi nhớ hình hài đứa em.

“Đừng lo cho em, anh cứ sống đàng hoàng như con người anh vậy”. Miêu nói, khuôn mặt vẫn buồn đến tỉnh bơ, rồi cười, nụ cười khiến đôi mắt mất hồn của Miêu sáng sủa, lẩn khuất ngọn lửa ngầm.

Tôi chào Miêu, không bắt xe mà đi bộ từ nhà Miêu, từ xóm Hà Hồi về nhà. Tôi sẽ giữ lấy chiếc đĩa, cất vào nơi kín đáo nhất trong hành lý và khi về Đức, đây sẽ là món quà quý báu nhất tôi có được trong thời gian thăm cố hương.

Không ai chết hai lần trong một đời, cũng là nơi đó, tái sinh một người và thử thách một người2. Tôi sẽ sống, mỉm cười và tôi tin Miêu cũng vậy.

19.9.2023

1 Họ gọi tôi là Sense (Lưỡi hái). Tên của tôi là Sonne (Mặt trời)

2 Nhại lại câu nói "No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man”. của triết gia Heractitus.

Kh. Th