Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

M.

Ý Nhi                                                                                                            Truyện ngắn


Chân dung Ý Nhi

Trên tấm bảng hiệu của quán, chỉ có một chữ M, viết theo lối chữ in, màu nâu sẫm, trên nền vàng nhạt.

Nhiều lần đi ngang qua quán, anh luẩn quẩn tự hỏi, M là tên chủ quán (Mai, Minh, Miên…), là một địa danh nhiều kỷ niệm (MC, MA, MN…) hay đơn giản, là chữ đầu tiên của Music, dấu hiệu của một quán cà phê ca nhạc hay chỉ là, để bày tỏ tình yêu đối với âm nhạc của chủ quán.

Nhưng anh đã không làm cái việc đơn giản, là vào quán, gọi một ly cà phê đen đá không đường, ngồi ngay dưới gốc cây khế kia, lân la trò chuyện cùng ông hay bà chủ, anh hay cô chủ, dù cái quán ấy nằm ngay nơi góc đường từ con hẻm nhà anh ra phố lớn.

Đi qua đi lại như thế mỗi ngày, mỗi ngày lại thêm những câu hỏi, kiểu như, sao không gọi là cà phê Góc phố, cà phê Chốn cũ, cà phê Mái nhà xưa (vì ngôi nhà thực sự cũ) hay điệu đà hơn Corner Coffee…

Thế rồi, cái sự luẩn quẩn ấy chấm dứt đột ngột vào một ngày tháng 6, mưa tầm tã.

***

Anh nhận sự điều chuyển của công ty đến một tỉnh trên cao nguyên.

Ngồi trong chiếc taxi sơn màu xanh lá cây ra sân bay, anh chăm chú nhìn con phố đẫm nước với dòng người được phủ kín trong những tấm áo mưa nhiều màu. Như kiểu xem một đoạn phim phong cảnh không lời.

Thiếu chút nữa thì hụt chuyến bay.

Cô tiếp viên mặc áo dài màu xanh da trời nhìn anh, cái cách của cô giáo nhìn học trò đi học trễ, lẳng lặng dùng bút bi khoanh tròn vào các mục cửa ra vào, số ghế trên phiếu lên máy bay, rồi đưa trả cho anh, cũng theo cái cách cô giáo trả một bài làm kém. Anh nói cám ơn rồi buột miệng nói thêm, mưa to quá. Wow, anh rủa thầm sự vô duyên của mình khi nhìn cô tiếp viên đang chú tâm sắp xếp chỗ giấy tờ trên bàn, chực đứng dậy rời đi.

Thay cho sự khởi đầu có phần trục trặc, chuyến bay đúng giờ và một sự chào đón vui vẻ hơn sự chờ đợi của anh

Ra sân bay đón anh là một thanh niên trạc tuổi anh, cao ráo, bảnh trai. Anh cảm thấy hình như mình có chút thất vọng. Không hiểu sao anh lại tin, người đón mình sẽ là một nữ nhân viên, hẳn là đẹp. Nhưng ý nghĩ thoáng qua này được xóa ngay khi người thanh niên vui vẻ, chìa tay, tôi là Hoa.

Hoa, hình như anh hơi nhướng mày khi nhắc lại nên chàng ta cười lớn, vốn là Lưu Ngọc Hòa nhưng khi bố tôi đi làm giấy khai sinh, họ đánh máy thiếu dấu huyền. Sai sót nhỏ, hậu quả lớn, là thế. Ngày tôi nhập học, còn bị xếp vào phòng con gái ở nội trú.

Không đợi anh đáp lời, cậu ta tiếp tục, như kiểu lâu lắm không được nói, hồi nhỏ tôi thích vẽ, chỗ nào có giấy là xuất hiện nào máy bay, nào xe tăng, nào tên lửa… Bố tôi chiều con, cho tôi thi vào trường Mỹ thuật, rớt hai năm liên tiếp. Bố tôi lại bảo tôi thích các loại vũ khí thì nên vào quân đội, tôi OK ngay nhưng họ chê tôi cận nặng quá, trả về.

Anh nhìn chiếc kính nặng trịch gọng đen to bản trên gương mặt tròn trịa của cậu ta.

Không để ý, Hoa lại tiếp tục câu chuyện của mình, tôi nghĩ mình tiêu tiền của bố mẹ nhiều quá rồi nên chọn nghề tài chính để giúp bố mẹ. Thế mà, tiền trăm, tiền triệu, tiền tỉ toàn của người khác, toàn trên giấy.

Hoa cười. Một giọng cười trong veo vỡ ra trong tiếng rù rù của máy xe đang leo dốc.

Bỏ qua giấc mơ làm một nhà văn của mình, anh đáp lời bạn bằng câu chuyện về một cô bạn thời còn học phổ thông. Cô ấy xinh xắn, hát hay, mơ làm ca sĩ. Thế mà, sau bao năm gặp lại, nàng đã là một bác sĩ thú y, say sưa kể chuyện chó chuyện mèo.

Hoa lại cười, có lẽ cuộc đời trừng phạt sự viễn vông của chúng ta nên đã bắt anh em mình gắn chặt với những gì thực tế nhất. Có người gọi cái nghề kế toán này là nghề mọt số, giống như kiểu mọt sách ấy.

Anh cảm thấy được an ủi khi nghe chàng trai líu lo đủ thứ chuyện trên chặng đường vắng vẻ, lác đác nhà cửa dài khoảng mươi lăm cây số từ sân bay về công ty. Anh nghĩ, may mà có cậu bạn vui tính giữa chốn quạnh hiu, xa lạ này.

Anh không hề biết, anh đến là Hoa sẽ đi. Hình như về một tỉnh đồng bằng nào đó, nơi công ty của họ có cơ sở thu mua các loại nông sản.

Hoa bảo, tôi sẽ nán lại vài ngày để giúp anh quen thung quen thổ.

Ngay chiều hôm sau, Hoa đưa anh tới quán cà-phê dưới chân dốc, cách trụ sở dăm bảy trăm mét.

Đường từ chi nhánh công ty đến quán nhỏ hẹp, ken dày những bụi dã quỳ sắp tàn, lác đác vài đốm vàng trong vạt cành lá ngả nâu.

Không hiểu vì lẽ gì, Hoa gần như thì thầm, đây là quán ca-phê đúng điệu, yên vắng, lịch thiệp, không có dàn karaoke và nhất là, (Hoa nhấn mạnh 2 chữ “nhất là”) ông chủ quán biết thiên kinh vạn quyển, trò chuyện rất thú vị. Một bộ bách khoa toàn thư đấy.

Gần cuối con dốc, anh nhìn thấy thấp thoáng sau hàng cây cao một mái ngói đã ngả màu.

Hoa quay lại, đấy, nó đấy, đẹp chưa anh. Anh định trả lời Hoa, bỗng sững người, nhìn tấm bảng hiệu của tiệm: Một chữ M lớn, theo kiểu chữ in, màu nâu sẫm, trên nền vàng nhạt.

Trời đất. Anh khẽ kêu lên. Hoa quay lại, chi vậy anh. Anh đáp nhỏ, không có chi.

Ông chủ vắng quán đã hai tuần, không báo tin khi nào trở lại.

Trên đưởng trở về, anh tiện tay ngắt vài bông Quỳ. Hoa bảo, hoa dại mà anh. Mai mốt, vàng rực hết cả, nhìn nhức mắt luôn.

Suốt mấy ngày sau đó, Hoa luôn miệng nói về sự không may của anh khi chưa được giáp mặt ông chủ, chưa được hưởng không khí đặc biệt của M.

Đã ngồi trên xe ra sân bay, Hoa còn nhoài người ra ngoài ô cửa, dặn anh, anh nhớ nhé, tôi nhường lại chỗ ngồi ngoài hiên, dưới gốc khế cổ thụ cho anh đấy.

Giữa khi nghe câu được câu mất của Hoa, trong đầu anh lại hiện lên hình ảnh cây khế cổ thụ, tán xòe rộng trùm kín một góc sân ở quán cà-phê M, đầu con hẻm dưới thành phố.

Anh cười, yên tâm, tớ sẽ chiều chiều ra ngồi dưới gốc khế, đem theo chiếc bao tải lớn, chờ con chim ăn quả khế trả cục vàng.

Nhưng đã hai tháng trôi qua mà anh chưa đến M.

Trong thâm tâm, anh muốn sửa sai, muốn thử bước vào cái quán có độc chữ M kỳ lạ ấy.

Nhưng, đã mấy lần ngang qua đó, đã dợm bước vào rồi lại thôi, tiếp tục thả bộ một đoạn nữa rồi quay về.

Không nhìn vào ngôi quán.

***

Chị Thu, người lo việc chợ búa, cơm nước cho cả nhóm, hỏi anh, sao chú không xuống quán M uống cà-phê. Chú Hoa cứ rảnh một cái là nhao xuống dưới ấy cứ như bị bỏ bùa vậy. Thấy anh im lặng, chị cười thành tiếng, mà quán không có tiếp viên nữ đâu nhé.

Anh đưa chiếc ấm trà nhỏ màu nâu về phía chị, em chỉ thích uống trà thôi. Em là dân Thái Nguyên, lên ba đã ngồi bên bếp xem mẹ sao trà trên chiếc chảo gang lớn, đã được cha cho nhấp môi vào chiếc cốc hạt mít bé tẹo, rồi bắt chước cha, khà một tiếng, cho ra dáng dân nghiện. Lớn lên thì thành dân nghiện chính hiệu.

Cảm thấy chưa đủ thuyết phục chị Thu về sự ngần ngại của mình, anh nói thêm, hồi mới tốt nghiệp, em cùng nhóm bạn rủ nhau đi Trung Quốc. Hàng hóa nhiều vô kể, bạn bè em, nhất là các cô gái, khuân khuân vác vác hàng đống đồ, em thì, một mình lang thang tìm cho kỳ được bộ ấm trà Tử sa.

Anh chỉ chiếc ấm Tây Thi tử nê màu nâu cho chị Thu, em cứ tha lôi bộ ấm trà theo mình, cốc vỡ cả rồi, chỉ còn mỗi chiếc ấm, thành ra mọi thứ cứ cọc cà cọc cạch, chẳng ra sao.

Chị Thu nhìn anh, vẻ bán tín bán nghi.

Anh cười, dù vậy, thế nào em cũng xuống cà-phê M, ít nhất là để khám phá nguyên cớ sự mê mẩn của Hoa. Biết đâu, chẳng có một nàng tiên xinh đẹp được giấu kín ở đó mà chỉ một mình cậu ấy nhìn thấy.Thế còn chị, chị ghé vào đó chưa.

Đột nhiên, chị Thu so vai như bị lạnh, hạ giọng, nói thật với chú, cái quán ấy nó buồn chi lạ.

***

Chi nhánh chỉ có bảy người, năm nam, hai nữ. Chị Thu là một trong hai nữ ấy.

Chị Thu dân địa phương, rành rẽ mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ. Hoa cũng từng gọi chị là cuốn “Từ điển sống”. Xem ra, cậu chàng rất thích các loại từ điển.

Có lần, chị hỏi, này chú, tôi hỏi chú chuyện này, không phải, chú cũng đừng chấp nhé. Anh cầm ly trà trên tay, ngẩng lên khi nghe chị thì thầm, chú có phải là người tu xuất không. Thoạt tiên, anh nhìn chị, không biết chị muốn nói điều gì, rỗi bỗng bật cười, sao chị nghĩ vậy.Thì thấy chú cứ im ắng, lặng lẽ, suốt ngày ôm máy tính, chẳng chịu xuống làng xuống phố chi hết, ngồi đây mà như ngồi trong tu viện, chỉ khác là không mặc áo chùng, đeo thánh giá mà thôi.

Ngừng một chút như để đợi phản ứng của anh, chị nói tiếp, chú chả giống chú Hoa tẹo nào, đúng ra là chú chả giống ai sất.

Sáng nọ, đẩy chiếc xe chở đầy thực phẩm lên đầu dốc, chị kêu to, các chú ơi, mau ra phụ chị với.

Anh vừa rời bàn đã thấy chị đứng ngay nơi bậc thềm, này, dưới cà phê M xảy chuyện gì đấy, người xúm đen xúm đỏ, lấp hết lối đi.

Anh lấy chiếc áo khoác vắt ở lưng ghế, để em xuống xem sao. Chị Thu ngăn lại, khoan đã chú, để vãn người đã, mình xuống chỉ tổ thêm ồn ã thôi.

Đến chiều thì nghe tin căn nhà sau quán, nơi ở của ông chủ, bỗng dưng bốc cháy.

Mấy ngày sau lại có tin căn nhà ấy chất đầy sách vở, tranh ảnh.

Vài người tò mò vào quán, muốn nhìn xem sự thể ra sao nhưng đã có một vách ngăn được dựng lên.

Ông chủ vẫn chưa về.

Anh vài lần ngang qua M, dừng lại giây lát rồi bước tiếp, xuôi theo con đường đã có những bông dã quỳ bung cánh, vàng rực.

Chị Thu bảo, mấy cậu tiếp viên của quán bắt ghế ngồi nhìn ra cửa, mặt buồn thiu.

Chị Thu bảo, ông chủ vẫn biệt tăm.

Ít lâu sau, chị Thu lại bảo, nghe đâu có một cái quán M dưới thành phố cũng bị cháy.

Anh gọi về thành phố, người bạn trả lời, ừ, cũng chỉ biết vậy. Có ai thiệt mạng không. Hình như không nhưng nghe đâu sách vở, tranh ảnh thì cháy rụi, bạn anh đáp. Qua đường truyền của Viber.

***

Nhân có mấy ngày nghỉ lễ, anh đi nhờ xe của trang trại trồng atisô bên cạnh công ty để về thành phố.

Xe dừng lại ngay đầu hẻm nhà anh vào lúc chập tối.

Anh sững người nhìn ngôi nhà ba tầng sơn màu trắng trên nền đất cũ của cà phê M.

Tựa mình vào gốc phượng già trên hè phố, anh tìm kiếm tấm bảng hiệu quen thuộc. Nó không còn. Ngay trên trụ cổng mới, là một tấm bảng hiệu màu xanh khá lớn. Không nhìn rõ chữ.

Anh xốc ba lô lên vai, bước vào con hẻm.

Tuấn, người bạn cùng thuê nhà đang ngồi bệt dưới sàn, tay lăm lăm chiếc remote, mắt dán lên màn hình ti vi. .

Anh hỏi, cậu đang làm gì đấy.Nghe nhạc.Anh hỏi lại, nghe nhạc à.

Cảm thấy giọng nói của anh có chi đó khác thường, bạn anh nhổm người dậy, ừ, buồn, chẳng biết làm gì, mà này, tay này hát hay đáo để. Thấy anh im lặng, Tuấn hào hứng giải thích, mà chẳng sao chẳng trăng, chẳng ưu tú, chẳng nhân dân gì đâu đấy nhé.

Anh nhìn lên màn hình. Một khuôn mặt mới tinh, còn rất trẻ, tóc dài buộc túm lại, ngồi vắt vẻo trên một tán cây lớn, vẻ thảnh thơi: Đời cho ta có mấy khi/Và ta đâu có giữ gì/ chỉ muốn mãi bình yên

Thấy mình vô cớ khiến bạn mất hứng nên anh dịu giọng, hay đấy, lúc nào thong thả tớ sẽ tìm nghe, còn bây giờ, tớ tắm ù một cái rồi ra phố, cà phê cho tỉnh người. Lễ lạt gì mà lại ngồi nhà ru rú thế này.

Thay vì rẽ trái như mọi khi, anh rẽ phải, tránh việc phải ngang qua M.

Tuấn đập đập vào lưng bạn, bên này chứ, quên đường rồi à. Anh dấm dẳng, cậu vẽ chuyện, cà phê đâu chẳng là cà phê. Đi xa xa một chút cho thoáng.

Mới 19 giờ mà quán đã đông nghẹt.

Hai người len qua những dãy bàn thấp, đầy người, tìm được một góc xa còn trống chỗ. Tuấn vừa kêu may quá bỗng cười phá lên, cậu nhìn kìa. Hóa ra chiếc bàn trống này gãy một chân, phải kê bằng gạch. Anh cười, không sao, đời cho ta có mấy khi.

Hai ly cà phê đen đá, không đường, như thường lệ.

Anh lấy thìa vớt một viên đá, bỏ lên mặt bàn, nhìn viên đá dần tan, nước lan thành một vệt dài tới mép bàn rồi nhỏ từng giọt xuống nền gạch lát màu nâu nhạt, bất chợt lặp lại, ừ, đời cho ta có mấy khi…

Tuấn cũng dùng thìa, vớt một viên đá, bỏ đúng vào nơi viên đá của anh vừa tan hết, để tớ góp vào dòng chảy của cậu. Thấy anh không đáp lời, Tuấn hất cằm, mà này, cậu sao sao ấy.

Anh giơ cao ly cà-phê, mừng cái sự “sao sao” của tớ.

***

Anh trở lại cao nguyên sớm ba ngày, trên xe của hãng X.

Chiếc xe đón khách đậu ngay trước ngôi nhà màu trắng. Qua ô cửa xe, anh bật kêu thầm khi nhìn thấy cây khế đang tỏa những cành lá xanh um che kín một góc vườn.

Dù sao, vẫn còn một cây khế.

Đó là ý nghĩ cuối cùng trước khi anh thiếp ngủ trên chiếc giường nằm êm ái đặt ngay bên khuôn cửa sổ được che bởi chiếc rèm màu xám nhạt.

Gần như ngay lập tức, anh lạc vào một giấc mơ lạ lùng. Anh và một người bạn (đôi khi là Hoa, đôi khi là Tuấn, đôi khi là chị Thu) lang thang tìm đường đến một nơi có tên gọi là M.

Lúc thì họ lạc đến khu lều chợ nghèo nàn, lác đác vài gian hàng, khi họ đứng trước ngôi biệt thự nguy nga, lúc lại dừng chân trước khu đô thị mới đông đúc hay vùng ngoại ô bạt ngàn cây xanh.

Ở mỗi nơi, họ đều tìm hỏi đường đến M.

Những người họ gặp đều vui vẻ chỉ cho họ lối đi gần nhất, dễ dàng nhất.

Họ vội vã đi theo những hướng khác nhau, những lối rẽ khác nhau, những đèo dốc khác nhau. Thế nhưng, M thì vẫn biệt tăm trong lo âu, mệt mỏi, bấn loạn, ngày một tăng thêm.

Đến một lúc, anh thấy mình đứng trơ trọi trước một nhà ga cũ, cỏ dại trùm lấp những thanh tà vẹt, những đoạn đường ray những khoảnh đất trống.

Anh bật kêu lên. Rồi tỉnh giấc.

Xe rộng rênh, vắng lặng.

Anh bước xuống sàn xe, nhìn quanh.Ngoài anh, chỉ còn một hành khách ở cuối xe, đang ngủ, hai tay choàng lên lưng ghế phía trước, mặt úp vào cánh tay.

Anh hỏi vọng lên, mọi người đâu cả rồi. Người lái xe đứng tuổi đáp lời nhưng không quay mặt lại, anh hỏi ai cơ. Những hành khách khác cùng đi với tôi ấy.Lúc lên xe tôi thấy xe kín chỗ mà. Ông ta cười khục một tiếng, anh lên xe bến nào. Thì bến chính ở thành phố. Giọng anh đã có chút hoang mang. Anh nhầm rồi, chỉ có hai người thôi. Sao ông chạy một chuyến xe đường dài mà chỉ có hai hành khách. Ông ta phá lên cười, nhiêu thì nhiêu.

Tiếng cười của tài xế đánh thức hành khách còn lại. Đó là một ông già. Ông ta vịn vào hai hàng ghế, nhích từng bước đến gần tài xế, giọng còn ngái ngủ, đến M rồi ư. Hay thật, đánh một giấc là tới nơi. Người tài xế quay lại. Cũng một ông già, M nào. Ông đặt xe tới K mà.

Anh và người khách già gần như cùng lúc cất lời, sao, ông bảo sao.Người tài xế có lẽ đã bắt đầu khó chịu, sao trăng gì, K là K thôi.

Người khách già ngồi phịch xuống chiếc ghế gần nhất, giọng mệt mỏi, đây là chuyến đi cuối cùng của tôi.

Anh ái ngại nhìn người khách rồi quay nhìn người tài xế, bất giác kêu lên, trời ơi.

Trên khuôn mặt già nua của hai người họ còn lưu dấu vẻ thông tuệ, sự từng trải cuả vầng trán, của nét môi, của ánh nhìn.

Anh bước tới, ngồi xuống bên vị khách, lặng lẽ cầm lấy bàn tay già nua đang run lên dưới tay anh.

***

Người tài xế quay lại nhìn họ hồi lâu rồi bấm một hồi còi dài, không biết để thức tỉnh hai người hay chỉ để xin đường, lách mình vượt qua chiếc xe tải kềnh càng trước mặt.

                                                                                                                    SG 10/10/2023.