Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Chùm thơ tặng Phạm Tư Thanh Thiện

 Nguyễn Duy

Tháng Tám năm 1983, chị Thiện về nước họp hành gì đó với đại biểu các hội Việt kiều Việt kiếc gì đó. Tình cờ chị ghé thăm Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ tại 43 Đồng Khởi, Sài Gòn, đúng lúc chúng tôi đang chuẩn bị chuyến công tác ra Mũi Cà Mau. Chúng tôi rủ chị nhập đoàn. Trưởng đoàn là nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nhà thơ Hoài Vũ phó đoàn. Tôi, nhà tổ chức kiêm lái xe. Chiếc xe hơi Renault 8 tòng tọc đã quá tuổi hưu, chạy một đoạn lại rơi ra một cái gì đó, tôi lại phải cột buộc bằng cuộn dây kẽm mang theo. Mà, vẫn chạy...

Đến Sa Đéc, chập chiều, chúng tôi được mời nhậu và nghỉ lại tại vườn của ông Hai Quới, một chiến sỹ dân quân hồi chiến tranh, nay là chiến sỹ thi đua nuôi trồng thuỷ sản. Ông vác theo khẩu tiểu liên carbine, ngồi đầu xuồng vỏ lải – loại xuồng nhỏ thon dài như con giun đũa, chạy bằng máy Kohler, vào tận chân cầu đường cái đón khách. Cả chủ lẫn khách, bảy tám người, dồn một xuồng mấp mé mép nước. Khách hơi run. Chủ nói đừng sợ, thêm dăm người nữa cũng không sao, chạy ngon ơ à... Ra tới giữa sông Sa Đéc, Hai Quới giương súng lên trời nã một tràng, pằng... pằng... pằng... Đón khách quí ra thăm vườn phải long trọng chứ. Và để báo cho nhà vườn xuồng sắp cặp bờ. Chủ vườn giải thích vậy.

Vườn Hai Quới nằm trên một đảo nhỏ cách đường cái dăm ba cây số, có khoảng dăm bảy gia đình sinh sống biệt lập. Mỗi khi có khách, là khách của xóm đảo luôn. Người lớn, trẻ con xúm xít chào đón. Việt kiều tụi bây ơi... Đến coi Việt kiều nè... Mấy ông nhà văn, nhà thơ Sài Gòn chả được ai xúm lại coi. Họ chỉ xúm lại coi chị Thiện, người được giới thiệu là Việt kiều từ bên Tây về nước. Lần đầu tiên xóm đảo này nhìn thấy Việt kiều, trước nay chỉ nghe nói thôi... Hoá ra cũng là người mình. Nhưng là "người mình" khác...

Chị Thiện bảo, một đêm ngủ nhà vườn ông Hai Quới, thao thức tới gần sáng. Cái gì cũng lạ, mà cảm động. Thấy đám đàn ông say bí tỉ, ngáy vang lừng, cánh đàn bà mang bình vôi đến bôi lòng bàn chân cho từng người một. Để giã rượu và kị trúng gió. Ngó ra sân, thấy ngay đầu nhà là mồ mả. Người sống thản nhiên ở chung với người thân đã chết. Đêm nghe tiếng huýt sáo nhè nhẹ trên cành cây. Rắn lục huýt gió đó, bà chủ vườn nói, nhưng đừng sợ, nó hiền lắm. Chim, chuột, rắn ở đây sống hiền hoà với người, cứ mặc kệ chúng...

Hôm sau, chúng tôi dừng lại thăm thú Cần Thơ, đón thêm nữ văn sỹ Dạ Ngân nhập đoàn. Ghé Bạc Liêu, được "thuỷ quái" Bảy Ngôi đãi một chầu cua gạch son ngon chưa từng thấy. Rồi trực chỉ Cà Mau lai rai rùa rắn với nhà thơ Lê Chí và "lều văn" trẻ Nguyễn Trọng Tín. Tín tình nguyện dẫn đoàn ra Đất Mũi, kèm theo một can 20 lít rượu đế vừa "dân vận" được.

Hành trình từ tỉnh lị Cà Mau ra đến Mũi Cà Mau mất trọn hai ngày. Chặng đầu đi tàu đò. Tàu đò là ghe lớn chạy máy dầu, có thể chở ngót nghét trăm khách. Khách đi gần, ngồi ghế băng; khách đi xa, nằm võng. Từng chùm võng san sát nhau, cùng lắc lư, cùng đung đưa, thật là trữ tình.

Đêm dừng ở Viên An, Tín xin được ông Tám Hàng, một cư dân của xóm ngư phủ, cho đoàn ngủ nhờ. Chủ nhà nơi đây bao giờ cũng sắm dư mùng màn phòng khi có khách lỡ đường ngủ nhờ. Nhà nào thiếu mùng màn, thường khi chủ nhà đành nhường khách, mà chui ngủ nóp, một loại "túi ngủ" dệt bằng cói. Muỗi đất mũi không hiền hoà chút nào, gặp người là nổi sáo tưng bừng và tấn công dữ dội. Chúng khiến cho chị Thiện Việt kiều không khỏi rùng mình, lạnh gáy, "biết thế nào là lễ độ" với... con muỗi. Sáng ra, thấy mình được ngủ trong mùng mà chủ nhà nằm co trong nóp, chị cứ xuýt xoa áy náy mãi không thôi.

Từ Viên An ra ấp Mũi phải đi bằng ghe nhỏ, vì tàu đò không đủ khách. Ghe chở chúng tôi chạy hơn nửa ngày dưới những tán đước cổ thụ giao cành từ hai bờ kinh rạch. Thỉnh thoảng qua một lò hầm (ủ) than đước, chị Thiện lại đùa: than hoa xuất khẩu đấy. Chẳng là, hồi đó, nơi nào cũng sôi sục phong trào làm hàng xuất khẩu. Cà Mau đi đầu việc phá đước nuôi tôm, đến mức bây giờ hầu như không còn một xẻo rừng đước già nào. toàn đước non mới trồng đang "nhón chân vũ nữ". Chính chị Thiện phát hiện ra cái hình ảnh "nhón chân vũ nữ" này. Nhìn cây đước thanh xuân đang uốn rễ rất điệu đàng để vươn ra khỏi bóng râm của tán đước già, chị reo lên, như cái nhón chân vũ nữ ba lê.

Chúng tôi gặp ông Sáu Nghiệp, bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp Đất Mũi để trình giấy tờ và xin giúp thu xếp chỗ ăn, nghỉ. Ông Sáu xác nhận chị Thiện là nữ Việt kiều đầu tiên đến Mũi Cà Mau từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Và ông sắp xếp chị Thiện, Dạ Ngân và tôi ăn ở tại nhà ông Ba Nhớ. Ông Bổng, ông Hoài Vũ và Trọng Tín ở tại nhà ông Hai Mong. Ông còn cho biết thêm, hồi đánh Mỹ có bốn chiến sỹ du kích nổi tiếng ở đất này, được vinh danh là Nhớ, Mong, Cách, Mạng. Nay hy sinh mất hai, chỉ còn Mong và Nhớ, vẫn là hai tổ trưởng nòng cốt của xóm ấp.

Chủ và khách cùng ngủ đêm trên một sàn ván đước rộng thênh thang, loại ván đước đại ngàn bản rộng bốn, năm chục phân, đen bóng và mát rượi. Đêm ngủ, mỗi người khách đều có mùng đơn riêng, chủ nhà, có người ngủ chung mùng đôi, cũng có người ngủ nóp. Chúng tôi dành hai ngày thăm bà con xóm ấp, đặc biệt thăm và ăn cơm với ông Tư Câu tại ngôi nhà sàn bé nhỏ tuềnh toàng của ông, ngôi nhà cuối cùng nơi đất mũi Cà Mau, cũng chính là ngôi nhà tận cùng của nước Việt. Lúc chia tay, chúng tôi xin được trả khoản tiền cơm nước và biếu chút tiền quà, nhưng cả ba nhà, Ba Nhớ, Hai Mong và Tư Câu, đều quyết không chịu nhận. Các vị từ rất xa xôi, từ tận phía bên kia địa cầu, lặn lội qua bao nhiêu đường đất hiểm nguy mà đến với chúng tôi... Đó mới là tốn kém lớn. So chi vài chén gạo...

Chị Thiện lại băn khoăn, áy náy ra mặt, ta không biết chuẩn bị quà cáp gì cả. Cứ nghĩ biếu bà con chút tiền là tiện nhất. Đâu ngờ... thành ra ta mắc nợ một món nợ không biết làm sao trả?...

Sau chuyến đi nhớ đời ấy, tôi làm được "Chùm thơ tặng Phạm Tư Thanh Thiện", đã in trong nhiều tập thơ tuyển và trong tuyển tập Thơ Nguyễn Duy (nxb Hội Nhà Văn - 2010). Hôm nay soạn lại, và "hoá vàng" gửi theo chị, chị Thiện nhé.

Sài Gòn, 5.2.2024

ND.

 

 

XUỒNG ĐẦY

 

                                             Con ơi mẹ dặn câu này

                                             Sông sâu chớ lội đò đầy chớ đi...

                                             (Ca dao)

 

Người dưng người ở đâu về

đi cùng ta một chuyến đi xuồng đầy

 

Hớ hênh nghiêng chút bên này

sông sâu chới với bàn tay chia lìa

hớ hênh nghiêng chút bên kia

giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai

 

Biết rồi!... Vai cứ kề vai

kệ cho mấp mé cả hai mạn xuồng...

 

Bưởi nhà ai chín sau vườn

gió bâng quơ thả làn hương giữa trời

cu cườm thong thả bay đôi

về đâu hỡi lục bình trôi lững lờ

 

Lau già râu tóc lơ phơ

khói sương biêng biếc mấy bờ sông xa

chiều xanh như nỗi nhớ nhà

mây bàng bạc sóng bao la bốn bề

 

Không vì thương một miền quê

tự dưng người ở đâu về lênh đênh

người đang ước ngọt mơ lành

sầu riêng đang chín trên cành phải không

 

Cũ xưa đến vậy là cùng

sao sông nước cứ trẻ trung thế này

ai xui người trở về đây

mẹ răn vẫn nhớ xuồng đầy vẫn đi...

 

(Sa Đéc, 8-1983 / Ánh trăng - 1984)

 

 

 

NẰM VÕNG ĐI RA BỂ

 

Đò chật người nêm nóng hầm hập

nhà đò treo võng ở trong khoang

nằm võng như cá mắc trên lưới

chùm người cong cong nằm sắp hàng

 

Sóng đung đưa đò đò đưa võng

võng đưa người nọ cọ người này

đằng ấy lúc lắc tớ lúc lắc

tóc tơ gì vương cả sang đây

 

Tự dưng tớ hứng hát om sòm

cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

nằm võng đi từ nguồn ra bể

kể cũng hay hay đằng ấy nhỉ

 

Tự dưng tớ hứng tớ lại im

tớ muốn kêu đằng ấy bằng em

mai sau đằng ấy có còn nhớ

một gã hát rong chẳng xin tiền

 

 (Cà Mau, tháng 8.1983 / Đãi cát tìm vàng - 1987)

 

 

 

 

 

QUÀ TẶNG

 

Gửi Th. Th.

 

Thưa liền chị

em đưa chị về thăm mũi Cà Mau

dải đất tận cùng của nước

bởi vì có rất nhiều dải đất

xếp liền nhau mà chưa tới tận cùng

 

Chút quà mọn ngày về em tặng chị

bài thơ chúng mình làm chung

bởi vì nếu chỉ riêng em

thì bài thơ này không bao giờ có

 

Như giòng sông như luồng gió

bài thơ làm chung của đất và trời

 

Như gợn sóng như giọt mưa

bài thơ làm chung của mây và nước

 

Như cây mắm như cây đước

bài thơ làm chung của biển và rừng

 

Như chúng mình

bài thơ làm chung của ngọt bùi và cay đắng...

 

Bài thơ này - chiếc xuồng độc mộc

chở một chút mộng mơ

đâu là bến đâu là bờ

thì cứ xếp liền nhau từng chút mộng mơ

xếp cho tới tận cùng đi chị ạ

 

Một chiếc xuồng nho nhỏ

với bát ngát đầu sóng ngọn gió

 

Một chiếc xuồng nho nhỏ

không tự nó mà có

cũng không tự nó mà chìm

 

Mà thôi

xin chị hãy nhìn

cây đước xanh màu xanh vô tư lự

cây đước lỡ làng cuối mũi Cà Mau

đứng nhón chân vũ nữ.

 

(Mũi Cà Mau, tháng 8.1983 / Quà tặng - 1990)

 

 

 

 

LỜI RU TỪ MŨI CÀ MAU

 

Xin cho em giấc bình yên

giữa đước

và giữa muỗi

 

Xin cho em giấc bình yên

bên cá khô

và bên đống lưới

 

Xin cho em giấc bình yên

bên bé con da bóng như sừng

bên người già nắng gió lặn trên lưng

 

Xin cho em giấc bình yên

bên tôi

và bên biển

 

Đêm đặc quánh và đen tuyền

tôi vẫn thấy

ở đằng sau hàng mi nhắm nghiền

con mắt ướt chờ trông như mắt lưới

 

Muỗi thổi sáo tưng bừng vũ hội

tôi vẫn nghe

ở đằng sau áo mỏng lạnh lùng kia

sóng cồn cào trong da thịt ấm áp

 

Em về đây từ xa lơ xa lắc

không ngẫu nhiên

và không dại dột

có lẽ nào chỉ để ngủ bình yên

một đêm

rồi tay trắng trở lại nơi xuất phát

 

Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

ở đằng sau sự chấp nhận nhọc nhằn

chấp nhận mọi tai ương bất chợt

bùn đất tiếp tục đời chất phác

người vô danh lấp trong ngàn đước

tiếp tục đời vô danh

và chiếc xuồng con tiếp tục dập dềnh

 

Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

ở đằng sau cây sào lưới khẳng khiu

con rạch mặn đục ngầu phù sa bể

cây cầu khỉ tiếp tục đời cầu khỉ

thân đước nhẵn lì vết chân nhiều thế hệ

em chông chênh em run rẩy lần qua

 

Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

ở đằng sau mái dừa nước đơn sơ

sàn gỗ đước sạch bong và mát rượi

kẻ hành hương rối tóc với rừng già

nỗi day dứt đầy mình như vết muỗi

máu em hồng lấm tấm ứa trên da

 

Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

ở đằng sau tiếng em thở không đều

tiếng sột soạt trở mình đêm khó ngủ

tiếng gió bể ào ào đi trên lá

tiếng sóng ngoài xa hào sảng đổ ầm ầm

thiên nhiên tiếng bổng tiếng trầm

còn tôi chỉ biết âm thầm ru em

 

Xin cho em giấc bình yên ...

 

(Mũi Cà Mau, 6. 8.1983 / Ánh trăng - 1984 )