Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Chị Thiện

 Từ Huy

 

Nghe tin chị Thiện ra đi, thật không thể tin nổi. Vừa mới cà phê với anh chị ở Sài Gòn hôm 1/11/2023, chỉ mới ba tháng trước thôi. Trông chị khoẻ và vui.

Chị đã đón tôi rất nhiều lần ở căn hộ của anh chị trước đây, 15 Cours des Juilliottes, Maisons Alfort. Lúc này, một câu chuyện riêng tư của hai chị em chợt sống dậy rõ rệt trong ký ức tôi, và tôi chỉ muốn nói về kỷ niệm này mà thôi, bởi nó là riêng tư duy nhất của chúng tôi, và bởi nó đã tạo ra một trong những khoảnh khắc (moment) đặc biệt cho phép chúng ta xâm nhập đời sống theo một lối vào hoàn toàn mới so với trước đó, cái khoảnh khắc thường chúng ta sẽ không bao giờ quên.

Đó là năm 2007, ngày tháng nào, tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc chắn là vào một lần anh Giao đi khỏi Paris. Anh ấy vừa lên máy bay, chị liền gọi cho tôi hẹn đi chơi.

Chị dẫn tôi đến khu phố Le Marais, nơi dành cho những người thuộc nhóm LGBT ở Paris. Chúng tôi ghé một số cửa hàng khám phá đời sống của họ qua đủ loại trang phục, đạo cụ. Vừa đi chị vừa giải thích cặn kẽ cho tôi giới LGBT ở đây có những đặc điểm gì, sinh hoạt của họ ra sao, và nhất là lịch sử đấu tranh của họ. Tôi nói đùa, trêu chị: “Anh Giao vừa đi là chị dẫn em đến đây sao? Chị không giấu anh ấy phương diện nào đó trong đời sống của chị chứ?” Chị cười phá lên và nói rằng vài hôm nữa sẽ dẫn tôi tới buổi khai mạc một liên hoan phim lesbian (đồng tính nữ) và nữ quyền, vậy nên chị muốn cho tôi tìm hiểu trước về vấn đề này và về thực tế của giới đồng tính ở Pháp.

Suốt cả buổi chiều, chúng tôi dạo bước ngắm phố phường và các cửa hiệu. Rồi chị đưa tôi vào một quán cà phê ở nơi trung tâm nhất của khu vực đó. Hình như là Café 3W, tôi không chắc lắm với cái trí nhớ vốn từ lâu đã suy tàn của mình. Nhưng đấy là một trong những quán cà phê điển hình của giới LGBT. Ở đó lần đầu tiên tôi chứng kiến các cặp phụ nữ cà phê với nhau trong một thế giới dành riêng cho họ.

Lúc đó tôi để tóc dài, chị cắt tóc ngắn; tôi còn giữ dáng vẻ và đặc điểm một phụ nữ Á Đông truyền thống, tương đối truyền thống, chị có phong cách mạnh mẽ, dứt khoát của một người đã ở Pháp lâu năm và làm việc trong giới truyền thông, chị là Phó Ban Việt ngữ đài RFI. Có nghĩa là, nhìn bề ngoài, chúng tôi tạo thành một cặp hết ý, chị vai nam, tôi vai nữ, không gợi lên bất cứ hoài nghi nào. Chị giải thích rằng, nếu các cặp lesbian xung quanh tưởng chúng tôi cũng là một cặp thì tốt hơn, họ sẽ nhìn chúng tôi như những người cùng thế giới với họ. Để cho sống động, chị đưa tay sửa sang mái tóc của tôi. Tôi mỉm cười ý nhị để phối hợp với chị. Quả là cứ như một cặp đích thực. Chị Thiện kể về những người đồng tính mà chị biết, với một sự quý mến đặc biệt, nhất là chị đánh giá cao họ về sự chân thành và hết lòng trong tình bạn.

Ngoài đường phố, các cặp đồng tính tay trong tay chậm rãi dạo bước. Họ tận hưởng những khoảnh khắc trong một không gian dành riêng cho họ. Thỉnh thoảng chân họ dừng lại để nhường cho một nụ hôn bất chợt. Trong quán cà phê, các cặp đôi dĩ nhiên không hề ngần ngại thể hiện tình cảm với nhiều biểu hiện khác nhau, thường là mãnh liệt.

Đó thực sự là một thế giới rất khác với cái thế giới quen thuộc của tôi. Chính khu phố đó đã bổ sung ý nghĩa và nội dung sống động cho mấy từ “quyền của người đồng tính” hay “nữ quyền” trong từ điển riêng của tôi.

Mấy hôm sau, chị Thiện cho tôi tham dự buổi khai mạc Liên hoan phim lesbian và nữ quyền quốc tế của năm ấy. Chị được mời với tư cách nhà báo. Đến nơi, nhìn những người phụ nữ tập hợp ở đó, tôi có thể thấy rõ là họ rất khác biệt, gần như mọi phương diện. Và họ không cho đàn ông tham gia festival này. Chỉ duy nhất những người phụ nữ và giữa những người phụ nữ với nhau. Tôi không còn nhớ rõ các nội dung cụ thể, nhưng ấn tượng mà buổi hôm đó để lại cho tôi là sự mạnh mẽ và kiên định của những người phụ nữ có mặt ở đó. Nhưng đồng thời những gì họ đang làm và đang phải làm cho thấy cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới và nữ quyền sẽ còn phải lâu dài và khó khăn.

Trên tàu điện ngầm trở về, chị Thiện và tôi đã bình luận về một số điểm, với rất nhiều cảm xúc và thán phục. Tôi vẫn còn nhớ câu tôi hỏi chị: “Tại sao họ không cho đàn ông tham gia chị nhỉ? Nam giới cần phải biết những điều này, bởi bình đẳng giới và nữ quyền chỉ có thể được thực hiện khi những người đàn ông cũng phải có ý thức và tham gia vào đó.” Chị nói chị cũng nghĩ như vậy và không hiểu tại sao họ không muốn sự có mặt của nam giới. Có thể họ đã phải chịu những tấn công và bị tổn thương chăng?

Về sau, tôi nhớ, một vài lần, giữa những người bạn, chị có nói rằng nếu con cái chúng ta có khuynh hướng đồng tính thì chúng ta cũng hãy hạnh phúc vì điều đó.

Tôi đã khám phá rất nhiều điều ở Paris, đã “sống” (theo nghĩa là trải nghiệm đời sống và đưa nó vào trong mình) ở nhiều chiều kích khác nhau, nhiều phương diện khác nhau, đến nỗi ấn tượng không bao giờ phai trong tôi là Paris giàu có vô tận. Tôi không nói tới khía cạnh vật chất, mà đang nói tới sự giàu có về đời sống tinh thần, văn hóa, và giàu có trong những cuộc tranh đấu cho đủ mọi giá trị.

Chị Thiện đã giúp tôi hiểu về cuộc đấu tranh của những người đồng tính nữ và thế giới của họ. Chị đã khiến cho mấy từ “sự khác biệt” mở ra một chiều kích và một tương quan không ngờ trong nhận thức của tôi về thế giới này. Tôi nhận biết, những người nữ đồng tính ấy, họ khác tôi như thế nào. Và sự khác biệt đáng nói nhất là họ phải nỗ lực để vượt qua những gì mà tôi không phải trải nghiệm và không cần phải vượt qua, khi tôi được xem là một người “bình thường” như mọi người “bình thường”. Đồng thời, tôi cũng nhận ra sự khắc nghiệt và bất công của các định kiến, trong đó có định kiến về giới tính và khuynh hướng tính dục. Cái giá phải trả đôi khi là rất lớn đối với những người đấu tranh để bảo vệ sự khác biệt của mình. Chị Thiện đã cho tôi một cơ hội để cảm nhận tất cả những điều đó từ bên trong, khi chị đưa tôi đến trực tiếp với thế giới đó.

Giờ đây, dù đã chuyển đến một cảnh giới khác, nhưng chị vẫn luôn ở cùng chúng ta trên trái đất này.

Tạm biệt chị,

Từ Huy

Sài Gòn, 5/2/2024

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/tam-biet-chi-pham-tu-thanh-thien