Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Những người mê sách trên non cao

Hồ Anh Thái

image

Tên sách Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa đã xác định ngay hai yếu tố ở vị trí trung tâm của cuốn tiểu thuyết: nhà văn Pháp ở thế kỷ XIX Honoré de Balzac (1799 - 1850) với những cuốn tiểu thuyết làm thay đổi số phận của cô thợ may ở một làng miền núi Trung Quốc vào thập kỷ 1970, giữa thời Cách mạng Văn hóa.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là hai anh chàng học sinh ở Thành Đô bị gửi lên miền núi như một hình thức cải tạo. Họ chưa học hết phổ thông nhưng vẫn bị coi là “trí thức” cần được quần chúng nông dân giáo dục lại. Lao động đến kiệt lực, nhưng khi phát hiện ra anh bạn Mục Kỉnh đang cất giấu một va li tiểu thuyết Pháp thì họ như được hồi sinh. Họ đánh cắp được va li sách đó và một thế giới mới mở ra trước mắt hai chàng trai. Đấy là thời sách vở bị cấm tuyệt đối, tàng trữ sách thậm chí có thể nguy hại cả tính mạng, cho nên người mất cả một va li sách cũng không dám làm ồn ào lên.

Anh chàng mười bảy tuổi xưng “tôi” có năng khiếu chơi đàn violon, nhưng khi cậu chơi nhạc Mozart thì bị nghi ngờ truyền bá văn hóa phương Tây, phải ứng biến rằng đó là bản nhạc Mozart ca ngợi Mao Chủ tịch. Quyển sách họ đọc bị bắt gặp có chân dung Balzac thì dân bản tưởng là ông Tây Karl Marx hoặc Stalin… Còn anh bạn Lạc mười tám tuổi, láu lỉnh và thích nghi với môi trường, thì dùng tài kể chuyện mà kể lại nội dung những bộ phim tuyên truyền như Cô gái hàng hoa của Triều Tiên hoặc những tiểu thuyết hấp dẫn kỳ lạ của Balzac, Dumas, Romain Rolland… Tài kể chuyện của cậu chinh phục được nhiều người, trong đó có ông thợ may nổi tiếng nhất vùng. Và quan trọng nhất là nó làm mê say… con gái ông - cô thợ may xinh đẹp.

Vậy các nhà văn Pháp từ thế kỷ xa xôi đã làm được gì? Họ cho những cậu học sinh đang lao động cực nhọc được mơ mộng và nuôi dưỡng hy vọng ở họ. Họ cho ông thợ may trên miền núi cao được thả mình trong cuộc phiêu lưu của bá tước Monte Cristo. Họ khiến cô bé thợ may ở bản làng xa cũng tự may cho mình những bộ trang phục của thiếu nữ Pháp ở thế kỷ XIX rồi chính vì ảnh hưởng những tư tưởng của Balzac mà cô quyết định rời làng lên thành phố. Cũng những quyển sách Pháp trở thành món đổi chác với ông bác sĩ mê sách để ông giúp cô gái qua trận hiểm nghèo… Tất cả những biến chuyển này xảy ra trong bí mật, vì ở thời Cách mạng Văn hóa các loại sách phương Tây đều bị cấm ngặt.

Câu chuyện xảy ra giữa một thời loạn lạc, bản thân cha mẹ của các cậu là những bác sĩ, những văn nghệ sĩ, đang bị đấu tố giữa biển người. Nhưng Đới Tư Kiệt thu hẹp bối cảnh, chỉ tập trung vào một bản làng hẻo lánh và dường như bình lặng. Nói theo giọng của Thomas Hardy là “xa đám đông điên loạn”. Nhưng phẳng lặng là ở bề mặt, còn ẩn giấu bên trong nó là sự sục sôi khuấy động mà những cuốn tiểu thuyết Pháp đang gây ra cho mỗi người. Sách khơi lên tình yêu giữa anh chàng học sinh thành phố và cô thợ may ở bản nhỏ. Để đến với người yêu, anh chàng phải nhiều lần vừa đi vừa bò trên con đường độc đạo bé tí bên bờ vực. Mê sách và ăn trộm sách, cất giấu sách, dấm dúi đọc sách, và lén lút kể chuyện sách… Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa thực sự là một cuốn tiểu thuyết tôn vinh văn chương, đặc biệt là văn chương kinh điển của Pháp.

Đới Tư Kiệt là nhà văn Trung Quốc, năm 1984 ở tuổi ba mươi, ông sang định cư ở Pháp và bắt đầu viết văn bằng tiếng Pháp. Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là tiểu thuyết đầu tay, và ông phản ánh hiện thực Trung Quốc bằng phương pháp tiểu thuyết phương Tây. Viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai, ông không thể thả lỏng miên man theo kiểu tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc mà tiết chế, dồn nén, không kể hiện thực mà chỉ kể ấn tượng về hiện thực. Dung lượng đầy đặn như thế, biến cố nhiều như thế, tiểu thuyết Tàu có thể kéo ra dăm bảy trăm trang, nhưng Đới Tư Kiệt chỉ nén lại trong 230 trang. Hiệu quả là một cuốn sách rất hấp dẫn, tốc độ nhanh, rất nhiều thông tin và mạnh mẽ về cảm xúc.

Trên đà thành công của cuốn tiểu thuyết, Đới Tư Kiệt viết kịch bản và tự mình đạo diễn bộ phim Pháp cùng tên do Châu Tấn đóng vai cô thợ may. Bộ phim tham dự liên hoan phim quốc tế ở Cannes 2002 và được đề cử giải Quả Cầu Vàng 2003.

Bản dịch tiếng Việt Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa ra mắt năm 2003 thì một năm sau Đới Tư Kiệt sang Việt Nam để làm phim Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, vẫn là đề tài Trung Quốc nhưng diễn ra ở thời hậu Cách mạng Văn hóa. Phim có mời vào vai phụ diễn viên Như Quỳnh, Chu Hùng, nhà thơ Dương Tường, đặc biệt nhà văn Châu Diên đóng vai ông chủ vườn thuốc. Dịp đó, trong một buổi bàn việc hợp tác làm phim với các đối tác Việt Nam, Đới Tư Kiệt có tặng tôi quyển sách tiếng Việt Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa.

 

------

* Đọc lại Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, tiểu thuyết của Đới Tư Kiệt, Lê Hồng Sâm dịch, Nhã Nam và NXB Văn học.