Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Trần Dạ Từ – Thuở làm thơ yêu em

 Phạm Hiền Mây


Theo như nhà thơ Du Tử Lê từng kể lại, thì năm một ngàn chín trăm sáu mươi, nhà thơ Trần Dạ Từ cùng với một số bằng hữu của ông như Thanh Thoại, Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Đỗ Kim Ninh, đã khởi xướng phong trào đọc thơ (chỉ đọc chớ không ngâm) tại sân trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Và phong trào này, đã lan nhanh sang các trường đại học khác, làm sinh hoạt văn chương trở nên sôi nổi một thời.

Ngoài làm thơ, Trần Dạ Từ còn là một ký giả. Nhờ xuất sắc, nổi trội nhiều mặt, ông nhanh chóng có tên tuổi trong giới làm văn nghệ.

Thơ ông, trước hết là thơ tình, một cuộc tình trải dài suốt cả cuộc đời ông, từ thơ dại đến về chiều. Thơ ông còn là thơ của hoạn nạn, tù đày cùng với những nỗi muộn phiền, buồn rầu, bất ưng ý khi thế cuộc đổi thay, dâu biển.

******

Thuở Làm Thơ Yêu Em là tập thơ đầu tay của nhà thơ Trần Dạ Từ.

Tên tập thơ cũng là tên của bài thơ, mà từ lúc nó ra đời, một ngàn chín trăm năm mươi chín, đến nay, chưa lúc nào nó thôi nổi tiếng, thôi được nhắc tới. Tính ra, bài thơ, đã được tròn năm mươi lăm tuổi, vậy mà, hôm nay, đọc lại, vẫn thấy rất đỗi rưng rưng:

 

thuở làm thơ yêu em
trời mưa chưa ướt áo
hoa cúc vàng chân thềm
gió may lưng bờ giậu

chiều sương đầy bốn phía
lòng anh mấy ngã ba
tiếng đời đi rất nhẹ
nhịp sầu lên thiết tha

thuở làm thơ yêu em
cả dòng sông thương nhớ
cả vai cầu tay nghiêng
tương tư trời thành phố

anh đi rồi lại đến
bài thơ không hết lời
bao nhiêu lần hò hẹn
sớm chiều sao xa xôi

mười bảy năm chợt thức
bây giờ là bao giờ
bàn tay trên mái tóc
nghìn sau còn bâng quơ

 

Lúc viết bài thơ này, chàng trai tròn mười tám, và nhớ về cái thuở mười bảy tuổi của mình, lần đầu biết yêu.

Cái thuở ấy mới đẹp làm sao. Chiếc áo trắng học trò chưa từng lấm lem. Hoa cúc vàng chưa từng úa cánh. Và gió chỉ se sẽ heo may quấn lưng bờ giậu.

Sương đã đầy bốn phía, không chỉ một ngã ba, lòng anh giờ đây, sầu lên tràn kín lối.

Mà nào chỉ có mỗi anh đâu, cả dòng sông, cả chiếc cầu, cả bầu trời, cũng theo anh mà thương nhớ. Thương nhớ em.

Khung cảnh ấy đã không biết bao lần anh qua lại, như bao lần ta hò hẹn cùng nhau, vậy mà vẫn chưa lần gặp, vẫn cứ hoài xa xôi. Sớm chiều, một bóng.

Rồi cũng đến lúc anh gặp em. Mười bảy năm ngủ để lần đầu được thức, là phút giây anh được nhìn thấy em bằng xương bằng thịt và lúc bàn tay anh trên mái tóc em, vuốt nhẹ, thì em ơi, không chỉ là khoảnh khắc ấy – mà.

Mà cái bâng quơ, cái nhẹ nhàng rung động, cái mơn man thịt da, cái lâng lâng trong trời đất ấy, chúng trở thành, thiên thu và bất diệt.

Bài thơ thiệt là hay. Nó làm tôi nhớ đến một thuở học trò mình. Lúc ấy, chỉ một câu nói hàm ý thôi, đêm về cũng ngủ không được.

Chỉ một cái nắm tay, nói, đợi nghe, mà tôi giữ chặt trái tim mình, quyết không yêu ai, suốt một thời con gái.

Bài thơ Thuở Làm Thơ Yêu Em được cả Cung Tiến lẫn Võ Tá Hân phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

******

Một tác phẩm nữa được Trần Dạ Từ viết bằng thể lục bát có tựa đề Nụ Hôn Đầu với hai câu bất hủ: lần đầu ta ghé môi hôn / những con ve nhỏ hết hồn kêu vang, cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy chọn để phổ ca khúc với tựa đề này.

Hoàng Thanh Tâm thì sáng tác bài Đêm Hoàng Lan, phổ từ bài Mộng Đời:

 

hoa và trái một đêm nào thức dậy
nghe mộng đời xao xuyến giấc xuân xanh
con đường đó một đêm nào trở lại
cùng gió mưa phùn trên cánh tay anh

hoa bỗng nở và trái sầu bỗng chín
tim xa xưa còn đó chút trông chờ
màu thơ dại vẫn tươi màu kỷ niệm
bóng cây nào ôm mãi mắt hư vô

tháng giêng đó, anh mỉm cười bước tới
khi yêu em tay cũng mở như lòng
môi thần thánh biết gì đâu tội lỗi
lối đi nào ngây ngất bước song song?

anh sẽ nhắc trong những tàn phai ấy
đêm hoàng lan thơm đến ngọt vai mình
ai sẽ biểu trong một lần trở lại
hoàng lan xưa còn nức nở hồn anh

tháng giêng hết thôi giận hờn đã muộn
khi xa em vai mới biết đau buồn
tơ gấm biếc nào nâng từng bước chậm
trả giùm tôi về những dấu chân chim

hoa và trái đêm nay đây thức dậy
ôi mộng đời em hiểu chữ xuân xanh
con đường đó đêm này đây trở lại
cùng gió mưa phùn buốt cánh tay anh

 

Thi sĩ, dù nhiều thành công hay lắm thất bại ở trong đời, thì hết thảy, họ cũng đều có những giấc mộng riêng cho mình.

Có người, thì giấu kín. Có người, thì viết ra. Nhưng chắc chắn, cái thuở ban đầu, cái thuở còn trẻ trung, cái thuở tương lai còn là con đường dài phía trước, thì ít nhiều gì, ai cũng đều có.

Mộng này là mộng mơ, là ước mộng, là những vun quén, là những đắp xây, là những cố gắng, để mộng trở thành sự thật. Mộng này không phải mộng mị, càng chẳng phải chiêm bao, tức, những điều chỉ diễn ra trong giấc ngủ.

Trong bài Mộng Đời, Trần Dạ Từ đã gọi tên giấc mộng mình là giấc mộng xuân xanh. Ở đó, ở trong giấc mộng đó, hoa thì nở, trái thì chín và cả hai cùng thức giấc vào một đêm tháng giêng.

Đêm ấy, mùi hoàng lan vừa thơm lại vừa ngọt đầy trên vai anh.

Thơm đâu không thơm, sao lại thơm trên vai nhỉ. Ừ, thì có gì lạ đâu, người nào từng yêu cũng đều hiểu mà. Bên nhau, làm sao mà em chẳng có lúc ngả đầu trên vai anh, và hương trên mái tóc ấy, chớ còn đâu nữa, cứ hoài thế, mà thơm suốt trên vai anh thôi.

Ừ, thì có gì lạ đâu, người nào từng yêu cũng đều hiểu mà, khi yêu em tay cũng mở như lòng / môi thần thánh biết gì đâu tội lỗi / lối đi nào ngây ngất bước song song.

Thì đó, bên nhau, làm sao không vòng tay ôm. Bên nhau, làm sao môi kia không gắn vào nhau chặt. Cứ vừa ôm như thế, vừa hôn như thế, làm sao mà không ngây ngất bước song song.

Để rồi sau lần đó, sau cái đêm tháng giêng thần thánh đó, anh còn nhiều lần quay lại lối cũ. Và lần nào, cũng nguyên vẹn thế, không đổi, không thay, không khác, mãi mãi một mùi hương, vĩnh viễn một mùi hương, hương hoàng lan, thơm đến ngọt ngào, ngọt lịm trên vai áo của anh nay.

Cuộc tình nào mà không có những lúc giận hờn. Có là thi sĩ tài hoa đến thế nào, thì Trần Dạ Từ cũng không thoát khỏi những loanh quanh, luẩn quẩn thường có trong cuộc yêu. Rồi muốn quên nhau. Rồi nói lời chia xa. Nhưng, khi xa em vai mới biết đau buồn / tơ gấm biếc nào nâng từng bước chậm / trả giùm tôi về những dấu chân chim.

Bước đi, rồi thấy thiếu, là cái vai nó thiếu. Thấy buồn, là cái vai nó buồn. Rồi đòi trả này, trả kia. Ai lấy của anh đâu mà trả. Cho đáng đời anh, cái tội muốn lìa em. Đâu có dễ.

Mọi thứ đều có thể tàn phai. Cuộc đời đều có thể là mùa giông bão. Nhưng mùi hoàng lan, kỷ niệm xưa, bên em, cùng em, thì mãi mãi, còn nức nở trong hồn anh.

******

Nhưng thích nhất, với tôi, trước giờ, vẫn là bài thơ Thơ Cũ Của Nàng, được Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Người Đi Qua Đời Tôi:

 

người đi qua đời tôi
trong những chiều đông sầu
mưa mù lên mấy vai
gió mù lên mấy trời
mây mù lên mấy biển

người đi qua đời tôi
hồn lưng mùa rét mướt
đường bay đầy lá mùa
vàng xưa đầy dấu chân
lòng vắng như ngày tháng
đen tối vùng lãng quên

người đi qua đời tôi
chiều ầm vang tiếng sóng
bàn tay mềm khói sương
tiếng hát nào hơ nóng

người đi qua đời tôi
nghe những lời linh hồn
phi lao dài tiếng ru
êm ái lòng hối tiếc
trên lối về nghĩa trang
trong mộ phần tối đen

người đi qua đời tôi
không nhớ gì sao người
em đi qua đời anh
không nhớ gì sao anh.

******

Thú thiệt với các bạn, lúc tôi gõ hai câu cuối cùng, em đi qua đời anh / không nhớ gì sao anh, tim tôi ấy mà, như ai bóp nghẹt.

Vậy mới là thi sĩ đó các bạn ơi.

Nghĩa là, khi bạn đọc một câu thơ, mà bạn cảm ra được, đó chính là niềm vui của mình, chớ không ai khác, đó chính là nỗi sầu của mình, chớ chẳng thể ai vào đây. Bài thơ nào, khiến cho bạn có cảm giác như tôi vừa nói, thì bài thơ ấy, chắc chắn, là bài thơ của một thi sĩ.

Thi sĩ, đích thực.

Thì Trần Dạ Từ là thi sĩ chớ còn gì nữa, một thi sĩ có tài, có tài làm say mê bạn đọc, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngay từ bước vào khổ thơ đầu, chúng ta cũng đã dễ dàng nhận ra cái tuyệt vời trong việc sử dụng chữ thơ của ông, cái tuyệt vời trong hình ảnh mà ông đã tạo dựng nên từ những chữ thơ ấy, nó khiến cho ngay lập tức, nỗi sầu của một buổi chiều đông, buổi chiều mùa đông, ập đến như vũ bão, như muốn chụp phủ lên tất cả những ai đang hiện diện cùng bài thơ: người đi qua đời tôi / trong những chiều đông sầu / mưa mù lên mấy vai / gió mù lên mấy trời / mây mù lên mấy biển.

Đi qua.

Đi qua đời tôi.

Là sao hả các bạn? Là không dừng lại đó. Là đi luôn. Là không quay lại. Không bao giờ quay trở lại nữa.

Thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thì mưa sẽ mù. Gió cũng mù. Mây cũng mù luôn. Mù đây có nghĩa là mù mịt, vây phủ, giăng tứ phía. Vai nào chịu nổi? Trời nào chẳng đau? Biển nào chẳng nặng?

Huống hồ, em.

Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục đẩy sự chịu đựng có giới hạn của con người ta về nỗi sầu vào chốn cùng: người đi qua đời tôi / hồn lưng mùa rét mướt / đường bay đầy lá mùa / vàng xưa đầy dấu chân / lòng vắng như ngày tháng / đen tối vùng lãng quên.

Hoang vắng. Lạnh lùng. Và cô đơn. Xác kể chi khi mà hồn giờ đây đã ngập mùa rét mướt. Ngày mai kể chi khi mà con đường đang đi đây đã kín lá mùa rơi. Tương lai kể chi khi mà dấu chân người hôm qua còn in đầy khắp lối. Lòng em trống rỗng. Và vùng lãng quên, phủ kín một màu tang.

Làm sao mà nguôi quên. Giọt nước mắt nào sẽ giúp em không nhớ, giúp em thôi nhớ đây: người đi qua đời tôi / chiều ầm vang tiếng sóng / bàn tay mềm khói sương / tiếng hát nào hơ nóng. Quanh em giờ đây chỉ toàn tiếng sóng. Nhỡ như sóng cuốn em đi thì anh có quay trở lại? Có đưa bàn tay ra nắm lấy bàn tay lạnh ngắt em. Có hát lên tiếng hát ấm hơ nóng lồng ngực em.

Cho em được hồi sinh.

Cho em được quay về ngày tháng cũ, yêu anh.

Và, yêu nhau.

Em còn không anh. Em còn đây không anh. Sao chung quanh em, chỉ: nghe những lời linh hồn / phi lao dài tiếng ru / êm ái lòng hối tiếc / trên lối về nghĩa trang / trong mộ phần tối đen.

Vậy là, anh đã không quay trở lại cùng em thật rồi. Thế nên, giờ đây, quanh em chỉ toàn là tiếng nói của linh hồn, chỉ tràn ngập lòng hối tiếc, chờ em về, chỉ nghĩa trang và mộ phần sâu hun hút.

******

Các bạn có để ý tựa đề bài thơ không? Bài thơ có tên Thơ Cũ Của Nàng.

Nghĩa là sao hả các bạn? Có phải nghĩa là, anh viết ra bài này, nguyên do, cũng bắt đầu từ cái bài Thơ Cũ của em đó.

Đúng không?

Cho nên bốn câu cuối cùng mới ra như thế này: người đi qua đời tôi / không nhớ gì sao người / em đi qua đời anh / không nhớ gì sao anh!

Tôi diễn câu chuyện ra như thế này.

Anh trong thơ ảnh giận, ảnh mới hỏi em của ảnh:

người (là ẻm đó) đi qua đời tôi

không nhớ gì sao người

Em của ảnh cũng giận vậy, và thay vì trả lời, ẻm hỏi anh, cũng hệt câu vậy luôn, xưng em xưng anh luôn, không cần bóng gió xa xôi, người này người kia:

em đi qua đời anh

không nhớ gì sao anh

******

Ông Võ Phiến, lúc đọc xong thơ của Trần Dạ Từ, ổng thở dài, rồi nói: Thơ là cái rắc rối. Đừng đặt ra nguyên tắc, đường lối này nọ, ép thơ vâng theo. Đừng có đứng ngoài mà lý luận dông dài, hãy cứ xông đại vào thơ – thơ về tình xuôi cũng như về tình ngược – xem nó ra sao đã, nhiên hậu sẽ biện giải.

Còn gì đúng hơn.

Riêng tôi, tôi muốn phát biểu thêm thế này, tình yêu ấy mà, không có thắng thua, nhưng cái sự nhõng nhẽo của em, cái làm trời làm đất của em, phải thần kinh thép lắm, thì anh mới chịu được.

Chịu được em. Chịu đựng được em.

******

Nói vui thôi, chớ tình yêu hay hôn nhân gì cũng thế, yêu nhau bền, ở với nhau lâu, là do, chịu đựng được nhau.

Chớ một người chịu mãi, sao được. Ờ mà chỗ này, cũng chưa chắc hẳn. Nói cho cùng, số hết, bạn ơi.

Tôi tin chín mươi chín phần trăm các bạn trên trang tôi biết, nhà thơ Trần Dạ Từ – tác giả của những bài thơ không còn chữ để khen – chính là phu quân của nhà thơ Nhã Ca tài hoa.

Hai ông bà thiệt xứng đôi vừa lứa, trời sinh một cặp, sống bên nhau đến nay cũng đã được sáu mươi năm. Và, họ vẫn đang tiếp tục cuộc sống hạnh phúc ấy, chưa từng ngừng lại. Và, chắc chắn, không bao giờ ngừng lại.

Tôi mong thế và tôi tin thế.

Sài Gòn 13.12.2023