Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Những hình thức lệ thường

Jessica Swoboda, The Point, số 30, ngày 19/7/2023

Quyên Hoàng dịch

 

image

 

Ánh đèn dịu nhẹ từ đồng hồ báo thức hiệu Hatch thắp sáng phòng ngủ, khiến bạn tưởng rằng mình đang thức giấc cùng ánh bình minh. Bạn ngáp ngủ lúc ngồi dậy, duỗi thẳng tay với nụ cười trên môi nhằm báo hiệu tâm trạng hồ hởi đón một ngày mới. Bạn đi thẳng vào bếp, nơi chiếc máy làm đá viên và những gói sinh tố hữu cơ pha sẵn có chứa caffeine đang chờ bạn. Hoặc có thể bạn là một cô nàng thích tự tay làm ly latte cùng máy pha cà phê Nespresso hơn, với hàm lượng caramel hay syrup vani có phần nhỉnh hơn phần nền espresso. Thiết nghĩ, bạn cũng không thể làm được gì nếu chưa nạp caffeine vào người. Với ly latte hoặc sinh tố trong tay, bạn lượn thẳng đến tủ lạnh, rồi lấy ra thanh lăn mặt lạnh. Hoặc hôm nay là ngày bạn muốn dùng thiết bị đắp mặt nạ tích hợp tia hồng ngoại hơn. Có thể bạn sẽ dành thời gian cho cả hai thứ này. Rồi bạn di chuyển đến chiếc sô-pha màu be trong phòng khách trắng tinh tươm – bạn thấy mình cần phải thư giãn vào buổi sáng, không lâu sau khi thức giấc, cùng tấm chăn mỏng êm ả màu be – và vô thức mát xa để xua tan bọng ngủ trên mặt, cùng lúc ấy bạn băn khoăn không biết mình sẽ diện trang phục hiệu Lululemon gì đây và bạn sẽ đi bộ mấy dặm trên chiếc máy tập thể dục trong lúc #làmviệctạinhà. Tiếp đó, bạn luôn trung thành với quy trình dưỡng da ban ngày. Bạn dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ rồi bôi tinh chất vitamin C, tinh chất dưỡng ẩm, kem dưỡng da vùng mắt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng, với chút ưu ái cho các sản phẩm từ thương hiệu Supergoop. Bạn không cần trang điểm gì nhiều, bạn chỉ cần phấn lót, phấn nền, kem che khuyết điểm, chì kẻ lông mày, gel vẽ lông mày, phấn cố định lớp nền, kem má hồng Cloud Paint [hiệu Glossier], phấn bắt sáng, phấn phủ hoàn thiện lớp trang điểm và son dưỡng môi mềm mượt như bơ. Bạn lôi từ tủ quần áo trang phục đơn sắc theo phong cách athleisure [thể thao + nhàn rỗi] mà bạn đã quyết định ban nãy khi ngồi thư giãn trên chiếc ghế sô pha – xong xuôi hết rồi, bạn đã có thể ngồi vào bàn làm việc màu trắng được tô điểm bằng bộ dụng cụ văn phòng tông màu pastel, đèn để bàn tích hợp khay để nến thơm, và máy tính iMac dòng mới nhất với gam màu xanh dương.

Tôi để ý đã 12:45 chiều khi mẹ tôi gọi điện để hỏi chuyện. Tôi không nhận ra mình đã dành nửa tiếng đồng hồ xem qua các video gắn hashtag #thóiquenbuổisáng và #thóiquenthườngnhật của vô số các influencer [người có ảnh hưởng trên mạng xã hội] trên Instagram, từ đó ghé thăm nào là phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, phòng bếp, thậm chí là cả xe hơi, của vô số người lạ, và càng lúc càng trở nên thoát ly khỏi đời sống thường nhật khi tôi càng mất hút trong vòng xoáy bất tận của bộ đôi hashtag nêu trên. Bữa trưa tôi mới ăn được một nửa, tách cappuccino thì đã nguội ngắt, đống email và tin nhắn trên Slack tôi còn chưa trả lời. Tôi thấy mình như thể vừa tỉnh giấc sau một cơn ngủ trưa tưởng nhanh thôi mà thành ra li bì. Trả lời cuộc gọi của mẹ, tôi chỉ nghe được loáng thoáng thứ mẹ cần hỏi. Tôi chớp mắt liên tục, như thể hành động này sẽ giúp tôi trở về với thực tại và xua đi những hình ảnh chớp nhoáng mà não tôi đã “chụp” lại khi xem các video kể trên và cứ thế lởn vởn liên tục trong đầu. Có chăng đây chính là cái cảm giác khi bạn bị thôi miên: chất nhạc du dương đi kèm mỗi video ru tôi vào trạng thái tập trung cao độ cho những thứ nằm ngoài thực tại; những thói quen giống y hệt nhau của các influencer cho tôi thấy cách mình có thể sắp xếp hoạt động buổi sáng và bố trí các không gian sống trong nhà; cái ham muốn xem tiếp đống video ngay cả khi mẹ tôi, với cuộc gọi giúp tôi thức tỉnh khỏi cơn mê, đã cúp máy; bầu không khí chan hòa ánh nắng mà các influencer thể hiện trong video của họ khiến tôi tưởng rằng chẳng có gì ghê gớm, kinh hoàng hay tầm phào có thể chạm đến mình một khi tôi cứ yên vị trong vùng ảnh hưởng của họ.

Tạm tách mình khỏi công việc lẫn không ít bạn bè cùng phần lớn những tiện nghi vật chất – nhằm “thiết lập” lại cuộc sống – là cách nhiều người đã chọn làm trong giai đoạn phong tỏa do dịch bệnh năm 2020, khi cuộc sống thường nhật bị đảo lộn và mọi người bỗng dưng phải đối mặt với những vết ố li ti trên ghế sô-pha mà trước đây họ không để ý thấy, rồi thì cái màu sơn lỗi thời của hệ tủ trong gian bếp, đống đồ đạc hỗn độn trong tủ quần áo và vùi sâu dưới đáy ngăn kéo, phòng làm việc không được bài trí đúng chuẩn công thái học, lẫn kỹ năng nấu nướng còn nhiều hạn chế. Một mặt, nó xuất phát từ nỗi lo âu, bồn chồn, bất an và thứ cảm giác xâm lấn thường trực rằng công việc trước đây của bạn thật vô nghĩa, khi mà tất cả mọi thứ không hay đang diễn ra xung quanh. Mặt khác, bạn khát khao một cuộc sống bình lặng và quy củ, rằng đây là thứ có thể giúp bạn phản kháng bao sự hỗn loạn và xáo trộn đang hiện diện bên ngoài bốn bức tường nhà bạn.

Không ngạc nhiên khi những video mang hashtag #thóiquenbuổisáng và #thóiquenthườngnhật dần trở nên phổ biến vài tháng sau khi đại dịch bùng phát, nhưng không phải khi ấy mà phải đến đầu năm nay tôi mới thực sự để tâm đến chúng, sau khi tôi đã bảo vệ luận án và cũng là lúc tôi cảm thấy đời mình bị đảo lộn. Vào thời điểm đó mọi người cần sự giúp đỡ trong việc đặt ra những thói quen mới nhằm sắp xếp lại cuộc sống, và cũng có những người sở hữu nguồn lực để họ “ghi chép” lại lịch trình của mình trên các nền tảng mạng xã hội thông qua các thể loại nội dung dạng ngắn. Những video này khoác lên mình cái vẻ bảo ban, khuyên dạy mang tính bề mặt: các influencer trông có vẻ cực kỳ thuần thục trong việc xây dựng những thói quen tốt hàng ngày, và nay truyền đạt đến người xem các phương thức dẫn nhập giúp họ nắm rõ từng đường đi nước bước của cái quy trình này. Nhưng những nội dung dạng ngắn nêu trên cũng đã và đang biến biết bao thứ vốn bị xem là tiểu tiết trong đời sống thường ngày trở thành một thứ lễ thức cao quý. Hành động pha tách cà phê ban sáng và dọn dẹp căn hộ không còn là việc làm khiên cưỡng; chúng là phương thức cho thấy bạn biết cách quan tâm và chăm non bản thân, đồng thời là thói quen giúp bạn bắt đầu một ngày mới một cách trọn vẹn. Các bước còn lại của quy trình sẽ liền mạch nối gót: việc bôi tinh chất dưỡng da và kem dưỡng ẩm lên mặt sẽ giúp bạn chuyển điệu nhịp nhàng vào một ngày làm việc hiệu quả; lấy máy đi bộ trong nhà ra để tập thể dục sẽ giúp cơ thể bạn vận động và giữ cho đầu óc tỉnh táo trong lúc bạn mở điện thoại đọc email; pha ấm trà hay tách matcha Nhật ban chiều sẽ giúp bạn nhận ra một ngày làm việc nữa lại sắp sửa kết thúc; dùng cây bút bi màu oải hương để đánh dấu trong cuốn nhật trình cá nhân những tác vụ bạn tự đề ra trong ngày và nay đã hoàn thành sẽ đem lại niềm mãn nguyện và thứ cảm giác chinh phục được thành công; ném ánh nhìn về phía cửa sổ và tận hưởng khung cảnh hoàng hôn dịu êm sẽ khiến việc sửa soạn bữa tối không còn là nhu yếu cơ bản, mà là một lễ thức mang lại sự thư giãn cùng cực. Chưa kể đến việc bạn sẽ tự thưởng cho mình một ly rượu vang sóng sánh.

Các influencer nêu trên diễn tả một cuộc sống quy củ, cực kỳ trau chuốt, chỉn chu và thu hút mọi ánh nhìn trong cái không gian êm đẹp, “chăn ấm nệm êm” mà họ phô diễn và đồng thời đem lại cho ta cảm nhận rằng đây là thứ mình có thể dễ dàng đạt được. Những video này mang đầy vẻ thuyết phục, những thói quen mà họ tuân thủ trông rất chi là thực, như thể chúng tự thân thành hình sao cho ứng hợp với lối sống cá nhân của riêng họ, đến nỗi tôi quên mất rằng cái cuộc sống thường nhật mà họ tô vẽ nêu trên dường như không hề có sự hiện diện của các thiết bị ghi hình. Chúng được đặt ở đâu nhỉ? Họ dùng các thiết bị quay phim chuyên dụng hay là ống kính tích hợp trên điện thoại thông minh? Nếu họ dùng điện thoại, làm cách cách nào để nó không hết pin khi quay chụp một ngày dài những hoạt động thường nhật của họ? Họ có đã trang điểm trước khi thực hiện các bước trang điểm trước ống kính? Ai là người quay phim cho họ? An toàn ở đâu khi họ tự ghi hình trong lúc lái xe? Họ có công việc thường ngày hay không, hay đây mới chính là công việc thường ngày của họ?

Các influencer – có chăng, đó còn là cả một đội ngũ sản xuất tinh nhuệ nơi hậu phương – đã biên tập và lược bỏ mọi khoảnh khắc mà họ “sơ sẩy”, mọi sự hỗn loạn và vụng về mà tôi tin chắc rằng luôn xảy đến và ẩn sau mỗi khung hình tưởng chừng như toát lên cái phong thái êm dịu, nơi mọi hành động của “nhân vật” trông có vẻ rất chi là nhịp nhàng. (Cá nhân tôi gần như không thể “biên soạn” nhuần nhuyễn một đoạn video ngắn đăng tải trên Instagram nhằm chúc mừng sinh nhật một người bạn mà không phạm phải lỗi này hay lỗi kia hoặc phải gọi điện cho ai đó nhằm được chỉ dẫn tận tình từng bước cụ thể). Tôi không nghĩ đã có lần nào tôi bắt gặp một ai cùng thế hệ Gen Y [sinh đầu thập niên 1980 và giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000] làm đổ sinh tố hữu cơ chứa hàm lượng caffeine, làm rơi đồ bấm điều khiển TV, hay vô tình khiến đống việt quất xanh rơi xuống sàn nhà trong lúc họ lấy hộp đựng trứng từ tủ lạnh. Tôi thậm chí sẽ cá với bạn rằng khoảng thời gian để các influencer biên tập thước phim họ pha chế ly latte vị matcha sẽ còn kéo dài lâu hơn cái lúc họ pha chế ly thức uống này. Cái hình thức thể hiện một lối sống quy củ và bình lặng không hẳn xuất phát từ bản thân người influencer, mà từ những cơ chế tác động từ bên ngoài – vị trí nơi các ống kính máy quay được sắp đặt, phần mềm biên tập video, những thương hiệu tài trợ cho nội dung họ đăng tải – tất thảy chúng khiến tôi lầm tưởng rằng các influencer đang sống một cuộc đời mẫu mực, là thứ gì đó mà tôi có thể tự tái dựng cho chính bản thân mình. Thế nhưng, tất cả những gì mà các influencer đang làm chỉ đơn thuần là trình diễn một cuộc sống mà họ cho rằng người xem sẽ muốn bắt chước.

Trong cái cách mà họ lược giản những khát khao hướng đến một lối sống đáng mơ ước thành một quy trình máy móc khiến con người ta bị thôi miên, những video với hashtag #thóiquenbuổisáng và #thóiquenthườngnhật lại gây cho ta một thứ cảm giác gờn gợn, như thể ta đang xem phần hai – trong thời đại hậu Gen Y – của bộ phim điện ảnh The Stepford Wives [1975] hoặc Don’t Worry Darling [2022]. Cái bầu không khí toát ra từ họ thực quá là an nhiên, đến mức gần như là vô hồn, cái tiếng nói mà họ lan tỏa là một sự đơn điệu đồng dạng, luôn ở âm vực cao trong cái thanh âm truyền tải. Nhưng không như những người phụ nữ ở thị trấn Stepford (bang Connecticut) hay khu ngoại ô Victory (bang California) [bản chất là hai địa điểm hư cấu trong hai bộ phim Mỹ nêu trên], các influencer không làm bất kỳ thứ gì nhằm phục vụ chồng hay tổ ấm của họ. Một là họ còn độc thân, hai là họ rất hiếm khi đề cập đến người bạn đời hoặc con cái của họ. Mọi hành động của họ đều được thực hiện trên danh nghĩa rằng họ biết cách quan tâm và chăm non bản thân mình ra sao, và chúng được bảo bọc trong một thứ ngôn ngữ tưởng chừng là nữ quyền nhưng thực chất lại sáo rỗng, rằng ai ai cũng có thể đạt được ước vọng của bản thân thông qua niềm tin mãnh liệt và việc tối ưu hóa những kỹ năng bình sinh. “Đừng bao giờ bỏ lỡ các bước dưỡng da hàng ngày nha mấy bồ!!”, đó là lời phụ đề của một trong số các video kể trên. Đồng thời, chừng như người xem chỉ quan tâm đến các sản phẩm mà các influencer đang sử dụng hoặc được bày biện xung quanh họ, phần bình luận bên dưới nội dung được đăng tải thì chỉ xoay quanh các câu hỏi như “Bộ đồ ngủ bạn đang mặc là từ đâu thế?!” hoặc “Bạn mua cái máy luộc trứng tự động thần diệu đó ở đâu vậy?” hoặc “Cái mùi hương đó… là gì nhỉ?” – như thể người xem có thể thực sự ngửi được mùi nước hoa ấy.

Nếu lịch sử văn học gần đây có thể giúp ta đưa ra nhận định về thực trạng nêu trên, thì dường như cuộc sống con người ngày nay đang tiềm ẩn thứ gì đó khiến họ đòi hỏi một thứ nhu cầu hướng đến trạng thái an thần lẫn sự tái lập quyền kiểm soát, có chăng đó còn là nhu cầu sống giản đơn, bình dị. Hơn một thập niên qua, ta đã chứng kiến một loạt các tiểu thuyết ra đời – cuốn You Too Can Have a Body Like Mine [tạm dịch: “Bạn cũng có thể có thân hình như tôi”] của Alexandra Kleeman, The New Me [tạm dịch: “Con người mới của tôi”] của Halle Butler, Severance [tạm dịch: “Đoạn tuyệt”] của Ling Ma, Sympathy [tạm dịch: “Sự cảm thông”] của Olivia Sudjic, và Aesthetica [tạm dịch: “Mỹ học”] của Allie Rowbottom – với những nhân vật lạm dụng thuốc an thần, kiêng cữ chủ nghĩa tối đa, phàn nàn về chủ nghĩa tư bản, và tìm đến những thói quen sống mang hình thái giản đơn nhất. Nhân vật để lại cho ta ấn tượng sâu đậm nhất trong số các nhân vật nêu trên là người trần thuật vô danh trong cuốn My Year of Rest and Relaxation [tạm dịch: “Năm tôi nghỉ ngơi và thư giãn”] của Ottessa Moshfegh, đó là một cô gái trẻ đã tìm đến một bà bác sĩ tâm thần với vô số những vấn đề tâm lý bịa đặt, và thực ra, một phần trong số chúng là bắt nguồn từ sự thật. Đa phần, cái gọi là ngày qua ngày của cô ấy chỉ xoay quanh việc đi bộ đến cửa hàng tiện lợi nơi góc phố [để mua ly cà phê và vài món ăn vặt], văn phòng làm việc của bà bác sĩ tâm thần, và chi nhánh của chuỗi nhà thuốc Rite Aid nhằm lấp đầy trong tay số thuốc an thần mà bà bác sĩ đã kê đơn. Sau chuỗi ngày và đêm mất nhận thức do tác dụng phụ của đống thuốc an thần, khi cô ấy trôi dạt trên đường phố New York và chỉ có đống đồ đạc [mà cô mua sắm trong cơn mộng mị] nằm vương vãi trong căn hộ mới có thể giúp cô ngờ ngợ ra mình đã đi đâu và làm gì, và tiếp đó là một đợt mất ngủ triền miên hiếm hoi, cô quyết định mình sẽ chìm vào giấc ngủ triền miên suốt bốn tháng trời, chỉ tỉnh dậy sau mỗi ba ngày để ăn uống, tắm rửa và uống thứ thuốc an thần sẽ giúp cô bất tỉnh trong ba ngày tiếp theo. Nhưng trước khi dấn thân vào chuỗi thói quen này, cô đã tống tháo khỏi căn hộ mình đang ở tất thảy mọi đồ đạc, tặng tủ quần áo toàn đồ hiệu cao cấp của cô cho người bạn thân – người mà cô gần như đã không còn đoái hoài đến – như là cách để cô chuộc lỗi. Đây là thứ “văn chương của sự lãnh đạm không khoan nhượng”, như cây viết Jess Bergman đã chỉ ra trên tạp chí The Baffler.

Không gian mạng lởn vởn quanh bối cảnh của những cuốn tiểu thuyết này như một thứ ám khí: người trần thuật của Moshfegh trò chuyện với người lạ trên nền tảng AOL trong những lúc mộng mị do tác dụng phụ của thuốc; người trần thuật của Butler tìm đến công cụ tra cứu trên mạng nhằm xác định nguyên do khiến cô bị trầm cảm; và cuốn Sympathy của Sudjic và Aesthetica của Rowbottom, hai tác phẩm xuất bản gần đây nhất thuộc thể loại văn chương này, đã khai thác trực diện đề tài xoay quanh các phương tiện truyền thông mạng xã hội và văn hóa influencer. Trong Aesthetica, cuốn tiểu thuyết mà Caroline Calloway – một người nổi tiếng trên mạng kiêm tác giả sách – gọi là “cuốn sách hay nhất về các influencer mà tôi từng đọc”, phụ nữ chỉnh sửa hình ảnh mà họ đăng trên mạng nhằm loại bỏ mọi dấu hiệu xồ xề trên da và “cà” vùng bụng phẳng lì đến mức tưởng chừng như bụng họ không hề tồn tại cơ quan dạ dày, họ bố trí thiết bị đèn đánh sáng hết từ góc nọ sang góc kia sao cho khuôn mặt họ lên hình ở cái vẻ tâng bốc nhất, họ nói chuyện với những người đang theo dõi mình trên mạng với tốc độ liên thanh và nhanh hơn nhiều cái cách họ nói chuyện với ai khác ngoài đời thực, họ lặn biến vào phòng vệ sinh ở các quán bar và nhà hàng nhằm kiểm tra xem mình đã nhận được bao nhiêu lượng “thích”, và dành nhiều thời gian để biên tập nội dung hơn là lúc họ thực sự ghi hình. Chiếc điện thoại là đường dây cứu sinh của họ, những người khác gần như là thứ gì đó phiền phức, trừ phi họ nhấn nút “theo dõi” hoặc “thích”. Sự theo đuổi danh vọng và sắc đẹp một cách bất chấp, đến mức ám ảnh và phát sốt của họ chỉ khiến họ cảm thấy trống rỗng và cô đơn, rằng họ là nạn nhân của một thứ trạng thái mà nhân vật trần thuật của cuốn The New Me miêu tả là cái cảm giác “thân thuộc ác mộng”, là thứ cảm giác bất chợt ập đến khi cô đối mặt với ánh bình minh ảm đạm. “Đời tôi là vô số chuỗi lặp đi lặp lại”, cô nói. “Không một thói quen hay mạch sống thực thụ, chỉ là vô số chuỗi lặp đi lặp lại”. Ngày mai cô sẽ phải thức dậy và thực hiện tất cả những thứ này một lần nữa.

Hãy thử Google cụm từ “Gen Y trầm cảm” và bạn sẽ thấy một trang kết quả trên trang thương mại điện tử Etsy [chuyên bán các vật phẩm làm bằng tay, đồ nghề thủ công, quần áo cũ, v.v.], đầy ắp các sản phẩm được bày bán như ly tách và áo thun in dòng chữ “Trong tôi chết rồi”, “Tôi ghét nơi này quá”, “Đang ráng sống sót trước những kỳ vọng mà tôi không thể đáp ứng” và “Hôm nay tôi mới chỉ khóc một lần thôi”. (Tôi vẫn hay đùa với bạn bè rằng tôi đang trong thời kỳ “Tôi ghét tất thảy mọi người”.) Tôi mường tượng rằng những câu nói nêu trên sẽ hợp rơ lắm đây với các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết vốn nắm bắt và thể hiện sắc bén cái hình thái của thế hệ Gen Y trầm cảm. Ngữ điệu của những cuốn tiểu thuyết này luôn đều đều, cốt truyện thì dễ đoán và dễ dàng được sao chép một cách bất tận, y hệt như cái thói quen lối sống mà các influencer phô bày: nhân vật chính trải qua khó khăn trong cuộc đời hoặc ghét bỏ công việc của họ hoặc cả hai thứ; nhân vật chính uống thuốc an thần; nhân vật chính quay lưng khỏi mọi sự giao tiếp xã hội, viện dẫn lý do rằng tài khoản ngân hàng của họ đang dần cạn kiệt và/hoặc họ thể hiện khát khao cần dành ra khoảng lặng cho riêng mình; nhân vật chính càng ngày càng uống thuốc an thần nhiều hơn và làm những thứ khiến cô ấy thường hối tiếc sau đó; nhân vật chính có một sự thức tỉnh mang tính bề mặt, nhưng sự thức tỉnh ấy chỉ đơn thuần là việc cô ấy nhận ra mình không còn một người bạn nào nữa. Cách duy nhất để con người ta có thể ứng phó trước sự kích thích quá mức, trước muôn vàn hình ảnh trên mạng cứ thế ập vào mắt ta như thác lũ – theo như gợi ý của những cuốn tiểu thuyết nêu trên – nằm ở việc bài trừ mọi cảm nhận giác quan. Cả hai phương tiện – một là tiểu thuyết, với ý thức rõ ràng về bản thân cùng giọng điệu “nửa đùa nửa thật”; hai là các video, một cách vô tình – hé lộ cho ta thấy một niềm ưu ái cho sự giản đơn thay vì chủ nghĩa tối đa, những bề mặt sáng bóng và nước da căng mịn thay cho mọi thứ hỗn độn vốn hiện diện trong đời sống thường ngày.

Cái hình thức trau chuốt, chỉn chu này làm tôi nhớ đến con hẻm cụt nơi tôi lớn lên, cái không gian nơi mọi nhà hàng xóm – bao gồm cả bố mẹ tôi – tham gia vào một cuộc đua tranh không lời, khi tiết trời chuyển hè, nhằm đạt giải Vườn Cỏ Trước Nhà Tinh Khôi Nhất. Vào dịp cuối tuần, bố mẹ tôi sẽ thường làm vườn, hoặc xịt thuốc để loại bỏ đống cỏ dại, hoặc cắt cỏ sao cho chúng ngay hàng thẳng lối một cách hoàn hảo và đối xứng nhất có thể (nay thì họ thuê dịch vụ để thực hiện các công đoạn trên), trong khi lũ trẻ vui đùa cùng bóng chày, hoặc rượt đuổi nhau cùng súng phun nước, hoặc vẫy mình trong bể bơi. Trong giai đoạn từ Ngày lễ Chiến sĩ trận vong [tháng Năm hàng năm] đến Ngày lễ Lao động [tháng Chín hàng năm], không một nhánh cây, cành hoa hoặc lớp phủ bổi nào được phép di lệch, không một đám cỏ dại nào được phép tồn tại hơn quá nửa ngày, không một phiên cắt cỏ nào được phép bị bỏ lỡ. Thời ấy, tôi đặc biệt bị thu hút bởi hoa bồ công anh và hoa mao lương, tôi ráng hái chúng trước khi bố mẹ tôi diệt bỏ chúng. Có chăng đó là lý do khiến tôi yêu thích cái căn vườn um tùm của ông bà [nội/ngoại] – với cái khay bày ra để chim chóc có thể uống nước mà tôi giúp họ lau rửa mỗi ngày thứ Sáu, cái tổ nuôi chim ruồi mà tôi luôn tròn mắt ngưỡng mộ, bánh mì cũ lẫn hạt nuôi chim mà tôi giúp họ rải ra vườn (“Con đừng quên phần ăn cho đám sóc nhé”, bà tôi thường bảo), cùng vô vàn những khóm hoa đủ mọi sắc màu và kích cỡ mà tôi phụ tưới nước – còn hơn là tôi phụ giúp bố mẹ săn sóc khoảnh sân vườn ở nhà. Dù lúc ấy tôi mới chỉ lên tám, nhưng tôi đã có thể nhìn ra – và, quan trọng hơn cả, tôi đã có thể cảm nhận được – rằng căn vườn của ông bà tôi là thứ gì đó hoàn toàn khác biệt so với những người khác.

Tôi nhớ về những mùa hè đạp xe xuyên qua các khu phố nhỏ nằm giữa căn vườn của ông bà và khoảng sân cỏ trước nhà tôi, trong lúc tôi suy ngẫm về việc vì sao cái hình thức mà thế hệ Gen Y phô bày trên Instagram – một sự “cà phẳng” đều đều giúp đem lại thứ cảm giác êm dịu có phần gây nghiện – lại khiến ta cảm thấy “thỏa mãn một cách kỳ lạ”, và đây cũng là một cụm từ hashtag phổ biến trên mạng, thậm chí nó là thứ khiến ta cảm thấy xinh xắn, nhưng không bao giờ là đẹp một cách mỹ miều. Đúng là mọi thứ mà họ phô bày – nào là những đường nét thẳng tắp, tông màu đơn sắc, mặt bếp óng ánh, không gian sống được thiết kế theo phong cách mở [không có bức tường ngăn cách giữa các phòng] cùng những vệt nắng chan hòa giúp đem lại ánh sáng tự nhiên khiến con mắt ta tưởng như được sưởi ấm – khiến tôi cảm thấy bị hấp dẫn, chúng không khác gì nếu tôi xem những bụi cỏ được tỉa tót hoàn hảo thành hình trụ và đống cỏ thơm mới được cắt trông có vẻ hấp dẫn và sưởi ấm con mắt đấy. Nhưng chúng cũng không tiết lộ cho ta cái con người thật sự ẩn sau cái vẻ bề ngoài này. Ta có thể được chào đón vào căn nhà của một influencer, hoặc nghĩ rằng cái phần ngoại thất trong rất chi là quy củ của nhà hàng xóm là tấm gương phản chiếu nội tâm họ, nhưng ta không thực sự được chào đón vào cái đời sống thường nhật của họ. Ta không hề biết bất cứ thứ gì liên quan đến những cung bậc cảm xúc, tâm trạng, những cuộc hội thoại, lẫn những tình cảnh rối ren có thể đang xâm chiếm cuộc đời họ – không đâu xa, chúng chính là những thứ “nguyên liệu” khiến sự sinh tồn hàng ngày có thêm khí chất và muôn phần giàu đẹp hơn.

Ông tôi từng đi dạo trong vườn như thể ông tự để cho những khóm hoa dẫn lối cho mọi hành vi, cử chỉ của mình, thi thoảng ông mới thể hiện sự giận dữ – đa phần đó là vì ông tự trách bản thân vì không dựng hàng rào chắc chắn hơn – khi ông thấy đám cây rau của mình đã bị kẻ lạ bới nhặt; bà tôi thường trò chuyện với muôn thú tự tìm đến căn vườn của họ, thậm chí với cả con gấu mèo thường xuất hiện ban đêm nữa, như thể chúng là những người bạn của bà. Ông tôi sẽ luôn chỉ cho tôi thấy những khóm hoa – gồm cả hoa bồ công anh và hoa mao lương mà ông biết tôi rất thích – đang hé nở ở những ngóc ngách không ai ngờ đến, và khuyến khích tôi hái chúng thành một bó hoa để ông bà bày biện trên bàn ăn; bà tôi sẽ luôn giúp tôi phân biệt các loài chim chóc đang vỗ cánh giữa đống hạt thức ăn và tổ nuôi chim, đồng thời vẽ nên cho tôi những câu chuyện hư cấu về cuộc đời chúng. Liệu đây có phải là lần đầu tiên tôi được chạm trán với cái đẹp? Trong căn vườn của ông bà tôi, tìm kiếm cái đẹp là đồng nghĩa với việc vật lộn với mọi cung bậc cảm xúc tuôn trào trong ta, rằng đó là sự xoay vòng tất yếu của cuộc sống khi ta phải đối mặt trước mọi sự hỗn mang và việc ta không thể đoán định được tương lai, và đó còn là những thói quen vụn vặt mà người khác có thể xem là kỳ quái và ngớ ngẩn, nhưng mọi thứ đó trở thành – vì chính cái lý do ấy – một phần thiết yếu giúp làm nên con người ta. Có chăng, tôi nên có cho mình những thói quen giống như ông bà tôi.