Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Những câu hát buồn thân phận con người

 Hà Nhật

Tôi đã từng viết về những câu hát buồn nhất thế gian.

Trước hết, đó là một điệp khúc rất buồn khi những người dân chài quê tôi chèo thuyền từ sông ra biển, kéo theo những cây tre dài, mời những vong hồn nổi trôi ngoài đại dương, ôm vào những bè tre mà về với quê hương, gia đình, vợ con…

Bài hát chỉ một câu cứ láy đi láy lại:

Ôm phao… phao mà về…

Ôm phê… phê mà vào…

Cả một thời thơ ấu của tôi đã luôn luôn bị ám ảnh bởi những câu hát ngắn ngủi nhưng bất tận ấy.

Tôi từng có lần cả gan bước vào cái nghĩa địa nhỏ bé ngay sát bờ biển. Những ngôi mả lè tè cứ bị gió thổi đi. Không bia mộ, không danh tính, không quê hương bản quán. Thật là những kiếp người. May mà người nơi quê tôi đã đưa họ vào bờ, cho họ có những nấm mồ vô chủ! Bên cạnh cái nghĩa địa nhỏ nhoi ấy là một ngôi miếu nhỏ mà chúng tôi hồi ấy nghe gọi là Miếu Âm hồn.

Những người dân quê tôi đúng là những con người mang đầy tinh thần nhân văn, giản dị và thực tế hơn mọi nhà rao giảng về chủ nghĩa nhân văn!

Sau này, đi học, rồi đi dạy, rồi nghiên cứu, tôi càng thấm thía nỗi buồn của thế gian. Tôi yêu và thương những câu hát buồn, những câu ca dao buồn.

Tôi nhớ câu này:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Có một lúc nào đó, người ta giải thích rằng: cây cải đây là nói về Hoàng tử Cải, một đứa con của ông chúa Nguyễn Ánh, bị ném xuống biển Côn Lôn. Còn rau răm chính là cô gái tên Răm, một người đẹp của Nguyễn Ánh lúc ông ta nương nhờ Côn Đảo!

Tuy vậy, gần đây thì tổ chức gọi là Hoàng gia nhà Nguyễn đã phủ nhận, bởi không có hoàng tử Cải nào sất, không có bà phi tên Răm nào sất. Họ Nguyễn không bao giờ tàn ác như thế. Đó là một sự phỉ báng!

Đúng thế, ngoài việc đưa bà Bùi Thị Xuân cho “tứ mã phanh thây”, hay đào mả nhà Nguyễn Huệ đế nhồi làm thuốc súng… thì đây là một triều đại chính nghĩa, thuận theo lẽ Trời!

Bởi vậy, cuối cùng, tôi coi câu hát trên như một câu hát buồn về thân phận con người:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Chao ôi, cây cải đã về trời rồi! Rau răm ở lại, không chỉ buồn vì đơn độc, mà còn khổ nữa kia! Còn chịu lời đắng cay nữa kia! Ai là cây cải? Ai là rau răm? Đúng là thân phận con người!

Những câu hát dân gian sao mà buồn thế, đắng cay thế!

Có lẽ ngày trước, không mấy người từ những câu hát dân gian này mà lần về thân phận con người.

Hồi mới vào Nam, tình cờ tôi nghe được câu:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài

Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm

Thương hoài ngàn năm, sao mà buồn thế!

Tôi chợt nhớ, một lần từ Quảng Bình ra Hải Phòng dự một cuộc họp về dạy văn, được nghe một câu như thế này:

Nàng bảo ta nàng hãy còn son

Ta đi qua cửa thấy con nàng bò

Con nàng những đất cùng tro

Ta đi gánh nước rửa cho con nàng.

Thế là có đến bốn thân phận con người! Thân phận nào cũng tội nghiệp. Tôi nhớ lần ấy không ít người đã đăng đàn tranh luận: cái anh con trai ấy, làm cái việc ấy, là tốt hay là không tốt?

Khi tôi học văn, rồi dạy văn, rồi tập tọng làm thơ, tôi càng thấm thía: văn chương là chữ nghĩa, nhưng nó như cái vỏ để chứa đựng điều này: thân phận con người!