Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Người mù

 Hà Thúc Sinh

Nhà văn Hà Thúc Sinh bị hỏng mắt đã mấy năm rồi.

Anh đang cố tìm cách viết trở lại.

Đây là truyện ngắn đầu tiên anh vừa viết được, rất khó khăn, phải nhờ bạn văn Tô Thẩm Huy type digital và gửi cho tôi. Xin chuyển cho Văn Việt”.

(Từ email của nhà thơ Hoàng Hưng).

Nhà văn Hà Thúc Sinh đã nhận Giải Văn - Giải thưởng Văn Việt năm 2020.

 Văn Việt

image

Những ngày ấm trời, ông Mộng lại mở cửa garage, kéo chiếc ghế bành cũ ra thềm nắng ngồi lắng nghe cuộc đời đi qua.

Sau lưng ông, trong garage là một kệ sách lớn chứa đến mấy trăm cuốn. Đó là kết quả gần bốn mươi năm sống ở Mỹ, ông thu thập được, đọc được và viết được.

Thường ngày ông ngồi phơi nắng, lắng nghe chim chóc đến lúc lũ trẻ trong khu phố đi qua và xe bus đã đưa chúng đến các trường học, ông mới đứng lên, tiến ra con đường nhỏ tráng xi măng ngay trước nhà, và với cây “đả cẩu bổng” trong tay, ông bắt đầu bước và đếm: “một, hai…, mười một, mười hai..., tám trăm, chín trăm bảy mươi, chín trăm bảy..., một ngàn.” Ông gõ cây gậy ở cuối con đường vài cái, rồi quay lại, bắt đầu đếm nữa: “một, hai…”. Cứ như thế cho đến lúc trán vã mồ hôi, ông Mộng mới trở lại, ngồi thở trên chiếc ghế bành.

Khi những bầy sẻ ríu rít kéo nhau về đậu trên những cành phượng tím trồng trước nhà, theo lời vợ ông nói, thì đầu ông Mộng tự dưng nhớ đến một bài thơ đã làm lâu lắm; nhưng nếu tên lưu manh có thể gạt người ta lấy một số tiền, thì khối óc mới đích thị là tên biển thủ thứ thiệt. Nó sẽ cướp hoàn toàn và triệt để những gì ta gửi gắm cho nó và quên lâu không kiểm lại sổ sách. Ông ngẩn người khi biết nó đã cướp sạch mọi thứ của ông rồi, không chừa lại gì dù chỉ đôi ba câu thơ.

Thế mà khi một vạt nắng chiếu nóng mặt ông, ông vừa xoay hướng khác thì bài thơ xưa ập về. Ông khẽ đọc:

Buổi sáng ra vườn mò mẫm chiếc bình tưới

Cảm nhận mặt trời leo ấm cổ gầy

Đôi mắt trơ tựa hai hòn sỏi

Ngửi đóa hoa như uống lấy sương mai

Khi ấy cuộc đời nhẹ nhàng quay bước

Thấy người lính già khóc buông súng trên đường

Sâu tâm can như có dao xước

Máu hận trào lấm tấm lỗ chân lông

Đứng thẳng lên nghe gió vù

Ngó ngơ ngơ hướng nào quê cũ

Đường trở về ai đó có đi

Ôi biết sao nhập dòng tham dự

Ông cụ già ngồi dưới nắng mai

Nghe trống trận từ Văn Lang Xích Quỷ

Nâng đóa hoa khấn giữa đất trời

Xin được chết hóa đôi giày người dũng sĩ[1]

Ông nhẩm đi nhẩm lại bài thơ mấy lần rồi nghĩ đến thân phận, ngậm ngùi nói khẽ: “Ai biết được mình là một nhà tiên tri.”

***

Cứ nghe thấy tiếng cặp chim cu gáy gọi nhau cúc cù cu cu… phía rừng bên kia con đường trước nhà là ông Mộng biết mùa thu đã đến. Ngồi nơi ghế, ông thả hồn đến những nơi mà có mơ mộng mấy ông cũng chẳng đi đến được nữa.

Ôi những cánh rừng vàng lá, từ đây đến mùa xuân sẽ đón biết bao loài chim muôn màu muôn sắc tụ về đua tiếng. Những con vành khuyên, yến, sáo, chích chòe, họa mi, vẹt, chào mào. Ôi những sinh vật bé nhỏ, không có gì hơn một nhúm lông óng ả mầu sáo và những tiếng hót thần tiên. Chao ôi, cuộc đời, lắm khi rộn ràng như một bài giao hưởng của Chúa hay tiếng thầm thì sâu nhất của đại hồ cầm cũng nhờ chúng nó cả.

Thỉnh thoảng trong lũ trẻ cũng có đứa tò mò, thí dụ thằng Jack con bà Dianna. Sáng sáng bà hay dẫn con ra đón xe bus ở đầu đường. Thằng Jack hay dừng chân nhìn vào kệ sách, có lần nó hỏi

“Ông bán sách hả ông?”

“Không, chỉ mua thôi.”

“Thế ông làm gì?”

Ông cười: “Làm thi sĩ.”

“Thi sĩ làm gì?”

“Thì làm thơ.”

Từ đó, chẳng hiểu loan truyền thế nào, tụi nhỏ và cả cha mẹ chúng thay nhau gọi ông bằng một cái tên Mỹ “Mr. John Milton!”.[2]

***

Một hôm có tiếng gõ cửa, vợ ông ra mở cửa thì thấy bà hàng xóm Dianna ở căn đối diện bên kia đường.

“Tôi giúp được gì bà đây?”, vợ ông hỏi.

Bà Dianna nói “Ồ, tôi chỉ mượn bà cái phone thôi. Bên nhà tôi không hiểu sao bị disconnected hết cả!”

Ông ở trong nhà, không biết bà hàng xóm còn đứng ở cửa, hỏi ngay vợ

“Nhà mình sáng nay có mùi hoa hồng.”

“Xì, có thể là mùi nước hoa của bà Dianna.”

Bà Dianna gửi lại điện thoại nhưng bà có liếc nhìn hai người hồn nhiên nói

“Mỗi lần ra ngoài tôi có chấm một tí nước hoa the Miss Diana Ross trên cổ áo.”

Và cười hỏi vợ ông “Chắc bà thích Chanel?”

Ông Mộng biết bà Dianna từ hôm đó; sau biết thêm bà đã năm mươi, có chồng đang tham chiến bên Âu Châu.

***

Hôm nay Halloween, cả khu phố đều nghỉ, nhưng không hiểu sao mấy ông phu lục lộ lại đến để bảng và đục đẽo trên con đường nhỏ trước nhà. Lũ trẻ, và có cha mẹ nữa, kéo nhau ra giữa đường ném basketball. Như thông lệ, với cây “đả cẩu bổng” trong tay, ông Mộng lại vừa đi vừa đếm: một, hai… Ông Mộng tự nhiên thấy hụt hẫng, ông đã bước vào một cái hố mà phu lục lộ đã đào bên đường. Ông ngã lăn quay, cây gậy văng khỏi tay. Hình như đầu ông đã va vào một cái gì. Ông thấy choáng váng và nghe thấy nhiều tiếng la hét.

“Oh my God! Oh my God!”

Giọng thằng Jack la lên: “Mommy, Mr. John Milton ngã rồi kìa!”

Rồi giọng bà Dianna: “Ông Milton, ông có sao không?”

Rờ lên trán thấy ướt, ông nói: “Hình như tôi bị chảy máu!”

Giọng người đàn bà: “Tôi gọi 911 ngay bây giờ.”

“Đừng quá lo,” ông Mộng khoa tay nói: “Giúp tôi về nhà là tôi cảm ơn lắm rồi.”

Bà Dianna dùng tấm mù soa của bà thấm máu trên trán ông. Bà nói

“Ông Milton, ông cho tôi số điện thoại trong sở của bà nhà, tôi gọi và báo tin cho bà chị biết.”

Về nhà, ông Mộng rửa mặt mũi chân tay rồi lại ra ghế ngồi, trông ngó xa xôi. Nhưng rõ ràng ông lại vừa ngửi thấy mùi hoa hồng. Ông lắng nghe lũ sẻ rào rào bay về những cành phượng tím và mũi ông lại thoang thoảng mùi nước hoa trên cổ áo bà Dianna.

North Carolina

11/2023


[1] Thơ Hà Thúc Sinh, “Ông già lòa đường Nguyễn Đình Chiểu”, thi tập Hòa bình và tôi, 3/1994.

[2] Thi sĩ Anh, tác giả Thiên đường đã mất chịu cảnh mù lòa suốt hăm hai năm trời.