Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Người anh thân thiết, người chiến sỹ không mệt mỏi (Thành kính vĩnh biệt anh Võ Văn Tạo)

Đào Tiến Thi

Tôi và anh quen nhau từ bao giờ, bắt đầu từ trên mạng thôi. Những năm ấy mùa hè nào Trung Quốc cũng gây sự, bắt nạt Việt Nam trên Biển Đông, cho nên đã tạo ra một phong trào chống Trung Quốc xâm lược khá sôi nổi mạnh mẽ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói[1]. Vì thế, những người xuống đường bày tỏ lòng yêu nước và quyết tâm chống xâm lược trở nên quen nhau, thân thiết với nhau dễ lắm. Rồi một hôm anh ra Hà Nội, anh mượn đâu được một chiếc xe máy cọc cạnh tự đi đến chỗ tôi. Tôi mời anh đi ăn tối, nhưng anh cứ giành trả tiền. Nghe tôi kể vợ tôi nhiều bệnh tật, có lẽ sắp phải đi mổ lại, lúc về, anh còn gửi cho vợ tôi 500.000đ, tôi từ chối thế nào cũng không được. Anh bảo: “Tao biết mày nghèo lắm”. Sau này, tôi để ý trong quan hệ với bè bạn, anh là người vô cùng rộng rãi, hào hiệp, luôn giành lấy phần chi tiêu về mình, mặc dù gia cảnh anh cũng đạm bạc, chẳng giàu có gì.

clip_image002

Võ Văn Tạo và bạn bè sau cuộc “thị sát” vịnh Vân Phong, 6/7/2018

Nay anh ra đi, thấy trong cáo phó có ghi rõ: “Gia đình miễn nhận phúng điếu (kim ngân, vòng hoa, trái cây, liễn,…)”. Chắc đây cũng là di nguyện của anh. Anh sống chỉ thích cho đi, chỉ thích giúp người khác và không muốn phiền ai.

Anh nói tiếng Bắc chuẩn, nhưng anh là người Nam “chính hiệu”. Cha mẹ anh người Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Cha anh làm cán bộ tổ chức tỉnh Hà Nam, tiêu chuẩn phiếu C (ở hàng tỉnh có lẽ đấy là loại cao nhất và theo tôi biết cũng rất hiếm hoi, chỉ đôi người được). Mẹ anh làm ở Ty Thương nghiệp tỉnh Hà Nam, có lúc làm cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm. Tóm lại, toàn những chỗ rất có giá của thời bao cấp nghèo đói. Nên biết rằng trẻ con lẫn người lớn ở miền Bắc hồi ấy phần đông phải cái chịu ba thứ khổ về vật chất: đói, rét và nóng. Cái nóng mùa hè miền Bắc dữ dội hơn miền Nam mà lại không có điện, hay có điện nhưng không có quạt. Cái rét mùa đông thì khổ hơn nữa, hầu hết không có chăn bông, áo ấm, giày dép gì. Tuy nhiên khổ nhất vẫn là đói. Đói triền miên. Trừ mấy ngày Tết, còn lại thèm cơm quanh năm. Nhưng với anh, học sinh miền Nam, nóng thì cũng có thể phải chịu nhưng rét thì không đến nỗi, ít ra đêm cũng được đắp chăn bông như bài thơ “Chú đi tuần”[2] nổi tiếng hồi ấy đã viết. Còn đói thì anh hoàn toàn không phải chịu, thậm chí “cá thịt chén thoải mái” như anh kể. Và mẹ anh khi làm cửa hàng trưởng còn ký lệnh giúp nhiều người quen mua được thịt cá nữa. Là con em cán bộ miền Nam tập kết, về mặt xã hội, anh cũng thuộc loại “lá ngọc cành vàng”. Anh kể lúc nhỏ bị bệnh thập tử nhất sinh, các bác sỹ đã tưởng hết cách nhưng vẫn hết sức cố gắng. BS. Phạm Ngọc Thạch, một bác sỹ thuộc hàng giỏi nhất lúc đó, lại đang là cán bộ lãnh đạo cao cấp ngành Y tế, đã đến tận nơi động viên các thầy thuốc: “Đây là một đứa con của miền Nam, chúng ta phải hết sức cứu chữa”, và nhờ đó mà anh thoát chết. Năm 1971, anh thi trúng tuyển Đại học Ngoại thương nhưng trong khi chờ ngày nhập trường thì có giấy gọi đi bộ đội. Là con em cán bộ miền Nam, cha mẹ anh lại cùng quê với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mẹ anh muốn tìm cách để anh không phải đi nhưng anh kiên quyết “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” không một chút phân vân. Anh kể có lúc đi chiến dịch, ba lô nặng quá, phải vứt đi nhiều thứ, kể cả những bánh xà phòng là cái vô cùng quý với người lính lúc đó, thế nhưng vẫn không chịu vứt tập thơ Hoa dừa của Lê Anh Xuân. Là vì anh cũng có cái mộng ước “Trở về quê nội” như nhà thơ nọ. Tuy nhiên anh là lính “Cơm Bắc giặc Nam” (chỉ tham gia chiến trận vùng xung quanh phía Nam vĩ tuyến 17, xong một chiến dịch lại rút ra Bắc) nên không có dịp vào đến quê hương. Anh có tham dự 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị nhưng may sống sót trở về và được bước chân vào giảng đường đại học.

Với lý lịch “đỏ”, bản thân là quân nhân, bằng cấp cũng thuộc loại cao thời đó, anh có thể làm “quan to”, nhưng anh cũng chỉ giữ vài chức “quan nhỏ” như trưởng phòng của một công ty hoặc phó giám đốc một khách sạn (lúc đó tất cả đều của nhà nước) trong một thời gian rồi chuyển sang nghề làm báo. Nói qua vài chuyện đó để thấy anh thuộc đội ngũ “bên thắng cuộc”, hoàn toàn có thể nhập vào thế giới quan chức, sống đời vương giả như bao người khác, nhưng anh đã nhanh chóng nhận thấy những sự phi lý, bất công, những hiểm hoạ mới của dân tộc, do đó, anh không chọn cách sống “ăn cây nào rào cây ấy”; trái lại, kể từ khi làm báo nhà nước (từ đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI) cho đến khi làm báo tự do (từ khi về hưu), anh dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới, đầy chông gai và nguy hiểm. Nhìn bề ngoài tưởng như mâu thuẫn, nhưng sâu xa từ bên trong vẫn là một khối hoàn toàn thống nhất: anh là một con người xả thân vì đất nước.

clip_image004

Võ Văn Tạo tại vịnh Vân Phong, 6/7/2018

Là người thông minh, lại học xuất sắc về một ngành kinh tế, cùng với vốn liếng khá về tiếng Pháp (có lúc anh làm phiên dịch tiếng Pháp cho một công ty du lịch) cho nên khi chuyển sang nghề báo, anh có nhiều lợi thế. Anh vào nghề báo khi cuộc Đổi mới đã đi qua giai đoạn bồng bột “tự cứu mình”, bắt đầu đi vào chiều sâu. Anh cổ suý cho kinh tế thị trường trên cơ sở khoa học, phê phán lối làm ăn lề mề, vòng vo, cửa quyền, vòi vĩnh của các cơ quan chức năng[3]. Rồi chính anh cũng là những người đầu tiên chống kiểu “thị trường hoang dã”, cái lối thị trường chụp giật, tàn phá tài nguyên và môi trường sống. Nha Trang nói riêng cũng như Khánh Hoà nói chung, nơi quá giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến quyết liệt về đầu tư. Anh có nhiều đóng góp trong việc ngăn chặn “Dự án Hoàng Kiều”[4], Dự án Thép và gắn với nó là Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong do POSCO (Tập đoàn Thép và Nhiệt điện Hàn Quốc) đề nghị đầu tư.

Khi làm báo tự do, anh càng có điều kiện ngang tàng, phóng khoáng. Ý kiến phản biện của anh ngắn nhưng sắc sảo, đanh thép. Anh cũng rất quan tâm đến những anh em gặp phải “nạn nước”, kể cả những người trái quan điểm với anh. Anh dũng cảm lên tiếng khi nhiều người đã phải im lặng, tuy nhiên anh không khuyến khích người khác phải như anh (anh có một chút lợi thế là được nhiều quan chức Khánh Hoà nể vì), trái lại có khi còn khuyên anh em nên “hạ nhiệt”.

clip_image005

Võ Văn Tạo tại BV. Phạm Ngọc Thạch, tháng 6/2020, ngày nào cũng sốt cao vì lao phổi; bác sỹ tạm ngừng chữa ung thư để chữa lao phổi

Từ đầu năm 2018, anh bị ung thư phổi. Bệnh tật hoành hành và chữa chạy rất tốn kém nhưng lúc nào anh cũng vui và đặc biệt rất nhiệt tình với bạn bè. Hè năm ấy tôi vào thăm anh, anh mới uống xong một đợt thuốc, khối u giảm xuống nên sức khoẻ cũng khá lên. Anh đi xe máy ra ga tàu đón tôi và lúc về cũng lại chở xe máy đưa tôi ra ga. Trong thời gian ở chơi với anh, anh đưa tôi đi thăm khu Tháp Chăm kỳ vĩ, thăm Viện Hải dương học Nha Trang (có từ 1922), thăm Khu lưu niệm Bác sỹ Yersin và nhiều di tích khác. Đến đâu anh cũng dồi dào kiến thức để thuyết minh, vì anh đã có lúc làm hướng dẫn viên du lịch. Khi tôi ngỏ ý muốn đi “thị sát” cảng Vân Phong (mà vừa trước đó suýt thành “đặc khu”), anh cầm điện thoại lên gọi và ngay sau đó đã có bạn anh hứa sáng mai đến đón. Lúc đó ngoài ung thư, anh còn bị chứng đau cột sống, ngồi xe lâu rất đau nhưng anh vẫn đi cùng anh em. Mỗi khi chụp hình, chúng tôi chỉ biết chú ý cảnh đẹp thì anh có cách chọn riêng. Anh bảo: “Chúng mày dốt lắm. Cảnh vu vơ thế thì sau này sẽ quên, không biết đấy là đâu cả. Phải chọn chỗ có chữ ghi địa danh chứ”. Anh cũng đưa tôi đi gặp một số văn nghệ sỹ đất Khánh Hoà. Nhớ mãi một buổi chiều anh đưa tôi đến gặp nhà văn Văn Biển (1930-2022) tại tư gia của ông. Anh bảo bác Văn Biển: “Thằng Thi nó cứ tưởng em sắp chết nên vội vào ngay, nhưng còn lâu em mới chết anh ạ!”. Tuy nhiên những câu chuyện buổi chiều hôm đó nhìn chung là những chuyện buồn, vì cả ba chung một nỗi niềm đất nước mà bất lực. Bác Văn Biển, khi đó đã gần chín mươi tuổi, là cháu ruột gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng chú (có thời gian bác ở nhà cụ Đồng). Cuối đời bác phản tỉnh rất nhiều điều. Có lúc bác vừa khóc vừa dằn cái cốc xuống bàn mà nói: “…trong đó có ông chú tôi”. Nhìn một người già khóc, ta thấy tội nghiệp hơn người trẻ rất nhiều, nhất là khi khóc không phải vì chuyện riêng mà vì cái tình đối với non sông.

Cuối tháng ba năm nay tôi còn đi thăm anh được lần nữa. Lúc này khối u đã di căn lên não, phải xạ trị cả khối u não. Anh yếu đi nhiều nhưng vẫn rất vui vẻ, lạc quan. Có một sáng anh đi xe máy lai tôi đi ăn sáng. Rồi lại một sáng anh đòi đi tắm biển. Biển Nha Trang lúc đó còn khá lạnh. Tôi chỉ định cho anh “nhúng nước” rồi lên. Nhưng anh không chịu, cứ muốn được bơi. Anh là người bơi rất giỏi. Anh kể hồi chưa bệnh có thể bơi 7, 8 cây số. Chiều anh, cho anh bơi độ chục mét, anh lại đòi bơi thêm chút nữa, rồi lại thêm chút nữa. Cuối cùng phải kiên quyết kéo anh lên anh mới chịu lên. Bất chợt tôi nghĩ đến một thế hệ chung sống với thiên nhiên còn nhiều hoang sơ mà không sợ hãi. Khác với bây giờ, lớp trẻ dựa vào công nghệ mới có thể thẳng tay tàn sát thiên nhiên nhưng lại rất sợ thiên nhiên. Tắm biển cũng chỉ loanh quanh ở bờ, chẳng dám ra xa. Chỗ chung cư tôi ở có ít cây xanh, cành lá đang độ đẹp thì nhiều cô cậu cứ đòi đốn bớt cành vì sợ rắn rết và sợ… ma!

Cũng vì thấy anh vui vẻ, ham sống quá nên tôi dù đã đem theo laptop để viết bài văn “sinh vãn” đọc trước cho anh nghe mà rồi lại thôi. Mấy tháng nay, khi bệnh anh nặng lên rồi thì lại không nỡ, sợ anh thêm suy nghĩ...

Anh Tạo ơi, thôi anh lên đường nhé. “Cầu Nại Hà kẻ trước người sau”. Nhưng cõi ấy (nếu có) của anh chắc không buồn như cụ Nguyễn Du nghĩ. Ở đấy anh sẽ được gặp nhiều bạn tốt, bạn quý của anh, như các bác, các anh: Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Đĩnh, Vũ Linh, Nguyễn Xuân Thọ, Nguyễn Anh Dũng, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Đăng Quang, Oanh Bùi,… và nhiều anh chị khác.

clip_image001


[1]Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh)

[2] https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-Ng%E1%BB%8Dc/Ch%C3%BA-%C4%91i-tu%E1%BA%A7n/poem-wE0xG-oxPZfhfeypUvkkog

[3] Xem: https://tuoitre.vn/thuong-kinh-tam-quota-ky-su-50140.htm

[4] Tham khảo thông tin vụ Hoàng Kiều: https://tuoitre.vn/rut-y-dinh-xin-cap-dat-phuc-vu-cuoc-thi-hoa-hau-the-gioi-286534.htm

và bài báo của Võ Văn Tạo:

https://cuoituan.tuoitre.vn/vinh-nha-trang-doi-di-san-lay-phu-hoa-285847.htm