Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Chuyện Tư Hà

Nguyễn Minh Kính

                                                                                                                      Ghi chép

                                                                                                          (Theo lời kể của Tư Hà)

Mình với cậu hợp duyên, biết nhau và chơi với nhau có đến năm mươi lăm năm rồi. Mình biết khá nhiều về cậu, nhưng cậu chưa biết hết hoàn cảnh của mình đâu. Để mình kể cho cậu nghe.

Quê mình ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Cậu biết đất đồng bằng Bắc bộ của mình nhưng chắc không biết rõ bằng mình, vì đây là quê cha đất tổ của mình, cũng giống như mình không thể biết rõ đất Hà Tĩnh của cậu. Đất vùng quê của mình lãng mạn và đẹp lắm cậu ạ. Mình có đọc sách đôi chút, để trích dẫn kể sơ qua cho cậu nghe chơi.

Nghe đâu hàng triệu năm trước, toàn bộ vùng đất Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình còn nằm sâu dưới đáy biển. Sau một cơn địa chấn thời nào đó tạo sơn lập địa đã sinh ra vùng đá vôi rộng lớn Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình ngày nay. Khi tình trạng nước biển nơi đây kết thúc, tiếp theo là quá trình hình thành vùng đồng bằng cổ xưa. Con sông Hồng và sông Đáy thu nhận đất đai bị bào mòn từ vùng núi cao trôi xuống để bồi đắp phù sa cho đồng bằng Bắc Bộ trong đó có quê mình.

Quê mình có những ngọn núi cao, phía Đông có sông Hồng, phía Tây có sông Đáy, phía Nam có sông Ninh và nhiều con sông nhỏ khác nữa chảy trong nội địa của tỉnh. Cũng qua sách báo nên mình biết thêm đôi chút về lịch sử quê mình. Đại khái từ thuở xa xưa, thời vua Hùng dựng nước, đất quê mình ngày nay nằm trong quận Vũ Bình thuộc bộ Giao Chỉ, đến thời nhà Trần thuộc Đông Đô. Dưới thời Lê, thế kỷ 17, rồi đến thời Nhà Nguyễn, vua Minh Mạng bỏ đơn vị trấn thành, lập đơn vị hành chính tỉnh thuộc Hà Nội, đến đời vua Thành Thái được đổi tên nữa. Đấy, quê mình có một lịch sử lâu dài, đẹp và có phần lãng mạn như thế đó.

Trong chiến tranh chống Pháp trước năm 1954, quê mình thuộc vùng gọi là vùng tạm chiếm, cũng giống như hầu hết các thành phố lớn ở nước ta do chính quyền thuộc địa của Pháp kiểm soát, khác với vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh của cậu thuộc chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Vùng tạm chiếm cũng gọi là vùng tề ngụy. Vùng tự do tương đối yên ổn vì được chính quyền kháng chiến kiểm soát chặt chẽ. Vùng tề ngụy ở thành thị vì có tự do buôn bán giao lưu rộng rãi nên phức tạp lộn xộn. Chính quyền tề ngụy không thể kiểm soát an ninh hoàn toàn nên thỉnh thoảng phải tổ chức các cuộc hành quân bố ráp, kiểm tra bắt bớ những người thiếu giấy tờ tùy thân, bị nghi ngờ trà trộn vào vùng của họ để hoạt động, phá hoại.

Mình có ba chị em, chị cả, mình và em trai. Tuổi thơ của mình không may mắn. Bố mình mất năm 1945, lúc mình mới bốn tuổi, mẹ mình và một số người thân trong dòng họ bị súng ca-nông, súng đại bác của Pháp bắn chết trong lúc mọi người đang tập trung trong nhà thờ của dòng họ. Ba chị em mình không có mặt trong căn nhà nên may mắn được sống sót.

Mẹ mình mất năm mình mới mười hai tuổi. Mình chỉ có người cậu ruột là gần gũi, chỗ dựa thay thế cha mẹ, nhưng cậu lại thuộc típ người lang bạt kỳ hồ, có vợ rồi mà còn xuống Hải Phòng cặp thêm một vợ nhỏ nữa. Vợ nhỏ, vợ lớn của cậu đẻ như gà, thi nhau đẻ, đẻ xoành xoạch. Mình được tiếng có cậu nuôi dưỡng bảo bọc nhưng suốt ngày chỉ có việc bồng bế cháu, cõng cháu thiếu điều cong xương sống cóng xương sườn.

Chán quá, mình bỏ quê lên Hà Nội sống như một đứa trẻ bụi đời, rồi mình lại trở về quê sống bằng công việc buôn bán. Nói buôn bán cho oai chứ thật ra là mình cầm cái mẹt đựng kim chỉ bút mực, ba cái thứ linh ta tinh tinh, nói theo dân Nam Bộ là các thứ hằm bà lằng, ngồi chồm hổm, có khi ngồi bệt xuống đất bán kiếm chút tiền lời còm cõi để sống, không phải được may mắn như cậu ở vùng quê Hà Tĩnh có nhà cửa ruộng vườn, đi chăn trâu ngoài đồng để được tung tăng vui cùng chúng bạn.

Dân nghèo thành thị mà cậu. Khổ lắm, khổ từ lúc còn bé. Tuổi thơ của mình chưa hề có vị ngọt mà chỉ thấy toàn đắng với cay.

Một lần, mình không nhớ thời điểm cụ thể, lính tề ngụy hành quân, nghe tiếng súng nổ, thấy người ta chạy tán loạn, mình cũng chạy theo. Mình chạy đến chỗ vắng an toàn thì thấy một người thanh niên vui vẻ nắm tay mình, xoa đầu mình, tỏ tình cảm thương yêu, hỏi han hoàn cảnh của mình rồi xưng là chú và nhận mình như một đứa em đang cần sự che chở.

Tuổi còn non trẻ đối diện với cảnh này, mình cảm động lắm. Mình kể hoàn cảnh của mình rồi cho người thanh niên biết địa chỉ. Từ đó mình trở thành đứa em thân yêu của chàng thanh niên và cũng trở thành người vừa bán hàng lặt vặt vừa làm liên lạc đem thư từ tin tức cho chú. Chú ấy còn đọc thơ cho mình nghe, mấy câu thơ mà sau này mình mới biết đó là thơ Tố Hữu:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng . . .

Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà.

Tuổi con nít, tuổi thiếu niên sống trong cảnh đói nghèo mà khi nghe mấy câu thơ Tố Hữu mình đã hưng phấn, thấy rạo rực trong lòng, cũng giống như con chim non vừa đủ lông đủ cánh đang tập bay, muốn được bay cao, bay xa. Mình vừa đi bán các thứ hằm bà lằng vừa làm liên lạc đưa thư từ, tin tức cho chú hoạt động chống Pháp ở phố thị quê mình.

Chú ấy còn nói với mình, nay mai không còn thực dân Pháp, nước nhà độc lập, Việt Nam ta sẽ xây dựng thành một nước Xã-Hội-Chủ-Nghĩa giàu có văn minh như Liên-Bang-Cộng-Hòa Xã-Hội-Chủ-Nghĩa Xô-Viết bên Liên-Xô. Từ đó mình say mê làm “con chim chích, nhảy trên đường vàng”.

Năm 1954 kết thúc chiến tranh chống Pháp, chia đôi Nam-Bắc, hòa bình đến với hai miền, mình không đạt tới những danh hiệu to lớn hoành tráng cỡ như Võ-Thị-Sáu hay Lê-Văn-Tám, mà mình đã trở thành một thiếu niên ưu tú điển hình của tỉnh trong thời gian kháng chiến chống Pháp giành độc lập của đất nước.

Cậu thấy mình “oai” chưa nào? Oai quá đi chứ lỵ!

Thế rồi, năm 1955 đúng mười bốn tuổi mình được cử đi học nước ngoài, đi Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Đông Đức Xã Hội Chủ Nghĩa. Phe XHCN của ta có 13 nước anh em, Liên Xô hùng cường có từ Cách Mạng Tháng Mười, năm 1917; đến Cu Ba là em út sinh năm 1959, nhưng Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Đông Đức mới là nước giàu, có nền khoa học kỹ thuật vào bậc nhất phe XHCN do thừa hưởng nền tảng sẵn có của nước Đức trước thế chiến thứ II mặc dù nước Đức đã bại trận.

Nói được đi học nước ngoài ở Liên-Xô nghe thì oai, nhưng không “ngon” bằng học ở Đông Đức, còn như học ở các nước Ba-lan, Tiệp-khắc, Bun hay Hung hiếc gì đó cũng không bằng đi Đông Đức. Đoàn học sinh miền Bắc được cử sang Đông Đức học thời đó, tất cả còn ở vào tuổi thiếu niên, tuyệt đại đa số là con em các ông to ông lớn mà mình không tiện kể tên của họ ra với cậu. Trong chiến tranh, miền Bắc tuy nghèo nhưng con em các ông to ông lớn vẫn được coi là các “tiểu thư”, “cậu ấm” mà “tiểu thư”, “cậu ấm” thì không thể khôn lanh bằng mình được, nên mình được cử làm lớp trưởng.

Lớp học sinh của mình tuổi còn nhỏ, qua Đông Đức thời đó cũng giống như những mầm non tinh hoa đất nước nên được các bà giáo, cô giáo người Đức thương yêu chăm sóc chu đáo giống như con cái của họ. Khu nhà ở tập thể một nơi, nam nữ riêng biệt. Khu trường học thì chung cả nam lẫn nữ. Chương trình học bước đầu là học tiếng Đức, học hát, ca nhạc, hội họa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đủ thứ không thiếu một thứ gì.

Ở tập thể, sống tập trung trong một khu nhà, ăn uống ngủ nghỉ, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, đối với mình đó là thiên đường chưa bao giờ được trông thấy. Giờ đi ngủ, học sinh bọn mình không được bận quần áo gò bó chật chội, mà phải mặc thoải mái để có giấc ngủ ngon. Học sinh lên giường ngủ rồi, cô giáo còn phải đi kiểm tra từng đứa một, không sót một đứa nào.

Khu nhà của bọn con gái ở cách biệt, mình không biết, khu nhà của bọn con trai thì vui lắm, tức cười lắm, tức cười chết đi mà cũng xấu hổ chết đi. Ai đời mình đã ở vào tuổi thiếu niên chứ có phải con nít con nôi, thiếu nhi đâu mà cô giáo đi kiểm tra còn thò tay vào quần sờ xem mình có mặc đúng nội quy không. Sờ thật đấy cậu ạ, không phải sờ chơi đâu, sờ mà mình thấy nhồn nhột. Đến nay đã vào tuổi tám mươi rồi mà mình vẫn còn nhớ lại được cái cảm giác nhồn nhột đó. Mình mắc cỡ, xấu hổ muốn chết, vì “thằng nhỏ” của mình hồi đó đang bắt đầu lún phún những sợi lông tơ. Mình kể thật đấy, kể nghiêm túc chứ không phải thêm mắm thêm muối, bịa ra để cậu cười chơi đâu.

Sau Hiệp Đinh Giơ-ne-vơ năm 1954 chia đôi đất nước, có lẽ lứa học sinh của mình được qua Đông Đức học là lứa đầu tiên vì thấy hầu như chỉ con cháu các ông to ông lớn. Học sinh đứa nào cũng khoe chức tước cha mẹ thì ai mà không biết. Phải không? Mình là trường hợp cá biệt. Thế nên các đoàn cán bộ Việt Nam hễ có dịp qua thăm Công Hòa Dân Chủ Đức đều phải ghé thăm các cháu học sinh đang học ở đó. Mình có chức “trưởng lớp” vừa “oai” vừa “vinh dự”. Một lần có ông rất to, to thật là to, to gần như hết cỡ mà mình cũng không tiện nói tên ghé vào thăm lớp học của bọn mình, có các nhà báo đi theo viết tin và chụp hình chụp ảnh nữa.

Vào lớp, ông ấy ngồi phía trên, đối diện trước lớp, mình là lớp trưởng bước lên trong tiếng võ tay hoan hô của cả lớp rồi được ông ấy hôn và ôm vào lòng. Nhà báo chụp hình chụp ảnh lia lịa. Ôi chao! Sướng quá, vinh dự quá. Không sướng, không vinh dự sao được vì những tấm hình đó sẽ được đăng lên báo cho nhân dân trong nước coi. Mình tin tờ báo có hình ảnh của mình và ông ấy vẫn còn được lưu trữ như một tư liệu trong thư viện quốc gia cho đến nay.

Sau thời gian học chữ và qua lứa tuổi thiếu niên học sinh ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, mình được sắp xếp chuyển sang học ngành in. Chắc cậu đã nghe tiếng kỹ thuật in ấn của nước Đức, cả Tây Đức lẫn Đông Đức, không những đứng đầu phe XHCN mà còn được xếp hạng đầu của thế giới trong những năm 1950 cho đến khi thế giới có computer và máy in gọn nhẹ tối tân như ngày nay.

Mình học điều khiển máy đúc chữ bằng chì, loại chữ làm bằng chì, những con chữ bé tý do máy đúc ra để tạo những bản kẽm cho khuôn in. Học sửa chữa các loại máy in, điều khiển vận hành và bảo trì máy in. Mình đã trở thành một chuyên viên ngành in ngon lành. Sau những năm du học đó, về nước mình làm việc về ngành in ở miền Bắc.

Những tưởng cuộc đời mình cứ thế thong dong mà đi êm ả, nhưng không phải thế. Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ được ký kết, hai miền Nam-Bắc tạm thời chia cắt, mỗi bên sống trong hòa bình hai năm để chờ ngày Tổng Tuyển Cử thống nhất đất nước. Nhưng Mặt Trận Giải Phóng miền Nam ở trong Nam được thành lập và chiến tranh lại nổ ra tàn phá cả hai miền khốc liệt hơn nhiều lần thời chiến tranh chống Pháp.

Có lẽ năm 1965 là năm bắt đầu lan rộng cuộc chiến. Miền Nam nơi đâu cũng có chiến tranh loạn lạc bất ổn, miền Bắc thì chịu bom đạn tàn phá của máy bay Mỹ. Dân thành thị ở miền Bắc và các nhà máy phải sơ tán về các vùng xa để tránh bom đạn. Đất nước đã bước vào tình trạng chiến tranh thực sự. Đa số tuổi trẻ thanh niên trai gái ở miền Bắc đều phải ra chiến trường đủ mọi hình thức, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề, mình cũng không ngoại lệ.

Vào chiến trường miền Nam, mình được dự tính tùy theo tình hình sẽ làm việc về in ấn thông tin báo chí cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng trên đường đi vào đến vùng Quảng Ngãi, nhóm người của mình không hiểu sao lại gặp phải toán quân phục kích của quân đội Việt Nam Cộng Hòa miền Nam.

Nhóm người của mình bị bắt. Riêng mình họ đưa thẳng vào Sài Gòn giam ở Cục Tình Báo Trung Ương để hỏi cung. Lai lịch, con người mình đã rõ rành rành. Sinh ra ở miền Bắc, đi học nước ngoài rồi về làm việc ở miền Bắc, chưa có vợ con gia đình, rồi vào Nam và rồi bị bắt, chỉ có thế.

Sau một thời gian giam giữ hỏi cung xong, họ cho mình suy nghĩ quyết định tương lai của mình. Trải qua kinh nghiệm sống, thấy rõ thưc tế, lại được học ở Đức, ít nhiều mình đã có chút khái niệm về cuộc đời, mình không muốn làm người “anh hùng bất khuất”, người xuất chúng nổi danh có tên tuổi ghi vào sử sách, lại càng rối rắm mịt mù về lý tưởng cao xa không tưởng tượng được và cũng không sao hiểu nổi.

Mình muốn làm con người bình thường, sống bình thường, tìm kiếm chút hạnh phúc bình thường của một con người bình thường để mong được đóng góp chút công sức nhỏ nhoi nào đó có ý nghĩa cho đời và chia sẻ tình thương yêu trong một kiếp người ngắn ngủi. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho mình ra làm một thường dân ở đất miền Nam.

***

Mình làm việc cho một cơ sở ấn loát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa miền Nam, dịch sách báo tài liệu kỹ thuật tiếng Đức để sống. Năm 1967 mình gặp một cô gái được sinh ra ở đất miền Nam, là dân Nam Bộ rặt đang làm việc cho một công ty tư nhân ở Sài Gòn rồi kết duyên vợ chồng. Khoe với cậu chút, vợ mình khá xinh đẹp lại mắn đẻ. Cậu có ba con mà mình lại có đến năm đứa, gái, gái, trai, gái, gái. Con gái đầu của mình sinh năm 1968, kế tiếp từng năm một vợ mình cho ra đều đều đến đứa thứ năm thì hai vợ chồng thỏa thuận nghỉ đẻ.

Đầu năm 1975, hai vợ chồng mình cùng nghỉ phép năm, đưa năm đứa con ra Phú Quốc chơi và thăm gia đình người anh bên vợ ở đó. Vào thời gian này, tình hình miền Nam đang sôi động và có chiều hướng căng thẳng bất an. Người anh vợ khuyên vợ chồng mình không trở về Sài Gòn nữa mà nên ở lại để nghe ngóng tình hình đất nước xem ra sao.

Tháng Tư năm 1975 tình hình đất nước diễn ra như thế nào thì cậu đã biết. Những người có thế lực có phương tiện ai cũng tìm mọi cách rời khỏi đất nước. Rất nhiều người ở Phú Quốc, trong đó có vợ và các con mình đã phải thuê ghe tàu đánh cá của ngư dân chạy lánh nạn chiến tranh.

Không có một chút chuẩn bị gì cho chuyến đi chạy loạn này cả, có thể nói gần như hai bàn tay không. Vợ mình thì sức vóc yếu đuối, năm đứa con, con gái lớn nhất bảy tuổi, con nhỏ nhất mới hai tuổi. Tàu thuyền đánh cá của ngư dân đưa những người chạy loạn ra hết hải phận Việt Nam thì gặp tàu lớn của Mỹ đang chờ sẵn để đón người tỵ nạn.

Thang và các phương tiện an toàn để lên tàu lớn chỉ dành cho con nít và phụ nữ. Đàn ông thanh niên phải đu bám vào những sợi dây thòng từ cao trên boong tàu xuống mặt nước biển trên những thuyền ghe tàu đánh cá nhỏ. Những ghe, thuyền tàu nhỏ đánh cá đi lênh đênh trên biển từ Phú Quốc ra hải phận quốc tế, theo kinh nghiệm đi biển, ai cũng phải mang theo nước uống. Đói chưa chết nhưng cơ thể thiếu nước, khát nước trên biển rất dễ chết. Đó là kinh nghiệm.

Cậu có thể tưởng tượng được không; mình mang can nhựa đựng nước uống mười lít, lại kiệu thằng con trai bốn tuổi trên vai để bám dây đu lên tàu lớn với chiều cao hơn chục mét. Có người đu dây lên tàu đuối sức đã rơi xuống biển. Thời điểm đó lại có thêm đám tù nhân đảo Côn Sơn đủ thành phần được thả ra hoặc vượt ngục do có thời cơ, đã cướp thuyền ghe đánh cá của ngư dân cũng tham gia vào đoàn người chạy loạn. Có thể nói đây là biến cố chạy loạn đau thương khủng khiếp có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam nếu nhìn toàn cảnh đất nước cả từ miền Bắc.

***

Gia đình mình đến định cư tại tiểu bang Pennsylvania có dân số hơn 10 triệu người ở miền Đông Bắc nước Mỹ do một tổ chức từ thiện bảo trợ. Nhóm người Việt Nam tỵ nạn đến tiểu bang Pennsylvania trong đợt này chừng năm bảy gia đình. Trong buổi họp để cảm ơn tổ chức từ thiện, mình thay mặt nhóm người Việt tỵ nạn lên phát biểu lời cảm tạ.

Mình chuẩn bị bài phát biểu đã soạn sẵn trên giấy để đọc. Đọc xong, xuống khán đài hỏi vài người trong tổ chức từ thiện xem họ có nghe và hiểu được lời phát biểu của mình không. Ai cũng nhăn răng cười. Là bởi vì vốn tiếng Anh amateur của mình quá nghèo nàn mà phát âm, nói ra giống người ngọng thì ai mà nghe cho nổi (xin lỗi những người nói ngọng).

Vùng Đông Bắc nước Mỹ mùa đông tuyết trắng xóa lạnh thấu xương. Nhìn băng tuyết và cảnh vật nơi đây, mình giống như một con cá sống trong ao hồ trôi ra sông lớn, không khéo sẽ bị nước cuốn trôi. Kế tục truyền thống con nhà nghèo chịu đựng lăn lóc bụi đời từ nhỏ, mình không khoanh tay ngồi chờ mặc dầu có trợ cấp xã hội. Mình đi xin việc làm.

Đầu tiên mình xin được công việc dọn dẹp vệ sinh bên ngoài một bệnh viện. Công việc của mình là vệ sinh hành lang, cắt cỏ, quét tước, sửa ống cống, cào tuyết vào mùa đông. Là người Việt Nam nhỏ con, sức vóc không bằng người Mỹ nhưng mình làm việc siêng năng, cật lực, chu đáo, có trách nhiệm nên ai cũng mến. Thấy mình đi làm vất vả, vợ mình không chịu ngồi yên. Mình mở một cửa hàng nhỏ bán các hàng hóa châu Á để vừa có thu nhập thêm vừa để vợ có việc làm khuây khỏa.

Xứ Mỹ không sợ nghèo đói, là mảnh đất lập nghiệp khá lý tưởng cho những ai có ý chí, chịu khó siêng năng làm việc và xứ Mỹ cũng là nơi an ninh đối với từng cá nhân, từng con người rất đáng sợ.

Buổi đầu đến Mỹ mình chưa mua được xe hơi, chỉ đón xe bus đi làm. Một lần mình đón xe bus bị nhỡ, sợ trễ giờ làm, xin quá giang một chiếc xe hơi của hai thanh niên Mỹ da đen mừng quá, nhưng đã rước họa vào thân. Đi được một đoạn đường, hai tên da đen đem mình đến chỗ vắng, lục lọi lấy hết tiền bạc và giấy tờ cá nhân của mình. Thật hú hồn, may mà mình không bỏ mạng với chúng nó.

Công việc dọn dẹp vệ sinh ngoài bệnh viện khá vất vả nhất là về mùa đông nhưng không có cách nào khác hơn. Dù sao thì công việc này cũng giúp mình tạm ổn trong những năm tháng đầu đến Mỹ lập nghiệp.

Một hôm vào ngày Chủ Nhật đi nhà thờ, tình cờ mình gặp và quen một ông người Mỹ gốc Đức. Được nói chuyện tiếng Đức với ông ta mừng quá, thoải mái quá. Mình kể hoàn cảnh tỵ nạn, công việc đang làm và khả năng nghề in đã từng học ở Đức và đã từng làm việc ở Việt Nam của mình. Ông ta nhướng mắt đầy sự ngạc nhiên, “Oh really!”, (Ồ thế à!) rồi nói quả quyết, anh hãy bỏ việc đó đi, bỏ việc đó ngay đi, tôi sẽ giúp anh có việc làm tốt hơn.

Ngay ngày hôm sau, thứ Hai mình đến bệnh viện nơi làm việc để cáo bệnh xin phép nghỉ một ngày rồi đi theo ông người Mỹ gốc Đức. Ông ta dẫn mình đến một cơ sở in của một người Mỹ gốc Đức bạn của ông ta. Ba người nói chuyện tiếng Đức vui vẻ thoải mái và hai ngày sau mình đến làm việc ngay chứ không phải chờ đợi lâu. Đây là một cơ sở in nhỏ nhưng cũng là một công ty. Ông chủ là người Đức, con trai ông ta và vài ba người giúp việc.

Nhìn các cỗ máy in của Đức, tài liệu sách vở hướng dẫn tiếng Đức, mình mừng không gì mô tả được. Tại đây mình đảm trách kỹ thuật cùng vài ba người giúp việc, con trai ông ta lên làm quản lý, ông chủ nhàn nhã đi giao dịch công việc. Mình được trả lương gấp rưỡi nơi làm công việc nặng nhọc ở bệnh viện. Cuộc đời coi như đã “lên hương”. Mình có việc làm ổn định khá tốt, vợ mình buôn bán cũng vui lại có thêm thu nhập gia đình.

Nhưng cậu biết không, một sự mất mát quá lớn, quá đau thương bất ngờ ập đến với mình và năm đứa con. Vợ mình chết trong một tai nạn giao thông trên đường đi lấy hàng hóa về bán. Vợ mình bị tai nạn qua đời năm 1980 lúc vừa tròn ba bảy tuổi, để lại cho mình một đàn con năm đứa, lớn nhất mười hai tuổi, nhỏ nhất sáu tuổi. Nghĩa là sau năm năm đến Mỹ thì vợ mình bị tai nạn. Năm đó mình đúng ba chín tuổi, trở thành cảnh “gà trống nuôi con”.

Trước cảnh đau thương mất mát này, mình tưởng chừng như cả bầu trời sụp đổ, nhưng cũng may có một nhóm người Việt ít ỏi cùng tỵ nạn bên cạnh nên đỡ cô đơn. Vợ chết, chồng nuôi những năm đứa còn thơ dại, đúng như câu thành ngữ “gà trống nuôi con”. Nhưng rồi kế tục truyền thống con nhà nghèo vượt khó, mình phải gánh vác chứ có ai gánh vác thay cho mình được. Rồi mình lại nghĩ vẩn vơ, bất chợt ngẫu hứng, cảnh “gà trống nuôi con” không chừng lại dễ thương và lãng mạn nữa là khác. Ai mà không cám cảnh “cảnh gà trống nuôi con”. Đúng không?

Ông chủ nhà in thương mình vì có khả năng trong công việc mà lại gặp cảnh ngộ mất mát đau thương, cộng thêm sự trợ giúp về an sinh xã hội của chính phủ cho các con mình như lương thực, thực phẩm, giữ trẻ miễn phí, y tế, giáo dục học đường... nên dần dần mình đã nguôi ngoai và có phần quân bình được cuộc sống. Mình đi làm và gửi con ở trường học cả ngày. Sau giờ làm trên đường về ghé vào trường đón con, có khi đón hai ba nơi vì con học khác trường, về nhà tắm rửa cho con, cho con ăn, ngày thứ Bảy, Chủ Nhật chăm sóc con, dẫn con đi chơi.

Mình vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa làm cha vừa làm mẹ cho năm đứa con. Đất khách quê người không có thân nhân bên cạnh, cộng đồng người Việt vô cùng ít, hoàn cảnh của mình cũng là một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, hiếm có.

Những đêm đông lạnh lẽo, nhìn năm đứa con đang ở tuổi thơ ngủ ngon giấc êm ấm, có lúc mình lãng mạn một thoáng trong đầu, “Ừ, thì gà trống nuôi con” cũng được, nhưng biết đâu lại có một cô gà mái nào đó nhìn thấy sẽ cám cảnh sinh tình thương yêu mình thì sao.

Nhưng khốn nỗi, nơi đây đàn bà con gái nước ngoài hầu hết đều to con, thuộc loại gà mái cồ, mà mình lại thuộc dòng dõi gà tre, nhỏ con, không tương xứng chút nào cả, dễ gì mà có được. Đừng mơ.

Nhưng rồi giấc mơ cũng đến.

Nhờ công nghệ thông tin phát triển trên toàn cầu, ngồi bên kia nửa vòng trái đất vẫn nghe được người bên này nói chuyện dễ dàng, còn nghe được cả tiếng thở thì thào của nhau. Sau ba năm khi vợ qua đời, mình “gà trống” nuôi năm đứa con đã gặp một nàng gà mái hãy còn tơ người Việt sống từ Pháp qua. Lúc đó mình ở tuổi bốn hai mà nàng chưa đầy ba mươi. Cuộc đời mình có mất mát đau thương nhưng đã hồi phục dần lên. Các con của mình sống trong cảnh mồ côi mẹ đã quen nên nàng không vất vả lắm trong việc chăm sóc. Mình cho nàng đi học tiếng Anh và xin việc làm.

***

Làm việc ở nhà in được mười lăm năm thì mình nghỉ việc và ông chủ cũng phải dẹp tiệm luôn. Như cậu đã biết, phương pháp, kỹ thuật in từ dùng máy đánh chữ, xếp chữ bằng khuôn đang dần được thay thế bằng công nghệ mới sử dụng máy vi tính và in offset nên công nghệ in cổ điển phải dẹp bỏ. Công nghệ in đã thay đổi một cách mau chóng.

Mình lại nộp đơn xin việc làm nơi khác, ở Sở Thuế Vụ của tiểu bang Pennylvania. Khả năng chuyên môn và quá trình làm việc của mình, mình khai đầy đủ như đã kể với cậu. Bước đầu nơi đây mình chỉ làm việc lặt vặt đơn giản, dần dần mình được giao những công việc đòi hỏi khả năng và tính tổ chức cao hơn để quản lý trong nom những công việc thuộc hạ tầng cơ sở, như sắp xếp sửa sang nhà cửa phòng ốc làm việc của sở thuế ở nhiều địa điểm trong tiểu bang.

Pennylvania là tiểu bang hơn mười triệu dân, chỉ bằng một thành phố lớn. Mình được phép thuê mướn và quản lý một nhóm công nhân thời vụ dăm bảy người khi có nhiều việc. Như cậu đã biết, ở Mỹ không như ở Việt Nam ta, hư hỏng cái gì đó lại rị mọ sửa chữa kiểu giật gấu vá vai, lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia, mà ở đây họ loại bỏ ngay, cho vào thùng rác hoặc đem hủy tất cả để thay thế cái mới.

Mình lại nối tiếp truyền thống dân nghèo Việt Nam cóp nhặt vì tiếc của. Mình có một chiếc xe truck, xe tải loại nhỏ làm phương tiện đi lại vừa để chở hàng rất tiện lợi. Vật liệu nhà cửa phòng ốc cái nào bị loại ra mình xin lại và gom góp đem về nhà tích trữ để dành. Mình mua nhà cũ, nhà nát rồi tự sửa sang để ở.

Ban ngày đi làm, chiều về để không gây tiếng ồn, lúc hàng xóm chưa đi ngủ, mình cưa, đục, đóng đinh sửa chữa nhà, ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, mình làm việc cả ngày. Truyền thống con nhà nghèo mà cậu.

Nghe nói nhà cũ nhà nát ai cũng ghê ghê, nhưng vào căn nhà của mình đã tân trang sửa chữa lại, ai cũng phải trầm trồ khen. Mình mượn tiền, vay tiền ngân hàng mua nhà cũ sửa sang lại rồi bán hoặc cho thuê, dần dần mình có nhà riêng, lại có nhà cho thuê lấy tiền trả nợ ngân hàng.

“Túc ta túc tắc”, “Năng nhặt chặt bị” cứ thế đời sống của mình khấm khá dần lên và năm đứa con của mình cũng học hành trưởng thành dần lên. Đời mình lại “lên hương”. Tuy nhiên mình có chút lăn tăn. Năm đứa con, bốn gái một trai mà rể dâu, rể chẳng có đứa nào là người Việt Nam cả. Con rể đầu của mình gốc Do Thái, rể thứ hai Hàn Quốc, kế tiếp là Mỹ gốc châu Âu mà mình chẳng biết là xứ nào vì không nhớ nổi.

Mình có một đàn cháu nội ngoại, chỉ một nửa là dòng máu Việt, nửa còn lại tùm lum tà la, nhưng nghĩ cũng chẳng sao cả. Mỹ là Hợp Chúng Quốc, gia đình mình cũng là một tiểu Hợp Chúng Quốc của nước Mỹ. Thế thôi.

Có điều may mắn được sống trong xã hội Mỹ, người nghèo được chính phủ chăm sóc, bảo trợ từ cái ăn cái mặc cho đến viên thuốc chữa bệnh, y tế, giáo dục miễn phí nên con cháu của mình có thể nói là những kẻ cù bơ cù bất và dưới mắt một số người có thể cho là thứ “trôi sông lạc chợ” đều có điều kiện học hành khá tốt, đại học và trên đại học cả. Và hơn thế nữa, một điều mà mình rất mừng là khi biết gia đình trải qua trong cảnh chiến tranh loạn lạc đói nghèo, chúng nó sống có tình thương yêu và trách nhiệm lắm, biết hướng về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, sẵn sàng đóng góp những gì có thể để trả nợ cuộc đời.

Quan niệm sống của chúng nó giống mình là phải đóng góp chút gì đó cho quê, nơi chôn nhau cắt rốn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nợ cuộc đời cậu ạ. Nợ đồng lần vay trả trả vay.

Áo Gấm Về Làng

Áo gấm về làng là cụm từ để tả người nho sinh ngày xưa học hành giỏi giang đỗ đạt ra làm quan, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, còn mình, sóng gió cuộc đời vùi dập, chết đi sống lại về làng trong tâm trạng hồi hộp, có vui mừng lẫn cả lo âu chứ làm gì có được sự tự hào vinh dự “võng anh đi trước võng nàng theo sau”.

Con gái đầu của mình học y khoa bác sĩ, xong các kỳ thực tập, nó cần phải đi thực tế lấy một số tài liệu làm luận án ra trường. Nó nói, đoàn sinh viên của nó sẽ đi Việt Nam. Mình nghĩ, tài liệu thì đúng không nơi đâu phong phú bằng Việt Nam. Mình quyết định nhân cơ hội này sẽ về Việt Nam một chuyến.

Kỳ đi Việt Nam lần này gồm một nhóm sinh viên y khoa muốn lấy tài liệu thực tế về môi trường và tình trạng bệnh vùng nhiệt đới. Toán sinh viên và thầy hướng dẫn có kinh phí tài trợ riêng. Con gái mình xin cho mình một suất gia nhập đoàn như một thành viên để thông dịch riêng cho nó còn phí tổn mua vé máy bay, ăn ở và mọi thứ khác đều phải tự lo. Họ đồng ý cho mình gia nhập nhóm của họ như một thành viên, mặc dầu họ đã có đầy đủ người thông dịch.

Nói thật với cậu, mình lo lo và có phần hồi hộp trong chuyến đi này, nhưng nghĩ cũng không đến nỗi nào. Gì thì gì, đường đường chính chính mình là người Mỹ gốc Việt trong một nhóm công tác khảo sát lấy tài liệu chuyên môn về y tế vùng nhiệt đới cho các sinh viên trong đó có con gái mình.

Gần ba mươi năm xa quê cha đất tổ, xa phố thị quê hương, trở lại nhìn cảnh vật mình không thể nào hình dung được sự thay đổi của nó cậu ạ. Lạ lẫm và cảm thấy lạc lõng vô cùng.

Cậu thử nghĩ, thử hình dung mà xem, cậu vắng nhà, xa nhà chỉ vài ba tháng thôi rồi trở về chẳng hạn, mái nhà vẫn thế, cây cối vẫn thế, đường sá đi lại vẫn thế, mọi cảnh vật vẫn thế, nhưng cậu vẫn cảm thấy có cái gì đó khang khác mà chỉ có cậu là người trong cuộc mới cảm nhận được mà thôi, nhưng lại không thể mô tả được thành lời.

Đng này mình có đến gần ba mươi năm. Mình ở trong tâm trạng vô cùng khó tả. Mang một nỗi buồn xa vắng . . .

Thật ra sau khi chạy loạn đến Mỹ định cư, mình đã gửi thư về quê cho chị mình và em trai biết tin nên trong chuyến về Việt Nam lần này nhất định phải có cuộc họp để gặp mặt nhau. Gia đình chị mình khá đông người cùng gia đình em trai mình cũng khá đông người đang chờ đón hai cha con mình.

Vừa gặp nhau, chị mình xáng cho mình một bạt tai thật đau.

Con gái mình hoảng hốt nhìn trước ngó sau không biết chuyện gì xảy ra, nếu là ở Mỹ chắc nó đã gọi 911.

Rồi chị mình ôm mình khóc nức nở. Chị vừa khóc vừa nói trong nghẹn ngào:“Em ơi, chị tưởng... chị không bao giờ gặp được em nữa. Chị tưởng... chị tưởng... em đã... hy sinh, đã chết... trong chiến trường miền Nam rồi...”.

Em trai mình ôm mình ràn rụa nước mắt. Nó cũng nghẹn ngào muốn nói mà không thành lời.

Mình cố kìm nén bầu không khí xúc động đang đè nặng lên mọi người, cố gượng cười rồi vỗ tay hô lên:

“Chúc mừng giờ phút đoàn viên của gia đình...”.

30-9-2021

N. M. K