Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Chuyện bây giờ mới kể: Boudarel, hai mươi năm sau...

 Nguyễn Ngọc Giao

 

Hôm nay là ngày 26.12.2023. Georges Boudarel (21.12.1926 - 26.12.2003) đã từ trần cách đây đúng 20 năm.

urne
Chân dung G. Boudarel (trái), bình tro hình 4 tập sách (phải)

Đối với Việt kiều, Georges Boudarel được quen biết như một người bạn chí cốt của Việt Nam. Có anh em học sinh Sài Gòn năm 1950 còn nhớ đã được đọc lá thư của giáo sư triết học gửi học sinh khi ông rời Lycée Marie Curie ra chiến khu Đ tham gia kháng chiến. Giới sử học và Việt học đã biết Boudarel qua những công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu, truyền thống Việt Nam, vụ Nhân văn Giai phẩm, Tướng Giáp… Nhưng mãi tới thập niên cuối của thế kỷ 20, tên tuổi Georges Boudarel mới phổ biến trên báo đài Pháp và phương Tây, khi ông bị mấy cựu tù binh Pháp khởi kiện vì “tội ác chống nhân loại”. Một lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, cựu thủ tướng, từng ra tranh cử tổng thống (và thua phiếu Jean-Marie Le Pen), còn gọi ông là “kapo” khi nói tới vai trò chính trị viên của Boudarel ở trại tù binh M113 trên Việt Bắc. Đó là Lionel Jospin, tự thân không phải là người xấu, hay ngu ngốc. Chính Jospin, ở cương vị Bộ trưởng Giáo dục, đã ký nghị định cho Boudarel về hưu vào đúng ngày sinh nhật 65 tuổi (theo thông lệ đại học, người ta bao giờ cũng gia hạn cho đến cuối niên học). Cũng chính Jospin đã thua kiện khi ông không chịu tính những năm Boudarel ở Việt Nam vào những năm làm việc để tính hưu bổng… Bản án này của Tòa án hành chính Pháp, người ta ít biết bằng quyết định của tòa Giám đốc thẩm (Cour de cassation), cũng như của toà án nhân quyền Âu châu (CEDH) bác bỏ những đơn kiện về “tội ác chống nhân loại” nói trên…  Ba mươi năm sau nhìn lại, ta có thể nhận chân sự trỗi dậy trong thập niên 90 của xu hướng cực hữu ở Pháp (và châu Âu) trên hoang tàn của chủ nghĩa cộng sản, biến hóa một thanh niên công giáo, cộng sản, vì lý tưởng, đã dũng cảm gia nhập kháng chiến Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp năm 1950, thành một “Pháp gian” (bị tòa án quân sự Pháp kết án tử hình). Như trong cuốn “Tự sự” (Autobiographie, Jacques Bertoin 1991), tác giả đã trả lời: tôi không phản bội tổ quốc Pháp mà phản bội chủ nghĩa thực dân Pháp. Chủ nghĩa thực dân, mà một ứng cử viên tổng thống (đã thắng cử, đang kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Pháp thứ nhì) khi đang tranh cử đã cao hứng gọi đó là “tội ác chống nhân loại”.

Nhân ngày giỗ lần thứ 20 này, tôi chỉ xin kể lại vài sự việc sau khi Georges Boudarel tạ thế.

Tháng giêng 2004, sau lễ hỏa táng ở nghĩa trang Père-Lachaise, các bạn trong hội “Những người bạn của G. Boudarel” (mà nhà toán học Laurent Schwartz làm chủ tịch danh dự, từ trần một năm trước Boudarel) trao cho tôi trách nhiệm gìn giữ di cốt và thực hiện ý nguyện của người đã khuất là trải tro cốt trên sông nước và cửa biển Pháp và Việt Nam.

Phần thứ nhất của việc trải tro diễn ra suôn sẻ như tôi đã kể lại trong bài “Một người thân đã ra đi: ‘Jaja’ GILLON (1932-2013)”:

Đầu hè năm ngoái, tháng 6.2011, Janine Gillon (chủ tịch Hội Những người bạn của Boudarel) và mấy người bạn đã trải một nửa bình tro xuống biển Manche, ngoài khơi cảng Honfleur (cửa sông Seine). Dự định sang năm, 2013 (giỗ mười năm Georges Boudarel), chúng tôi sẽ gửi phần còn lại trên đất nước Việt Nam: sau khi đi lại, một cách tượng trưng, hành trình cách đây hơn 60 năm của Boudarel, từ Lycée Marie Curie ra chiến khu Đ, ngược miền Trung, lên Việt Bắc (lễ cầu siêu ở ngoài khơi Honfleur do thầy Thích Thiện Niệm, chùa Khuông Việt, chủ trì; kèm theo phần tro cốt, chúng tôi gửi xuống nước biển Manche những nhành hoa, trong đó có nhánh hoa mà Nicole, con gái Boudarel, gửi gắm chiều hôm trước).

Dự định cho năm 2013 không thành, vì nhiều lý do, trong đó có việc tôi lại bị từ chối visa về nước sau cuộc Hội thảo Hè 2008 ở Nha Trang. Mãi đến mùa thu 2019, Đài truyền hình VTV4 muốn thực hiện cuốn phim Giữa những quê hương nói về ba “người lính da trắng của Bác Hồ”, trong đó Boudarel là một nhân vật chính (hai người kia là ‘Chiến sĩ’ Erwin Borchers người Đức, và đại tá Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người Hi Lạp). Đoàn làm phim sang Pháp, nhờ tôi giúp tìm tư liệu, chứng nhân về Boudarel, phỏng vấn tôi, và mời tôi mang bình tro về nước. Đại sứ Nguyễn Thiệp tích cực ủng hộ việc này, và ba lần gửi điện về Bộ Ngoại giao để xin cấp giấy nhập cảnh cho di cốt Boudarel.

Việc cấp visa cho người sống và người chết kéo dài mấy tháng. Cục Xuất nhập cảnh của Bộ Công an yêu cầu tôi ký giấy cam kết “không làm gì phương hại tới an ninh trong thời gian ở trong nước”. Tôi lễ phép từ chối ký vào tờ giấy “không giống nước nào trên thế giới”: nếu tôi ký mà vẫn ‘vi phạm an ninh’, hoặc nếu tôi không ký và ‘vi phạm an ninh’ thì mức độ trừng phạt khác nhau như thế nào, căn cứ vào văn bản pháp lý nào? Câu hỏi không được trả lời (chắc cũng hơi bị khó), cuối cùng tôi được cấp visa, ngày nhập cảnh và ngày xuất cảnh ăn khớp với ngày tháng của vé máy bay: 11/1/2020 và 28/2/2020. Số phận bình tro của ông bạn hẩm hiu hơn: ba bức điện của đại sứ Nguyễn Thiệp không được hồi âm. Anh cán bộ Bộ Công an gửi thư điện tử cho tôi: “Xin để bác quyết định, mang hay không mang bình tro về”. Tôi trả lời: tôi sẽ mang, nếu hải quan Tân Sơn Nhất cho qua thì tốt, nếu không tôi sẽ thông báo để đài truyền hình VTV giải quyết trực tiếp.

Về tới sân bay Tân Sơn Nhất sáng 11/1, vợ chồng tôi được ba cán bộ công an tiếp đón trọng thị. Sau mấy phút trao đổi xã giao, tôi hỏi thăm thông tin về cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, vì hôm trước, ở sân bay Charles de Gaulle, tôi được tin cụ bị giết. Thủ trưởng tổ công an rút điện thoại ra đọc một đoạn thông cáo chính thức, theo đó cụ Kình có dính líu với mấy thanh niên... buôn lậu ma túy, và không nói gì thêm. Tôi hiểu thông điệp ngầm của anh: anh thừa hành lệnh trích đọc thông báo chính thức, không thêm bớt. Rồi một anh khác rút từ trong túi ra một tờ giấy trắng: “Xin bác viết cho mấy chữ cam kết…”. Tôi không thể làm khác hơn là trích đọc, theo trí nhớ, cái thư điện tử mà tôi đã gửi họ tuần trước, giải thích tại sao tôi không thể ký vào một tờ cam kết kỳ cục như vậy. Câu chuyện trao đổi lái sang đề tài thân thiện hơn, sau đó, ba cán bộ đưa vợ chồng tôi đi lấy hành lý, và không qua quầy hải quan, đưa chúng tôi ra ngoài sảnh, nơi con trai chúng tôi, đội quay phim và đông đảo bạn bè chờ đón.

Thế là sau 33 năm xa cách (năm 1978, Boudarel đi thăm Việt Nam lần chót, chứng kiến những tội ác của Pol Pot trong những cuộc tấn công, tàn sát ở Tây Ninh, Hà Tiên), Boudarel trở về Việt Nam, trong hộp tro hình một cuốn sách bìa da nâu sậm.

Nhập cảnh không visa, cũng như một đêm tối 1967, anh trở về tổ quốc Pháp, “về chui”, không giấy tờ. Số là, năm 1964, vì không tán thành chủ nghĩa Mao, Boudarel (cũng như các đồng chí Pháp của anh) rời Hà Nội; trên đầu còn mang bản án “tử hình vắng mặt” của một tòa án quân sự Pháp (1952), không thể hồi hương, phải làm việc cho Liên đoàn lao động quốc tế ở Praha. Năm 1966, sau khi phải ký hiệp ước Evian thừa nhận độc lập của Algérie, tổng thống De Gaulle ký sắc lệnh “ân xá” những “tội phạm trong thời kỳ chiến sự”, nhằm mục đích làm hòa với OAS và các tổ chức cực hữu đã từng mưu sát vợ chồng ông, nhưng để ‘hòa tan’ ý đồ ấy, ông đã mở rộng diện ân xá cho cả “cuộc chiến Đông Dương”. Thế là bản án tử hình trên đầu Boudarel (và những đồng chí của anh là Clavier, Tarago) được hủy bỏ. Boudarel có thể về lại nước Pháp, nhưng không có giấy tờ hợp lệ trước khi ra trình diện tòa án quân sự Vincennes (ngoại ô Paris). Các đồng chí của anh đã tổ chức cho Boudarel bay từ Praha (Tiệp) sang Genève (Thụy Sĩ), bờ hồ Léman, và một đêm mùa đông 1967, một chiếc canô, đã đưa Boudarel từ bờ Thụy Sĩ, vượt qua hồ Léman về phía bờ nam, thuộc lãnh thổ Pháp. Ngày hôm sau, về tới Paris, anh ra trình diện để hợp thức hóa giấy tờ, bắt đầu một trang mới trong cuộc đời, ở tuổi 41: hoàn thành luận án tiến sĩ về Phan Bội Châu, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á tại trường đại học Denis Diderot (Université Paris VII).

Đó là chuyện Boudarel “đi chui” về tổ quốc mình. Tại sao năm 2020, di cốt của anh vẫn phải “nhập cảnh chui” ở Tân Sơn Nhất để hòa mình trong sông nước tổ quốc thứ nhì của anh ?

Câu trả lời liên quan tới “vụ án Boudarel” (1991) nói ở đầu bài. Sau khi “vụ án” này nổ ra ở Paris, làm rùm beng trên báo chí và đài truyền hình, một số tờ báo ở Việt Nam đã đưa tin. Báo Lao Động bắt đầu đăng loạt bài của một cán bộ lão thành đã từng làm việc với Boudarel những năm kháng chiến ở Cục Địch vận, nói rõ Boudarel là ai, tại sao có “vụ án” này. Bài đầu vừa phát hành, thì tổng biên tập nhận được điện thoại của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ra lệnh ‘xì tốp’: “Ngừng lại, tay này trước đi với ta, nay quay sang viết xấu về ta, cho đáng đời!”. Chuyện Boudarel “viết xấu về ta”, chắc ông Linh ám chỉ những công trình nghiên cứu nghiêm túc về Nhân văn & Giai phẩm, về nạn quan liêu ở Việt Nam, mà có lẽ ông chỉ đọc qua báo cáo. Có cần nói thêm chăng: Nguyễn Văn Linh (lúc đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn) đã gặp G. Boudarel ngay từ tối đầu tiên cuối năm 1950, khi anh rời Sài Gòn ra Chiến khu Đ qua sự sắp xếp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Tôi cố gắng kể lại thật trung thực những thông tin đã được kiểm chứng từ nhiều nguồn, dù cho chúng tiết lộ khía cạnh “tiểu khí” của một nhà lãnh đạo được coi (có phần đúng) là nhân vật quan trọng trong cuộc “đổi mới” – tuy đó cũng chỉ tiết lộ điều mà nhiều người biết, nhất là trong cung cách  đối xử của ông đối với ông Võ Văn Kiệt.

Cũng may là cái “lệnh miệng” này không ngăn cản nhiều cán bộ lão thành tiếp tục, âm thầm, bày tỏ cảm tình và ủng hộ Georges Boudarel trong thập niên khó khăn 1990. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị Việt Nam, “lệnh miệng” nhiều khi còn “thiêng” hơn cả những văn bản, khiến cho không ít quan chức không dại gì ký vào một “giấy phép nhập cảnh di cốt”, được thì chẳng được gì (nhất là so với nguồn lợi kếch xù của những “chuyến bay giải cứu” diễn ra một năm sau đó) mà mất thì có nguy cơ, từ những rỉ tai của những đối thủ trong quá trình thăng tiến hoạn lộ. Bối cảnh “phức tạp” ấy giải thích tại sao bình tro của ông bạn Boudarel phải “về chui”, bất kể sự can thiệp tận tình của đại sứ Việt Nam tại Pháp, cũng như của Ban Giám đốc Đài truyền hình VTV.

*

Tháng hai, tháng ba 2020, tro cốt của Boudarel đã lần lượt được trải xuống Sông Bé, Sông Hồng, Cửa Đại (nơi Sông Thu Bồn chảy ra Biển Đông). Tại mỗi nơi, từ bàn tay của những người bạn chiến đấu thân thiết của anh. Ở Sông Bé, người tìm ra địa điểm chiếc cầu gãy đôi này là ông Đặng Trung Hiếu, sinh năm 1930. Anh Tư Hiếu gặp “đồng chí Bu-Đa” tại đài phát thanh “Tiếng nói Sài gòn – Chợ lớn Tự Do” năm 50, người này làm kỹ thuật viên, 20 tuổi, người kia nhân viên Ban Pháp ngữ, 24 tuổi. Theo nhịp độ chiến sự, đài phát thanh di chuyển dọc theo Sông Bé. Sau này, anh Tư làm giám đốc Đài truyền hình TP.HCM. Cuối năm 2019, trước khi ra đón chúng tôi ở Tân Sơn Nhất, anh đã ba lần trở lại chiến khu Đ để tìm ra vị trí này.

TuHieu
Bên bờ sông Bé, từ phải sang trái: ông Đặng Trung Hiếu, tác giả và nhạc sĩ Trương Tuyết Mai

Ở Bát Tràng, bên bờ Sông Hồng, chủ trì buổi lễ là nhà văn hóa Hữu Ngọc (sinh năm 1921). Hữu Ngọc và Boudarel làm việc bên nhau ở Cục Địch vận từ năm 1952, rồi sau khi về Hà Nội, ở Nhà xuất bản Ngoại văn. Hai người thân nhau, cả về tính tình lẫn chính kiến. Bouda thường gọi Hữu Ngọc, và Hữu Ngọc cũng tự xưng là “HyperKhon” (tôi xin để các bạn rành tiếng Hi Lạp và tiếng lóng Pháp ghép từ tố ‘hyper’ và từ tố ‘con’ để quán triệt lối xưng hô tự giễu và thân thiết này). Buổi sáng tháng hai 2020 ấy bên bờ sông Hồng, mưa gió đưa đẩy những đám bèo lục bình trên dòng nước đỏ, Hữu Ngọc gửi phần tro vào sông Hồng, nhìn theo dòng nước: “Bouda! Hẹn gặp lại, một ngày gần đây!”.


image

Từ trái sang: Nhà văn hóa Hữu Ngọc (thứ nhì, từ trái sang) bên bờ Sông Hồng, Nhà văn Nguyên Ngọc ở Cửa Đại

Ở Cửa Đại, trên chiếc thuyền nhỏ ngoài khơi Hội An, nơi dòng Thu Bồn chảy ra Biển Đông, nhà văn Nguyên Ngọc trìu mến chạm vào hộp tro (phần tro cuối cùng). Trong kháng chiến, Boudarel ở miền đông Nam Bộ rồi lên Việt Bắc, Nguyên Ngọc chiến đấu ở Khu V và Tây Nguyên. Mãi đến năm 1956, ở Hà Nội, khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc ra đời, họ mới gặp nhau. Trong gần một năm trời, họ nhiều lần làm việc, trao đổi. Cuối cùng, Noup, le héros des montagnes ra đời (Nhà xuất bản Ngoại văn, 1959). Từ bản dịch tiếng Pháp này của Boudarel, tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Anh, Tây Ban Nha và nhiều ngoại ngữ khác.

bantho
Bàn thờ đặt tại nhà nhạc sĩ Trương Tuyết Mai ở Thủ Đức

Tôi không được đi cùng nhà thơ Nguyễn Duy ra Hội An để dự buổi lễ ở Cửa Đại với anh Nguyên Ngọc. Người duy nhất, theo tôi biết, đã có mặt ở ngoài khơi Cửa Đại cũng như ở bên bờ Sông Bé và Sông Hồng, cũng là người ra đón chúng tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất sáng 11 tháng 1.2020, là chị Trương Tuyết Mai, nhà soạn nhạc. Đây là lần đầu tôi được gặp chị, trước đó chỉ trao đổi qua email. Sáng hôm ấy tôi không về nhà ngay, mà cùng với hai ba bạn, theo chị về nhà chị ở Thủ Đức. Tại phòng khách ngôi nhà xinh xắn, chúng tôi đặt bình tro lên bàn thờ, mà chị đã dựng lên từ cuối năm 2003 khi nghe tin Boudarel từ trần. Từ hôm ấy đến sáng 8.2, khi chúng tôi đến để rước di cốt lên Sông Bé, bàn thờ của anh ngày ngày hương khói. Mối tình đầu của cô gái Khu V Trung Bộ với chàng thanh niên gốc gác ở Saint-Etienne nước Pháp năm 1962 ở Hà Nội, những đau khổ vì bị cấm đoán, ngày tái ngộ ngắn ngủi ở bệnh viện Pitié-Salpétrière bốn chục năm sau, chị Tuyết Mai đã kể lại trong hồi ký Lật từng mảnh ghép, và nhà báo Trầm Hương kể lại súc tích trong bài báo Cuộc trở về của Boudarel, tôi xin để bạn đọc khám phá trong những ngày đông lạnh này.

26.12.2023

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/georges-boudarel-hai-muoi-nam-sau