Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Ấn Độ của Hồ Anh Thái – phàm và thiêng

 Lê Thị Hường

 

Ấn Độ là một xứ sở đầy bí ẩn. Cổ kính và hiện đại. Xứ thiêng và chốn phàm trần. Với Hồ Anh Thái, những câu chuyện về Ấn Độ, viết lại viết thêm đều từ những dồn nén vỡ òa cảm xúc. Dẫu Hồ Anh Thái thuộc hiểu Ấn Độ đến từng ngóc ngách nhưng cảm giác như nhà văn – nhà nghiên cứu Ấn Độ vẫn còn muốn tiếp tục giãi bày nhiều hơn. Tập Truyện ngắn về Ấn Độ đã gom tụ mọi trạng thái xúc cảm; dí dỏm khi viết về Ấn Độ hiện đại, trang trọng khi hòa nhập vào Ấn Độ cổ đại, dằn dỗi và bi thương khi kể về những hủ tục lề thói đặt ra với những đẳng cấp gọi là thấp hèn trong xã hội. Nhiều trang viết sắc sảo đến khinh bạc mà mềm mại đến duy cảm khi viết về một xứ sở lạ lùng, nhiều bí ẩn.

 

image

Nhà văn Hồ Anh Thái bên tượng thần Ganesha, thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng, 1992.

 

Dường như tác giả chủ định phân chia tập truyện thành bốn phần (Những truyện về người Ấn thời hiện đại; Những truyện lấy bối cảnh láng giềng của Ấn Độ: Nepal, Tây Tạng; Những truyện liên quan đến lịch sử hiện đại và cổ đại; Khép lại, để kết); nhưng thật ra, không có làn ranh nào giữa các phần trong truyện. Mọi phân định là thao tác kỹ thuật, còn từ cảm xúc, cảm hứng sáng tạo, giữa các phần, các truyện có sự đan xen, kết dính, xuyên văn bản. Ở đó, đất nước và con người Ấn Độ hiện lên qua nhiều chiều kích. Cấu trúc bề mặt của tập truyện rõ ràng, nhưng cấu trúc bên trong mới làm hiện ra toàn vẹn một Ấn Độ vừa thế này vừa thế kia. Một Ấn Độ văn minh và thiếu hụt phải lấp đầy văn hóa. Một xứ sở tráng lệ đền đài và thừa mứa rác rưởi (Đàn kiến); đất nước lụy đời sống tâm linh đến mức vô tình xâm hại thiên nhiên xanh (Vốc nước trong lòng bàn tay); đất nước đông đúc, ồn ào nhưng mỗi người có khi là một ốc đảo (Người Ấn, Người đứng một chân); đất nước tôn thờ nữ thần nhưng thiếu bình đẳng với nữ giới (Tiếng thở dài qua rừng kim tước). Người Ấn ồn ào giữa đám đông nhưng là “một vũ trụ đơn độc” khi chỉ có một mình. Họ như ngôi đền bí ẩn “không thể nào vào được, cũng chẳng làm sao biết được, nhưng dù cho không biết cái gì bí ẩn trong ấy thì ngôi đền vẫn cứ đẹp, vẫn cứ quyến rũ như thường” (Người Ấn).

Hồ Anh Thái vừa như hòa nhập trong cái đám đông ấy vừa tách mình lắng nghe, quan sát, chiêm ngưỡng. Bên cạnh những trang viết ca ngợi, như người trong cuộc, ông phơi bày đến từng chi tiết những góc khuất xấu xa lạc hậu của một vùng đất từng thuộc nền văn minh cổ đại của thế giới. “Ấy vậy mà thứ văn minh ấy đã chết dần trong lịch sử, văn minh đã đứt đoạn, để đến hôm nay đa số người Ấn ở nông thôn đều không xây nhà vệ sinh. Người dân quê xách chai nước kéo nhau ra đồng. Người ổ chuột thành thị xách chai nước kéo nhau ra những bãi đất hoang. Đến mức trong tiếng Hindi không có chữ nhà vệ sinh nữa” (Chia lìa). Nhà văn chỉ ra, phơi lộ cái xấu ở những nơi thiếu ánh sáng văn minh cũng như ở chốn lộng lẫy, hào nhoáng. Những bi kịch gia đình khi phụ nữ chỉ sinh toàn con gái, phụ nữ bị hiếp đáp, trẻ em bị quấy rối tình dục và chấn động tâm lý – “Mặt hàng thừa ế nhất trên hành tinh này là trẻ con. Không tin hãy đến các trường nội trú, các trại trẻ vô gia cư và các khu nhà ổ chuột” (Đàn kiến). Ấn Độ của những khu đèn đỏ – “Khu đèn đỏ là thế nào? Cô bạn ghé tai giải thích một câu làm Nilam rùng mình. Đó là nơi những đứa con gái bị bắt cóc từ Nepal sang, hoặc gái quê được dỗ ngon dỗ ngọt là sẽ có việc làm ở thành phố, rốt cuộc phải bán thân nuôi chủ chứa” (Tiếng thở dài qua rừng kim tước).

Ấn Độ với những tập tục cổ hủ được kể bằng giọng vừa giễu cợt, hài hước – “Ngày tết thiếu nhi 14-11-1975 phải hủy bỏ. Các bậc phụ huynh giữ hết con cháu trong nhà, không cho đến trường, không cho đến các điểm công cộng. Chỉ có các điểm triệt sản đàn ông là đông người. Hát hò rộn rã. Loa đài oang oang. Đoàn thanh niên rầm rập trên toàn quốc. Xe đi gom người chốc chốc lại đổ xuống những đám đàn ông con trai. Ngơ ngác, van xin, khóc lóc”; “Mỗi đàn ông sau khi triệt sản, được tặng thuốc, tặng quà, đặc biệt là một chiếc đài để nghe tường thuật bóng cricket”. Còn trẻ con bị cấm ra đường thì “Tiếc. Chỉ một tí nữa thì chúng đã biết người ta cắt chim ra làm sao” (Cắt).

Hồ Anh Thái vừa hài hước vừa triết luận về cái hài như một người đứng ngoài nhìn ngắm nhân vật của mình. Khó có thể chỉ ra phương thức tạo hài trong tác phẩm của Hồ Anh Thái. Nó ngấm vào, hòa lẫn nhuần nhuyễn trong giọng điệu, ngôn ngữ, kể cả trong việc kết hợp liên văn bản, huyền thoại, truyền thuyết, sử thi cổ đại. Cổ điển và hiện đại. Chính luận và trữ tình. Trang trọng và giễu cợt. Dẫu tập trung vào “đề tài” Ấn Độ nhưng sức khái quát của truyện ngắn cao. Tính chất liên văn hóa là yếu tính làm nên tính đa dạng và chiều sâu của những câu chuyện. Tập tục của Ấn Độ, văn hóa giao tiếp của người Mỹ, thói quen của người Việt Nam; sự gần gũi giữa các nước láng giềng trong thế vừa giao thoa vừa đối lập bộc lộ rõ đặc trưng của từng tộc người. “Đang ở Việt Nam muốn gì làm nấy, muốn gì ăn nấy, muốn bày bừa thì bày bừa, sang đến đây như sang một thế giới khác hẳn. Người Hindu không ăn thịt bò, bò là thần. Người Hồi giáo kỵ thịt lợn, lợn là bẩn. Bà chủ nhà là người sùng đạo, bà ăn chay nghiêm ngặt. Tôn giáo Hindu của bà thu nhận tinh thần không sát sinh của đạo Phật. Sát sinh được thì sẽ có lúc sát nhân được, họ suy luận đơn giản như thế. Vậy mà đám dân gốc Ấn từ phố cổ Hà Nội sang thì mua thịt lợn thịt dê về nấu nướng tưng bừng dậy mùi lên. Bà chủ nhà hoảng quá. Kinh quá” (Người lái xe ở sứ quán).

 

image

“Truyện ngắn về Ấn Độ” của Hồ Anh Thái, NXB Kim Đồng tái bản 2023. Bìa sách: Tạ Huy Long

 

Ở Ấn Độ giáo vẫn còn vết tích của tín ngưỡng bái vật giáo từ quan niệm “vạn vật hữu linh”. Am hiểu xứ sở của thần linh, Hồ Anh Thái biểu hiện khát vọng của người Ấn qua những câu chuyện tươi ròng hơi thở hiện đại – “Đám đàn bà bị chất thải của nhà máy làm cho vô sinh có nơi để mà đặt tay lên tượng Linga, tượng dương vật của thần Shiva, mà cầu tự” (Người đứng một chân); “Biết bao con người đã vốc nước sông Hằng vào lòng bàn tay, mắt hướng về phía đông chờ mặt trời mọc”; “Người có thông điệp gửi lên chư thiên thì vốc nước sông Hằng giữa hai lòng bàn tay hướng lên trên mà gửi gắm” (Vốc nước trong lòng bàn tay).

Những truyện viết về Ấn Độ cổ đại thể hiện trí tưởng tượng và sự am hiểu cặn kẽ của nhà văn về những cổ tục của một vùng đất thiêng, đặc biệt về phụ nữ. Cổ điển mà tân kỳ, hồn duy linh Ấn Độ ẩn trong một lớp vỏ ngôn từ sắc, giễu, bi cảm. Những con chữ rờn rợn ảo. Những chi tiết rờn rợn thật. Một cõi đàn bà lầm lụi, tủi nhục truyền kiếp. Một thế giới chật nhỏ đóng khung rêu. Một mỹ cảm lãng mạn bất ngờ khi Hồ Anh Thái viết về những ngọt ngào lẫn bi thảm của người phụ nữ trong tình yêu, trong hôn nhân, kể cả trong thời cuộc (Trắng trước đỏ sau). 13.000 phụ nữ và trẻ em choàng áo trắng sẵn sàng lên giàn thiêu tập thể khi kinh thành thất thủ. Đêm cuối cùng, dưới một gốc cây vô ưu cổ thụ, họ đổ vào nhau. Đêm ân ái vội vàng, đằm thắm vẫn thoang thoáng cảm giác về một con sông “nằm lặng lẽ dưới tầng tầng lớp lớp cát và cát”; một sa mạc cát vàng đến tận chân trời; vết xước của bụi xương rồng, “một hàng rào xương rồng bỗng trở nên cao hơn tầm nằm của hai người, che khuất họ trong lòng ốc đảo” thuở nào. Và ngày mai, dẫu tấm sari bị kéo tuột ra, nhưng một thân hình phụ nữ trắng hồng vẫn tiếp tục lao nhanh vào giàn lửa (Sông cạn).

Những người phụ nữ mang mặc cảm và bị ruồng bỏ vì không đẻ được con trai. Những hài nhi nữ và một quả đồi phủ đầy kim tước, những cây kim tước cứ trồi lên, vươn lên. Tiếng xào xạc hồn trinh nữ trong rừng kim tước hoa nở óng vàng như tóc xõa. Những đàn ông điên dại yêu, điên dại đợi chờ. Tiếng sáo da diết của chàng Raja vuột lỡ người yêu – “Một người đàn ông lang thang qua những gốc cây, thỉnh thoảng hái một chùm, nâng niu trên tay như nâng chùm nho vàng mọng, rồi móc chùm hoa vào lỗ khuyết áo trước ngực, rút cây sáo ra thổi”. Trút bỏ số phận, Nilam trong nằm trong cái huyệt tự đào, “một thảm hoa vàng phủ lên che lấp cả gương mặt chân tay, chỉ còn in rõ những đường nét của một thân hình thiếu nữ”. Có một người đàn ông đến ôm nấm mồ hoa của cô gái. Và “cách đó không xa, có một người đàn ông buông rơi cây sáo, đang ôm lấy một cây kim tước đổ mà than khóc” (Tiếng thở dài qua rừng kim tước).

Bi phận đàn bà là một trong những điểm nhấn của tập truyện. Dẫu không muốn đặt ra vấn đề nữ quyền, thậm chí có lúc giễu nhại những giáo điều của nữ quyền luận, tuy vậy, có thể xem Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sớm quan tâm đến số phận những người phụ nữ từ cái nhìn văn hóa nhân văn. Đi khỏi thung lũng mới đến nhà là một trong những truyện tiêu biểu. Câu chuyện như một huyền thoại về nữ thần đồng trinh ở Nepal với nhiều nghĩa tiềm ẩn. Những giọt máu trinh nữ đã đưa Nữ Thần Đồng Trinh trở lại cõi người phi nhân. “Sanjay tức thì nắm vạt áo sari phủ kín cả đầu cả mặt Sabana, rồi đẩy cô đi vội. Đi với anh ngay. Nhỡ có ai nhìn thấy em thì em sẽ chết già xó cửa mà không lấy được chồng. Cả làng này đều biết em là Nữ Thần Đồng Trinh. Không một đứa trai làng nào dám lấy em làm vợ. Người ta tin rằng chồng của Thần Nữ sẽ chết non. Chết bất đắc kỳ tử”. Nhưng vượt lên định kiến, có một chàng trai đã đưa Sabana “vượt qua bức thành núi non, ra khỏi thung lũng, sang hẳn bên kia núi là đến một đồng bãi phì nhiêu. Ở đấy có đường chân trời”. Một cái kết lãng mạn, ngọt ngào. Những trang viết về phận đàn bà của Hồ Anh Thái không dừng lại ở một tộc người mà chạm đến tính nhân loại phổ quát.

Những truyện viết về Phật giáo thể hiện cái nhìn minh triết của nhà văn. Hòa mình trong nguồn mạch tâm linh của một Ấn Độ cổ đại, Hồ Anh Thái lắng nghe được tiếng nói huyền bí bên trong. Có những truyện khơi mở cõi vô thức (Kiếp người đi qua). Có những truyện ngắn đẫm chất thiền và những minh triết về Không (Tìm). Chuyện kể về một ngôi chùa ở Nepal, về một nhà sư Tây Tạng bị phạm giới luật. Ông tìm đến ngôi chùa Nepal xin nghỉ nhờ một ngày, rồi trốn trong một ngách chùa. Hai nhà sư “thuộc đội duy trì giới luật” đã tìm ông trong một ngách chùa bằng cách quay những chiếc chuông Tây Tạng trên tay. Tiếng chuông trở thành công cụ kiếm tìm và “mọi vật thể đều được xác định. Mọi thứ đều không qua được mắt năm nhà sư. Không qua được thính giác họ. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu”, bởi “tạo ra tiếng chuông ấy cũng phải là người trong trạng thái thiền”. Bằng hình thức truyện lồng truyện, qua biểu tượng tiếng chuông, Hồ Anh Thái biểu đạt thật sâu sắc một khái niệm không dễ phân tích là Thiền. Con người vô ngôn nhưng âm thanh tiếng chuông chùa thể hiện trạng thái tâm lý của người thỉnh chuông. Phân tâm thì tiếng chuông cũng chùng chình. Chỉ cần nhãng đi một tí, chỉ cần không đều tay, tiếng chuông căng dài sẽ đứt. Khi hai vị sư tìm người ẩn nấp, “họ đi qua và đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông đã va phải người ông. Khực một cái. Ông nằm trốn vẫn nghe thấy. Vị sư thứ hai ở cách đó một quãng cũng nghe thấy. Vị sư quay chuông đi ra lẩm bẩm với người kia, xin pháp hữu thứ lỗi, ta phân tâm, làm nhỡ một nhịp chuông. Vị sư thứ hai không nói gì, bước vào thay, lại đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông này cũng va phải người đang trốn. Khực một cái. Ông ta lại quay ra, nói như xin lỗi, ta cũng phân tâm, ta cũng nhỡ một nhịp chuông. Người nằm trốn thì biết. Không có chuyện lỗi nhịp gì ở đây cả. Hai vị sư kia đã tìm ra. Nhiệm vụ của đội giới luật là phải đi tìm. Có người bỏ trốn thì phải có người đi tìm. Tìm bằng được. Nhưng ngay cả khi tìm được thì tìm được cũng không có nghĩa là bắt”.

Viết điều gì cũng khó vừa khít với văn chương Hồ Anh Thái, bởi mọi thứ – những kiến văn phong phú, cảm xúc lấn chồng cảm xúc, điểm chỗ này, nén chỗ khác, tràn nở trong khung chuyện. Giễu cợt mà minh triết. Hài hước mà quá đỗi buồn. Nỗi buồn của một nhà văn lắm suy tư, từ những điều ngỡ như nhỏ nhặt trong văn hóa ứng xử, đến những vấn đề mang tầm vĩ mô như đạo đức sinh thái, cái kiếp phận làm người. Ngẫm ra chẳng có vấn đề gì là nhỏ trong những trang viết mang tầm phổ quát của Hồ Anh Thái.

Nguồn: https://vanhocsaigon.com/an-do-cua-ho-anh-thai-pham-va-thieng/