Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Thầy Nguyễn Văn Hạnh trong tôi

Lê Quang Đức

Sáng sớm nghe tin Thầy Nguyễn Văn Hạnh mất, dù biết rằng vài năm rồi Thầy đã sống với tuổi già và bệnh tật nhưng sự ra đi của Thầy để lại một nỗi trống vắng lớn lao.

image

Tôi là thế hệ 6x nên không được trực tiếp học Thầy hay được làm việc với Thầy khi Thầy còn đương chức, nhưng lại có nhiều duyên may được gặp và làm việc với Thầy sau này.

Những năm cuối thập kỷ 90, Thầy nhiều lần về thăm quê và gặp sinh viên của Thầy ở Đà Nẵng. Tôi được diện kiến Thầy lúc ấy. Tôi có một vài kỷ niệm với Thầy khi còn ở đó. Một lần tôi ghé thăm anh Nguyễn Quang Minh, GV dạy Lý Trường THPT Hoàng Diệu (Điện Bàn) thì được gặp Thầy, và mới biết Thầy về thăm chị và là cậu của anh Minh và Thầy Nguyễn Quốc Dũng, GV ngôn ngữ học ĐHSP Huế. Lần đặc biệt nhất là đưa Thầy đi tìm cô bạn gái Thầy quen từ hồi kháng chiến. Theo Thầy, Thầy quen cô bạn đặc biệt xinh đẹp này lúc ở Quế Sơn. Bao lần về quê mà chưa tìm đến để thăm được. Lần ấy, tôi đèo Thầy trên chiếc xe Cub 50 lên Hoà Khánh. Chưa có điện thoại nên hai thầy trò cứ lọ mọ hỏi đường qua địa chỉ mà Thầy ghi trong tờ giấy nhỏ. Rồi cũng tìm ra nhưng chỗ ấy họ mở đường lên phía An Ngãi nên nhà cô bị giải toả, may nhờ cô là người bán mì Quảng nổi tiếng vùng đó nên cuối cùng hai thầy trò cũng đến nhà ở một khu tái định cư mới. Cô B. nhìn rất phúc hậu, đã ngoài lục tuần nhưng còn đẹp. Cô sững người khi gặp Thầy. Hôm đó nhờ phúc Thầy tôi ăn được 2 tô mì Quảng ngon nhất. Khi về Đà Nẵng, Thầy cứ nói hoài, cảm ơn cậu, nhờ cậu mình mới tìm ra, mình nghĩ chắc đây là lần gặp cuối cùng, chớ khó gặp lại. Trong lời kể, thầy rất quý mến cô bà này, và không biết sau này Thầy có gặp lại không nữa, chỉ thấy lúc chia tay thì quyến luyến lắm.

Sau này, tôi vào Saigon, làm việc dưới trướng của anh bạn thân Vũ Khắc Chương, tôi mới làm việc và rất gần gũi Thầy. Và kỷ niệm, những điều Thầy dạy càng dày hơn lên.

Thầy làm cố vấn cho Trường CĐ Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cùng thầy Nguyễn Thế Hữu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế, nhờ vậy tôi được làm việc và gặp hai Thầy hàng tuần. Tôi cứ nhớ mãi giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc của Thầy. Khi có những việc bất như ý trong quản lý, thầy không bằng lòng nhưng vẫn nhẹ nhàng. Thầy hay nói riêng với tôi, ông ạ, mình là cố vấn thì mình chỉ góp ý thôi, còn làm thì Chương và mấy ông quyết chớ. Tôi nhớ nhất cách Thầy diễn đạt về chuyện vô làm việc ở Saigon của tôi. Thầy nói, Đức à, ông vô hơi trễ, nên sẽ không thuận lợi như trước đây, rồi cũng quen thôi, như mình thôi, đâu nghĩ là có ngày vô làm việc ở thành phố này, nhưng sau nghĩ việc mình vô đây là quá đúng. Saigon như chuyến xe buýt vậy, mình cứ bước lên xe, lúc đầu chật chội chút ít nhưng rồi có người xuống xe là mình có chỗ ngồi thôi. Tôi hay sử dụng ngụ ngôn này để khuyên nhủ nhiều bạn trẻ sau này. Đó là bài học mà thầy giữ bản quyền nhưng tôi sử dụng thường xuyên mà không trả phí bao giờ?! Đấy cũng là hình ảnh mà Thầy trải nghiệm hàng tuần Thầy đi từ Quận 5 lên Gò Vấp để họp. Thầy nói mình đi xe buýt để khỏi phiền anh em đưa đón. Giản dị, chân thành, bao dung, luôn nghĩ cho người khác, đó là sự nhân hậu đáng kính nhất ở GS. Nguyễn Văn Hạnh. Gặp và làm việc với Thầy, không ai nghĩ Thầy đã từng là Hiệu trưởng một trường đại học lớn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hoá trung ương một thời trước đó.

Thầy ở Phạm Đôn, sau lưng chợ Xã Tây, tôi hay chở bà xã và bé Tuệ Như tới thăm Thầy. Thầy thường ra đón đầu hẽm vô nhà. Thầy đặc biệt quý trẻ em. Khi tới nhà, Thầy luôn lục lọi và có khi ra đầu phố để mua quà bánh hoặc đồ chơi cho Tuệ Như trước khi ngồi nói chuyện. Thầy cứ nói, đời mình giờ phải trông vào chúng nó ông ạ. Thầy là người rất tin cậy vào người trẻ. Thầy luôn bệnh vực và khen người trẻ, rất khác xa với nhiều người luôn cho bọn trẻ là những đứa non dạ và không đáng tin cậy. Khi gặp mọi người, Thầy ít hỏi về công việc hay chuyện ngoài đời, câu hỏi thường gặp là cuộc sống hàng ngày, chuyện cơm áo, đi lại, học hành và vui buồn nhân sinh. Ở khía cạnh này, Thầy chính là Người Hiền của tôi.

Thầy rất ít nói về người khác bao giờ. Tôi gặp thầy thường xuyên, trò chuyện hoài nhưng chưa bao giờ thầy nói ghét bỏ ai bao giờ. Thầy nói về Trung tướng Trần Độ bằng sự kính trọng đặc biệt. Khi nói về nhà văn Nguyên Ngọc, thầy nói tay ấy bản lĩnh lắm, đôi khi cố chấp nhưng giỏi và lạ lắm. Tôi rất quan tâm đến câu chuyện "đổi mới" của văn giới vào những năm thập niên 80 và nghĩ Thầy đã từng nắm giữ vị trí quan trọng lúc ấy nên hay hỏi, nhưng Thầy thường ít nói.

Chuyện của Thầy thì mênh mang và đầy ắp bài học làm người. Khiêm tốn, nhân hậu, vừa tinh tế vừa sâu sắc, Thầy là Người Hiền của thế gian này. Giờ đây tôi và học trò của Thầy đành vĩnh biệt Thầy, với niềm tin rằng Thầy sẽ về với thế giới Người Hiền.