Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Thành phố không có hồi âm

Hồ Anh Thái

 

“Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng có thể mang một cái tên khác, đại loại “Kiếp gà”, hoặc chỉ một chữ “Gà”. Bởi trong cái thành phố mênh mông ấy, con người thực sự chỉ là những kiếp gà bé nhỏ, đơn độc, không thể tự vệ và không ai bảo vệ.

Trong 75 phút phim, đạo diễn Lương Đình Dũng đã dùng hình ảnh để triết luận về kiếp gà mà cũng là kiếp người, những phận người yếu thế. Anh chàng trong phim làm nghề mổ gà thuê; hàng ngày anh ta đội trên đầu một cái bồn tắm, tay xách chiếc ấm đun nước sôi, ra một góc ngõ hẻm để hành nghề. Giội nước sôi, cắt tiết (có khi cắt tiết sau khi giội nước sôi – một ẩn dụ lạ), vặt lông (có khi vặt lông sống theo yêu cầu kỳ quặc của khách), mổ gà, rồi treo lên dây thép chờ khách đến nhận.

image

Cảnh trong phim "Thành phố ngủ gật"

Anh ta sống trong một căn phòng giữa khu lao động và bụi đời. Căn phòng như bỏ hoang bên cạnh có ba gã du côn chỉ say sưa và đánh bạc. Chúng cướp gà đã mổ của anh về ăn. Chúng bắt anh nấu món gà và hầu hạ chúng ăn. Chúng đánh đập anh, thậm chí tra tấn anh bằng những đòn đê tiện, bắt anh phải làm động tác gà gáy, phải nhảy lên đớp lấy cái chân gà treo lủng lẳng, đớp theo kiểu gà mổ thóc. Chúng muốn biến anh thành gà.

Bọn du côn này ép một cô gái sống chung với chúng. Cô gái không thể bỏ trốn được vì chúng đã biết địa chỉ cô gái ở quê, và chúng đe dọa sẽ tàn sát cha mẹ cô. Trong những lần bị chúng đày đọa khốn cùng, cô gái đã tìm sang phòng anh, như một bến đỗ bình yên tạm thời.

Nhưng chỉ là tạm thời. Bọn du côn phát hiện ra, và chúng tra tấn anh bằng những đòn tàn bạo nhất. Con giun xéo mãi cũng quằn, con gà bị bức chế mãi cũng có lúc phải mổ lại. Và đòn báo thù tàn khốc tất yếu phải xảy ra.

Trong suốt bộ phim tràn ngập những ẩn dụ. Trước hết là phép ẩn dụ liên quan đến gà. Bọn du côn tra tấn bằng cách bắt anh ta cục tác và nhảy nhót như gà. Anh nhẫn nhục chịu đựng, nhưng trong thâm tâm đầy ẩn ức. Anh ta nhặt lông gà, đem về quấn vào đuôi phi tiêu, lúc rỗi rãi tập ném phi tiêu vào tường, vào con ma nơ canh. Anh ta dùng lông gà cắm khắp ngực con ma nơ canh như một sự báo thù tưởng tượng. Rồi đến khi thực sự báo thù, anh ta cũng cắm lông gà khắp người ba thằng côn đồ, mỗi cái lông như một mũi kim đau buốt. Muốn biến người khác thành gà thì bản thân chúng bị biến thành gà. Cái ác bị đáp lại bằng cái ác. Lúc đó, chúng được nếm trải thân phận của những con vật bé nhỏ, tiếng kêu không thấu đến trời, không ai bảo vệ cứu vớt.

Tại sao anh ta có thể báo thù bằng phương cách tàn khốc như vậy, trong khoảng thời gian nhiều ngày như vậy? Bọn côn đồ ác từ trong trứng, mọi hành vi của chúng đều ác, cho nên mới coi anh ta và những người xung quanh như gà. Nhưng một anh chàng hầu như không nói năng gì này có ác không? Làm thịt gà, anh ta giội nước sôi vào gà đang sống cho chúng giãy đành đạch rồi mới giết. Tất nhiên đấy là một cách báo thù đời theo kiểu giận cá chém thớt, nhưng cũng phải có tính ác thì cuộc báo thù của anh ta với bọn côn đồ mới đẩy tới tận cùng và quyết liệt.

Đồng thời, khác với bọn kia, trong anh cũng tồn tại tính thiện. Anh ta thương và cũng muốn che chở cho cô gái bị bức hại. Khi biết cô gái có thai, anh mua bộ quần áo trẻ sơ sinh về, xếp thành hình em bé trên giường, chờ đón sự ra đời của một sinh linh mới. Anh ta mổ gà hàng ngày, đồng thời lại nuôi đám gà con trong phòng. Giết đi một đám già cũ vô dụng để chờ mong vào một thế hệ mới. Trong tuyệt vọng vẫn còn mong manh hy vọng.

Bồn tắm là một ẩn dụ khác. Anh ta dùng cái bồn tắm để nhúng nước sôi lũ gà. Cuối ngày, anh dùng bồn tắm để rửa những đồng tiền bẩn dính tiết gà, rồi treo tiền lên dây phơi cho khô. Anh vẫn cần tiêu bằng những đồng tiền sạch. Có khi anh ngâm mình trong bồn tắm, và giúp cô gái rửa sạch nhơ nhớp cũng trong bồn tắm đó.

Cảnh thành phố thường được nhìn từ trên cao xuống. Một thành phố mênh mông bề thế; ống kính đôi khi lướt ra đường phố nhung nhúc người. Thành phố mênh mông từ trên cao chỉ toàn bê tông lạnh lùng. Tên phim đã ví nó là Thành phố ngủ gật. Đấy là hàm ý một cõi người mê ngủ chưa tỉnh thức, một cõi vô minh. Bao la chen chúc như thế nhưng một tiếng gà kêu lên không một tiếng đáp lại. Những phận người bé nhỏ yếu ớt bị đàn áp mà không thấy ai cứu giúp bảo vệ.

Rốt cuộc, phận gà phải tự cứu lấy mình thôi. Cứu bằng phản ứng thật tàn bạo. Sau đó là một biểu tượng cách ly hoàn toàn cái ác với cõi người.

Trong phim rất nhiều nước và nhiều mưa. Nước rửa trôi mặt đường đầy máu, thực ra là tiết gà. Nhưng trận mưa cuối cùng không hề là mưa rửa tội và giải thoát. Những dòng mưa đen sì nhớp nhúa đổ từ trên trời xuống, dường như cái xấu cái ác vẫn ngập tràn trời đất này. Phim là một tiếng kêu, một sự đánh động, thức tỉnh con người ý thức bảo vệ con người trong một thế giới tràn đầy bạo lực.

Tác giả phim có đặt tên nhân vật, ở gần cuối phim nhân vật chính đã xưng danh một lần, duy nhất, nhưng không cần thiết nữa. Có tên cũng như không. Họ là những phận người vô danh trong một thành phố hòa tan tất cả.

Phim hầu như chỉ dùng ngôn ngữ hình ảnh, rất ít đối thoại. Phương pháp hiện thực nghiêm ngặt dần dần chuyển sang biểu tượng rồi đưa tiếp người xem vào một thế giới vừa thực vừa ảo (magical realism). Một kiểu làm phim gợi nhớ phương pháp kiệm lời mà dữ dội của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk trong những phim như Thư không người nhận, Căn phòng trống, Cánh cung, Xuân hạ thu đông rồi lại xuân

Thành phố ngủ gật rõ ràng hướng đến một ngôn ngữ điện ảnh quốc tế. Vậy thì khi đạo diễn “chơi chữ” với việc nhân vật rửa những đồng tiền bẩn, chắc chỉ người Việt Nam hiểu. Trong tiếng Anh, rửa tiền lại là “laundering” (là ủi đồng tiền). Vậy nên nếu để cho anh ta sau khi rửa tiền lại dùng bàn là để là ủi đồng tiền đó, người xem Âu - Mỹ sẽ tiếp nhận chi tiết trớ trêu này một cách thú vị hơn.

Phim chắc sẽ được hoan nghênh ở các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên có thể gây ra một vài vướng mắc, lý do là ở vấn đề xử sự với động vật. Những chi tiết giội nước sôi vào gà đang sống chắc chắn gây phản cảm với những tổ chức bảo vệ động vật ở Âu - Mỹ, thậm chí người Hồi giáo cũng không chịu nổi vì họ vốn có quy định nghiêm ngặt về cách giết mổ động vật theo kiểu halal. Trong những phim đem công chiếu có cảnh đi săn thú, đánh nhau với hổ gấu, thậm chí là cảnh giết chó chẳng hạn, đều phải có mấy dòng cam kết, rằng trong quá trình làm phim, không có một động vật nào bị tra tấn và bức hại.

Hoặc là đạo diễn vẫn có thể tìm cách thể hiện khác cho những cảnh giết gà trong phim, không cần trực diện như thế mà vẫn gây được ấn tượng.

------------------

* Phim Thành phố ngủ gật, đạo diễn: Lương Đình Dũng; quay phim: Chalermpornpanit (Thái Lan), Phạm Văn Khuê; nhạc sĩ Martynas Bialobžeskis (Lithuania); diễn viên chính: Quốc Toàn, Lê Thúy Hiền.