Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Bộ râu của một học trò cũ (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 151)

Tương Lai

clip_image002Những hình ảnh các cháu bé ngồi sưởi bên đống lửa được nhóm lên dưới chân đèo Mã Pì Lèng cách Lũng Cú, đỉnh cực Bắc của nước ta, gợi nhớ hình ảnh chú học trò nhỏ Đất Mũi, Cà Mau ở cực Nam tôi đã viết trong bài trước khiến tôi ngẫm đến bộ râu của một “lão học sinh”, một hình ảnh cũng thú vị như như những hình ảnh các chú học trò nhỏ kia song lại gây một xúc động rất lạ về “nghề thầy” – suy ngẫm của một người từng đứng trên bục giảng, viết lên tấm bảng đen từ phổ thông cho đến đại học, những hiểu biết về cuộc sống cùa mình.

Tôi đã mở sẵn cánh cửa để đón Lê Võ Bạch Thông từ Hà Nội hẹn đến thăm nên hơi giật mình về một ông già râu bạc bước vào: “Em chào thầy ạ”. Vẫn đang sững người, tôi đưa tay: “Mời vào, mời vào, ngồi xuống đây”. Tiếng cười đáp lại: “Thằng học trò ngỗ nghịch nhưng lại được thầy yêu, đến thăm thầy đây”. Cũng đáp lại bằng một nụ cười thích thú, tôi đưa tay vuốt chòm râu rất đẹp của Bạch Thông.[1]

Lại vẫn cười, nụ cười rạng rỡ thoải mái: “Em hẹn Liễu xin thầy địa chỉ để rồi cũng rủ Liễu mấy hôm nữa cùng đến thăm thầy, nhưng sáng nay vừa ngủ dậy nhìn lên lịch ngày 1 tháng 10, em quyết định đi ngay vì đã sẵn địa chỉ, vừa đến Thầy với tư cách người học trò vừa với tư cách là người cao tuổi’”.

Đưa tay với ấm trà rót mời khách mà rót tràn ra khỏi miệng chén, bàn tay run run không chỉ vì bệnh già mà còn vì niềm xúc động dâng trào, gợi nhớ bao hình ảnh xa xăm tưởng đã tuột trôi khỏi dòng hồi ức. Nhưng mà không. Không quên nhiều lắm đâu, riêng với thế hệ học trò lứa tuổi Bạch Thông, Xuân Liễu, Quang Độ... thì vẫn chẳng xa xăm tí nào, vẫn gần gũi, quen thuộc thân thiết gắn bó. Và những lớp sau đó cũng thế. clip_image004

Hôm cùng Liễu đến tiễn đưa Độ về nơi an nghỉ cuối cùng sau một thời gian bị bạo bệnh đúng vào đại dịch covid cấm cả đám tang đông người. Tôi cũng đang yếu, nhiều người lo lắng không muốn để chúng tôi đi, nhưng tôi và Liễu (từng là trưởng lớp) không đi không đành. Hôm nay gặp Thông càng da diết nhớ Độ, nhắc đến người trò cũ, tôi phải nhấc kính đã nhoè nước mắt ra lau.[2]

Mới ngày nào cách nay hơn một năm, Độ mời bằng được tôi đến ăn cơm với Thông vừa từ Hà Nội vào. Ba thầy trò chúng tôi đều cùng mừng cho nhau vì bệnh của cả ba chúng tôi đều có thuyên giảm. Riêng Thông là một bệnh nhân đặc biệt tưởng không qua khỏi. Thế mà anh tự chữa khỏi cho mình bằng bản lĩnh có phần “ngỗ ngược” của mình. Dứt khoát không đến bệnh viện nữa sau một thời gian phải buộc nằm dài trên giường bệnh viện, nhưng bệnh vẫn không lui. Về nhà, ra Hà Nội mua một căn hộ để tìm cách tự chữa bệnh, Thông tự mình tìm sách đông y để đọc và để hiểu căn bệnh của mình (vốn thông minh, hai cụ thân sinh đều là những trí thức có tên tuổi đều đã qua đời). Sống một mình, tự nấu lấy ăn, sắc lấy thuốc vừa cắt ở cửa hàng thuốc Bắc, thuốc Nam về để uống. Và rồi anh khỏi được bệnh, đi du lịch một mình qua nhiều nước, vừa rồi là du lịch Phú Quốc để tiện ghé Sài Gòn thăm tôi.

Không lượng được sức nước, sóng ở bờ biển Phú Quốc mạnh quá, đôi chân em không chịu nổi khuỵu xuống, sóng đẩy ra xa, em phải gắng bò sát đất trườn vào rồi cố đứng dậy lội lên bờ” – vẫn miệng cười vô tư, Bạch Thông hồn nhiên kể lại. Bộ râu trắng mượt mà xõa sát đầu tôi khi anh đứng cạnh tôi ngoài ban công căn hộ chung cư, không hề làm mất đi sự nghịch ngợm của hồi còn trẻ măng thuở nào. Nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò xốn xang. Những buổi đến thăm của các nam nữ học trò thường gợi lại trong tôi những xúc động khó nói được thành lời.

Những gợn sóng nổi lên trên dòng chảy hồi ức dồn dập ập đến hình ảnh những học trò cũ, giờ đây là những ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại của thế hệ Bạch Thông, Quang Độ, Xuân Liễu, Minh Cầm, Gia Hảo, Hữu Bình, Cao Phan, Hồng Diễm, Ngân Thanh, Minh Phương, và bao em khác nữa đang là những người bạn thân thiết và gần gũi, đem lại niềm vui và nỗi nhớ trong tôi về những chặng đường của cuộc sống trong suốt gần 70 năm qua. Có những người tôi không gặp được trong cả 20, 30 năm nhưng vẫn còn ghi dấu ấn đậm trong tôi như H. M., V. Th.

Một đêm ở Maxkva tuyết rơi trắng xoá, tôi ngồi bên cửa sổ hai lớp kính dày tranh thủ lặng ngắm tuyết rơi vì sáng mai là đã ra sân bay về nước, kết thúc ba ngày Hội thảo và hai ngày bạn cho đi thăm bảo tàng nghệ thuật và ngắm cảnh thủ đô Liên Xô, thì nghe tiếng chuông cửa. Mở ra thì thấy V. Th. đang tháo ủng dính đầy tuyết, chiếc áo mặc ngoài ướt sũng được cởi bỏ vắt trên móc treo tường. Th. đập đập chiếc túi kéo có bánh xe cho tuyết rụng bớt đi trước khi kéo nó vào phòng. Anh đã phải ba lần chuyển trạm Metro rồi lội bộ quãng 500 mét để kịp đến khách sạn tôi ở trong tối nay. Chiếc túi kéo phồng căng, kéo khoá, rút ra một chiếc túi vải dày, Th. xếp những thứ anh chuyển cho tôi đem về nước. Đó là những mặt hàng khó kiếm và lại có giá cao ở trong nước. Đây là “lương khô” của cả gia đình tôi mà Th. thấu hiểu nên đã chuẩn bị chu đáo để tôi kịp mang về. Trước đó, vào buổi chiều, Ng. M. bạn của vợ tôi cũng đã kéo một túi đầy “tặng phẩm lương khô” bảo tôi chịu khó cõng về!

Đ. Th. là sinh viên Triết khóa 1 Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo lời mời của anh Quất, phụ trách Khoa, tôi đến thỉnh giảng về Đạo đức học và Mỹ học, những chuyên ngành tôi đang nghiên cứu, cũng theo cách anh mời Hồ Ngọc Đại trình bày về Hegel. Hình như Th. là trưởng lớp, người hay đưa những câu hỏi thông minh nhưng cũng khá hóc búa cho tôi cũng na ná như những thắc mắc của H. M. thường nêu lên với người giảng và người nghe. Nhớ đến một kỷ niệm vui, đám cưới của H. M. với Nh., cán bộ của Viện tôi, được tổ chức tại một cửa hàng nhỏ, M. chỉ mời có sáu người dự, trong đó có Hồ Ngọc Đại, tôi và V. Th., những người mà anh ta “khoái”. H. M. sau đó đi dạy Toán ở Paris còn V. T. dạy ở Học viện Nguyễn Ái Quốc Hà Nội. Có lần vợ chồng anh mời chúng tôi đi nghỉ một tuần ở một tỉnh ở miền Trung mà Đ. Th. làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nhưng rồi sau khi lưỡng lự cân nhắc, tôi không thực hiện lời mời đó vì những lẽ tế nhị chẳng tiện nói ra, Ng. vợ V. Th. trách mãi. Cũng có chút duyên do, khi V. T. đi xa, Ng. bị bệnh kéo dài, vợ tôi đã chú ý thăm nom.

clip_image006Từ nghĩa thầy trò chuyển thành tình bè bạn, chúng tôi từng có những kỷ niệm đẹp một thời đáng lý phải tiếp tục. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng phẳng phiu như trang giấy trắng học trò. Có lúc nó cong queo vì xếp vội, có khi nó bị dây mực hoặc nhoè nước mắt do một lẽ nào đó. Nói ra từng tình huống cụ thể thì nói sao cho xuể, chi bằng tâm niệm một câu đã nhớ nằm lòng: “Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả các câu trả lời”.

Câu trả lời ấy tôi đã trải nghiệm khá nhiều trong nghĩa tình thầy trò suốt gần 70 năm của thế kỷ XX vắt sang thế kỷ XXI. Có tình huống khá ngộ nghĩnh như lần Vũ Cao Phan lái ô tô khách sạn nơi tôi đang ở khi từ Sài Gòn bay ra Hà Nội dự buổi sinh hoạt của IDS.[3] Xe theo đường Thuỵ Khuê ngang qua trước hẻm vào nhà anh Phạm Thuỷ Ba, leo lên dốc Bưởi để đến quán Quán Bánh Xèo cô Minh trên đường Âu Cơ. Ô tô lên gần hết dốc thì khựng lại. Phan loay hoay dấn ga, rồi lùi lùi lại, siết chặt phanh lại tăng ga để dấn lên, ô tô vẫn cứ khựng lại. Phan toát mồ hôi, mặt hơi hốt hoảng. Tôi cười: “Lại thầy Rô đùa cậu đấy, không sao đâu”, rồi tôi nói trống không trước sự ngơ ngác của ông đại tá – học trò cũ của tôi và anh Phạm Thuỷ Ba (thầy Rô): “Thôi anh Rô ơi, tha cho Phan đi”. Phan vẫn ngơ ngác giữ chặt vô lăng và nhấn ga, ô tô từ từ vọt lên. Hết dốc, Phan cho xe dừng lại, mở cửa kính, lau mồ hôi đầm đìa trên trán nhìn tôi, chẳng nói chẳng rằng, một câu hỏi cũng không.

Tôi cười kể lại chuyện đã qua. Phan là học trò yêu của thầy Rô và phần nào đã kế được nghiệp thầy. Lăn lộn trên chiến trường, anh kết thúc cuộc đời binh nghiệp bằng một truyện ngắn khá nổi tiếng “Ngày cuối cùng của chiến tranh”.

Câu tôi vừa nói với Phan là nhắc lại lời của Việt, người lái xe suốt 13 năm cho Viện Xã hội học chúng tôi. Không chỉ một lần mà vài lần, Việt lái ô tô đưa tôi sang sân bay Nội Bài qua đường Thuỵ Khuê, vòng lên dốc Bưởi khi đã lướt qua đầu con hẻm dẫn vào nhà anh Phạm Thuỷ Ba, nơi tôi thường đap xe lên ngồi chuyện vãn để thư giãn đầu óc, rũ bỏ bớt đi những nhiễu nhương bụi bặm mà tôi buộc phải hít thở. Có lần mấy chúng tôi hẹn cùng nhậu một bữa mừng sinh nhật Phạm Thuỷ Ba, có các anh Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Trần Đình Hượu và tôi đã có dịp viết trên “Mênh mông thế sự”, một dấu ấn rất đẹp của những người từng là thầy giáo.

Một vài lần xe leo lên dốc Bưởi đã gặp tình huống tương tự như chuyện Vũ Cao Phan tôi vừa kể. Mỗi lần như vậy Việt lại lầm rầm khe khẽ: “Con xin bác, sợ trễ giờ mất, anh Tương Lai phải nhỡ chuyến bay”, thế rồi xe trở lại trạng thái bình thường, Việt thở phào, dấn ga cho xe leo dốc. Quay nhìn tôi, Việt cười: “Bác ấy đùa thôi nhưng em nghĩ cũng là trách anh đấy, chuyến này về anh bố trí em đưa anh lên nhà thắp hương cho bác”.

Khi viết những dòng này, tôi ngừng tay bấm phím máy tính, nhìn lên những cuốn sách Phạm Thuỷ Ba tặng tôi đang nằm im trên giá sách, bồi hồi nhớ bạn trong mông lung suy ngẫm, mang mang nhớ ra câu của Sophocles, người được coi là một trong những nhà viết bi kịch vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại: “Không phải mọi thứ đều nên bộc bạch ra, tốt hơn cả là cứ để nó nằm nguyên ở dạng ẩn giấu”. Ẩn giấu vào đâu nhỉ? Thì như lời khuyên vừa dẫn: ẩn giấu trong tim của mình.

Thế rồi đọc dòng thư vắn Nguyễn Gia Hảo trả lời Tô Lê Sơn về đề nghị rà soát lại danh sách Sơn đã gửi “Mênh mông thế sự”, xem thử có làm phiền ai đó không muốn đọc mà ta cứ gửi” mà lòng thấy nao nao: “Cảm ơn anh Lê Sơn. Tôi vẫn nhận được những bài của thầy Tương Lai. Tôi là học trò cũ của Thầy tại Trường Chu Văn An Hà Nội”.

Cùng là thành viên của Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nhưng Hảo luôn gọi tôi là thầy, ngay cả lúc ngồi họp hay nói chuyện trong giờ giải lao. Như hôm tôi và anh Việt Phương cùng đứng giữa sân trường Chu Văn An dự kỷ niệm 100 năm Trường clip_image008Bưởi, Hảo gọi anh Việt Phương là anh, nhưng vẫn thưa thầy với tôi. Mà chính anh Việt Phương thích như thế, có lần anh hỏi tôi: “Nguyễn Gia Hảo là học trò của Tương Lai đấy à, thật thú vị đấy”. Rồi anh Việt Phương bận việc, ra về trước, Hảo rủ tôi cùng đi quanh sân trường để nhớ lại những kỷ niệm xưa. Chúng tôi lần theo những nẻo đường xưa quanh trường, tìm lại những phòng học cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Ra tận mép hồ, nhìn lại ngôi nhà tôi đã ở cùng với Khắc Anh và Phan Vịnh những năm “tiếp quản Thủ đô” ấy. Cả hai anh giờ đều đã là người thiên cổ.

Mới đó thôi, biết tôi bệnh, Vịnh chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thầy thuốc Bắc, thuốc Nam, kể cả những người “nghe tin đồn” là có khả năng “chữa mẹo”. Anh xách đến cho tôi máy hút bụi lau sàn nhà, máy xoa bóp cầm tay, đủ thứ. Nhưng khi anh bệnh thì anh lại giấu tôi, may mà tôi biết được, vội nhờ cháu tôi dìu đến để kịp ngồi với anh được một buổi. Chỉ lan man chuyện bạn bè clip_image010những năm nhiều đổi thay ấy bên “ngôi trường Bưởi” xưa và nay là Chu Văn An, mãi không dứt ra được. Tôi trân trọng đọc lại hai cuốn sách mà Phan Vịnh đã dồn gần hết thời gian và sức lực cho hai cuốn chuyên khảo ấy với nhiều sử liệu quý báu được ghi chép công phu mà một nhà viết sử có trách nhiệm chưa chắc đã làm được. Đó là cuốn “Phan Thanh. Anh là ai?” và cuốn “Thấu hiểu giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc, dòng họ, và gia đình”. Tôi hết sức ngạc nhiên vì anh vốn là một thầy dạy Lý ở trường Chu Văn An rồi là giảng viên ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi nghỉ hưu, anh đã mở một “cửa hiệu nhỏ” ngay trong sân ngôi biệt thự mà anh đang ở cùng gia đình với một bảng hiệu rõ ràng “Chuyên chữa máy bơm nước”. Đó là dạo làm sao có nước máy để dùng đang rất nan giải với dân Hà Nội, nên chuyện mua máy bơm của Hàn Quốc để hút và bơm nước đang là một nhu cầu mới của không ít người. Vịnh sẵn sàng xắn tay áo lấm lem dầu mỡ để ngày ngày vui vẻ chữa máy bơm khách hàng đưa đến. Thế mà đã giỗ đầu người bạn chí cốt của tôi ra đi thanh thản ở tuổi 90.

Còn Khắc Anh thì hồi tôi đang làm Viện trưởng Viện Xã học, có lần tình cờ gặp giữa đường. Anh hào hứng cho biết, sau khi buộc phải thôi khỏi bục giảng, chuyển sang làm Chủ tịch Công đoàn Giáo chức Hà Nội rồi về hưu anh có điều kiện thực hiện những chuyến đi nhiều nơi khắp nước, một khát khao ấp ủ từ lâu là chưa đến được Lũng Cú - Hà Giang, đỉnh cực Bắc, chứ Năm Căn, Đất Mũi cực Nam thì đến cả rồi. Tôi nói với anh: “Để mình liệu, ông cứ về nhà bảo cho vợ biết, chốc nữa mình sẽ qua nhà đón vì tiện đường xe đi”.

clip_image012Thương lượng với một cán bộ xã hội học của Viện chuyển sang ngồi nhờ ô tô của anh Nam (thư ký ông Đỗ Mười) đang muốn cùng đi với tôi trong một cuộc khảo sát các tỉnh biên giới, để dành một chỗ trong xe cho Khắc Anh. Quãng 20 phút sau xe đến cổng. Chỉ một túi nhỏ xách tay, Khắc Anh hào hứng bước lên xe cùng đi cả tuần lễ: lên Lạng Sơn theo đường số 4 qua Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê gợi nhớ những địa danh lịch sử của chiến dịch Thu Đông chống thực dân Pháp thuở nào, sau đó chuyển huớng sang cao nguyên đá Đồng Văn đến Lũng Cú. Tôi tự an ủi đã kịp thời thu xếp một chuyến đi trước khi chia tay mãi mãi với Khắc Anh. Thời gian lạnh lùng trôi đi, mang theo bao nhiêu buồn vui của nghĩa tình bè bạn. Nguyễn Gia Hảo bấm máy chụp cho tôi căn phòng ba chúng tôi đã ở cách nay gần 70 năm.

clip_image014Đứng trước cầu thang dẫn lên căn phòng ba chúng tôi từng ở với nhau những năm 1955 đến 1960, lòng da diết xốn xang nghĩ đến một câu không mấy lạc quan của các cụ ta xưa: Quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ được bao người?. Nhưng rồi, để tránh hàm hồ trong nỗi buồn chia tay mãi mãi với những người bạn đã gắn bó với nhau nay đã là người của thế giới bên kia, tôi muốn tự an ủi nhằm xua bớt đi nỗi buồn da diết ấy nên xin được chép lại mấy dòng trong thư anh Cao Huy Thuần ở Paris vừa gửi cho tôi sau khi đọc bài “Mùi Cọp”: “Chắc anh còn nhớ chuyện ông Khổng Tử. Khổng Tử cùng học trò có lúc đi qua một thôn xóm ven rừng đầy cọp. Thấy một bà lão, ông hỏi: "Ở đây nguy hiểm, vậy mà bà cụ không đi nơi khác à?". Bà lão đáp: "Dạ, ở đây thì cọp, nhưng các ông quan hiền...". Khổng Tử quay lại dạy học trò liền. Dạy gì thì ai cũng biết từ khuya. Và chắc anh lại còn nhớ định nghĩa chính trị của Machiavel: chính trị là sư tử (= cọp) và cáo. Ối giời, cái mùi ấy, Khổng Tử co giò chạy tuốt, không kịp dạy học trò. Thấy trong bài anh được nhiều học trò yêu quá. Thế thiên (= Khổng Tử) hành đạo, anh dạy cái mùi ấy đi”!

Anh Thuần vẫn có giọng văn thâm thuý như thế, trước mấy năm anh đã viết cho tôi:

Tôi hiểu anh đến tận ruột gan, bởi vì tôi lấy ruột gan của tôi để đọc thư anh. Giữa anh và tôi như thế, như thế là quá đủ, nói gì thêm cũng thừa.

"Thoại nhược đầu cơ bán cú đa". Nói chuyện mà trúng ý thì nửa lời cũng nhiều, thiền tông dạy như vậy...

...Trong văn chương Việt Nam, chữ "nửa" hay vô cùng tận:

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Ngay cô Kiều nhìn lên trời cũng thấy chữ "nửa":

Vầng trăng ai xẻ làm đôi...

Ối, anh Tương Lai quý mến ơi, văn chương cho đỡ buồn, và cũng muốn mượn nó để gửi anh cái chữ "nửa" lấy từ ruột gan”.

Bụng bảo dạ, thật may mắn cho tôi là trên mọi chặng đường đời tôi đã gặp được những người bạn đồng điệu, đồng tình và không quá khó để gần gũi, gắn kết và cảm thông. Những dòng thư vừa dẫn là một ví dụ sống động “lấy từ ruột gan”.

Cùng với những lá thư tâm tình ẩn chứa sự thâm thuý trong ngôn từ và phong cách riêng độc đáo của một bộ óc học giả uyên bác hoà điệu với tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của giáo sư Cao Huy Thuần, tôi nhận được một tin nhắn ngắn gọn và súc tích của tiến sĩ Chu Hảo – người bạn gắn bó và sẻ chia với tôi những ưu tư về vận nước, sẵn sàng đối phó với những thử thách cam go. Đặc biệt là những áp lực, nói nôm na là sự trả thù hèn hạ đến từ một nhân cách không mấy tốt đẹp, khiến chúng tôi hiểu hơn khuyến cáo của Goethe “Không gì tồi tệ hơn sự ngu xuẩn hung hăng”.

Tôi hiểu ra điều tệ hại hơn nữa là “Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ thiên tài luôn có giới hạn”. Đó là sự đúc kết của bộ óc vĩ đại Albert Einstein. Vậy thì, phải chăng sự cuồng bạo của kẻ ngu dốt là vô giới hạn và hệ luỵ của nó không chỉ tệ hại với người trí thức có lương tri mà còn là hiểm hoạ cho cả dân tộc. Mà điều này thì đang là nhỡn tiền. Chỉ cần đọc mấy con số mà báo Dân Trí ngày 18.10.2923 đã dẫn ra cũng quá rõ điều đó: “Sau một năm số người nhận hối lộ tăng hơn 592%, từ 90 đối tượng lên 623 đối tượng theo thống kê của Chính phủ”!

clip_image016Thành tựu của “sự nghiệp chống tham nhũng vĩ đại” được tung hô triền miên hết ngày dài lại đến đêm thâu trên mọi báo, đài nhà nước là thế này ư? Báo Dân Trí điềm nhiên minh bạch và công khai những con số “vĩ đại” là nhằm hé lộ điều gì nhỉ?

Câu trả lời không nằm trong luồng mạch của dòng chảy hồi ức, nên xin trở lại với hồi âm của người bạn tri âm sau khi đọc bài “Đầu năm nghĩ gì” của tôi[4]: “Anh làm Chu Hảo cảm động quá! Đây là món quà Tết vô giá đã được anh dành cho. Cám ơn anh nhiều nhé! Đúng là:

Bất nhân phong quyển phù vân tận

Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu

Tương thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỳ nhân

(Không nhờ gió cuốn sạch mây mù

Sao thấy trời xanh muôn dặm thu?

Quen biết khắp gầm trời

Tri âm nào mấy ai?)

(Thơ Từ Đạo Hạnh Thiền sư, Huệ Chi dịch)”

Và, là tri âm nên dễ chia sẻ những ưu tư vừa viết ở trên. Mà vì thế càng thấm thía với tâm trạng của danh sĩ thế kỷ 18 Ngô Thì Nhậm (1746-1803) trong “Mộng Thiên thai phú” trong bối cảnh rối ren, bê bối của buổi mạt triều Lê-Trịnh thế kỷ 18 và đối thủ của ông thì cũng “khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy” như ông viết trong bài thơ gửi cho Đặng Trần Thường, kẻ đã giết ông.

Vọng tri kỷ hề, thiên nhất nhai

Hà nhân thức hề, ngô linh đài?

(Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời

Lòng ta chừ, tri âm ai người?)

(Ngô Linh Ngọc dịch)

Cớ sao? Những trải nghiệm qua những thăng trầm, những buồn vui trên những chặng đường đời suốt gần 70 năm qua không hiếm những lúc bỗng thấy chán chường, ngán ngẩm với thế sự, nhưng tôi quyết không buông xuôi, bằng mọi cách, tôi phải thoát bằng được tâm trạng cô độc, chán chường ấy.

Cho vẫn ám ảnh bởi tâm trạng của nhà hiện sinh Pháp Albert Camus (trong tác phẩm La chute): “Những người hy sinh cho lý tưởng, bạn ơi, phải chọn giữa bị lãng quên, bị nhạo báng hoặc bị lợi dụng. Còn để được hiểu ư? - Không bao giờ(Les martyrs, cher ami, doivent choisir d'être oubliés, raillés ou utilisés. Quant à être compris, jamais)! Liệu có vận vào tôi sự nghiệt ngã ấy?

Và liệu có đúng là “Để hiểu được thế giới, đôi khi người ta phải quay lưng lại với nó” như khuyến cáo của Camus? Sẽ hiểu hơn ý nghĩa thâm trầm của khuyến cáo đó, có lẽ cần hiểu mệnh đề dứt khoát của nhà văn Pháp được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1957: “Người phản kháng là gì? Người dám nói không.

Tôi quyết nói không với cái hiện tồn biểu hiện cho sư tha hoá của quyền lực đang làm đảo lộn các giá trị cao đẹp của cuộc sống, băng hoại đạo lý truyền thống của ông cha. Để khỏi dài lời, xin được nhắc lại tâm tư của bạn tôi khi dẫn ra câu thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Quen biết khắp gầm trời

Tri âm nào mấy ai?

clip_image018“Tương thức mãn thiên hạ”, ta sẽ thấy được gì đây? Thấy được bạn. Và là người thầy giáo, tôi thấy được học trò. Thấy và tìm ra được những người đồng chí, đồng điệu trong những bề bộn bon chen và nhiễu nhương của cuộc sống. Khi phải rời Hà Nội để vào sống Sài Gòn theo yêu cầu của con, điều tôi băn khoăn và lo lắng nhất là xa bạn, xa học trò. Nhưng rồi nỗi băn khoăn lo lắng đó cũng chóng tiêu tan. Tôi không ngờ, chính tại nơi ở mới, tôi lại gặp được nhiều người bạn quý, rất quý. Tôi ngạc nhiên vì mình sớm kết giao và thân thiết mà hồi còn ở Hà Nội tôi chỉ biết tên như Huỳnh Tấm Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu...[5] Nay thì chúng tôi gắn kết với nhau thân thiết, đằm thắm. Tôi từng thành thật bộc lộ với các anh: “Tôi tự hào được là bạn của các anh, những người đã kiên cường chiến đấu trong lòng Sài Gòn, đối đầu với bao hiểm nguy và bất khuất trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù tại các nhà tù Chí Hoà, Côn Đảo... Các anh đã ứng xử với tôi với một chân tình yêu thương và quý trọng, mặc dầu tôi luôn hiểu rằng chỉ nên đứng phía sau các anh vì tên tuổi các anh mới tạo nên được hiệu ứng cao nhất bởi cuộc đời của các anh với những gì các anh đã làm thì bà con Sài Gòn đã biết, cho nên tiếng nói của các anh mới có sức nặng”.

Từng biết nỗi băn khoăn của tôi nên vợ tôi rất mừng khi được đón rất nhiều các anh chị khắp nơi đến chơi với sự chân tình, quý mến. Số học trò cũ của trước đây cũng ở Sài Gòn khá nhiều cũng vậy. Các em thường đến chơi, thân tình cởi mở giúp đỡ chúng tôi rất nhiều cả gia đình chúng tôi rất cảm động và biết ơn. Vợ tôi ngồi cạnh và nắm chặt tay Liễu chân thành nói: “Em là cứu tinh của tôi, nhờ em đưa đến bác sĩ Phương Thu mổ mắt mà nay đã ngoài 80 tôi vẫn xâu kim và đọc sách không cần đeo kính được”. Và Độ thì ngay khi đang bệnh vẫn chống gậy nhờ người dìu đến thăm thầy nhân ngày 20.11. Đem đến cho tôi một cây bàng vuông Trường Sa, Độ gọi làcây phong ba hợp với tính cách của thầy, được trồng trong một chậu cảnh nhỏ rất đẹp mà anh tỉ mỉ và công phu nuôi giống từ hạt đem từ Trường Sa về. Đó là một thú vui ngắm nhìn và chăm sóc cây cảnh, cho dù công việc ngập đầu với khát vọng để lại một ngôi trường đúng tiêu chuẩn hiện đại cần có từ tiểu học đến đại học mà anh đã tâm huyết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để dồn sức thực hiện từng bước với thành tựu khá vững chắc như đã hiện diện, anh vẫn dành nhiều thời gian và tiền bạc để có một vườn cảnh với nhiều bonsai quý hiếm và nhiều cây cảnh đẹp và rất quý khác được anh sưu tầm trên những chuyến đi trong và ngoài nước.

clip_image020Do không biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc, “cây phong ba” trong chậu cảnh lớn nhanh quá, tôi phải chuyển sang một chậu to đặt trang trọng ngoài ban công, cành và lá cây phủ kín trùm lên các chậu cây khác nên tôi phải tỉa bớt làm mất dáng vẻ cần có của nó, khi Độ ra đi mãi mãi, cây phong ba cũng lụi dần, một nỗi đau giằng xé vẫn ẩn giấu trong tôi và lay động tâm tư mỗi lần tôi nghĩ đến khát vọng chưa hoàn thành trọn vẹn của người học trò yêu dấu ấy. Chỉ xin dẫn ra đây một hình ảnh: “Hội trường Trịnh Công Sơn”. Có người cho rằng đó là hội trường to nhất với trang thiết bị hiện đại cho các hoạt động văn học, nghệ thuật trong số các trường đại học. Nhà trường mời tôi, người gợi ý và đại diện gia đình Trịnh Công Sơn cùng tham dự buổi lễ chính thức đặt tên, tôi quá xúc động từ chối lời mời phát biểu. Và rồi, niềm xúc động ấy lại xốn xang khi nghe kể lại những hoạt động văn hoá được tổ chức trang trọng và nhiệt tình tại đây, nơi Bùi Quang Độ đã để lại dấu ấn sâu đậm của một tấm lòng đối với nhiều thế hệ học trò và sự nhận thức sâu sắc về vai trò của văn học nghệ thuật đến tâm hồn, nhân cách của tuổi trẻ học đường.

Chính vì vậy khi học trò tôi, thế hệ bạn cùng lớp của Độ và Liễu cũng như thế hệ học trò những thế hệ trước và sau họ đến thăm, tôi thường xúc động kể lại những kỷ niệm giàu ấn tượng ấy để sẻ chia những tâm tưởng đẹp đẽ và cao cả của nghĩa tình thầy trò mà tôi đã nhận được. Những của buổi thầy trò có dịp ngồi lâu với nhau với những trao đổi đằm thắm, nghiêm túc và cả trong những chuyện vãn nhẹ nhàng, thì rốt cuộc lại vẫn quay lại nỗi ưu tư về sự bối rối, bế tắc của ngành giáo dục hiện hành. Đó là hệ luỵ đau đớn của buổi xế chiều một thể chế bảo thủ và giáo điều đã quá lạc hậu, nhưng vẫn ngoan cố vá víu nhằm trì kéo lại để vớt vát chút lợi quyền kiểu “ngoạm một miếng rồi chuồn” mà V. Lenin, chứ chẳng ai khác, đã cảnh báo từ năm 1918! Một phần những cú “ngoạm” tồi tệ ấy đã phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật nên đông đảo dân chúng đều thấy và ngao ngán, vì chúng nằm sát sạt bên và trong cuộc sống của họ. Những học trò cũ nay đã là những ông, những bà đều có con, có cháu đang cần được chăm chút, lo toan đều cùng chung một nỗi lo lắng về sự xuống cấp đó. Một người đang có cháu học cấp 3 bật ra một nỗi băn khoăn chưa tìm được hướng giải quyết về cháu mình là nạn nhân của bạo lực học đường: “Thầy ạ, mỗi lần cháu em đi học về muộn là em lo ngay ngáy, liệu có chuyện gì không, thời chúng em đi học, từ phổ thông đến đại học đâu có chuyện phải lo kiểu này. Không biết thầy có lần nào gợi ra với một chú chở xe ôm, một bác lái taxi, một bà bán hàng rong, chứ em thì gợi ra một câu hỏi là nghe họ bật ra bao lời chua chát, khinh bỉ, tức giận đầy tính thời sự. Nghĩ kỹ ra thì chính họ đang nói về vận nước đấy thôi. Những chuyện gẫu hàng ngày của bọn em cũng thế, quanh đi quẩn lại cũng là chuyện bất an của môi trường sống, đặc biệt là lo cho con cháu phải lớn lên trong môi trường bất an đó”. Ngẫm nghĩ nhưng chưa muốn nói ra, đây là hệ luỵ tệ hại khủng khiếp của “Lý tưởng tương thông, Vận mệnh tương quan” mà Trung Quốc đã rót vào tai và được mùi mẫn học thuộc, chẳng những thế hàng năm còn đều đặn và mẫn cán gửi người sang “huấn luyện” tại Trung Quốc.

Ấy vậy mà, theo “chỉ số quốc gia thất bại” (Failed States Index), Trung Quốc từ năm 2009 đã trở thành “một quốc gia thất bại”, vì ngày càng nhiều người dân Trung Quốc bỏ đất nước mình ra nước ngoài sinh sống. Tầng lớp tinh hoa ra đi sẽ đem theo chất xám, công nghệ, tài sản, và cả lòng tin. Đó là tài nguyên con người để phát triển bền vững. Từ năm 1978 tới nay đã có 1,06 triệu học sinh Trung Quốc du học nước ngoài, trong đó chỉ có 275 nghìn người về nước. Nghĩa là có 785 nghìn thanh niên tuấn tú chạy ra ngoài nước, tương đương 30 lần số sinh viên trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành phân tích rành mạch rằng: “... chính quyền chưa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhân, khiến họ luôn có cảm giác không an toàn; lại thêm cơ chế giáo dục lạc hậu khiến họ lo lắng cho tương lai của con cái mình. Đây là hai lý do chính khiến nhiều doanh nhân mới giàu lên nảy sinh ý định ra nước ngoài[6]. Ai cũng hiểu được rằng tầng lớp tinh hoa ra đi mang theo chất xám, công nghệ, tài sản, và cả niềm tin. Việt Nam hình như đang bị cuốn theo vết xe đổ của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”! Ấy vậy mà người cùng chung ý thức hệ ấy là hậu duệ của thế lực bành trướng Đại Hán từng đặt ách cai trị cả ngàn năm dân tộc ta với thủ đoạn huỷ diệt văn hoá để đồng hoá cực kỳ thâm độc. Sức mãnh liệt của dân tộc ta đã quật cường và bền bỉ làm thất bại âm mưu đồng hoá ấy.

clip_image022Để hiểu thêm ý tứ sâu xa in đậm dấu ấn thời cuộc của Chu Hảo khi dẫn ra mấy câu thơ của Từ Đạo Hạnh, tôi muốn được chép ra đây một đoạn nói về dòng thơ chủ lưu của nền văn học Việt Nam trong đó có bài thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh của Thiền sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát[7]:

Đây là một dòng thơ suy tưởng sâu đậm đến vận mạng của đất nước, đến cuộc sống của người dân. Với gần mấy chục bài thơ xoay quanh những vấn đề trọng đại như chủ quyền quốc gia, như đoàn kết toàn dân, như thái bình của đất nước, nó đã chuẩn bị tiền đề tư tưởng và nhận thức cho mọi tầng lớp người dân và báo hiệu cho sự ra đời một quốc gia Đại Việt hùng cường sắp tới. Ít có khi trong lịch sử văn học bất cứ dân tộc nào, mà một dòng văn học chủ lưu như dòng văn học thời sự Việt Nam trong các thế kỷ thứ tám cho đến thứ mười.

Tính chất thời sự của dòng thơ chủ lưu này không còn xuất hiện trong những thế kỷ sau. Hoặc có đi nữa, thì nó cũng rất mờ nhạt, không có những nét đặc thù rõ rệt. Đây là một thời đại văn học, mà mọi cây bút lớn đều tập trung vào những vấn đề trọng đại vừa nêu trên. Một đặc trưng ta cũng ít tìm thấy trong những giai đoạn văn học sau. Có thể nói mọi tinh lực của dân tộc đều đổ dồn vào công cuộc xây dựng chủ quyền quốc gia và kiến thiết một nền thái bình cho đất nước. Cho nên, nó đã khai sinh ra nền văn học đậm đặc tính chất thời sự phục vụ cho nhu cầu xây dựng và kiến thiết như vừa nói. Đây là một nền văn học mang lại cho ta những cảm thức hùng vĩ về đất nước, về con người[8].

Trong buổi nhiễu nhương hiện nay, liệu “những cảm thức hùng vĩ về đất nước về con người ấy có bị phôi pha, thậm chí bị băng hoại không, và nếu còn giữ được cảm thức ấy là những ai, họ sẽ hành động như thế nào, họ sẽ được nhìn nhận và đối xử ra sao đây? Tôi tin chắc rằng, không thiếu, không ít người vẫn có được cảm thức ấy. Có thể họ thể hiện trong hành động, dám đương đầu với bạo lực, đàn áp, cũng có thể nhiều người giấu kín cảm thức mãnh liệt ấy tận đáy sâu tâm hồn mình, chưa bộc lộ ra bằng hành động khi cảm thấy thời cơ chưa đến, đương nhiên cũng không ít chọn kiểu ứng xử ngây ngô giả điếc giả câm sống cho qua ngày. Cũng có thể, cuộc sống nghiệt ngã với số đông những người đầu tắt mặt tối trong cuộc mưu sinh thì có khi cái cảm thức thiêng liêng ấy bị nhoè đi nhưng không thể mất hẳn. Tia lửa bị vủi vào đống tro tàn, khi có bàn ta khơi ra hay ngọn gió thổi vào sẽ bùng lên.

Cảm thức hùng vĩ về đất nước về con người Việt Nam sẽ là cội nguồn sức mạnh của mỗi người Việt Nam đang thúc giục hành động yêu nước của họ. Đó sẽ là một tất yếu lịch sử. Albert Camus nói (trong La chute): “Đừng đợi sự phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến (N'attendez pas le jugement dernier. Il a lieu tous les jours).

Ngày 1.11.2023


[1] Ảnh: Lê Võ Bạch Thông và Tương Lai.

[2] Ảnh: Từ trái sang: Bùi Quang Độ, Minh Nguyệt, Xuân Liễu, Tương Lai.

[3] Ảnh: Vũ Cao Phan.

[4] Ảnh: Từ phải sang: Chu Hảo đứng giữa Việt Phương và Trần Đức Nguyên, tiếp đó là Phạm Chi Lan, Tương Lai, Nguyễn Quang A. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là buổi nhóm họp đầu bàn về thành lập IDS tại Công ty của Quang A sau khi từ nhà Ông Sáu Dân, Chu Hảo và tôi về quán ăn “Ba Miền” trao đổi thêm về những lời căn dặn của Ông, rồi bay về gặp Quang A và Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Phạm Chi Lan.

[5] Ảnh: Từ phải sang: Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, dưới chân tượng Đức Thánh Trần.

[6] Nguyễn Hải Hoành, Nạn “chảy máu” tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc, Nghiên cứu Quốc tế, 30/10/2023

[7] Ảnh: Lê Mạnh Thát và Tương Lai.

[8] Lê Mạnh Thát, Bài thơ Vận nước và tư tưởng chính trị của thiền sư Pháp Thuận, Thư viện Hoa Sen 23/11/2010