Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Thử tìm hiểu sách dạy quốc văn bậc tiểu học vào thời bắt đầu dạy Quốc ngữ ở Việt Nam

Nguyễn Sơn Hùng

Lời mở đầu: Tình cờ sáng ngày 7/9/2023 đọc được bài “Đi Học Để Làm Gì”, bài thứ 3 trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư dành cho lớp Dự Bị của bậc tiểu học được soạn vào năm 1924 trên Facebook của ai đó tự động hiện ra trên máy điện thoại. Người viết nảy ý tưởng thử so sánh nội dung bài này với bài đầu tiên trong Tiểu Học Độc Bản (Sách đọc bậc tiểu học) của Nhật Bản được xuất bản vào Minh Trị thứ 6 (1873) (1) mà 2 tháng trước người viết đã có dịp tìm hiểu qua, để xem có sự khác biệt cụ thể gì không về cách giáo dục giữa 2 nước.

Để làm công việc nói trên và nhân dịp này tìm hiểu sơ lược nhưng có hệ thống nội dung sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Trong quá trình tìm hiểu sách này thấy rằng các bài tập đọc chú trọng nhiều về đề tài giáo dục đạo đức luân lý trong khi còn có sách Luân Lý Giáo Khoa Thư mà học sinh cùng lớp bậc cũng phải học nên sinh ra hiếu kỳ muốn tìm hiểu nội dung của sách loại sau như thế nào. Nội dung tìm hiểu trở nên nhiều, cần chia ra làm nhiều bài để dễ đọc.

Trước hết Bài 1 và 2 sẽ giới thiệu nội dung và đặc điểm của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư. Các bài kế tiếp sẽ giới thiệu các sách tập đọc ở bậc tiểu học của Nhật Bản vào thời Minh Trị để so sánh.

Phương châm biên soạn

Ý thức trách nhiệm về sự chính xác của thông tin, người viết chủ yếu dùng các tài liệu trên Internet có ghi tên tác giả. Tuy nhiên, số tài liệu này không nhiều nên đôi khi cần tham khảo Wikipedia tiếng Việt không có ghi tên tác giả. Để phân biệt 2 loại thông tin này, sau mỗi đoạn dùng thông tin tham khảo người viết ghi chú tên của tài liệu tham khảo để quý độc giả có thể phân biệt. Phần không có ghi chú là kết quả phân tích hoặc nhận xét của người viết.

***

1. Sơ lược chế độ giáo dục tiểu học thời Pháp thuộc

Năm 1874 Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Năm 1884 Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ của Pháp. Năm 1919 chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội cuối cùng ở Huế. Tuy nhiên đến năm 1932 triều đình Việt Nam mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ. (2)

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Toàn quyền Albert Sarraut ban hành Règlement Général de l’Instruction Publique en Indochine (dịch của Phạm Quỳnh: Học Chính Tổng Quy, nghĩa là Quy Chế Tổng Quát về Học Chính ở Đông Dương) ngày 21 tháng 12 năm 1917. (3)

Hệ thống giáo dục phổ thông được chia làm 3 cấp: tiểu học, cao đẳng tiểu học trung học với 2 loại trường: trường Việt và trường Pháp. (3)

Bậc Tiểu Học

Bậc học này được chia năm lớp: lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) cho học sinh 7 tuổi, lớp Dự bị (Cours Préparatoire) 8 tuổi, lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire) 9 tuổi, lớp Nhì (Cours Moyen) 10 tuổi và lớp Nhất (Cours Supérieur) 11 tuổi. Số tuổi trên của mỗi lớp chỉ là “độ chừng” không bắt buộc phải đúng theo.(3) Tuy nhiên đến năm 1925 lớp Nhì được chia làm 2 năm: lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année) và lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (4). Như vậy chương trình tiểu học kéo dài thành 6 năm.

Ba lớp đầu còn được gọi là bậc Sơ Học. Học xong lớpSơ Đẳng,học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire). Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất, học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên. (2)

2. Quốc Văn Giáo Khoa Thư

Năm 1924, cơ quan trực thuộc Bộ Quốc Dân Giáo Dục là Nha Học Chính Đông Pháp (Direction Générale de l’Instruction Publique de l’Indochine) quyết định ủy thác 4 ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn hai bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư, gọi chung Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư. (5) (Theo kết quả tra cứu của người viết, ngoài 2 sách trên các soạn giả trên còn được giao soạn Toán Pháp Giao Khoa Thư, Cách Trí Giáo Khoa Thư, Sử Ký- Địa Dư Giáo Khoa Thư, các sách này cũng được xếp vào Việt Nam Tiểu Học Tùng Tư).

Quốc Văn Giáo Khoa Thư gồm có 3 quyển dùng cho 3 lớp như sau:

- Sách tập đọc và tập viết cho lớp Đồng Ấu gồm 34 bài đầu dạy phân biệt bảng chữ cái và đánh vần (trang 5~38, 34 trang), 55 bài sau là tập đọc vỡ lòng (trang 39~93, 55 trang, không tính mục lục).

- Sách tập đọc và tập viết cho lớp Dự Bị gồm 120 bài tập đọc (trang 3~122, 120 trang, không tính mục lục).

- Sách cho lớp Sơ Đẳng gồm 84 bài tập đọc (trang 3~102, 99 trang, không tính mục lục).

Rất đáng tiếc hiện tại người viết chưa tìm được tài liệu có ghi rõ tên tác giả về thời kỳ chính xác sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư được sử dụng. Tuy nhiên theo tài liệu tham khảo (5), vào năm 1924 Nha Học Chính Đông Dương giao các học giả như Trần Trọng Kim soạn thảo sách giáo khoa, và theo trang web dưới đây, sách Luân lý giáo khoa thư (lớp Dự Bị) được xuất bản đầu tiên vào năm 1925. Mặt khác, cùng trang web cũng có giới thiệu vào năm 1948, sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị (không đề tên soạn giả nhưng nội dung giống như các phiên bản khác) và sách Việt Ngữ Giáo Khoa Thư do Cần Văn Tố biên soạn. Do đó, người viết suy luận sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư do Trần Trọng Kim và các người khác biên soạn được dùng từ năm 1925 đến năm 1948.

https://thuongmaitruongxua.vn/sach/giai-doan-1900-1949.html

2.1   Sách dành cho lớp Đồng Ấu (6)

Học sinh lớp Đồng Ấu khoảng 7 tuổi. Như đã trình bài này sách này gồm 2 phần chính: phần đầu gồm 34 bài, mỗi bài dài 1 trang, dạy phân biệt các chữ cái và đánh vần.

Hình 1: Bài 1 và bài 2 trong sách lớp Đồng Ấu

Hình 2: Bài 29 và bài 30 dạy cách đánh vần

Nội dung trên là của phiên bản in lần thứ 8 do Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản vào năm 1935 trích dẫn từ Tài liệu tham khảo (6). Trong phiên bản in lần thứ 15 do Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản vào năm 1943 (7) có thay đổi bố cục lớn trong phần dạy đánh vần. Trong phiên bản 1935 phần dạy đánh vần được gói ghém trong 34 bài nhưng trong phiên bản 1943 lên đến trên 66 bài, không biết rõ số bài vì Tài liệu tham khảo (7) có vẻ không trọn vẹn. Thí dụ Bài 1 trong phiên bản 1935 dạy phát âm và viết 3 chữ i, u, ư nhưng trong phiên bản 1943 chia thành 3 bài cho 3 chữ này và mỗi chữ được dạy chung với 5 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

Trừ trang 39 tiếp theo đến trang 93 là 55 bài tập đọc với nội dung phong phú và dài hơn như trong Hình 2. Đề tựa các bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu được tóm tắt trong Bảng 1.

image4

Ghi chú

(*) Không ngờ ngày xưa “sống” còn có nghĩa “chim đực” giống như “trống” (theo Việt Nam Tự Điển cùa Hội Khai Trí Tiến Đức).

Nhận xét

1) Thời người viết (khoảng năm 1959) sách giáo khoa tập đọc được soạn như thế nào, không biết có tham khảo các sách nói trên hay không nhưng có nhiều tựa đề còn lưu lại trong ký ức của người viết như: đi thưa về trình, anh em như thể tay chân, đừng để móng tay, đói cho sạch rách cho thơm, tham thực cực thân

2) Về nội dung chúng ta có thể thấy gồm có 7 bài (13%) về vệ sinh, 23 bài (42%) về sự việc, sự vật, còn lại 25 bài (45%) về phép làm người nên có. Đúng như Bài 3 Đi Học Để Làm Gì trong sách lớp Dự Bị: “Tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.”

3) Gồm có 10 bài ghi “Bài học thuộc lòng): 1 bài văn xuôi (Bài 29), 1 bài ca dao (Bài 30) , 1 bài thơ ngũ ngôn (5 tiếng) (Bài 7), 1 bài thơ tứ ngôn (4 tiếng) (Bài 46) và 6 bài thơ lục bát (Bài 23, 36, 39, 42, 49 và 52).

Tiếp theo hãy xem nội dung và cách sắp xếp của mỗi bài ra sao. Hãy lấy thí dụ bài đầu tiên trong sách.

Hình 3 Bài tập đọc đầu tiên trong lớp Đồng Ấu (học sinh 7 tuổi)

Để quý độc giả dễ đọc, người viết đánh máy lại và trình bày như sau.

1. TÔI ĐI HỌC

Năm nay tôi lên (1) bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng (2) như mấy năm còn bé.

Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa.

Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho “văn hay chữ tốt”, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng.

Giải nghĩa

Lêu lổng = tha hồ chơi đùa không ai ngăn cấm.

Khoa học = các môn học dạy ở nhà tràng như luân lý, toán học, địa dư, sử ký.

Tấn tới = mỗi ngày một giỏi hơn lên.

Văn = chỉ các bài làm.

Bài tập

Học tiếng – Lêu lổng – khoa học – cố học – chăm học – tấn tới – văn hay chữ tốt – vui lòng.

Câu hỏi – Năm nay anh lên mấy? – Anh ra tràng học được bao lâu rồi? Anh học những gì? – Anh học làm sao?

Văn hay chữ tốt

_____

(1) nên. – (2) cà rởn.

Nhận xét

Mỗi bài tập đọc kèm theo phần Bài tập và Câu hỏi đều được gói ghém trong 1 trang rất hợp lý cho lứa tuổi của lớp học và trình độ của nội dung bài cũng hợp lý. Đặt biệt cuối mỗi bài đều có hình và một câu văn ngắn gọn tóm tý cả bài lại dễ nhớ. Đây là điều đáng được đánh giá cao.

2.2   Sách dành cho lớp Dự Bị (8)

Lớp Dự Bị dành cho học sinh khoảng 8 tuổi. Sách tập đọc gồm có 120 bài, số bài nhiều nhất trong 3 lớp của bậc tiểu học. Kết cấu và độ dài của mỗi bài giống như các bài tập đọc của lớp Đồng Ấu, được tóm tắt trong một trang. Dưới đây thử xem xét bài thứ 3 trong sách lớp Dự Bị.

3. ĐI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.

Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.

Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.

Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

Giải nghĩa      Lương thiện = hiền lành, tử tế.

Bài tập

Học tiếng. – Đọc – viết – tính – học

Đặt câu. – Tìm những tiếng trong bài mà đặt vào những câu sau này: – Tôi ra tràng tôi… – Nhờ có chút học ấy mà tôi… và tôi…. được các thư từ, giấy má.

Người không học, không biết lẽ

Hình 4: Bài tập đọc thứ 3 trong lớp Dự Bị (học sinh 8 tuổi)

Trong quá trình đọc sơ các bài tập đọc để phân loại nội dung, thấy có bài sau hay nên giới thiệu thêm dưới đây. Tĩnh lược phần Bài tập.

81. BA THẦY THUỐC GIỎI

Một ông thầy thuốc già, chữa bịnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực, thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng: “Lão biết mình lão đã đến ngày tận số rồi, nhưng lão có nhắm mắt, cũng cam lòng, vì lão có để lại cho đời ba thầy thuốc rất hay”. Ông nói đến đây, nhọc quá, phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng, trong ba người ấy, thế nào cũng có tên mình.

Ông nghỉ rồi lại nói: “Trong ba thầy thuốc ấy, thì hay nhất là thầy Sạch sẽ, thứ nhì là thầy Điều độ, thứ ba là thầy Thể thao. Sau khi thầy mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa cho người ta, thì thiên hạ khỏi được biết bao nhiêu là bịnh tật”

Đại ý – Bài này là bài ngụ ngôn, ý nói thầy thuốc nào cũng không bằng ăn ở sạch sẽ, ăn uống điều độ, năng tập thể thao.

Giải nghĩa Cố gượng = ra sức, gắng gượng mà nói, vì lúc ấy ông lang già đã yếu lắm rồi. Tận số = hết số, sắp chết. Cam lòng = thoả lòng hả dạ. Thiên hạ = nói chung cả mọi người ta.

Sạch Sẽ, Điều Độ, Thể Thao là ba thầy thuốc giỏi

Nhận xét

1) Người viết rất ngạc nhiên khi đọc được Bài 3. Bài viết cho học sinh năm thứ 2 sau khi bắt đầu đi học biết mục đích của học. Người viết không biết lúc tiểu học có học bài này hoặc có được thầy cô giảng cho biết học để làm gì không nhưng không có ấn tượng hoặc một kỷ niệm nào về đề tài này. Lên đến trung học, hình như cũng không thầy cô, giáo sư cho biết mục đích học của các môn học như toán, vật lý, hóa học, vạn vật… để làm gì. Trong môn toán cũng không thấy đề cập đến mục đích học của hình học, đại số rồi đến vector, phương tích, nội tích, ngoại tích… Không phải ở Việt Nam không mà cả ở Nhật Bản cũng thế. Lúc người viết học đại học Nhật Bản có hôm trình bày mục đích của việc học nội tích, ngoại tích, tensor theo suy nghĩ của bản thân đã làm một vị giáo sư chuyên môn trong ngành ngạc nhiên vì cả ông cũng không nghĩ đến như vậy.

2) Bài 3 nói trên giới thiệu mục đích của đi học như sau: 1) Biết đọc (thư từ, và sách báo), và thấy điều hay thì bắt chước, 2) Biết viết (thư từ), 3) Biết tính toán, 4) Biết mọi sự (kiến thức tổng quát), 5) Biết phép vệ sinh giữ gìn thân thể khỏe mạnh, và quan trọng nhất là 6) Biết luân lý, cách ăn ở thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

Nội dung ngắn nhưng có thể nói rất thích hợp cho học sinh ở cấp tiểu học. Không biết điều này có được giảng dạy ở bậc tiểu học hiện nay không? Người viết thiết nghĩ, ở mỗi cấp bậc học, ít nhất cần nên nhắc lại mục đích học và giáo dục của cấp bậc đó để người học và người giảng dạy kiểm điểm có làm tròn bổn phận của mình không? Phải chăng đây là điều căn bản nhất cần phải làm của mọi người, mọi giới sao?

Tất các đề tựa các bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị được tóm tắt trong Bảng 2 dưới đây.

image11image12

 

Ghi chú

(*) Trong nguyên bản viết “chuyện-chuyện”. Không hiểu do in sai hoặc ý nghĩa gì khác với “chuyện”?!

– Chữ khổ nhỏ viết trong ( ) là chú thích của người viết.

– Trong sách tái bản năm 1948 (9) không có Bài 92 Ông Paul Bert. Tồng số chỉ còn 119 bài. Không biết bài này bị cắt bỏ từ năm nào.

– “Công nghệ” tựa Bài 101 được dùng để chủ yếu để chỉ đồ thủ công.

Nhận xét

Nội dung của 120 bài tập đọc có thể phân chia ra như sau. Gồm 9 bài về vệ sinh (8%), 23 bài về lịch sử (19%), 42 bài (35%) về phép làm người nên có, và 46 bài (38%) về sự vật. Phần về phép làm người nên có vẫn chiếm phần quan trọng như ở lớp Đồng Ấu.

Tất cả có 6 bài ghi “học thuộc lòng, trong đó 1 bài văn vần (Bài 5) và 5 bài là ca dao (Bài 15, 27, 42, 43 và 77).

2.3   Sách dành cho lớp Sơ Đẳng (10)

Khác với 2 sách dùng cho lớp Đồng Ấu và lớp Dự Bị, độ dài của mỗi bài tập trong sách lớp Sơ Đẳng trung bình 1.2 trang, dài hơn khoảng 0,2 trang. Phần Bài tập nội dung nhiều hơn 2 lớp trên. Thí dụ tìm tiếng đồng nghĩa, phản nghĩa hoặc tiếng đồng âm và giải thích nghĩa của chúng, cộng thêm phần làm văn về một đề tài hoặc dưới hình thức trả lời câu hỏi.

image16image20

 

Ghi chú

– Chữ khổ nhỏ trong ( ) là giải thích của người viết.

* Trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không thấy từ “seo”, “xâu” với nghĩa người đánh mõ. Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị cũng không có!

Nhận xét

1) Đặc tính nổi bậc của các bài tập đọc cho lớp Sơ Đẳng là số bài khuyên trực tiếp những điều làm người cần nên làm chỉ có 10 bài (12%), kế đến số bài dùng truyện ngụ ngôn hoặc ca dao hoặc thơ có 11 bài (13 %) nhưng số bài dùng truyện xưa hoặc tích xưa lên đến 33 bài (39%), tổng cộng 54 bài chiếm 64%. Số bài về lịch sử chỉ có 5 bài (6%), số bài về văn chương hoặc thơ có 7 bài (8%), và sự vật là 18 bài (22%). Nhân vật trong truyện hoặc tích xưa có cả người trong nước và người ngoài nước.

2) Có 18 bài học thuộc lòng: 10 bài ca dao (Bài 5, 13, 14, 19, 26, 27, 55, 61, 68, 70), 1 bài thơ lục bát (Bài 48) và 7 bài thơ cổ (thơ Đường luật).

3) So sánh Tài liệu tham khảo (9) (không rõ lần và năm xuất bản) và (10) (xuất bản lần thứ 3 năm 1927) thấy rằng số bài và số trang sách không có thay đổi.

3. Nhận xét tổng hợp

1) Nha Học Chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn hai bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Toán Pháp Giáo Khoa Thư và Cách Trí Giáo Khoa Thư, Sử Ký- Địa Dư Giáo Khoa Thư vào năm 1924. Với tài liệu người viết thu thập được, biết sách Luân lý giáo khoa thư (lớp Dự Bị) in lần thứ nhất vào năm 1925 (11), chúng ta có thể suy đoán sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư cũng được xuất bản cùng trong năm 1925. Ngoài ra kết quả cũng cho biết Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Dự Bị), Toán Pháp Giáo Khoa Thư (lớp Sơ Đẳng) in lần thứ ba vào năm 1927, Cách Trí Giáo Khoa Thư (lớp Sơ Đẳng) in lần thứ nhất vào năm 1927. Như vậy trong khoảng 1 năm các soạn giả đã hoàn thành gần hết cách sách giáo khoa cần thiết cho bậc tiểu học. Sự nỗ lực làm việc của các soạn giả thật đáng kính phục.

2) Như đã viết trong các Nhận xét của Mục 2, mặc dù là các bài tập đọc của môn Quốc văn nhưng các soạn giả đã đặt trọng tâm về phần giáo dục các trẻ em bổn phận làm người mặc dù, ngoài Quốc văn các học sinh còn phải học môn Luân lý. Có nhiều bài đọc trong sách Quốc văn có tựa đề giống như tựa đề trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư nhưng nội dung không hẳn giống nhau.

3) Các bài học thuộc lòng hầu hết là văn dần nên dễ nhớ, điều này có hiệu quả lớn là nhiều người học vẫn còn nhớ rõ mặc dù tuổi đời đã trên 60.

4) Quý vị độc giả có quan tâm về để tài nên đọc thêm bài viết của Phan Trọng Báu ghi trong Tài liệu tham khảo (4) và bài viết của GS. Nguyễn Phú Phong ghi trong danh sách Tài liệu tham khảo (13), trong đó “Chương 8: Quốc ngữ trong chương trình tiểu học” có viết về sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Nguyễn Sơn Hùng. Viết xong ngày 14/9/2023

 

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Sơn Hùng (2023): Giới thiệu và nhận xét về bài đầu tiên trong sách đọc bậc Tiểu học xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873).

(2) Trần Bích San: Thi Cử và Nền Giáo Dục Việt Nam Dưới Thời Pháp Thuộc.

https://web.archive.org/web/20090626112700/http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=278&Itemid=49

(3) Phạm Quỳnh (1918): “Cái Vấn Đề Giáo Dục ở Nước Nam Ta Ngày Nay/ Bàn về Bộ “Học Chính Tổng Quy”, Nam Phong, số 12, tháng 6/1918.

Có thể phần trích dẫn trong bài này ở trang Wikipedia tiếng Việt: Giáo dục Việt Nam Thời Pháp Thuộc.

Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc – Wikipedia tiếng Việt

(4) Phan Trọng Báu (2011): Trần Trọng Kim với bộ sách giáo khoa bậc sơ học, Tạp chí Xưa và Nay số 381 tháng 6 năm 2011. Có thể đọc phiên bản đánh máy lại đăng trong trang web dưới đây:

https://vusta.vn/tran-trong-kim-voi-bo-sach-giao-khoa-bac-so-hoc-p69002.html

(5) Wikipedia tiếng Việt: Quốc văn giáo khoa thư

Quốc văn giáo khoa thư – Wikipedia tiếng Việt

(6) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Đồng Ấu) xuất bản lần thứ 8 năm 1935.

https://online.fliphtml5.com/oimsx/yzot/#p=1

(7) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Đồng Ấu) xuất bản lần thứ 15 năm 1943.

https://thuongmaitruongxua.vn/sach/giai-doan-1900-1949/doc-sach/quoc-van-giao-khoa-thu-lop-dong-au-1943.html#page1

(8) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Dự Bị) xuất bản lần thứ 10 năm 1935.

https://online.fliphtml5.com/oimsx/zgtz/#p=1

(9) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Dự Bị) xuất bản lần thứ ? (không rõ) năm 1948.

https://thuongmaitruongxua.vn/sach/giai-doan-1900-1949/doc-sach/quoc-van-giao-khoa-thu-lop-du-bi-1948.html#page1

(10) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Sơ Đẳng) (không rõ lần và năm xuất bản).

https://online.fliphtml5.com/oimsx/bzla/#p=1

(11) Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp Sơ Đẳng) xuất bản lần thứ 3 năm 1927.

https://thuongmaitruongxua.vn/sach/giai-doan-1900-1949/doc-sach/quoc-van-giao-khoa-thu-lop-so-dang-1927.html#page1

(12) Luân Lý Giáo Khoa Thư (lớp Dự Bị) xuất bản lần thứ nhất năm 1925.

https://luanvan123.info/threads/luan-ly-giao-khoa-thu-lop-du-bi-nxb-nha-hoc-chinh-1925-tran-trong-kim-76-trang.163597/

(13) Nguyễn Phú Phong: Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội.

http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyenphuphong/vnchuviet/npph00_nhapde.htm#mucluc

Nguồn: https://diendankhaiphong.org/thu-tim-hieu-sach-day-quoc-van-bac-tieu-hoc-vao-thoi-bat-dau-day-quoc-ngu-o-viet-nam/