Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Thơ “nhớ ông” và Tố Hữu – lá cờ đầu của thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa

Lã Nguyên

Ta biết, năm 1953, nhân Stalin mất, tập chí “Văn nghệ” của Hội Văn nghệ Việt Nam đang đóng ở Việt Bắc ra số đặc biệt (số 40, tháng 3/1953), đăng loạt bài thơ viết về sự kiện này: “Đời đời nhớ ông” của Tố Hữu, “Stalin không chết” của Chế Lan Viên, “Xem phim Ai-dec-bai-dăng, nhớ đồng chí Stalin” của Huy Cận, “Thương tiếc đại nguyên soái Stalin” của Xuân Diệu, “Nhớ Stalin” của Bàn Tài Đoàn, “Stalin – Hồ Chí Minh” của Nông Quốc Chấn, “Stalin bất diệt” của Lê Thái. Nhưng không ai nghi ngờ điều này: trên bầu trời thi ca cách mạng Việt Nam khi ấy, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên nép sau Tố Hữu, vẫn đứng trên hàng trăm nhà thơ nổi tiếng khác. Cho nên chỉ cần đem “Đời đời nhớ ông” của Tố Hữu so sánh với chùm “NHỚ ÔNG” của ba tác gia rất lớn ấy, tôi tin là chúng ta đã có đủ cơ sở để chứng minh sự đích đáng của danh hiệu mà Tố Hữu được tôn xưng đã mấy chục năm nay: “LÁ CỜ ĐẦU CỦA THƠ CA HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”. Nhưng chuyện gì cũng đều có đầu đuôi của nó, nên đành phải nói rộng ra một chút.

Chuyện bắt đầu thế này. Thực chất, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cả lí thuyết về nó, lẫn nghệ thuật của nó, là ẨN DỤ QUYỀN LỰC. Chính xác hơn, nó là ẨN DỤ QUYỀN LỰC CỦA CHA. Điều này thể hiện rất rõ qua bức tranh thế giới, qua chiến lược giao tiếp và thể loại diễn ngôn của nó.

Bức tranh thế giới trong nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng là một là vũ trụ phân cực. Nó bổ đôi, chia thế giới thành hai nửa đối đầu nhau như nước với lửa, sống với chết: TA – ĐỊCH. “Địch” là “thú vật”, là “hổ báo”, là “chó ngộ”, “chó đói”, là “hổ mang”. Chúng không phải là người. Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa thường không cá thể hóa hình tượng kẻ thù thành nhân vật. Chúng được mô tả như “một lũ”, “một bầy”, “một đàn”, ngoại hình của chúng được vẽ ra bằng nhiều chi tiết ngoại hình gớm ghiếc của nhiều loài thú vật gộp lại: “Chó ngộ một bầy/ Lưỡi dài lê sắc máu”, “Lũ chúng nó rầm rầm rộ rộ/ Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê”. Chúng không biết nói tiếng người. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa xóa bỏ tiếng nói và quyền nói của chúng. Mọi quyền lực, nhất là quyền nói, chỉ thuộc về CHÚNG TA. Vì chỉ “TA” mới là NGƯỜI và biết nói tiếng người (“Chúng nó là vật, ta đây là người”). Dĩ nhiên, giữa người với người trong “chúng ta” không phải ai cũng có quyền ăn, quyền nói như nhau. Bởi vì trên bức tranh thế giới của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, “CHÚNG TA” bao giờ cũng được khuôn đúc vào ba loại hình tượng nhân vật: CHA ANH MINH - MẸ TỔ QUỐC - CHÚNG CON ANH HÙNG. Mỗi loại hình tượng nhân vật như thế đều có chức năng bất di bất dịch, rất riêng.

- CHA ANH MINH, trước hết, là ĐẢNG. Cho nên cả trong phê bình, lẫn trong tác phẩm nghệ thuật, TÍNH ĐẢNG là “linh hồn của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực ra, LÃNH TỤ CỦA ĐẢNG mới đúng là CHA ANH MINH. Lênin là CHA. Sau Lênin, Stalin cũng là CHA, cho nên: “Đồng chí Stalin đã mất!/ Thế giới không cha nặng tiếng thở dài!” (Chế Lan Viên). Mao Trạch Đông là CHA và Kim Nhật Thành cũng là CHA. Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là “CHA GIÀ DÂN TỘC”: “Cả dân tộc gọi người là Bác”, “Người là cha, là bác, là anh”. Chức năng của CHA ANH MINH là chỉ lối, đưa đường: “Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước từng giờ”, “Người trông gió, bỏ buồm, chọn lúc/ Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”.

- MẸ TỔ QUỐC là những bà mẹ như Pelageya Nilovna của M. Gorki, hay mẹ Tơm, mẹ Suốt, má Hậu Giang của Tố Hữu. Chức năng của MẸ TỔ QUỐC là theo “cha”, theo “con”, “chở che”, “nuôi dưỡng” cả “con”, lẫn “cha”: “Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho đảng ngày xưa ấy”, “Buồng mẹ buồng tim giấu chúng con”.

- CHÚNG CON là “chiến sĩ đồng bào”. Chức năng của CHÚNG CON là “chiến đấu hi sinh”: “Chúng con chiến đấu hi sinh/ tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề”. Đây chính là hệ thống nhân vật hành động chủ chốt của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Với những chức năng như thế, trong nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, quyền lực của lời nói và điểm tựa tạo nghĩa nghĩa của nó được phân cấp theo trục dọc: TRÊN HÔ - DƯỚI ỨNG; DƯỚI HỎI - TRÊN ĐÁP: “Lời đảng gọi vang to khắp nước/ Núi sông nghe chân bước trước sau”; “- Thuyền em rách nát còn lành được không? […] - Răng không cô gái bên sống!”. Ở chiến lược giao tiếp này, để phát ngôn, nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa sắm VAI TRUNG GIAN, tựa như các vị TƯ TẾ, THẦY MO, THẦY ĐỒNG, PHÁP SƯ trong nghi lễ - tín ngưỡng nguyên thủy. Họ vừa sắm vai CHA ANH MINH để ban bố, hô hào, hiệu triệu “chiến sĩ đồng bào”, lại vừa sắm vai “chiến sĩ đồng bào” để ngợi ca, thề thốt trước CHA ANH MINH. Cho nên, toàn bộ chiến lược diễn ngôn trong sự kiện giao tiếp nghệ thuật của hiện thực xã hội chủ nghĩa được hiện thực hóa bằng 4 thể lời nói chính yếu làm thành hai cặp: HỊCH và CÁO (“trên” truyền xuống “dưới”), THỆ và CA THI (“dưới” nói vọng lên “trên”). “Từ ấy”, “Việt Bắc” của Tố Hữu chủ yếu là THỆ THI - THƠ THỀ. “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và hoa” của ông chủ yếu là CA THI, HỊCH VĂN và ĐẠI CÁO.

Một điểm đáng lưu ý: nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã tái sinh, làm sống dậy toàn bộ THẾ GIỚI QUAN THẦN THOẠI. Mô hình thế giới phân tầng TRÊN - DƯỚI trong nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa là mô hình CÕI THIÊNG – CÕI TỤC ở THỜI GIAN SÁNG THẾ của thần thoại, thời gian chuyển “loạn” thành “trị”, biến “hỗn độn” thành “trật tự”:

Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi.
Ngày xưa đói rách tơi bời
Bây giờ mới có được nồi cơm no.
Ngày xưa cùm kẹp giày vò
Có người mới có tự do tháng ngày.
Ngày mai, dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập, ơn này nhớ ai?
(Tố Hữu)

Ở đây, CHA ANH MINH là TRỜI, là ĐẤNG SÁNG THẾ, là BẬC TỔ TIÊN, ANH HÙNG VĂN HÓA. Các bậc Tổ tiên và Đấng Sáng thế cao cao tại thượng ở “cõi thiêng”: “Bác ngồi đó lớn mênh mông/ Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non”, “Mong manh áo vải hồn muôn trượng”. Dưới “cõi tục”, MẸ TỔ QUỐC và CHÚNG CON ANH HÙNG “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non…”, “Sống trong cát chết vùi trong cát”. Trong tâm thức của người bình thường, CHA chết là nỗi đau, là sự mất mát, nên cháu con than khóc. Nhưng trong thế giới quan thần thoại, CHA chết không còn là sự kiện riêng của gia đình, dòng tộc. Nó là sự kiện mang tầm vóc vũ trụ: CHA CHẾT tức là TRỜI SẬP, vì CHA chính là TRỜI:

Làng trên xóm dưới xôn xao

Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi!

Sta-lin ơi!

Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?

(Tố Hữu)

Đại nguyên soái Stalin đã mất

Tin rụng rời đến với chúng tôi

Cả thế gian như bỗng mất mặt trời

(Xuân Diệu)

Stalin nay không còn nữa

Vắng vẻ dáng hình lãnh tụ

Một vầng ráng đỏ

Vĩnh viễn hoà vào xa xanh

(Chế Lan Viên)

TRỜI SẬP thì dĩ nhiên cả người lẫn trời cùng khóc:

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa

(Tố Hữu)

Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt

(Chế Lan Viên)

và:

Ba trăm người chúng tôi trào nước mắt

Đứng lên ngực nghẹn ngào tiếng nấc

Stalin cha vĩ đại của loài người

Liên Xô giờ đau đớn biết bao nguôi

Và Trung Quốc, Việt Nam và trên khắp cả cõi đời

Từ Nam Mĩ cho đến ngoài Bắc cực

Những người mến nhân dân và Tổ quốc

Những người mong làm lụng giữa hòa bình

Nghìn triệu người thương khóc Stalin

(Xuân Diệu)

Mặt khác, TRỜI là BẤT TỬ. Cái chết của CHA ANH MINH chỉ là hình thức QUÁ ĐỘ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, đánh dấu sự TRƯỞNG THÀNH. Cho nên trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, dường như không có ngoại lệ, các bài KHÓC LÃNH TỤ BĂNG HÀ đều được kết thúc bằng motif TÁI SINH của CHA ANH MINH trong những hoạt động tập thể của đời sống cộng đồng. Nó giống như sự HIỂN THÁNH của Bậc Tổ tiên, Đấng Sáng thế:

Trên rừng rậm các ống khói đen quái quỷ

Triệu triệu bàn tay chụm vào làm cán,

quảng trường đỏ phất lên như ngọn cờ hồng

Từ ngọn cờ này trong từng nếp gấp

ta lại nghe sống mãi tiếng nói của Lênin

(Maiakovsky)

Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường...
(Tố Hữu)

Tên Người khắp nước, khắp non

Stalin bất diệt, Người còn sống đây”

(Huy Cận)

Mặt trời khuất nhưng mặt trời vẫn mọc

Đảng Liên Xô vững chắc vẫn ngời soi

Ơn Stalin: nắng ấm mãi loài người

(Xuân Diệu)

Mẹ hiền ta ơi,

Em bé ta ơi
Đồng chí Stalin không bao giờ chết
Cộng sản là mùa xuân
Cuộc đời lên bất tuyệt
Đảng ta là núi thép
Mỗi chúng ta là một giọt máu Người
Chúng ta còn
Stalin còn mãi mãi
Triệu triệu mẹ già em dại
Đều là súng Stalin để lại

(Chế Lan Viên)

Motif tái sinh của LÃNH TỤ BĂNG HÀ trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa khiến “Lời khóc Cha như lời chúc thọ Cha” (Xuân Diệu). Nó là nguồn cội tạo nên cảm xúc “thanh lọc” (“catharsis”), biến bi ca thành tụng ca. Nó đặt người tiếp nhận vào hẳn khu vực THẾ GIỚI QUAN THẦN THOẠI. Trong khu vực thế giới quan thần thoại với bầu không khí run rẩy nhang khói của lễ nghi - tín ngưỡng nguyên thủy, lớp lớp cháu con hậu bối không còn phân biệt NGUỒN GỐC với BẢN CHẤT THỰC TẠI, rưng rưng trước một trật tự vũ trụ đã định sẵn, đã an bài, hân hoan sống bình yên dưới cái bóng vĩ đại của CHA ANH MINH.

Tôi có cơ sở để xếp loạt văn thơ “NHỚ/ KHÓC ÔNG”, ví như trường ca “Vladimiia Ilich Lênin” của Maiakovsky, “Đời đời nhớ ông”, “Theo chân Bác” của Tố Hữu, “Stalin không chết” của Chế Lan Viên, “Xem phim Ai-dec-bai-dăng, nhớ đồng chí Stalin” của Huy Cận, “Thương tiếc đại nguyên soái Stalin” của Xuân Diệu, “Nhớ Stalin” của Bàn Tài Đoàn, “Stalin – Hồ Chí Minh” của Nông Quốc Chấn, “Stalin bất diệt” của Lê Thái… vào thể TRUYỆN THÁNH (hagiography). Tức là tôi xét các tác phẩm ấy như một hiện tượng văn hóa lịch sử, chứ không xem chúng là sản phẩm của cá nhân và bỏ qua bình diện phẩm chất nghệ thuật của chúng.

Từ góc độ văn hóa lịch sử, nhìn bao quát cả văn, thơ, nhạc, họa, TRUYỆN THÁNH CỘNG SẢN là hình thức thể loại chủ chốt của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chính hình thức thể loại này cho thấy rõ nhất loại nghệ thuạt này là ẨN DỤ QUYỀN LỰC. Với ý nghĩa như thế, tôi nói chỉ cần so sánh “Đời đời nhớ ông” của Tố Hữu với chùm thơ “KHÓC/NHỚ ÔNG” được công bố vào năm 1953 của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cũng đủ để ta tin vào sự đích đáng của danh hiệu mà Tố Hữu được tôn xưng đã mấy chục năm nay: “LÁ CỜ ĐẦU CỦA THƠ CA HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”.

Đồng Bát, Tháng Mười, 2023

LN

PHỤ LỤC: CHÙM THƠ “NHỚ ÔNG”

(Đăng trên tạp chí “Văn nghệ”, số 40, tháng 3.1953)

ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG

Tố Hữu

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh:
Ông Sta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười...
Trên đồng xanh mênh mông
Ông đứng với em nhỏ
Cổ em quàng khăn đỏ
Một niềm tin
Hướng tương lai, hai ông cháu cùng nhìn.
Sta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Sta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hoà bình trắng trong...
Đêm qua, loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao!
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi!
Sta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.
Yêu con, yêu nước, yêu đời
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu...
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi.
Ngày xưa đói rách tơi bời
Bây giờ mới có được nồi cơm no.
Ngày xưa cùm kẹp giày vò
Có người mới có tự do tháng ngày.
Ngày mai, dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập, ơn này nhớ ai?
Ơn này, nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác, một vai ơn Người.
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé, trọn đời nhớ Ông!
Thương Ông, mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng yêu nước yêu chồng, yêu con.
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường...
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

3. 1953

 

THƯƠNG TIẾC ĐẠI NGUYÊN SOÁI STA-LIN

Xuân Diệu

Đại nguyên soái Sta-lin đã mất

Tin rụng rời đến với chúng tôi

Cả thế gian như bỗng mất mặt trời

Ba trăm người chúng tôi trào nước mắt

Đứng lên ngực nghẹn ngào tiếng nấc

Sta-lin cha vĩ đại của loài người

Liên Xô giờ đau đớn biết bao nguôi

Và Trung Quốc, Việt Nam và trên khắp cả cõi đời

Từ Nam Mĩ cho đến ngoài Bắc cực

Những người mếm nhân dân và Tổ quốc

Những người mong làm lụng giữa hòa bình

Nghìn triệu người thương khóc Sta-lin

Người xa cách chúng con ngàn vạn dặm

Lời chỉ nghe trên sách báo mà thôi

Mặt chỉ trông trên bức ảnh mỉm cười

Nhưng mà thật thấm nhuần bao trìu mến

Nghe tin mất, mới thấy lòng quyến luyến

Từ bao lâu yêu người tận tủy xương

Tiếng khóc đây là tất cả can trường

Thấy Người thật là bát cơm, miếng bánh

Người gắn với chúng con trong vận mệnh

Việt Nam mang công đức của người sâu

Vẫn mong Người hơn trăm tuổi dài lâu

Bền như núi, lãnh đạo toàn thế giới

Đời đời sống Sta-lin mãi mãi

Lời khóc Cha như lời chúc thọ Cha

Sta-lin, gương vĩnh viễn không già

Thép vĩnh viễn đã hòa muôn nghị lực!

Mỗi viên đạn bắn tan đầu đế quốc

Là lời ca “Ca ngợi Sta-lin”

Mỗi căn nhà mới dựng, mỗi tiếng máy đào kênh

Là ý chí Sta-lin dẫn dắt

Mặt trời khuất nhưng mặt trời vẫn mọc

Đảng Liên Xô vững chắc vẫn ngời soi

Ơn Sta-lin: nắng ấm mãi loài người

10.3.1953

XEM PHIM AI-DÉC-BAI-DĂNG,

NHỚ ĐỒNG CHÍ STA-LIN

Huy Cận

Xem phim Ai-déc-bai-dăng

Quê hương phồn thịnh muôn vàn tốt tươi

Dầu phun tự đáy biển khơi

Lúa, bông đến tận chân trời bao la

Mặt con người thắm như hoa

Quê hươg xã hội đây là thần tiên

Sta-lin! Đồng chí Sta-lin

Tên người đồng vọng khắp miền Ba-cu

Tên Người hoa nở bốn mùa,

Tên Người ríu rít giọng đùa trẻ con

Tên Người khắp nước, khắp non

Stalin bất diệt, Người còn sống đây

Sống cùng dân, sống hang ngày

Mến yêu, làm lụng đắp xây cuộc đời

Người đi, Người dặn đủ lời

Chúng con thề quyết theo Người tiến lên

Mai đây độc lập vững bền

Bước theo anh, chị khắp miền Liên – Xô

Người người hạnh phúc tự do

Sta-lin đã vạch tiền đồ chúng con

 

 

STA-LIN KHÔNG CHẾT

Chế Lan Viên

Đồng chí Sta-lin mất rồi
Đồng chí Sta-lin đã mất

Thế giới không cha nặng tiếng thở dài
Tin dữ truyền đi

Nỗi đau xé cắt
Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt
Dao đâm qua triệu triệu tim người...
Nhớ bài thơ Nê-ruy-đa cũ
Ca ngợi đêm khuya phòng điện Krem-lin
Vời vợi bóng đèn sáng tỏ
Có một người đêm khuya không ngủ
Thức canh cho thế giới hoà bình
Đồng chí Sta-lin ta đó!
Sta-lin nay không còn nữa
Vắng vẻ dáng hình lãnh tụ
Một vầng ráng đỏ
Vĩnh viễn hoà vào xa xanh...

Đồng chí Sta-lin ơi!

Đồng chí Sta-lin không chết!

Đế quốc rồi tuyệt diệt

Thế giới ta còn nguyên vẹn mặt trời

Anh đội viên sẽ kể:
- Máu của tôi ra nhiều
Trong đạn lửa tôi bỗng nghe “Đồng chí”
Ngẩng mắt nhìn lên thấy hình Thống chế
Mắt tôi hoa trong mắt của Mặt trời
Máu tôi ra nhưng máu lại thêm rồi
“Xung phong! Giết giết!”
Ai tung tôi qua bảy từng giây thép
Sta-lin là tiếng thét
Sta-lin là bộc lôi
Sta-lin trăm lưỡi mác sáng ngời
Cháy tan vị trí
Cờ đỏ mọc lên
Trong cờ đỏ tôi thấy hình Thống chế
Giai cấp chúng ta quang vinh là thế
Nhìn chiến công tôi, Thống chế mỉm cười...
Mẹ hiền ta ơi!

Em bé ta ơi
Đồng chí Staline không bao giờ chết
Cộng sản là mùa xuân
Cuộc đời lên bất tuyệt
Đảng ta là núi thép
Mỗi chúng ta là một giọt máu Người,
Chúng ta còn
Staline còn mãi mãi…
Triệu triệu mẹ già, em dại
Đều là súng Sta-lin để lại
Giữ lấy hoà bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời

Tháng 3-1953

clip_image002

clip_image004

clip_image006