Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Tây Nguyên (1)

Nguyên Ngọc

Hẳn tôi phải kể chuyện Tây Nguyên cách riêng mình, với tôi nó chiếm hơn nửa cuộc đời, cho đến tận hôm nay. Nhưng muốn vậy, chắc trước hết phải nói chung về Tây Nguyên đã, dù chỉ trên một số nét đại thể. Hình như những người biết rõ những đại thể nhưng lại cốt yếu như vậy cũng không nhiều, kể cả những người có trách nhiệm trực tiếp với vùng đất và người này, ở tất cả các cấp, từ cao nhất cho đến thôn xóm. Vả chăng ngay cả chính tôi cũng vậy, mãi sau này tôi mới hiểu rõ hơn những đại thể cốt yếu ấy qua tìm đọc thêm các nghiên cứu sâu khác nhau của nhiều nhà Tây Nguyên học trong và ngoài nước, hơi lạ chủ yếu là của các tác giả ngoài nước, không có những hiểu biết do người đi trước đem lại và soi sáng đó thì quả cứ như thiếu một cái nền để tự mình cắt nghĩa cho mình những trải nghiệm từng thực tế lăn lộn ở Tây Nguyên nhiều năm dài. Cũng cần nói rõ những nghiên cứu đó chủ yếu là của người Pháp, trong gần một trăm năm người Pháp đã để lại cho chúng ta những hiểu biết rất cơ bản, sâu sắc, toàn diện, nghiêm túc về Tây Nguyên. Tôi đã bỏ ra một số thời gian và công sức đáng kể để chuyển ngữ và tham gia tổ chức chuyển ngữ sang tiếng Việt một số công trình quan trọng trong kho vốn quý đó, và nghĩ chắc không chỉ có ích cho mình.

Cho nên sau đây sẽ là chuyện sau lại nói lên trước, hoặc một lối kể chuyện không bình thường, chuyện trước chuyện sau sẽ cứ xen kẽ và lẫn lộn, tôi rất xin lỗi.

Tôi có một anh bạn ở Hà Nội, cấp tướng hẳn hoi, phụ trách cơ quan có thể gọi là ban, phòng hay cục, vụ quân sử, tức chuyên nghiên cứu và viết về lịch sử quân đội ta. Có lần anh hỏi tôi: Này nhé, suốt thời kháng chiến chống Pháp 9 năm, ở trong cái Liên khu 5 của các cậu ấy, các cậu làm gì? Có đánh đá gì không? Có trận nào đáng kể? Hay cũng chỉ lẹt xẹt tồn tại gọi là… Tất nhiên tôi có tự ái, nhưng ngạc nhiên nhiều hơn. Tôi hỏi lại anh: Là nhà nghiên cứu tinh thông, hẳn anh phải biết cái nơi gọi là Tây Nguyên. Theo anh, không có nó, cái Tây Nguyên ấy, thì có đánh Mỹ được không? Có vào được Sài Gòn 30 tháng Tư 75? Mà Tây Nguyên thì là của Liên khu 5, do Liên khu 5 chịu trách nhiệm với cả nước. Cái Tây Nguyên ấy, nó ở đâu ra vậy? Ở trên trời rớt xuống cho ta? Hay có ai đó bỗng dưng tốt bụng một hôm đẹp trời đem cho không mình? Ở Liên khu 5 của chúng tôi thời 9 năm chống Pháp quả không đánh nhau ở đồng bằng nhiều, vì ở đồng bằng ven biển ấy ta giữ được một vùng tự do, cũng suốt 9 năm, trải dài qua những gần 4 tỉnh, nên ở đồng bằng tự do thì không có Tây để mà đánh, chỉ đánh một ít ở hai đầu thuộc những nơi bị chiếm. Còn thì cuộc kháng chiến 9 năm ở Liên khu 5 thực tế và thực chất là một cuộc giành giật, từng chút một, dai dẳng, khó nhọc, phức tạp, khốc liệt nữa, tuy không ồn ào, giữa ta và Pháp chính cái vùng đất và người đặc biệt ấy, Tây Nguyên. Tôi nói giành giật, rồi sẽ còn nói giành giật và chinh phục nữa kia, bởi từ đầu nó còn chưa phải là của ta, không phải cứ đương nhiên là của ta tự những bao giờ, rắc rối vậy đấy. Trong chừng mực nào đó, có thể nói ở cuộc chiến tranh thứ nhất, chống Pháp, Liên khu 5 đã nhọc nhằn, thường là rị mọ nữa, chuẩn bị cho cuộc thứ hai, chống Mỹ, và điều đó rõ nhất là ở Tây Nguyên. Cho nên để mà hiểu và tiếp tục câu chuyện, ắt phải nói lại ít nhất một số nét chung về nó, Tây Nguyên.

Còn một điều nữa, rất đáng chú ý: Tây Nguyên có một thời kỳ chuyển động và phát triển sâu nhất – để có thể thành cao trào trong chống Mỹ –, ấy là thời khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, từ 1954 đến khoảng 1959-60. Tôi sẽ xin trở lại với chuyện này khi có dịp.

Vị trí của Tây Nguyên, chắc nay ai cũng biết rồi. Nhưng hãy thử bắt đầu: Người Tây Nguyên là ai vậy? Họ từ đâu đến trên cao nguyên này? Đến như thế nào và từ bao giờ? Ông Núp có lần nói với tôi năm đời trước tổ tiên ông còn ở ven biển. Tôi hiểu ông nói năm đời là ý muốn nói số nhiều, là nói quá khứ xa, có thể năm chục, hay hàng trăm. Thật ra, theo chỗ tôi hiểu, chưa ai biết chắc là tự bao giờ. Nhưng có điều này thì thật đáng chú ý: người Tây Nguyên ngày nay sống trên núi cao, vậy mà trong các truyện cổ, các truyền thuyết hay thần thoại của họ mà họ gọi là akhan, lại rất nhiều ký ức đậm đà về biển. Akhan trong tiếng Gia Rai có nghĩa là kể, đặc biệt là những buổi cà kê kể chuyện xưa bên bếp lửa nhà sàn về đêm, đêm này qua đêm khác, say mê và miên man, nhất là khi các dân tộc này còn chưa có chữ viết. Từ miệng đến tai, lại từ tai đến miệng, cứ thế truyền nối, kể tức là cái nhớ được ghi khắc và chuyển lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cái nhớ chỉ âm ỉ thôi, ở trong tiềm thức và được huyền thoại hóa nhưng hẳn nhất thiết phản ảnh những điều từng có thực nào đó. Cho nên kể cũng chính là tồn tại, kết nối sự tồn tại của giống nòi, truyền kiếp.

Ký ức biển không chỉ được lưu giữ trong akhan, một cách vật chất và thẩm mỹ nó còn hiển hiện trong kiến trúc các ngôi nhà: nhìn kỹ đôi chút mà xem, vách nhà Tây Nguyên không thẳng đứng như ở nhà dưới xuôi, mà thường hạ thu thượng khoách, bên dưới túm lại bên trên nở ra, tựa các be thuyền, khiến ngắm một làng buổi sáng xa xa cảm giác một đoàn thuyền lững thững bơi trong sương sớm, với mái nhà rông nữa là cánh buồm dựng cao lộng gió. Lại còn trong một số ngôn ngữ Tây Nguyên tên gọi các bộ phận trong một ngôi nhà trùng với tên gọi với các bộ phận trên thuyền… Vậy chắc quá khứ biển của họ là có thực, có thể xa lắm, nhưng thật sâu.

Tôi vừa nhắc đến người Gia Rai, tộc người đông nhất, chiếm cao nguyên Ayun Par và cao nguyên Pleiku rộng rãi, phì nhiêu và quan trọng nhất vắt phủ qua gần hết phần trung tâm Tây Nguyên. Trong lịch sử lâu dài, đoạn cao nguyên trung tâm này và chủ nhân của nó, người Gia Rai, từng là trung gian thiết yếu về nhiều mặt nối hai vương quốc lớn, Champa ở phía Đông với Khmer phía Tây. Tiếng nói của người Gia Rai gần giống hệt tiếng Chăm, nói hoàn toàn có thể hiểu nhau. Thậm chí theo nhiều nhà khoa học, người Gia Rai chính là người Chăm lên Tây Nguyên. Họ còn chỉ ra các con đường đi lên đó, tất nhiên thuở ấy là những lối mòn len lỏi rất khó nhọc: con đường nay gọi là quốc lộ 19, từ Quy Nhơn lên An Khê, rồi lên Pleiku, nối sang tận Stung Treng bên Campuchia; và con đường trước đây gọi là quốc lộ 7 nay đã đổi tên thành quốc lộ 25, nơi tướng Phạm Văn Phú từng dẫn quân tháo chạy khỏi Pleiku về Tuy Hòa và bị đánh tan tác hồi 1975. Đều là độc đạo hiểm trở bởi sườn phía Đông của Tây Nguyên đổ xuống vùng ven biển Nam Trung Bộ đều dốc đứng, nhiều nơi thăm thẳm. Điều khiến ta quan tâm là tại sao một bộ phận người Chăm lại đột ngột rời bỏ cộng đồng cũ của họ ở đồng bằng ven biển, hăm hở leo những dốc đứng độc đạo hiểm nguy đến thế để lên Tây Nguyên và trở thành người Gia Rai? Theo tôi đấy là một câu hỏi quan trọng, không chỉ để biết một quá trình lịch sử lạ và thú vị, còn để hiểu một điều gì đó rất có thể thuộc về bản chất, hay tận bản thể như các nhà triết học vẫn thích gọi, của những con người ngày nay ta gọi là người Tây Nguyên.

Nên biết Tây Nguyên là một phần của một cao nguyên rộng lớn hơn nhiều, còn nối sang Nam Lào, Bắc Campuchia, lại tiếp với cao nguyên Cò Rạt của Thái Lan, cho đến tận những vùng cao của người Karen ở Myanmar. Đi xa nữa thì sẽ tới Pakistan, rồi Afghanistan. Giáo sư James C. Scott ở Đại học Yale Hoa Kỳ đã chú ý đến mảng cao nguyên trải dài qua nhiều quốc gia Đông Nam Á này. Câu hỏi nghiên cứu của ông như sau: Tại sao có các dân tộc đã rời bỏ đồng bằng tháo chạy lên cao nguyên ấy và, theo ông, trở thành những cư dân vùng cao thường bị gọi nhầm là ‘các bộ lạc miền núi’? (“… habitants des hauteurs, souvent et, à mon avis, faussement appelés ‘tribus montagnardes’, hill tribes”). Tức ông không đương nhiên gọi ngay họ là ‘bộ lạc miền núi’, ông cho thực ra họ vốn là người đồng bằng thôi (chú ý: quá giống với nhận định người Gia Rai kỳ thực vốn là người Chăm ở vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ). Vì sao tới một lúc nào đó trong lịch sử hẳn rất lâu đời (“những năm đời!” như ông Núp từng tâm sự với tôi) họ đã tách ra và bỏ chạy lên núi? Đây là câu trả lời của James Scott. Một trong những tác phẩm chính của ông có tên là “Nghệ thuật để không bị cai trị: một lịch sử vô chính phủ của vùng cao nguyên Đông Nam Á” (The Art of Not Being Governed: An Anarchist History of Upland Southeast Asia, Yale University Press, 2009). Bị cai trị bởi ai? James Scott chỉ rõ: bởi Nhà nước. Thời điểm họ tách khỏi cộng đồng cũ của mình ở đồng bằng, bỏ chạy lên núi, là khi trong cộng đồng đó, do những điều kiện nhất định, xuất hiện Nhà nước. Khi cộng đồng Chăm vốn từ các nam đảo Thái Bình hay Ấn Độ Dương đến cư trú trên vùng duyên hải Nam Trung Bộ, do tiếp nhận văn hóa Ấn Độ mà trở thành Vương quốc với Nhà nước Champa, thì những người Chăm không muốn chịu sự cai trị của Nhà nước ấy, hay của bất cứ Nhà nước nào khác, đã tách ra, tìm đường chạy lên cao nguyên Pleiku và cao nguyên Ayun Par, nay là tỉnh Gia Lai, để thành người Gia Rai. Một cuộc ly khai và di cư lịch sử quyết liệt, dứt khoát. Vì sao và để làm gì? Để tiếp tục được sống tự do. James Scott có một bài viết ngắn còn rõ hơn, tên là Núi và Tự do, lại còn tiếp thêm kiểu phụ đề hay Vì sao các nền văn minh không biết leo núi? (“Mountains and Freedom, or Why Civilizations Can't Climb Mountains”, Critique internationale, volume 11, issue 2, 2001, tr. 85-104). Ông gọi những nơi đã có Nhà nước để bắt người ta chịu cai trị là các nền văn minh. Trong bài viết ấy còn có một nhận xét thú vị: tiếng Sankrit, là ngôn ngữ văn minh của các Nhà nước đó, không bao giờ leo cao được quá 500 mét! Văn minh thì biết rất lắm điều, chỉ không biết leo núi, hay chưa! Người Tây Nguyên là những người không muốn chấp nhận thứ văn minh đó, họ cũng từ chối ngôn ngữ Sankrit uyên thâm truyền bá tri thức cùng lúc truyền nhiễm và tổ chức ách cai trị nô lệ con người. Nhà sử học lớn người Nga Nikolai Karamzin viết: “Các dân tộc man di thích sống độc lập, các dân tộc khôn ngoan thì thích trật tự, và không thể có trật tự mà không có quyền lực chuyên chế[1]. Người Tây Nguyên là những người “man di” của Karamzin kháng cự chuyên chế và say mê độc lập. Họ thà cứ “man di” để giữ lấy tự do.

Vậy đó, sự tạo nên con người Tây Nguyên. Và những ai biết đến cùng họ, tận tình gắn bó, thì cũng được nhiễm hưởng từ họ khát khao cùng ý chí cháy bỏng ấy: Tự do!

♣♣

Nếu quả thật người Tây Nguyên vốn là cư dân đồng bằng, như James Scott ước đoán và ta suy ra, do muốn tránh các Nhà nước chuyên chế áp đặt cai trị đã tìm đường thoát lên Tây Nguyên, thì khi lên đến miền đất hứa này rồi, họ đã tổ chức cuộc sống xã hội của mình ra sao? Trong tác phẩm Rú Mọi [2], tổng kết cuộc khảo sát khá toàn diện vùng Tây Nguyên từ năm 1909 đến năm 1911, nhà thám hiểm Henri Maître viết: “Tây Nguyên gồm các làng độc lập và rời rạc”. Nên nhớ Henri Maître là người đầu tiên biết qua nghiên cứu ngôn ngữ mà phân loại khá chính xác các tộc người (ethnie) ở Tây Nguyên. Vậy mà khi tìm hiểu cơ cấu tổ chức của xã hội này ông không hề mô tả các tộc người ấy với tư cách là những thành tố tạo nên xã hội. Ông chỉ nói đến làng, còn chỉ rõ đó là những làng độc lập và rời rạc. Tức ông đặc biệt chú ý đến vai trò (độc lập và rời rạc) của các làng, từng làng, coi làng rời rạc là tế bào cơ bản ghép hờ hững thành xã hội.

Gần 30 năm sau, năm 1937, bằng quan sát chăm chú và nghiên cứu sâu tại chỗ, hai nhà dân tộc học đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, trong tác phẩm Mọi Kontum [3], mô tả chính xác và sinh động hơn tế bào xã hội độc đáo này, chỉ có ở Tây Nguyên. Hai ông viết: “Dầu to hay nhỏ, mỗi làng Ba Na là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập, không phục tùng dưới quyền thống trị nào khác”. Với người Ba Na (và Tây Nguyên nói chung) làng là đơn vị xã hội cao nhất, bên trên nó không còn có gì khác. (Xin nói thêm: trong tất cả các ngôn ngữ Tây Nguyên, không thể tìm thấy có từ chỉ đơn vị cao hơn làng. [4]) Bên trên đã vậy, còn bên dưới làng thì sao? Rất sinh động và sâu sắc, hai ông kể tiếp: “Bất luận là bà con hay người dưng, người Ba Na đã ở chung một làng thì họ đối đãi với nhau thân mật lắm. Lúc vui mừng, khi hoạn nạn đều cùng nhau san sẻ. Lại có một lối tình cảm liên lạc dân làng với nhau một cách huyền bí. Ngày nay còn thấy một đôi dấu vết. Ví dụ như trong làng có một đôi trai gái chưa thành vợ thành chồng mà ăn nằm với nhau thời cả làng đều bị lây jơlâm jơlu (ô uế về tinh thần). Tại sao vậy? Là vì người Ba Na coi xã hội mình như thân thể người ta. Mỗi cá nhân là một phần tử của đoàn thể cũng như ngũ quan tứ chi, v.v. là phần tử của thân người. Nếu một phần tử phạm điều không tốt thời không khác gì đoàn thể phạm vào điều ấy và các phần tử khác phải chịu lây ảnh hưởng xấu. Cũng bởi một lẽ đó mà một người ở đoàn thể này làm hại một người ở đoàn thể kia thời họ coi như cả đoàn thể trước làm hại đoàn thể sau. Cái thù riêng của mỗi người trở thành cái thù chung cả bọn và họ có thể rửa thù vào một phần tử nào bên nghịch cũng được không cần đợi người có lỗi…”. Bên dưới làng cũng không có gì. Không có cá nhân (và do đó, hộ cá thể), cá nhân chưa xuất hiện để trở thành đơn vị xã hội như ở vùng Kinh. Kết hợp hai nhận xét đều đặc sắc của hai ông, ta hiểu điều các ông gọi là “đoàn thể” hay “xã hội” hoàn toàn không trừu tượng, đó chính là Làng. Cá nhân tự đồng nhất, tự hòa mình đến cùng, hoàn toàn chìm đi trong đơn vị xã hội quan trọng nhất, cao nhất và duy nhất, là Làng. Cho đến một cái tên riêng của từng con người cũng không thật rõ ràng, nó bị làng nuốt đi. Khi lần đầu tiên tôi hỏi Núp “Anh tên là gì?”, bằng phản xạ tự nhiên anh trả lời: “Tôi là người làng S’tơr [5]”. Gạn hỏi thêm nữa nhiều lần, anh mới nói: “Tôi là Núp ở làng S’tơr”. Vẫn không quên được làng.

image

Ở Tây Nguyên, nặng nề, nhục nhã và đau đớn nhất là chịu hình phạt bị đuổi ra khỏi làng. Làng, tức cơ thể đơn nhất mà mỗi con người là ngũ quan tứ chi của nó, đã quyết loại bỏ con người ấy. Không làng nào khác còn nhận anh. Anh hoàn toàn đơn độc, thậm chí mất luôn cả tư cách cùng tính người. Trường hợp ấy thường người ta chết mòn trong rừng, hay tự sát. [6]

Đến đây ta gặp một câu hỏi quan trọng: Vậy tộc người (ethnie) hay bộ lạc (tribu) thì sao, so trong quan hệ với làng? Tây Nguyên có nhiều tộc người khác nhau, và đương nhiên mỗi người Ba Na, Gia Rai hay Ê Đê… biết mình là người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê… nhưng từ trong ý thức được bộc lộ qua ứng xử hằng ngày, mỗi con người ấy gắn chặt với làng cụ thể của mình rõ ràng hơn là với tộc người. Ta thường nói người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, cần nói chính xác cộng đồng đó là cộng đồng làng.

Ngày xưa giữa các làng ở Tây Nguyên thường xảy ra đánh nhau, nhiều người gọi đấy là “chiến tranh bộ lạc”. Theo tôi cách gọi ấy không đúng. Trong thực tế không hề là các làng thuộc tộc người (hay bộ lạc) này kéo nhau đi đánh các làng thuộc tộc người khác. Các làng đánh nhau không phân biệt tộc người, mục đích là để bắt tù binh, mà người ta gọi là “nô lệ”, hoặc bán sang Lào hay Miên, hoặc nuôi trong nhà làm nhân công lao động. Cũng chính James Scott giải thích động cơ của kiểu chiến tranh này: theo ông ở trên này thừa đất mà thiếu lao động, khủng hoảng thiếu lao động để làm ra cái ăn trên đất rừng vốn dư thừa là bức xúc hàng đầu của các làng cao nguyên, họ đánh nhau để cướp trai tráng lao động về cho làng mình. Tù binh bắt về gọi là “nô lệ” nhưng kỳ thực được các gia đình trong làng coi như con cái trong nhà, được đối đãi bình đẳng và thương yêu, chỉ phải tham gia lao động sản xuất như người làng và không được bỏ trốn. Những năm trước đây, đi qua các làng Tây Nguyên, thỉnh thoảng có thể gặp và nhận ra đôi ba người Kinh là “con nuôi” trong các gia đình người Thượng, họ vốn bị bắt từ khi còn rất nhỏ trong các cuộc tập kích của người Tây Nguyên xuống các làng Việt ở ven núi, nay đã thành người lao động Tây Nguyên thuần thục, nếu được hỏi tên thì cũng như Núp sẽ nói trước tiên đến làng hiện nay của mình…

Ý thức về làng sâu đậm hơn ý thức về tộc người là đặc điểm nổi bật của Tây Nguyên so với các vùng dân tộc khác trong nước ta (như Tây Bắc, Việt Bắc hay Tây Nam Bộ, nơi có những cộng đồng dân tộc thiểu số đông đúc hơn nhiều, lại là những cộng đồng liên quốc gia, cư trú trên nhiều quốc gia liền nhau). Đặc điểm này đưa đến một hệ quả quan trọng: ở Tây Nguyên xu hướng tự trị (của các tộc người thiểu số) không hề là một yêu cầu nội sinh, bắt nguồn từ ngay trong cơ cấu xã hội. Hẳn đây là điều rất nên chú ý. Và hẳn ta còn phải trở lại với chuyện quan trọng này. Bởi có thể thấy ngay rằng vấn đề ở đây còn có chỗ tinh tế, do như đã nói, mỗi người Ba Na, Gia Rai hay Ê Đê… vẫn biết mình là Ba Na, Gia Rai, Ê Đê…, nghĩa là dẫu sao chuyện tộc người cứ là có thật, chỉ chìm đi sau ý thức về làng do cách tổ chức xã hội thực tế lâu dài và làng ở đây vốn dựa trên những nền tảng rất sâu sắc (mà tôi sẽ cố gắng nói rõ hơn sau đây), chứ không phải không có hay đã mất hẳn, sẽ có thể thức dậy trong những điều kiện nhất định. Jacques Dournes, người đã sống mê đắm ở vùng Gia Rai suốt 15 năm, có lần kể: một người Gia Rai lang thang đâu đó xa nhà, xa làng, đêm đến chỉ cần bất chợt gặp được một nhà Gia Rai nào đó trên đường, thì có yên tâm thoải mái dừng nghỉ lại ở đấy như ở nhà mình, làng mình. Nhận xét này của Dournes thoạt nghe như chỉ thoáng qua, nhưng nghĩ kỹ rất đáng chú ý: chính khi làng bị vắng đi, dù chỉ tạm thời, thì ý thức về tộc người có thể thức dậy, con người ấy trong bơ vơ, lại tìm về tộc người của họ…

Vì sao yếu tố làng ở Tây Nguyên lại có thể đậm, mạnh đến thế, khiến vai trò tộc người thường chìm lắng? Xin nói tôi bắt đầu biết điều này, lạ vậy, lại là giữa thời chiến tranh chống Mỹ, và về sau, khi có những diễn biến phức tạp hơn ở Tây Nguyên mới nhớ lại và ngày càng hiểu rành rẽ hơn. Trong chiến tranh chống Mỹ, sống và chiến đấu ở Tây Nguyên chúng tôi được hậu phương miền Bắc tiếp tế đầy đủ vũ khí, còn lương thực thì chủ yếu phải tự mình làm rẫy để có cái ăn mà tồn tại và đánh giặc. Muốn làm rẫy ở một vạt rừng nào đó, việc đầu tiên chúng tôi nhất thiết phải làm là đi tìm xin phép ông Già làng ở đúng cái làng có vạt rừng nọ, được ông gật đầu rồi thì mới dám ra tay hạ rựa. Tuy nhiên sang năm sau, muốn chuyển sang làm rẫy ở chỗ khác, dù chỉ cần cách rẫy cũ một đoạn suối nhỏ, một ngọn đồi thấp hay một tảng đá, một gốc cây đánh dấu…, chúng tôi lại phải đi tìm cho được một ông Già làng khác, ở một cái làng khác, nơi có khu rừng mới này để xin phép, chứ không phải ông Già làng năm ngoái. Phép tắc nghiêm nhặt phải biết và tuân thủ để sống được ở rừng là vậy. Năm này qua năm khác (trong chống Mỹ tôi ở chiến trường miền Nam 13 năm), 13 năm ấy dạy tôi hiểu ra rằng núi rừng Tây Nguyên mênh mông thế nhưng ở trên ấy không có tấc đất rừng nào (ở Tây Nguyên đất cũng tức là rừng) là vô chủ. Mỗi tấc đất rừng Tây Nguyên đều có chủ cụ thể, và người chủ đó là làng, từng làng, xác lập nên điều được các nhà dân tộc học gọi là chế độ Quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Đối với người Tây Nguyên đây là quyền sở hữu thiêng liêng, được Thần linh (Yang) trao cho từng làng trong ranh giới chặt chẽ, được truyền nối từ tổ tiên ngàn đời, là bất khả xâm phạm, đất rừng ấy tuyệt đối không được chuyển nhượng ra khỏi làng, và luôn phải gìn giữ trong sạch tránh mọi tội lỗi của con người gây ô uế jơlâm jơlu. (Ở Tây Nguyên tội lỗi của con người được định nghĩa đích xác như sau: kẻ có tội là kẻ làm ô uế đất làng bằng hành vi trái đạo đức của mình). Quyền sở hữu này do Hội đồng Già làng quản lý theo luật tục, tức các phong tục tập quán được cộng đồng làng nhất trí và tuân theo như luật pháp. (Đúng ra luật tục còn toàn diện và nghiêm minh hơn cả luật pháp, nó bao gộp toàn bộ thái độ và hành vi đạo đức của con người trước Tự nhiên và Xã hội.)

Quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất rừng tạo nên cái chân đế kinh tế, vật chất của làng. Có và còn chân đế đó thì mới có và còn làng, cùng sức mạnh huyền thoại của làng Tây Nguyên, như đã thể hiện đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ. Là cửa ngõ đầu tiên của toàn bộ chiến trường miền Nam, trong chiến tranh chống Mỹ Tây Nguyên đã bị đánh phá cực kỳ khốc liệt. Nhiều làng bị quét sạch trên mặt đất, có lúc phiêu dạt đi xa hàng chục hàng trăm cây số. Tôi có biết một làng Cơ Tu như vậy ở Tây Quảng Nam, bị đánh dạt lên tận giữa tỉnh Gia Lai. Họ vừa đi vừa đánh giặc, tự biến thành một đội du kích lưu động lạ lùng, cõng theo một ông già, linh hồn của làng… Cần nói rằng trong chiến tranh chống Mỹ ở Tây Nguyên, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của chúng ta đã cơ động tuyệt vời trên một cái nền chiến tranh du kích vô danh mà hiệu quả như vậy… Tất nhiên hết chiến tranh đám du kích lang thang đánh Mỹ nọ lại tìm trở về với quê cũ. Thì đất rừng của họ đã không còn. Cùng với đất đai cả nước, nó đã được quốc hữu hóa cả rồi. Quyền sở hữu tưởng là vĩnh cửu của họ nay gọi là quyền sử dụng. Rồi tới năm 1991, Nhà nước giao đất giao rừng, mỗi hộ cá thể (mà kỳ thực ở chỗ họ chưa có) lại được giao một miếng đất cư trú và một miếng rẫy coi là xong, giống hệt hộ cá thể dưới xuôi của người Kinh. Hồi bấy giờ nhận thấy, ít nhất do từ phương thức canh tác, ở miền núi nên khác đồng bằng, Viện Dân tộc học và một số nhà dân tộc học có kiến nghị ở trên này xin đừng giao đất cho hộ (cá thể) mà giao cho làng, để Hội đồng Già làng quản lý… nhưng rồi chẳng ai nghe. Chỉ có độc một miếng rẫy, không còn đất rừng để luân khoảnh [7], độc một miếng thì làm vài ba năm sẽ bạc màu, người Kinh bấy giờ di cư lên đông và ở ngay cạnh, lại khôn ngoan hơn, bèn hỏi mua rẻ, rẻ cũng bán thôi vì rẫy đã bạc màu chẳng còn giá trị gì, có khi chỉ cần một bữa rượu có thể cho luôn. Người Kinh bèn thuê chính người chủ cũ trồng cà phê hay các loại cây công nghiệp. Cứ thế đất rừng từ tay người dân tộc tại chỗ lặng lẽ chuyển hết sang tay người Kinh. Mất đất mất rẫy, người dân tộc tại chỗ ngày càng lùi vào rừng sâu, thực sự trở thành du canh du cư mặc dầu trước đó họ không hề du canh du cư như vẫn bị vu khống [8], nay lại mang tiếng phá rừng – mà đúng ra bây giờ thì họ buộc phải phá rừng thật, để kiếm miếng ăn cùng cực.

Không còn cái chân đế sở hữu tập thể đối với đất rừng, làng Tây Nguyên thành treo lơ lửng giữa không trung, tất sụp đổ. Và tất cả sụp đổ theo, trước hết là văn hóa, tức con người. Nay chỉ cần buổi sáng tới gốc me đầu làng Plei Tơ Nghia ở ngoại ô thành phố Kontum để có thể nhìn thấy một hình ảnh trai tráng Tây Nguyên bây giờ: họ ngồi đó, thường khoảng chục người, nhóm thành một cái chợ lao động giống hệt chợ lao động ở Giảng Võ Hà Nội thuở nào, chờ các chủ người Kinh trong thành phố đến thuê làm việc vặt. Từng là những trai tráng vạm vỡ và đầy tự tin trước rừng núi của mình mà họ còn là chủ nhân đích thực, nay họ bỗng trở nên lúng túng và thụ động, xơ xác và ngơ ngác vì mất hết đất hết rừng.

Hãy nói thêm một ít nữa về rừng. Thực tế ở Tây Nguyên từ sau 1975 đã chứng minh hùng hồn trong tất cả các chủ sở hữu chỉ duy nhất có làng mới giữ được rừng. Bị tước đi khỏi quyền sở hữu của các làng, liên tiếp được giao suốt 10 năm đầu cho các binh đoàn quân đội 331, 332, 333, thất bại nặng; bèn giao tiếp 10 năm sau đó cho những tổ chức lần đầu tiên được lập ra gọi là các Liên hiệp Lâm Nông Công nghiệp bao trùm từ tỉnh này qua tỉnh nọ, càng thất bại mất rừng; lại quay về giao cho các Lâm trường, Nông trường thuộc tỉnh hay huyện…, cho tới nay rừng tự nhiên ở Tây Nguyên cơ bản đã bị quét sạch.

Cần nói rõ: rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên thì luôn đa tạp. Tác dụng đầu tiên và quan trọng nhất của rừng tự nhiên trên một cao nguyên được coi là nóc nhà của Đông Dương như Tây Nguyên là để giữ nước. Chỉ có rừng tự nhiên mới thật sự giữ được nước. Theo chỗ tôi hiểu cơ chế giữ nước của rừng là như sau: cần phân biệt nước mặt với nước ngầm. Tàn phá là nước mặt, khi không có rừng để hạn chế nó (hay đúng hơn, để “chế biến” nó ra thành thứ khác). Chính nước mặt mới tạo ra lũ. Các nhà khoa học cho chúng ta biết ở Tây Nguyên mỗi năm nước mặt do mưa tuôn xuống cuốn đi mất 350 tấn đất màu trên mỗi ha rẫy dốc [9]. Nước mặt quét trên mặt đất tạo thành lũ, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó, gây sạt lở ở mọi nơi có độ dốc. Chức năng hàng đầu của rừng là để hạn chế nước mặt, cây rừng làm công việc kỳ diệu và chỉ có nó làm được, nó tỉ mỉ chắt chiu chia nhỏ nước mưa của trời ra, qua bộ rễ sum suê của nó chuyển phần lớn nước mặt lắng sâu xuống lòng đất thành nước ngầm, để chuyển đi âm thầm trong lòng đất, đưa nước từ tốn và an toàn từ vùng cao về hạ lưu. Ở quê tôi, nước ngầm từ Tây Nguyên chuyển về, âm thầm mà bất tận, mát rợi và ngọt lịm, được gọi là nước mội. Nền nông nghiệp đồng bằng về cơ bản là nền nông nghiệp nước mội. Có thể khẳng định dứt khoát nguyên nhân hàng đầu của tình trạng sạt lở ngày càng hung dữ hết nơi này đến nơi khác gây tàn phá chết chóc ta vẫn cháy lòng nghe hằng ngày bây giờ chủ yếu là do rừng tự nhiên bị triệt phá trên các vùng cao, đặc biệt ở Tây Nguyên.

Cũng rất cần chú ý, ở Tây Nguyên hiện nay rừng tự nhiên ngày càng được thay thế bằng một thứ cũng được gọi là rừng, “rừng cao su”. Theo tôi, cao su thì không thể, không phải là rừng. Cao su là cây rễ cọc, dưới lô cao su lại không cây gì còn sống được, hoàn toàn không có tác dụng giữ nước, không thể tạo ra nước ngầm, nước mội thiện lành. Năm 2007 đột ngột có quyết định của Chính phủ cho phép chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, và để nghe cho có vẻ chặt chẽ còn thêm quy định đối với rừng từ 500 ha trở lên phải có lệnh của Chính phủ. Lập tức rầm rộ phong trào hồ hởi rừng giàu khai thành rừng nghèo, triệt hạ lấy gỗ bán đi trước đã, trồng cao su nói sau, 500 ha phải có phép Chính phủ thì khó gì đâu, chỉ cần chia nhỏ các dự án để tỉnh huyện cũng được ký phép, xong ngay! Năm 2007 trở thành năm phá rừng quyết liệt nhất ở Tây Nguyên. Đi trên Tây Nguyên bây giờ, chẳng hạn ở đoạn gần 50 km quốc lộ 14 từ Pleiku lên Kontum, có thể thấy hai bên đường xanh um rừng. Nhìn kỹ mà xem nhé, đấy là màu xanh đánh lừa, rừng tự nhiên xưa đã triệt hạ xong hết rồi, đúng vào cái năm 2007 nổi tiếng nọ, thay toàn bằng cao su.

Ở Mang Đen thuộc huyện Kon Plong của tỉnh Kontum có một khu rừng thông khá đẹp. Lội sâu vào mới thấy hóa ra ở đây có tới hai loại thông: những cây thông cổ thụ cao to, rải rác mỗi nơi vài ba cây, chen lẫn với nhiều loại cây rừng khác. Đấy là thông do người Pháp trồng từ ngày xưa, họ dùng máy bay rải hạt, hình như gồm hạt thông trộn lẫn với hạt nhiều loại cây tạp. Tức cũng là rừng trồng, nhưng rất cố ý gần với tự nhiên. Một khu vực khác, do ta tạo ra sau năm 1975, ngăn nắp, thông mọc theo hàng tăm tắp, rõ là rừng trồng. Rừng trồng cũng tốt thôi, còn hơn đất trụi. Nhưng vì sao người Pháp đã cố công tạo ra thứ rừng giống với tự nhiên nhất có thể? Ấy là bởi họ biết tự nhiên, qua chọn lọc lâu dài, đã tạo nên quy luật sống hiền minh: ở đời vẫn vậy, việc gì cũng nên có ít nhất là hai trở lên mới hay, chỉ một ắt dở. Con sâu mít chỉ ăn được cây mít, chứ không ăn được cây xoài, trồng một rừng toàn mít thì dễ bị sâu tàn phá, một rừng mít chen với nhiều loại cây khác sẽ an toàn hơn. Tôi có anh bạn ở Kontum, từng là Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh, chính anh là người đã có công trồng rừng thông Mang Đen sau 1975. Có hôm ngồi với nhau, tôi đem nói với anh về cái lẽ một hai nọ trong chuyện trồng rừng, anh nghe, đồng ý với tôi, rồi bảo có lẽ từ nay mình nên trồng một hàng thông chen với một hàng cây khác. Chúng tôi nhất trí với nhau chắc việc gì cũng vậy, cố gắng càng gần tự nhiên nhất càng hay, chỉ có rừng tự nhiên mới tạo được thảm thực vật đa tạp để “chế” nước mặt sang thành nước ngầm, sinh ra nước mội tuyệt vời.

Vậy đó, Tây Nguyên. Kể chuyện linh tinh dông dài để biết rằng sạt lở lung tung không thể dứt lần nào cũng vùi chết người báo động đỏ hằng ngày bây giờ… hóa ra lại bắt đầu từ cái bữa trên núi cao ấy ta đã làm thế nào đó khiến cho mất tiệt quyền sở hữu tập thể của cộng đồng ở cái đơn vị xã hội bé tí và vô danh xa lắc chẳng mấy ai thèm đến xỉa kia đối với đất rừng truyền đời của họ, nào có ai nghĩ ra được và ngờ!

♣♣

Năm 2004 sau bạo loạn lần thứ hai ở Tây Nguyên (bạo loạn lần thứ nhất xảy ra năm 2001), ông Nguyễn Tấn Dũng bấy giờ là Phó Thủ tướng đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên có mời tôi cùng anh Đặng Nghiêm Vạn, là nhà dân tộc học nổi tiếng, đến hỏi ý kiến. Cuộc gặp khoảng gần 2 tiếng buổi tối. Anh Vạn nói trước, tôi sau. Thấy thời gian rất ít, tôi cố gắng bằng kiệm lời nhất có thể chỉ ra rằng một xã hội mà tế bào hợp thành cơ bản là từng làng “độc lập và rời rạc” như Tây Nguyên, thì xu hướng đòi tự trị của tộc người, tức vấn đề dân tộc, không thể là nội sinh, tức tất yếu từ cơ sở xã hội của họ, ở một tộc người đã khó, liên tộc người càng không thể. Nay nổ ra bạo loạn, lần thứ nhất năm 2001 ở nơi có người Ê Đê, người Gia Rai, chừng nào cả người Mnông, lần thứ hai năm 2004 loang rộng ra thêm tới Đak Đoa là vùng Ba Na, và hẳn còn tiếp, là sự thể đang biến đổi về chất, điều vốn không thể đang trở thành có thể. Vậy thì cần xem lại cái gốc là tế bào cơ bản ấy ra sao, ta đã làm gì với nó mấy chục năm nay từ sau 1975 (bởi trước năm 1975 còn chiến tranh thì dẫu ác liệt tới đâu cũng chỉ tàn phá vật chất và chết người là chính, chứ không động tới được cơ cấu xã hội). Một sự thể vốn bị chìm đi đã được đánh thức dậy. Tôi nói với ông Phó Thủ tướng rằng tôi có một cuốn sách viết về chính chuyện này, nếu ông muốn tôi có thể gửi đến cho ông mượn đọc. Sách tên là Sở hữu và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, tác giả là ba nhà khoa học Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo và Vũ Thị Hồng. Sách in ở Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2000, tức một năm trước bạo loạn Tây Nguyên lần thứ nhất, bốn năm trước cuộc thứ hai, tất nhiên phải được viết trước xa hơn. Trong sách, sau khi phân tích các sai lầm mà họ gọi là “những khiếm khuyết” về chính sách đất đai của ta ở Tây Nguyên, họ viết tiếp, tôi xin đọc nguyên văn: “Sẽ là không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là lại đổ máu, với sự can thiệp vừa kín đáo vừa trắng trợn của kẻ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ thật khó lường”. Tôi nhớ nghe đến đó cả phòng họp đều lặng đi, kinh ngạc vì lời cảnh báo hoàn toàn chính xác, sớm khác thường, đầy trách nhiệm, thẳng thắn và dũng cảm của các nhà khoa học. Tôi nhìn ông Phó Thủ tướng, thấy riêng ông vẫn thản nhiên. Xong buổi, ông đứng dậy xếp cặp ra về, không cảm ơn hay chào anh Vạn và tôi, chắc ông thường quen vậy, lạ hơn, cũng không thấy ông hỏi mượn sách.

N.N.


[1] Trong cuốn Марфа-Посадница, или Покорение Новагорода (Nữ vương Marfa, hay là cuộc chinh phục Novagorod), 1802.

[2] Les Jungles Moï. Indochine Sud-Centrale: Emile Larose, Paris, 1912. Đã được dịch một phần chính dưới tên Rừng người Thượng, người dịch: Lưu Đình Tuân, NXB Tri thức, 2009.

[3] Mọi Kontum – Đã được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội và NXB Tri thức tái bản (kèm bản dịch ra tiếng Pháp) dưới tên Người Ba Na ở Kontum, Hà Nội, 2011.

[4] Ở người Gia Rai có từ t’ring chỉ liên minh một số làng, nhưng đó là liên minh tạm thời của một số làng để cùng nhau ứng phó với trở ngại nào đó, không có lãnh thổ và tổ chức hành chính tương ứng, khi vượt qua trở ngại đó rồi thì t’ring cũng tan.

[5] Tức làng Kong Hoa trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên.

[6] Xem chương “Mối tình loạn luân và vụ tự tử của chàng Tieng đẹp trai” trong tác phẩm Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas.

[7] Trước đây gọi là luân canh, nhưng có thể dễ bị hiểu lầm năm nay trồng lúa sang năm chuyển sang trồng ngô chẳng hạn. Luân khoảnh là khi rẫy đã bạc màu thì chuyển sang rẫy khác, để rẫy cũ hưu canh, mấy chục mới sau quay lại khai thác.

Nhân đây cũng xin nói thêm, gọi chung “nương rẫy” là sai, rẫy thì hằng vài ba năm lại được luân khoảnh, nương là nơi đất đã được làm tơi ra và cố định, để canh tác như một miếng vườn, hai phương thức canh tác hoàn toàn khác nhau. Ở Tây Nguyên là rẫy chứ không phải nương.

[8] Chỉ cần nhìn nhà rông Ba Na và nhà dài Ê Đê ở Bảo tàng dân tộc học Hà Nội để biết nhưng dân tộc có nền kiến trúc như vậy không thể sống rày đây mai đó.

[9] Chính vì vậy sau khi đốt rẫy, người ta để lại những thân cây to trên mặt đất, không mang về lấy gỗ, nhằm giữ đất màu khỏi bị mưa cuốn trôi mất.