Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: THƯ KHẨN GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Hà Nội ngày 8 tháng 8 năm 2023

Kính gửi ngài Chủ tịch nước, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Tên tôi là Hoàng Quốc Hải, sinh năm 1938 công dân Việt Nam, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ 1965, thôi sinh hoạt Đảng từ khi về nghỉ hưu trí từ tháng 8 năm 1998, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thường trú tại 61/ G9 phố Pháo Đài Láng (Khu tập thể Phụ nữ Trung ương), phường Láng Thượng, quận Đống Đa thành phố Hà Nội. Điện thoại di động: …

Trước hết xin ngài tha lỗi, vì tôi không gửi thư khẩn cầu này tới ngài bằng con đường hành chính công vụ, mà bằng hình thức thư ngỏ.

Thưa ngài, đúng là từ chỗ tôi cư trú đến Phủ Chủ tịch nước, quãng đường chỉ là gang tấc, nhưng thực quả nó ngàn trùng xa cách nếu như tôi chọn gửi bằng đường công vụ.

Dạ thưa ngài Chủ tịch,

Tôi khẩn thiết xin ngài, bằng quyền lực và chức trách của mình, hãy ra lệnh ngừng ngay việc thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, do Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng ra lệnh thi hành án.

Thưa ngài Chủ tịch,

Chắc chắn trong mấy ngày gần đây, ngài đã nhận hàng triệu tin nhắn, hàng vạn thư kêu cứu của nhiều tầng lớp và lứa tuổi của công dân Việt Nam cả trong và ngoài nước, đại diện cho tiếng nói của cả trăm triệu công dân Việt Nam, lên tiếng đòi công lí cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Thưa ngài Chủ tịch kính mến,

Tôi không nói Nguyễn Văn Chưởng vô tội, nhưng tôi yêu cầu việc xét xử một người được coi là phạm tội trước toà án công lí, trước hết phải minh bạch, án tích rõ ràng, tang chứng, vật chứng, nhân chứng đều sáng tỏ, không có hiện tượng tra khảo, ép cung. Và luật sư bào chữa, phải được tranh tụng công khai trước toà. Nhân chứng có quyền trình bầy sự việc như mình đã thấy, biết. Người được coi là có tội phải được quyền tự bào chữa như luật định.

Nếu trước phiên xử công khai, Toà không đủ bằng chứng buộc tội, phải tuyên ngay người đó vô tội, phải trả tự do ngay lập tức, phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại về vật chất (nếu có), và phải giám định pháp y xem người đó có tổn thương về mặt tinh thần hay không.

Trái lại, với vụ án này, theo như trình bầy công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của bố đẻ và em ruột bị cáo cùng các nhân chứng, thì mọi việc đều trở nên mù mờ, gượng ép. Dường như người ta cố tìm ra một người phạm tội, để lập thành tích phá án trên địa bàn.

Vì thế, em trai nạn nhân đến trình báo với cơ quan công quyền về bằng chứng ngoại phạm của anh mình, liền bị bắt và ngay lập tức tống giam với lời buộc võ đoán về tội: “che giấu tội phạm”, bị đánh đập dã man và tuyên án 2 năm tù giam. Sau mãn hạn tù (vô tội), em này đã chết cách đây hai tháng. Nhân chứng tại địa phương, khẳng định sự ngoại phạm của nạn nhân Nguyễn Văn Chưởng, thì bị đánh đập dã man, và buộc phải cải cung.

Thưa ngài Chủ tịch nước,

Với những vụ án chấn động lương tâm như các vụ Nguyễn Văn Chấn, Huỳnh Văn Nén... được coi việc nhục hình để ép cung, là kinh nghiệm kinh điển để phá án của ngành điều tra tội phạm. Ngay như vụ án tuyên tử hình Hồ Duy Hải cũng là sự nhạo báng đối với pháp luật nước ta. Trong hồ sơ buộc tội Hồ Duy Hải, ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao xử Giám đốc thẩm có tuyên rõ, hung thủ đã xâm phạm cơ thể nạn nhân, có hành vi cưỡng hiếp và có tinh trùng ở cơ quan sinh dục nạn nhân trước khi dùng các hung khí như dao, thớt, ghế tựa để làm vật gây án. Nhưng cán bộ điều tra không biết đã đem vứt những vật đó đi. Những vật hiện có là mua về để tượng trưng cho vật chứng, tạm chấp nhận được.

Thưa ngài Chủ tịch nước kính mến,

Những nghịch lí trên đối với tội giết người, nghe như một thứ hài kịch vụng về. Thử hỏi, có cán bộ điều tra nào lại dám cả gan vứt hết dụng cụ gây án thu được trong hiện trường vụ án, rồi đi mua đồ giả ngoài chợ về kêu đó là hung khí để hung thủ gây án. Và những vân tay thu được, không một vân tay nào khớp với vân tay của Hồ Duy Hải.

Nếu nước ta coi việc xử án là lấy pháp luật và công lí ra xét xử, thì phải ngay lập tức tuyên Hồ Duy Hải vô tội, phải xin lỗi, và bồi thường thiệt hại cho Hồ Duy Hải trong những năm bị giam giữ. Đồng thời tuyên các cán bộ điều tra vụ án này là tòng phạm, và vụ án phải được điều tra lại từ đầu và xét xử lại.

Thưa ngài Chủ tịch nước kính mến.

Tôi là người viết tiểu thuyết lịch sử và đã nghiên cứu lịch sử các đời, xin kể về việc xử kiện của tiền nhân cách đây đúng 961 năm về đời vua Lý Thánh tông. Năm ấy, vua xử kiện ở điện Thiên Khánh, có công chúa Động Thiên ngồi bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất loạt khoan giảm’’.

Và mặc dù đã có Đình uý ty, tựa như Bộ Tư pháp và hệ thống toà án ngày nay. Nhưng nhà vua vẫn không an tâm, bèn cho lập toà Đô hộ phủ sĩ sư, tựa như Toà giám đốc thẩm để xử lại các án ngờ (dù toà án đã xử và có kết luận, nhưng dân không phục, vẫn kêu oan).

Để giữ liêm khiết, hằng năm vua ban cho chức chánh của Toà này 100 quan tiền, 100 bó lúa và 10 giành cá khô. Chức phó được hương một nửa. Hằng năm, quan nào trong Toà này không được nhận bổng dưỡng liêm (tức là không liêm khiết), ắt phải chuyển, đổi đi nơi khác, hoặc biếm (hạ chức) hoặc bãi (cách chức).

Kính thưa ngài Chủ tịch nước,

Hiện ngài đang ở cương vị cha mẹ dân, tôi mạo muội xin ngài một đặc ân, ngài hãy dũng cảm noi gương bậc cha mẹ dân cách ta gần một ngàn năm trước.

Nay kính thư.

Hoàng Quốc Hải

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện