Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Cảm nhận nhân đọc phân đoạn 1-3 tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư

Nguyễn Thị Khánh Minh

clip_image002

Phế tích của ảo ảnh, tranh sơn dầu của họa sĩ Phan Chánh Khánh, 30”x30”, lấy cảm hứng từ tập thơ Phế tích của ảo ảnh của nhà thơ Trịnh Y Thư.

Với tôi, Trịnh Y Thư, trước hết là một nhà thơ, với thi phẩm Phế tích của ảo ảnh; là một nhà văn, với các tác phẩm Chỉ là đồ chơi, Theo dấu thư hương; là một dịch giả các tác phẩm ngoại quốc nổi tiếng như Cái cười và sự lãng quên, Jane Eyre, Đời nhẹ khôn kham, Căn phòng riêng; là một cầm thủ ghi-ta cổ điển, một nhạc sĩ sáng tác. Với tư cách nào Trịnh Y Thư cũng chinh phục được người đọc, người nghe. Nói riêng về lãnh vực thơ văn, văn phong trữ tình mà không thiếu ánh sáng lóng lánh của trí tuệ. Có đủ cả hai như thế là do Trịnh Y Thư vừa có trái tim nhạy cảm của nhà thơ vừa có nội lực dồi dào của tri thức. Điều đó càng khẳng định hơn khi gần đây, Trịnh Y Thư đã phổ biến trên các trang web một số truyện ngắn, và các trích đoạn của tiểu thuyết sắp xuất bản Đường về thủy phủ. Tôi cũng như một số bằng hữu không khỏi ngỡ ngàng về cuộc dấn thân mới mẻ trong lãnh vực tiểu thuyết của anh, không riêng là lần đầu thể hiện, mà thể hiện một cách rất mới và rất khác từ lời văn cho đến kết cấu câu truyện. Không lặp lại ai, không theo một khuôn mẫu nào, chỉ là nổi bật một Trịnh Y Thư bản lĩnh, can đảm, nghiêm khắc và nhân ái.

Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư. Qua trích đoạn này, được cấu trúc từ phi hiện thực để giải mã hiện thực, khiến anh có một thái độ khách quan khi đặt vấn đề đối với những sự kiện liên hệ đến ý thức hệ và sự kiện lịch sử, và cũng làm cho diễn biến câu truyện có những gút mở thú vị hơn. Bất cứ một gợi mở tiểu đề nào của Trịnh Y Thư cũng đưa tới người đọc một dấu hỏi, và không dễ hài lòng, phải đọc tới đọc lui một số đoạn văn, phải đọc cho tới dấu chấm cuối cùng của câu truyện, để tìm câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn của mình. Bạn phải lần theo sợi chỉ tự sự của một nhân vật ảo để tự tìm thấy chủ đề mà tác giả muốn nói đến. Cho dù như vậy đi nữa, bạn cũng vẫn không thôi băn khoăn về nó. Bạn muốn tìm thấy tác giả? Vô ích. Ở đây chỉ có câu hỏi, vấn đề khơi gợi. Cứ tưởng như bạn đang được mời tham dự một trò chơi, cách nắm bắt điều khiển tùy vào bạn. Không biết đó có phải là một trong những tố chất khiến tiểu thuyết Đường về thủy phủ có lực hút người đọc?

Ở trích đoạn 1-3 trong tiểu thuyết Đường về thủy phủ, mặt khác theo tôi, nó cũng có thể đứng độc lập là truyện ngắn. Một kiểu truyện không có cốt truyện, Trịnh Y Thư có một lối dựng truyện rất lạ, hư cấu từ sự xuất hiện của nhân vật cho đến những cảnh ngộ mà nhân vật đó sống. Ở đây có hai nhân vật, Tôi và Gã Nhà Văn, trong đó, Tôi lại là một nhân vật của Gã Nhà Văn. Nhưng Gã Nhà Văn chỉ được nhận diện qua lòng thù hận bởi nhân vật của Gã. (Cho nên tôi đã cãi với chính mình, thật ra chỉ có một nhân vật xưng là Tôi thôi). Có lúc tôi ngừng lại giũa một trạng thái như phân thân, tự hỏi, mình đang lạc vào truyện của nhân vật Gã Nhà Văn, hay truyện của Trịnh Y Thư? Hay chẳng là của ai vì tình tiết diễn biến câu truyện cứ thế bật ra từ suy tư của một nhân vật ảo.

Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã…

Tôi thấy khuôn mặt tôi đanh lại, tiếng nói tôi nhỏ nhẹ như thì thầm với trái tim của gã. Trái tim ơi, sau phút giây này mi sẽ vĩnh viễn nằm im trong cái lồng ngực thâm u mông muội ấy và ngàn đời mi chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng của trí huệ. Mi sẽ nằm mãi trong cái ngục tối ấy cho đến khi vũ trụ này tan biến trở về cõi huyền tẫn mịt mù như thuở hồng hoang khi vạn vật mới chỉ là khối cát bụi hỗn huyễn, ngu ngơ. Mi sẽ không còn khả năng nhân danh những điều diệu kỳ, cao đẹp hay bất cứ cái gì để thỏa mãn lòng tham đê hèn vô độ của mi. Sẽ không có luân hồi cho mi, sẽ không có kiếp nào cho mi nữa, mi sẽ không bao giờ đầu thai lên cõi trần làm bất cứ sinh vật gì. Mi sẽ đời đời kiếp kiếp nằm sâu trong ngục tối của cõi a tỳ để ăn năn sám hối về những gì mi đã gây cho ta…

Nhân vật Tôi xuất hiện với một tâm thái vừa thù hận, vừa ảnh hưởng của triết lý Phật Giáo, về nhân quả, luân hồi.

Nhưng tôi chẳng thể nào giết chết gã nhà văn bằng mũi dao nhọn như thế được, bởi tôi chỉ là người con gái chân yếu tay mềm, và quan trọng hơn, giết gã như thế, máu từ vết thương trên người gã sẽ bắn vọt ra làm ô uế tấm áo lụa màu trắng tinh khiết trên người tôi. Và bởi tôi chỉ là ảo ảnh. Tôi chỉ hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của gã, một thần trí tưởng tượng chẳng liên quan gì đến suy nghĩ trong đầu óc tôi lúc này.

Nhân vật này phủ nhận nhân vật kia, nói khác, một thần trí tưởng tượng và một thực-thể-ảo xung đột nhau, là sự va chạm giữa ảo và thực, tuy cả hai ảo thực đều thuộc phạm trù triết lý siêu hình. Tôi cho rằng với cấu trúc như vậy, đưa đến hai hiệu quả khả dĩ có thể, tác giả độc lập với nhân vật của mình, phó thác cho nó tự do suy tưởng, và nhân vật cũng không lệ thuộc vào tác giả, làm câu truyện có tính phổ quát hơn. Một cấu trúc quả là lợi hại. Tôi nói thế vì trong việc viết lách đã có chút kinh nghiệm thất bại khi bị ràng buộc vào mối liên quan giữa mình với nhân vật.

Nhưng rồi chuyện gì xảy ra và họ bị lùa vào đây sống như bầy súc vật, tôi nói thế bởi lý do giản dị là bản năng súc vật của họ không thể không chui ra từ đáy sâu bản ngã họ, gầm gào múa nanh múa vuốt để sinh tồn trong vũng bùn nhầy nhụa hôi tanh này. Họ chẳng là con người cả đấy ư? Nhưng một khi biến thành súc vật rồi, linh hồn họ còn không? Họ còn cơ hội quay trở lại làm người không? Hay cuộc sống vẫn mãi thản nhiên trôi chảy?

Điều này đã khẳng định trong lịch sử tất cả những nhà tù, lò sát sinh con người, từ ngàn xưa cho đến nay, không ai không thấy, nhất là nạn nhân, không khỏi khiếp sợ khi bị rơi vào tình huống con người bị kích động bản năng súc vật. Tôi cảm thấy nỗi đau của tác giả khi viết những đoạn như vậy, phải chăng đó cũng chính là nỗi phiền muộn nặng nề vô vọng của anh khi nghĩ về thân phận con người, sự tàn bạo của con người, và phải dùng đến một nhân vật hư cấu để ám chỉ? Đó cũng là cách để bớt phẫn nộ – đây là hiệu quả thứ ba của thủ pháp Trịnh Y Thư:

Quả thật tôi không tin tưởng gì cả vào sự tốt lành của cuộc sống và sự hiện hữu của tôi nơi đây, trên thế gian này, hoàn toàn là không do chủ ý của tôi.

Nhân vật “Tôi”, nàng luôn giãy giụa để trốn thoát, để được sống với cái bản nguyên chính của nàng lúc mới được gã nhà văn tạo dựng: “Tấm áo lụa màu trắng tinh khiết”. Gã Nhà Văn thì cũng đầy chán chường trong cuộc sống thừa thãi ham muốn, cô đơn, gã trốn chạy bấu víu vào nhân vật tưởng tượng của mình để rốt cuộc thấy rằng “Tốt hơn anh chỉ nên sống với ảo ảnh”. Ở đâu trên thế gian này cũng bùng nổ những cuộc trốn chạy. Nơi nào để nương náu cùng với nỗi cùng quẫn, cô đơn của con người? Một cái kén ảo như Gã Nhà Văn kia chăng?

Và có phải “Bà sống thật với đời sống này nên bà hạnh phúc. Chẳng lẽ hạnh phúc lại giản dị tới mức đó sao? Nếu thế tại sao người ta phải tốn biết bao giấy mực để nói về hạnh phúc mà chẳng bao giờ tìm ra lời giải đáp?

Thế nào là sống thật với đời sống này? Đơn giản hóa tối thiểu suy tư? Bình thường hóa những nghịch lý, bất công, đôi khi đến vô nhân đạo của cuộc sống và con người? An phận với thuyết Định Mệnh? Một hạnh phúc có được như thế có thực sự là nghĩa của hạnh phúc không? Vẫn mãi là câu hỏi từ xưa đến giờ, như thể hỏi và tìm là hành trình của cuộc sống.

Còn lại một mình trong căn phòng lạ bên bờ biển hiu quạnh, tôi không biết mình đang ở đâu trên mặt hành tinh này. Sự thanh vắng của vùng biển lạnh lẽo heo hút càng khiến tôi thấy cô độc. Cuộc sống này có gì vui đâu mà người ta thèm sống đến thế? Tôi tự hỏi trong lúc dõi tia mắt qua ô kính cửa sổ nhìn những cánh hải âu chao lượn ngoài trời. Câu hỏi có lẽ đã được nhiều người hỏi trước tôi. Có lẽ nó là câu hỏi có từ khi con người mới bắt đầu có ý thức về cuộc sống, và bởi thế tôi không nên tìm kiếm câu trả lời”.

Tôi thấy không yên ổn và thương cảm khi nhân vật này sau bao phẫn nộ, thù hận, tra vấn, để rồi “Trong lúc gã đi vào tôi, đầu tôi hất ra đằng sau, hai mắt nhắm nghiền và tôi cố trôi theo dòng nghĩ tôi là người đàn bà của gã.”

An phận, thúc thủ. Trôi theo dòng nghĩ, trôi theo dòng đời?

Đọc hết trích đoạn 1-3 này tôi vẫn bị vướng mắc trong dấu hỏi, thêm cả buồn bã nữa. Cả câu truyện không là truyện này là một chuỗi tra vấn của nhân vật, chạm đến mọi khía cạnh về cuộc sống và bản chất con người, làm sao để tìm được hạnh phúc giữa nghịch cảnh và những mâu thuẫn nội tại con người? Dưới cấu trúc dựa vào hư cấu để hiện thực một cuộc truy tìm và lôi ra ánh sáng những điều tội tệ nhất trong thẳm sâu bản ngã con người, mà vì một số những rào cản về đạo lý, hoặc vì dối trá, người ta đã không thẳng thắn thừa nhận. Nếu dụng ý của tác giả là để người đọc “phản quang” lại mình, thì với trích đoạn 1-3 “Đường Về Thủy Phủ” này, anh đã thành công. Đặt không gian truyện trên một nền ảo toàn bộ như thế, có thể, vô hình trung, Trịnh Y Thư đã khiến cho ta thấy một nhân sinh quan nhuốm chút ít màu sắc giáo lý nhà Phật, cái thực tướng của con người kia chỉ là giả, là tạm, thì sao phải trăn trở với quá nhiều hệ lụy của cuộc sống, của lòng tham và thù hận. Sáng tỏ được điều này thì, với riêng tôi, khả dĩ tìm được một điểm tựa yên bình sau khi viết một bài, chẳng nhiều cảm nhận mà toàn là câu hỏi.

Tuy thế, có lúc tôi được đi vào dưới hai hàng cây bóng mát, nghỉ ngơi sau một đoạn đường nắng bỏng. Bóng mát của văn chương trữ tình làm tôi vương vấn.

… Có những con đường với hai hàng cây cổ thụ san sát nhau đan thành cái vòm trên cao trông như họng một con quái thú đang nuốt chửng chúng tôi vào…

… Tôi quấn mảnh khăn lụa che mái tóc rồi bước ra ghềnh đá đen đúa sát gần mực nước. Sóng biển vỗ tung tóe vào ghềnh đá dưới chân tôi. Đang là mùa hè nhưng gió biển vẫn lạnh căm. Tôi không biết đây là đoạn biển nào, ở đâu, chỉ biết phong cảnh xung quanh trông hoang sơ, vắng vẻ lắm. Bên cạnh cái khách sạn không quá mươi phòng chúng tôi ngủ đêm nay là một quán ăn nhỏ lụp xụp le lói ánh đèn, xa hơn tí nữa vài nóc nhà rầu rầu ẩn hiện dưới làn sương lam chiều lờ mờ, ảm đạm.

Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.

Cho dù dưới làn sương tất cả hiện hữu cũng chỉ là ảnh ảo.

(11/10/2023)