Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Toni Morrison: Bài phát biểu nhận giải Nobel

Toni Morrison, https://www.nobelprize.org/prizes/literature/1993/morrison/lecture/

Đoàn Th Quý Ngc dịch

Lời cảm ơn của người dịch: Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến người biên tập đã bỏ công hiệu đính bản dịch và đưa ra những lời góp ý đầy giá trị với hàm lượng kiến thức cao và có tính xây dựng.

Tiểu sử: Toni Morrison (1913-2019) là một nhà văn nữ người Mỹ đoạt Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1988, Giải thưởng sách Mỹ năm 1987 cho tác phẩm Beloved và Giải Nobel Văn học năm 1993. Toni Morrison giảng dạy và nghiên cứu bộ môn tiếng Anh ở một vài trường đại học, trong đó có Đại học Howard ở Washington D.C. Từ năm 1964 trở đi bà làm việc trong vai trò là biên tập viên ở nhà xuất bản, và từ buổi ra mắt công chúng đầu tiên vào năm 1970, bà cũng đã giữ một số chức vụ ở một số trường đại học, bao gồm Đại học Princeton.

Sau đây là bản chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt một tác phẩm nổi tiếng của bà: Bài phát biểu nhận giải Nobel.

 

Toni MorrisonToni Morrisonimage

Toni Morrison. Ảnh từ kho lưu trữ của Quỹ Nobel.

“Ngày xửa ngày xưa có một bà lão. Mù nhưng thông thái.” Hay đó phải chăng là một ông cụ? Một bậc thầy, có lẽ. Hay chăng là người lang thang kể chuyện làm dịu yên tâm hồn con trẻ. Tôi đã nghe câu chuyện này, hay chính xác là một câu chuyện tương tự như thế trong kho tàng chuyện kể của một vài nền văn hóa.

“Ngày xửa ngày xưa có một bà lão. Mù. Thông thái.”

Trong một phiên bản mà tôi biết, bà cụ là con gái của những người nô lệ, da đen, người Mỹ, và sống đơn độc trong một căn nhà nhỏ ở bên ngoài thị trấn. Tiếng tăm về sự thông tuệ của bà là vô song và không còn phải nghi ngờ gì nữa. Trong cộng đồng của mình, bà vừa là đại diện cho pháp luật vừa là biểu tượng cho sự vượt thoát ra khỏi những khuôn khổ của nó. Niềm vinh dự mà bà nhận được và cả sự kính sợ mà bà mang đến cho mọi người vươn ra ngoài khu vực lân cận đến những nơi xa xôi; đến khu đô thị, nơi mà tri thức của các nhà tiên tri vùng nông thôn là suối nguồn của nhiều cuộc vui.

Vào một ngày nọ, có một đám thanh niên trẻ tuổi đến thăm bà. Đám người này xuất hiện, dường như, với ý muốn mãnh liệt muốn bác bỏ khả năng thấu thị của bà cũng như vạch trần thói gian trá lừa đảo mà chúng tin bà là một kẻ như vậy. Kế hoạch của chúng khá đơn giản: đến nhà bà và đặt một câu hỏi mà câu trả lời cho câu hỏi này chỉ xoáy vào sự khác biệt giữa bà và chúng, một điểm khác biệt mà chúng xem như là một hạn chế sâu sắc: sự mù lòa của bà. Chúng đứng trước mặt bà, và một người trong bọn chúng lên tiếng: “Này bà lão, tôi đang nắm trong tay một con chim. Bà hãy nói cho tôi biết liệu nó đang sống hay đã chết rồi.”

Bà cụ không trả lời, và câu hỏi được lặp lại: “Con chim tôi đang nắm trong tay còn sống hay đã chết?”

Ấy thế mà, bà vẫn không trả lời. Bà mù và không thể nhìn thấy diện mạo của những vị khách đến thăm, nói gì đến việc có thể nhìn thấy thứ gì đang ở trong tay họ. Bà không biết màu da, giới tính và gốc gác của những vị khách đó. Bà chỉ biết động cơ của họ.

Sự im lặng của bà cụ kéo dài một hồi lâu khiến cho đám thanh niên trẻ không thể nhịn được cười.

Cuối cùng, bà cất lời với giọng nhẹ nhàng nhưng cương nghị. “Tôi không biết.” rồi lại tiếp “Tôi không biết con chim mà anh chị đang nắm còn sống hay đã chết, nhưng điều tôi biết chắc chắn là con chim đang nằm trong tay anh chị. Nó ở trong đôi bàn tay của anh chị.”

Câu trả lời của bà có thể được hiểu như sau: nếu con chim đã chết, anh chị hoặc là đã tìm thấy nó ở trạng thái như vậy hoặc là anh chị đã giết chết nó. Nếu con chim còn sống, anh chị vẫn có thể giết nó. Liệu nó còn sống hay không, đó là quyết định của anh chị. Dù ở trong trường hợp nào đi nữa, đó vẫn là trách nhiệm của anh chị.

Vì hành vi phô trương sức mạnh của đám người trẻ tuổi và làm nổi rõ sự bất lực của bà cụ, những vị khách trẻ đã bị người đời khiển trách. Người ta cho rằng chúng không chỉ phải chịu trách nhiệm cho hành vi chế nhạo bà lão mà còn phải chịu trách nhiệm cho cái sinh mệnh bé nhỏ đã phải hy sinh để đạt được mục đích của chúng. Bà lão mù chuyển hướng chú ý từ chỗ khẳng định quyền lực sang loại công cụ để thực thi quyền lực đó.

Việc suy đoán về hình ảnh con chim trong tay có thể biểu hiện cho điều gì (khác hơn là cái hình hài nhỏ bé yếu đuối của nó) đã luôn thu hút tâm trí tôi, nhưng đặc biệt là giờ đây, khi tôi đang nghĩ về công việc mà mình đang làm, nó chính là cơ duyên đã đưa tôi đến với diễn đàn này. Vì vậy, tôi đã chọn cách hiểu con chim là ngôn ngữ và bà cụ là một nhà văn đang thực hành ngữ ngôn. Bà lão lo lắng thứ ngôn ngữ bà mơ ước và được ban tặng từ thuở lọt lòng, đã được xử lý và đưa vào sử dụng như thế nào, thậm chí bà bị ngăn cấm sử dụng nó vì những mục đích bất chính nào đó ra sao. Là nhà văn, bà nghĩ về ngôn ngữ, phần thì như một hệ thống, phần thì như một thực thể sống mà con người có thể kiểm soát, nhưng phần lớn thì như một tác nhân – như một hành động cùng với những hệ quả của nó. Vì thế, câu hỏi mà đám thanh niên trẻ đặt ra cho bà: “Liệu con chim đang sống hay đã chết rồi?” không phải là huyễn tưởng, bởi lẽ bà nghĩ ngôn ngữ cũng dễ dàng chết, dễ bị tẩy xóa, chắn chắn cũng dễ bị đẩy vào những cảnh huống hiểm nguy và chỉ có thể cứu vãn được bằng sự nỗ lực của ý chí. Bà tin rằng nếu con chim trong tay của những vị khách kia chết thì chính những kẻ nắm giữ nó phải chịu trách nhiệm cho cái xác chết ấy. Đối với bà, ngôn ngữ chết không phải là ngôn ngữ không còn được người ta nói hay viết, mà là thứ ngôn ngữ xơ cứng, bằng lòng tụng ca trạng thái đóng băng tê liệt của nó. Giống như ngôn ngữ của phái phò chính quyền, là thứ ngôn ngữ kiểm duyệt và bị kiểm duyệt. Tàn nhẫn trong nhiệm vụ trị an của mình, nó không có mong muốn hay mục đích nào khác ngoài việc duy trì một phạm vi tự do của lòng ái kỷ đẫm chất ma túy, tính độc quyền và sự thống trị của riêng nó. Tuy hấp hối suy tàn nhưng không phải là không còn tác dụng gì nữa, thứ ngôn ngữ này vẫn tích cực cản trở trí tuệ, kìm hãm lương tâm và tiềm năng của con người. Nó không dễ dàng tiếp thu sự tra vấn, cũng như không thể hình thành hay dung thứ những ý tưởng mới, định hình những suy nghĩ khác, kể một câu chuyện khác, lấp đầy những khoảng im lặng khó hiểu. Ngôn ngữ chính thức, thứ ngôn ngữ được trui rèn để trừng phạt sự vô tri và bảo toàn đặc quyền của nó, là một bộ áo giáp được đánh bóng lấp lánh đến mức kinh ngạc, một lớp áo mà chàng hiệp sĩ đã cởi bỏ từ lâu. Tuy nhiên, nó là thế đấy: ngu xuẩn, hung ác, đa cảm. Khơi dậy lòng tôn kính trong các em học sinh, cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ chuyên quyền, gợi lên những ký ức sai lầm về sự ổn định, hòa hợp trong quần chúng.

Bà ấy tin rằng khi một ngôn ngữ chết đi, vì tính bất cẩn, vì không được dùng đến, vì bị thờ ơ và không được quý trọng, hay vì bị tiêu diệt bởi các sắc lệnh, thì không chỉ bản thân bà mà tất cả những người sử dụng và tạo ra thứ ngôn ngữ đó đều phải chịu trách nhiệm cho cái chết của nó. Ở đất nước của bà, trẻ con ngậm miệng lại và thay vào đó, sử dụng đạn để lặp lại thanh âm của thứ ngôn ngữ phi lời nói, thứ ngôn ngữ bị khuyết tật và gây khuyết tật, ngôn ngữ mà người lớn đã ruồng bỏ hoàn toàn như một công cụ để nắm lấy ý nghĩa, đưa ra hướng dẫn hay để biểu lộ tình yêu. Nhưng bà biết, tự sát về ngôn ngữ không chỉ là sự lựa chọn của bọn trẻ con. Điều này cũng thường xảy ra đối với những kẻ ấu trĩ cầm đầu quốc gia và bọn con buôn quyền thế, mà thứ ngôn ngữ rỗng ruột của chúng khiến cho chúng mất đi kết nối với những gì còn sót lại trong bản năng của con người. Nhóm người này chỉ nói với những kẻ biết vâng lời hay buộc phải vâng lời.

Tình trạng cướp phá ngôn ngữ có tính hệ thống có thể được nhận biết qua hiện tượng người sử dụng ngôn ngữ có xu hướng loại bỏ các đặc tính về sắc thái, tính phức tạp và các đặc tính hỗ trợ cho khả năng sản sinh của ngôn ngữ, nhằm mục đích đe dọa và nô dịch. Ngôn ngữ áp bức không chỉ biểu hiện tính bạo lực; bản thân nó chính là bạo lực; không chỉ biểu hiện những giới hạn của tri thức; chính nó đã giới hạn tri thức. Cho dù nó là thứ ngôn ngữ nhà nước mơ hồ hay ngôn ngữ giả mạo của giới truyền thông thiếu suy nghĩ; cho dù nó là thứ ngôn ngữ đáng tự hào nhưng đã hóa đá của học viện hay ngôn ngữ khoa học được thúc đẩy bởi cơ chế hàng hóa thị trường; cho dù nó là thứ ngôn ngữ độc ác của luật pháp phi đạo đức, hay thứ ngôn ngữ được tạo ra để ly gián các tộc người thiểu số, che giấu hành vi cướp bóc phân biệt chủng tộc dưới cặp má hồng văn chương – nó phải bị bác bỏ, thay đổi, và phơi bày. Nó là thứ ngôn ngữ uống máu, che lấp những chỗ dễ bị tổn thương, nhét đôi ủng phát xít của nó dưới chiếc váy phồng của sự đứng đắn và lòng yêu nước, trong khi vẫn di chuyển không ngừng đến điểm mấu chốt và phịch đến tận đáy tư duy. Ngôn ngữ phân biệt giới tính, ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hữu thần – tất cả đều điển hình cho thứ ngôn ngữ trị an của kẻ thống trị, và do đó mà không thể cũng như không cho phép sự tồn tại của tri thức mới hay khuyến khích việc trao đổi ý tưởng với nhau.

Bà cụ nhận thức sâu sắc rằng không có kẻ trí thức tay sai, lẫn kẻ độc tài tham lam vô độ, chính trị gia được trả công hay kẻ mị dân; không một nhà báo giả mạo nào có thể bị thuyết phục bởi những suy nghĩ của bà. Đã có và sẽ có một thứ ngôn ngữ có khả năng kích động khiến cho quần chúng tiếp tục được vũ trang và trang bị vũ khí; khiến cho quần chúng bị tàn sát và tiến hành cuộc tàn sát ở các trung tâm thương mại, tòa án, bưu điện, sân chơi, phòng ngủ, và trên những đại lộ; ngôn ngữ khuấy động và tưởng nhớ nhằm che giấu lòng thương hại và sự phí hoài những cái chết vô ích. Sẽ có một thứ ngôn ngữ khéo léo hơn tán thành các cuộc hãm hiếp, tra tấn và ám sát. Đã có và sẽ có một thứ ngôn ngữ đột biến quyến rũ hơn, được tạo ra nhằm bóp nghẹt phụ nữ, bóp cổ họ như những con ngỗng trong dây chuyền sản xuất pate bằng chính những lời lẽ vi phạm chuẩn mực và không thể nói ra của họ; sẽ có nhiều hơn những ngôn ngữ giám sát được ngụy trang dưới hình thức nghiên cứu; ngôn ngữ chính trị và ngôn ngữ lịch sử đầy toan tính để làm câm lặng nỗi thống khổ của hàng triệu người dân; ngôn ngữ được tán dương nhằm kích động kẻ bất mãn và mất mát tấn công hàng xóm của mình; thứ ngôn ngữ giả thực nghiệm ngạo nghễ được tạo ra nhằm giam hãm những con người sáng tạo vào chiếc lồng của sự thấp kém và vô vọng.

Bên dưới tài hùng biện, vẻ đẹp say đắm, những liên tưởng học thuật, dù sôi nổi hay quyến rũ, trái tim của một ngôn ngữ như thế đang héo hon mòn mỏi, hoặc có lẽ không còn đập chút nào – nếu con chim đã chết rồi.

Bà đã nghĩ về chuyện, một cái gì đó có thể được xem là lịch sử tri thức của bất cứ ngành học nào nếu nó không bị ép buộc hay nhấn mạnh vào việc lãng phí thời gian và đời người, mà việc hợp lý hóa vì sự thống trị và những biểu hiện của sự thống trị đòi hỏi - những diễn ngôn chết người về sự loại trừ đã chặn đứng con đường nhận thức của cả kẻ loại trừ lẫn kẻ bị loại trừ.

Kiến thức phổ biến về câu chuyện tháp Babel đã kể rằng sự sụp đổ của tòa tháp là một điều không may. Rằng, chính sự xao nhãng, hay là sức nặng của nhiều ngôn ngữ kết tủa lại đã khiến cho kiến trúc của tòa tháp trở nên thất bại. Rằng, thứ ngôn ngữ bằng đá nguyên khối ấy sẽ xúc tiến việc xây dựng tòa nhà và thiên đường sẽ là nơi không xa ngoài tầm với. Bà tự nhủ, thiên đường của ai cơ chứ? Và là loại thiên đường gì? Có lẽ việc đạt đến thiên đường còn quá sớm, và hơi vội vàng nếu không ai dành thời gian để tìm hiểu những ngôn ngữ khác, những góc nhìn khác, và các thời kỳ chuyện kể khác. Nếu có thì chốn thiên đường trong trí tưởng của họ có thể đã được tìm thấy ngay dưới chân. Vâng, đúng là phức tạp, đòi hỏi nhiêu khê, nhưng lại xem thiên đường là cuộc sống này, chứ không phải là thiên đường ở kiếp sau.

Bà không muốn để lại trong lòng những vị khách trẻ tuổi của mình cái ấn tượng rằng ngôn ngữ nên bị ép buộc phải tồn tại, đơn thuần chỉ để tồn tại. Sức sống của ngôn ngữ nằm trong khả năng có thể miêu tả những cuộc đời có thật, có thể có thật hay tưởng tượng của người nói, người đọc và người viết. Mặc dù đôi khi vẻ duyên dáng của ngôn ngữ thay thế cho sự trải nghiệm nhưng nó không hoàn toàn thay thế cho trải nghiệm. Ngôn ngữ hướng về phía ý nghĩa trú ngụ. Khi Tổng thống Hoa Kỳ nghĩ về hình ảnh đất nước của ông biến thành nghĩa địa, và nói, “Thế giới sẽ ít chú ý cũng như không nhớ lâu về những điều mà chúng ta nói ở đây. Nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm ở nơi này,” lời nói giản dị của ông đã mang lại niềm hứng khởi với tính hằng sống, bởi lẽ nó khước từ cái thực tế 600.000 người chết trong một cuộc chiến tranh sắc tộc lớn giữa các tộc người. Khước từ việc tưởng niệm, xem thường “lời cuối”, lời “tổng kết” chính xác, thừa nhận “nói nhiều thêm hay nói bớt đi đều kém cỏi”, lời nói của ông thể hiện sự tôn trọng đối với khía cạnh không thể nghĩ bàn của cuộc sống mà nó thương tiếc. Chính sự tôn trọng đó đã làm bà xúc động, thừa nhận rằng ngôn ngữ không bao giờ có thể đáp ứng được cuộc sống, một lần và mãi mãi. Và ngôn ngữ cũng không nên như thế. Ngôn ngữ không bao giờ có thể ngăn chặn được tình trạng nô lệ, nạn diệt chủng, và chiến tranh. Nó cũng không nên khao khát cái kiêu ngạo có thể thực hiện được những công việc đó. Sức mạnh của ngôn ngữ và niềm hạnh phúc của nó nằm trong khả năng hướng đến những điều không thể diễn tả được.

Dù lớn lao hay nhỏ bé, đang được tìm tòi nghiên cứu hay bị phá hủy, hay chối từ được thần thánh hóa; dù đó là tiếng cười lớn hay chỉ là một tiếng kêu vô nghĩa lý, dù đó là thứ ngôn từ được lựa hay là sự im lặng được chọn, thì một ngôn ngữ không bị ai quấy rầy sẽ hướng tới tri thức chứ không phải đi đến chỗ hủy diệt. Nhưng ai mà không biết văn học bị cấm đoán vì nó tra vấn; bị nghi ngờ vì nó phê phán; bị xóa bỏ vì nó mang tính có thể lựa chọn? Và bao nhiêu người sẽ cảm thấy phẫn nộ với cái suy nghĩ phải tiêu hủy chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình?

Lao động ngôn từ thật là siêu phàm, bà nghĩ, bởi vì ngôn ngữ có tính sản sinh; ngôn ngữ sản sinh ra ý nghĩa giúp bảo toàn sự khác biệt của chúng ta, sự khác biệt giữa người và người – mà ở đó chúng ta chẳng ai giống ai.

Chúng ta chết. Đó có thể là ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng chúng ta thực hành ngôn ngữ. Đó có thể là thước đo cho cuộc sống của chúng ta.

“Ngày xửa ngày xưa,…” khách viếng thăm đã đặt cho một cụ bà một câu hỏi. Bọn họ, bọn trẻ ấy, là ai? Họ hiểu ra điều gì từ cuộc gặp gỡ này? Họ đã nghe thấy điều gì trong những từ sau cùng: “Con chim nằm trong tay của anh chị?” Một câu nói hàm chỉ đến cái khả năng có thể xảy ra hay chỉ là một câu nói còn để ngỏ? Có lẽ, điều mà bọn trẻ nghe thấy là “Đó không phải là vấn đề của tôi. Tôi là một bà già da đen mù lòa. Loại trí khôn mà tôi có được vào lúc này chính là ở chỗ biết rằng tôi không thể giúp được gì các anh chị. Tương lai của ngôn ngữ nằm trong tay các anh chị.”

Bọn trẻ đứng đó. Nghĩ rằng chúng đang không nắm vật gì trong tay? Nghĩ rằng chuyến viếng thăm chỉ là một mưu mẹo, một trò bịp hòng được nổi danh và được coi trọng, hay nhận được sự chú ý thích đáng mà chúng không hề có được trước đó? Một cơ hội để làm gián đoạn hay can thiệp vào thế giới của người lớn bằng thứ mùi hôi thối của bài diễn ngôn về chúng, vì chúng, nhưng không bao giờ dành cho chúng? Những câu hỏi cấp bách được đặt ra trong một tình huống có vấn đề, bao gồm cả câu mà đám trẻ hỏi bà cụ: “Con chim chúng tôi cầm trong tay còn sống hay đã chết rồi?” Có lẽ, câu hỏi này ngụ ý rằng: “Ai có thể nói cho chúng tôi biết sự sống là gì? Cái chết là gì?” Không có trò lừa bịp nào ở đây; hoàn toàn không ngớ ngẩn chút nào. Một câu hỏi thẳng thừng xứng đáng dành được sự chú ý của nhà thông thái. Một người già cả. Và nếu những người già và người thông thái đã từng sống và đối diện với cái chết lại không thể định nghĩa được thế nào là sự sống, thế nào là cái chết thì ai có thể làm được điều đó?

Nhưng bà đã không nói gì; bà giữ bí mật cho riêng mình; những suy nghĩ tốt lành về bản thân mình; và cả những lời phát biểu thâm sâu; đó là thứ nghệ thuật không cam kết của bà. Bà giữ khoảng cách, tôn trọng khoảng cách ấy, và thu mình vào chốn cô lập dị kỳ, trong một không gian đặc quyền và tế vi.

Tuyệt nhiên không một điều gì, không có lời nào được cất lên sau lời tuyên bố chuyển nhượng của bà. Một khoảng im lặng chìm sâu, sâu hơn cả cái ý nghĩa đã được biểu đạt qua lời nói của bà. Nó run rẩy – sự im lặng này, và bọn trẻ bực mình lấp đầy khoảng trống bằng một thứ ngôn ngữ được sáng tác tức thời.

“Bà không nói gì sao,” chúng hỏi bà, “Bà không thể nói một lời nào để chúng tôi có thể vượt qua lớp lớp thất bại của bà sao? Để vượt qua lối giáo dục bà vừa trao cho chúng tôi, đó hoàn toàn không có chút gì gọi là giáo dục, bởi lẽ chúng tôi đang tập trung chú ý vào những gì bà đã làm cũng như những điều bà đã nói? Để tới cái rào cản mà bà đã dựng lên giữa đức tính hào phóng và sự uyên thâm?

“Chúng tôi không có con chim nào trong tay, còn sống hay đã chết. Chúng tôi chỉ có bà cùng với câu hỏi quan trọng của chúng tôi. Có phải chăng việc chúng tôi không nắm gì trong tay khiến bà không chịu suy ngẫm, và thậm chí không chịu đoán mò? Bà không nhớ sao thuở còn thơ khi ngôn ngữ đối với bà là trò ma thuật vô nghĩa? Khi những điều bà có thể nói, lại không mang ý nghĩa gì? Khi trí tưởng tượng của bà cố gắng để nhìn thấy những thứ vô hình? Khi những câu hỏi và yêu cầu về câu trả lời vang lên cháy bỏng đến mức bà đã run lên giận dữ vì sự vô tri?

“Chúng tôi liệu có phải khởi đầu nhận thức bằng một cuộc chiến giữa những người hùng như bà đã đấu tranh và thất bại, không để lại trong tay chúng tôi một cái gì ngoại trừ thứ mà bà tưởng tượng ra ở đó? Câu trả lời của bà là khôn khéo, nhưng sự khéo léo đó khiến chúng tôi cảm thấy bối rối và lẽ ra cũng làm cho bà cảm thấy bối rối. Câu trả lời của bà thật khiếm nhã với giọng tự mãn. Một kịch bản dành cho đài truyền hình sẽ là vô nghĩa nếu trong tay chúng tôi không có gì.

“Tại sao bà không đưa tay ra, chạm vào chúng tôi với những ngón tay mềm, tạm gác lại những tuyên ngôn và bài học, cho đến khi bà biết chúng tôi là ai? Có phải chăng bà đã quá coi thường mánh khóe và lối hành xử của chúng tôi đến mức bà không thấy được rằng chúng tôi đang lúng túng không biết làm cách nào để thu hút sự chú ý của bà? Chúng tôi trẻ tuổi. Non nớt. Nhưng chúng tôi đã nghe thấy trong suốt đoạn đời ngắn ngủi này rằng mình phải có tinh thần trách nhiệm. Điều này có nghĩa lý gì khi thế giới biến thành một cơn thảm họa; mà ở đó, như một nhà thơ từng nói, “không cần thiết phải phô bày điều gì bởi vì mọi thứ đã hiện ra trần trụi.” Gia tài thừa kế của chúng tôi là một nỗi sỉ nhục. Bà muốn chúng tôi phải đeo cặp mắt già nua trống rỗng của bà để chỉ nhìn thấy sự độc ác và tầm thường. Có phải chăng bà nghĩ rằng chúng tôi đủ ngu ngốc để có thể tự lừa dối mình hết lần này đến lần khác bằng cách hư cấu về tinh thần dân tộc? Làm sao bà dám nói với chúng tôi về nghĩa vụ khi chúng tôi đang đứng ngập ngụa trong độc tố quá khứ của đời bà?

“Bà tầm thường hóa chúng tôi và tầm thường hóa cả con chim không tồn tại thực trong tay chúng tôi. Lẽ nào không có lấy một bối cảnh cho cuộc sống của chúng tôi? Không văn chương, không bài hát, không thi ca căng tràn dưỡng chất, không cả một nền lịch sử gắn liền với những trải nghiệm mà bà có thể truyền thụ để giúp chúng tôi có bước khởi đầu vững mạnh? Bà là người lớn. Một người già, một nhà thông thái. Hãy thôi nghĩ về việc giữ thể diện cho mình. Hãy nghĩ về cuộc sống của chúng tôi và kể cho chúng tôi nghe về cái thế giới riêng biệt của bà. Hãy sáng tác một câu chuyện. Cơ bản là trần thuật để có thể tạo ra những nhân vật như chúng tôi ngay chính thời điểm sáng tác. Chúng tôi sẽ không đổ lỗi cho bà nếu tầm với của bà vượt quá khả năng nắm bắt. Nếu tình yêu bắt lửa vào lời nói của bà thì những ngôn từ ấy sẽ chìm trong biển lửa và không để lại gì ngoài những vết bỏng. Hoặc nếu, dưới đôi bàn tay cẩn trọng của một bác sĩ phẫu thuật, lời lẽ của bà chỉ có thể khâu lại những nơi mà máu có thể chảy. Chúng tôi biết bà không bao giờ có thể làm được điều đó đúng cách – một lần và mãi mãi. Đam mê không bao giờ là đủ; và kỹ năng cũng vậy. Nhưng, hãy thử. Vì lợi ích của chúng tôi và cả của bà, hãy bỏ quên tên tuổi của bà trên đường phố; hãy cho chúng tôi biết thế giới hiện ra như thế nào đối với bà trong bóng tối và ngoài ánh sáng. Đừng bảo với chúng tôi phải tin vào điều gì, và kinh sợ điều gì. Hãy chỉ cho chúng tôi thấy chiếc váy rộng của niềm tin và những mũi khâu có thể giúp tháo gỡ chiếc khăn trùm của nỗi sợ hãi. Bà, một bà già, may mắn bị mù, có thể nói một thứ ngôn ngữ mà ngôn ngữ này cho chúng tôi biết rằng chỉ mình nó có thể làm được điều gì: bằng cách nào để nhìn thấy mà không cần hình ảnh. Ngôn ngữ một mình nó giúp chúng ta thoát khỏi nỗi sợ hãi về những thứ không tên. Ngôn ngữ một mình nó là sự suy tưởng.

“Hãy cho chúng tôi biết thế nào là phụ nữ để từ đó chúng tôi biết thế nào là đàn ông. Vật gì di chuyển ở bên lề. Vô gia cư ở chốn này thì gọi là gì. Gọi là gì khi phải rời xa khỏi người mà bà biết. Gọi là gì khi phải sống ở vùng ven của các thị trấn, những nơi vốn không thể nào chịu được sự bầu bạn của bà.

“Hãy kể cho chúng tôi nghe về những con tàu rời khỏi bờ biển vào dịp lễ Phục sinh, về nhau thai trên cánh đồng. Hãy kể với chúng tôi về đoàn xe chở những người nô lệ. Giọng hát của họ êm ái làm sao, đến mức hơi thở của họ hòa lẫn với tiếng tuyết rơi. Làm sao họ biết được từ linh cảm của một bờ vai gần nhất rằng, trạm dừng tiếp theo sẽ là trạm dừng cuối cùng của họ. Làm thế nào mà với đôi bàn tay cầu nguyện trong cuộc giao hoan, họ nghĩ về sức nóng, rồi đến mặt trời. Chìa khuôn mặt của họ lên như thể mặt trời đã ở đó để chiếm lấy. Họ xoay mình như thể đó là nơi họ được rước đi. Đoàn người dừng lại ở một quán trọ. Người lái xe cùng bạn tình cầm đèn bước vào để mặc những người nô lệ ngâm nga trong bóng tối. Khoảng chân không của con ngựa bốc hơi hòa vào tuyết bên dưới móng guốc của nó, tiếng xì hơi và tan đi của ngựa khiến cho những người nô lệ lạnh cóng cũng phải ganh tị.

“Cánh cửa quán trọ mở ra: một cô gái và một chàng trai rảo bước đi khỏi vùng ánh sáng đèn của quán. Họ leo lên chiếc giường trong xe. Ba năm nữa chàng trai sẽ có một khẩu súng, nhưng bây giờ cậu mang theo một chiếc đèn và một bình rượu táo ấm. Họ chuyền bình rượu từ miệng người này sang miệng người kia. Cô gái đưa ra bánh mì và thịt cùng với một thứ gì đó hơn thế nữa: một cái liếc mắt với người mà cô đang phục vụ. Một suất cho mỗi người đàn ông, hai suất cho mỗi người phụ nữ. Và một cái nhìn. Họ ngoái đầu nhìn lại. Điểm dừng tiếp theo sẽ là điểm dừng cuối cùng của họ. Nhưng tuyệt nhiên không phải ở đây. Nơi này đã được mọi người làm cho ấm lên.

Bầu không khí yên lặng trở lại sau khi bọn trẻ dứt lời, một hồi cho đến khi bà cụ phá vỡ sự yên lặng đó.

“Cuối cùng điều tôi mong đợi cũng đã đến”, bà nói, “Giờ thì tôi tin các anh chị. Tôi tin các anh chị với con chim đang không có ở trong tay vì anh chị đã thật sự bắt được nó. Hãy nhìn xem. Thật đáng yêu làm sao, chúng ta đã làm công việc này – cùng với nhau.”